Thông tin

THADINGYUT - LỄ HỘI THẮP ĐÈN

THADINGYUT - LỄ HỘI THẮP ĐÈN

LIÊN HIẾU

Khi con cháu đảnh lễ cha mẹ, thầy cô hay những người lớn tuổi, không chỉ là bày tỏ lòng kính trọng mà còn mong muốn ông bà, cha mẹ, thầy cô, tha thứ cho những lỗi lầm mà con cháu đã vô tình gây ra trong đời này hoặc trong vô lượng kiếp về trước.

Cúng đèn là một nghi thức rất phổ biến trong các đại lễ Phật giáo, lễ hội cúng đèn không phải chỉ mới được tổ chức trong những năm gần đây. Túc sanh truyện cho biết truyền thống cúng đèn có từ thời Ðức Phật còn tại thế. Câu chuyện về ngọn đèn dầu không tắt của một cụ già với tín tâm trong sạch cúng dường lên Đức Thế Tôn là một minh chứng. Thời xưa, đèn là một nhu yếu cho các pháp hội buổi tối; ngày nay thì không phải thế, mỗi người khi dâng cúng đèn lên Đức Phật đều có những ước nguyện khác nhau. Tuy nhiên, dù làm cho sáng hay cho đẹp thì theo lý nhân quả người cúng đèn sẽ có được trí tuệ sáng suốt, gương mặt rạng ngời, mọi người quý mến. Năm nay, lễ hội thắp đèn tại Chùa Shwedagon có sự tham dự của các Phật tử Việt Nam, vượt qua ngàn hải lý trái tim của những người con Phật cùng hòa quyện vào nhau thắp sáng đại tháp Chùa Vàng.

Nguồn gốc lễ hội

Vào những ngày lễ hội, từ thôn quê cho đến thành thị đèn điện, đèn lồng, vòng hoa được trang trí dọc các đường phố, trước nhà dân hoặc các công sở; đặc biệt tại các đền chùa hàng ngàn ngọn nến hoặc đèn dầu lạc được thắp sáng và an trí quanh các đại tháp với đủ hình dáng kiểu mẫu khác nhau để cúng dường lên Đức Thế Tôn, lên các đại tháp tôn thờ Xá-lợi Phật. Đại đức Visuddha – thường trụ Tăng tại Tu viện Dhamma Theingi Pyawbwe (Yangon), cho biết theo chú giải tạng Vi diệu pháp (Abhidhamma), để tỏ lòng tri ân từ mẫu, tức hoàng hậu Maya, lúc bấy giờ đã qua đời và tái sanh ở cung trời Đâu Suất (Tāvatisa), vào mùa an cư thứ bảy sau ngày thành đạo, Ðức Phật đã lên cung trời Đâu Suất để giảng Vi diệu pháp cho vị chư thiên trước kia là mẹ của Ngài cùng với các chư thiên khác tại cõi trời trong suốt ba tháng mùa mưa. Đến cuối mùa an cư, Đức Phật trở lại nhân gian. Sau bao ngày xa vắng, lúc Đức Phật trở về chư Thánh Tăng đệ tử cùng nam nữ Phật tử vô cùng hoan hỷ, mọi người đã dâng hoa, thắp đèn dọc hai bên đường trở về tịnh xá để cúng dường và cung nghinh Đức Thế Tôn.


Lễ thắp đèn tại Chùa Shwedagon

Dựa vào sự kiện này, từ ngàn xưa cho đến ngày nay cứ vào những ngày cuối mùa an cư của chư Tăng, Phật tử Myanmar thường đến chùa dâng hoa, cúng đèn quanh các tháp chùa. Tại mỗi nhà, Phật tử thắp đèn trước nhà mình như là một dấu hiệu bày tỏ lòng hoan hỷ cung nghinh Đức Thế Tôn trở lại nhân gian sau ba tháng Ngài thuyết pháp tại cung trời Đâu Suất. Hình ảnh Đức Phật cùng chư vị Thánh Tăng từ tiên giới trở lại nhân gian bằng lối đi do chư thiên tạo ra được mọi người vẽ lại trên giấy khổ lớn treo ở các nẻo đường hoặc trong khuôn viên các chùa, các đền tháp.

Tạng Vi diệu pháp còn cho biết trong thời gian ba tháng tại cung trời Đâu Suất, mỗi ngày vào buổi sáng, Đức Phật dùng hóa thân tiếp tục thuyết pháp cho chư thiên tại cõi trời, còn tự thân Ngài trở lại nhân gian trì bình khất thực tại vùng Uttakakuru, sau khi khất thực Ngài đến cội đại thọ bên bờ hồ Anotatta để thọ trai và nghỉ trưa. Mỗi ngày, Tôn giả Xá-lợi-phất (Sariputta) đều đến đấy để dâng nước cúng dường Đức Thế Tôn, và trong thời gian ngắn ngủi này Đức Phật đã tóm tắt cho ngài Xá-lợi-phất nghe những gì Ngài đã dạy cho chư thiên ở cõi trời Đâu Suất. Sau khi thọ nhận được giáo pháp thậm thâm vi diệu từ Đức Thế Tôn, ngài Xá-lợi-phất về lại tịnh xá và truyền đạt giáo lý Vi diệu pháp đến cho chư Tăng đệ tử cùng các nam nữ Phật tử, và do đây mà tạng Vi diệu pháp hiện hữu và tồn tại ở nhân gian cho đến ngày nay. Do nơi sự kiện này, lễ hội Thadingyut hay lễ thắp đèn còn được gọi là Ngày Vi diệu pháp tại Myanmar.

 

Mùa tri ân và báo ân

Tháng Thadingyut không chỉ là tháng lễ hội mà còn là mùa tri ân và báo ân đến ba ngôi Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), đến cha mẹ, và các bậc hữu ân. Theo lịch sử, đạo Phật truyền vào Myanmar trên 2.500 năm, giáo lý của Đức Phật đã thấm sâu vào trong cách sống, cách nghĩ suy và hành động của mỗi người dân Myanmar; văn  hóa, giáo dục tại Myanmar ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng Phật giáo. Đặc biệt chương trình giáo dục tiểu học tại Myanmar rất gần với giáo lý Đức Phật, cô Khin Khin – giáo viên Trường Tiểu học A Hma, thị trấn Mayangone, cho biết các em học sinh tiểu học vào những ngày đầu mới cắp sách đến trường đã được thầy cô dạy bảo và nhắc nhở phải luôn tri ân và báo ân đến năm ngôi báu, đó là: Đức Phật, giáo pháp của Đức Phật, chư Tăng thay Phật hoằng truyền giáo pháp, cha mẹ, và thầy cô giáo. Bài Kinh 38 điều hạnh phúc (Mangala-sutta) nằm trong chương trình tiểu học và hầu hết các em học sinh tiểu học đều thuộc bài kinh này. Truyền thống tốt đẹp này đã được giữ gìn và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cho mãi đến ngày nay. Hình ảnh Đức Thế Tôn lên cung trời Đâu Suất giảng giáo pháp thậm thâm vi diệu mà tự thân Ngài đã chứng đắc cho thân mẫu của Ngài, ngõ hầu giúp thân mẫu thoát khỏi vòng sanh tử khổ đau. Đây là một hành động bày tỏ lòng tri ân và báo ân của Đức Phật đối với đấng sinh thành, là món quà Pháp bảo vô giá nhất Đức Phật dâng lên từ mẫu. Noi gương hiếu hạnh của Đức Từ Phụ Bổn Sư, vào ngày trăng tròn của tháng Thadingyut, người dân Myanmar đến chùa dâng hoa đèn cúng dường Đức Thế Tôn, đến hiện tiền Tăng, Ni, để hồi hướng phước báo cho cha mẹ hiện tiền hay cha mẹ đã quá vãng. Đặc biệt với những ai song thân còn tại thế, họ thường mua sắm những món quà có ý nghĩa (nếu có điều kiện), họ đảnh lễ và cung kính dâng lên hai đấng sinh thành, đến các bậc trưởng thượng trong gia đình. Truyền thống đảnh lễ và tặng quà cho ông bà, cha mẹ, cho thầy cô giáo, cho các bậc hữu ân vào dịp chư Tăng ra Hạ không chỉ được thực hiện tại các gia đình mà còn được áp dụng tại các học đường và vẫn tiếp tục duy trì cho đến ngày nay.

Đèn được thắp quanh tháp Chùa Xá Lợi Răng Phật (Chùa Swetaw)

Vào những ngày này, ông bà, cha mẹ cũng chuẩn bị những bữa tiệc nhẹ để tiếp đón con cháu, bạn bè của con cháu; để đón nhận sự cung kính đảnh lễ từ các con, các cháu. Ngoài việc đảnh lễ ông bà cha mẹ, các con, các cháu còn bày tỏ lòng ăn năn, sám hối những hành động đã sai phạm, người Myanmar gọi là "kadaw". "Kadaw" có nghĩa là đảnh lễ, là xin lỗi, là sám hối, mong người đối diện tha thứ cho những lỗi lầm mình đã gây ra. Ông Htun Naing, thành viên trong Ban hộ tự Chùa Shwedagon, cho biết quan điểm này ảnh hưởng từ giáo lý của Đức Phật. Người Myanmar nghĩ rằng tất cả chúng sanh từ vô lượng kiếp cho đến ngày nay đã sanh và tử không biết bao nhiêu lần, trong vòng luân hồi sanh tử bất tận có người từng là cha mẹ, là anh em của chúng ta; có người từng là những người thân, người thương của chúng ta; nhưng cũng có người từng là kẻ thù, là những người chúng ta không ưa, không thích…


Chư Ni kinh hành quanh đại tháp Shwedagon trong ngày lễ hội

Do vậy, có thể do vô tình hay cố ý chúng ta đã có những hành động, những lời nói sai lầm làm tổn hại đến người khác. Vì vậy, khi con cháu đảnh lễ cha mẹ, thầy cô hay những người lớn tuổi, không chỉ là bày tỏ lòng kính trọng mà còn mong muốn ông bà, cha mẹ, thầy cô, tha thứ cho những lỗi lầm mà con cháu đã vô tình gây ra trong đời này hoặc trong vô lượng kiếp về trước. Người lớn ngoài việc đón nhận hành động kính trọng và tạ lỗi của con cháu, họ cũng mong con cháu hoan hỷ cho những lời nói hay hành động không phải của họ đối với con cháu. Hành động sám hối lẫn nhau này được người Myanmar gọi là “xóa đi những vết đen”, giống như là giảng hòa hay làm lành vậy. Sau hành động “xóa đi những vết đen”, cha mẹ, anh em, bà con, bạn bè bắt đầu một cuộc sống mới, không có hiềm hận, chê trách mà chỉ có yêu thương, ân cần và giúp đỡ lẫn nhau.

 

Tri ân và báo ân đến các bậc hữu ân

Tháng kết duyên                                                                                 

Myanmar là một trong những quốc gia được thừa hưởng giáo lý của Đức Phật từ rất sớm, là một đất nước có hơn 89% dân số theo đạo Phật, thế nên lời dạy của Đức Phật không chỉ có ảnh hưởng đối với Phật tử, mà Pháp bảo của Đức Thế Tôn đã thấm sâu trong lòng những người dân xứ Miến. Theo truyền thống, để bày tỏ lòng cung kính đối với Tam bảo, đặc biệt là hiện tiền chư Tôn đức Tăng, trong 3 tháng chư Tăng an cư kiết hạ, người dân Myanmar không tổ chức cưới hỏi. Sau ba tháng an cư, ngày chư Tăng ra Hạ là ngày đại hỷ của cả nước, là lễ hội thắp đèn, là mùa tri ân và báo ân, đồng thời cũng là tháng kết duyên của các nam thanh nữ tú. Ngày nay, có một số giới trẻ muốn phá bỏ truyền thống này bằng cách tổ chức lễ cưới trong 3 tháng chư Tăng an cư, nhưng những trường hợp này rất hiếm và không được cộng đồng tán đồng. Hầu hết mọi người đều chờ đến ngày chư Tăng mãn hạ mới tổ chức cưới hỏi.     

Lễ hội thắp đèn là một trong những nét văn hóa rất đặc biệt tại Myanamar, lễ hội giúp mọi người khởi tín tâm đối với Tam Bảo, đồng thời nhắc nhở mọi người phải biết tri ân và báo ân đến các bậc hữu ân, đặc biệt là cha mẹ. Hình thức tổ chức lễ hội tuy không giống như ở nước ta, nhưng về ý nghĩa có thể được xem như là ngày Vu Lan - Báo Hiếu. Ngày nay, lễ hội thắp đèn tại Myanmar không còn là lễ hội của riêng đạo Phật mà đã trở thành ngày hội truyền thống của dân tộc, ngày này được xếp vào một trong mười hai lễ hội quan trọng nhất của đất nước Myanmar.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 14)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 353
    • Số lượt truy cập : 7079844