Thông tin

THIỀN VÀ CAI NGHIỆN MA TÚY

THIỀN VÀ CAI NGHIỆN MA TÚY

 

NGUYỄN BÁ HOÀN

 

 

Trong sinh hoạt chốn Thiền môn, Thiền được xem là hướng đi độc lập trong tu tập rất độc đáo của Phật giáo; trong lý luận, dù là những gì liên quan đến Thiền cũng rất thẳng tắt kỳ đặc.

Đối với giới nghiên cứu, kể cả trong và ngoài nhà Phật, hễ nói đến Thiền, người ta thường liên tưởng ngay đến những công án, thoại đầu không đầu không đuôi, không mùi không vị, khó thể gá nương nắm bắt.

Do vậy, khi bàn đến Thiền, người hiểu việc chẳng ai lý luận, mà chỉ nói đến những đặc tính liên quan đến công phu hành Thiền như tính tự giác, hoặc tinh thần tinh tấn, nỗ lực, kiên trì…

Trên hình thức của việc ngồi Thiền, trong tâm tưởng nhiều người hình dung ngay đến tư thế ngồi kiết già (hoa sen) hay bán già, lưng dựng thẳng, mắt hơi nhắm, trông thật lặng lẽ bất động. Từ ngoài nhìn vào, ta dễ cảm nhận một không gian yên tĩnh, một không khí trang nghiêm. Nếu so sánh với nhiều kiểu ngồi trong sinh hoạt thường ngày thì cách ngồi này rất vững chắc, rất khác thường. Kiểu ngồi này dễ khiến mọi người sanh tâm kính trọng ngưỡng mộ.

Hành Thiền là phương pháp tu tập thẳng tắt của Thiền tông Phật giáo, là phương pháp mang lại hiệu quả cao trên bước đường đi đến ngôi nhà giải thoát; dù chưa giác ngộ, nhưng đương lúc thực hành thiền pháp, nó cũng giúp con người vượt lên trên mọi đau khổ ràng buộc trong đời sống con người.

Trong việc hành thiền, ngồi thiền luôn được đề cao, chú trọng, đây là biểu hiện của sự nỗ lực, kiên trì, tinh tấn, tự giác… Tuy nhiên, khi ngồi như vậy có phải là Thiền không? Nếu không phải là Thiền thì ngồi như vậy để làm gì? Còn nếu đích thực ngồi như vậy là Thiền, thì đương khi Thiền, tâm trạng ra sao? Ngồi Thiền thấy gì?… Thiết nghĩ, đây là những thắc mắc cần phải được giải đáp.

Chúng tôi cảm nhận rằng, ngày nay Thiền không chỉ là vốn quý riêng của nhà Phật, mà là chỗ hướng đến của nhiều người, nhiều giới. Thiết nghĩ, đã là người thì ai cũng mang những nỗi đau; những khổ đau dai dẳng trong lúc sinh thời cho đến nỗi đau khốc liệt tận cùng khi tinh thần hoảng loạn, tâm thức rối bời… Và dù là người của bất kỳ tôn giáo nào, của hệ phái tư tưởng triết học nào, cũng khó mà bước ra khỏi vòng đau khổ, phiền luỵ này, nếu như không có một phương pháp thực hành, nếu như không nhận chân vấn đề một cách rõ ràng minh bạch ngay từ đầu.

Đặc biệt, đối với những người đã nghiện ngập ma túy thì đồng thời với phương cách chữa trị thể chất, rất cần phải tác động vào tâm thức họ ý chí vươn lên với một tinh thần tự giác cao. Về điều này, những lý luận về thiền và những gì liên quan đến thiền sẽ giúp họ tỉnh thức, sẽ khơi dậy tính tự giác tự tri vốn sẵn có nơi mỗi con người. Việc ngồi thiền sẽ giúp họ phát khởi ý chí vượt thoát, họ sẽ vươn lên trên tinh thần tự giác.

Trong thiền môn, ngồi thiền là một cách thể hiện ý chí nỗ lực của người tu rõ nét nhất, cũng là một biểu hiện oai nghi tinh tấn, trang nghiêm nhất trong bốn oai nghi [đi, đứng, nằm, ngồi]. Trong công phu tu tập, khi ngồi thiền thì tự nơi bản thân người ngồi thiền mới cảm nhận diễn biến của nội tâm, việc này chỉ người ngồi thiền mới “nóng lạnh tự biết”, còn đối với chúng ta thì sao? Bình thường, khi chúng ta mở to hai mắt, chúng ta sẽ nhìn thấy mọi thứ mọi vật, thế nhưng khi chúng ta nhắm nghiền hai mắt lại, chúng ta chỉ thấy một “màn đen tối hun như mực”… Nếu trầm tĩnh và suy nghĩ sâu sắc, chúng ta sẽ thấy một điều hết sức thú vị: dù mở to hai mắt hay nhắm nghiền nó lại, thì tất cả ánh sáng, tiếng động, sắc màu, lẫn cái “màn đen tối hun  như mực” kia, chúng ta đều vẫn “nghe” và vẫn “thấy” bằng “tâm”, chứ không phải thấy nghe bằng tai bằng mắt.

Trước hết, chúng tôi mong muốn bạn đọc hiểu về cái tâm đó và tin rằng khi cảm nhận được cái tâm trong chừng mực nào đó, các bạn sẽ lần lượt thấy rõ những cái “ở bên ngoài tâm” đã dẫn dắt con người từ sai lầm này đến sai lầm khác.

Trong ý nghĩ của chúng tôi, chỉ có cảm được cái tâm mới phân biệt rõ ràng giữa cái sai và cái đúng, giữa cái thiện với cái ác. Thế nhưng muốn cảm được “cái tâm”, hay khác hơn là muốn “thấy” nó, theo chúng tôi, rất cần phải hành Thiền họa chăng mới có thể “minh tâm”…

Khi đã cảm nhận cái tâm bằng chính tâm hồn trong sạch tinh khiết nhất, chúng ta mới tự tin và dễ dàng phát khởi ý chí dõng mãnh để loại trừ những thói quen hư xấu, những cám dỗ, những hệ lụy, những nghiện ngập mà chúng ta đã tiêm nhiễm bấy lâu nay…

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 9
    • Số lượt truy cập : 6126718