Thông tin

THÀNH KÍNH TRI ÂN ĐẤNG TỪ PHỤ

THÀNH KÍNH TRI ÂN ĐẤNG TỪ PHỤ

              

VIÊN THẮNG

 

 

Cứ mỗi lần đọc phần mở đầu Kinh Kim Cang thì trong lòng con cảm động và thương Đấng Từ phụ vô cùng. Bởi vì hình ảnh Ngài thật bình dị, gần gũi với chúng ta: “Khi ấy gần đến giờ thọ trai, đức Thế Tôn đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Trong thành ấy, Ngài theo thứ lớp khất thực xong, trở về nơi chúng ở. Thọ trai rồi, Ngài dẹp y bát, rửa chân, trải tòa ngồi”. Chính vì nếp sống bình dị của Đấng Giác ngộ đã toát lên một vẻ đẹp phi thường, làm lay động biết bao người, trở thành bài thuyết pháp không lời thật hùng hồn qua thân giáo.

 Đời sống của Đấng Giác ngộ vẫn giống như chúng ta, có khác chăng là một chữ ‘Biết’. Bởi vì Ngài ‘biết’ sống trong cung vàng điện ngọc, bên vợ đẹp con xinh, hưởng thụ dục lạc cũng không bền vững, có khác nào đắm mình trong vũng bùn lầy sanh tử, nên Ngài quyết chí từ bỏ tất cả để dấn thân vào rừng sâu núi thẳm, trải qua biết bao gian nan khổ nhọc, chịu đựng đói khát và thiếu thốn, lại còn chịu đựng thời tiết khắc nghiệt ở đất Ấn Độ, trời nóng cháy da, trời lạnh buốt thấu xương để tìm ra chân lý, chỉ dạy chúng sanh tiến tu trên con đường giải thoát giác ngộ.

Mặc dù trải qua 26 thế kỷ nhưng những lời Ngài dạy vẫn luôn có giá trị tuyệt đối. Tất cả mọi người trên toàn thế giới, từ hàng trí thức giàu sang quyền quý cho đến người dân quê nghèo khó; nếu người nào thực hành theo lời Ngài dạy thì tìm thấy được sự an lạc từ nội tâm. Chính vì thế mà đức Thế Tôn từng tuyên bố rất hào hùng: “Cánh cửa giải thoát đã mở cho hết thảy những người nào muốn nghe và hãy đến đây”. Với thông điệp ấy, trải qua 2.600 năm qua, các thế hệ hàng đệ tử của Ngài đã ra sức xiển dương và phát huy để rồi đã kết tinh thành những giá trị cao quý, cho đến ngày hôm nay vẫn còn đọng lại trong tâm thức của mọi người. Những giáo lý hàm súc làm chất liệu chuyển hóa thân tâm con người; những công trình nghệ thuật đồ sộ vượt thời gian; những nhân cách sống đã thấm sâu vào nền văn hóa của mỗi vùng, mỗi quốc gia. Tất cả đều là những chứng tích bất di bất diệt theo cung bậc thời gian vô tận. Thật đúng như nhạc sĩ Phi Long tán thán Ngài:

Phật là ánh từ quang soi lối con trở về,

nguồn pháp từ mênh mông đưa con về bờ giác.

Phật từ bi soi sáng, đưa con thoát lầm mê,

đã bao đời say đắm trên nhung gấm lụa là1.

Vì sao đức Thế Tôn có sức mạnh cảm hóa khắp chúng sanh trên thế giới như thế? Bởi vì lòng từ bi và trí tuệ của Ngài quá rộng lớn, cho đến ngày hôm nay trái tim của Ngài vẫn luôn rộng mở đón nhận hóa độ vô số chúng sanh đang lầm đường lạc lối.

 Khi Phật còn tại thế, nơi nào Ngài đặt chân đến thì nơi ấy được sự bình an hiện hữu và những gì bị tàn phá thì được khôi phục lại. Tương Ưng Bộ Kinh, cho biết Ngài đã khích lệ cho sáu mươi vị đệ tử đầu tiên đã chứng A-la-hán, nên đi du hóa để thuyết pháp độ sanh, nói lên tâm nguyện từ bi cứu khổ, độ sanh của Ngài: “Này các Tỳ kheo, hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người”.

Kính lạy Ngài! Hàng phàm phu chúng con bị nghiệp chướng sâu nặng, luôn sống trong chấp ngã, chấp pháp nặng nề, tâm thường vọng niệm điên đảo, bị vô minh sai khiến nên ba độc tham, sân, si luôn hiện hữu. Vì Ngài biết rõ nghiệp chướng của chúng con nên suốt 49 năm Ngài đã đi khắp mọi nơi. Từ thành thị cho đến thôn quê, Ngài đi khắp hang cùng ngõ hẻm ở đất nước Ấn Độ để giáo hóa từ hàng vua chúa cho đến người dân hạng cùng đinh hạ tiện; hay từ hoàng hậu, công chúa cho đến dâm nữ v.v… Ngài đến với mọi người bằng tâm từ bi, bình đẳng hết lòng tha thiết chỉ dạy để cho họ thực hành theo con đường giải thoát giác ngộ, thoát khỏi cảnh trầm luân sanh tử trong sáu đường:

Phật là ánh từ quang cho tâm con bừng sáng,

Thấu triệt đời hư vô đắm trong biển luân hồi.

Phật từ bi chỉ lối đưa con khỏi trầm luân,

Nương tựa ba ngôi báu thoát khỏi đời bể dâu.

Nhân mùa đại lễ Phật đản lại về, con xin cung kính đảnh lễ đức Thế Tôn, bậc Thầy vĩ đại của thế gian, bậc trí tuệ tối thắng mỗi đêm con thường tán thán:

Đấng Pháp Vương Vô Thượng

Ba cõi chẳng ai bằng…

Nguyện ánh sáng tuệ giác của Ngài sẽ chiếu soi khắp đến nhân loại tại thế gian này, để cho mọi người hiểu biết nhau, thương yêu nhau hơn thì trừ bỏ được tâm cố chấp hận thù, ganh tỵ sẽ tan đi, cuộc sống của mọi người sẽ  an lạc, hạnh phúc. 


1. Bài hát Phật là ánh Từ Quang (Nhạc sĩ Phi Long)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 28
    • Số lượt truy cập : 6712147