Thông tin

THIỀN SƯ CHUYẾT CÔNG

TRONG TRANG SỬ CHÙA PHẬT TÍCH

 

Thượng tọa THÍCH THANH NHIỄU*

 

Năm Giáp Tuất (1034) niên hiệu Thiên Thành thứ 7, mùa thu tháng 8 Lý Thái Tông hoàng đế đến chùa Trùng Quang núi Tiên Du (nay là núi Phật Tích, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh) sai dựng kho Trùng Hưng để cất chứa kinh Phật. Tương truyền, núi Phật Tích còn có tên là núi Lạn Kha, khởi nguồn từ câu chuyện người kiếm củi tên là Vương Chất vào núi đốn củi, thấy hai ông tiên đang đánh cờ nên mải mê chống rìu đứng xem, khi tan cuộc cờ đã mấy trăm năm, Vương Chất nhìn lại đã thấy cán rìu mục nát. Đến đời Lý Thánh Tông hoàng đế, vào năm Giáp Thìn (1064) niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh, hoàng đế đã sai tướng Quánh Mãn xây tháp ở núi Tiên Du. Đến năm Tân Hợi (1071) niên hiệu Thần Vũ, mùa xuân tháng Giêng, hoàng đế Lý Thánh Tông đã đi đến núi Tiên Du viết chữ Phật dài 1 trượng 6 thước (khoảng hơn 5m) đặt ở chùa Tiên Du (nay là chùa Phật Tích).

Bắt đầu từ thời nhà Lý chùa Phật Tích và những ngôi chùa khác ở trung tâm Phật Giáo Luy Lâu đã đi vào huyền thoại về truyền thừa Phật giáo và lưu giữ chứng tích của lịch sử. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử với rất nhiều vị thiền sư đắc đạo. Khoảng đến thời nhà Lê, chùa Phật Tích đã có một thiền sư đắc đạo nối tiếp trang lịch sử truyền thừa Phật giáo, đó chính là Hòa thượng Chuyết Công với tên gọi khác là Hòa thượng Chuyết Chuyết.

Thuở nhỏ, Hòa thượng Chuyết Công có tên là Viên Văn, tên thường gọi là Chuyết Chuyết, người núi Tiệm Sơn, Hải Trừng, Thanh Chương, Mân Điền (Trung Quốc). Ông là dòng dõi người họ Lý, ông nội tên là Kiều và cha tên húy là Nhược Lâm, mẹ ông là người họ Sái. Trước khi sinh ra ông, mẹ ông nằm mộng thấy một bông sen mọc trên bụng và sau đó mang thai ba năm mới sinh. Vì thế lúc sinh ra Hòa thượng Chuyết Công còn có tên húy là Tân Liên (tức bông sen vàng). Hòa thượng Chuyết Công sinh giờ Sửu, ngày Giáp Tuất, mồng 2 tháng 2 năm Canh Dần, niên hiệu Vạn Lịch thứ 17 triều Minh (tức năm 1590 Công lịch). Năm lên 5 tuổi mẹ ông qua đời, năm lên 7 tuổi cha ông mất, ông nội phải dắt ông đến nhờ người thím dâu nuôi dưỡng. Chuyết Công vốn là người thông minh, dĩnh ngộ, hiểu rộng kinh sử, chăm học đêm ngày, thường đến học tập ở chùa núi Tiệm Sơn. Có vị hành giả thấy ông mải học đến ho cả ra máu liền đến bạch với Trưởng lão. Trưởng lão nghe nói liền đến xem và hỏi rằng: “Thư sinh làm sao mà có bệnh này?”. Ông đáp: “Đọc sách”. Tăng hỏi: “Đọc sách thì có bệnh nghiệp gì vậy?”. Ông đáp: “Giúp nước an dân”.

Vị Trưởng lão cả cười nói: Hay nắm, khéo thay. Thực đúng là đem cái chí nội tâm xung thiên chẳng qua cũng vì lòng tham danh lợi, chẳng hề đoái hoài gì đến diện mạo bản gốc của sinh tử thì có ích gì?. Nhìn nét mặt thấy sư vẫn chưa hiểu, vị Trưởng lão bèn sai hành giả mang ra một cái trống rồi đưa ra trước mặt nói: “Cái mặt trống này bằng da dê, thân nó bằng gỗ ghép, bên ngoài cái trống chẳng còn vật gì khác, nội tâm bên trong nó là hư không. Trước khi đánh trống thì làm gì có tiếng kêu (danh), sau khi đánh trống thì danh nhân nghiệp sinh. Danh tiếng cũng giống như tiếng trống nhất thời rồi sẽ lặng câm, nghiệp chướng sẽ tòng theo vạn cổ sẽ chìm đắm. Vậy cái danh này từ đâu sinh ra vậy?”. Chuyết Công ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi chợt nhận ra tất cả. Căn bản đạo lớn không có chân tính, cái danh chỉ như bong bóng không có thực. Nghĩ đến đó Chuyết Công bèn nói: “Công danh cái thế cũng chỉ là hư vọng, thế lực hơn người cũng chỉ nặng mang nghiệp chướng, văn chương rạng ngời cũng chỉ như buộc danh dự, sói lang buộc vào thân tựa như ruồi nhặng bay vo ve”. Kể từ đó Chuyết Công đã bỏ Nho theo học Phật để nghiên cứu tôn chỉ cõi vô sinh, đàm đạo luận thuyết tối thượng thừa, tham thiền nhập định. Sau đó vài tháng, ông nội và thím dâu của Chuyết Công biết chuyện ông đã quy y, họ bèn tức tốc đi đến chùa để buộc ông về hoàn tục. Thấy vậy, ông đã bàn bạc với chư tăng trong chùa, và ngay đêm đó ngài đã đi đến am Bồ Đề ở chùa Nam Sơn, Trung Quốc yết kiến Trạng nguyên tăng Đà Đà Pháp sư để tiếp tục vào con đường theo học Phật pháp. Sau khi gặp gỡ, Đà Đà Pháp sư thấy lời lẽ của sư khác thường, Đà Đà Pháp sư bèn nói với chúng tăng: “Một ngày nào đó ta sẽ đứng cách con người này ngoài trăm trượng rồi ngả mũ tiếp nhận tôn chỉ môn phái để khai ngộ”.

Ngày tháng dần trôi, đến năm Chuyết Công 18 tuổi, tức năm Vạn Lịch thứ 35 (1608) vào ngày lễ Phật đản sinh, sư đã thụ học qua 250 Tỷ khiêu học phái Vô Tướng, tiếp nhận bí pháp chân truyền hơn 84.000 môn. Sau đó, ngài đi du hóa bốn phương để hoằng pháp và độ cho chúng sinh. Khi đến nước Miên (tức Campuchia ngày nay), Quốc vương đất nước đã kính lễ dâng mũ áo và coi ngài như những quan đại thần trọng yếu của triều đình.

Lúc bấy giờ người dân nước Miên phải chịu một tai nạn khủng khiếp, do có quá nhiều kênh rạch nên cá sấu phát triển tràn lan chuyên ăn thịt người. Một hôm, quốc vương nước Miên và Chuyết Công đi điền dã thấy tình hình dân chúng như vậy, ngài đã viết một bài văn sớ thả xuống nước, từ đó tai nạn cá sấu ăn thịt người giảm dần, người dân nước Miên càng cảm ân Phật pháp và ghi nhận công đức vô lượng của Hòa thượng Chuyết Công. Ở nước Miên được khoảng 16 năm, hòa thượng Chuyết Công dâng biểu tấu xin quốc vương về nước, quốc vương nước Miên không chấp thuận nhưng không lưu giữ được nên đành để ngài về nước. Từ quốc vương đến hết thảy các quan khi đưa tiễn đều tặng Hòa thượng Chuyết Công kim ngân, vàng bạc vô số, nhưng ngài không nhận. Bỗng nhiên từ trong đám đông đưa tiễn có một thiện nam tử lấy từ trong tay áo ra một nén vàng chỉ khoảng 2 lạng dâng tặng. Ngài vui vẻ nhận lấy và nói: “Hay lắm, khéo thay, chừng này cũng đủ tiền phí tổn để ta chi dùng trên đường xa ngàn dặm”. Nói xong, Hòa thượng Chuyết Công từ tạ quốc vương và triều thần nước Miên quay về Trung Quốc.

Khi về đến nhà ở huyện Thanh Chương, Mân Điền (Trung Quốc) người thím dâu của Hòa thượng Chuyết Công lén mở hành lý ra xem thì thấy trong đó chẳng có đồ đạc gì đáng giá. Trong túi của Ngài chỉ có một cái bát với đôi đũa và những tờ giấy ghi chép kinh Phật bằng chữ Hán. Nhưng danh tiếng của Chuyết Công Hòa thượng đã nổi tiếng khắp Trung Hoa, đặc biệt trên từ quan lại dưới là thứ dân ai ai cũng ngưỡng mộ. Mỗi khi có nơi tụ họp nào nếu bàn về Phật giáo người ta đều nói: “Như Chuyết Công Hòa thượng mới đích thực là tôn sư của Thiền môn. Ngụ cư nơi Thiền quán với vài gian nhà đơn sơ mà Phật pháp cao rộng, tự tựu duyên mà thành tựu ở vườn Đức Phật giảng kinh”. Khi từ biệt quan lại và dân chúng địa phương trước khi sang Nam Việt, Hòa thượng Chuyết Công nói: “Kẻ sĩ quyến luyến với chốn quê hương cũ cũng chưa hẳn là điều hay”. Nói xong, Hòa thượng Chuyết Công xuống thuyền đi về miền Thuận Hóa, Quảng Nam, Việt Nam.

Sau khi đến Quảng Nam được chừng bảy, tám năm, Hòa thượng Chuyết Công đã thuyết pháp phổ độ quần sinh cho hết thảy dân cư trong vùng. Nơi nào Hòa thượng Chuyết Công hoằng pháp là nơi ấy kẻ giàu người nghèo đều chen nhau đến nghe giảng đông như buổi chợ phiên. Nhân một hôm khi đi khất thực, Hòa thượng Chuyết Công đã gặp Minh Hành thiền sư, là người ông rất lấy làm tâm đắc. Sau đó Hòa thượng Chuyết Công đã mật truyền tâm pháp: Bất nhị tâm pháp của môn phái cho Minh Hành thiền sư. Bất chợt từ ngoài kinh thành Thăng Long sứ điệp hỏa tốc từ nhà buôn lớn Nguyễn Tề kính mời Hòa thượng Chuyết Công về kinh để bái thỉnh. Hòa thượng Chuyết Công bèn nói với chúng tăng: “Đây thực không phải là câu chuyện ta muốn lưu lại cho hậu thế đời sau. Tuy nhiên, vì muốn mở đường hoằng pháp, hiển rõ tâm ấn môn phái ta không thể không thuận theo”. Nói xong Hòa thượng Chuyết Công thu xếp hành lý cùng với mấy đệ tử thâm tín lên đường quay ra miền Bắc.

Khi về đến kinh thành Thăng Long, thật không may Nguyễn Tề do mắc tội đang ở trong ngục chưa đến kỳ hạn được tha nên thầy trò Hòa thượng Chuyết Công phải đi khất thực mất vài tháng. May thay trong lúc đi khất thực ở kinh thành, Hòa thượng Chuyết Công đã gặp được một người trưởng giả chuyên làm việc từ thiện, người này đã cung cấp lương thực, quần áo cho mấy thầy trò. Người trưởng giả này còn có mấy bà cô nguyên trước là cung tần được sùng ái nên rất giàu có và sùng Phật pháp, họ đã thỉnh cầu Hòa thượng Chuyết Công cho theo học. Sau khi tiếp nhận mấy đệ tử quy y vừa xong thì quan Thái tể làm chức Dũng Lễ Công, vì muốn tham Thiền học Phật đã sai người thỉnh Hòa thượng Chuyết Công đến phủ để xin được vấn đáp. Thấy Hòa thượng Chuyết Công tinh thông Phật pháp lại có khả năng cảm hóa con người nên quan Thái tể đã xin bái Hòa thượng làm thầy. Trong lòng quan Thái tể đã rất vui mừng vì đã có thầy chỉ dạy, nhưng ông vẫn còn hồ nghi về việc làm sao Hòa thượng Chuyết Công ứng dụng Phật pháp vào chốn nhân gian được?. Tuy nhiên, sau vài tháng ở phủ quan, Hòa thượng Chuyết Công xe gấm không ngồi, cỗ cao không dự mà vẫn giữ lối sống tu hành đạm bạc như xưa. Quan thái tể đã nhận ra đây là tôn sư cao đạo. Ông bèn cho người con gái của mình xuống tóc quy y, theo thầy học Phật pháp. Sau đó, thấy nơi Phật Tích có Thiền khí như điểm hội tụ của bốn phương nên ông đã mời Hòa thượng Chuyết Công về chùa Phật Tích trụ trì.

Chùa Phật Tích vốn là chùa tháp có dấu tích được trường tồn từ đời nhà Lý, chính vua nhà Lý đã rời bỏ ngôi vị tôn quý đến đây quét chùa, tụng kinh trước Tam bảo. Các tòa Phật điện trước trước đã được vua Lý trang hoàng, hình thế Long chầu hổ phục và được mở mang. Đồng thời, vua nhà Lý đã cho điêu khắc đầy đủ các thú vật quý dựng ở trước chùa Phật Tích. Khi thấy vua nhà Lý mải mê chăm lo xây dựng chùa Phật Tích, quần thần nhà Lý dâng biểu tấu nói rằng: Bậc chí tôn rời bỏ ngôi vị tôn quý để chăm lo những việc lao công thổ mộc hẳn có điều gì xa xỉ chăng?”. Lý Thánh Tông hoàng đế đáp rằng: “Đình chùa chắc về cột mái, vững về nền gốc, bên trong trang trí bằng tượng Phật, bên ngoài trồng cây đại thụ hẳn sau này nơi đây sẽ có những Hòa thượng nổi tiếng, sống thì hoằng pháp phổ độ chúng sinh, khi viên tịch họ sẽ kết thành nhục thân Bồ Tát”.

Kế tục những di sản từ ngàn xưa để lại, Hòa thượng Chuyết Công khi trụ trì ở chùa Phật Tích đã cho khai giảng các lớp học kinh Phật tối thượng thừa để siêu độ vô lượng chúng sinh. Khi vừa mới đặt chân lên chùa Phật Tích, Hòa thượng Chuyết Công đã nhận thấy nơi đây thực là nơi đất báu để truyền nối Pháp môn với núi hình thế như Hổ ngồi, với sông hình thế cuốn như Long cuộn, người dân thuận hòa an lạc. Hòa thượng Chuyết Công nói với chúng tăng: “Hình thế núi sông đã linh thiêng đến vậy, lẽ nào không có con người thành đạt trên con đường Phật pháp sao?”. Quả thực khi Hòa thượng Chuyết Công trụ trì chùa Phật Tích, bất kỳ ai dù chỉ ở đó thôi cũng đã đạt tới độ siêu thoát rồi. Trên từ Hoàng thượng, Hậu phi, Vương quan, cung tần, quan lại dưới là thứ dân và hầu khắp Tăng ni trong vùng cũng đều lui tới chùa Phật Tích để nghe giảng Phật pháp.

Trên biểu chiếu của hoàng đế nhà Lê ban tặng cho Hòa thượng Chuyết Công, người trụ trì chùa Phật Tích có đoạn viết: “Đội ân thái thượng thánh minh, tâm tính thiện lạc. Nay ban tặng pháp danh sư Tổ cho trụ trì Chuyết Công chùa Phật Tích và để đời sau khắc ghi Phật Tích sơn linh thiêng vào tứ trấn kinh thành Thăng Long”. Ngoài việc Hòa thượng Chuyết Công trùng tu chùa Phật Tích, công lao vô lượng thì số đệ tử chân truyền của Hòa thượng Chuyết Công cũng khoảng vài trăm người, trong đó số người thành tựu là mười người, số người nghe giảng ngộ hiểu Phật pháp chiếm quá nửa thiên hạ. Khi Hòa thượng Chuyết Công viên tịch, một luồng khói hương thơm dâng ngập núi đồi Phật Tích và những thế hệ Tăng ni đời sau kế tục sự nghiệp của ngài vẫn lưu giữ lời kệ chú nhắn nhủ huyền thoại:

“Trúc gầy tùng mảnh giọt sương đài.

Trăng tròn mây sáng khắp đêm dài.

Ai biết người thức nơi Thiền quán.

Mỗi ngày chuông thanh đón sớm mai”.



* Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 25
    • Số lượt truy cập : 6370606