Thông tin

TẾT ĐẾN, NHỚ VỀ HÁT SẮC BÙA PHÚ LỄ

TẾT ĐẾN, NHỚ VỀ HÁT SẮC BÙA PHÚ LỄ

 

LÊ HẢI ĐĂNG

 

 

Khi những giai điệu rộn ràng về mùa xuân vang lên trên sóng phát thanh, truyền hình, trong miền ký ức sâu thẳm cá nhân tôi lại văng vẳng tiếng ca, tiếng nhạc của nhóm Sắc bùa lang thang trong những đêm thanh vắng. Xưa kia, khuất nẻo cõi trời Nam xa xôi ở huyện Phú Lễ, tỉnh Bến Tre đón Tết bằng một tục lệ vô cùng độc đáo, hết sức lạ lùng đó là tục hát Sắc bùa.

Hát Sắc bùa là loại hình nghệ thuật dân gian mang ý nghĩa chúc tụng nhân dịp đầu năm mới. Loại hình nghệ thuật này “mở màn” vào giữa đêm giao thừa. Thuở làng quê bình yên còn ngủ quên trong thói quen văn hóa, tiếng đàn, tiếng hát, tiếng trống, tiếng phách của đội Sắc bùa có khả năng khuấy động, phá tan bầu không gian tịch mịch. Đội Sắc bùa đàn hát say sưa trong đêm, đi giữa con đường làng quanh co, hữu tình, di chuyển từ nhà này sang nhà khác.

Một đội Sắc bùa có từ 4 đến 12 người, sắp thành hàng dọc, vừa đi vừa hát. Họ ra đi trong đêm và trở về khi trời tảng sáng. Lối diễn xướng này diễn ra suốt quá trình di chuyển cho đến lúc thực hành nghi lễ, nên có thể nói, hình thái “động” là một đặc điểm nổi trội. Từ lúc đội hình sắp xếp chỉnh tề, đi đầu là cái kể với chiếc trống cơm đến các con xô sử dụng đàn cò, phách tiền, phách cái, hát Sắc bùa luôn phơi bày dưới dạng “động”. Loại hình nghệ thuật này sớm thể hiện nhu cầu “xã hội hóa” bằng hình thức diễn xướng đa năng, vừa mang tính chất nghi lễ, chúc tụng, vừa thỏa mãn nhu cầu giải trí. Đội hát Sắc với âm thanh đặc trưng vô hình trung đã thông tin cho người ta biết về lộ trình lưu diễn của mình trên những nẻo đường thôn quê. Cung cách trình diễn đó quy tụ nhiều hình thức đa dạng, từ tập hợp Lý đi đường cho đến các bài hát thủ tục, hát góp vui, hát chúc và hát lúc ra về.

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, hát Sắc bùa có nguồn gốc từ hát Xéc bùa của người Mường. “Xéc pùa” có nghĩa là xách cồng, đánh cồng. Như vậy, từ một dạng thức thuần nhất là xách cồng, đánh cồng, hát Sắc bùa đã trải qua quá trình tích hợp nhiều yếu tố, từ khí nhạc đến thanh nhạc, rồi gia nhập yếu tố nghi lễ trở thành loại hình diễn xướng tổng hợp. Cùng với quá trình thiên di của người Việt về phương Nam, hát Sắc bùa không ngừng bổ sung nhiều yếu tố mới, từ văn hóa Hòa Bình đến Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi vào tới Bến Tre. Vùng đất phương Nam trở thành điểm dừng chân cuối cùng của hát Sắc bùa. Song, trong quá trình trôi dạt vào phương Nam, chẳng biết vì lý do gì mà hát Sắc bùa chỉ còn lưu lại trên mảnh đất Phú Lễ, tỉnh Bến Tre. Vùng đất ấy có khả năng níu chân nghệ nhân hát Sắc bùa, nhờ đó loại hình nghệ thuật độc đáo hát này có cơ hội được lưu truyền.     

Xưa kia, hát Sắc bùa thường kéo dài từ đêm trừ tịch tới ngày mùng 7, thậm chí có thể đến hết tháng giêng. Đội hát Sắc bùa có khoảng trên dưới 10 thành viên, ít nhất là 4 người, nhiều lên tới 12 người. Họ lập thành từng nhóm có tổ chức. Trưởng nhóm đóng vai trò tập kết nhân sự, lên kế hoạch tập luyện, thậm chí có thể dạy dỗ thành viên, đồng thời kiêm “bầu sô”. Sau khi sở đắc khối lượng bài bản nhất định, đội Sắc bùa lên đường lưu diễn. Trong nhóm, có một người làm Cái kể, sử dụng trống cơm, những người khác làm Con xô, sử dụng đàn cò, sênh tiền, sênh cái. Hát sắc bùa mang nhiều tính chất khác nhau. Theo tên gọi, đây là hình thức diễn xướng nghi lễ tổng hợp, kết hợp ca, nhạc, (nghe nói xưa kia còn có múa) và hoạt động nghi lễ (dán bùa). Đứng ở hình thái diễn xuất, hát Sắc bùa vừa diễn trên đường đi với tập hợp làn điệu Lý đi đường, vừa xảy ra tại tư gia bằng hình thức hát thủ tục, hát chúc, hát giúp vui và hát chia tay. Xét về bài bản, nó gồm các bài lý, vè, hát đối đáp với cách thức một người xướng và tập thể xô. Vì thế, hát Sắc bùa không giống như những thể loại dân ca thông thường được trình diễn bằng hình thức đơn ca, có thể hát tùy lúc, tùy nơi mà phải tiến hành theo trình tự, có cơ cấu, tổ chức, có nghi thức, có xướng - xô, kể - đáp. Không phải ngẫu nhiên, nhạc cụ gõ chiếm vị trí chủ lực ở loại hình nghệ thuật này. Đối với dạng thức nghệ thuật tổng hợp, quy tụ nhiều thành viên, cơ cấu tổ chức phức hợp, nhạc cụ gõ đóng vai trò giữ nhịp giúp cho mọi nguồn lực được tập trung. Hình thức tổ chức trên có thể hình dung như phương thức làm việc nhóm. Để đạt được sự thống nhất, bên cạnh vai trò thủ lĩnh của trưởng nhóm, còn phải triển khai nguyên tắc thống nhất nhằm kết hợp mọi thành viên. Và ở đây, nhạc cụ gõ đã được huy động vào vai trò giữ nhịp, đàn cò với cơ cấu duy nhất một thành viên đi giai điệu cùng lời hát theo phương thức bè tòng. Trong đêm 30 tịch mịch, mọi vật như đang chờ điều gì đó đang sắp sửa thì tiếng nhạc rập ràng của hát Sắc bùa khỏa lấp được khoảng trống vô biên giữa đất và trời.

Về trình tự, hát Sắc bùa, gồm: hát đi đường, hát thủ tục, hát chúc, hát giúp vui và hát giã từ.

- Hát đi đường chủ gồm yếu gồm các bài lý, như: Ai đi đường thẳng, Lá da lá dà, Trèo lên cây ổi, Ngó lên trên chợ Tổng Châu, Lý ông Hương, Rủ nhau xuống biển bắt cua, Lý bằng răng, Ếch kêu, Bắt con cá lóc, Cô Sáu cô Bảy manh manh…

Loại bài bản này hấp thu từ những làn điệu dân gian, sau khi du nhập hát Sắc bùa, chúng thay đổi về cách thức trình diễn (tập thể), thống nhất loại nhịp (nhịp 2 theo nhịp bước chân) và kết hợp với trống cơm, sênh tiền, phách, đàn cò.

- Hát thủ tục, gồm các bài: Mở cửa rào, Mở ngõ, Cõi Nam, Khai môn, Rước xuân, Chơi xuân, Tiên sư, Trừ tà, Xốc quách, Dán bùa, Dẫn bùa.

Ở phần hát thủ tục, mỗi bài đánh dấu như một mắt xích quan trọng trong hoạt động nghi lễ. Bài Mở cửa rào, hát khi nhà gia chủ đang cửa đóng then cài, đội Sắc bùa sắp hàng bên ngoài trình bày:

Cái kể: Nhà ông cửa kín rào cao

Con xô: Tôi vô chẳng đặng đứng ngoài tôi rao

Cái kể: Hôm qua để ngõ ông chờ ai

Con xô: Hôm nay tôi tới ngõ gài khăng khăng

Cái kể: Hôm qua để ngõ ông chờ trăng

Con xô: Hôm nay tôi tới khăng khăng ngõ gài

Cái kể: Nhà ông có thằng tớ trai

Cái kể – Con xô hợp ca: Sai ra mở ngõ, đàn trai tôi hát bùa. Sai ra mở ngõ, đàn trai tôi hát bùa.

Dựa vào hệ thống bài bản hát Sắc bùa, chúng ta hoàn toàn có thể phân chia được tiến trình qua từng giai đoạn.

Trong khi hát bài Mở cửa rào, chủ nhà bước ra chờ phía bên trong sân, đội Sắc bùa hát tiếp bài Mở ngõ. Như tiếng gọi của khách, chủ nhà mở cửa mời toàn đội hát vào nhà. Trong quá trình di chuyển, tiếng đàn, tiếng hát vẫn tiếp diễn. Sau đó, đội hát trình bày các bài chính của nghi lễ, gồm: Cõi Nam, Khai môn, Rước xuân, Chơi xuân. Bốn bài này đều mang tính chất “dẫn nhập”, đón rước nàng Xuân đến với gia chủ. Rồi tới bài Tiên sư nhằm tạ ơn người thầy: “Tiên sư là tướng ở trời. Thờ khắp mọi nơi. Ta thờ chung thiên hạ…”. Nhờ có những người thầy đem đến nghề nghiệp, công cụ mưu sinh, từ đó mới có: “Năm mới giàu sang. Gia quan tấn lộc”.

Ở hát Sắc bùa, tính chất xâu chuỗi của các nghi thức trải qua từng giai đoạn liên quan mật thiết với nhau. Sau khi cúng Tiên sư đến nghi thức trấn yểm, với bài: Trừ tà, Xốc quách, Dán bùa, Dẫn bùa. Đây là bước quan trọng, chiếm vị trí trung tâm của nghi lễ. Điểm khác biệt của hát Sắc bùa Phú Lễ chính nằm ở hoạt động trấn yểm. Nó là sản phẩm gia nhập sau bước chân xê dịch của cư dân, từ đó làm thay đổi căn bản loại hình nghệ thuật diễn xướng này. Vậy, tại sao hát Sắc bùa miền Nam lại có thêm hoạt động bùa chú, vốn chịu ảnh hưởng từ Đạo giáo? Có lẽ, vì vùng đất mới phương Nam xuất hiện nhiều thế lực (vô hình) mà công cuộc khẩn hoang ban đầu đã gặp trở ngại. Nói theo ngôn ngữ đương thời, nơi đây xuất hiện nhiều nhóm lợi ích. Sau khi người Việt tiến vào vùng đồng bằng Nam Bộ đã phải tiếp nhận thêm những phương thức ứng xử mới, đa dạng. Họ nhận những người xa lạ làm bầu bạn, hàng xóm là những người khác biệt về văn hóa. Trong bối cảnh ấy, hoạt động bùa chú như một bảo chứng tâm lý cho phép người Việt cộng sinh với những người có truyền thống khác.

- Hết phần hát thủ tục, đến hát Giúp vui, đa số gồm các bài hát chúc, các bài lý, vè, như: Chúc nghề làm ruộng, Chúc nghề dệt vải, Chúc nghề thợ mộc, Chúc nghề đan lát, Chúc nghề thợ hồ, Lý đầu cần vắn, Lý đầu cầu dài, Lý lơ thơ, Lý mười hai tháng, Vè cá biển, Vè cá đồng, Vè con tôm, Vè con chim, Vè đá banh…

- Cuối cùng là hát chia tay, gồm bài Giã từ, Đi ra đóng vai trò kết thúc, chấm hết cho một cuộc hát.

Xét về âm nhạc, hát Sắc bùa khu biệt rõ rệt giữa những bài hát ở phần thủ tục và phần còn lại. Trong hoạt động nghi lễ, thủ tục luôn mang tính chất bảo thủ truyền thống. Ở đây, những bài hát thủ tục cũng tuân theo quy luật này. Qua đó cho thấy, rất có thể trong các bài hát thủ tục còn ẩn chứa mầm mống, dấu vết của loại hình nghệ thuật tiền thân. Các bài hát thủ tục khá giống nhau về tính chất âm nhạc, hàng âm đơn giản, đa số gồm 3, 4 âm, như bài: Mở cửa, Khai môn, Rước xuân, Chơi xuân, Tiên sư, Trừ tà, Dẫn bùa, Từ giã, Đi ra. Giả thiết về nguồn gốc Mường ở hát Sắc bùa có khả năng tiềm ẩn đâu đó những dấu hiệu còn lẩn khuất trong loạt bài trên!

Hát Sắc bùa từng đứng trước nguy cơ thất truyền vào những năm cuối thế kỷ XX, khi lớp nghệ nhân lớn tuổi lần lượt ra đi. Công tác sưu tầm nghiên cứu, bảo tồn tiến hành nhiều năm qua đến nay đã đem lại kết quả cho sự hồi sinh của hát Sắc bùa. Trên những nẻo đường xa xôi, chúng ta vẫn còn cơ hội nghe được âm thanh đặc trưng của hát Sắc bùa gửi đến cuộc sống này bức thông điệp có từ ngàn xưa.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 88
    • Số lượt truy cập : 6367898