Thông tin

THIỀN PHÁI TÀO ĐỘNG VÀ PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

HT. THÍCH TRUNG HẬU*

 

Từ hậu bán thế kỷ 17 trở đi, tuy đất nước Đại Việt vẫn còn bị chia cắt làm hai miền: Đàng ngoài (Bắc) và Đàng trong (Nam) nhưng về Phật giáo thì ở cả hai miền Bắc Nam đều có sự phát triển rất đáng kể, công đầu là do một số vị Thiền sư Việt Nam (Sang Trung Hoa tu học rồi trở về nước) và các Thiền sư Trung Hoa thuộc các Thiền phái Lâm Tế, Tào Động đã sang Đại Việt truyền đạo. Bài viết này gồm hai phần chính: Nói tóm tắt về Thiền phái Tào Động và Thiền phái Tào Động đã truyền vào Đại Việt.

1. Nói tóm tắt về Thiền phái Tào Động

Thiền phái Tào Động là một trong 5 Tông phái đã nối tiếp cùng phát huy từ Thiền Tào Khê của Lục Tổ Tuệ Năng (638 – 713), Trung Hoa. Nơi 5 Tông phái nầy (Lâm Tế, Quy Ngưỡng, Tào Động, Vân Môn, Pháp Nhãn) thì 3 Tông Tào Động, Vân Môn Và Pháp Nhãn là theo hệ của Thiền sư Thanh Nguyên Hành Tư (? – 740) một trong hai vị cao đệ của Lục Tổ Tuệ Năng, đã đắc pháp từ Lục Tổ (Vị kia là Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng: 677 – 744).

Thiền phái Tào Động do hai Thiền sư Động Sơn Lương Giới (807 – 869) và Thiền sư Tào Sơn Bản Tịch (840 – 901) tạo lập. Thiền sư Động Sơn Lương Giới họ Du, người đất Cối Kê, Việt Châu (Cối Kê, Chiết Giang), xuất gia học Phật từ nhỏ, 21 tuổi thọ giới Cụ túc, từng tham yết các Thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện (748 – 834), Quy Sơn Linh Hựu (771 – 853) rồi đắc pháp nơi Thiền sư Vân Nham Đàm Thịnh (782 – 814). Sau, Sư khai pháp ở Động Sơn, Giang Tây, hoằng dương thiền pháp, đệ tử nối pháp có Tào Sơn Bản Tịch v.v… Thiền sư Bản Tịch họ Hoàng, người đất Bồ Điền, Tuyền Châu (Cổ Điền, Phúc Kiến), 19 tuổi xuất gia, 25 tuổi thọ giới Cụ túc, tham yết, cầu pháp và đắc pháp nơi Thiền sư Lương Giới. Sau, Sư khai pháp tại Cát Thủy, Phủ Châu, đổi tên là Tào Sơn. Rồi Sư dời trụ nơi núi Hà Ngọc, cực lực xiển dương thiền học.

Về sau, Động Sơn, Tào Sơn thiền phong càng thịnh, môn đồ bèn hợp nhất xưng là Tông Tào Động. Sách Tăng Đính Phật Tổ Đạo Ảnh của Đại Lão Hòa thượng Hư Vân (1840 – 1959) đã có Lời Tán về hai vị Thiền sư như sau:

* Lời tán: (Thiền sư Lương Giới):

Xa được chân sư            –>     Bậc lớn là chính

Bóng nước bước theo               Như cọp sinh cánh.

Năm vị mở bày                         Nhổ các kiến chấp         

Huyền phong xướng lớn          Khắp trời vòng đất[1].

* Lời tán: (Thiền sư Bản Tịch):

Nước động chảy ngược  –>     Sư nối tuệ kia

Từ biên nào đến                       Mở năm vị nầy.

Gương báu nên đài                  Chiếu tròn muôn loại

Hư huyền không vướng            Há thâu ý hội![2]

Luận điểm căn bản của Thiền phái Tào Động là chủ trương về Ngũ Vị (Năm Vị) vốn do Thiền sư Lương Giới đề xuất và Thiền sư Bản Tịch đã bổ sung và hệ thống hóa. Có hai loại năm vị là Năm Vị Chánh ThiênNăm Vị Công Huân.

Năm Vị Chánh Thiên: Là Chánh Trung Thiên, Thiên Trung Chánh, Chánh Trung Lai, Thiên Trung Chí và Kiêm Trung Đáo. Chánh là âm, ý tức chỉ cho bản thể của chân như. Thiên là dương, ý tức chỉ cho hiện tượng của sinh diệt. Chánh Trung Thiên là chỉ cho trong bình đẳng còn có sai biệt. Thiên Trung Chánh là chỉ cho sai biệt tức là bình đẳng. Trên cơ sở ấy, tạo công phu tu hành của động ở trong tĩnh, tức gọi là Chánh Trung Lai. Tĩnh ở trong động tức là Thiên Trung Chí. Gồm cả hai thứ trên, đạt được cảnh giới tự do tự tại, tức gọi là Kiêm Trung Đáo. Đối nơi năm vị nầy, Thiền sư Tào Sơn Bản Tịch từng dùng Vua – Bề tôi (Quân Thần) để so sánh mà thuyết minh (Vua. Bề tôi. Bề tôi hướng đến vua. Vua trông thấy bề tôi. Vua – Bề tôi cùng hợp).

Năm Vị Công Huân: Là Hướng, Phụng, Công, Cộng công và Công công. Tức nhận biết về chúng sinh vốn gồm đủ Phật tánh. Cầu đạt quả Phật (Hướng). Vì nhằm chứng Phật tánh nên tu hành (Phụng). Thấy Phật tánh (Công). Tuy đã đạt vị giác của tự do, nhưng hãy còn có tác dụng (Cộng công). Sau cùng, lại siêu việt các thứ trước, đạt đến cảnh giới tự do tự tại (Công công)[3].

Ngoài ra, Tông Tào Động còn có một số chủ trương đã hình thành dần về sau như: Chỉ quán đả tọa: Ngồi thiền, không cần chủ đề thiền. Tu chứng nhất như: Ngồi thiền và đạt đạo là một. Vô sở đắc: Không vướng chấp nơi đối tượng chứng đắc. Vô sở ngộ: không chấp vào đối tượng giác ngộ. Thân tâm nhất như: Thân tâm là một.

Thiền sử Trung Hoa đã cho thấy Lâm Tế và Tào Động là hai Thiền phái đã phát triển sâu rộng nhất[4].

2. Thiền phái Tào Động truyền vào Đại Việt:

2.1. Ở Đàng Ngoài (Bắc Hà):

Thiền phái Tào Động truyền vào và phát triển ở Đàng Ngoài của Đại Việt là vào hậu bán thế kỷ 17, công đầu do hai vị là Thiền sư Thủy Nguyệt (1636 – 1704) và Thiền sư Tông Diễn (? – 1709).

Thiền sư Thủy Nguyệt tên là Đăng Giáp, hiệu là Thông Giác, người huyện Hưng Nhân, Thái Bình, trụ trì một ngôi chùa trên núi Hùng Lĩnh. Năm 1664, ông cùng với hai người đệ tử sang Trung Hoa cầu học nơi Thiền sư Nhất Cú Tri Giáo thuộc Tông Tào Động, tại núi Phụng Hoàng. Năm 1667, ông cùng với hai đệ tử trở về nước, cư trú tại chùa Vọng Lão ở An Sơn, Đông Triều (Hải Dương), dốc sức mở mang Thiền phái. Thiền sư Thủy Nguyệt cũng từng hành đạo ở chùa Tư Phúc, Côn Sơn, chùa nơi núi Nhẫm Dương ở Hạ Long.

Vị đệ tử được Thủy Nguyệt truyền pháp là Thiền sư Tông Diễn. Thiền sư Tông Diễn hiệu là Chân Dung, vốn người Đông Sơn, Hải Dương, có thể đã từng theo học Thiền sư Tuệ Nhãn tại đạo tràng Đông Sơn, trước khi tham yết cùng đắc pháp nơi Thiền sư Thủy Nguyệt, rồi ra sức hoằng dương Thiền pháp. Sau Tông Diễn, Thiền phái Tào Động đã được nối tiếp và phát triển tốt ở Đàng Ngoài, như Văn Bia nơi chùa Hồng Phúc đã ghi rõ về sự truyền thừa qua nhiều đời[5].

2.2. Ở Đàng Trong (Nam Hà):

Thiền phái Tào Động có mặt ở Đàng Trong của Đại Việt cùng với Quốc sư Hưng Liên, tọa chủ đạo tràng chùa Tam Thai (Quảng Nam). Quốc sư Hưng Liên cũng có tham dự Đại Giới Đàn chùa Thiền Lâm năm 1695.

Người có công lớn nhất trong công việc truyền bá, tạo sự phát triển cho Thiền phái Tào Động ở Đàng Trong là Thiền sư Thạch Liêm (1633 – 1704). Ông người đất Giang Tây, Trung Hoa, hiệu là Đại Sán Hán Ông, xuất gia từ thời trẻ, cầu học nơi Thiền sư Giác Lãng, kế vị Thiền sư Thật Hành trụ trì chùa Trường Thọ ở Quảng Đông. Ông có tài về thi ca, hội họa, kiến trúc, nên chùa Trường Thọ, dưới thời ông trụ trì đã là một danh thắng nổi tiếng.

Thiền sư Thạch Liêm sang Đại Việt năm 1695, theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu, để làm Hòa thượng truyền giới cho Đại Giới Đàn tại chùa Thiền Lâm, Thuận Hóa, rồi Đại Giới Đàn tại chùa Di Đà ở Hội An, như trước đã nêu. Tại Đại Giới Đàn chùa Thiền Lâm, Thạch Liêm đã viết một cuốn sách ngắn cho chúa Nguyễn Phúc Chu, chỉ dẫn cách tu tập tên là Hộ Pháp Kim Thang Thư. Ông còn viết một Bài ngắn nhan đề: Tự Tánh Di Đà Thuyết (Nói về Phật A Di Đà của tự tánh) cho mẹ của chúa Nguyễn Phúc Chu, biện giải, hướng dẫn quốc mẫu về pháp tu niệm Phật.

Đáng chú ý nhất là những hướng dẫn, những tác động của Thiền sư Thạch Liêm đối với chúa Nguyễn Phúc Chu, về nhận thức Phật học cũng như đường hướng trị nước. Chẳng hạn đây là những biện giải của Thiền sư Thạch Liêm với chúa Nguyễn Phúc Chu về vấn đề Trai giới của một ông vua: “Trai giới không phải chỉ là để cho sạch miệng sạch mình và sạch tư tưởng mà thôi đâu. Trai giới là làm cho quốc gia từ trên tới dưới được thanh lý chỉnh tề, không một người nào không ngồi đúng chỗ, không một việc nào chẳng giải quyết thỏa đáng: Làm được như thế mới là sự Trai giới viên mãn của một ông vua”. Rồi Thạch Liêm đề nghị chúa Nguyễn Phúc Chu thực hành Trai giới bằng cách: Trả tự do cho những người bị giam cầm oan ức. Phóng thích bớt những tù nhân trong ngục thất. Chấn cấp cho kẻ nghèo đói. Tháo gỡ cho những người bị đè nén ép uổng. Bãi bỏ bớt những luật lệ quá nghiêm khắc. Dễ dài cho hàng buôn thúng bán bưng và cho lớp thợ thuyền…

Về sự việc nầy, Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận II đã nhận xét: “Có lẽ đây là công trình giáo hóa to lớn nhất của vị trụ trì chùa Trường Thọ, bởi vì chúa Nguyễn Phúc Chu đã nghe lời ông”[6].

Thiền sư Thạch Liêm cùng đoàn tùy tùng đã vào Hội An và đáng lẽ đã về Quảng Đông từ tháng 7 âm lịch năm ấy, nhưng vì gió bão cản trở. Từ Hội An, ông được chúa Nguyễn Phúc Chu cho người vào đón ra ngụ tại chùa Thiên Mụ. Ông ở Thiên Mụ cho đến ngày 24 tháng 6 năm sau (1696) mới xuống thuyền về Quảng Đông. Tài nghệ về thi ca của ông cũng được thể hiện trong chuyến sang Đại Việt lần nầy. Sách Hải Ngoại Kỷ Sự đã ghi lại hơn 100 Bài thơ và Trường ca của Thạch Liêm viết về chùa chiền cùng phong cảnh miền Nam Đại Việt thời ấy.

Từ hậu bán thế kỷ 18 trở đi, Thiền phái Lâm Tế phát triển mạnh ở Đàng Trong, nhất là Môn phái Liễu Quán (1670 – 1742) – cũng thuộc Thiền phái Lâm Tế – đã có ảnh hưởng nhiều tại các tỉnh miền Nam Trung Bộ[7], đó có thể là lý do khiến Thiền phái Tào Động không phát triển rộng ở Nam Hà.

3. Kết luận:

Tuy không phát triển rộng khắp đất Nam Hà như Thiền phái Lâm Tế, nhưng Thiền phái Tào Động đã có mặt ở Đàng Trong cùng với thời gian trị vì của chúa Nguyễn Phúc Chu, một vị chúa thông tuệ, tài ba, giỏi văn học và mộ Phật từ nhỏ, thế nên Thiền phái Tào Động đã trở thành một động lực thúc đẩy chúa Nguyễn cố gắng thực hiện đường lối trị nước theo ảnh hưởng của Phật giáo, cũng như thúc đẩy chúa Nguyễn hoàn thành một số Phật sự thuộc loại vĩ đại tiếp theo việc tổ chức Đại Giới Đàn tại chùa Thiền Lâm năm 1695, như:

Năm 1710: Đúc Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ nặng 3285 cân. Năm 1714: Đại trùng tu chùa Thiên Mụ – Trước đấy, khi mới lên ngôi, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho trùng tu chùa Mỹ Am ở núi Thúy Vân, dựng chùa Thánh Duyên gần cửa bể Tư Hiền. Thỉnh Đại Tạng Kinh. Mở trai đàn chẩn tế, bố thí cho dân nghèo. Năm 1715: Dựng Bia đá ghi lại công việc đại trùng tu chùa Thiên Mụ…[8] (8). Ban biển ngạch cho một số Tổ đình nơi các tỉnh, thành…, tất cả đã làm sáng giá cho một giai đoạn lịch sử hưng thịnh của đất nước, trên nền tảng là sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo và dân tộc, như những câu thơ của Đào Duy Từ (1572 – 1634) đã ca tụng cảnh chùa ven cửa biển Tư Dung trong tác phẩm Tư Dung Vãn:

Nghiêm thay tướng pháp Như Lai

Cao giơ tuệ kiếm sáng ngời thủy tinh

Thời lành cả mở hội lành

Reo đưa gió Phật quét thanh bụi tà

Vầy đoàn yến múa oanh ca

Vượn xanh dâng trái, hạc già nghe kinh[9].



* Trưởng ban, Ban Văn hóa Trung ương, GHPGVN.

[1] Hòa thượng Hư Vân. Tái Tăng Phật Tổ Đạo Ảnh, Tập 3. Nguyên Huệ dịch. Nhà xb Phương Đông 2011, tr 347, 353).

[2] Hòa thượng Hư Vân. Tái Tăng Phật Tổ Đạo Ảnh, Tập 3. Nguyên Huệ dịch. Nhà xb Phương Đông 2011, tr 347, 353).

[3] Đại Từ Điển Phật Quang, trang 1088 Hạ, trang 4615 Hạ. Xem thêm: Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận tập 2, Sđd, trang 211 – 214.

[4] Xem: Tăng Đính Phật Tổ Đạo Ảnh, Tlđd, 4 tập. (Có chi tiết đáng chú ý: Thiền sư Liễu Đường Đỉnh Triệt (Tk 18) họ Hàn, cháu đời thứ 53 của Hàn Dũ (768 – 824) đời Đường, là một Tăng sĩ nổi tiếng đời Thanh thuộc Tông Tào Động.

[5] Xem: Việt Nam Phật Giáo Sử Luận tập 3 của Nguyễn Lang, Nhà xb Lá Bối Paris, 1985, trang 173 – 177.

[6] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận tập 2, Sđd, trang 239.

[7] Thiền sư Liễu Quán (1670 – 1742) tuy thọ Sa di tại Giới đàn chùa Thiền Lâm năm 1695, hai năm sau thì thọ giới Cụ túc, nhưng sau đấy cầu pháp và đắc pháp với Thiền sư Tử Dung chùa Ấn Tôn thuộc phái Lâm Tế.

[8] Văn Bia chùa Thiên Mụ có những câu viết tuyệt vời của chúa Nguyễn Phúc Chu như sau: “… coi đời sống vương giả nơi cung điện không thoải mái bằng đời sống ở chốn Thiền quan. Ngựa thắng yên cương nạm vàng giát ngọc không quý bằng một chiếc gậy kim cang. Cẩm y hoàng bào rực rỡ thường làm chóa mắt thế nhân không giá trị bằng chiếc áo cà sa. Và những kho ngọc vàng châu báu, xét cho cùng chỉ toàn là những trò hư ảo mà thôi!”. (Dẫn theo Mộng Kinh Sư của Phan Du, Nhà xb Cảo Thơm, S, 1971, trang 102).

[9] Tư Dung Vãn, câu 171 – 176. Dẫn theo Hợp Tuyển Thơ Văn Việt Nam, thế kỷ 10 – 17, Nhà xb Văn Học, 1976, trang 811.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 42
    • Số lượt truy cập : 6794445