Thông tin

TẠI SAO TÔI VIẾT?

TẠI SAO TÔI VIẾT?

THÍCH LIÊN PHƯƠNG

               

 

Câu hỏi này không bao giờ trả lời đúng được, nhưng theo “ tu...từ…pháp” ta có thể giải thích làm ba cách:

Cách thứ nhất là: “Tại sao tôi viết” là câu trả lời hoàn hảo nhất, vì sau đó nó luôn là một câu hỏi kế tiếp. Trong tương tác ta có thể giải thích: Từ “NGHI” hay “TIN” mà thành “ VẤN”: Tại sao? Tâm luôn là một nghi vấn! Khi trong tâm có “TIN” (là điều không thật) cái ở trước mắt như một ngón tay thì không gọi là tin, vì thế cái trở thành là NGHI, nếu không NGHI thì không có cái TÔI! Vì Tôi không thể biết Tôi nên Tôi NGHI, TÔI: Chính là NGHI!

Tại sao là cái Tôi, kéo dài; nó sẽ kéo dài thành vô số từ. Nếu ai đó biết cách hỏi thì biết cách đáp đúng, đó là cách đặt câu từ thật chính xác, thay vì tại sao, đứng trước chữ Tôi thì phải viết là Tôi tại sao?

Càng đặt đúng hơn từ âm ngữ ở trong tâm… không có tại sao (thức) mà chỉ có từ tôi (hoạt tưởng).

Khi ta đã bôi xóa được từ nghi vấn (tại sao) thì tôi là “động từ vô âm” nó trần trụi đậm đặc như một sự kiện “đám mây”.

Rồi cái “TÔI” là mây sẽ trở thành mắt tràn vào hư không trong suốt; viết là ghi lại, luôn là quá khứ một ký ức đã qua của những người đã chết, vì ký ức là thời gian từ “nhớ lại” nó không hề thực tại. Đây là cách giải thích thứ hai

Tại sao Tôi viết?

Viết cũng là tôi. Trước khi có “chủ từ” nó là “động từ” động tâm.

Động là vật phóng ảnh, tạo hình là “trường không gian”, trường không gian co dãn nối tiết âm thành từ, danh từ. Sự nối tiết các âm giai từ não trạng đến cổ, môi phát ra tiếng lời, danh từ, âm từ, ngữ cảnh.

Chữ viết là ký hiệu, quy ước để quy định từng âm thành sắc, hình, tướng, vật. Nếu không thấy “cái đang là” của từng âm thanh thu xuất thì mỗi từ danh là “thức-ngã”, là Ngã, Ngã sở.

Ta chưa trưởng thành được “CÁI THẤY” vào bên trong thì ta sẽ tự tạo (hay khẳng định) vô số cái Tôi của bài viết, hoặc là không có “Tự Ngã” nào khi ta viết lách!

Chủ đề của bài viết này là:

TẠI - SAO - TÔI - VIẾT? mà đầu bài tôi cũng cho cách trả lời chính xác nhất là: “TẠI SAO TÔI VIẾT?”

Chúng ta có THIỀN về sự đồng nhất trong âm thanh là khi hít vào - tiếng gió là TẠI SAO TÔI VIẾT? Khi thở ra - tiếng gió là TẠI SAO TÔI VIẾT?

Nếu tách rời âm từ chúng sẽ thành niệm riêng với thở.

Không tách rời “quán trí” là nhất tâm…

Âm thanh luôn hình thành sau chuyển động, chuyển động sau cái “BIẾT”, cái “BIẾT” sau cái THẤY rồi sau cái KHÔNG THẤY.

Viết là một hành động sau động não mà có, thông thường ta gọi viết là dịch, thuật, tư duy (nghĩ nhớ). Nghĩ nhớ để viết không phải là một đường thẳng mà là một tiến trình sóng. Người viết không có lòng tin (chân lý) hoặc có sự mê tín của ngôn ngữ, người viết luôn có chỗ bám ở từ (là THỨC, không là TRÍ). Người viết là đang mơ hay mộng (vì thời gian nằm trong chuyển động) người viết thường hay tự hào, tự mãn (không hẳn là tật xấu) thực chất là một quá trình thay đổi, sự tiến bộ, đổi mới là thời gian.

Thời gian là “Ảo” là đang trong cơn mơ (tỉnh thức trong giấc ngủ hay đang mở mắt đều không có thời gian).

Người viết có sự xê dịch, chuyển tiếp liên tục giữa NGHI và TIN, giống như người “một giò” khi đứng là phải vịn (là tin, có chỗ nương) khi đi (bước tới) thì không yên tâm (nghi).

Danh từ không phải là “sự kiện”, sự kiện qua bóng dáng của Tưởng, tri biến thành tâm lý (ảo) rồi phóng ảnh qua ngôn ngữ chữ viết làm thành sự nương dựa (ngữ cảnh ba hoa, làm xàm tâm thức). Vậy nếu hỏi: Tại sao tôi viết? Thì không nên trả lời, không có NGHI và TIN qua hành động mà ta đang tung vãi trên mọi động thái mà ta “đang là”, chỉ cần thấy rõ dưới ngòi bút mực chảy như thế nào, dưới ngón tay chạm, sự phát sanh, tồn tại, biến mất ở đâu… cũng có thể thấy được một đường dây từ trong ra ngoài (khi đang viết).

Không phải chỉ có người trí thức, học thức mới viết, hay vẽ mà tất cả từng lớp người đều có cách viết hay vẽ ở trong đầu của mình. Những chữ viết,  phát âm hay hình ảnh tùy theo mỗi giống người chủng loại sự cấu trúc, phát âm đều có sự quy định riêng tư và quy ước cộng đồng, nhưng chậm mau trong tương tác phát sinh và tồn tại thì không giống nhau.

Trong phẩm DẠ MA CUNG kệ tán của kinh Hoa nghiêm, ngài Giác Lâm Bồ tát có nói bài kệ ý nghĩa thật đầy đủ, xin được cùng các bạn với tâm hoan hỷ, thanh tịnh đọc qua một lần:

“Ví như họa sư kia

Phân bố những sắc màu

Hư vọng lấy dị tướng

Đại chủng không khác sai

               Trong đại chủng không sắc

               Trong sắc không đại chủng

               Cũng chẳng ngoài đại chủng

               Mà có được sắc màu

Trong tâm không màu vẽ

Trong màu vẽ không tâm

Nhưng chẳng rời nơi tâm

Mà có được màu vẽ

               Tâm đó luôn chẳng trụ

               Vô lượng khó nghĩ bàn

               Thị hiện tất cả sắc

               Đều riêng chẳng biết nhau

Ví như nhà họa sư

Chẳng biết được tự tâm

Mà do tâm nên vẽ

Các pháp tánh như vậy

               Tâm như nhà họa sư

               Hay vẽ những thế gian

               Ngũ uẩn từ tâm sanh

               Không pháp gì chẳng tạo

Như tâm, Phật cũng vậy

Như Phật, chúng sanh đồng

Phải biết Phật cùng tâm

Thể Tánh đều vô tận

               Nếu người biết tâm hành

               Bảo khắp các thế gian

               Người nầy thời thấy Phật

               Rõ Phật chơn thật tánh

Tâm chẳng trụ nơi thân

Thân chẳng tụ nơi tâm

Mà làm được Phật sự

Tự tại chưa từng có

               Nếu người muốn biết rõ

               Tất cả Phật ba đời

               PHẢI QUÁN PHÁP GIỚI TÁNH

               TẤT CẢ DUY TÂM TẠO”

Xin nâng nhẹ thời gian miền kinh cổ

Mờ khung thu tàn vọng cảnh mai chiều

Trăng đã vàng trên biển sáng linh liêu

 Câu thánh ngữ rực hoàng hôn sương bạc.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 26
    • Số lượt truy cập : 6796234