TÁC ĐỘNG CỦA PHONG TRÀO ĐẤU TRANH
PHẬT GIÁO Ở MIỀN NAM VIỆT NAM 1963
ĐẾN QUAN HỆ MỸ - NGÔ ĐÌNH DIỆM
TS. TRẦN NAM TIẾN
& HUỲNH TÂM SÁNG
Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP.HCM
1. BỐI CẢNH LỊCH SỬ PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CỦA PHẬT GIÁO Ở MIỀN NAM VIỆT NAM NĂM 1963
Sau thắng lợi của phong trào Đồng khởi (1960), Cách mạng miền Nam đã có những chuyển biến nhảy vọt, qua đó thúc đẩy các phong trào đấu tranh chống Mỹ-Diệm phát triển rộng khắp ở toàn miền Nam Việt Nam. Chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm ngày càng lung lay trước phong trào cách mạng, thêm vào đó là cuộc đấu đá trong nội bộ của chính quyền Sài Gòn bột phát mạnh từ cuộc đảo chính hụt năm 1960 đến cuộc ném bom “dinh Tổng thống” của một nhóm sĩ quan ngụy năm 1962. Trong quan hệ với Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm cũng đã có những quan điểm, chính sách đi ngược lại “ông thầy” của mình, qua đó khiến cho quan hệ giữa Ngô Đình Diệm và chính giới Mỹ ngày càng xấu. Trước nguy cơ sụp đổ không thể tránh khỏi, chế độ Ngô Đình Diệm lại tự thúc đẩy nguy cơ đó thành hiện thực nhanh hơn qua chính sách đối lập với Phật giáo. Ngay từ năm 1959, đã có phong trào chống Diệm, chống Mỹ trong Phật giáo ở miền Nam Việt Nam. Ngay sau khi nắm quyền, Ngô Đình Diệm đã tỏ ra thù địch với Phật giáo qua việc cho tay chân phá phách chùa chiền, bắt bớ Tăng Ni, Phật tử, vu cáo Phật giáo “tiếp tay cho Cộng sản” để chuẩn bị đặt Phật giáo ra ngoài vòng pháp luật như đã làm đối với Cộng sản, trong khi Thiên Chúa giáo lại được đưa lên hàng quốc đạo. Mâu thuẫn giữa Phật giáo và chính quyền Ngô Đình Diệm ngày càng tăng cao.
Đầu năm 1963, Chiến thắng Ấp Bắc cùng sự phát triển của mô hình chiến tranh du kích tại Tây Nguyên và Trị Thiên đã góp phần thúc đẩy phong trào chống chính quyền Ngô Đình Diệm dâng cao ở toàn miền Nam. Sự sụp đổ của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm ngày càng hiện rõ. Trong bối cảnh đó, chính quyền Ngô Đình Diệm lại làm một việc đổ dầu vào đám lửa đỏ đang bùng cháy. Ngày 6-5-1963, trước lễ Phật đản 2 ngày, Tổng thống Ngô Đình Diệm ra lệnh bắt hạ cờ Phật giáo và cấm treo cờ Phật giáo trên toàn miền Nam trong ngày Phật đản 8-5-1963 vì lý do “quá sát với kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ của Cộng sản!”. Ngày 8-5-1963, chính quyền Sài Gòn tại Thừa Thiên lại cho cảnh sát nổ súng vào các tín đồ Phật giáo đang tập trung ở khu vực Đài phát thanh Huế, làm 8 người chết, 14 người bị thương. Sự kiện này như giọt nước tràn ly, khiến “trận lửa Phật giáo” đã bùng cháy dữ dội, bắt đầu từ Huế, nhanh chóng lan vào Sài Gòn và nhiều đô thị, nông thôn khác ở miền Nam.
Ngày 10-6-1963, Thượng tọa Thích Quảng Đức tự thiêu ở ngã tư Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng (nay là Cách Mạng Tháng 8 - Nguyễn Đình Chiểu) để phản đối chính sách kỳ thị và đàn áp Phật giáo ở miền Nam Việt Nam(1). Sự kiện này đã làm chấn động dư luận trong và ngoài nước. Phong trào đấu tranh của Phật giáo tiến lên một cao điểm mới. Hình ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu lập tức xuất hiện trên trang nhất của nhiều tờ báo Sài Gòn và thế giới. Cái chết của Thượng tọa Thích Quảng Đức lại làm cho Trần Lệ Xuân – vợ của cố vấn Ngô Đình Nhu hoan hỷ, qua đó thúc đẩy phong trào đấu tranh của Phật giáo chống chế độ Diệm tăng cao. Để hưởng ứng, đông đảo công nhân, lao động, học sinh, sinh viên, phụ nữ... dưới danh nghĩa Phật tử đã tham gia mạnh mẽ với những khẩu hiệu tích cực mà đỉnh cao là cuộc đấu tranh của 70 vạn quần chúng Sài Gòn - Gia Định vào ngày 17-6-1963 ủng hộ phong trào đấu tranh của Phật giáo, làm rung chuyển chế độ Diệm(2).
Làn sóng đấu tranh của Phật giáo và quần chúng nhân dân đã khiến cho chính quyền Diệm lo sợ và tiến hành đàn áp. Ngày 20-8-1963, chính quyền Sài Gòn buộc phải tuyên bố tình trạng thiết quân luật trên toàn miền Nam để lập lại an ninh, trật tự. Quân đội Sài Gòn được lệnh cấm trại toàn diện. Từ ngày 21-8-1963, chính quyền Sài Gòn bắt đầu các chiến dịch đánh vào những trung tâm lớn của phong trào Phật giáo như chùa Xá Lợi, chùa Ấn Quang, Viện Hóa đạo, bắt tất cả những nhà sư, Phật tử tham gia phong trào. Cùng lúc, những cuộc bắt bớ như vậy diễn ra ở Huế, Đà Nẵng và nhiều thành phố khác, trên toàn miền Nam. Trên 1.400 sư sãi và Phật tử bị bắt, trong đó có Hòa thượng Thích Tịnh Khiết đứng đầu Ủy ban Liên phái Phật giáo miền Nam Việt Nam. Trước sự đàn áp dữ dội của chính quyền Sài Gòn, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân khác vẫn tiếp diễn mạnh mẽ. Những diễn biến trên cho thấy chế độ Ngô Đình Diệm đã rơi vào tình trạng khủng hoảng triền miên, mâu thuẫn nội bộ càng thêm trầm trọng.(3)
Để hỗ trợ cho phong trào đấu tranh, cộng đồng Phật giáo đã sử dụng sức mạnh của các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước để tạo dư luận; đồng thời liên lạc với tòa đại sứ các nước để kêu gọi nước ngoài gây áp lực với Chính phủ Ngô Đình Diệm, hỗ trợ cuộc đấu tranh của Phật giáo. Các cơ quan truyền thông quốc tế đăng tải đầy đủ về cuộc đấu tranh của Phật giáo. Trong đó, báo chí Mỹ đã tập trung phản ánh rõ nét phong trào đấu tranh của Phật giáo ở miền Nam Việt Nam, qua đó tạo ra dư luận lớn ở Mỹ tác động đến Chính phủ Mỹ, buộc phải xem xét lại quan hệ với Chính phủ Ngô Đình Diệm. Về thực tế, quan hệ giữa chính quyền Ngô Đình Diệm và Mỹ đã ngày càng xấu đi. Cuộc khủng hoảng chiến lược Mỹ - ngụy ngày một trầm trọng. Có thể nói, thái độ “cứng đầu” của chính quyền Ngô Đình Diệm trước sức ép hạ bệ chế độ gia đình trị độc tài do Mỹ đạo diễn, những lục đục trong nội bộ tay sai, bất ổn về chính trị ở Sài Gòn đã đẩy Mỹ đến xu hướng thay Diệm, bộc lộ từ tháng 6-1963 khi Đại sứ Mỹ Nolting bị cách chức và Cabot Lodge sang thay. Cao trào đấu tranh Phật giáo và đấu tranh chính trị hè - thu năm 1963 càng thôi thúc Mỹ phải hành động sớm việc này.
Điều đáng ngạc nhiên ở đây chính là phong trào đấu tranh của Phật giáo năm 1963 đã có sự tác động đáng kể từ phía Mỹ. Các Phật tử chống lại chế độ của Diệm bởi lẽ họ cho rằng chính quyền Diệm có liên quan mật thiết với Mỹ và rằng những nỗ lực của Diệm nhằm tìm kiếm một giải pháp quân sự cho các vấn đề ở miền Nam Việt Nam gây phương hại đến lợi ích quốc gia và đại bộ phận tăng lữ. Tuy nhiên, các tăng lữ đã chưa nhận ra được rằng Diệm đã có những hoạt động nhằm kiềm chế Mỹ; ngược lại Washington cũng đã ngầm ủng hộ cho phong trào đấu tranh của Phật giáo tháng 11-1963 nhằm đạt được những lợi ích nhất định từ phía chính quyền Diệm.(4) Sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm đã tạo nên một tình huống trong đó các Phật tử đã đấu tranh bằng bất cứ giá nào nhằm ngăn chặn sự can dự chính trị và quân sự của Mỹ tại miền Nam Việt Nam và việc mở rộng cuộc chiến tranh.
2. NGUYÊN NHÂN BÙNG NỔ PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CỦA PHẬT GIÁO Ở MIỀN NAM NĂM 1963 NHÌN TỪ PHÍA MỸ
Bắt đầu từ năm 1960, chính quyền Ngô Đình Diệm đã có những hành động làm tổn hại đến đường lối của Mỹ; đặc biệt là cách thức điều hành chính quyền Sài Gòn và các hoạt động chống Cộng sản. Những việc mà Diệm và gia đình ông có thể làm chỉ là tập trung giết hoặc lưu đày những lực lượng đối lập. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara đã nhận định: “Diệm đã mất đi lòng tin và sự trung thành của dân chúng”.(5) Chính điều này đã nhen nhóm nên những mâu thuẫn giữa Mỹ và Ngô Đình Diệm. Thái độ “bất tuân” của Diệm đã khiến Bộ Ngoại giao Mỹ và các tướng lĩnh của Diệm bất mãn cao độ. Trong bối cảnh đó, phong trào đấu tranh của Phật giáo ở miền Nam năm 1963 như “giọt nước tràn ly” khiến Mỹ quyết định bật đèn xanh cho các lực lượng đảo chính trong quân đội Sài Gòn lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Tuy nhiên, bản chất của phong trào đấu tranh Phật giáo năm 1963 là kết quả logic từ nhiều nguyên nhân xuất phát từ chính sách cai trị độc tài, bất bình đẳng về tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm mà chính Mỹ đã nhiều lần “cảnh báo”.
Theo đánh giá từ phía Mỹ, nguyên nhân bùng nổ phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam năm 1963 xuất phát từ việc chính quyền Diệm đã thi hành các chính sách không hợp lòng dân, đặc biệt là các chính sách bất bình đẳng về tôn giáo. Chính việc thiên vị của Diệm đối với Công giáo đã gây ra sự bất mãn của đại đa số quần chúng còn lại. Ngoài việc tạo điều kiện cho các tín đồ Công giáo làm việc trong các bộ máy hành chánh, trao cho những người Công giáo quyền khai thác lâm sản và độc quyền sản xuất loại hàng hóa nông sản mới, Diệm và gia đình đã bổ nhiệm những người Công giáo vào cấp chỉ huy quân đoàn và cảnh sát. Nông dân ở miền đồng bằng sông Cửu Long thấy mình bị cai trị bởi những tỉnh trưởng, hạt trưởng, bởi những viên chức hành chánh ngoại lai thường là cao ngạo và tham nhũng...(6) Chính vì vậy, lực lượng ủng hộ Diệm chỉ là những người Công giáo, đặc biệt là những người di cư từ ngoài Bắc vào.(7) Cùng với thuyết Nhân vị và tư tưởng thiên vị Công giáo, cách cai trị của Diệm càng ngày càng trở nên không thể chấp nhận được. Đến năm 1963, Diệm đã trở thành một kẻ độc tài hoàn toàn, chỉ nghe theo ý kiến của những thân nhân trong gia đình. Từ đây, Diệm đã trở nên hoàn toàn xa lạ với quần chúng.(8)
Đứng trước thái độ bất mãn của nhân dân, Diệm đã có những toan tính nhằm dập tắt sự thù ghét này nhưng sự bất mãn của quần chúng đối với Diệm càng ngày càng tăng. Lúc này, các biện pháp đàn áp của Diệm cũng gia tăng với việc hàng ngàn người bị bắt giam, lưu đầy bằng lệnh của chính quyền thay vì phải được xét xử ở tòa án.(9) Thêm nữa, các chính sách đàn áp đẫm máu của Diệm đối với các nhà sư Phật giáo và các tín đồ Hòa Hảo, Cao Đài cho đến những người nông dân yêu nước, giới tư sản tôn trọng luật pháp, trật tự và những tướng lãnh đối thủ đã dấy lên làn song căm phẫn từ nhân dân.(10) Jeffrey Race, cựu cố vấn quân sự Mỹ cho chính quyền Sài Gòn cho biết “chính quyền Diệm khủng bố người dân còn hơn cả đối với phong trào cách mạng”. Thậm chí, ông còn nhấn mạnh rằng bệnh gần như hoang tưởng của Diệm về các vấn đề an ninh đã góp phần đưa đến những chính sách “khủng bố toàn diện nông dân Việt Nam, làm suy giảm trầm trọng sự ủng hộ từ quần chúng nhân dân”. Thay vì tìm cách cứu vãn niềm tin từ nhân dân, Diệm đã dùng khủng bố để bù đắp lại sự thiếu hụt ủng hộ từ người dân.(11)
Đến trước khi phong trào đấu tranh của Phật giáo diễn ra, chính quyền Ngô Đình Diệm đã không còn nhận được sự ủng hộ của quần chúng. Trong một báo cáo, tình báo Mỹ kết luận rằng chính quyền Diệm có khuynh hướng cai trị người dân với lòng nghi ngờ và cưỡng bức. Điều này “đã được đáp ứng bởi thái độ không thiện cảm và bất mãn của người dân”.(12) Đối với tôn giáo, đứng trước vấn đề dung hòa Công giáo và Phật giáo, Diệm đã tỏ ra thiên vị và hành động thiếu cân nhắc. Và cũng theo sự phát triển tất yếu từ sự thiên vị của Diệm khi mà “mọi viện trợ nhân đạo cho miền Nam đều qua các cơ sở của Giáo hội Công giáo và chỉ có những người Công giáo mới được Diệm bổ nhiệm vào trong chính phủ. Tuy rằng những chính sách như vậy đưa đến việc cải đạo hàng loạt, số tín đồ Công giáo chỉ chiếm vào khoảng từ 12 tới 13 phần trăm của dân số miền Nam”, Phật tử đã đấu tranh đòi quyền bình đẳng tôn giáo. Trước chính sách bắt bớ, đàn áp, khủng bố phong trào đấu tranh Phật tử của Diệm, Tổng thống John Kennedy đã không ủng hộ ông Diệm nữa.(13)
Bên cạnh đó, sự thiếu hiệu quả kéo dài của Diệm trong việc chống lại Cộng sản ở miền Nam Việt Nam đã khiến Mỹ mất lòng tin và chuyển hướng sang ủng hộ phong trào đấu tranh của các lực lượng chính trị đối lập Diệm ở miền Nam. Những yếu kém của chính quyền Ngô Đình Diệm không chỉ xuất phát từ những lý do chiến lược mà còn bởi các tác nhân đối nghịch, sự thiếu khả năng và tính toán sai lầm của Diệm. Sự nghi ngờ tất cả những người không có cùng đức tin Công giáo với mình cộng với niềm hoan hỷ với thành công trong việc dẹp bỏ các giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo đã khiến Diệm tự tin để bắt đầu chiến dịch chống Phật giáo.(14) Những mâu thuẫn nội bộ của chính quyền Diệm cùng cách cai trị độc tài thậm chí đã làm cho những tướng lĩnh có tư tưởng chống Cộng mạnh mẽ nhất cũng bắt đầu bất mãn và xa cách Diệm, và cũng không còn giữ được ý chí chống Cộng quyết liệt như trước đây nữa.(15) Chính những điều này đã khiến Diệm sa lầy và không tập trung vào công cuộc chống Cộng như người Mỹ mong muốn.
Có thể nói, Diệm đã đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Bernard B. Fall, sử gia và chuyên gia chính trị học tại Đại học Howard cho rằng chế độ Diệm sai lầm ở hai phương diện: (i) Một là, lực lượng quân đội không bao giờ thực sự hữu hiệu, (ii) Hai là, các sĩ quan quân đoàn không trung thành với lãnh đạo và nhắm mắt làm ngơ trước sự thất bại của chế độ.(16) Đường lối cai trị của Diệm đối với các tướng lãnh đã vấp phải sự khó chịu và chỉ trích từ phía Mỹ.Tình hình càng trở nên tồi tệ khi sự bạo hành kỳ thị đối với người phi Công giáo, đặc biệt là các Phật tử, đã gây nên sự rối loạn trong chính phủ. Trong quân đội thì quân nhân đào ngũ hàng loạt.(17) Chính điều này đã khiến người Mỹ vô cùng lo ngại cho sự tồn vong của chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Trong một cuộc tiếp xúc với Ngô Đình Diệm, Trueheart - Đại diện Mỹ đã chỉ ra rằng: “Chính quyền Kennedy không ưa thích tình trạng rối ren”(18). Trước những diễn biến có nguy cơ đe dọa lợi ích của mình, Chính phủ Kennedy đã bỏ rơi Ngô Đình Diệm, ngấm ngầm ủng hộ phong trào đấu tranh Phật giáo và khuyến khích đảo chính để lật đổ chế độ độc tài.
3. PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CỦA PHẬT GIÁO Ở MIỀN NAM 1963 – ĐỈNH ĐIỂM CỦA SỰ RẠN NỨT MỐI QUAN HỆ ĐỒNG MINH MỸ - DIỆM
Sau phong trào Đồng khởi, phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam phát triển mạnh mẽ. Chính sự yếu kém của chế độ Sài Gòn và của Diệm đã khiến chính quyền Mỹ không hài lòng. Đây chính là nguyên nhân chính khiến Mỹ quyết định can dự sâu vào tình hình chính trị rối ren của miền Nam Việt Nam. Phong trào đấu tranh của Phật giáo ở miền Nam Việt Nam nổ ra và phát triển trong năm 1963 đã thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế, đặc biệt là dư luận Mỹ. Người Mỹ đã vô cùng căm phẫn và tiếc thương trước hình ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để chống lại chế độ độc tài của chính quyền Công giáo Ngô Đình Diệm. Chính quyền Mỹ đã hối thúc Ngô Đình Diệm ngưng các hành động bắt bớ, khủng bố tôn giáo. Tuy nhiên, Diệm đã bỏ qua những lời khuyên của Mỹ, đồng thời không cải cách theo những gì phía Mỹ đề nghị.(19)
Điểm lại lịch sử cầm quyền của Diệm từ khi ông tổ chức cuộc “Trưng cầu dân ý” để phế truất Bảo Đại, lên làm Tổng thống (23-10-1955), có thể thấy Mỹ đã viện trợ tiền bạc, vũ khí và phương tiện quân sự rất lớn cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Tài liệu được giải mật của Lầu Năm Góc cũng nêu rõ: “Không có sự yểm trợ của Mỹ, Diệm hầu như chắc chắn không thể đứng vững được ở miền Nam. Về bản chất, chính quyền Ngô Đình Diệm chính là một sáng tạo của Mỹ”.(20) Tuy nhiên, tâm lý lo ngại và cảnh giác của Mỹ càng dâng cao khi trong một thời gian dài kể từ năm 1961, Diệm đã tìm cách nhằm hạn chế ảnh hưởng của Mỹ đối với chế độ gia đình trị của ông tại miền Nam Việt Nam.
Mặc dù là một quân bài của Mỹ nhưng tư tưởng độc tài gia đình trị mang nặng tính dân tộc, phong kiến đã gây nên tâm lý hết sức quan ngại từ phía Mỹ. Người Mỹ tin rằng quan hệ đồng minh Mỹ-ngụy sẽ sụp đổ nếu Diệm trở thành một “con ngựa bất kham”. Trong bối cảnh cuộc đấu tranh Phật giáo và sự tan rã được báo trước của chính quyền Sài Gòn đang cận kề cùng với những chính sách mang tính đơn độc và cứng rắn của Diệm đã khiến Mỹ tin rằng Diệm không còn là một con cờ chính trị của người Mỹ. Chính vì vậy, Mỹ đã quyết định sẽ “thay ngựa giữa dòng”. Với quyết định này, người Mỹ cho rằng một miền Nam dưới sự lãnh đạo “không-Diệm” sẽ hiệu quả hơn. Hay nói cách khác, ưu tiên hàng đầu của Mỹ lúc này chính là việc đầu tư cho một chế độ có thể chống lại phong trào Cộng sản hữu hiệu nhất. Như vậy, việc Mỹ ủng hộ phong trào đấu tranh Phật giáo miền Nam nằm trong những chuỗi suy tính chiến lược của chính quyền Kennedy. Trong đó, quyết định ủng hộ phong trào Phật giáo nhằm gây sức ép để Diệm thay đổi đường lối điều hành và nếu cần thì lật đổ chế độ Diệm.
Thực tế cho thấy, chính các thành viên trong Nội các của Mỹ cũng mang tâm lý nghi ngại và dẫn đến quan điểm loại bỏ con bài Ngô Đình Diệm. Để đạt được mục tiêu đó, việc Mỹ ủng hộ các phong trào đấu tranh của các lực lượng chính trị đối lập cũng nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm lật đổ Diệm. Đầu năm 1960, trước cuộc khủng hoảng chính trị triền miên tại miền Nam Việt Nam mà đỉnh cao là vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức, Mỹ đã đứng trước quyết định khó khăn về việc giải quyết vấn đề Ngô Đình Diệm. Trong nội bộ của Mỹ Review 2008, tại địa chỉ: http://www.historytoday.com/viv-sanders/turning-points-vietnam-war, truy cập ngày 3/5/2013. lúc này chia làm hai nhóm. Nhóm chủ trương loại bỏ Diệm như Cố vấn an ninh quốc gia George Bundy, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Roger Hilsman (Jr), Thứ trưởng Ngoại giao Averell Harriman…; nhóm vẫn tiếp tục ủng hộ Diệm có Bộ trưởng Quốc phòng McNamara, cố vấn quân sự cho Tổng thống Maxwell Taylor,… Ở Sài Gòn cũng có hai nhóm: Đại sứ Cabot Lodge kiên quyết muốn loại Diệm, tướng Paul Harkins muốn tìm cách thuyết phục Diệm cách chức Nhu, tách gia đình Nhu ra khỏi Diệm. Ngày 24-8-1963, Kennedy đã chỉ thị cho Đại sứ Cabot Lodge loại bỏ Diệm. Trong khi McNamara và tướng Maxwell Taylor vẫn ủng hộ biện pháp giải hòa và theo dõi các hoạt động của Diệm trong hai đến bốn tháng trước khi có hành động mạnh mẽ thì Cabot đã bí mật chuẩn bị cho các kế hoạch đảo chính.(21) Sau khi anh em Diệm - Nhu bị ám sát (2-11-1963), Cabot Lodge báo cáo rằng cuộc đảo chính mang ý nghĩa “chiến tranh có thể được rút ngắn đi nhiều”.(22)
Góp phần trong việc ủng hộ phong trào đấu tranh của Phật giáo năm 1963 và sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm có vai trò quan trọng của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Đặc biệt, các tập tài liệu của CIA được giải mã sau này đã cho thấy sự liên hệ mật thiết giữa CIA và chính quyền miền Nam Việt Nam. Mối quan hệ giữa CIA và các tướng lĩnh Sài Gòn thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào lãnh đạo cơ quan CIA, đại sứ Mỹ, và những nhà cầm quyền miền Nam Việt Nam. Thực tế, các chuyên gia CIA đã dự báo từ tháng 8/1954 rằng không sớm thì muộn chính quyền Diệm cũng vấp phải những vấn đề chính trị và trước khi phong trào Cộng sản ở miền Nam Việt Nam bắt đầu vào tháng 10/1958, CIA đã đánh giá rằng chính sách của Diệm đã bắt đầu không hợp lòng dân.(23) Chính thái độ của Ngô Đình Diệm đối với Mỹ đã chi phối các đánh giá và quyết sách của CIA đối với Diệm. Suốt thời gian Diệm cai trị, lãnh đạo quân sự của CIA tại Sài Gòn, một nhân tố quan trọng trong tất cả các phong trào bình định đã tuyên bố: “Các quan chức Việt Nam là trở ngại thật sự cho thành công”.(24) Trong số các tài liệu mật từ CIA, vấn đề quan hệ giữa CIA và Phật tử miền Nam Việt Nam rất đáng lưu ý. Tài liệu đã tiết lộ rằng CIA vẫn tiếp tục bí mật ủng hộ và huấn luyện một bộ phận Phật tử. Bởi lẽ, CIA cho rằng phong trào đấu tranh của các Phật tử này không phải do Cộng sản xúi giục.(25)
Ngoài ra, phản ứng của dư luận Mỹ cũng góp phần chi phối những quyết định của Mỹ đối với Diệm và phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam. Các cơ quan truyền thông Mỹ cùng những nhóm lợi ích đã “định hướng dư luận” về việc thay thế người lãnh đạo chính quyền miền Nam Việt Nam. Đặc biệt, phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam và những dự định của Mỹ cũng bị chi phối bởi Trần Lệ Xuân - vợ của Ngô Đình Nhu vốn nổi tiếng với tư tưởng chống Cộng và thù ghét Phật giáo. Trần Lệ Xuân đã lên tiếng thóa mạ, mạt sát cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Vợ Ngô Đình Nhu đã từng gọi các vị Đại đức, Thượng tọa là “sư hổ mang”, “bọn trọc đầu” và có những phát biểu xúc phạm như: “Tôi sẽ vỗ tay khi thấy một vụ nướng sư khác”(26). Trả lời phỏng vấn ký giả tờ New York Times, Trần Lệ Xuân đã không hề ngại ngần: “Tôi còn thách mấy ông sư thêm mười lần nữa. Phương pháp giải quyết vấn đề Phật giáo là phớt lờ, không cần biết tới”.(27) Phản ứng của Trần Lệ Xuân khiến dư luận trong nước lẫn nước ngoài thêm phẫn nộ. Trước việc Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu và phong trào đấu tranh dâng cao, phái bộ truyền thông Mỹ và chính quyền Diệm lúc ban đầu đã cố gắng làm giảm cường độ một số các nguồn tin chính thức thường cung cấp cho giới truyền thông.(28) Tuy nhiên, nỗ lực của Mỹ đã bất thành.
Dư luận Mỹ đã công khai phản đối chính sách đàn áp tôn giáo của Diệm và khiến uy tín của Diệm sụt giảm nghiêm trọng. Nhà sử học Seth Jacobs khẳng định Thích Quảng Đức đã “đốt cuộc thử nghiệm Diệm của Mỹ ra tro” và “không có lời bào chữa nào có thể gỡ gạc lại được danh tiếng của Diệm” một khi những bức ảnh của Browne đã hằn vào tâm trí của công chúng thế giới.(29) Có thể nói, sự kiện và hình ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu có sức lan tỏa vô cùng rộng khắp như “làn sóng điện làm sôi nổi dư luận trong cả nước Việt Nam và trên thế giới” đồng thời khiến “uy thế của Mỹ-Diệm bị một cú đánh tinh thần mạnh như trời giáng”.(30) Tại châu Âu, bức ảnh tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức được bày bán hàng loạt trên đường phố như những tấm bưu thiếp trong suốt thập niên 1960. Nhân dịp này, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã in bức ảnh ra hàng triệu bản và phân phát khắp châu Á và châu Phi như một minh chứng về “chủ nghĩa đế quốc Mỹ”.(31) Trước tình thế này, chính quyền Ngô Đình Diệm càng bất lợi khi dư luận đã nghiêng hẳn về phía lực lượng đấu tranh chống chính quyền Diệm.
Sau sự kiện ngày 11-6, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ thị cho Truehart yêu cầu Diệm phải công khai thỏa mãn hoàn toàn các nguyện vọng của Phật giáo bằng không Mỹ sẽ tuyên bố không nhắm mắt làm ngơ nếu Diệm thiếu thiện chí. Đến ngày 12-6, Phó Đại sứ William C. Truehart đã báo cho Diệm biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã mạnh mẽ khuyến cáo Diệm phải giải quyết vấn đề Phật giáo theo hướng hòa giải. Tuy nhiên, Diệm đã không đáp ứng yêu cầu của Mỹ. Ngày 25-6 Giám đốc CIA John Richardson đã tiếp cận Ngô Đình Nhu và đích thân thuyết phục Nhu nên hòa hoãn. Trái với thiện ý của Richardson, Nhu trả lời thẳng thừng rằng các cuộc biểu tình của Phật giáo là phi pháp và hăm dọa trầm trọng đối với chế độ. Và một chế độ không biết thi hành luật pháp thì chế độ đó phải đổ. Rõ ràng, Nhu đã gián tiếp cho Mỹ biết rằng ngay cả khi Diệm nhượng bộ thì Nhu cũng sẽ không để yên.(32) Nhằm đi đến quyết định dứt khoát về chế độ Ngô Đình Diệm, Đại sứ Cabot Lodge đã gặp gỡ và trao đổi với Diệm nhưng những gì ông nhận lại chỉ là sự vòng vo và im lặng. Trong báo cáo cho Nhà Trắng, Lodge đã kết thúc báo cáo rằng: Dựa vào tất cả tin tức và hiểu biết của Lodge về chính quyền Diệm, Lodge phải kết luận rằng trừ trường hợp bà Nhu và ông chồng cuồng tín của bà rời khỏi xứ, “Diệm có thể coi như là hết thuốc chữa”.(33) Những tín hiệu phát đi lần cuối cùng của Mỹ đã không được hồi đáp.
3. MỘT VÀI NHẬN XÉT
Có thể nói, phong trào đấu tranh của Phật giáo ở miền Nam năm 1963 là một trong những yếu tố chính khiến Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định thay thế chính phủ Diệm.(34) Ánh lửa của Thượng tọa Thích Quảng Đức đã làm cho dân Mỹ thấy dân chúng Việt Nam không đứng sau lưng chính quyền của họ và do đó dân Mỹ sẽ không ủng hộ chính sách Mỹ ở Việt Nam nữa.(35) Trước tình hình mâu thuẫn đang dâng cao, Kennedy rất cần sự ủng hộ của người dân trong nước nên ông đã bày tỏ thái độ khá thận trọng. Nếu Diệm thành công trong việc đàn áp các phong trào chống đối, Mỹ sẽ càng gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực định hướng và ảnh hưởng đến các chính sách của Diệm. Thậm chí nếu Diệm chấp nhận tuân theo sự chỉ đạo của Mỹ về cách ứng xử với Phật giáo ... thì việc chính quyền Diệm có thể kiểm soát các phong trào đấu tranh chống Diệm cũng không thể đảm bảo tương lai Diệm hoàn toàn tuân thủ mọi quyết sách của Mỹ tại miền Nam Việt Nam; mặc dù về mặt chiến lược họ đồng nhất trong chủ trương, đường lối tìm mọi cách ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa Cộng sản xuống khu vực Đông Nam Á nói chung, miền Nam Việt Nam nói riêng.
Việc Mỹ im lặng và không ủng hộ Diệm sẽ khuyến khích thêm các phong trào chống lại Diệm. Nếu các phong trào chống đối thành công, điều này sẽ cho phép Mỹ gây ảnh hưởng đến cục diện cũng như các chính sách của chính quyền kế nhiệm.(36) Nếu phong trào đấu tranh của Phật giáo thành công sẽ tạo ra một “khoảng trống quyền lực” (political vacuum) tại miền Nam Việt Nam. Trong khi các Phật tử càng mong muốn xóa bỏ vai trò của Mỹ thì Mỹ càng có điều kiện gia tăng ảnh hưởng. Mục đích của Mỹ là nhằm tạo nên tình trạng bất ổn và bạo loạn gia tăng, phong trào đấu tranh Phật giáo “nhằm tìm kiếm những giải pháp có thể tránh dẫn đến xung đột nhiều nhất có thể”, từ đó có thể khẳng định vai trò độc quyền của Mỹ đối với nền chính trị tại miền Nam Việt Nam.(37) Điều này đã được thể hiện rõ kể từ sau khi hai anh em Diệm - Nhu bị quân đảo chính bắn chết, hệ thống chính trị và quân sự của Việt Nam Cộng hòa bị suy yếu trầm trọng thì Mỹ đã nhân cơ hội này để can thiệp sâu, đỉnh cao là việc đưa quân trực tiếp tham chiến tại miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, lịch sử không bao giờ “chiều ý” những kẻ đi ngược dòng, chống lại xu hướng phát triển tất yếu của lịch sử. Nước Mỹ sau đó đã lao sâu vào “một cuộc chiến tranh làm mất lòng và gây chia rẽ nhất trong một thế kỷ của lịch sử nước Mỹ”.(38)
Nhìn chung, phong trào đấu tranh của Phật giáo ở miền Nam Việt Nam năm 1963 đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia và cuộc đấu tranh đã nhanh chóng góp phần làm suy yếu chính quyền Ngô Đình Diệm. Các chính sách bất bình đẳng về tôn giáo cùng các hành động đàn áp Phật giáo trong nước bị dư luận trong nước và thế giới lên án. Mâu thuẫn trong nội bộ Diệm, giữa Diệm và Mỹ trở nên gay gắt trước làn sóng cách mạng của nhân dân miền Nam, trong đó có phong trào Phật giáo, khiến cuộc đảo chính phải nổ ra trong ý đồ của Mỹ là để cứu lấy “chế độ thực dân kiểu mới” của chúng ở miền Nam. Có thể nói rằng chính phong trào Phật giáo và phong trào nhân dân đô thị chống chính quyền Ngô Đình Diệm trong năm 1963 là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự đổ vỡ mối quan hệ đồng minh Mỹ - Diệm và biểu hiện cụ thể là cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm (1-11-1963). Tuy nhiên, sau đảo chính, chính quyền tay sai của Mỹ ở miền Nam Việt Nam chẳng những không ổn định mà lại khủng hoảng trầm trọng hơn. Các cuộc đảo chính và phản đảo chính liên tục nổ ra ở Sài Gòn góp phần tạo thêm thời cơ thuận lợi cho phong trào cách mạng miền Nam tiến lên giành nhiều thắng lợi to lớn về sau.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. George C. Herring, John Wiley & Sons (1979), America’s Longest War: The United States and Vietnam, 1950-1975, New York.
2. Nguyễn Phúc Luân (chủ biên) (2001), Ngoại giao Việt Nam vì sự nghiệp giành độc lập, tự do (1945-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3. Nhiều tác giả (1993), Chung một bóng cờ: Về Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Robert J. Topmiller (2006), The Lotus Unleashed: The Buddhist Peace Movement in South Vietnam, 1964-1966, University Press of Kentucky.
5. Robert S. Mc Mamara (1995), Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Bản dịch của Hồ Chính Hạnh-Huy Bình-Thu Thủy-Minh Nga, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
6. Seth Jacobs (2006), Cold War Mandarin: Ngo Dinh Diem and the Origins of America’s War in Vietnam, 1950 -1963, Rowman & Littlefield Publishers.
7. Trần Văn Giàu (1966), Miền Nam giữ vững thành đồng, Tập II, Nxb. Khoa học, Hà Nội.
8. Trương Hữu Quýnh (chủ biên) (2010), Đại cương lịch sử Việt Nam toàn tập: Từ thời nguyên thủy đến năm 2000, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
9. Việt Nam Thông tấn xã xuất bản (1973), Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, Hà Nội.
10. William J. Rust (1985), Kennedy in Vietnam: American Vietnam Policy 1960-1963, Da Capo Press, New York.
1. Trong mùa hè và mùa thu năm 1963, có đến 6 tín đồ Phật giáo nữa tự thiêu theo gương Thích Quảng Đức.
2. Trương Hữu Quýnh (chủ biên) (2010), Đại cương lịch sử Việt Nam toàn tập: Từ thời nguyên thủy đến năm 2000, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr.1012-1015.
3. Nguyễn Phúc Luân (chủ biên) (2001), Ngoại giao Việt Nam vì sự nghiệp giành độc lập, tự do (1945-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 180.
4. Robert J. Topmiller (2006), The Lotus Unleashed: The Buddhist Peace Movement in South Vietnam, 1964-1966, University Press of Kentucky, pp. 4-5.
5. Robert McAfee Brown, Abraham Joshua Heschel and Michael Novak (1967), Vietnam: Crisis of Conscience, Association Press, New York, p. 30.
6. Neil Sheehan (1989), A Bright Shining Lie: John Paul Vann and America in Vietnam, Vintage Books, New York, p. 143.
7. Frances FitzGerald (1985), Fire in the Lake: The Vietnamese and the Americans in Vietnam, Vintage Books, New York, pp. 134-139.
8. Bernard Newman (1965), Background to Vietnam, Signet Books, New York, p. 117.
9. Thomas D. Boettcher (1985), Vietnam: The Valor and the Sorrow: from the Home Front to the Front Lines in Words and Pictures, Little Brown & Company, Boston, p.150; John Cooney (1984), The American pope: the life and times of Francis Cardinal Spellman, A Dell Book, New York, p. 312.
10. David T. Dellinger (1986), Vietnam revisited: from covert action to invasion to reconstruction, South End Press, p. 35.
11. Noam Chomsky, Edward S. Herman (1979), After the Cataclysm: The Political Economy of Human Rights, Volume I, Black Rose Books, Canada, pp. 30, 302-303.
12. George C. Herring, John Wiley & Sons (1979), America’s Longest War: The United States and Vietnam, 1950-1975, New York, p. 65.
13. Joseph L. Daleiden (1994), The Final Superstition: A Critical Evaluation of the Judeo-Christian Legacy, Prometheus Books, New York, p. 62.
14. Dr. John Guilmartin (1991), America in Vietnam the Fifteen-year War, Military Press, New York, p. 69.
15. Ralph K. White (1970), Nobody Wanted War: Misperception in Vietnam and Other Wars, A Doubleday Anchor Book, New York, p. 91.
16. Bernard B. Fall (1967), The Two Vietnams: A Political And Military Analysis, Frederik A. Praeger Publisher, New York, p. 250.
17. Avro Manhattan (1984), Vietnam Why Did We Go? The shocking Story of the Catholic “Church’s” Role in Starting the Vietnam War, Chick Publication, California, pp. 56, 89.
18. Việt Nam Thông tấn xã xuất bản (1973), Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, Hà Nội, 1973, tr. 35, 55.
19. Viv Sanders, “Turning Points in the Vietnam War”, published in History
20. Mike Gravel (1971), The Pentagon Papers: The Defense Department History of United States Decision Making on Vietnam, Beacon Press, p. 25.
21. Lưu Văn Lợi (2004), Ngoại giao Việt Nam (1945-1995), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 214-215.
22. Robert S. Mc Mamara (1995), Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Bản dịch của Hồ Chính Hạnh-Huy Bình-Thu Thuỷ-Minh Nga, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 96.
23. Thomas L. Ahern, Jr. (2000), CIA and the House of Ngo: Covert Action in South Vietnam, 1954-1963, Center for the Study of Intelligence, pp. 21-31, 127. Source: Freedom of Information Act (FOIA), United States.
24. Thomas L. Ahern , Jr. (2001), CIA and Rural Pacification in South Vietnam, Center for the Study of Intelligence, p. 59. Source: Freedom of Information Act (FOIA), United States.
25. Thomas L. Ahern, Jr. (1998), CIA and the Generals: Covert Support to Military Government in South Vietnam, Center for the Study of Intelligence, pp. 38, 43, 101. Source: Freedom of Information Act (FOIA), United States.
26. Michael O’Brien (2005), John F. Kennedy: A Biography, St. Martin’s Press, p. 859.
27. “Letters to the Times: Mrs. Nhu Defends Stand”, The New York Times, 14 August 1963.
28. Langguth, A. J. (2002), Our Vietnam: The War 1954-1975, Simon & Schuster, New York, p. 216.
29. Seth Jacobs (2006), Cold War Mandarin: Ngo Dinh Diem and the Origins of America’s War in Vietnam, 1950 -1963, Rowman & Littlefield Publishers, p. 149.
30. Trần Văn Giàu (1966), Miền Nam giữ vững thành đồng, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 342-343.
31. William W. Prochnau (1995), Once upon a Distant War, Times Books, New York, p. 309.
32. William J. Rust (1985), Kennedy in Vietnam: American Vietnam Policy 1960-1963, Da Capo Press, New York, pp. 94-107.
33. Nguyên văn tiếng Anh: Unless Madame Nhu and her fanatical husband left the country, Diem could not be saved. William J. Miller (1967), Henry Cabot Lodge: A Biography, James H Heineman, New York, p. 344.
34. Malcolm W. Browne (1968), The New Face Of War, Revised Edition, The Bobbs-Merrill Company, Inc. Indianapolis, New York, p. 263.
35. William Colby and Peter Forbath (1978), Honorable Men: My Life in the CIA, Simon & Schuster, pp. 205-206.
36. Research Memorandum From the Director of the Bureau of Intelligence and Research (Hughes) to the Secretary of State, Department of State, S/P Files: Lot 70 D 199, Vietnam 1963. Secret; No Foreign Dissem; Limit Distribution. A note on another copy of this memorandum indicates that it was placed in the President’s weekend reading file. (Kennedy Library, National Security Files, Vietnam Country Series, 6/63). Foreign Relations of The United States, 1961–1963, Volume III, Vietnam, January-August 1963, p. 408-409.
37. Thich Nhat Hanh (1993), Love in Action: Writings on Nonviolent Social Change, Parallax Press, pp. 1-13.
38. Pu-lơ (1986), Nước Mỹ và Đông Dương từ Ru-dơ-ven đến Ních-xơn, Nxb. Thông tin - Lý luận, Hà Nội, tr. 7.
Bình luận bài viết