Thông tin

THIỀN PHÁI TÀO ĐỘNG VIỆT NAM

 DƯỚI HỆ CHIẾU VĂN HÓA VIỆT

 

TT. TS. THÍCH NGUYÊN ĐẠT*

 

 

1. Hệ chiếu văn hóa Việt Nam

Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa ‘dung hóa’ mang đặc chất ‘gia đình’. Đây chính là hai lực xoáy hướng tâm mô định nên đặc thù văn hóa Việt Nam. Bất cứ yếu tố văn hóa ngoại nhập nào, khi đến mảnh đất này, đều được hai lực xoáy này ‘dung’ và ‘hóa’ để rồi hợp nhất thành văn hóa Việt. Điều này gợi ý rằng nếu một yếu tố ngoại nhập nào đó, vì lý do gì đó, không được ‘hóa và ‘hợp’ đủ, nhất định yếu tố ngoại ấy sẽ không thể tồn tại trên mảnh đất người Việt. Điều này có thể xem như là quy chuẩn tồn tại (norm of existence) Việt Nam, và theo người viết, có thể được dùng như là hệ chiếu văn hóa (cultural projection system) để lý giải cho sự tồn tại hay mất đi của một yếu tố ngoại nào đó du nhập vào Việt Nam, chẳng hạn, trường hợp của Thiền phái Tào Động Việt Nam.

Như chúng ta biết, vào hậu bán thế kỷ 17, Thiền phái Tào Động từ Trung hoa du nhập vào nước ta ở cả hai miền: Bắc hà - Đàng ngoài và Nam hà - Đàng Trong. Tuy nhiên, trong khi nhánh Thiền phái Tào Động ở Bắc hà vẫn đang được chia ở thì hoàn thành liên tiến hay hiện tại tiếp diễn với hoạt động sơn môn truyền thừa đã, đang và vẫn luôn được duy trì liên tục từ thế hệ này qua thế hệ khác, thì nhánh Thiền phái Tào động ở Nam hà đã bị chia ở thì quá khứ, sơn môn truyền thừa hình như đã bị đứt đoạn. Để tìm hiểu điều này, chúng ta hẳn cần điểm qua một vài nét đặc trưng của Thiền phái Tào Động, và tình hình du nhập và hội nhập của Thiền phái này trên mảnh đất Việt Nam.

2. Thiền phái Tào Động: Một kết hợp giữa Nho và Phật

Về mặt lịch sử, Thiền phái Tào Động là một trong năm thiền phái Phật giáo được lập thành và phát triển ở Trung Hoa: Thiền phái Lâm Tế, Tào Động, Quy Ngưỡng, Vân Môn, và Pháp Nhãn. Thiền phái này do Thiền sư Động sơn – Lương Giới thành lập và Thiền sư Tào sơn – Bản Tịch phát triển vào khoảng đầu thế kỷ 10 (khoảng 910-920 Tây lịch) ở Trung Hoa.

Trên bình diện nội hàm triết lý, đây là dòng Thiền đậm sắc màu Nho giáo: Nho – Phật kết hợp. Điều này thể hiện rõ ràng qua một trong những triết lý cốt yếu của Thiền phái. Đó là thuyết lý “Ngũ vị quân - thần”, nói về năm vị trí của Cái Thẳng hay tâm thể tuyệt đối và Cái Nghiêng hay khách thể tương đối.  Đại lược thuyết lý này như sau:

1. Chánh trung thiên: Cái Thẳng nằm trong Cái Nghiêng; tâm thể tuyệt đối nằm trong khách thể tương đối.

2. Thiên trung chánh: Cái Nghiêng nằm trong Cái Thẳng; khách thể tương đối nằm trong tâm thể tuyệt đối.

3. Chánh trung lai: Cái Thẳng nằm trong tự thân của nó; tâm thể tuyệt đối nằm trong tự thân của nó.

4. Thiên trung chí: Cái Nghiêng nằm trong tự thân của nó; khách thể tương đối nằm trong tự thân của nó.

5. Kiên trung đáo: Cái Thẳng và Cái Nghiêng đồng nhất; tâm thể tuyệt đối và khách thể tương đối đồng nhất.

Năm vị trí của Cái Thẳng và Cái Nghiêng này được giải thích như là năm vị trí của vua (quân) và bầy tôi (thần):

1. Vua ngồi nhìn bầy tôi

2. Bầy tôi hướng về vua

3. Vua ngồi một mình

4. Bầy tôi ngồi một mình

5. Vua và bầy tôi ngồi bên nhau

Nguyễn Lang, tác giả Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, cho biết, thuyết quân và thần này có sự tương đồng với thuyết Lý và Khí của Tống Nho. Một chủ trương khác của Tào Động cũng mang âm sắc Nho giáo khá rõ có tên gọi là Ngũ vị Công Huân. Lý thuyết này đại lược như sau:

1. Hướng: Hướng tới quả vị Phật

2. Phụng: Hành đạo, phục vụ tha nhân nhằm thấy Phật tính

3. Công: Thấy được Phật tính

4. Cộng công: Thấy được Phật tính nhưng vẫn còn phải tiếp tục nỗ lực để thể nhập được Phật tính.

5. Công công: Thể nhập Phật tính.

Ngoài những chủ trương thiền học quân - thần và công - huân có tên gọi hay lối giải thích Thiền đậm chất Nho giáo trên đây, Thiền phái này còn được thấy có những chủ trương thực hành mang chất Nho gia như, xem trọng sự mực thước, nghiêm túc (hành trì miên mật), xem trọng tri thức …

Tóm lại, Tào Động là một Thiền phái điển hình của sự kết hợp Nho và Phật hay nói như Chúa Minh, Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), một vị Chúa nhà Nguyễn của Nam hà – Đàng Trong Việt Nam: “Nho – Thích đồng ban” trong bài minh của ông ở chùa Thiên Mụ Huế. Nhân đây, cũng xin nói thêm rằng, câu nói “Lâm tế tương quân Tào Động thổ dân” được hiểu như Thiền Lâm tế tương hợp với hàng vua quan và Thiền Tào Động tương hợp với quần chúng bình dân hẳn là không chính xác lắm khi nói về Thiền phái này, một dòng Thiền đậm chất Nho gia, tầng lớp được xem như là giới quý tộc của xã hội phong kiến “nhất sĩ nhì nông”, chí ít là trên mảnh đất Nho học Trung Hoa, nơi khai sinh ra Thiền phái. Vậy có thể nào câu nói trên xuất phát từ hay để nói về sự phát triển của Thiền phái này ở Việt Nam?

3. Thiền Tào Động Nam hà: Một phó bản Tào Động Trung Hoa

Thiền phái Tào Động được truyền vào Nam hà – Đàng Trong vào khoảng hậu bán thế kỷ 17 do các vị Thiền sư Trung Hoa: Lão tổ Giác Phong (?-1714), Lão tổ Khắc Huyền (? – 1706), quốc sư Hưng Liên – Quả Hoẳng, và Thiền sư Thạch Liêm – Đại Sán (1633-1704). Trong đó, Thiền sư Giác Phong, thường được gọi tôn kính như là Giác Phong Lão Tổ, người khai sơn chùa Báo Quốc Huế hiện nay, có lẽ là vị Thiền sư tông Tào Động cao lạp nhất ở Nam hà. Tuy nhiên, vì tài liệu bị mất mát qua thời gian và chiến tranh, và cũng có lẽ, như nhiều sử gia nhận định, do Ngài không có đệ tử truyền thừa ở đây, nên không nhiều được biết về vị Thiền sư lớn tuổi thuộc dòng Tào Động xứ Đàng Trong này. Tương tự Thiền sư Giác Phong, thiền sư Khắc Huyền, vị khai sơn chùa Thiền Lâm Huế, thuộc dòng Tào Động và cũng không được biết nhiều. Tương đối rõ ràng hơn một chút về mặt sử liệu là hành trạng của hai thầy trò Thạch Liêm và Hưng Liên. Theo hầu hết các sử gia đương đại, Thiền phái Tào động được hưng vượng trong khoảng cuối thế kỷ 17 dầu thế kỷ ở Nam hà- Đàng Trong chủ yếu là do công của hai thầy trò Thạch Liêm và Hưng Liên.

Thiền sư Hưng Liên – Quả Hoằng là đệ tử của Thạch Liêm, nhưng lại đến lập cứ ở chùa Tam Thai, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng – Quảng Nam của Đàng Trong trước thầy mình, khoảng vào thời Chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687- 1691), và cũng có thể cùng một lần với Lão Tổ Giác Phong và Khắc Huyền. Mặc dù Thiền sư Hưng Liên được xem là vị Tổ khai lập dòng Thiền Tào Động ở đất Thuận Quảng – Đàng Trong, và từng được Chúa Nguyễn phong làm quốc sư, nhưng thiền phái này lại có vẽ thật sự hưng vượng với những lần đến thăm và dừng lại của Thiền sư Thạch Liêm Đại Sán, dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Đặc biệt, với sự hộ trì của Chúa, Thiền sư Thạch Liêm đã tổ chức Đại giới đàn tại chùa Thiền Lâm Huế vào cuối năm 1695, có quy mô rộng khắp toàn Nam hà với giới tử được nói lên tới 3000 người. Chính Chúa Minh vương Nguyễn Phúc Chu cũng là đệ tử tại gia Bồ Tát giới của Thiền sư Thạch Liêm với pháp danh là Hưng Long.

Sau sự xuất hiện của bốn vị Thiền sư Trung hoa thuộc dòng Tào Động trên, sự truyền thừa kế tục của Thiền phái do họ xiển dương đã không còn được tìm thấy. Bất cứ ai nghiên cứu lịch sử Phật giáo của thời kỷ này, hẳn đều băn khoăn: Tại sao không thấy một đệ tử xuất gia nào của các Ngài kế thừa và rộng truyền bá tôn chỉ Tào Động? Vì một lý do chính trị nào đó chẳng hạn, lo ngại sự thông bác hiểu biết, tầm ảnh hưởng sâu rộng vào quần chúng của các nhà sư dòng Tào Động, mà các chúa và vua Triều Nguyễn sau thời Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu đã không còn trọng thị, quan tâm và thậm chí hạn chế sự hoạt động họ? hay thậm chí, cũng có thể vì một khuynh hướng xã hội nào đó, chẳng hạn phong trào Việt hóa Phật giáo Trung hoa nổi lên vào lúc bấy giờ với Thiền sư Liễu Quán, một nhà sư Việt, làm ngọn cờ đầu?

Vì sự biến loạn của thời cuộc nên tài liệu mất hết hoặc không đủ cứ liệu để minh xác, nên mọi lý giải giả định liên quan đến sự kiện đứt mạch truyền thừa của nhánh Thiền Tào Động Nam hà đều nằm trong dạng khả thể. Tuy nhiên, theo người viết, nếu chiếu theo hệ quy chuẩn văn hóa Việt, sở dĩ nhánh Thiền Tào Động Nam hà đã không thể tồn tại, bởi có hai lý do:

1. Các Thiền sư Tào Động ở Nam hà đều là người Trung Hoa, nên họ mang nguyên bản Tào Động Trung Hoa đến mảnh đất Đàng Trong Việt Nam. Điều này gợi ý rằng Thiền Tào Động Nam hà, dù đã có một thời gian khá dài hưng vượng, nhưng vẫn chỉ là một phó bản của thiền Tào Động Trung Hoa, và do vậy khó thể tồn tại lâu dài trên mảnh đất này của người Việt.

2. Nhánh Thiền Tào Động Nam hà, dù là vì lý do nào đó, hoặc chủ quan hoặc khách quan, một khi đã không thể dựng lập được một mạch truyền thừa sơn môn mang tính chất như truyền thống gia đình của văn hóa Việt, thì cũng không thể tồn tại và phát triển lâu bền được.

Cũng có thể có ý kiến rằng, nhánh Thiền Tào Động ở Nam hà không thể gọi là biến mất, bởi các yếu tố  và chủ trương Thiền của nó vẫn đang được các chùa, tự viện ở nơi này lưu giữ và thực hành. Tuy nhiên, trên bề mặt xã hội, khi nói đến sự hiện hữu của một thiền phái chính là nói đến sự tồn tại của hoạt động và truyền thừa sơn môn của Thiền phái đó. Nếu những gì Thiền Tào Động ở Nam hà không thể là được thì Thiền Tào Động ở Bắc hà lại làm được, và do vậy nhánh thiền này đã và đang tồn tại và phát triển.

4. Thiền Tào Động Bắc hà: Thiền Tào Động Việt Nam

Trong lịch sử Thiền Việt Nam, ngoài hai Thiền phái Việt là Trúc Lâm và Liễu Quán, thì như chúng ta biết, các Thiền phái ngoại nhập như Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường và Lâm Tế đều do các Thiền sư ngoại quốc truyền vào. Chỉ riêng dòng Thiền Tào Động ở Bắc hà, một dòng Thiền có xuất xứ Trung Hoa, lại do chính một nhà sư Việt đi du học và mang về. Đây có lẽ là một lợi thế cho tiến trình hội nhập của nhánh Thiền này vào dòng chảy văn hóa Phật giáo Việt Nam để trở thành như một dòng Thiền Việt: Dòng Thiền Tào Động Việt Nam.

Được biết, nhà sư du học và mang giống Thiền Tào Động về ươm trồng trên mảnh đất Đại Việt ấy chính là Thiền sư Thủy Nguyệt, một nhà sư Việt, quê làng Thanh Triều, Hưng Nhân, Thái Bình. Ngài rời Đại Việt cùng hai người đệ tử vào năm 1664, đến tham vấn học Thiền với Thiền sư Nhất Cú Tri Giáo thuộc tông Tào Động tại núi Phụng Hoàng, Hồ Châu Trung Hoa. Sau ba năm tu học tại đây, được Thiền sư Nhất Cú Trí Giáo ấn chứng đã lĩnh ngộ được yếu chỉ Tào Động với Pháp hiệu là Thông Giác, Ngài cùng hai đệ tử trở về quê hương Đại Việt, cư trú tại chùa Vọng Lão, núi An Sơn, Đông Triều, Hải Dương, và khai mở đạo tràng xiển dương tôn chỉ Tào Động. Rất đông người hâm mộ đến theo Ngài học đạo thiền và được nói, Vua Lê cũng rất mến mộ đạo phong của Ngài và đã sắc phong là “Đại Thánh Đông Sơn Tuệ Nhãn Từ Giác Quốc Sư”.

Nối tiếp tông môn Tào Động Việt Nam là thiền sư Chân Dung, hiệu Tông Diễn, người gốc Đông Sơn, Hải Dương. Được biết, Sư Tông Diễn trước khi đến tham học với Thiền sư Thủy Nguyệt đã là một vị Tăng trải nhiều năm tu học. Sau khi nhận được yếu chỉ Thiền từ Thầy là Thiền sư Thủy Nguyệt, Ngài về lại Đông Sơn và ra sức hoằng hóa tông phong Tào Động. “Tông Diễn” chính là pháp hiệu đắc pháp do Thiền sư Thủy Nguyệt đặt cho như một xác chứng Ngài kế thừa tông môn Tào Động Chánh Tông.

Với sự dựng lập và nỗ lực hoằng hóa của Thiền sư Thủy Nguyệt và Tông Diễn, Thiền Tào Động ở Bắc hà – Đàng ngoài ngày một hưng thịnh, sâu rộng không chỉ trong giới quan lại, học giả, mà cả trong giới quần chúng bình dân. Quan trọng nhất, theo người viết, là dòng Thiền này đã thật sự cắm rễ được vào trong lòng quần chúng nhân dân, và nhờ đó, dù đất nước trãi qua bao cuộc biến loạn triều chính, mạch ngầm sơn môn của dòng Thiền này vẫn liên tục tiếp nối, kế thừa.

Sự truyền thừa từ thế hệ này qua thế hệ khác, theo truyền thống Thiền gia, là theo thứ tự các chữ trong bài kệ do các vị Tổ sư biệt xuất. Chẳng hạn, các bài kệ truyền thừa “Thiệt tế đại đạo, tánh hải thanh trừng…” của dòng Thiền Liễu Quán ở miền Trung, bài kệ “Đạo bổn nguyên thành Phật Tổ tiên, Minh như hồng nhật lệ trung thiên…” của dòng Thiền Lâm Tế Nguyên Thiều, hay bài kệ “Minh chơn như bảo hải, kim tường phỏ chiếu thông…” của Tổ Minh Hành Tại Toại ở cả Bắc hà… Tông Tào Động ở Bắc hà Việt Nam cũng đặt tên truyền thừa theo bài kệ của Ngài Nhất Cú Trí Giáo, như sau:

Tịnh trí viên thông tông từ tánh

Khoan giác đạo sanh thị chánh tâm

Mật hạnh nhân đức xưng lương hệ

Đăng phổ chiếu hoằng pháp vĩnh trường.

Chính do đặt tên theo bài kệ truyền thừa này nên mạch tông sơn môn Tào Động Việt Nam được thấy: sau Ngài Thủy Nguyệt - Thông Giác là Chân Dung - Tông Diễn,  đến Giác Pháp – Từ Sơn Hành Nhất, rồi đến Thiện Thuận- Tánh chúc Đạo Chu… Sự truyền thừa tạo ra mạch tông sơn môn Thiền gia có hình thái và tính cách như là văn hóa gia đình của người Việt. Hình thái truyền thừa mang chất văn hóa gia đình này, như một vài học giả nhận định, có thể dẫn đến những hoạt động mang tính cục bộ hệ phái, nhưng những ưu điểm sau đây là không thể phủ nhận:

1. Ghi nhớ gốc tổ tâm linh của mình

2. Gắn kết các thế hệ thuộc sơn môn với nhau

3. Bảo trì tông phong và thanh quy đặc thù của Thiền phái

Và thực tế là, chính nhờ hình thái truyền thừa này mà tông phong đặc thù của Thiền phái Tào Động Việt Nam được lưu giữ. Nó đóng vai trò như là mọt mạch ngầm sơn môn quyết định sự tồn tại của Thiền phái.

Kết luận

Đặc thù địa chính trị Việt Nam như là ngã tư giao điểm văn hóa đã tạo nên đặc trưng văn hóa “dung”, “hóa” và “hợp” mang tính cách nền tảng “gia đình”. Bởi thế, bất kỳ một yếu tố ngoại nào đến đây, nếu không được “dung”, “hóa” và “hợp” thì không thể tồn tại lâu dài. Như những gì vừa trình bày ở trên, Thiền phái Tào Động ở Nam hà là một điển hình thực tiễn cho sự không thể tồn tại này. Đó là, nhánh Thiền Tào Động này, tuy đã được mảnh đất này “dung”, nhưng nguyên chất Tào Động Trung hoa vẫn chưa có điều kiện và thời gian đủ để “hóa” và “hợp”, bởi không tạo được mạch truyền thừa sơn môn. Trong khi đó, nhánh Thiền Tào Động ở Bắc hà có điều kiện thuận lợi ngay từ đầu đáp ứng cho quy chuẩn “dung”, “hóa” và “hợp” của văn hóa Việt. Thật vậy, sơ Tổ Thủy Nguyệt  của Thiền phái tào Động Bắc hà là người Việt Nam, nên khi Ngài tiếp nhận Tông chỉ Tào Động là trong tâm thế và tâm thái của một người Việt. Điều này có nghĩa là, khi Ngài tiếp nhận (dung) những triết lý và yếu chỉ thiền Tào Động, ngài đã “hóa” và “hợp”  chúng ngang qua quá trình tự nội hóa trong chính Ngài, một người con đất Việt, rôi. Vậy nên, khi Ngài mang Tào Động về Việt Nam và truyền dạy thì đó đã là một Tào Động đã được Việt hóa. Thiền Tào Động Việt hóa này, theo thời gian, lại càng trở nên thuần Việt hơn, ngang qua mạch sơn môn truyền thừa Thiền phái tào Động Việt Nam.

Hôm nay, mọi hệ phái, Thiền phái Việt Nam đều sinh hoạt dưới ngôi nhà chung của Giáo hội Phạt giáo Việt Nam. Các ranh giới tông phong giữa các Thiền phái dường như đã khá nhạt nhòa. Tuy vậy, trong thực tế, các mạch ngầm sơn môn vẫn lưu chảy, và như lịch sử chứng minh, chúng đã, đang và sẽ lưu chảy một cách diệu kỳ. Chính những mạch ngầm sơn môn này quyết định sự hiện hữu và sức sống của Phật giáo Việt Nam.

 


Tài liệu tham khảo

  1. Mật Thể, Việt nam Phật giáo Sử lược,  NXB Tôn Giáo, 2004
  2. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Văn học, 2008
  3. Nguyễn Đăng Thục, Thiền Học Việt Nam, NXB Thuận Hóa, 1997
  4. Viện Sử Học, Đại Nam Thực Lục, tập 1, NXB Giáo Dục, 2007


* Phó Viện trưởng Học viện PGVN tại Huế.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 58
    • Số lượt truy cập : 6794463