Thông tin

TÂM TRÍ QUAN TRỌNG HƠN TIỀN BẠC:

THIỀN ĐỊNH GIỐNG NHƯ TẬP THỂ DỤC CHO TÂM TRÍ

 


 

KSHITIJ ANAND
QUẦN ANH dịch

 

Tapan Singhel là người giàu kinh nghiệm với hơn 30 năm làm việc trong ngành bảo hiểm. Ông đã làm việc cho Tổng Công ty Bảo hiểm Bajaj Allianz trên 20 năm và giữ chức vụ Giám đốc điều hành (MD & CEO) của công ty này trong 10 năm. Trong cuộc phỏng vấn với Thời báo Kinh tế - Thị trường (ETMarkets), ông Tapan Singhel khuyên rằng: “Các nhà lãnh đạo phải học giữ tâm họ thật định tĩnh để thấy được phương cách xử lý vượt qua những tình huống khốn khó”.

Dưới đây là cuộc phỏng vấn giữa Thời báo Kinh tế - Thị trường và ông Tapan Singhel. (*)

- ET Markets: Hơn 3 thập niên kinh nghiệm với những thành công trong nghề và phần lớn thời gian đó trên cương vị lãnh đạo, theo ông, làm thế nào để người lãnh đạo có thể giữ tâm định tĩnh khi có quá nhiều vấn đề xảy ra xung quanh họ?

Tapan Singhel: Vâng, nếu quan sát bất kỳ cơn bão nào, ta sẽ nhận ra rằng vị trí tâm bão luôn luôn bình lặng. Người lãnh đạo nên ở vị trí tâm bão, bởi vì khi ở vị trí đó, ta sẽ quan sát rất rõ ràng những gì đang xảy ra và những gì ta nên ứng biến.

Vì vậy, nếu để mình bị cuốn vào chính cơn bão, thì khi đó ta không thể nào xử lý tình hình, đưa công ty vượt thoát khỏi cơn bão. Ta nên luôn luôn ở một vị trí mà ta có thể quan sát mọi thứ thật rõ ràng.

Nghiêm túc mà nói, nếu ta phải đưa ai đó thoát khỏi lũ lụt và cuồng phong, mà ta lại cũng bị rơi một phần vào hoàn cảnh đó thì chắc chắn ta không thể giúp được người đó.

Qua năm tháng, ta xử lý đủ mọi loại khủng hoảng và học tách mình ra khỏi các khủng hoảng ấy theo cách mà nhờ đó ta có thể giữ vững được tính khách quan để ứng biến đúng đắn.

Khi bị rơi một phần vào cuộc khủng hoảng, thật khó mà ta có thể giải quyết được nó. Ta phải hiểu cách quan sát thật rõ ràng như thế nào, rồi khi đó hãy ứng biến. Ta học khi nào nên dừng, khi nào nên tiến.

Tôi nghĩ đó chính là cái đang là. Các nhà lãnh đạo phải học giữ tâm họ thật định tĩnh để thấy được phương cách xử lý vượt qua những tình huống khốn khó.

- Kỹ thuật nào ông vận dụng, phương pháp thiền định nào thật sự giúp hoặc trợ duyên cho ông trong việc giữ vững tiến trình định tĩnh bất chấp ông đang gặp phải bất kỳ tình cảnh nào?

- Vì vậy, có hai cách để rèn luyện tâm trí. Không phải là ta có thể hoàn hảo ngay từ ngày đầu; ta bắt đầu học hỏi từ mỗi sự cố mà ta gặp phải. Ta sẽ mắc những sai lầm và ta sẽ bị cuốn theo cơn bão.

1. Học từ những sai lầm:

Nếu ai đó nói điều gì đó khó nghe, ta có thể nổi giận. Đó là chuyện hoàn toàn bình thường bởi ta là con người. Nhưng sau khi chuyện đó trôi qua, hồi tưởng lại và quan sát nó và suy nghĩ điều ta có thể hành xử khác đi là gì?

Vì vậy, mỗi ngày trước khi đi ngủ, tôi xem xét lại những việc tôi làm trong ngày, tôi quán chiếu về những việc mà tôi cảm thấy chúng không diễn ra theo cách mà tôi nghĩ chúng nên như thế, và hồi tưởng lại và suy gẫm về điều mà tôi có thể làm khác đi là gì.

Qua năm tháng, tâm trí được rèn luyện để thấy mọi thứ khác nhau, ta trở nên tinh tế hơn. Đây là một cách để rèn luyện tâm trí ta.

 


Ông Tapan Singhel

2. Thiền định:

Thứ hai là thiền định giúp gì? Khi đi tập thể dục trong khoảng từ 5 đến 6 tháng, cơ bắp ta phát triển mạnh. Mọi người thường tìm kiếm những cách khoe sự phát triển cơ bắp này tương tự như nhau.

Tuy nhiên, khi vận động tâm trí, chỉ duy nhất mình ta có thể cảm nhận sự phát triển cơ bắp. Ta không thể mặc áo phông bó sát người rồi nói với mọi người rằng ta đang vun bồi sức khỏe tinh thần của ta.

Vì vậy, thiền định tương tự như tập thể dục cho tâm trí ta. Ta phải biết, cố gắng thấy cách làm thế nào để tiếp tục bồi đắp sức mạnh tinh thần của ta.

3. Đừng cảm thấy thoái chí:

Cho dù ta thất bại mặc dù ý định của ta rất tốt thì cũng không nên thoái chí về chuyện này. Ta phải quay lại nhìn thẳng vào sự thất bại đó, rồi chuẩn bị nữa. Bão tố tiếp tục ập đến, không chỉ xảy ra duy nhất một lần.

Ngoài ra, chức vụ càng cao bao nhiêu, ta nhìn thấy tần suất bão giông xảy ra càng nhiều hơn bấy nhiêu. Vì vậy, tôi nghĩ bão giông luôn là bài học tốt và đó là cách để ta tiếp tục củng cố thêm niềm tin trong việc ứng biến với nó.

- Ông đã nhấn mạnh đến hạnh phúc trong công việc, trong cuộc sống và trong bất cứ nơi đâu ông đến. Hạnh phúc trong công việc. Tôi thật sự thích quan niệm này.

- Nếu nhìn vấn đề này từ lúc ta 23-24 tuổi bắt đầu đi làm và làm đến 60-65 tuổi, nghĩa là cả tuổi thanh xuân của ta, thì hầu hết những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời của ta đã dành cho công việc.

Tôi khẳng định với các cộng sự và nhân viên của tôi rằng để tôi nói cho quý vị biết, quý vị đi làm vì quý vị được trả công cho việc làm của quý vị. Đồng lương đó giúp quý vị trang trải các hóa đơn và kiếm được tiền của.

Vì vậy, quý vị đang tự hành khổ bản thân mình mỗi ngày phải đi làm để kiếm chút tiền để có thể sống với đời. Và cho đến ngày nào đó, quý vị nhận ra rằng quý vị đã không sống cuộc sống nào cả.

Tôi hỏi họ rằng họ có yêu thích công việc của họ không? Quý vị có tìm thấy hạnh phúc trong công việc không? Nếu không có hạnh phúc trong công việc thì quý vị có một cuộc sống rất tốt đẹp không? Đây chính là hệ quả đáng tiếc của việc không tìm thấy hạnh phúc trong công việc.

Tôi nghĩ hai phần ba thời gian trong ngày của ta dành cho công việc và hai phần ba cuộc đời ta cũng như hầu hết tuổi thanh xuân của ta dành cho công việc.

Nếu ta không thể có hạnh phúc thì tốt hơn hết là ta nên suy nghĩ về vấn đề này bởi vì khi ấy ta sống cuộc đời thật buồn thảm. Đó là lý do mà tôi biết, tôi hiểu rõ vì sao ta không có hạnh phúc, hoặc điều gì làm cho ta có hạnh phúc, hoặc nếu nghề nghiệp không thích hợp, hoặc nơi làm việc chưa phù hợp thì điều gì khiến ta có thể thay đổi tốt đẹp hơn.

- Ông cũng tổ chức các hoạt động trao đổi, thảo luận về công việc cho các nhân viên để họ có tinh thần thoải mái, hăng say làm việc chứ?

- Có vài ba việc tôi làm và khuyến khích làm là khi tôi đi đến bất cứ văn phòng nào, tôi thường đi dạo xung quanh các văn phòng đó. Nếu tôi không thấy ai cười hoặc trông họ không hạnh phúc, thì tôi liền đứng lại trò chuyện với mọi người.

Nếu tìm ra nguyên nhân vì sao mọi người không hoan hỷ, hạnh phúc, ta trò chuyện trao đổi cởi mở với họ thì tôi nghĩ rằng theo thời gian, họ sẽ mở lòng họ ra với ta. Khi đó, ta sẽ tìm ra cách làm thế nào để ta có thể hỗ trợ họ, hoặc cách làm thế nào để ta có thể giúp đỡ họ.

Làm thế nào ta thấy họ vượt qua khủng hoảng mà họ đang phải đối mặt? Vì vậy, đó là việc đầu tiên mà ta luôn nên làm và làm thường xuyên.

Việc này không như việc tổ chức các hoạt động trao đổi, thảo luận vốn chỉ diễn ra mỗi năm một lần và nhiệm vụ của ta cũng kết thúc theo nó. Đây là việc mà ta phải chung sống với nó. Vì vậy, mỗi ngày, mỗi khoảnh khắc và khi càng nhiều nhà lãnh đạo làm việc đó, thì nó trở thành văn hóa của công ty, và mọi người bắt đầu quan tâm chăm sóc lẫn nhau.

Việc thứ hai là ta có một đội ngũ nhân sự mạnh. Ta tổ chức các buổi hội thảo, ta trò chuyện, trao đổi và có một diễn đàn thảo luận. Đây là những việc bình thường mà bất kỳ tổ chức tốt nào cũng sẽ làm.

- Ngay bây giờ khi chúng ta nói đến văn hóa, đang tìm ra vấn đề thì điều gì khiến họ bận tâm, tổ chức hay ai đó hay công việc đang làm họ căng thẳng?

- Tôi luôn nói với mọi người khi tôi đi ngang qua họ hoặc nở nụ cười với họ hoặc nói với họ vài câu. Việc này giúp tôi kết nối với họ để giải quyết vấn đề đó.

- Tôi đã đọc qua hồ sơ hành trạng của ông và điều tôi thích nhất là loạt chuyện ông đã bắt đầu phá vỡ thành kiến. Điều gì đã tạo động lực cho sự khởi đầu công việc đó?

Không ai muốn có thành kiến, không ai muốn ôm giữ thành kiến để chống lại cái gì đó. Mọi người là một chúng sinh lương thiện. Tuy nhiên, qua năm tháng, thành kiến hình thành và phát triển.

Mỗi người trong chúng ta hẳn sẽ tạo nên thành kiến theo thời gian qua năm tháng. Việc xây nên các thành kiến này vừa mới diễn ra mà thậm chí chúng ta không hề hay biết. Và nếu ta nhìn lại, ta sẽ nhận thấy rằng, vào một số thời điểm, có một vài thành kiến tác động đến việc ra quyết định của ta, đến mọi suy nghĩ của ta, và đến mọi quan điểm của ta.

Vì vậy, hội luận về việc phá vỡ thành kiến là rất quan trọng và đó là môi trường ta tạo ra để cho mọi người thảo luận về nó. Ta không thể đi gặp trực tiếp mọi người để nói chuyện về bản chất thành kiến của họ.

Thỉnh thoảng, thật là khó khăn khi người thân yêu và thân cận của ta đặt ta vào tình cảnh đó. Đó là khi quá trình suy nghĩ của tôi, cũng giống như quý vị, không thể nói thẳng với họ rằng họ có một thành kiến.

Vì vậy, làm thế nào để ta đưa ra các chủ đề có liên quan đến thành kiến? Làm thế nào để ta thảo luận về các thành kiến mà ta cảm thấy đó là một thành kiến thường thấy và phổ biến? Và làm thế nào để ta phá vỡ thành kiến mà chỉ cần diễn đạt với cách nói tế nhị khiến cho họ hiểu được vấn đề? Vì vậy, tôi nghĩ rằng đó chính là việc mà chúng ta cần phải nỗ lực.

- Động lực của ông là gì hay điều gì truyền cảm hứng cho ông nhất?

- Khi còn trẻ, tôi không suy nghĩ nhiều lắm. Tôi cũng giống như mọi đứa trẻ bình thường, rất bộp chộp, rất nóng nảy. Tôi không quan tâm nếu tôi có làm tổn thương đến ai đó hoặc không làm tổn thương đến ai đó.

Tuy nhiên, tới một lúc nào đó, tôi nhận ra rằng đó không là cách sống mà tôi muốn hướng đến. Cuộc sống mà tôi muốn hướng đến là lối sống mà tôi có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của mọi người, là lối sống mà tôi có thể ở bên cạnh mọi người, sát cánh cùng mọi người trong những thời điểm họ gặp vấn đề tồi tệ hay tốt đẹp.

Bên cạnh đó, mỗi lần tôi có cảm giác đó, khi ấy tôi liền suy nghĩ rằng ngay cả đối với người hãm hại tôi, tôi cũng nên nghĩ tốt về họ.

Vì vậy, quá trình này cần phải có thời gian; đó không phải là quá trình trong một sớm một chiều và tôi cũng phải cư xử tốt với người khác. Mặt khác, tôi cũng nghĩ làm thế nào để tôi có thể tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của mọi người.

Đó không phải chỉ là làm từ thiện hay trao tặng tiền bạc, mà niềm tin mạnh mẽ trong tôi đó là ta còn phải tiếp tục tạo nên khả năng làm tốt mọi việc, ta còn phải tiếp tục rèn luyện nên các kỹ năng, và ta còn phải tiếp tục hình thành nên những loại năng lực tiềm tàng vốn cần được duy trì.

Vì vậy, tôi nghĩ sự chuyển hóa này đã diễn ra với tôi theo thời gian trôi theo năm tháng, và đây là cách thức mà suy nghĩ của tôi đã tiến triển và đó là phương pháp mà hành vi của tôi đã thay đổi theo năm tháng.

Vì vậy, nó chỉ là một tiến trình tự nhiên. Tôi nghĩ đa số mọi người đều trải qua tiến trình tự nhiên này. Tôi cũng kinh qua truyền thống tự nhiên này.

- Có quyển sách nào đã góp phần vào tiến trình làm thay đổi đặc biệt đó?

- Sau khi thay đổi tiến trình, dĩ nhiên là tôi bắt đầu cố gắng tìm ra cái gì đã góp phần làm thay đổi đặc biệt đó. Tôi lấy cảm hứng bằng việc hiểu yoga tâm linh một cách chính xác là gì. Nhiều người trong chúng ta thực sự không hiểu hết về yoga, chúng ta chỉ nhìn thấy hình thức vật lý của yoga, và đây chỉ là một phần của yoga, chứ không phải là tất cả yoga.

Vấn đề này đã kích thích bản năng tò mò muốn tìm hiểu trong tôi. Tôi đọc nhiều sách và hiểu triết học thay vì khoa học về thuyết tâm linh.

Mọi người không hiểu đó là một tiến trình khoa học rất đơn giản. Đó không phải là một tiến trình rất phức tạp. Tôi nhớ một tuyên bố vốn được cho là của đức Phật, trong đó ngài nói rằng: “Nếu ta muốn nhìn thấy đáy ao thì nước ao phải tĩnh lặng”.

Tôi nghĩ rằng tự thân tuyên bố trên của đức Phật đã chỉ rõ tính chất của sự giác ngộ. Ta hiểu lời dạy ấy của đức Phật khi ta đọc sâu hơn và nhìn kỹ các nhà triết học khác nhau như Patanjali Yogi và hiểu cách thức mà đức Phật nói về khái niệm làm thế nào để tâm ta hoàn toàn tĩnh lặng.

Do đó, phương cách này đưa ta bước đi trên con đường dẫn đến giác ngộ. Nó thật hấp dẫn và xin hãy để tôi nói cho quý vị về một trải nghiệm và sự học hỏi, đó là một tiến trình rất khoa học - bất cứ người nào, bất kể ai, nam hay nữ, đều có thể phát triển tâm linh trong tiến trình rất khoa học.

Tôi nghĩ, nếu ta làm bất cứ việc gì, thì trong chính công việc đó đã là thiền định. Vì vậy, thiền định không phải là chuẩn bị làm một công việc nào đó. Thiền định là một lối sống và nếu ta thành công trong việc tiếp thu trong bất kể công việc gì mà ta làm thì ta có thể thiền định trong 24 giờ một ngày.

Vì vậy, tôi nghĩ đó là cách thức để ta bắt đầu tận hưởng một cái gì đó qua thời gian trôi theo năm tháng giúp ta tập trung hơn, sáng suốt hơn.

 

Chùa Phúc Lâm, ngày vía Bồ tát Địa tạng,
PL. 2566 - 26/8/2022

 


(*) Bài phỏng vấn này được Thời báo Kinh tế - Thị trường (ET-Markets) đăng làm 2 kỳ. Để bản dịch được ngắn gọn, người dịch gộp hai kỳ làm một và lược bớt nội dung phần giới thiệu vốn đã có trong bài phỏng vấn.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 19
    • Số lượt truy cập : 6115983