Thông tin

THIỀN PHÁI TRÚC LÂM

VÀ THIỀN PHÁI TRÚC LÂM TẠI NGHỆ AN HIỆN NAY

 

TS. NGUYỄN THỊ MINH NGỌC*
NGUYỄN THỊ XUÂN NINH*

 

1. Vài nét về thiền phái Trúc Lâm

Trúc Lâmlà một dòng thiền Việt Nam đời nhà Trần, do Trần Nhân Tông sáng lập.Thiền phái Trúc Lâm có ba Thiền sư kiệt xuất là Nhân Tông (Trúc Lâm Đầu Đà), Pháp LoaHuyền Quang. Thiền phái này được xem là tiếp nối của dòng Yên Tử, là sự hợp nhất của ba dòng thiền Thảo Đường, Vô Ngôn ThôngTì-ni-đa-lưu-chi.

 Vua Trần Nhân Tông, sinh năm 1258, con đầu vua Trần Thánh Tông, khi sinh ra “được tinh anh của thánh nhân, đạo mạo thuần túy, nhan sắc như vàng, thể chất hoàn toàn, thần khí tươi sáng, hai cung đều cho là lạ, gọi là Kim Tiên đồng tử, vai bên tả có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn” được vua cha đặt tên là Phật Kim, sau còn có tên là Nhật Tôn, Trần Khâm. Năm 16 tuổi, cố từ chối đến ba lần mà không được, ông bất đắc dĩ phải lên ngôi Thái tử. Trước khi lên ngôi, ông đã từng trốn đi tu. Khi lên ngôi, ông sống thanh tĩnh, thường ở chùa Tư Phúc tại nội điện, ăn chay, thường mời các thiền gia đến giảng về Tâm tông, nhận Tuệ Trung Thượng sỹ làm thầy.Trúc Lâm tuy học với Tuệ Trung nhưng khác với Tuệ Trung ở chỗ vua rất chú trọng về mặt hình tướng của sự việc.

Sau khi giao lại quyền bính cho con là Trần Anh Tông, vào tháng 3 năm Quý Tỵ (1293) đến tháng 7 năm Giáp Ngọ (1294), vua Trần Nhân Tông đi chơi Vũ Lâm và quyết định xuất gia ở đấy.

 Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Bấy giờ Thượng hoàng đến Vũ Lâm, vào chơi hang đá. Cửa núi đá hẹp. Thượng hoàng ngự chiếc thuyền nhỏ, thái hậu Tuyên Tư ở đuôi thuyền, gọi Văn Túc Vương lên mũi thuyền, chỉ cho một phu chèo thuyền thôi. Đến khi xuất gia, lúc xe vua sắp ra, cho mời Văn Túc vào điện Dưỡng đức cung Thánh Từ ngồi ăn các món hải vị”.

Tuy vậy, ngày xuất gia của vua Trần Nhân Tông còn nhiều tranh cãi. Khâm định Việt sử thông giám cương mục 8 tờ 23b1 chép việc xuất gia này vào tháng 6 năm Ất Mùi (1295): “Thượng hoàng từ Ai Lao trở về, xuất gia ở hành cung Vũ Lâm, rồi bỗng trở lại kinh sư”. Theo Lê Mạnh Thát: vua Trần Nhân Tông xuất gia vào “năm Kỷ Hợi Hưng Long thứ 7, tháng 10 bằng cách đi thẳng vào núi Yên Tử, siêng năng tu hành 12 hạnh đầu đà, tự gọi là Hương Vân Đại Đầu Đà, dựng Chi Đề tinh xá, mở pháp độ tăng, người học đến như mây”. 

Cuộc đời xuất gia của Phật hoàng Trần Nhân Tông là một cuộc đời hoạt động tích cực. Ngoài những mùa kết hạ (ba tháng tĩnh tu) tại các am Tử Tiêu, Ngọa Vân, Thạch Thất, Tri Kiến hay tại các chùa Vĩnh Nghiêm và Siêu Loại, Vua Phật Trần Nhân Tông thường đi vân du hoằng đạo đây đó. Phật  giáo Trúc Lâm là một nền Phật Giáo nhập thế, liên hệ mất thiết tới chính trị, phong hóa của xã hội. Phật Giáo Trúc Lâm Yên Tử chỉ hưng thịnh cho đến giữa khoảng thế kỷ thứ mười bốn. Sau đó, phong trào yếu dần. Từ đây thiếu sự nâng đỡ của những ông vua Phật tử, đạo Phật rút lui về căn cứ của mình ở chùa trên núi và nơi thôn quê. Các chùa ở thủ đô Thăng Long thôi đóng vai trò quan trọng về chính trị.

Đại Nam thiền uyển truyền đăng lục  do thiền sư Phúc Điền hiệu đính ghi chép hệ truyền thừa của dòng phái này như sau: Trần Nhân Tông[1], Pháp Loa; Huyền Quang; An Tâm; Phù Vân Tĩnh Lự; Vô Trước; Quốc Nhất; Viên Minh; Đạo Huệ; Viên Ngộ; Tổng Trì; Khuê Sâm; Sơn Đăng; Hương Sơn; Trí Dung; Huệ Quang; Chân Trụ; Vô Phiền.

Có thể nói, sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm là một nét độc đáo, một niềm tự hào của Phậti giáo Việt Nam. Nó khẳng định tinh thần độc lập tự cường của người dân Việt Nam. Nguyễn Lang, trong Việt Nam Phật giáo sử luận đã viết: "Phật giáo Trúc Lâm là một nền Phật giáo độc lập, uy tín tinh thần của nó là uy tín tinh thần quốc gia Đại Việt. Nó là xương sống của một nền văn hoá Việt Nam độc lập. Nền Phật giáo này tuy có tiếp nhận những ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, Ấn Độ và Tây Tạng nhưng vẫn giữ cá tính đặc biệt của mình." [2].

Thiền phái Trúc Lâm do Đại Đầu Đà Trúc Lâm làm Sơ tổ, nhưng thiền phái này vốn bắt nguồn từ thiền sư Hiện Quang (thế hệ 15, dòng Vô Ngôn Thông).Chính Sư là người khai sơn chùa Vân Yên, sau đổi là Hoa Yên, trên núi Yên tử. Sư là đệ tử nối pháp của thiền sư Thường Chiếu(thế hệ 13 dòng Vô Ngôn Thông), trước ở núi Từ Sơn sau mới đến Yên Tử và chính là Tổ ban đầu của dòng truyền Yên Tử. Kế tiếp là quốc sư Trúc Lâm, người mà vua Trần Thái Tông gọi là Đại Sa Môn Trúc Lâm. Quốc sư Trúc Lâm đã được Trần Nhân Tông nhắc tới trong bài tựa Thiền Tông Chỉ Nam. Các nhà nghiên cứu cho đây là thiền sư Đạo Viên hay Viên Chứng(thế hệ 16 dòng Vô Ngôn Thông). Tiếp theo quốc sư Trúc Lâm là quốc sư Đại Đăng, người đã từng về kinh thành Thăng Long hành đạo và tiếp nhận thêm dòng thiền Lâm Tế từ thiền sư Thiên Phong người Trung Hoa. Tiếp theo quốc sư Đại Đăng là thiền sư Tiêu Diêu(thế hệ 17 dòng Vô Ngôn Thông), thầy của Tuệ Trung Thượng sĩ, còn gọi là đại sư Phúc Đường ở tịnh xá Phúc Đường. Thiền sư Tiêu Diêu là người đắc phápvới thiền sư Ứng Thuận dòng Vô Ngôn Thông(thế hệ 13).

Tiếp theo là thiền sư Huệ Tuệ. Theo Nguyễn Lang, sư vốn làm hoà thượng  đầu đàn truyền giới pháp cho vua Trần Nhân Tông khi vua xuất gia.

Sau thiền sư Huệ Tuệ chính là Đại đầu đà Trúc Lâm Trần Nhân Tông.

Như vậy, Thiền phái Trúc lâm không phải là một thiền phái hoàn toàn mới biệt lập với các thiền phái trước đó mà thực chất, Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân Tông đã thống nhất các thiền phái hiện có thành thiền phái Trúc lâm. Kể từ đây, Việt Nam thật sự có một dòng thiền Phật giáo của người Việt do người Việt làm sư tổ.

2. Dòng thiền Trúc Lâm và dòng thiền Trúc Lâm tại Nghệ An hiện nay

1. Vài nét về dòng thiền Trúc Lâm hiện nay

Dòng thiền Trúc Lâm hiện nay do Hòa thượng Thích Thanh Từ đứng đầu. Hòa Thượng Thích Thanh Từ tên húy là Trần Hữu Phước, sinh ngày 24 tháng 7 năm 1924, tại ấp Tích Khánh, làng Tích Thiện, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Vĩnh Long). Ngài là thiền sư thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử và đã có nhiều tác phẩm về kinh và luận Phật giáo như Bát nhã Tâm Kinh giảng giải (1998); Kinh Bát Đại Nhân Giác giảng giải (1997); Kinh Bát nhã giảng giải (2000); Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng giải (1993/2000); Kinh Kim Cang giảng giải (1997)...[3]. Song song với việc trước tác, hòa thượng đã thành lập nhiều thiền viện trong và ngoài nước, xin xem chi tiết danh mục các thiền viện ở dưới[4].

Đặc điểm cơ bản của hệ thống Thiền viện Trúc Lâm:

Thứ nhất, kiến trúc thiền viện nhìn chung là thống nhất từ kiến trúc  Tam quan tới các kiến trúc chính điện và các kiến trúc khác. Toàn bộ thiền viện Trúc Lâm chia làm 3 khu vực: khu ngoại viện, khu nội viện Tăng và khu nội viện Ni. Khu ngoại viện gồm Chánh điện, Nhà khách, Tham vấn đường và Lầu chuông.

Thứ hai, về tượng thờ, chỉ thờ duy nhất một tượng Thích Ca Mầu Ni. Tượng thường là tượng lớn được đặt trong chính điện.

Thứ ba, về nghi lễ. Các nghi lễ tổ chức tại hệ thống thiền viện Trúc Lâm tuân thủ các quy định của nghi lễ Phật giáo. Hệ thống thiền viện Trúc Lâm tu hành theo pháp môn dòng thiền Yên Tử với pháp tu thống nhất trên toàn hệ thống thiền viện. Không đốt vàng mã tại thiền viện. Một số thiền viện không có hòm công đức.

Thứ tư, thiền viện là nơi phật tử và những người quan tâm tới thiền có thể tới tu học thiền tại đây. Hình thức tu học là sống tại thiền viện, sinh hoạt theo đời sống sinh hoạt của một tu sĩ tu thiền. Vào mùa hè, thiền viện có nhận trẻ em tới học. Theo khảo sát của chúng tôi, những hoạt động này của thiền viện được nhiều phật tử đánh giá cao.  Thực tế có nhiều doanh nhân đã theo học các khóa thiền này và cảm nhận được những giá trị của thiền trong đời sống kinh tế và tinh thần của họ.

2. Dòng thiền Trúc Lâm tại Nghệ An hiện nay

Tháng 5 năm 2012, Viện Nghiên cứu tôn giáo tiến hành khảo sát sơ bộ một số chùa tại Nghệ An. Kết quả khảo sát cho thấy, Phật giáo đã từng phát triển mạnh mẽ tại Nghệ An. Qua những gì còn lại như chùa cổ, tượng cổ, văn bia chúng tôi cho rằng vào khoảng thế kỷ XVII, XVIII Phật giáo tại vùng này rất phát triển. Ở các chùa cổ hiện còn, chúng tôi tìm được nhiều pho tượng Thích Ca sơ sinh, Tam thế, Quan Âm, Thổ Địa, … ban đầu được xác định có niên đại vào khoảng thế kỷ XVII, XVIII. Những pho tượng này mang đặc trưng của nghệ thuật tiếu tượng Việt Nam. Ví dụ: Tượng Thích Ca sơ sinh, mô típ tượng Trung Quốc hiện nay là tay phải giơ lên, tay trái chỉ xuống; còn mô típ tượng Thích Ca sơ sinh Việt Nam là tay trái giơ lên, tay phải chỉ xuống.

Hiện nay, do hệ thống chùa tại Nghệ An phần lớn bị hư hỏng nên việc nhận diện Phật giáo Nghệ An qua các di tích gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với hệ thống chùa đang được và đã được trùng tu, xây dựng lại, chúng tôi bước đầu cho rằng hiện có 2 dòng phái Phật giáo tại Nghệ An là Tịnh Độ tông và Thiền tông. Phần về Tịnh Độ tông tại Nghệ An xin bàn tới trong bài viết khác. Trong bài viết này chúng tôi chỉ xin bàn về Thiền tông.

Khảo sát chùa Giám, tên chữ là Chí Linh tự tại Xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An chúng tôi tìm được dấu ấn của dòng thiền Trúc Lâm tại đây từ xưa cũng như thiền viện đang được xây dựng ngày nay.

Chùa chùa nhìn hướng Nam, phía trước  là cánh đồng, bên trái là đường , bên phải là đền, sau là khu dân cư có quy mô rộng 125 ha. Cổng chùa có dạng Tam quan, hai tầng mái, ba lối đi liền với cổng đền. Cổng đền dạng nghi môn tứ trụ. Qua cổng vào bên trong sân, chính giữa sau cổng là lầu bát giác, trong đặt tượng Quan âm Nam Hải đứng.

Chùa hiện đang được tu sửa và thiền viện theo kiến trúc hệ thống thiền viện Trúc Lâm đang được xây dựng bên cạnh.

Chùa chính có dạng chữ tam với toà Tiền đường phía trước, Thượng điện phía sau, giữa là một toà nhà đang tu sửa, lợp mái tôn.  Tiền đường gồm 5 gian, tường xây, hồi bít đốc, tay ngai. Bên tả có cây Thị cổ, thân chính bị cháy rỗng. Các bộ vì đỡ mái toà Tiền đường có kết cấu dạng thượng kèo kẻ trụ nọc, hạ kẻ, bẩy hiên và bẩy hậu trên mặt bằng 4 hàng chân cột gỗ tròn. Hệ thống cửa bức bàn được mở ở hàng cột cái tiền dạng thượng song hạ bản, cột quân tiền trong kết cấu này trở thành cột hiên. Chân cột kê các đá tảng 1 cấp hình vuông, nền lát gạch bát. Trang trí trên kiến trúc Tiền đường làm đơn giản, các kèo, kẻ, bẩy chủ yếu được xẻ vuông, soi gờ chỉ, các mảng chạm tập trung trên ván gió ở mặt hiên và cốn hiên Tiền đường. Cốn hiên bên tả chạm các hoạt cảnh dân gian như quán hàng, đánh cờ, quỷ đầu trâu mặt ngựa...

Cốn hiên bên hữu chạm cầu kiểu thượng gia Hạ kiều 7 gian, phía trên nhìn rõ lớp ngói lợp, bên dưới là sóng nước với thuyền buồm, người đánh cá, úp nơm. Trên cầu là hai phụ nữ mặc váy đang gánh hàng đi qua cầu, bên tả chạm hình người dắt trâu đi cày theo hướng ngược lại với hai người phụ nữ gánh hàng...

Ván gió gian bên tả có các mảng chạm ngang dọc ghép với nhau, mảng chạm ngang trên xà chạm lưỡng long chầu nguyệt, điều đặc biệt là trên thân mỗi con rồng đều chạm nổi 3 vòng sáng dạng mặt trời với các tia lửa, trong lòng chạm chữ Hán. Toàn bộ xà có tới 7 vòng sáng dạng mặt trời/ mặt trăng. Lá gió bên trên chia thành 3 khoang ngăn cách bởi hai khoang dọc nhỏ, mỗi khoang chạm 4 chữ Hán. Ba khoang lớn Bên tả chạm cảnh Trúc Lâm thất hiền, ở giữa chạm cảnh một không gian thờ tự với Hương án ở chính giữa trên đặt Bộ Tam sự gồm Lư hương và 2 hạc thờ, xung quanh có rèm che và bên hữu chạm hoạt cảnh người mình trần đóng khố.

Ván gió gian giữa trên xà cũng chạm cảnh lưỡng Long chầu nguyệt, ở đây mặt nguyệt chạm hình xoáy âm dương, con rồng bên hữu từ phần đao mác trên đầu đến đuôi có 4 vòng tròn nhỏ trong chạm nổi 4 chữ Hán. Trên thân rồng còn có những con rồng nhỏ ẩn hiện. Lá gió bên trên chia 3 khoang, khoang lớn nhất ở giữa chạm hổ phù, hai khoang nhỏ hai bên chạm phượng.

 Ván gió gian bên hữu, xà chạm hổ phù với các đao mác sắc nhọn từ mắt bay ra như đao rồng, hai bên chạm phượng hàm thư với các cánh xoè rộng. Lá gió phía trên xà chạm vân mây lá.

Ván gió gian hồi bên hữu không còn nguyên vẹn, mảng chạm bị mục mọt theo thời gian, Chỉ còn nhìn rõ hai mảng chạm độc long, con rồng bên tả Có đầu và đuôi ở phía trên mảng chạm, thân uốn lượn trong khung hình. Con rồng bên hữu thân Có chạm vòng bát quái với các quẻ dịch, phía dưới có chạm phượng tư thế đứng.

Ván gió gian hồi bên tả chạm cá chép vượt vũ môn hoá rồng ở xà dưới, Long Phượng ở xà trên, ván gió ở giữa một khoang chạm hạc thờ, khoang kia chạm 12 mặt người trong vòng tròn ẩn hiện trong mây với hai con rồng dạng lá hoá rồng chầu ở hai bên.[5]

Thông qua khảo sát, chúng tôi bước đầu nhận định thiền phái Trúc Lâm đã từng có mặt tại Nghệ An. Tuy nhiên, hiện chúng tôi chưa xác định được thời điểm có mặt cũng như quá trình phát triển của dòng phái này tại đây. 

Hiện nay, cũng trong khuôn viên này, công trình thiền viện Trúc Lâm mới đang được xây dựng. Dự kiến toàn bộ cảnh quan thiền viện vừa là nơi tu tập vừa là khu du lịch tâm linh. Hy vọng rằng, với sự có mặt của thiền viện Trúc Lâm, dòng phái Trúc Lâm Yên Tử không những được khôi phục tại Nghệ An mà còn có điều kiện để phát triển mạnh mẽ tại vùng đất này.



* Viện Nghiên cứu Tôn giáo

* Viện Nghiên cứu Châu Mỹ

[1] theo hệ thống truyền thừa của Yên Tử, Ngài thuộc hàng thứ sáu, nhưng là người khai sáng ra dòng Thiền Trúc Lâm của Đại Việt nên gọi là  Sơ Tổ.

[2] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập I, tr. 482

[3]Kinh Lăng già Tâm Ấn (dịch 1993/1997); Kinh Thập Thiện giảng giải (1993/1998); Kinh Viên Giác giảng giải (2000); Bích Nham Lục (dịch 1995/2002); Kinh Pháp Bảo Đàn giảng giải (1993/1999); Thiền Căn Bản (dịch 1993/1999); Pháp Yếu Tu Tập Tọa Thiền Chỉ Quán (dịch 1963); Tọa Thiền Tam muội (dịch 1961); Lục Diệu Pháp Môn (dịch 1962); Thiền Đốn Ngộ (dịch 1973/1999); Thiền Tông Vĩnh Gia Tập (dịch 1974); Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn (dịch 1971); Truyền Gia Bảo Thiền Tông Trực Chỉ, Tọa Thiền Dụng Tâm Ký, Tham Thiền Yếu Chỉ (dịch 1962); Thiền Sư Thần Hội giảng giải (2001/2002); Hiển Tông Ký (dịch và giảng 1993); Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ 20 (1992/1998); Thiền sư Việt Nam (1991/1995/1999).

[4] Các Thiền viện sau đây chính thức được Hòa thượng thành lập, làm nơi giáo hóa và hướng dẫn tu hành:

- Thiền viện Chân Không, núi Tương Kỳ - Vũng Tàu, thành lập vào tháng 04 năm 1971; dời về Thường Chiếu năm 1986, được phép tái thiết năm 1995.

- Thiền viện Thường Chiếu, Long Thành - Đồng Nai, thành lập tháng 08 năm 1974.

- Thiền viện Viên Chiếu, Long Thành - Đồng Nai, thành lập tháng 04 năm 1975.

- Thiền viện Huệ Chiếu, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành lập tháng 04 năm 1979.Thiền viện Linh Chiếu, Long Thành - Đồng Nai, thành lập tháng 02 năm 1980.

- Thiền viện Phổ Chiếu, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành lập tháng 06 năm 1980.

- Thiền viện Tịch Chiếu, Long Hải, thành lập tháng 07 năm 1987.

- Thiền viện Liễu Đức, Long Thành - Đồng Nai.

- Thiền viện Trúc Lâm, Đà Lạt - Lâm Đồng, thành lập tháng 04 năm 1993.

- Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, còn gọi là Chùa Lân hay tên chữ là Long Động Tự thuộc địa phận thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Khánh thành tháng 11 năm 2002.

- Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên , Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, thành lập ngày 27 tháng 11 năm 2005.

- Thiền viện Tuệ Quang, Linh Trung, Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

- Thiền viện Hương Hải, Long Thành - Đồng Nai.

- Thiền viện Đạo Huệ, Long Thành - Đồng Nai.

- Thiền viện Tuệ Thông, Long Thành - Đồng Nai.

- Thiền viện Đại Đăng, Bonsall, California, Hoa Kỳ, thành lập năm 2001.

- Thiền viện Quang Chiếu, Forthworth, Texas, Hoa Kỳ, thành lập năm 2000.

- Thiền viện Bồ Đề, Boston, Hoa Kỳ, thành lập năm 2002

- Thiền viện Diệu Nhân, Sacramento, California, Hoa Kỳ, thành lập năm 2002.

- Thiền tự Ngọc Chiếu, Garden Grove, California, Hoa Kỳ.

- Thiền tự Vô Ưu, San Jose, California, Hoa Kỳ.

- Thiền tự Đạo Viên, Québec, Canada, thành lập năm 2002.

- Thiền tự Thường Lạc - Pháp.

- Thiền tự Pháp Loa - Úc.

- Thiền tự Hiện Quang - Úc.

- Thiền tự Hỷ Xả - Úc.

- Thiền viện Tiêu Dao - Úc.

- Thiền tự Tuệ Căn - Úc.

- Thiền viện Trúc Lâm Trí Đức - Xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Khánh thành ngày 16 tháng 1 năm 2011

- Thiền viện Sùng Phúc, thuộc tổ dân phố 10, phường Cự Khối, Long Biên, Hà Nội. Khánh thành 3/4/2011. Trước đó đây là chùa cổ thuộc chốn tổ Đào Xuyên, Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội, được xây vào thế kỷ 16.

- Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, nằm trên địa bàn xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, Tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngoài ra một số thiền viện đang trong quá trình xây dựng tại một số tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An…

- Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, nằm trên địa bàn xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, Tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngoài ra một số thiền viện đang trong quá trình xây dựng tại một số tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An…

[5] Theo mô tả của Phạm Thị Lan Anh, một thành viên của đoàn khảo sát.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 19
    • Số lượt truy cập : 6508341