Thông tin

THÀNH ĐẲNG CHÍNH GIÁC ĐẠI ĐỨC THIỀN SƯ MINH HÀNH TẠI TẠI

THÀNH ĐẲNG CHÍNH GIÁC

ĐẠI ĐỨC THIỀN SƯ MINH HÀNH TẠI TẠI

 

NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG

 

 

Minh Hành là đệ tử đắc pháp của thiền sư Chuyết Chuyết, cũng là vị Tổ sư quan trọng của chùa Bút Tháp (Ninh Phúc tự), xã Đinh Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ngài sinh năm 1596 tại phủ Kiến Xương, tỉnh Giang Tây, nước Đại Minh. Bố là Hà Công Kiều Ngũ, tự Bình Châu, hiệu Viên Dung, thụy Pháp Vũ; mẹ là Hứa Thị Ngũ Nương, thụy Từ Vân.

Năm 1630, ông đáp thuyền buôn chạy (quân Mãn Thanh xâm lược Trung Quốc) sang Đàng Trong nước Đại Việt.

Theo Chuyết Chuyết Tổ sư ngữ lục, thì (năm 1625) sau khi trở về Trung Quốc thăm bà thím, sư (Chuyết Chuyết) lại vân du sang Đàng Trong Đại Việt đến Quảng Nam, Thuận Hóa, dừng ở đây đến 7,8 năm thuyết pháp độ nhân, phổ lợi quần sinh.

Năm 1633, Chuyết Chuyết Hòa thượng đang đi khất thực ở Hàn Than, Cổ Bảng, ngài gặp Minh Hành, thấy ông khác lạ nên rất yêu quý ông. Chuyết Công liền thu nhận ông làm đệ tử lấy hiệu là Hu Giang Vân Thủy Sa di, đặt pháp danh là Minh Hành, đạo hiệu là Tại Tại Nhân Thiên Đạo sư. Bấy giờ, có vị thương nhân ở kinh thành Thăng Long tên là Nguyễn Tế, thỉnh Chuyết Chuyết Hòa thượng ra Thăng Long làm lễ cầu siêu cho cha mẹ. Thầy trò bàn kín với nhau, Chuyết Chuyết nói: “Đây chẳng phải là việc của chúng ta, nhưng nếu muốn khai quyền hiển thật thì không thể không theo”. Thế rồi, thầy trò cùng nhau đến Kinh thành. Thế nhưng, Nguyễn Tế lại mắc phải tội không thể tha, khiến cho thầy trò phải đi khất thực mấy tháng, rất ít khi gặp được những người như Trưởng giả Cấp Cô (tức đại thí chủ cúng dàng). Nguyễn Lang cho rằng trước khi ra Thăng Long, thầy trò Chuyết Công có dừng chân hoằng hóa tại Nghệ An, hành đạo tại chùa Thiên Tượng và Thanh Hóa trụ trì chùa Trạch Lâm.

Năm 1643, Chuyết Công được thỉnh sang trụ trì và trông coi chùa Ninh Phúc, Minh Hành thay thầy trụ trì Vạn Phúc tự (tức chùa Phật Tích), huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

 Năm 1644, tháng 7 ngày 11 niên hiệu Phúc Thái thứ 2, Chuyết Chuyết Hòa thượng “dùng nước thơm tắm rửa, đích thân viết di chúc truyền thụ y bát cho đệ tử trưởng là thiền sư Minh Hành nắm giữ đại giáo, truyền đăng tục diệm; Hoàng thái hậu (Trịnh Thị Ngọc Trúc) làm Đạo tràng mẫu, lo liệu việc hộ trì bên ngoài”.

Năm 1645, niên hiệu Phúc Thái thứ 3, Minh Hành viết Chuyết Chuyết tổ sư ngữ lục, đây là một bộ sách quan trọng để tìm hiểu tư tưởng của Chuyết Công cũng như các thiền sư đương thời, tiếc rằng hiện giờ chỉ còn một số quyển tản mát mà chưa hệ thống được.

 Năm 1647, niên hiệu Phúc Thái thứ 5, sư hoàn tất việc xây dựng chùa Ninh Phúc, viết văn bia Sắc kiến Ninh Phúc thiền tự bi ký. Rồi tổ chức dựng tháp Báo Nghiêm cho Hòa thượng Chuyết Chuyết tại chùa; dựng bia Hiến Thụy am, Báo Nghiêm tháp bi minh, Thanh Nguyên cư sĩ là Âu Dương Vựng Đăng, hiệu là Thể Chân soạn lời văn.

Một sự kiện quan trọng vào năm Khánh Đức 2 (1650) Thiền sư Minh Hành thiết lập Đạo tràng Minh Dương Thủy lục trong nội cung, xuống tóc cho Quận chúa Lê Thị Ngọc Duyên - trưởng nữ của Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc và Cường Quận công Lê Trụ, cháu của Thanh Đô vương Trịnh Tráng, đặt pháp danh là Chân Tuệ (Diệu Tuệ), pháp hiệu là Thiện Thiện. Từ đó với sự ủng hộ nhiệt thành của các sư ni: Pháp Tĩnh (Hoàng Thị Ngọc Trúc) và Diệu Tuệ chùa Ninh Phúc (Bút Tháp) và chùa Vạn Phúc (Phật Tích) dưới sự điều hành của Thiền sư Minh Hành phát triển, trở thành trung tâm Phật giáo Lâm Tế Đàng Ngoài, rất đông người đến theo học đạo.

Trong Chuyết Chuyết Tổ sư ngữ lục, trang 23 viết: “Đương thời, gặp phải lúc “cầu long biến hóa, cờ phướn lay động”. Thượng thủ (tức Minh Hành) bèn bí mật hộ tống chân thân của Tổ về giấu ở chùa Khánh Quang. Sau ngày thái bình lại rước về chùa Ninh Phúc, tàng vào trong bảo tháp. Dịch giả Nguyễn Quang Khải và Thích Nguyên Đạt giải thích: Cầu long, nghĩa đen là con rồng có sừng. “cầu long biến hóa, cờ phướn lay động” là câu thành ngữ ý chỉ chiến tranh loạn lạc. Phải chăng tác giả nói đến những cuộc giao tranh giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn. Nhưng nếu thế thì tại sao Minh Hành lại đưa nhục thân Chuyết Công từ Kinh Bắc vào xứ Thanh nơi gần với Đàng Trong hơn? Chúng tôi cho rằng sự việc sau đây mới là nguyên nhân:

Năm 1653, Trịnh Tạc là con thứ 2 được chúa Trịnh Tráng chọn làm Nguyên súy Chưởng quốc chính Tây Định vương, tức là người sẽ nối ngôi chúa. Việc này làm con trai trưởng Trịnh Tráng là Trịnh Toàn không hài lòng, từ đó dẫn tới mâu thuẫn ngấm ngầm giữa Toàn và Tạc.   

Năm 1657, Trịnh Tráng qua đời, dự đoán kinh thành có thể xảy ra biến loạn, Minh Hành đem nhục thân Chuyết Công từ Ninh Phúc tự vào chùa Trạch Lâm, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa cất giấu. Ông trụ trì và tiếp tục hành đạo ở đây cho tới hết năm 1658, khi Đông Đô trở lại yên bình mới quay về chùa Ninh Phúc.

Năm 1659 tháng 3, ngày 25 niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2, thiền sư Minh Hành viên tịch, thọ 64 tuổi.

Năm 1660, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 3, ngày rằm tháng 11. Đệ tử là Ưu bà di Chính cung Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, đạo hiệu Pháp Tính và con gái là Tỷ khiêu ni Lê Thị Ngọc Duyên, pháp hiệu Diệu Tuệ Thiện Thiện cùng môn đồ đứng ra mộ duyên lập khoán đá, sách đồng và làm chủ hưng công xây tháp Tôn Đức an táng xá lị cho Thiền sư tại chùa Ninh Phúc đồng thời truy tôn ông là Giáo thụ sư Ma ha Tỷ khiêu Minh Hành Tại Công Hòa thượng, vua Lê Thần Tông sắc tặng là Thành Đẳng Chính Giác Đại đức Thiền sư Hóa thân Bồ tát, pháp danh Minh Hành, hiệu Tại Tại Nhân Thiên.

 

 

Một ngọn tháp nữa được dựng lên để thờ ông ở chùa Trạch Lâm, tỉnh Thanh Hóa, một pho tượng của Minh Hành bằng đồng được tôn trí trong tháp. Nguyễn Lang cho biết: “pho tượng còn tồn tại đến ngày nay, pho tượng mà Bezacie cho là “kiểu tượng Việt Nam khéo nhất mà chúng ta đã thấy”.  

Minh Hành là đời pháp thứ 35 tông Lâm Tế Trung Hoa và là đời pháp thứ 2 tông Lâm Tế Đàng Ngoài.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6712268