Thông tin

THÁNH TĂNG VÔ BỆNH BĀKULA - PHƯỚC BÁU PHÁT SINH TỪ NGHỀ BÁC SĨ CỨU NGƯỜI

THÁNH TĂNG VÔ BỆNH BĀKULA

PHƯỚC BÁU PHÁT SINH TỪ NGHỀ BÁC SĨ CỨU NGƯỜI

 

TUỆ ÂN

 

 

Thời kỳ Ðức Phật Anomadassī xuất hiện trên thế gian, tiền thân Ngài Bākula là một vị đạo sĩ chứng đắc 8 bậc thiền, có ngũ thông, đến hầu Ðức Phật nghe pháp, xin thọ Tam quy nơi Ðức Phật.

Một thời nọ, Ðức Phật Anomadassī bị lâm bệnh phong hàn, vị đạo sĩ (tiền thân Ngài Ðại đức Bākula) đi tìm thuốc đem về làm phước bố thí cúng dường đến Ðức Phật. Nhờ uống thuốc ấy, Ðức Phật khỏi bệnh.

Vị đạo sĩ cầu nguyện rằng: Do nhờ phước thiện bố thí thuốc, trị khỏi bệnh của Ðức Phật, kiếp nào con cũng có sắc thân không bệnh hoạn ốm đau.

Vị đạo sĩ ấy sau khi chết, do năng lực bậc thiền sở đắc của mình được tái sanh lên cõi trời Phạm thiên, những kiếp kế tiếp suốt một a tăng kỳ tái sanh làm người hoặc chư Thiên, Phạm thiên.

Ðến thời kỳ Ðức Phật Padumuttara (theo bộ Chú giải Aṅguttaranikāya, phần Etadaggavagga; Thời kỳ Ðức Phật Anomadassī đến Ðức Phật Padumuttara cách một a tăng kỳ), tiền thân Ngài Bākula sanh trong gia đình quý tộc, thường đến nghe Ðức Phật thuyết pháp. Một hôm, Ngài nhìn thấy Ðức Phật tuyên dương một vị Tỳ khưu xuất sắc nhất về đức hạnh ít bệnh hoạn ốm đau. Ngài rất hoan hỉ có nguyện vọng muốn được địa vị xuất sắc nhất ấy, Ngài cố gắng tạo mọi phước thiện bố thí cúng dường đến Ðức Phật cùng chư Ðại đức Tăng, nhất là bố thí cúng dường thuốc trị bệnh. Ngài được Ðức Phật Padumuttara thọ ký, trong vị lai, vào thời kỳ Ðức Phật Gotama, Ngài sẽ là bậc Thánh Thanh văn đệ tử của Ðức Phật Gotama xuất sắc nhất về đức hạnh ít bệnh hoạn ốm đau. Ngài vô cùng hoan hỉ tạo mọi phước thiện đến trọn kiếp, do thiện nghiệp ấy cho quả chỉ tái sanh làm người hoặc chư Thiên nơi cõi trời mà thôi.

Ðến thời kỳ Ðức Phật Vipassī (Thời kỳ Ðức Phật Padumuttara cách trái đất của chúng ta 100 ngàn đại kiếp trái đất. Thời kỳ Ðức Phật Vipassī cách trái đất của chúng ta 91 đại kiếp trái đất) xuất hiện trên thế gian, tiền thân Ngài Ðại đức Bākula sanh trong dòng dõi Bà-la-môn cao quý. Khi trưởng thành Ngài xuất gia trở thành đạo sĩ chứng đắc các bậc thiền, thường đến hầu Ðức Phật nghe pháp, thọ Tam quy nơi Ðức Phật. Vị đạo sĩ thường đến hộ độ Ðức Phật.

Một lần nọ, có một số Tỳ khưu bị bệnh, vị đạo sĩ đi tìm thuốc về làm phước bố thí chữa trị cho những vị Tỳ khưu ấy đều khỏi bệnh. Ðến khi vị đạo sĩ hết tuổi thọ, do năng lực sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sanh lên cõi Phạm thiên. Suốt 91 đại kiếp chỉ tái sanh làm người hoặc chư Thiên nơi cõi trời mà thôi.

Ðến thời kỳ Ðức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, tiền kiếp Ngài Ðại đức Bākula sanh trong gia đình giàu sang phú quý; Ngài đã xây cất chánh điện, trai đường, nhà bếp, nhà vệ sinh, nhà thương dâng cúng đến chư Tăng, đặc biệt thích làm phước bố thí thuốc trị bệnh đến chư Tỳ khưu Tăng. Khi hết tuổi thọ, do phước thiện ấy cho quả được tái sinh cõi trời và cõi người, không hề sa đọa trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula,
ngạ quỷ, súc sinh).

Kiếp hiện tại, cũng là kiếp chót, Ngài sinh trong gia đình phú hộ xứ Kosambī. Khi Ngài được 5 ngày tuổi, theo tục lệ, những người vú nuôi bồng ẵm Ngài xuống dòng sông Yāmunā để tắm cho khỏi bệnh. Một con cá lớn nhìn thấy đứa trẻ tưởng là miếng mồi, bơi đến nuốt chửng Ngài vào bụng. Tuy Ngài nằm trong bụng con cá vẫn cảm thấy an lạc. Do năng lực phước thiện của Ngài, làm cho con cá cảm thấy nóng nảy bơi suốt 3 do tuần đến xứ Bārāṇasi thì bị mắc lưới của dân chài xứ ấy. Dân chài bắt con cá đem bán cho gia đình phú hộ Bārāṇasī không có con. Do năng lực phước thiện của Ngài, khiến cho bà phu nhân phú hộ tự tay mình mổ bụng con cá phát hiện một đứa trẻ nằm trong bụng con cá, bà vô cùng vui mừng, hạnh phúc được một đứa trẻ, bà reo lên "Tôi tìm được một đứa con trong bụng cá". Tiếng lành phi thường lan rộng, ông bà phú hộ Kosambī đến xem thì nhận là đứa con trai của chính mình bị con cá nuốt mất vào bụng. Như vậy, đứa bé này đúng là con của họ, không phải con của gia đình ông bà phú hộ xứ Bārāṇasī. Hai gia đình phú hộ tranh chấp, không bên nào nhường bên nào. Họ đem sự việc trình Ðức vua phán xử. Ðức vua phán rằng: Đứa bé này là con chung của hai gia đình phú hộ: phú hộ xứ Kosambī và phú hộ Bārāṇasī. Do đó, đặt tên Ngài là Bākulakumāra có nghĩa là đứa bé của hai gia đình. Ngài được hai gia đình nuôi dưỡng, mỗi gia đình 4 tháng. Ngài ở gia đình bên này suốt 4 tháng rồi đến gia đình bên kia 4 tháng, và cứ thế thay phiên như vậy. Cuộc đời Ngài Bākula cứ hưởng sự an lạc của hai gia đình phú hộ suốt 80 năm.

Trong thời kỳ Ðức Phật Gotama, một thuở nọ, Ðức Phật ngự đến xứ Kosambī, Ngài Bākula đến hầu Ðức Phật lắng nghe chánh pháp, thấy nhàm chán đời sống tại gia, Ngài liền xin Ðức Phật cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu. Sau khi đã trở thành Tỳ khưu được 7 ngày, qua đến sáng ngày thứ 8 Ngài tiến hành thiền tuệ, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Ðạo - Nhập Lưu Thánh Quả cho đến A-ra-hán Thánh Ðạo, A-ra-hán Thánh Quả cùng với Tứ tuệ phân tích, hoàn thành xong phận sự của bậc xuất gia.

Ðức Phật tán dương Ngài Ðại đức Bākula rằng:

"Etadaggaṃ bhikkhave, mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ appābādhānaṃ yadidaṃ Bākulo".

"Này chư Tỳ khưu, trong hàng Thanh văn đệ tử của Như Lai, Bākula xuất sắc nhất về đức hạnh ít bệnh hoạn ốm đau".

Những quả báu này đều bắt nguồn từ phước thiện bố thí thuốc trị bệnh đến Ðức Phật Anomadassī trong tiền kiếp.

Ngài Ðại đức Bākula ít bệnh hoạn ốm đau nhất, xuất gia trở thành Tỳ khưu được 80 hạ. Ngài tịch diệt Niết bàn lúc tròn 160 tuổi, là người có tuổi thọ, sống lâu nhất trong giáo pháp của Ðức Phật Gotama.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 22
    • Số lượt truy cập : 6712204