Thông tin

TÀI LIỆU HÁN NÔM VỀ CHÙA THẦY

 

PGS.TS. ĐINH KHẮC THUÂN*

 

Tài liệu Hán Nôm về chùa Thày khá phong phú, song ở đây chúng tôi giới thiệu một số văn bản liên quan đến lịch sử và tên gọi ngôi chùa và ngọn núi này.

I. SÁCH ĐỊA CHÍ

Tài liệu địa chí tiêu biểu là Sơn Tây thành trì tỉnh, sách Hán Nôm, kí hiệu A.84/1, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, có đoạn chép về núi Sài Sơn được dịch ra sau đây:

Núi Sài Sơn: ở địa phận xã Thụy Khuê huyện Yên Sơn, còn có tên là Long Thạch sơn, Phật Tích sơn. Lại ở thôn Đa Phúc có núi Đẩu Sơn cũng gọi chung là Sài Sơn. Trên núi có 3 ngôi chùa. Một ở sườn núi gọi là chùa Cao, một ở chân núi gọi là chùa Cả, một ở bên trái núi gọi là chùa Một Mái, còn gọi là Bối Am. Bên trong chùa Cao có am Hương Hải, viện Bổ Đà. Phía trước có phiến đá dựng đứng. Bên trong có động gọi là hang Thánh Hóa, tục gọi là hang Cắc Cớ, nơi ngài Từ Đạo Hạnh trút xác (sự tích xem ở dưới) [13a]. Bên cạnh hang tạc đá thành hình giao long, có tượng phật, bia cổ. Có một bể nhỏ, nước theo thạch nhũ nhỏ xuống. Bên cạnh chùa có văn chỉ của thôn Đa Phúc. Trong chùa có am, là phần mộ của cung nhân họ Trần trong phủ chúa Trịnh. Phía nam có hang, tục gọi là hang Thần, tương truyền có sập vàng và ao cá, lại có đường thông với địa phủ, du khách không thể đi đến tận cùng được. Xưa kia người trong xã là cụ Phan Bối Am mang đủ đèn đuốc lương thực định đi đến tận cùng. Vào trong thì thấy một con sông với con giao long rất lớn, lại nhiều âm khí nên quay ra thì đã đi được bảy tám ngày đêm rồi. Trên núi có đám đất bằng phẳng chừng 5 - 6 thước vuông, gọi là chợ Trời. Tương truyền có người tiên đánh cờ. Bên dưới có cái hang tục gọi là hang Bò, nước trong xanh không bao giờ cạn, lại có nhiều cá. Bên cạnh ao sen trước chùa Đản Đại có hai cây cổ thụ, hai bên có hai cây cầu gọi là Nhật Tiên và Nguyệt Tiên. Trong chùa có tượng phật Từ Đạo Hạnh. Ở phía sau, hai bên đều là nhà ngói, bên trong có hai tấm bia cổ. Chùa Am ở trong sơn động, phía trước có hai cây cổ thụ, một nằm ngang, một hướng lên, gọi là thăng long và giáng long. Bên trong có một nhà thiêu hương, ba tòa tượng phật, tức là nơi thờ cung tần của chúa Trịnh và phụ mẫu của phu nhân Phan tướng công[1]. Bên trên có gác chuông, lại có miếu [13b] thờ Văn Xương đế và Quan Thánh đế. Bên cạnh có cái hang tục gọi là hang Bụt Mọc. Men theo cửa hang mà vào, bên ngoài thấy khó lọt người nhưng bên trong cực rộng rãi, có đá hình tượng Phật cho nên mới gọi như vậy. Vòng theo chân núi có thạch sàng, có cỏ văn chương, có hoa phú quí, phía sau có cái hang tục gọi là “Hang Gió”, trên vách có bia đá khắc thơ ngự chế ban tặng để úy lạo cụ Phan Huy Vịnh đi sứ trở về. Hội thần tổ chức vào ngày mùng 7 tháng 3, bốn xã Thụy Khuê, Đa Phúc, Khánh Tân, Sài Khê cùng rước tế. Xét, núi này phong cảnh xinh đẹp thanh kỳ lại nhiều sản vật, tựa như có cảnh thú bồng lai. Ngoài núi Tản ra, đây thực sự là danh thắng linh tích bậc nhất một vùng, mà núi Tử Trầm, Tượng Sơn, Trường Sơn chỉ là bậc dưới. Còn những núi khác như Long Sơn, Phượng Sơn, Lân Sơn, Qui Sơn, Hoa Phan, Ông Minh, Mã Yên, Chủy Lộ (núi Mỏ Cò) cũng có chỗ khả quan nhưng so với Sài Sơn thì không thể là một danh lam vẹn toàn như vậy.

Mục danh tích, chép về chùa Phật Tích như sau:

Chùa Thiên Phúc: ở chân núi Sài Sơn huyện Yên Sơn. Thời cổ gọi là am Hương Hải, còn gọi là Viện Bồ Đà. Bên tả chùa là tượng Từ Thiền sư, bên hữu là tượng Lý Thần Tông. ở giữa là tượng Phật. Thiền sư họ Từ, tên là Lộ, tự là Đạo Hạnh. Là người ở làng Yên Lãng huyện Vĩnh Thuận Hà Nội [44a] là vị cao tăng nổi tiếng tu trì tại đây. Vua Lý Nhân Tổng tuổi cao mà chưa có con nối dõi. Em của ngài là Sùng Hiền Hầu cũng chưa có con nối dõi. Sùng Hiền Hầu nói với ngài Đạo Hạnh về việc cầu tự, ngài Đạo Hạnh nói, sau này phu nhân sinh nở, phải đến bảo cho tôi biết trước. Về sau, phu nhân là Đỗ Thị sắp sinh, cho người chạy đến báo cho ngài Đạo Hạnh. Ngài Đạo Hạnh tức thì tắm rửa thay áo, vào trong động rồi hóa. Phu nhân lập tức sinh con trai, đó là vua Thần Tông. Người làng cho là chuyện lạ, bỏ thây vào một cái khám để thờ. Hàng năm vào ngày mồng 7 tháng 3, tục gọi là làm giỗ cho sư. Vào ngày đó trai gái tụ tập, là nơi vui chơi nổi tiếng một vùng. Thây của Thiền sư đến thời Minh Vĩnh Lạc bị quân Minh đốt mất. Người làng lại tô tượng để thờ. Niên hiệu Quang Thuận nhà Lê, cha của Trường Lạc Hoàng hậu cầu tự cho Hoàng hậu ở chùa này. Có một phiến đá bay đến, ngài bê về tạc tượng Phật để thờ, thế rồi Hoàng hậu mơ thấy rồng vàng bay vào sườn bên tả mà sinh ra vua Hiến Tông. Khoảng niên hiệu Cảnh Thống, lập am Hiển Thụy, khắc bia, đến nay vẫn còn [44b].

II. BI MINH

Bia minh ở khu vực núi Sài Sơn khá nhiều, bao gồm văn bia khắc trên bia đá, vách đá, minh văn khắc trên chuông đồng, khánh đồng, biển gỗ,... Trong đó có minh văn trên chuông đồng thời Lý, văn bia thời Trần, văn bia thời Lê sơ, thời Mạc và còn lại là thuộc thời Lê Trịnh, Tây Sơn và Nguyễn. Chúng tôi giới thiệu nội dung một số văn bia có niên đại sớm.

2.1. Minh chuông thời Lý

Minh chuông khắc trên chuông thời Lý, do ngài Từ Đạo Hạnh hưng công đúc, song bị phá hủy và được đúc lại vào thời Tây Sơn. Toàn bộ minh văn được khắc lại trên chuống thời Tây Sơn hiện đang được treo tại gác chuông chùa Thầy.

Nội dung minh văn được dịch như sau:

Dịch nghĩa:

Minh văn chuông lớn chùa Thiên Phúc

Vào tháng giêng năm Kỉ Sửu, niên hiệu Long Phù thứ 9 (1109) thiền sư Đạo Hạnh, xuất thân từ một gia đình quyền quý nước Cự Việt, đứng ra thu góp đồng đỏ được hơn hai nghìn cân để đúc một quả chuông lớn, treo ở viện Hương Hải, núi Bồ Đà (nay là núi Sài Sơn, Hà Nội). Chuông được gõ lên cả sáu thời[2] hành đạo, trên thì báo bốn ơn, dưới thì cứu tam đồ[3].

Diệu lí tuy chỉ có một, nhưng vọng cảnh thực rất nhiều; bẩm tính tuy chỉ duy nhất, song lại thiên biến vạn hoá lúc sinh thành. Trái lại, nhờ những vạn hoá ấy mà cái duy nhất được vẹn tròn. Không có hình, nhưng có thể lượng được, không một lời nói lại có thể hiểu rõ. Không hình, nhưng lại như có hình che phủ cả thế giới; không có lời nào, nhưng lại rộng truyền khắp muôn cõi Phật. Chật hẹp không vì thế mà trở ngại, tạp lưu không vì thế mà không thành thuần khiết. Nơi bụi trần mà hoa tạng trang nghiêm, sống nơi ô trọc mà châu ngọc vẫn không hoen ố. Đó chính là hạnh ý của chúng sinh, không chút khác biệt với tâm nguyện nhà Phật. Kẻ giác ngộ Phật thì lên được niết bàn, người u mê thì còn bị lục thú[4] sinh diệt. Vì thế mà tự thấy tủi buồn thương xót, mượn tướng danh cho đẹp thứ loài. Thánh hiền quy phục như kiến tìm mồi; thần lực phù hoá như gió dẹp cỏ. Hiểu biết mông lung, tà bệnh triền miên. Do đó cần phải tuân theo cổ giáo mà răn dạy, có vậy mới dần thức tỉnh. Việc giáo dậy, thì phải dựa vào điều căn bản mà thuyết giáo, nhấc một góc mà biết được cả đãy[5]; còn “khí” thì tích tụ khí tượng mà thành danh, lấy chuông lớn mà làm vật báu.

Chuông, ngoài thì tròn đầy, bên trong tỏ ý chứa rỗng. “Tròn” có nghĩa là luôn luôn dùng mà không hay; còn “Đầy” là lấy ý nghĩa khó huỷ hoại; “Chứa” nghĩa là chứa vào mà không trở ngại, còn “Rỗng” có nghĩa là phát huy vô tận. Nếu không như vậy, thì cớ sao nhà chùa vừa sai gõ chuông là sấm trời im tiếng, sáo đất lặng âm, tam giới tức thì tỉnh ngộ. May nhờ trí tuệ, mà tam đồ cùng mọi khổ luỵ vượt qua. Vậy sao chẳng lấy đó mà cứu vớt thiên hạ? Từ đó về sau hân hoan đèn hoa mở tiệc, nhân đó mà phật tử rộng lan, cùng vui lên cõi Phật. Dựa vào kích nhưỡng[6] mà thuyết pháp nghiêm cẩn. Vậy nay, ai là người kế nối đây, thật đáng tôn sùng vậy.

Đó chính là thiền sư Đạo Hạnh. Lúc nhỏ thanh tú khác thường, lớn lên thiên tư kì vĩ. Khi tụng tập Liên kinh, tiếng ngọc vang sang sảng; lúc xuất gia hành lễ, tâm Phật thấm từ bi. Lập bát chủng pháp[7] mà khắp cõi hết mực uy nghiêm; đọc tam khíp thư mà kinh Phật thảy đều quán triệt. Gặp khi đại hạn, đốt một ngón tay mà mưa xuống tràn trề; học cổ thư mà không ăn, ngồi đó nhiều năm mà mặt không sắc đói. Dân mắc dịch bệnh, bưng nước ra vảy mà hết mọi ốm đau. Việc chưa manh nha, dự đoán trước mà đúng như bùa phép.

Kinh Phật nói “Phật có tám biện lực[8], không phải thiền sư thì không thể kế nối âm thanh viên diệu. Phật định ra Phật giới, không phải thiền sư duy trì thì không thể vững bền được. Ruộng phúc Đế Thích[9], không phải thiền sư thì không thể gieo gặt hạt thơm được; Dược vương[10] đốt cánh tay, không phải thiền sư thì không thể chịu nổi. Quan âm cứu nạn, không phải thiền sư thì không thể nêu gương công danh; Cao tăng hiển dị, không phải thiền sư thì không thể nối gót thần linh”.

Nhưng khi thời vận hết, thì chọn nơi thư nhàn, ra thành Tây[11] để tránh huyên náo, trải họa lộ để lòng tĩnh tại. Sang qua sông là thấy một ngọn núi xanh; gạt đá cản mà vượt khỏi tục trần, dẹp cỏ dại để lên thượng giới. Núi này: sừng sững như Lăng già bao bọc, vằng vặc một vầng trăng thu. Có bậc thang lạ, dẫn vào am Phật đá. Mây ngũ sắc che tụ, ngọc thất châu buông rèm, lưới nhện đan xen, áo tơ rực rỡ. Dưới có dấu tích Phật, giữa rạng rỡ đài sen. Còn dấu tích xưa thì ngọc trắng ở dưới, thanh long cuộn ngoài; trên đài thì tê giác trấn bên, đuốc toạ liền hàng. Há chẳng giống đất Thứu Sơn tu Phật ru? Đó là do trước ngày bậc ẩn sĩ góp công đức dựng nên, đâu có khác thần linh tạo hoá. Thiền sư ở đây chưa đầy một tuần, mà đã cảm ứng tất cả. Hổ rừng về quy phục, rồng non tự về thuần dưỡng. Đêm yên tĩnh tụng niệm Liên kinh, ngày trời xanh gióng trống Hoa cổ. Sau sáu năm, ân huệ ban khắp. Các vương tử xe ngựa ồn ào, người khắp nước hương hoa cúng lê. Ngự thư ban chiếu, vua dự tiệc chay; ban bảo y ngang bậc thượng bằng, lên xe Phật sách cùng tứ quả. Ngày mãn tiệc chay, ban cho tiền bạc để dựng am ở núi. Đệ tử ai nấy đều rãi bày hết ý nguyện của mình, mà đồng thanh thưa rằng: “Đá núi thẳng đứng, đường mây chênh vênh. Thần lực Thiền sư đủ để trèo lên được, còn phàm khách thì lần theo cũng khó khăn. Nên tìm một chỗ phía dưới, cho hợp thắng địa. Mỏm núi khấp khúc, lên đó có Bồ đà kì dị, nước trong tận đáy có Hương Hải tuyệt thú làm sao”. Thế là sai thợ giỏi, xén đo ở giữa, rồi dựng am ngọc, sáng rạng tứ duy[12]. Ngồi toạ tướng Phật mà hào quang toả rạng. Truyền ngôn nhanh lan, rừng cây lên tiếng. Phút chốc các thiện tín kéo về, chẳng mấy ngày mà quang cảnh mới xuất hiện. Tìm xẻ gỗ quý, đắp lò ngói xanh; dấu mực thước dọc ngang, tiếng búa dìu chan chát. Nguy nga thiền viện mới, sừng sững lầu cao. Trồng thông gây bóng mát cho lối đi lại, làm vườn toả hương thơm nơi cảnh Phật.

Thiền sư nói rằng: “Thiền viện uy nghi, người về tấp nập. Không tránh khỏi mở trường thuyết pháp, nên phải có tiếng chuông treo tỉnh ngộ. Thuyết pháp tuy do ta, nhưng chuông thì phải theo nó”. Do vậy mà phải chân thoăn thoắt khắp nẻo đường, tựa lân vờn thú nhảy, như phượng múa rồng bay. Chưa đầy hai tuần[13], đã quyên góp được đồng chất cao như gò, sai đưa về chùa Hưng Phúc. Giáng che mây tụ, trời ban cung vàng. Nhào đất tạo hình, lò nung tinh luyện. Ngày đúc chuông, thiền sư không muốn khuếch trương, nhưng mọi người đều nêu gương ngài. Cảm tạ ân huệ Thái hậu[14] đã sai người đến quyên thí, ngựa xe đi mà nhà giàu góp hết của, già trẻ tới để thôn xóm vắng lặng không. Mọi việc đã xong, phút chốc, lửa lò thêm đỏ, thợ đúc nghiêm lệnh, trống chiêng vang góc biển, khói lò toả sáng như dải Ngân Hà. Chuông đúc xong rất linh dị, lại thêm điềm lành. Chẳng mấy chốc, chuông như đổi sắc như đoạt cả tuyết hoa, còn âm thanh thì át cả sấm gầm. Thiên hạ biết đến, ai nấy đều ngưỡng mộ. Thiền sư cho đưa về lầu Từ Bi ở bên núi Bồ Đà, treo lên thỉnh Phật. Đêm ngày hành đạo, trước là báo đáp đức Kim Thượng[15] được mãi mãi giáo hoá, ngự ngôi báu lâu dài. Nhờ vật báu quốc gia mà các đời phồn thịnh, dân ấm no và đất nước yên bình. Cầu nguyện tôn sùng mộ đạo, tâm đạt thuần chân, để phúc ấm cho bách tính, nhờ đó giúp rập nghiệp lớn, sau cùng bố thí làm điều thiện. Khắp chốn hương hoa, cảnh đầy phúc lộc, hết thẩy giác ngộ.

Thiền sư gặp tôi nói: “Nay chuông mới đúc xong, đó là do chúng sinh đều góp duyên. Ta không có công gì đáng ghi. Hãy lưu lại phương danh của các tín chủ, nhớ ghi chép để truyền lại đời sau”. Huệ Hưng thiển học, không dám chối từ mà nhờ cây bút viết làm bài minh.

Minh rằng:

Phật pháp dùng chuông lớn để cảnh tỉnh chừ, ngộ ngã tâm,

Thiền sư nhờ pháp khí mà giáo hoá trần thế chừ, phát tín âm

Cung trời đã tỏ lại muốn sáng sắc chừ, cầu tự giác

Địa phủ tối ngặt hình phạt chừ, phóng nhược thâm.

Ngày 9 tháng 8 năm Kỉ Sửu, niên hiệu Long Phù nguyên niên (1109) đúc chuông. Đại sa môn chùa Thiên Phúc Huệ Hưng soạn.

Năm Hưng Long 12 đời Trần Anh Tông (1314), Thánh chỉ ban cấp ruộng thờ[16].

2.2. Văn bia Am Hiển Thụy[17]

Bài minh và tựa bi am Hiển Thụy, chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích

Bậc đế vương ra đời tất có sự linh dị, hiển ứng sự linh dị tất có bằng cớ. Truy lại thời sơ cổ, vẫn rành rành có thể khảo được.

Xưa dẫm vào vết chân người khổng lồ mà Bào Hy khải thánh[18]; Cầu vồng sa xuống Hoa Chử mà Kim Thiên  giáng thân[19], mặt trăng thấu suốt sao Dao Quang mà Chuyên Húc làm vua[20], Đế Hàn tế trời mà Hậu Tắc hưng vượng[21]. Nhà Thương dấy nghiệp có triệu chim Huyền điểu[22], Đường Nghiêu xuất hiện có điềm xích long ra[23], Tung Thạch sinh Hạ Khải[24], Xích Tước hiện Chu Văn[25]... Điềm triệu phù hợp với sự tốt lành, xưa nay vẫn cùng một lẽ.

Kính nghĩ, Hoàng đế bệ hạ[26] nối ân phúc của tổ tông, hưởng đức trạch của tiền bối: Có điềm lạ khi ứng vận, có sự mừng khi ra đời, há chẳng hơn người, khác đời sao!

Nguyên là, chùa Thiên Phúc núi Phật Tích, đỉnh xây Thứu Lĩnh[27], động khởi Côn Luân[28]. Tây liền mây non Tản, đông ôm sóng Hát giang. Bậc chí nhân quan hóa[29], từng rong ruổi nơi đây, vách đá còn vệt trán, khám mây in dấu chân[30]. Từ thuở hỗn mang đến nay, vẫn y nhiên như vậy. Thật là phúc địa của đất Phật, động thiên của cõi tiên.

Hơn nữa, Từ công Đạo Hạnh đời Lý dựng am tu trì đến mấy chục năm, Thiên vương phải cảm động về “công” trì kinh[31], Pháp hữu đã chứng cho “quả” lúc thác thai[32]. Thoát xác như như[33], pháp thân Tào Khê[34] bất hoại; Đạo tâm trong lặng, Bảo tướng Đạt Ma[35] qui không. Thật là Đầu đà diệu thắng Pháp ấn viên minh vậy[36]! Có lẽ từ ức vạn năm nay, (nơi đây) ẩn tàng tốt lành, chung đúc vẻ đẹp, bàng bạc khắp đất trời là cốt để chờ bậc thánh nhân rồi mới phát chăng!

Thế rồi, đến niên hiệu Quang Thuận thứ nhất (1460), đảng ác đã diệt, ngôi báu phục hồi[37]. Thánh tông Thuần hoàng đế nhằm ngày mùng 6 tháng 6 năm đó tuyên bố lên ngôi, tìm người hiền thục đức hạnh để lập làm chính cung. Bấy giờ Trường Lạc Hoàng thái hậu là con gái thứ hai của Trinh Quốc công[38], phong tư tốt đẹp, dịu dàng đoan chính, xứng đáng được tuyển hàng đầu. Tháng 7 vào hầu, ban làm Sung Nghi[39], cho ở cung Vĩnh Ninh, được yêu quí nhất trong chốn hậu đình, chẳng bao lâu thì có mang. Trinh Quốc công sắp đặt việc cầu đảo cho Hoàng thái hậu ở am Từ công chùa này. Vừa lúc bắt đầu làm lễ, bỗng có một phiến đá bay lên rơi xuống trước mặt, ngài ôm lấy rồi chỉ cẩn thận kín đáo sai thợ tạc một pho tượng Phật, để phiến đá vào trong, lập một am khác để thờ mà không cho ai hay biết. Năm sau là năm Tân Tỵ (1461), giữa mùa thu, nhằm ngày 10 tháng 8, Thánh thượng hoàng đế ra đời. Tam cung vui sướng, cả nước thỏa lòng. Năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Quang Thuận thứ 3 (1462), Thánh thượng vì là con trưởng nên được lập làm Thái tử. Đạo nhân đức hiếu sớm thành, văn học lễ nghi mau đạt, gốc lớn nhờ vậy mà càng thêm hưng thịnh. Sang đầu niên hiệu Hồng Đức (1470), Hoàng Thái hậu từ Sung Nghi được phong làm Quý phi, ân lễ càng tăng.

Đến khi Trinh Quốc công sắp mất, có dặn gia nhân rằng: “Đá bay lên là điềm lạ, về sau may được ứng nghiệm thì phải lập bia để ghi lại việc này, lưu truyền mãi mãi”.

Mùa xuân niên hiệu Hồng Đức thứ 28 (1497), Thánh tông Thuần Hoàng đế qui tiên, Thánh thượng Hoàng đế lên nối ngôi. Xã tắc tông miếu được nhờ cậy; Đồng bằng miền núi đều về theo. Tôn Thánh mẫu Quí phi làm Hoàng thái hậu, cho ở điện Trường Lạc, phụng dưỡng chu đáo, cực kì vinh hiển, đủ cả phúc lộc bình an, con cháu đầu đàn, ban phúc đến tận phiên bang. Thịnh đạt tốt đẹp ngang với Chu Nhâm, Chu Tự[40].

Thánh thiên tử theo điển chương thánh hiền, thi hành nhân chính. Người lưu vong thì cho phục nghiệp, kẻ đạo tặc thì giúp hồi tâm. Mới vừa hai năm, thiên hạ đại trị. Thịnh đạt như thời Hán Văn đế, Đường Thái tông cũng chẳng sánh tày.

Niên hiệu Cảnh Thống thứ 3 (1500), Hoàng thượng nhớ đến nguyện vọng trước đây (của Trinh Quốc công), muốn hiển dương công lao của thần linh, đặc sai thần soạn văn bia. Đoái nghĩ thần nông cạn quê mùa, sao đủ sức tỏ rõ được cái lý cảm thông của Thần đạo. Nhưng đã được vâng minh chiếu, dám đâu không gắng sức tuân hành.

Ô hô! Sự cảm ứng giữa người và trời tinh vi lắm vậy thay! Bởi lẽ “Chí” đạt đến cực chí thì “Khí” cũng đạt đến cực khí; Khí đạt đến cực khí thì Lý cũng đạt đến cực lý, đó chính là lý vậy. Bao trùm trời đất, thấu suốt cổ kim, không bởi bày ra mới rực rỡ, không do che lấp mà tối tăm, nó tồn tại trong con người là ở sự cảm ứng trong tấc lòng vậy. Huống hồ, Thánh thiên tử có đức sáng từ nguồn xa, có may mắn từ tông tổ, đế vương ngày xưa chưa từng có vậy. Nhớ lại trước kia, khoảng niên hiệu Thiệu Bình triều ta (1434-1439), Quang Thục Hoàng thái hậu mộng thấy Ngọc đế trao cho một đứa trẻ, quả nhiên sinh ra Thánh tông Thuần hoàng đế. Đến sau Trường Lạc Hoàng thái hậu có điềm rồng vàng chui vào sườn bên tả mà sinh ra Thánh thượng hoàng đế. Điềm triệu chẳng phải ngẫu nhiên mà xuất hiện, thiên mệnh vốn có gốc sâu nguồn xa!

Trinh Quốc công hiểu biết tinh thông, thành tâm rất mực, sự cảm ứng của đá thần há phải ngẫu nhiên sao? Vả lại u minh vô nhị lý, vật loại vốn nhất nguyên. Biểu hiện ra trên trời là sao; chất ngưng trong đất là đá; nương theo người mà vận hành là thần, giáng điềm lành ở đức là người. Sự cảm ứng ở am Từ công là đá chăng? Là sao chăng? Là thần chăng? Là trời chăng? Là điềm lành chăng? Là đức chăng? Điều này kẻ tri thức nông cạn há có thể hiểu được! Trời xanh ban phúc, sông núi hiển linh, muôn thuở chỉ như một ngày, không ghi lại sự ban tặng tốt lành thì sao có thể hiển dương được sự may mắn quí giá đó. Kính cẩn chắp tay cúi đầu minh rằng:

Trời dựng đế vương     

Lễ nghi đủ phép

Tất có điềm lành          

Nối truyền tốt đẹp

Thành công khác lạ      

Đầu mối khôn lường

Để đức dài lâu              

Nhờ trời tác hợp

Thần dưỡng niềm vui   

Sớm ban mộng tốt

Đức tốt sáng soi            

Đáp rõ sự lành

Gánh vác chăm lo         

Trinh Quốc lo sâu

Được thần giúp đỡ        

Núi này rất trọng

Trăm đời tích nhân       

Lòng thành cầu đảo

Vạn đời được phúc       

Thần diệu cảm thông

Ban đến cháu con         

Bỗng có đá thiêng (... lược một số câu).

Niên hiệu Cảnh Thống năm thứ 3 (1500), ngày Tân Tỵ 28 tháng 5, mùa Hạ năm Canh Thân.

Lễ bộ Tả thị lang, Triều liệt đại phu kiêm Hàn lâm viện Thị độc chưởng Hàn lâm viện sự, thần Nguyễn Bảo phụng sắc soạn. Trung thư giám Trung thư xá nhân, Cẩn sự lang, thần Bùi Sĩ Nho vâng lệnh viết chữ. Hiển cung đại phu Kim quang môn đãi chiếu, thần Tô Ngại vâng lệnh viết chữ Triện. Cẩn sự tá lang Ngự dụng Giám san thư cục Cục chính, thần Phạm Bảo vâng lệnh khắc chữ.

2.3. Văn bia thời Mạc: Thủy các bổ kinh bi

Dịch nghĩa:

Bia ghi về Thủy các và san bổ kinh Phật

Lời tựa và bài minh về việc bà Thái Chiêu nghi sửa lại tòa Thủy các chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích và khắc bổ sung bản in kinh Phật ban phát cho dân.

Chùa Thiên Phúc ở núi Phật Tích là một danh lam lớn của nước Nam, rất mực linh thiêng, xưa nay nhiều lần báo ứng. Trong chùa có tòa Thủy các, lâu ngày hư hỏng, nhưng bản in kinh Kim cương vẫn còn. Nay bà Thái Chiêu nghi ở điện Quảng Đức là Nguyễn Ngọc Phương, người xã Đan Phượng huyện Đan Phượng, vào năm Đại Chính thứ 9 (1538) cùng cha là Nguyễn Văn Mỗi, anh là Nguyễn Lộc và bà con thân thuộc, mở lòng Bồ đề, tự xuất của nhà và phổ khuyến kẻ già, người trẻ trong bản phủ, sửa chữa tòa Thủy các, khắc bổ sung bản in kinh Phật ban phát cho dân. Bà lại cùng dân xã Lật Sài, tổng [] [], huyện Ninh Sơn kè đá ao sen, làm cho cảnh chùa mới đẹp, lưu lại lâu dài về sau. Đó là biểu hiện tấm lòng từ thiện vậy. Lòng tốt đó đã phát ra thì quả nhân cũng sinh ngay, phúc lộc dồi dào, cháu con đông đúc. Người xưa nói: “Làm điều thiện thì phúc trạch lớn lao”. Quả là công đức bao la biết nhường nào. Vì thế nay dựng bia ghi lại sự việc để khuyến khích người sau. Bài minh rằng:

Người muôn nết tốt                

Thiện căn ở trong

Chiêu Nghi đức quý                

Kế nối gia phong

Cha anh có đủ               

Công đức sẵn lòng

Thủy các xây lại           

Kinh Phật bổ sung

Có cảm có ứng              

Thỏa mãn ước mong

Thêm phúc con cháu     

Tăng thọ thánh cung

Lời minh khắc đá          

Truyền mãi vô cùng.

Thái Chiêu nghi Nguyễn Ngọc Phương. Khang vương Mạc Nhân Phủ, Hoàng tử thứ 8 Mạc Nhân Quảng. Hoàng nữ thứ tư Mạc Ngọc Xuất. Trinh Phú tử Nguyễn Văn Mỗi, Nguyễn Thị Tộc. Tú lâm cục Nho sinh Nguyễn Lộc.

Tạ Thị Quýnh, Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Đào Thị Uyển, Nguyễn Thị Đào. Tự phu nhân Nguyễn Thị Hợp, Bùi Thị Hinh, Bùi Bá, Nguyễn Bá Đạt, Nguyễn Bằng Cử.

Bản phủ sãi vãi: Hoàng Di Quyết, Nguyễn Bá Quả, Tạ Mỹ, Nguyễn Độ, Nguyễn Văn Cẩm, Nguyễn Khang Thái, Nguyễn Thị, Trần Thị Bổng.

Ngày lành tháng 3 năm Đại Chính thứ 9 (1538), Nguyễn Bá Thuật trung xá sinh Quốc tử giám soạn văn bia. Tự chính bản chùa Nguyễn Sự viết chữ.

III. THƠ ĐỀ VỊNH

Thơ đề vịnh chùa Thầy trước tiên là của vua Lê Thánh Tông với bài thơ chữ Hán Đề Sài Sơn tự, tiếp đó là các bài đề vịnh thơ chữ Hán và chữ Nôm của các chúa Trịnh thế kỷ XVII -XVIII và các danh nhân thời Nguyễn. Chúng tôi giới thiệu ở đây một số bài thơ đề vịnh của chúa Trịnh.

2.1. Thơ chúa Trịnh Căn

Thơ vinh chùa núi Phật Tích - Gồm cả lời dẫn

Ta vâng nối nghiệp vương, phò giúp hoàng đế. Kính cẩn chuyên cần, biết thời gắng sức. Sửa sang văn đức, gìn giữ kỷ cương; Tăng mạnh vũ công, mở mang bờ cõi. Bốn bể thấm nhuần thanh giáo; muôn loài tắm gội nhân ân. Điềm lành rực sáng, sao phúc lung linh. Gặp hội tốt trong buổi thăng bình; Theo lệ cũ đi thăm khắp chốn. Trải xem các danh lam thắng tích, đều thấy nhập vào ngọn bút phẩm đề.

Nay thấy chùa Thiên Phúc[41] ở núi Phật Tích như viên ngọc nổi lên giữa đám ruộng sỏi đá, rạng vẻ xuân tươi ở cả bốn mùa. Động tiên hệt như cõi thanh hư, bên vách còn in mây ráng. Ao rồng thông sang bến siêu độ, trên cầu đôi vầng nhật nguyệt. Núi tựa bình phong, sông như dải lụa. Đá in dấu lạ mãi mãi ghi điều thần diệu; vàng gieo sắc sáng, đường đường đầy dẫy quang minh. Tiếng Phật pháp đã vời được khách lạ dâng hoa; Đạo Đại thừa lại khiến cả người quê tiến quả. Đó chính là vườn xanh núi Thứu dời đến chốn nhân gian vậy. Trong khi ngoạn thưởng, cảnh hợp lòng người, trời đất mênh mông, ý thơ lai láng, làm được một bài thơ quốc âm, cho khắc vào đá để ghi việc thực.

Càn khôn vẹn thiểu[42] một bầu đông

Nảy nảy siêu nhiên chỉn lạ lùng

Hương vũ[43] tăng thiền soi vặc vặc

Vân song[44] tiếng ngọc nện loong loong

Trì thanh[45] leo lẻo ngư long hội

Non nhiễu trùng trùng cẩm tú phong[46]

Lọn[47] thế giới này giai cảnh ấy

Có bề quản đại có linh thông.

2.2. Thơ chúa Trịnh Cương

Thiên Phúc tự thi - Bài thơ chùa Thiên Phúc

Mấy chốn tùng lâm khắp trải qua

Nơi nơi viên tĩnh[48] […] tiên gia.

Non xanh gió cuốn mùi ưu bát[49]

Gác thẳm chuông đưa […] Pháp hoa[50]

Bóng hiện long trì[51] song nhật nguyệt[52])

Đồ phi[53] bích động rỡ yên hà.

Linh thông dấu hãy còn đinh ninh.

Nghiệm trước hình dung vẫn chẳng ngoa.

Trùng chập xây thạch bích lưng chừng

Thái lão gồm Thiên Tài[54] đỉnh nọ

Tần vận phủ từ vân[55] dung lãng[56]

Long Đấu kề Hoa Phát[57] triền kia.

Động rành rành di dấu Tiên ông.

Trì[58] phức phức[59] khoe danh quân tử,

Xem thể đinh ninh pháp giới[60],

Dường còn đồng vọng uy linh.

Cắc Cơ thi - thơ vịnh hang Cắc Cớ

Nên đích đương thú kỳ dị

Chiếm thanh u khéo khắt khe.

Hở hiên mai, xuyên bóng quế[61]

Xông cửa ngọc, nức mùi lê.

Tầng thạch kính in toà đấu

Trứ[62] liên đài[63] dãi vẻ khuê[64].

Trác tích cảnh này đấng ấy.

Độ bề đâu dễ phiên bì[65]

Vọi vọi quang nghi[66], bỡ ngỡ ánh lâu đài nhật nguyệt,

Làu làu tĩnh sắc[67], rỡ ràng phong cẩm tú yên hà[68]

Mang say Thiên phúc chốn mầu,

Lộ thể Đồng Lư[69] non lạ.

2.3. Thơ chúa Trịnh Sâm

Dịch thơ:

Thơ vịnh Sài Sơn 

Tượng thần khôi tạc tổn sùng xanh,

Tự cổ càn khôn đã có danh.

Thạch quật mở nên đồ chắn chắn,

Ngọc quân[70] in lẫn quán rành rành.

Hoa cười bên cửa dường như khách,

Vượn hót ngoài triền thấy thỏ kinh.

Là bấy chốn này rằng Phật tích,

Kìa thôn thiên phúc cảnh thiên thành.

IV. NHẬN XÉT

Về tên gọi, ngọn núi này được gọi là Sài Sơn, với tên Nôm là núi Thầy, nên tên chùa cũng được gọi chung là chùa Thầy. Ngoài ra, núi này thời Lý còn có tên là Bồ Đà Sơn, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh tu hành để lại hang Thánh hóa có dấu tích Phật, nên đến đời Trần được gọi là Phật Tích. Điều này cũng được sách Thiền uyển tập anh, chép như sau: “Thiền sư Đạo Hạnh (?-1117) ở chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích, họ Từ, tên Lộ. Cha là Vinh, làm quan tới chức Tăng quan Đô Án, thường đi học tại làng An Lãng. Lấy một người con gái họ Tăng rồi theo quê vợ…”.

Tài liệu địa chí cho biết rõ hơn rằng ở thôn Đa Phúc có núi Đẩu Sơn cũng gọi chung là Sài Sơn hay núi Bồ Đà, đến thời Trần mới có tên là Phật Tích. Trên núi có 3 ngôi chùa. Một ở sườn núi gọi là chùa Cao, một ở chân núi gọi là chùa Cả, một ở bên trái núi gọi là chùa Một Mái, còn gọi là Bối Am. Bên trong chùa Cao có am Hương Hải, viện Bổ Đà. Phía trước có phiến đá dựng đứng. Bên trong có động gọi là hang Thánh Hóa, nơi Từ Đạo Hạnh thoát xác. Tên gọi là Phật Tích này còn gặp trên các văn bia thời Mạc và thơ đề vịnh thời Lê Trịnh về sau.

Ngọn núi này thời Lý được Thiền sư Từ Đạo Hạnh dựng chùa tu luyện, trở thành đại danh lam thời Trần. Thời Trần quy mô chùa mở rộng, nhất là ruộng thờ, nên có văn bia dựng năm 1294 ở chùa Long Đẩu ghi lại ruộng Tam bảo chùa, cùng minh văn khắc năm 1346 trên bệ tượng chùa Thiên Phúc. Thời Lê Sơ, mặc dù triều đình đề cao Nho giáo, hạn chế Phật giáo, nhưng chùa Phật ở đây, nhất là sự hiển ứng của Thánh hóa nên vẫn được tôn sùng. Chính vua Lê Thánh Tông đã đến và đề thơ, người kế ngôi vua Lê Thánh Tông nhờ cầu đảo ở đây mà sinh thành và lên ngôi đã sai khắc bia tạc dạ ở am Hiển Thụy này. Thời Mạc tiếp tục là nơi tu hành và in ấn kinh Phật ban phát cho đệ tử. Thời Lê Trịnh và thời Nguyễn, chùa được tu bổ, mở rộng quy mô, trở thành nơi hành hương lớn trong vùng.

Chùa Thầy, núi Thày hay núi Phật Tích bao gồm một quần thể kiến trúc tôn giáo quy mô trải dài trong lịch sử, để lại di sản Hán Nôm vô cùng phong phú, cần sưu tập, dịch chú để phổ khuyến rộng rãi cho ngày nay và muôn đời sau.



* Viện Nghiên cứu Hán Nôm

[1] Tức Phan Huy Ích

[2] Sáu thời: Phật giáo chia thành 3 giờ ngày và 3 giờ đêm. Chỉ một ngày một đêm.

[3] Tam đồ: tức ba đường ác nghiệp trong Phật giáo là địa ngục, nga quỉ (quỉ đói) và súc sinh.

[4] Lục thú: Phật giáo Đại thừa cho rằng chốn mà chúng sinh luân hồi có 6 loại là Địa ngục, Ngã quỉ, Súc sinh, Atula, Nhân, Thiên.

[5] Nói về phương pháp giảng dậy "cử nhất ngung", tức là chỉ dạy một phần, nhưng có thể hiểu được các phần còn lại.

[6] Kích, có thể là kích nhưỡng, tập sách của Đạo tạng, chủ trương “Tiến thì thi hành cái đạo của mình, thoái thì dưỡng cái toàn vẹn của mình”. Từ điển Nho Phật Đạo (bản dịch), Nxb. Văn học, thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr. 662. Hiểu theo cách này khả dĩ phù hợp với ý chỉ của Thiền sư Đạo Hạnh.

[7] Chỉ 8 loại công đức; Chẳng đọa địa ngục, chẳng đoạ súc sinh, chẳng đoạ Atula, ... Từ điển Nho Phật Đạo, Sđd., tr. 86, 87.

[8] Chỉ 8 loại biện lực của Phật: "Không biện luận một cách yếu ớt, không biện luận một cách hoa mĩ, không biện luận một cách sợ hãi, không biện luận một cáh kiêu mạn, biện luận có đầy đủ ý nghĩa, biện luận có đầy đủ dư vị, không biên luận ngô nghê và nên tuỳ thời mà biện luận". Từ điển..., tr. 82.

[9] Ý chỉ ruộng Tam bảo.

[10] Dược vương tức vị thần của nghề y học.

[11] Ý chỉ phía tây thành Thăng Long, đi lên núi Sài (nay thuộc Hà Nội).

[12] Tứ duy tức bốn thứ đạo đức là: lễ, nghĩa, liêm, sỉ.

[13] 1 tuần là 10 ngày.

[14] Thái hậu tức Nguyên phi Ỷ Lan, phu nhân của Lý Thánh Tông, mẹ của Lý Nhân Tông (1072-1128).

[15] Kim Thượng tức Lý Càn Đức, miếu hiệu Nhân Tông (1072-1127).

[16] Câu này được khắc thêm vào thời Trần, ghi ruộng thờ.

[17] Am Hiển Thụy ở núi Thầy, nay thuộc xã Sài Sơn huyện Quốc Oai. Am này trước được gọi là am Từ công, sau khi dựng bia được đổi là am Hiển Thụy (hiển ứng điềm lành).

[18] Bào Hy: Phục Hy, là vị vua sinh ra loài người theo thần thoại Trung Quốc mẹ, ông dẫn vào vết chân người khổng lồ, cảm động mà sinh ra ông.

[19] Mẹ Thiếu Hiệu thấy sao sa như cầu vồng xuống bến Hoa Chử mà sinh ra ông. Sao Dao Quang: ngôi sao thứ bảy trong chòm sao Bắc Đẩu. Tương truyền mẹ của Chuyên Húc nhìn thấy sao Dao Quang xuyên thấu mặt trăng mà sinh ra ông - là một vị vua thời sơ cổ của Trung Quốc, nối ngôi Hoàng đế.

[20] Sao Dao Quang: ngôi sao thứ bảy trong chòm sao Bắc Đẩu. Tương truyền mẹ của Chuyên Húc nhìn thấy sao Dao Quang xuyên thấu mặt trăng mà sinh ra ông - là một vị vua thời sơ cổ của Trung Quốc, nối ngôi Hoàng đế.

[21] Hậu Tắc: Quan coi việc nông nghiệp thời Đế Thuấn.

[22] Kinh Thi có câu: “Thiên mệnh Huyền điểu, giáng nghi sinh Thương” (Trời sai chim Huyền điểu giáng xuống mà sinh ra nhà Thương).

[23] Vệ Đế Cốc thấy điềm rồng đỏ, có thai 14 tháng mà sinh ra vua Nghiêu.

[24] Hạ Khải: Mẹ Hạ Khải ở núi Tung, sinh ra ông rồi hóa đá. Con trai vua Vũ, nối ngôi Vũ làm vua nhà Hạ (Trung Quốc).

[25] Chu Văn: Chu Văn Vương, vua đầu tiên của nhà Tây Chu, rất được nho gia sùng bái. Khi Chu Văn vương ra đời có chim xích tước đậu ở đầu ngõ báo điềm tốt.

[26] Vua Lê Hiến Tông, trị vì từ 1497 - 1504

[27] Thứu Lĩnh: Núi ở Trung Ấn Độ, là nơi thuyết pháp của Đức Phật

[28] Côn Luân: Núi tiên trong thần thoại Trung Quốc. Đạo giáo cho đây là nơi ở của Thần tiên.

[29] Quan hóa: quán sát và giáo hóa.

[30] Từ Đạo Hạnh, thiền sư đời Lý, từng tu hành ở núi Phật Tích, ông thường ngồi tỳ trán vào vách đá niệm kinh Đại bi đà la, niệm trọn mười vạn tám ngàn lần, đến nỗi trán tỳ lõm cả vách núi. Ngày nay ở vách đá am này vẫn còn vệt lõm, tương truyền là do ngài Đạo Hạnh tỳ trán đọc kinh.

[31] Đạo Hạnh đọc kinh kiên trì đến mức một vị thiên thần là Trấn thiên vương cảm phục đến xin ở bên Đạo Hạnh để ông sai bảo.

[32] Tương truyền sư Nguyễn Minh Không cùng tu với Đạo Hạnh, Đạo Hạnh đã hóa hổ dọa bạn, Minh Không bèn bảo “Muốn làm kiếp ấy thì sau được làm”. Sau Đạo Hạnh đầu thai làm Lý Thần Tông, có lần hóa hổ, phải nhờ Minh Không cứu giúp.

[33] Như như: Từ Phật giáo, chỉ trạng thái Chân như thường trụ, “bất thiền bất động tức như như”. Chân thực, thường tình.

[34] Tào Khê: Một tông phái Phật giáo. Do kế thừa pháp mạch của vị sư tổ Nam tông Thiền tông của Trung Quốc là Tào Khê Tuệ Năng ở đời Đường nên có tên gọi như vậy.

[35] Đạt Ma: Bồ Đề Đạt Ma, đệ nhất tổ của Thiền tông. Cả 2 câu ý nói ngài Đạo Hạnh tu theo Thiền tông đã đắc đạo.

[36] Đầu đà: Chỉ các tu sĩ đắc đạo; pháp ấn: lối truyền đạo theo khẩu ấn hoặc thủ ấn của nhà Phật, câu này ca tụng sự tài năng thông đạt của ngài Từ Đạo Hạnh.

[37] Chỉ sự kiện Lạng Sơn vương Nghi Dân làm phản cướp ngôi Lê Nhân tông năm 1459.

[38] Trinh Quốc Công: Thái úy Nguyễn Đức Trung, người ở Gia Miêu, Tống Sơn, Thanh Hóa, cha của Trường Lạc Hoàng Thái hậu, ông ngoại vua Lê Hiến tông.

[39] Sung Nghi: Bậc thứ 3 trong cửu tần (9 bậc cung tần), đứng sau hàng phi.

[40] Chu Nhân, Chu Tự: tức Thái Nhâm - mẹ của Chu Văn vương và Thái Tự - mẹ của Chu Vũ vương.

[41] Chùa Thiên Phúc. Còn có tên là chùa Thầy, ở trên núi Phật Tích, xã Sài Sơn huyện Quốc Oai, Hà Nội. Bài này cũng thấy chép trong tập Hồng Đức quốc âm thi nhưng mang tên “Thiên Phúc tự”.

Xét thấy trong sách Tang thương ngẫu lục (Bản dịch, Nhà xuất bản Văn hóa 1960) ở truyện “Bài ký chơi núi Phật Tích”, Phạm Đình Hổ viết: “Giờ Tị qua cầu Nguyệt Tiên lần bậc lên núi. Trên lưng núi có bia, khắc bài thơ chế của chúa Định Vương (Trịnh Căn)”, tr.58. Cứ liệu này cho phép ta xác minh bài thơ này là của Trịnh Căn chứ không phải là thơ thời Hồng Đức.

[42] Vẹn thiểu: Đầy đủ, trọn vẹn.

[43] Hương vũ: Ngôi nhà thơm tho.

[44] Vân song: Cửa sổ có mây phủ.

[45] Trì thanh: Ao trong.

[46] Non nhiễu: Núi non bao bọc xung quanh. Cẩm tú phong: Vóc lụa bao bọc lấy.

[47] Lọn: Trọn vẹn, khắp cả.

[48] Sau chữ Tĩnh, văn bản bỏ trống 1 chữ.

[49] Ưu bát: từ nhà Phật, là tên một loài hoa lá dẹt, gần cuống thì hơi tròn, phía đầu nhỏ dần giống như mắt Phật.

[50] Pháp Hoa: kinh Pháp Hoa.

[51] Long trì: ao rồng.

[52] Song nhật nguyệt: hai vầng nhật nguyệt.

[53] Phi: mở ra. rỡ: rực rỡ, chói lọi.

[54] Thiên Tài: chưa rõ ở đâu.

[55] Từ vân: trong “từ vân pháp vũ” nghĩa là: mây từ bi (mưa pháp bảo) cứu được khổ cho chúng sinh.

[56] Dung lãng: sáng sủa

[57] Hoa Phát: chùa Hoa Phát, không rõ ở đâu?

[58] Trì: ao.

[59] Phức phức: hương thơm.

[60] Pháp giới: giới lý nhà Phật.

[61] Bóng quế: chỉ bóng trăng.

[62] Trứ: rõ rệt.

[63] Liên đài: đài sen.

[64] Khuê: sao Khuê.

[65] Phiên bì: (hay phen bì) So sánh, sánh với.

[66] Quang nghi: dung nghi sáng rỡ.

[67] Tĩnh sắc: vẻ yên ổn.

[68] Yên hà: mây và khói.

[69] Đồng Lư: chưa rõ ở đâu.

[70] Ngọc quân: như nghĩa chữ ngọc đẩu là đấu ngọc.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 39
    • Số lượt truy cập : 6126558