Thông tin

THIỀN VÀ CAI NGHIỆN MA TÚY (tt)

THIỀN VÀ CAI NGHIỆN MA TÚY (tt)

 

NGUYỄN BÁ HOÀN

 

KHÁI NIỆM VỀ VÔ THƯỜNG - THƯỜNG
& SỰ VAY MƯỢN CỦA CON NGƯỜI

 

 

A. VÔ THƯỜNG

Trong cuộc sống, những gì có đó rồi mất đó, đến đó rồi đi đó, hợp đó rồi tan đó… người ta gọi nôm na là vô thường. Hiện tượng vô thường là hiện tượng từ những biến động đổi dời trong vũ trụ, trong cuộc sống và trong tâm thức con người.

Trước mắt chúng ta, vạn vật lúc nào cũng hiện hữu, tất cả diễn ra đều đặn bình thường trong cuộc sống. Thời gian cứ nối tiếp nhau không ngừng nghỉ, không gian dù nhỏ hẹp từ căn phòng chúng ta đang ở, đến bầu trời mênh mông, luôn in vào mắt ta hằng ngày chẳng thấy đổi dời? Sự sống nơi chúng ta nối tiếp ngày này qua tháng nọ, cuộc sống cứ chảy dài theo thời gian lướt qua trước mắt…

Hai chữ vô thường là để chỉ cho cảm nhận về sự biến động dẫn đến sự xa rời với cái đang hiện hữu, một người đang nô đùa vui giỡn, bỗng trúng gió rồi lăn đùng ra chết, nhân thấy sự việc này, có người bất giác thốt lên: “Vô thường quá”!

Trong Phật giáo, hai từ vô thường để chỉ cho sự “còn” và “mất” của mạng sống con người xảy ra chóng vánh. Những cụm từ “cõi vô thường”, “luật vô thường”, “kiếp sống vô thường”… Tất cả dường như là một lời cảm thán, xót xa cho kiếp sống ngắn ngủi của con người, nó mong manh như từng hơi thở mong manh mà mỗi con người đang vay mượn…

B. THƯỜNG    

Ở đời ai cũng biết, kiếp sống của con người luôn bị chi phối bởi luật vô thường, trong thế giới loài người, sự sống và sự chết diễn ra liên tục, khắp nơi, điều này ai cũng thấy và dễ thấy là vì nó ở xung quanh ta. Thế nhưng sự sống và sự chết thường xuyên diễn ra nơi chính con người thì bản thân con người lại ít biết đến, hoặc nếu muốn biết, muốn thấy, thì cũng khó mà trải nghiệm.

Trong cơ thể chúng ta, tế bào già rồi sẽ chết đi, nó tự đào thải theo luật tự nhiên, những tế bào non tiếp tục sinh sôi phát triển. Đó là hiện tượng sinh diệt xảy ra nơi cơ thể con người, chúng tôi gọi sự sinh diệt này là “thường”.

Trong sự sống của chúng ta, mạng sống được duy trì là nhờ hít thở không khí và ăn uống, sự vay mượn dưỡng khí đất trời và vật chất từ bên ngoài đưa vào cơ thể nó diễn ra đều đặn, không gián đoạn, chúng tôi gọi sự vay trả, trả vay này là “thường”.

Trong tâm thức con người, những dòng suy nghĩ và ý tưởng cũng luôn thay đổi, chúng tôi gọi sự thay đổi liên tục này là “thường”.

Tâm hồn con người cũng lắm vui buồn, thương ghét, lúc vui, lúc buồn, thương ghét, mừng giận… tâm tánh luôn thay đổi chiều hướng, cảm xúc ở con người cũng dao động theo nhiều cung bậc và nó biến động không ngừng, chúng tôi gọi sự biến động không ngừng này là “thường”.

Tâm niệm con người máy động liên tục, sanh - diệt không ngừng, tuôn tràn như thác đổ, tạo nên dòng tâm thức sôi động, ẩn tàng nơi mỗi con người.

Tất cả những hiện tượng sanh diệt, biến động, đổi thay, vay trả, đó là hiện tượng thường xuyên xảy ra nơi chúng ta; nó “thường” hiện hữu trong sự sống nơi mỗi con người. Như vậy cái “thường” của chúng ta hiện nay, chính là tâm sanh diệt, là sự máy động không ngừng nghỉ của ý niệm, là sự hoại diệt liên tục trong cơ thể, là sự vay trả trả vay diễn ra rất phức tạp trong từng sát na. Cái “thường” này là nguồn gốc “sinh - lão - bệnh - tử”, là vô lượng vô biên khổ đau phiền não nơi mỗi con người, hoàn toàn không phải là cái “thường hằng” của “bản thể”.

C. VAY VÀ TRẢ

Sự sống của con người tồn tại và phát triển đều phải nhờ vào việc vay mượn mọi thứ ở bên ngoài, nó diễn ra đều đặn, thường xuyên. Một sự vay mượn thoạt nhìn tưởng như là lẽ tất yếu của sự sống, nhưng thật ra diễn biến của sự vay mượn phức tạp và căng thẳng vô cùng. Đã vay thì phải trả, nếu vay mà không trả nỗi thì mạng sống sẽ bị triệt tiêu ngay. Con người đã vay mượn những gì nơi thế giới bên ngoài?

Khi nhớm khởi sự sống, con người đã phải nhờ vào tinh cha huyết mẹ để tựu dáng nên hình, rồi phải mượn ngay dưỡng chất từ nơi người mẹ để duy trì sự sống.

Khi chào đời cho đến lúc trưởng thành, con người phải mượn dưỡng khí của đất trời để tồn tại. Mượn đó rồi phải trả đó, trả rồi lại mượn tiếp, vòng xoay vay trả tuần hoàn liên tục này, tạo nên cái gọi là hơi thở ra vào, nếu hít vào mà không thở ra, hoặc hắt hơi ra mà không có hơi vào, coi như mạng sống con người bị cắt đứt. Đó là sự vay trả liền liền, không có sự chậm trễ hay khất hẹn. Một khi không còn khả năng vay hay trả dưỡng khí đất trời, coi như mạng sống chấm dứt từ đây.

Ăn và uống cũng là sự vay mượn, ăn hoặc uống vào mà không bài tiết ra thì cũng dẫn đến sự nguy vong cho tánh mạng, quá trình vay trả này diễn ra tương đối thong thả hơn, tuy nhiên cũng chính sự vay trả tương đối dễ dãi này đã gây ra không biết bao nhiêu bệnh hoạn, bởi sự chủ quan của con người đang cộng nghiệp với một thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ hủy hoại từ môi trường sống cho đến trăm ngàn vấn nạn phát sinh.

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta còn vay mượn rất nhiều thứ nữa để tô bồi, vun đắp cho sự sống thêm bền chắc tấm thân hóa huyễn, gá nương và tạm bợ.

Chúng ta vay mượn để tồn tại, để phát triển và cũng để… hoại diệt.

Chúng ta đang lẩn quẩn trong cái quỹ đạo luân hồi sanh diệt; chúng ta luôn bị lệ thuộc và chi phối bởi những cái bên ngoài và luôn bị bức bách bởi luật vô thường.

Để duy trì sự sống, với một sự vay trả bình thường cũng đòi hỏi con người phải hết sức cẩn thận để tránh tật bệnh tai ương; huống gì có nhiều người đã tự rước hoạ vào thân bằng cách mang vào cơ thể hàng trăm loại chất độc chết người, chất độc nguy hiểm đặc biệt hơn cả chính là thuốc lá, rượu bia, nặng nhất là ma túy; đối với ma túy, loại chất độc gây chết người này đã ngấm vào cơ thể thì sức tàn phá của nó ác liệt vô cùng… dù cơ thể con người được xem là bộ máy hoàn hảo nhất, có khả năng tự quân bình, tự điều chỉnh mọi sự cố mọi rắc rối do hoạt động quá độ hay do tác hại từ bên ngoài xâm nhập vào, nhưng đối với ma tuý, thì khả năng tự quân bình, tự điều chỉnh sẽ trở nên yếu ớt, nhất là trước sự sụp đổ cả thể chất lẫn tinh thần của người nghiện.

Tuy nhiên, con người vẫn có thể vượt qua những tình trạng nguy hiểm khẩn cấp nhất.

Và điều kỳ lạ là con người không cần phải vay mượn thêm bất kỳ thứ gì, phương tiện gì ở bên ngoài để đối trị.

Điều kiện duy nhất để giúp con người vượt qua khổ nạn (dù là bất cứ khổ nạn gì đi nữa) đó chính là tin vào cái tâm của mình.

Tin vào sự sống và tin triệt để vào khả năng tự cứu sống mình của chính mình.

Đó là loại “thần dược” hữu hiệu nhất có khả năng khắc phục những “sự cố” gay go nhất (mà khả năng tự điều chỉnh của cơ thể chỉ là giới hạn).

Thật thú vị, khi sống trong vay mượn, nhưng vẫn có một thứ mà chúng ta không hề vay mượn, thứ đó lại có công năng hoá giải mọi vấn đề nan giải nhất xảy ra trong sự sống con người.

Đó chính là cái tâm tỉnh thức, tự giác, tự tri, tự độ, tự tin hướng về bầu trời trong sáng chân thiện vốn luôn hiện hữu nơi mỗi con người.

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 25
    • Số lượt truy cập : 6712288