TẠI SAO PHẬT CHỌN LOÀI NGƯỜI ĐỂ ĐẢN SANH?
TẠI SAO PHẬT CHỌN LOÀI NGƯỜI ĐỂ ĐẢN SANH?
MINH NGỌC
Nếu dựa trên mức độ hưởng thụ vật chất và tinh thần, thỏa mãn những điều kiện vui sướng tốt nhất, theo như Kinh Luận Phật đã phân tích, thì có 6 loại chúng sinh từ cao xuống thấp, là: Trời, Người, A tu la, Súc sinh, Ngạ quỷ và Địa ngục. Loài Trời sung sướng nhất, vui nhiều khổ ít, cứ thế xuống dần đến Người… khổ tăng dần và sướng giảm dần cho đến mức thấp nhất. Trời có ba cấp: Dục, Sắc và Vô Sắc. Riêng Trời, cõi Dục có 6 tầng: Cao nhất là Tha Hóa Tự Tại, tiếp xuống Hóa Lạc, Đâu Suất, Dạ Ma, Đao Lợi và Tứ Thiên Vương là thấp nhất. Cao thấp ở đây trên phương diện về tuổi thọ, sắc đẹp, thần thông, hưởng thụ vật chất, tinh thần, dục lạc cho đến mọi sinh hoạt. Trời là cao nhất, sướng nhất, không ai không ước muốn thành “ông Trời” có đủ tất cả quyền uy, tự tại… thậm chí đến chết cũng muốn sinh lên Trời (Thiên đàng)… Thế mà, Bồ tát Tất Đạt Đa đang sinh sống ở cõi trời Đâu Suất lại không ở luôn trên trời để thành Phật, mà chọn cõi Người ngập tràn đau khổ để đản sinh! Tại sao và việc làm đó có ý nghĩa thế nào?
Như đã nói trên, loài người dưới loài Trời, trên bốn loài còn lại, tuy có vui nhưng cũng khổ lắm lắm. Vốn trong cõi Dục nên chúng sanh sanh ra từ tâm dâm và thân hành dâm dục, cũng từ vi tế là Trời đến thô thiển dần trở xuống Người… Trời Tha Hóa nháy mắt là hoàn thành sự dâm; Trời Hóa Lạc thì nhìn nhau; Trời Đâu Suất thì mỉm cười; Trời Dạ Ma thì nắm tay nhau; Trời Đao Lợi thì hai thân âu yếm, ôm ấp là đủ; Trời Tứ Thiên Vương thì quan hệ giao hợp như loài người… cho đến các loài súc sanh v.vv… Tức từ chỗ tâm ái dục biểu hiện nhẹ nhàng, lãng mạn, cao thượng … làm đủ thỏa mãn, tiến đến nặng nề thô thiển về ái dục thể xác… cũng không ngoài tâm ái dục và thân hành dục mà có sanh.
Lại nói về sanh, có bốn loài sanh: Loài sanh ra từ trứng như các loài chim muông, thủy tộc v.v… Loài sanh ra từ bào thai như loài người, thú v.v… Loài sanh ra từ nơi ẩm thấp như côn trùng sâu bọ v.v… Loài sanh ra từ hóa sanh như loài Trời, Địa ngục v.v… Và chắc chắn sanh ra bằng cách gì, kiểu gì cũng ít nhiều đều đau đớn khổ sở cả!
Riêng loài người, chỉ cần một ngày mát trời dạo trong bệnh viện phụ sản thì thấm thía vô cùng lời Phật dạy khổ đứng đầu trong 8 khổ chính là Sanh khổ. Sự bất tịnh nhơ uế nhầy nhụa của thai nhi cho đến sự đau đớn, rên xiết, kêu gào, la lối… của thai phụ, đến nỗi các bà mẹ thời nay, thích đẻ mổ hơn là đẻ tự nhiên, các ông thì sướng được lên chức nhưng không thoát khỏi khổ liên lụy từ đây, và thai nhi bắt đầu chào đời với bài ca “Đời là bể khổ”! Chả thế mà Nguyễn Công Trứ đã thốt lên lời ai oán: “Mới sinh ra thì đà khóc chóe/ đời có vui sao chẳng cười khì”. Khổ từ trong bụng mẹ! “Thảo nào mới lúc chôn nhau/ Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra./ Khóc vì nỗi xót xa sự thế./ Ai bày trò bãi bể nương dâu…” (Cung Oán Ngâm Khúc - Nguyễn Gia Thiều). Mới sanh ra đã khổ rồi!
Kiếp người khổ lắm. Khổ như biển mênh mông không lường nỗi, như sóng chẳng bao giờ ngưng: Biển khổ mênh mông sóng ngập trời/ Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi/ Thuyền ai ngược gió hay xuôi gió/ Ngẫm lại cùng trong bể khổ thôi (Đoàn Khuê).
Cho nên mới có một Bồ tát “Vô Tận Ý”, tạo nhân duyên cho Bồ tát Quán Thế Âm lắng nghe cứu khổ… vô lượng vô biên chúng sanh, và kinh điển nói nhiều về cõi Trời, còn dạy cách tu để được sanh trong loài Trời, đó là thực hành 10 nghiệp thiện: Thân không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. Miệng không nói dối, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời độc ác, không nói lời thêu dệt. Ý không tham lam, không sân hận, không si mê.
Mặc dù vậy, Phật luôn luôn đề cao giá trị hơn trội nhất của loài người. Kinh thường nói: “Thân người khó được”. Đẳng Kiến Phẩm trong Tăng Nhất A hàm nói: “Một vị trời nào đó khi ngủ, suy tướng hiện-lúc sắp chết có vị trời khuyên rằng: Ngươi nên cầu sinh vào nơi nhân gian tốt đẹp”… Kinh nói tiếp: “Chư Phật Thế tôn đều xuất hiện từ nhân gian, rốt cục không thành Phật ở trên trời”. Hóa ra, ở trời khi chết đều thèm muốn sanh “xuống” loài người, trong khi đó loài người khi chết lại cầu xin “lên” thiên đàng. Quả là ngược ngạo! Đây cũng là điểm độc đáo của Phật giáo, khác hoàn toàn truyền thống của các tôn giáo khác!
Thật ra, loài nào cũng đều có cái khổ, vui về vật lý cũng như tâm lý cả. “Ba cõi như Nhà lửa mà chúng sanh như lũ trẻ con đang chạy giỡn nô đùa trong đó”. Ngay như loài Trời cũng có bậc cao thấp. Trong Trời cõi Dục, theo nghiệp báo thọ sanh, và phước báo thụ hưởng cũng có sai biệt. Như Tỳ Lâu Bác Xoa trong tầng trời Tứ Thiên vương là loài Rồng, súc sanh; Tỳ Sa Môn Thiên Vương là loài Quỷ, Dạ Xoa; Trời Đế thích thủ lĩnh tầng trời 33 mới được thân như người, nhưng bảo vệ cho Đế thích vẫn là quỷ, súc sanh (ở cõi trời) và các Trời vẫn có cái khổ nhất là chết. Loài A tu la khổ vì chiến tranh bảo vệ người đẹp (A tu la nữ rất đẹp) chẳng dứt và vui khi chiến thắng chư Thiên. Ngạ quỷ khổ vì đói nhưng vui khi được cho ăn. Súc sanh khổ vì sự ức hiếp mạnh được yếu thua, đấu tranh sinh tồn, nhưng vui khi được ăn nuốt lẫn nhau và thỏa mãn tính dục cho đến chết cũng cam, như con thiêu thân, châu chấu, hoặc các thú vật khác v.v… Địa ngục gồm các ngục nóng, lạnh, cắt, xẻ, kêu gào v.v… khổ vì bị tra tấn nhưng vui khi được tạm nghỉ và thảm thiết nhất là Vô gián, không có lúc nào gián đoạn khổ cả nhưng chắc cũng có niềm vui khi nghe được tiếng chuông chùa “Văn chung thanh, phiền não khinh, trí huệ trưởng, bồ đề sinh, ly địa ngục, xuất hỏa khanh, nguyện thành Phật, độ chúng sanh” (Tỳ Ni - Kệ thỉnh chuông) hay một chút sát na nào đó trong chánh niệm… Dựa trên mức độ giới hạn khổ vui nhiều ít của các loài này mà luận thì loài người có những điểm ưu việt hơn các loài khác, nên chư Phật đã quan sát chọn loài người là kiếp sinh cuối cùng để tu hành chứng đạo, thực hiện ý nguyện độ sanh.
Đó là:
1- Hoàn cảnh thuận lợi cho việc tu hành giải thoát: Ở cõi trời sung sướng, nhàn nhã, sống lâu, đầy đủ, tham dục quá… nên ham hưởng thụ khó tạo phước, tu tập bản thân. Ở A tu la, Ngạ quỷ, Súc sanh, Địa ngục lại càng không thể tu tập do lòng hận thù, độc ác, tàn bạo giết hại lẫn nhau, thiếu thốn, khổ sở và đoản mạng, chưa kể hình tướng không trang nghiêm…(bốn chân, nhiều chân hoặc không chân…) khó thực hành đạo giải thoát. Chỉ có loài người không sướng quá như Trời, không khổ quá như súc sanh, địa ngục v.v… Với hoàn cảnh như thế là cơ hội tốt cho việc thăng hoa, chuyển hóa tâm linh trên tiến trình giải thoát khổ đau.
2- Lòng tự trọng, hổ thẹn: Đây là đức tính tốt đẹp đặc biệt vốn có của loài người để phân biệt các loài khác nhất là súc sanh. Bởi có lòng tự trọng nên khi làm điều gì sai quấy, con người biết ăn năn hối hận, biết tủi thẹn với lương tâm và xấu hổ với mọi loài đồng loại. Chẳng hạn thấy tình mẹ thương con của loài vượn, chim… mà tự vấn lòng mình, sống sao cho xứng đáng là một con người có nhận thức hơn loài súc vật!
Thấy được lỗi mình nên có cố gắng phấn đấu vươn lên cho tốt hơn, là động lực cần thiết nâng cao giá trị phẩm chất đạo đức con người, dập tắt phiền não độc ác tiến lên địa vị hoàn toàn sáng suốt và thanh tịnh. Phẩm Tàm Quý trong Tăng Nhất A Hàm, Phật dạy: Có hai pháp tinh diệu thủ hộ thế gian là tàm và quý… Nếu không có hai pháp này thì thế gian sẽ không phân biệt có cha, có mẹ, có anh, có em, vợ con, tri thức tôn trưởng lớn nhỏ sẽ cùng với lục súc heo, gà, chó, dê… cùng một loại”.
Trong kinh Di giáo, Phật dạy: “… Nên biết, hổ thẹn là loại trang sức tốt đẹp nhất để trang nghiêm bản thân. Hổ thẹn giống như loại móc sắt thường ngăn người ta làm việc phi pháp. Thế nên, thường phải hổ thẹn không được tạm quên.Nếu lìa tâm hổ thẹn thì đánh mất công đức. Người có hổ thẹn thì có thiện pháp, người không có thiện pháp thì không khác với loài cầm thú”.
3- Đức Kiên nhẫn vượt khó: Thế giới của chúng ta đang ở gọi là thế giới Sa bà, với ý nghĩa “có thể nhẫn chịu” (Kham nhẫn). Ngoài nhẫn chịu những đau đớn về vật lý cơ thể, môi trường, mà còn có khả năng nhẫn chịu nỗi khổ tinh thần do phiền não ba độc tham, sân, si hoành hành, quấy nhiễu. Sự kiên nhẫn chịu đựng thúc đẩy tinh thần vượt khó ở loài người hơn hẳn các loài khác rất nhiều. Loài người sẵn sàng chấp nhận những mất mát hi sinh để đạt được lý tưởng cao đẹp.
4- Trí tuệ vượt trội: Trên các loài dưới nhất là súc sinh, tuy một số khả năng không bằng loài trời, do trời có được ngũ thông: thiên nhãn, thiên nhĩ, thần túc, túc mạng và tha tâm, nhưng cũng chính bởi do thần thông nên chướng nạn lớn trong việc tu hành phát sinh trí tuệ. Thần thông làm lu mờ khả năng tự phấn đấu, tìm tòi và sáng tạo, chưa kể còn dễ khiến bản thân chấp chặt vào đó, dẫn đến tà kiến, hý luận. Cho nên, bậc A la hán chứng được Lậu Tận thông thứ sáu ở trong loài người, giải thoát trọn vẹn các phiền não tham sân si, thành tựu đức hạnh thanh tịnh cao quý.
Tóm lại, loài người hội đủ những điều kiện tốt nhất để phát triển tánh Phật vốn có. Loài nào cũng bình đẳng có Phật tánh cả, nhưng xét cho cùng, Phật tánh ấy phải được mang ra lau chùi tẩy rữa sau một thời gian quá dài bị bụi bặm bám cứng, hoặc vùi sâu trong quặng. Các loài hoặc lạc quan, hoặc bi quan, hoặc cực đoan quá mức, chỉ có loài người thực hiện được tính Trung đạo không khổ hạnh không lạc hạnh, và quyết tâm thực hiện đến trọn vẹn. Cho nên, đức Phật đã chọn loài người làm nơi đản sanh, và Ngài được gọi là bậc “Lưỡng Túc Tôn” ngoài ý nghĩa Phước - Tuệ đầy đủ, còn là bậc tôn kính trong loài hai chân vậy.
Tin tức khác
- TỪ QUANG TẬP 16 – THÁNG 4 NĂM 2016 (PL. 2560)
- TỪ QUANG XUÂN BÍNH THÂN (TẬP 15) – THÁNG 1 NĂM 2016 (PL. 2559)
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
Bình luận bài viết
Nguyễn Anh Minh(22:12:02 16-01-2023)