Thông tin

THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH

TRONG TÂM THỨC VÀ HÀNH XỬ CỦA NGƯỜI VIỆT

 

ThS. NGUYỄN THỊ MỸ HẠNH*

 

Thật hiếm có một bậc thiền sư nào trong lịch sử Việt Nam mà thân thế và sự nghiệp của mình lại mang đậm sắc màu huyền thoại như thiền sư Từ Đạo Hạnh. Từ một nhân vật có thật trong lịch sử, bằng sự thông tuệ khác người, chí đức, chí nhân, chí thiện cao cả cùng những đóng góp lớn lao đối với lịch sử dân tộc. Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã vượt ra khỏi cái bình thường để vươn lên thành cái phi thường, được nhân gian đời đời ngưỡng vọng, tôn thờ.

Từ một nhân vật lịch sử, qua hình dung nhân gian, ngài đã hóa thân thành một nhân vật huyền thoại, thành một vị Thánh linh thiêng, đầy quyền uy. Đó là cả hành trình không ngừng khám phá để nhận chân thân thế và cống hiến của ngài  đối với lịch sử dân tộc. Và trên hành trình ấy, thiền sư Từ Đạo Hạnh trong tâm thức và hành xử của người Việt ngày càng hiện lên đậm nét.

I. THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH TRONG TÂM THỨC NGƯỜI VIỆT

Qua các công trình nghiên cứu của các học giả từ xưa đến nay thì lai lịch, hành trạng của ngài được xuất hiện sớm nhất trong sách Thiền uyển tập anh[1], đây  một cuốn sách được khởi thảo từ cuối đời Lý do Quốc sư Thông Biện (? - 1134) biên soạn[2]. Tiếp nối Thiền uyển tập anh, hai tác phẩm Việt Sử lược[3]Lĩnh Nam chích quái[4] ra đời dưới thời Trần đã góp thêm cho hậu thế những tư liệu quý báu về thân thế của vị cao tăng nổi tiếng này. Tuy mỗi tác phẩm có những tình tiết khác nhau nhưng thiền sư Từ Đạo Hạnh hiện lên qua hình dung của các tác giả thời bấy giờ đều có những nét chung rất cơ bản. Theo đó: Ngài họ Từ, tên là Lộ. Cha là Từ Vinh, mẹ là con gái nhà họ Tăng ở Hương Lãng (làng Láng) nay thuộc quận Đống Đa - Hà Nội. Thân phụ của ngài có hiềm kích với Diên Thành hầu, nên Diên Thành hầu đã nhờ sư Đại Điên dùng pháp thuật đánh chết. Từ đó, Đạo Hạnh quyết chí tìm đường sang Ấn Độ học phép lạ để trả thù cho cha. Tuy nhiên, khi ngài đặt chân đến nước Kim Xỉ, gặp khó khăn, trở ngại buộc ngài phải quay về, tu luyện ở chùa Thiên Phúc, thuộc huyện Quốc Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội) và chuyên trì tụng Đại bi tâm Đà La ni (kinh Mật Tông) đủ mười vạn tám nghìn lần. Chính nhờ quá trình tu luyện, ngài đã trang bị được cho mình những phép thuật cao cường như phù phép, gọi gió, gọi mưa hay chữa bệnh và đã trả thù cho cha. Sau đó, thiền sư Từ Đạo Hạnh đi khắp mọi nơi để tìm thầy ấn chứng. Bấy giờ, nghe danh của tăng Kiều Trí Huyền tu đắc đạo, người đã tới hỏi về “chân tâm” nhưng câu trả lời của sư Kiều Trí Huyền không đủ để ngài thông hiểu. Tiếp đó, ngài lại tìm đến chùa Pháp Vân (chùa Dâu - Bắc Ninh) gặp sư Sùng Phạm, thuộc thế hệ thứ 10 thiền phái Tỳ ni đa lưu chi (Vinitaruci) và đã được Sùng Phạm nhận làm đệ tử. Sau khi được sư Sùng Phạm truyền tâm ấn, thiền sư Từ Đạo Hạnh đã quay trở lại chùa Thầy để tiếp tục tu hành. Tại đây, ngài không ngừng tu luyện, đạo pháp ngày càng cao siêu, thậm chí người còn sai khiến được các loài chim thú. Bấy giờ, dân trong làng có bệnh đến xin người bùa dấu thì đều khỏi. Để trả ơn việc Sùng Hiền hầu đã cứu mình thoát khỏi tội chết khi dùng bùa chú, kết ấn không cho Giác Hoàng[5] thác thai làm con của vua Lý Nhân Tông, thiền sư Từ Đạo Hạnh đã tình nguyện đầu thai làm con của Sùng Hiền hầu. Vào ngày mồng 7 tháng 3 Âm lịch ngài hóa vào đúng dịp phu nhân của Sùng Hiền hầu sinh hạ con trai, đặt tên là Dương Hoán. Vì vua Lý Nhân Tông không có con nên Dương Hoán đã được đem vào cung nuôi dạy rồi được lập làm Hoàng thái tử, mà sau này chính là vua Lý Thần Tông.

Đó là nội dung cốt lõi của câu chuyện về cao tăng Từ Đạo Hạnh được kể lại qua ba tác phẩm nêu trên. Tuy nhiên nếu để ý, chúng ta sẽ thấy càng về sau dường như câu chuyện về thiền sư Từ Đạo Hạnh càng có thêm những tình tiết mới.

Nếu như câu chuyện về thiền sư Từ Đạo Hạnh trong Thiền Uyển tập anh kết thúc khi ngài hóa cùng lúc với việc Dương Hoán sinh được ra và xem đó như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, thì Lĩnh Nam chích quái lại đẩy câu chuyện đến một nhân vật nổi tiếng khác, đó là nhà sư Nguyễn Minh Không. Cũng theo Vũ Quỳnh và Kiều Phú, tác giả của bộ Lĩnh Nam chích quái thì Minh Không chính là học trò của thiền sư Từ Đạo Hạnh và cũng là người sau này chữa được bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông, hậu thân của Đạo Hạnh sau hơn hai mươi năm. Hay trong Thiền Uyển tập anh Lĩnh Nam chích quái, cao tăng Từ Đạo Hạnh được hóa vào năm 1117 thì đến Việt Sử lược lại là năm 1116.

Tiếp đó, vào khoảng đầu thế kỷ XIV, một lần nữa lai lịch của vị cao tăng họ Từ lại được Lý Tế Xuyên trong cuốn Việt điện u linh[6], một cuốn sách tập hợp lại những mẩu chuyện đã có từ trước[7], ngài Từ Đạo Hạnh lại được khoác thêm màu sắc huyền thoại với những tình tiết mới đầy ly kỳ. Theo Việt điện u linh thì bấy giờ do phép thuật yếu, không thể đánh được Đại Điện nên Từ Đạo Hạnh đã cùng với Minh Không và Giác Hải đến nước Sĩ Man để học phép. Do đường sá hiểm trở nên cả ba người định quay về. Đúng lúc ấy, họ bỗng gặp một cụ già mang đến cho chiếc thuyền và cây gậy, dặn cứ lấy cây gậy chỉ thẳng về phía Tây sẽ tới nơi ngay. Khi thuyền cập bến, Minh Không và Giác Hải lên bờ học phép và đi về bằng đường khác, còn ngài thì ở lại giữ thuyền. Vì chờ mãi không thấy hai bạn quay lại, ngài quay lên bờ tìm thì gặp cụ già và đã được cụ dạy cho phép rút đất và thần chú Đà la ni nên đuổi kịp và hóa hổ dọa hai bạn ở xã Ngãi Cầu, huyện Từ Liêm[8]. Vì được tiên đoán đó là kiếp sau của mình nên Từ Đạo Hạnh hối hận và nhờ Minh Không cứu giúp. Từ đó cả ba người kết nghĩa anh em rồi mỗi người đến một nơi tu luyện: Minh Không và Giác Hải về chùa Giao Thủy, còn Đạo Hạnh đến chùa Thiên Phúc, ngày đêm tu luyện… Về sau, nhờ ơn cứu mạng của Sùng Hiền Hầu, Đạo Hạnh nguyện đầu thai làm con và trở thành thái tử Dương Hoán. Khi Thái tử lên làm vua (chính là vua Lý Thần Tông) không bao lâu sau thì thân thể phát bệnh lạ, lông lá mọc đầy, thân hình như hổ, được Minh Không và Giác Hải chữa khỏi bệnh bằng dầu đun sôi và đinh sắt.

Điều đáng lưu ý là trong sách Việt điện u linh thì thời điểm Từ Đạo Hạnh được hóa tại chùa Thầy (cũng là thời điểm phu nhân Sùng Hiền hầu sinh hạ thái tử) không phải vào năm 1116 như Việt Sử lược hay vào năm 1117 như Thiền Uyển tập anh đã chép, mà là vào năm 1112. Và cũng căn cứ theo Việt điện u linh thì sau cái chết của ngài “khí thiêng hiện lên ở chùa Thiên Phúc, thi thể để cả tháng vẫn có mùi thơm, dân làng lấy làm lạ bèn đưa vào trong khám để thờ, vua Lý Anh Tông tôn phong làm “thượng đẳng tối linh thần”. Đền thời Vĩnh Lạc (1403-1424) nhà Minh, quân Minh đến thấy mùi thơm, tìm trong khám thì thấy một đạo nhân, nét mặt tươi như lúc còn sống, cho là Tiên bèn đem hỏa táng. Đốt bảy ngày mà thi thể vẫn không cháy, sau nghe lời báo mộng, lấy gỗ rào mộ mới đốt được thây. Giặc lấy tro đắp thành tượng, đem vào am thờ ở bên trái chùa Thiên Phúc”. Cũng theo tác phẩm này, đến đời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Quang Thuận (1460-1469), Trường Lạc hoàng hậu sai người lên động chùa Thiên Phúc cầu tự, khi làm lễ, có một phiến đá bay vào bèn đưa về trình hoàng hậu. Ít lâu sau đó, hoàng hậu mộng thấy rồng vàng bên sườn rồi có mang và sinh ra vua Lê Hiến Tông.

Rõ ràng, qua đây nhân vật Từ Đạo Hạnh ngày càng được khắc họa thêm nhiều chi tiết linh dị, đậm sắc màu hư ảo. Dường như chính sự kết hợp này đây giữa cái hư và cái thực trong con người Từ Đạo Hạnh khiến cho ngài càng khắc sâu thêm vào trong tâm thức dân gian, “trở thành cội rễ bám chắc trong trí người đọc, củng cố cái chân lý của lý trí, biểu hiện qua bằng cớ sách vở mới”[9]. Tuy nhiên, thiền sư Từ Đạo Hạnh trong Việt điện u linh cũng mới chỉ được đề cập đến ở phần tục biện, tập san, hiệu tập mà thôi[10].

Phải đến thời Lê thì thiền sư Từ Đạo Hạnh mới được các sử sách đưa vào chính sử với tư cách là một bậc cao tăng hiền tài có nhiều đóng góp đối với lịch sử dân tộc. Sách Đại Việt sử ký tiền biên[11]chép: “Bính Thân năm thứ 7 (1116) tới Chính Hòa năm thứ 6, mùa hạ tháng sáu, em vua Sùng Hiền sinh con Dương Hoán”[12]. Tuy tác phẩm không nói rõ ngày hóa của ngài là ngày nào nhưng qua nội dung, người đọc vẫn có thể đoán định được ngày sinh của Dương Hoán trùng với ngày hóa của Đạo Hạnh. Cũng theo Đại Việt sử ký tiền biên, việc lấy ngày 7 tháng 3 làm ngày hóa của Đạo Hạnh và cũng là ngày hội của chùa Thầy chỉ là do “người đời sau ngoa truyền đây là ngày kỵ của nhà sư”[13] mà nên. Đến Đại Việt sử ký toàn thư[14]lai lịch và hành trạng của thiền sư Từ Đạo Hạnh được ghi chép không nhiều. Tuy nhiên qua những dòng sử liệu ngắn ngủi, chúng ta được biết cụ thể ngày hóa của Người vào mùa hạ tháng 6. Tác phẩm cũng giải thích thêm núi Sài Sơn (chính là núi Phật Tích Sơn) là nơi chứng kiến vị cao tăng họ Từ hóa. Và ngày hóa của ngài cũng chính là ngày sinh của thái tử Dương Hoán.

Tiếp nối những tác phẩm đi trước, Lê Qúy Đôn với Kiến Văn tiều lục[15] một lần nữa cho chúng ta biết thêm quy mô ruộng đất của pháp sư Từ Đạo Hạnh ở chùa Thiên Phúc thông qua trang ghi chép về ngôi chùa này.

Bước sang thế kỷ XIX, với bộ sách đồ sộ Đại Nam nhất thống chí[16], các tác gia thời bấy giờ đã một lần nữa khắc họa ngắn gọn chân dung của vị cao tăng Từ Đạo Hạnh. Đặc biệt trong đó, ngày hóa của Từ Đạo Hạnh được ghi lại một cách cụ thể là vào tháng 6 năm Bính Thân, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 7 (1116). Đáng chú ý là nó còn ghi rõ rằng: “ngày 26 tháng 9 năm Canh Thân (1140) sau khi vua Thần Tông băng hà thì trong đền thờ có khí thiêng chấn động (đến thờ đây có nghĩa là chùa Thầy), làng xóm lấy làm lạ bèn đem tâu lên vua Lý Anh Tông. Vua Lý Anh Tông sai quan đến tế và từ đấy triều Lý trùng tu chùa để thờ phụng”[17]. Từ đây, thiền sư Từ Đạo Hạnh có tông phả ở thế gian và trở thành Thánh, được chính quyền trung ương chính thức công nhận.

Rõ ràng, chúng ta thấy từ thế kỷ XV trở đi, truyện về nhân vật Từ Đạo Hạnh trong sử sách được miêu tả có phần ngắn gọn hơn trước và những sự kiện có liên quan đến thân thế, lai lịch của ngài cũng được cụ thể, chi tiết hóa hơn (nhất là ngày hóa của pháp sư họ Từ này). Phải chăng các tác giả đang dần muốn đưa bậc cao tăng thời Lý này đây về gần hơn với tâm thức dân gian, với thực tế cuộc sống, gắn chặt Người với diễn trình phát triển của lịch sử dân tộc? Tuy nhiên không phải vì vậy mà các tác giả lược bỏ hoàn toàn những chi tiết linh dị trong cuộc đời thiền sư Từ Đạo Hạnh. Màu sắc huyền thoại tuy có phai nhạt nhưng những chi tiết huyền bí gắn liền với những đóng góp của ngài đối với dân tộc (như chi tiết Người đầu thai thành vua Lý Thần Tông hay những phép thuật tài tình của ngài trong việc chữa bệnh cho dân chúng…) vẫn tồn tại như là minh chứng không bao giờ tắt cho cống hiến lớn lao của ngài. Và cũng chính màu sắc huyền thoại ấy trong cuộc đời Từ Đạo Hạnh đã khiến Người từ một nhân vật lịch sử có thật trở thành một bậc Thánh linh thiêng, tối cao trong tâm thức mỗi người dân đất Việt.

II. THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH TRONG CÁCH HÀNH XỬ CỦA NGƯỜI VIỆT

Từ sự tôn vinh thánh Từ Đạo Hạnh, nhân dân ta đã bày tỏ sự ngưỡng vọng, sùng bái của mình đối với ngài thông qua hệ thống di tích thờ phụng và những hoạt động lễ hội có liên quan diễn ra đều đặn hằng năm như một nét đẹp trong đời sống tinh thần.

Có thể nói, thật hiếm có một vị Thánh nào mà sức ảnh hưởng của nó lại lan rộng trong nhân dân Việt như đức thánh Từ Đạo Hạnh. Nếu như một số vị Thánh tên tuổi của họ chỉ ảnh hưởng trong đời sống tâm linh của cư dân ở một hay một số vùng đất nhất định như Thánh Bưng - Lê Phụng Hiểu ở Thanh Hóa; Thánh Côi - Lữ Gia ở Vũ Bản, Nam Định; Thánh Mây - Phạm Bạch Hổ ở Hưng Yên hay Thánh Bối có ảnh hưởng đậm nét trong đời sống của cư dân hai vùng Tiên Lữ và Thanh Oai và nếu vượt ra khỏi phạm vi đó, ảnh hưởng của những vị thánh này không còn đáng kể nữa, thì Thánh Từ Đạo Hạnh là một trong số ít những vị Thánh có tầm ảnh hưởng trên một địa bàn rộng lớn, vượt ra khỏi khuôn khổ chật hẹp của một địa phương nhất định. Chỉ khảo sát qua những ngôi chùa có thờ Thánh ở vùng châu thổ Bắc Bộ đã minh chứng hùng hồn cho chúng ta thấy số lượng lớn những ngôi chùa thờ vị cao tăng họ Từ này.

Bảng thống kê những ngôi chùa thờ thánh Từ Đạo Hạnh ở vùng châu thổ Bắc Bộ[18]   

  

TT

Tên gọi

Vị trí địa lý

Vị thánh được thờ

1

Chùa Thầy

(Thiên Phúc tự)

Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội

Từ Đạo Hạnh

2

Chùa Đồng Bụt

Ngọc Liệp, Quốc Oai, Hà Nội

Từ Đạo Hạnh

3

Chùa Bối Khê

(Đại Bi tự)

Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội

Nguyễn Bình An

(Thánh Bối)

4

Chùa Trăm Gian

(Quảng Nghiêm tự)

Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội

Nguyễn Bình An

 (Thánh Bối)

5

Chùa Nả

(Phúc Lâm tự)

Chu Minh, Ba Vì, Hà Nội

Nguyễn Đạo Hạnh

6

Chùa Keo

(Thần Quang tự)

Dũng Nhuệ, Vũ Thư, Thái Bình

Dương Không Lộ

7

Chùa Điềm Giang

(Viên Quang Tự)

Gia Thắng, Gia Viễn,Ninh Bình

Nguyễn Minh Không

8

Chùa Láng

(Chiêu Thiền tự)

Phố Chùa Láng, Hà Nội

Từ Đạo Hạnh

9

Chùa Keo

(Thần Quang tự)

Xuân Trường,Nam Định

Dương Không Lộ

10

Chùa Ông

Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên

Từ Đạo Hạnh

11

Chùa Nội

 

Nam Thanh, NamTrực, Nam Định

Dương Không Lộ

12

Chùa Cổ Lễ

(Thần Quang tự)

TT Cổ Lễ, Trực Ninh, Nam Định

Nguyễn Minh Không

Dương Không Lộ

13

Chùa Tây Lạc

Đồng Sơn, NamTrực, Nam Định

Dương Khổng Lộ

Từ Đạo Hạnh

Nguyễn Giác Hải

14

Chùa Lương Hàn

(Bảo Quang tự)

Việt Hùng, Trực Ninh, Nam Định

Dương Khổng Lộ

Từ Đạo Hạnh

Nguyễn Giác Hải

15

Chùa Vũ Lao

(Thần Quang tự)

Tân Thịnh, NamTrực, Nam Định

Dương Không Lộ

16

Chùa Nam Hà

(Diên Phúc tự)

Tân Thịnh, NamTrực,  Nam Định

Dương Không Lộ

17

Chùa Bí

(Đại Bi tự)

Nam Giang, NamTrực, Nam Định

Từ Đạo Hạnh

18

Chùa Trông

(Hưng Long tự)

Hưng Long, Ninh Giang, Hải Dương

Nguyễn Minh Không

Dương Không Lộ

19

Chùa Nghĩa Xá

Xuân Trường, Nam Định

Nguyễn Giác Hải

Dương Không Lộ

Từ Đạo Hạnh

Nguyễn Minh Không

20

Chùa Tổng

 (Thiên Hương tự)

La Phù, Hoài Đức, Hà Nội

Từ Đạo Hạnh (ngồi giữa)

Dương Không Lộ

Nguyễn Giác Hải

21

Chùa La Phù

(Trung Hưng tự)

La Phù, Hoài Đức, Hà Nội

Từ Đạo Hạnh (ngồi giữa)

Dương Không Lộ

Nguyễn Giác Hải

22

Chùa Ngãi Cầu

 (Phổ Quang tự)

An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội

Thờ vọng tam Thánh: Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ và Nguyễn Giác Hải

23

Chùa Văn

(Thiên Văn tự)

Dương Nội, Hoài Đức, Hà Nội

Thờ vọng tam Thánh: Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ và Nguyễn Giác Hải

24

Chùa Múa

(Thiên Vũ tự)

Dương Nội, Hoài Đức, Hà Nội

Từ Đạo Hạnh (ngồi giữa)

Dương Không Lộ

Nguyễn Giác Hải

25

Chùa La Dương

(Diên Khánh tự)

Dương Nội, Hoài Đức, Hà Nội

Từ Đạo Hạnh (ngồi giữa)

Dương Không Lộ

Nguyễn Giác Hải

 

Trong số 25 ngôi chùa được khảo sát ở vùng châu thổ Bắc Bộ nêu trên thì đã có đến 3/5 (tức 14 ngôi chùa) có thờ thánh Từ Đạo Hạnh. Nhìn trên bảng thống kê chúng ta dễ dàng phát hiện thấy một dải đất từ chùa Thầy, qua xã Ngãi Cầu đến Chùa Láng, Hà Nội rồi kéo sang Như Quỳnh, Hưng Yên là vùng đất chủ yếu thờ thánh Từ Đạo Hạnh. Trừ hai chùa Bối Khê và Trăm Gian ở Hà Tây thờ thánh Bối, còn hầu hết những ngôi chùa có thờ Thánh ở các  địa phương này đều lấy việc thờ thánh Từ Đạo Hạnh làm trung tâm. Ở một loạt ngôi chùa ở vùng Hoài Đức, Hà Nội, dù Từ Đạo Hạnh được thờ độc lập hay thờ phối cùng với tượng (bài vị) của Không Lộ và Giác Hải thì tượng của vị cao tăng họ Từ bao giờ cũng được đặt ở vị trí chính giữa. Không phải ngẫu nhiên mà có sự sắp xếp vị trí như vậy. Ắt hẳn Từ Đạo Hạnh từ lâu đã trở thành vị Thánh linh thiêng, tối cao nhất trong tâm thức và hành xử của mỗi người dân nơi đây.

Hơn thế, điều tưởng như đơn giản nhưng rất đỗi đặc biệt là nếu chúng ta có dịp hành hương về những vùng đất này, hỏi thăm người dân về tiểu sử của thiền sư Từ Đạo Hạnh thì hầu như ai cũng biết và có thể kể một cách cụ thể, chi tiết. Trong khi lai lịch của những vị Thánh khác không phải lúc nào, ở đâu cũng được người dân am hiểu tường tận như thế. Đó cũng là một lối hành xử minh chứng hùng hồn rằng: Hình tượng Từ Đạo Hạnh đã khắc sâu trong tâm khảm của mỗi người dân đất Việt.

Và hằng năm cứ đến ngày hóa của ngài (tức ngày mồng 7 tháng 3 âm lịch), tại nơi đây, những ngôi chùa thờ riêng thiền sư Từ Đạo Hạnh lại tưng bừng lễ hội. Và ngay cả những ngôi chùa thờ Từ Đạo Hạnh phối với những vị Thánh khác thì hoạt động lễ hội cũng diễn ra đều đặn từ ngày mồng 7 đến ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch, nhưng luôn luôn coi ngày mồng 7 là ngày chính hội. Trong những ngày này, du khách thập phương tấp nập đổ về những ngôi chùa tham dự lễ hội như một cách bày tỏ lòng biết ơn và sự ngưỡng vọng của mình đối với vị Thánh linh thiêng này. Quan sát lễ hội ở chùa Thầy, nơi gắn liền với cuộc đời của ngài, chúng ta sẽ thấy rõ hơn điều đó:

Vào ngày mồng 7 hằng năm (tức ngày hóa của thiền sư Từ Đạo Hạnh), người dân nơi đây lấy đó làm ngày đại tế. Tuy chùa Thầy được xem là chùa của 2 làng Đa Phúc và Thụy Khê những trong ngày lễ chính này có sự hiện diện đầy đủ của cả 4 làng trong xã là Thụy Khê, Đa Phúc, Sài Khê và Khánh Tân với 4 kiệu cỗ đặt bài vị của các vị thần ở 4 làng đến yết kiến thánh Từ Đạo Hạnh. Đám rước bắt đầu xuất phát khoảng 3 giờ chiều từ chùa Thầy ra gò Thiên (Quán Thánh). Theo tương truyền thì đây là nơi quân Minh đốt xác ngài. Bài vị của làng nào thì làng đó sẽ tự khiêng nhưng riêng bài vị của thánh Từ thì do thanh niên trai tráng của cả 4 làng khiêng lấy. Tiếp sau đó là nhang án, ban tế và đông đảo nhân dân khắp mọi nơi về. Tuy đoạn đường từ chùa Thầy ra Quán Thánh không xa (khoảng 1 km) thôi nhưng đám rước đi rất chậm như thể còn để thánh Từ thưởng thức phong cảnh ngày xuân. Vì vậy, lượt đi đã mất chừng 2 tiếng đồng hồ. Khi đám rước đặt chân đến Quán Thánh thì nhang án cùng lễ vật được bày ra để làm lễ Thánh và cùng lúc đó, áo vàng của Thánh mặc trên bài vị của Từ Đạo Hạnh sẽ được thay thế bằng áo cà sa của nhà Phật. Phải chăng đây là sự hiện thực hóa quan niệm cho rằng: Từ Đạo Hạnh “đi Thánh, về Phật” nghĩa là ban đầu thì luyện phép tu tiên rồi sau đắc đạo rồi mới tu Phật. Đám rước quay về lúc trời đã xá xẩm tối, tuy nhiên không khí vẫn hết sức trang nghiêm và nhộn nhịp. Ở các gia đình xung quanh đó, nhà nào cũng hồi hộp mong chờ kiệu Thánh tới để cầu xin Thánh thiêng ban phúc phước đầu năm. Đồng thời với những nghi lễ linh thiêng ấy thì tại tọa Thủy Đình và bãi cỏ rộng trước chùa, những hoạt động hội hè vui chơi độc đáo như trò múa rối nước, câu cá, úp nơm… cũng diễn ra. Rồi hang Thánh Hóa, nơi thánh Từ hóa cũng là địa điểm thu hút rất nhiều người đến thăm thú, tưởng nhớ vị cao tăng họ Từ và cũng là nơi bày tỏ những ước nguyện thiết tha thành khẩn của mình…

Trải qua nhiều thế kỷ với biết bao thăng trầm của lịch sử, cứ đến ngày này hằng năm, nhiều người Việt đã không tiếc tiền của, chẳng ngại xa xôi vất vả đã hành hương về thắp nén hương thành kính tưởng nhớ vị thánh linh thiêng. Nó trở thành một nếp văn hóa ăn sâu vào tâm thức biết bao người dân đất Việt và nó đã hóa thân thành linh hồn dân tộc.

Dường như sự uy nghi và sức cuốn hút mạnh mẽ của lễ hội ở những ngôi chùa thờ thánh Từ Đạo Hạnh khiến mỗi người dân sau những lễ dâng hương thành kính ở nơi đây càng khắc sâu thêm ý thức và niềm tự hào về cội nguồn dân tộc, về những bậc anh hùng có nhiều công lao đối với dân, với nước. Những di tích và các hoạt động lễ hội tưởng nhớ vị thánh Từ Đạo Hạnh theo đó sẽ sống mãi trong tâm thức và hành xử của mỗi người dân Việt Nam trên hành trình trở về nguồn cội… 



* Khoa Việt Nam học, Đại học Sư phạm Hà Nội

[1] Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1990), Thiền Uyển tập anh (Ngô Đức Thọ và Nguyền Thúy Nga dịch), Phân viện Nghiên cứu Phật học và Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

[2] Sau được chuyển tiếp qua các thiền sư Biện Tài (người Trung Quốc, đến nước ta vào thời Lý Thánh Tông), Thường Chiếu (?-1203), Thần Nghi (?-1216), đến Ẩn Không (Na Ngạn đại sư) là người cuối cùng hoàn thành việc biên soạn (vào khoảng thời gian sau khi Trần Thái Tông mất năm 1277)

[3] Việt sử lược (1960) (Trần Quốc Vượng biên dịch và chú giải), Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội

[4] Vũ Quỳnh - Kiều Phú (1960), Lĩnh Nam chích quái (Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San phiên dịch, chú thích và giới thiệu), Nxb Văn hóa, Hà Nội.

[5] Tương truyền là hậu thân của sư  Đại Điên.

[6] Lý Tế Xuyên (1960), Việt điện u linh (Trịnh Đình Rư dịch theo bản A.751 của Thư viện Khoa học), Nxb Văn hóa, Hà Nội.

[7] Sang thế kỷ XV, Nguyễn Văn Chất – Quốc Tử giám tư nghiệp vốn là tiến sĩ năm Thái Hòa thứ 6 đời vua Lê Nhân Tông đã chép thêm một số truyện khác, thậm chí sau này có cả những truyện của thời Mạc.

[8] Nay là xã Ngãi Cầu, huyện Hoài Đức, Hà Tây, Hà Nội.

[9] Tạp chí Xưa và nay, số 241/2005, tr.25.

[10] Xem: Nguyễn Hữu Sơn (1993), “Từ Đạo Hạnh từ tiểu truyện thiền sư đến truyện cổ tích trong dân gian”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4, tr.28 – 33.

[11] Đại Việt sử ký tiền biên (1997), Bản kỷ quyển III, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

[12] Đại Việt sử ký tiền biên (1997), Bản kỷ quyển III, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.254-255.

[13] Đại Việt sử ký tiền biên (1997), Bản kỷ quyển III, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.255.

[14] Đại Việt sử ký toàn thư (1983) (Dịch theo bản khắc in Chính Hòa thứ 18 năm 1697), III, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.300-301.

[15] Lê Qúy Đôn (1962), Kiến văn tiều lục, Nxb Sử học, Hà Nội, tr.339.

[16] Quốc sử quán triều Nguyễn (1996), Đại Nam nhất thống chí, Mục tục biên núi Sài Sơn, NVH-TBVHXH xuất bản.

[17] Quốc sử quán triều Nguyễn (1996), Đại Nam nhất thống chí, Mục tục biên núi Sài Sơn, NVH-TBVHXH xuất bản, tr. 50-56.

[18] Xem thêm: khảo sát của TS Phạm Thị Thu Hương, luận án: “Những ngôi chùa Tiền phật hậu thánh” ở vùng châu thổ Bắc Bộ, Hà Nội, 2007, lưu trữ tại thư viện Quốc gia Việt Nam.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 13
    • Số lượt truy cập : 6129456