Thông tin

THIỀU CHỬU - MỘT GƯƠNG SÁNG

KẾT HỢP TINH THẦN YÊU NƯỚC VỚI ĐẠO THIỀN

 

VŨ TUẤN SÁN

 

Trong phong trào Chấn hưng Phật giáo nửa đầu thế kỷ XX ở nước ta, Cư sĩ Thiều Chửu có thể coi là gương mặt tiêu biểu: Xuất phát từ lòng yêu nước thương nòi sâu sắc, đã dành cả cuộc đời, toàn tâm toàn ý tu hành, đồng thời hoằng dương đạo Phật bằng cách dịch kinh sách, dạy Tăng Ni và tích cực nuôi dạy trẻ mồ côi, tích cực tham gia các phong trào xã hội như cứu giúp những người bị nạn lũ lụt, bị nạn đói, giữ vững hoạt động lớp huấn luyện Tăng Ni và lớp dạy trẻ em mồ côi trên đường tản cư chống giặc, vượt mọi gian lao cùng toàn dân thực hiện cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống thực dân Pháp xâm lược.

Muốn tìm hiểu rõ cuộc đời và đánh giá thỏa đáng sự nghiệp của ông, như đối với bất cứ một danh nhân nào khác, không thể không nói tới hai mặt của môi trường thường tác động lớn đến tính cách của mỗi người: quê hương và dòng họ.

Một vùng quê đất cổ,
Một dòng họ lừng danh

Cư sĩ Thiều Chửu thuộc họ Nguyễn, thường được gọi là họ Nguyễn Đông Tác, tên quê hương, để phân biệt với những họ Nguyễn khác. Tên đất Đông Tác đã lâu không còn là một địa danh trên bản đồ Hà Nội. Trong sách "Danh mục các xã Bắc kỳ" (Nomeclatur descommunes du Tonkin) của Ngô Vi Liễn in năm 1928, chỉ có tên Đông Tác thuộc phủ Kiến Thuỵ, tỉnh Kiến An. "Đông Tác" là một tên cổ trong sách Đăng khoa lục, tại khoa thi năm 1697 triều Lê, Hoàng Giáp Nguyễn Trù "người Đông Tác, huyện Thọ Xương" (Thọ Xương huyện, Đông Tác nhân). Sang triều Nguyễn, sách Khoa bảng lục ở khoa 1832 ghi Nguyễn Văn Lý đỗ đầu Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ "Hà Nội Thọ Xương Đông Tác tức phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội. Sách "Các trấn, tổng, xã danh bị lãm" liệt kê địa danh hành chính cuối Lê đầu Nguyễn, bản dịch dưới tựa đề "Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX" (NXB Khoa học xã hội, 1981, tr 96) cho biết tại huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội, như ở tổng Hậu Túc, thấy ghi "Đông Tác phường, Nhiễm Trung thôn" sáu chữ này có thể hiểu và dịch là "thôn Nhiễm Trung gốc phường Đông Tác". Đó là những thôn Nhiễm Thương thuộc tổng Hữu Túc, thôn Cửa Nam thuộc tổng Tiền Nghiêm. Riêng tổng Tả Nghiêm có hai thôn gốc phường Đông Tác là Nhiễm Hạ và Trung Tự.

Sách "Phương Đình địa chí loại" của Nguyễn Văn Siêu (q2, tờ 24b, 25a) cũng ghi như sách trên, trừ một điểm ở tổng Hậu Túc ghi "Đông Hà phường Nhiễm Trung". Ngờ rằng sách đã in lầm "Đông Tác phường" thành "Đông Hà phường", vì liền sau đó có "Đông Hà phường", Hương Bài, Yên Phú. Nếu đúng là "Đông Hà, phường Nhiễm Trung" thì sau đó không cần phải nhắc lại "Đông Hà phường" lần nữa.

Như vậy, đầu triều Nguyễn dưới thời Gia Long, vẫn còn có tên phường Đông Tác, nhưng không phải là một phường độc lập riêng biệt và tên này được gắn bó với những tên thôn, chắc trước đây có mối liên hệ mật thiết với phường, nên dù đã tách ra thành đơn vị hành chính biệt lập, vẫn kèm theo tên phường đặt lên trước, để không quên gốc rễ của mình. Sang thế kỷ 20, sách "Quốc triều hương khoa lục" ở khoa thi năm Bính Ngọ (1906) danh sách cử nhân trúng tuyển có Nguyễn Hữu Cầu được ghi là "cháu nội tiến sĩ Nguyễn Văn Lý quê Trung Tự, huyện Hoàn Long". Như vậy ở thời kỳ này tên Đông Tác đã bỏ, chỉ còn tên Trung Tự.

Sách "Danh mục các xã Bắc Kỳ" (đã dẫn ở trên) không có tên Đông Tác cũng như các tên Nhiễm Thượng, Nhiễm Trung, Nhiễm Hạ mà chỉ có tên Trung Tự, ở địa phận tổ 23 phường Phương Liên quận Đống Đa, đây có thể coi là nhà thờ Tiểu Tông. Còn nhà thờ Đại Tông rất tiếc là đã bị phá hồi năm 1954 hiện chỉ còn di chỉ ở phường.

Về nghĩa của từ "Đông Tác" ta thấy từ này lần đầu tiên xuất hiện là trong Kinh Thư, thiên Nghiêu Điển ở câu "Dần tân xuất nhật, bình trật đông tác" có nghĩa là "Kính cẩn đón mặt trời mọc, sắp xếp công việc đồng áng". Công việc đồng áng được gọi là đông tác vì nguyên nghĩa của từ này là việc làm vào mùa xuân, mùa xuân lại tương ứng với phương Đông thuộc hành mộc theo thuyết Ngũ Hành. Rất có thể việc đặt tên này cho phường dựa trên thực tế: Phường có nhiều đất canh tác và dân số đa phần làm nghề nông. Xét theo ý nghĩa của tên gọi và vị trí của phường thì đây tuy là một địa điểm nội thành nhưng là ven đô, đất đai nhiều, canh nông chiếm ưu thế.

Riêng dân phường Đông Tác "nông nghiệp" xưa còn có nghề nhuộm là nghề phụ, sau đó chuyển lên nội thành ở phía Bắc thành những làng nhuộm (Nhiễm thôn) nhưng không quên gốc rễ, nên đã ghi rõ tên quê cũ (Đông Tác phường) đặt tên lên trước tên làng mới (Nhiễm Thượng, Nhiễm Hạ, Nhiễm Trung) của mình. Trung Tự ở sát Kim Liên cạnh Ô Đồng Lầm có nghề nhuộm nâu nổi tiếng. Ca dao đã có câu:

Đồng Lầm có vải nâu non

Có hồ cá rộng, có con sông dài.

Trong các phường thuộc kinh thành Thăng Long, phường Đông Tác có thể coi như là phường có sức bành trướng mạnh hiếm thấy, dân làm nghề đi vào nội thành lập thành ba làng nhuộm (Nhiễm thôn) riêng biệt. Một nét đặc trưng nữa: so với các phường khác từng là nơi phát tích của các nhà khoa bảng (khá nhiều trong kinh thành Thăng Long) phường Đông Tác có thể tự hào đã có một dòng họ còn giữ được nhà thờ và con cháu hưng thịnh cho đến hiện tại. Đây là một hiện tượng có thể coi như hãn hữu ở đất kinh thành là nơi dễ bị xáo trộn do những biến thiên lịch sử và cũng là nơi hội nhập của nhiều người ở các địa phương khác đổ về.

Theo gia phả họ còn lưu lại tại gia đình, có cả bản sao nằm trong kho sách Viện Hán Nôm, gần đây được đại tá Nguyễn Hải Trừng, đời 15 của dòng họ tóm lược trong cuốn "Lược phả họ Nguyễn Đông Tác”, ta thấy dòng họ này có nhiều nhân vật tiêu biểu qua nhiều thời đại.

Đời thứ 7 có Giải nguyên (sau đỗ khoa Sĩ Vọng) Nguyễn Hy Quang, thượng thư Hiển Quận công, được phong Trung đẳng Phúc thần Trực ôn Văn nhã đại vương, được thờ tại đình Kim Liên cùng với thần Cao Sơn, một ngôi đền trong Thăng Long tứ trấn.

Đời thứ 8 có tiến sĩ Nguyễn Trù (ở chi Giáp) đỗ Hoàng Giáp năm 1697, được giới nho sĩ biết đến vì đã chú thích tập " Sách học đề cương", tập hợp các bài văn mẫu mực giúp cho việc hiểu rõ thêm các sách kinh truyện và cho việc học tập cách hành văn trong môn "Văn sách" ở các kỳ thi thời phong kiến.

Sang triều Nguyễn đời thứ 11 có Nguyễn Văn Lý (chi Bính) đỗ Tiến sĩ năm 1832, nhà văn học và thày học nổi tiếng ở đất kinh kỳ, bạn thân của các văn hào đương thời như Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Vũ Tông Phan, Phạm Sĩ Ái... và đã có nhiều sáng tác lưu truyền ở đời, trong đó có Đông Khê thi tập và Đông Khê văn tập. Cháu nội là ông Nguyễn Hữu Cầu, đỗ cử nhân năm 1906, một nhân sĩ yêu nước trong nhóm sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục, bị Pháp bắt lưu đày ra Côn Đảo, khi về chuyên việc dạy học và làm thuốc.

Dòng họ Nguyễn Đông Tác còn nhà thờ cụ Nghè Nguyễn Văn Lý, nhà thờ đã được xây dựng do sự đóng góp của các học trò đông đảo, trong số đó, có nhiều người thành đạt. Nhà thờ hiện còn mấy câu đối đáng lưu ý. Một đôi tương truyền của Dương Khuê:

Tích tuế tân cần môn hộ lập

Bình sinh trung tín sĩ phu tri

(Tạm dịch: Bao năm gian khổ cần lao, dựng nếp nhà hưng thịnh.

Suốt đời kiên trung tín nghĩa, nổi tiếng giới sĩ phu).

Một đôi khác:

Tứ vinh ân, kim tự huy hoàng, danh tại bản triều tiên hữu tác.

Thực thái ấp, mộc tầm thông uất, phúc thuỳ ngoại ấm hậu do trường.

(Ban vinh ân, chữ vàng sáng ngời, tên nêu tại bản triều, công ơn từ trước. Hưởng thái ấp, bóng cây xanh tốt, nhà mãi bền phúc ấm, tiếp nối ngàn sau).

Câu đối ghi Bảo Đại Giáp Thân (tức 1944 dương lịch) đứng tên Nguyễn Văn Bé. Chữ khắc ở vế sau viết lộn: "mộc ấm" và "ngoại ấm" cần sửa lại như đã ghi ở trên. Vế sau có chữ "ngoại ấm" (bóng râm bên ngoại), phải chăng người cung tiến câu đối thuộc họ ngoại và "Phúc thuỳ ngoại ấm" đúng nghĩa phải dịch là: "phúc ấm lan toả sáng bên họ ngoại".

Ngoài nhà thờ cụ Nghè Lý tại phường Phương Liên, cụ tổ bốn đời của Cư sĩ Thiều Chửu, còn một ngôi nhà thờ khác, nhà thờ cụ Cử Cầu thân phụ Cư sĩ, toạ lạc tại phường Kim Liên (hai nhà thờ ở hai phường khác nhau, nhưng trước đây đều thuộc thôn Trung Tự). Tại đây có ảnh chân dung cụ Cử Nguyễn Hữu Cầu, ảnh chân dung nhà giáo - giáo sư Nguyễn Hữu Tảo là anh ruột Cư sĩ Thiều Chửu và mấy câu đối. Một đôi của hai học trò cụ Cử quê ở Bắc Giang:

Học tự thành gia, tư dĩ thục thân kiêm thục thế.

Tâm hồn cố quốc, bất năng vi tướng tất vi y.

(Học từ chỗ gia đình thành đạt, nghĩ tới việc tốt cho mình kiêm tốt cho đời. Hằng để tâm cứu nước, không làm khanh tướng tất làm nghề y).

Câu đối đã nêu được niềm tự hào của gia đình thi lễ, truyền thống dạy người và yêu nước, cùng nghề y của nhà chí sĩ Giản Thạch (tên hiệu cụ Cử Cầu). Tại đây còn có câu đối chữ viết khá đẹp, tương truyền của chính cụ Cử:

Việt nhân tằng ẩm thượng trì thuỷ

Nguyễn Lang phi thái Thai sơn hoa.

(Người Việt từng uống nước Thượng trì

Chàng Nguyễn không hái hoa Thiên Thai).

"Nước thượng trì" là nước trên mặt ao, tức nước mưa chưa rơi xuống đất, được hứng ngay giữa trời, hay còn trên lá, hoặc là những hạt sương móc đọng trên lá. "Nước thượng trì" xưa được coi như rất công hiệu trong việc chữa bệnh và tăng cường sức khoẻ. Còn "chàng Nguyễn" và "hoa Thiên Thai" lấy ở tích Nguyễn Tịch lạc vào đất Thiên Thai gặp tiên và sống nơi tiên giới một thời gian. Hiểu rộng ra, câu thứ nhất ca ngợi người Việt biết cách giữ gìn tốt sức khoẻ, có được cơ thể khang cường đồng thời ca ngợi nghề y có thể coi như nghề gia truyền của người làm câu đối. Ở câu sau, Nguyễn Lang - chàng họ Nguyễn có thể chỉ Nguyễn Tịch ở Trung Quốc, cũng có thể chính tác giả vốn họ Nguyễn. "Không hái hoa Thiên Thai", tức không muốn lạc vào cõi tiên, chỉ muốn vui sống ở cõi trần, gắn chặt với nhân thế. Câu thơ hàm súc, lại có thể coi như rất phóng khoáng về mặt hành văn, vì không theo luật bằng trắc thông thường trong thể câu đối, trừ hai chữ cuối câu ("thuỷ" đối với "hoa") và chữ thứ 5 ("thượng" đối với "thai") là trắc đối với bằng hay ngược lại, còn các chữ khác trong câu không đối nhau về mặt âm thanh. Phóng khoáng, đồng thời phản ánh niềm tự hào về nghề y trong gia đình, về thái độ tích cực với xã hội. Chính trong khung cảnh nề nếp thừa hưởng hiếu học của gia tộc, truyền thống qua bao đời mà cư sĩ Thiều Chửu đã tìm được cho mình con đường đi.

Một cuộc đời thanh tao, sống hoàn toàn vì lý tưởng

Cư sĩ Thiều Chửu, tên là Nguyễn Hữu Kha, sinh năm 1902, là con trai thứ hai của cụ cử Cầu.

Ngay từ thuở nhỏ, Hữu Kha đã được bà nội chăm sóc, cụ bà được mọi người xung quanh kính phục vì giỏi chữ Hán, mộ đạo Phật, tứ đức vẹn toàn. Hữu Kha được bà dạy chữ Hán, theo bà ăn chay từ năm 8 tuổi, cùng với ảnh hưởng từ cha, Hữu Kha đã sớm thông hiểu Tứ Thư Ngũ Kinh. Không bước chân tới trường học Pháp - Việt thời đó nhưng nhờ chí hiếu học và thông minh sẵn có lại chịu ảnh hưởng từ người anh - giáo sư Nguyễn Hữu Tảo nổi tiếng sau này - Hữu Kha đã hấp thụ nền học vấn phương Tây, ngoài quốc ngữ còn có thêm tiếng Pháp, Anh, Nhật. Tất cả đều bằng con đường tự học.

Xuất thân từ một gia đình nổi tiếng, lại nhiều đời đỗ đạt, nhưng giữ nếp thanh bạch làm đầu nên ngay từ nhỏ ông đã sống trong cảnh thiếu thốn. Bức thư ông gửi Hồ Chủ Tịch cho biết, từ lúc ông mới sinh ra, gia cảnh thật bần bách. Cha lúc đó chưa đỗ, tới làng Kim Lũ kèm dạy trẻ nhỏ - con một gia đình khá giả để có điều kiện tự học tập. Mẹ phải đi làm đồng, em nhỏ mới sinh chưa đầy tháng đã phải lấy tã cuốn chặt đặt nằm trên giường, không ai trông nom, đến trưa mới được mẹ cho bú, chiều mẹ lại đi đến tối. Khi ông lên 4 tuổi, cha đỗ cử nhân nhưng không chịu ra làm quan mà lại tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, bị Pháp bắt và đày ra Côn Đảo. Mới 7 tuổi, ông đã phải gánh nước nấu cơm, 12 tuổi tập cày bừa. Có hôm bò bị chết ông vẫn phải đi bừa, mẹ với chị làm bò kéo bừa ở phía trước ... Nhà nghèo không có điều kiện đi học, may bà nội dạy cho cùng với học theo chị và anh nên dần dần cũng tự đọc sách làm câu đối được. Dù rất hiếu học ông vẫn sẵn sàng gạt bỏ mọi ý thích riêng khi cần giúp đỡ gia đình. Năm 14 tuổi có người cho biết Đồ Sơn mới được thực dân Pháp mở mang thành bãi tắm, ra đó mà bán hàng vặt lấy tiền lãi mà mưu sinh. Ông bàn với nhà vay tiền, cầm cố ruộng, được một số tiền cho mang đi. Ông đưa thuốc nam, thuốc bắc (nhà trước vẫn có nghề làm thuốc) và bánh kẹo xuống để bán. Bốn tháng đầu có lãi vì dân chài lưới ở đây mỗi lần đi khơi đi lộng về "tiền tiêu như rác". Mấy tháng sau, đến tháng 9 hết mùa tôm cá, nhân dân 90% hết ăn, họ uống thuốc mua bánh kẹo chịu, ông dễ dàng thuận cho, không ngờ hết vốn vì không được ai trả nợ, ông phải lang thang tự mò cua bắt ốc, làm mọi thứ để sinh sống. Cũng vào thời gian này, bà nội ông mất, gia đình mời sư đến tụng kinh. Sư bảo ông tụng hộ kinh Lương Hoằng, ông rất cảm động khi tụng tới đoạn đức Phật Thích Ca rời ngôi thái tử đi tu khổ hạnh, tìm đường cứu vớt chúng sinh. Ý muốn đi sâu tìm hiểu đạo Phật đã nảy sinh từ đó. Mấy năm sau, khi ông 19 tuổi, cụ Cử Cầu hết hạn tù ở Côn Lôn về (năm 1920), ông đã rời bỏ Đồ Sơn để về gia đình. Hai cha con thuê nhà mở hiệu thuốc nhỏ ở Ngã Tư Sở. Cụ Cử có tiếng học rộng lại tinh thông nghề thuốc, thêm được ông con cần mẫn, hoà nhã nên khá đông khách. Tuy nhiên với lòng từ thiện vốn có, sẵn sàng cứu giúp người bệnh nghèo khó, nên bận rộn mà cũng chỉ đủ ăn.

Sau đó để giúp đỡ bà chị gặp khó khăn, ông xin với cha thôi việc ở hiệu thuốc để tới giúp đỡ bà chị, sau lại nâng đỡ một người em họ bằng cách cùng mua một máy in nhỏ loại dập bằng chân, mở hiệu sách bình dân ở phố Sinh Từ... Lúc này ông đã bắt đầu dịch kinh Phật và hướng về đạo Thích Ca nên đã đặt tên hiệu sách là "Hoà Ký" tên lấy từ phương châm "Lục Hoà"1 của đạo Phật, nêu rõ lý tưởng đoàn kết, bình đẳng, dân chủ và bác ái trong cuộc sống chung giữa các tăng ni, suy rộng ra giữa mọi thành viên trong cộng đồng xã hội. Ở hiệu bày bán sách vở cho học sinh trường Sinh Từ gần đó, cùng với một số ấn phẩm về đạo Phật thời bấy giờ. Trong sách "Khóa hư lục" bản dịch của Đào Duy Anh (NXB Khoa học xã hội - 1974, chú thích cuối trang 12) có ghi bản dịch sách "Khoá hư" của Thiều Chửu in vào khoảng năm 1932 - 1933 "nhưng chỉ xuất bản có 100 quyển", chắc sách được in tại nhà in của hiệu sách "Hoà Ký".

Lúc này vào năm 1934, Hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập, biết tiếng ông. Hội cho người đến mời ông tham gia. Mới đầu ông ngần ngại vì thấy Ban Trị sự có một số quan lại đáng ngờ, sợ họ mượn chuyện chấn hưng Phật giáo để mưu cầu danh vọng; nhưng rồi suy nghĩ kỹ ông đã nhận lời, ông đã đem máy in của mình vào Hội. Hội mua thêm một máy, và tin cậy giao cho ông phụ trách việc in ấn, quản lý báo Đuốc Tuệ là cơ quan ngôn luận chính thức của Hội. Ngoài công việc trên, ông còn dịch kinh, sách, viết bài cho báo và tên Thiều Chửu bắt đầu quen thuộc. Nhưng trước khi có tên hiệu này, ông đã có 2 tên khác và qua những tên này, ta có thể hiểu hơn về tâm hồn ông, và cả quá trình tiến hoá trong địa hạt tu dưỡng, thâm nhập vào giáo lý đạo Phật. Trong bài tựa bản dịch "Giảng nghĩa kinh Kim Cương"(nhà in Đuốc Tuệ xuất bản không ghi năm), ông cho biết hồi 18, 19 tuổi ông lấy biệt hiệu là Tịnh Liễu, hồi này ông đã đi sâu nghiên cứu đạo Phật và bắt đầu dịch kinh Phật nên tên hiệu dùng từ Phật giáo: Tịnh là trong sạch, Liễu là hiểu biết. "Trong sạch" gắn liền với "Giới"- có nghĩa "gìn giữ phòng ngừa, từ bỏ mọi sai trái của thân và tâm theo đúng giới luật của đạo Phật khiến cho thâm tâm trong sạch (tịnh)". "Liễu" là hiểu biết rành rọt gắn liền với "Tuệ". Tịnh và liễu để thực hiện "Giới" và "Tuệ", 2 bộ phận thiết yếu trong "Giới, Định, Tuệ", 3 phép học chính yếu của Phật giáo. Năm 25, 26 tuổi, ông lấy biệt hiệu là Lạc Khổ: Vui cảnh khổ. Khổ đứng đầu trong "Tứ đế" (4 điều chân lý) của đạo Phật, chân lý đầu tiên là "Khổ đế", đời người là khổ, là bể khổ; "Lạc Khổ" là dù trong cảnh khổ vẫn giữ vững niềm vui, để có được nghị lực phấn đấu loại trừ nổi khổ cho mình và cho người. Cả hai tên hiệu trên nhấn mạnh ý chí tu dưỡng bản thân. Bút danh Thiều Chửu không rõ bắt đầu từ thời kỳ nào, rất có thể từ lúc ông ký tên trên các bài báo và sách được in ấn sau khi ông đảm nhận việc quản lý nhà in Đuốc Tuệ. "Thiều" chỉ loại cây như cây lau, người ta dùng cành hoa lau buộc lại để làm chổi. "Thiều Chửu" là chiếc chổi làm bằng hoa lau, nghĩa bóng là cái chổi nói chung. Chổi là vật rất tầm thường nhưng cũng rất quan trọng vì có nó mới quét sạch được mọi dơ bẩn. Tên hiệu đó chỉ sự khiêm nhường của mình đồng thời cũng kèm theo lòng tự hào bên trong. Vật tầm thường nhưng vô cùng hữu ích, quét sạch những thứ nhơ bẩn trong bản thân mình, đồng thời cũng làm sạch cho chung quanh. Chọn "cái chổi" làm tên mình, rất có thể cư sĩ đã nghĩ đến một câu đức Phật nói với các Tỷ kheo về việc quét nhà: "người quét nhà" có 5 điều lợi hơn cả:

1. Tâm mình trong sạch

2. Khiến tâm người khác cũng được trong sạch

3. Chư thiên hoan hỉ

4. Vun trồng chính nghĩa

5. Sau khi chết được lên cõi trời'

(Mục "Tảo địa" Từ điển Phật giáo Hán Việt tập 2, tr 1365).

Trong 5 điều lợi ấy chủ yếu 2 điều lợi đầu. Khiến mình trong sạch và khiến người chung quanh trong sạch, 3 điều lợi sau chỉ là hệ quả của 2 điều lợi trên. Cả cuộc đời của Thiều Chửu2 rất ít nghĩ đến sự hưởng thụ cá nhân, luôn hướng về việc giúp ích cho xã hội, có thể thấy được trong việc lựa chọn danh hiệu này. Điều đặc biệt là có lẽ ngay chính ông cũng không muốn cho người ta thấy ý nghĩa của tên mình. Chữ Hán "Thiều" không phải là chữ thông dụng. Từ điển Hán Việt Đào Duy Anh không thấy ghi. Ngay tự điển Hán Việt của Thiều Chửu, ở bộ "Thảo" chữ " được ghi là "điều" chổi gọi là điều chửu, và ghi thêm "ta quen đọc là thiều". Tự điển Khang Hy ghi âm là "điều" điền liên thiết, Nam Hoa tự điển của Nguyễn Trần Mô ghi âm "Thiều".

Bản thân tên hiệu Thiều Chửu cho thấy người chọn đã có óc tự lập sáng tạo đồng thời đã xác định cho mình một lý tưởng sống. Khiêm nhường tự nhận ở một địa vị thấp kém nhưng tự hào về trách nhiệm, sứ mạng của mình: quét sạch dơ bẩn của bản thân, đồng thời quét dơ bẩn cho người chung quanh.

Hình tượng "Thiều Chửu" (chiếc chổi bằng cành hoa lau) có thể coi như một biểu tượng về con người của Cư sĩ Thiều Chửu, và cũng có thể nói cũng là lý tưởng sống của ông.

Ý thức phục vụ người khác - bắt đầu từ người thân nhất trong gia đình đã được ông thể hiện từ hồi còn rất trẻ. Sau khi xác định lý tưởng đi theo con đường của Thích Ca Mâu Ni, ý thức này càng được tăng cường. Ngay từ năm 20 tuổi, ông đã nhận dạy giúp chữ Hán cho các Tăng Ni trong vùng, cũng là để có dịp học hỏi, có thêm điều kiện nghiên cứu đạo Phật. Và từ hồi này, ông đã bắt đầu theo chế độ trường trai, ăn chay cả bốn mùa, mỗi ngày chỉ ăn một bữa, ăn mặc xoàng xĩnh như một dân quê.

Suốt thời kỳ xây dựng chùa Quán Sứ làm trụ sở Hội Phật giáo mới thành lập, nhất là sau khi báo Đuốc Tuệ ra đời năm 1935, Thiều Chửu với cương vị là một cư sĩ đã tình nguyện tham gia mọi công việc lớn nhỏ một khi được giao phó. Được tin cậy và được trao trách nhiệm quản lý báo Đuốc Tuệ, ông đã ăn ngủ ngay tại chùa Quán Sứ là nơi đặt toà soạn, trông nom việc biên tập, điều hành việc in ấn, đồng thời cũng trực tiếp viết bài cho báo.

Ngoài việc in báo Đuốc Tuệ, ông còn cho in các sách kinh và khoá lễ, các sách nghiên cứu giới thiệu đạo Phật, cả các bức tranh Phật cùng các bản nhạc về Phật giáo. Hoạt động khá sôi nổi của Hội Phật giáo Bắc Kỳ ở thời kỳ này có sự đóng góp tích cực của ông. Một cư sĩ không nằm trong hệ thống chính sắc của Giáo hội, nhưng toàn tâm toàn ý với công việc hoằng pháp, ông được mọi người tín nhiệm và khen phục.

Dù bận rộn công việc ở báo Đuốc Tuệ, ông vẫn không ngần ngại tham gia hoạt động trong các tổ chức cứu tế xã hội, như năm 1936, ông vào giúp việc cho Hội Tế sinh của cụ Cả Mọc - một nhà từ thiện nổi tiếng đương thời, từ chối nhận huân chương do Thống sứ Tholance định trao tặng mà yêu cầu Tholance thay việc đó bằng cách ủng hộ vào hòm công đức. Năm 1937, để cứu giúp dân Bắc Ninh, Bắc Giang bị nạn lụt, Thiều Chửu đã cùng cụ cả Mọc và nhiều nhà hoạt động xã hội như ông Hoàng Đạo Thuý, Trần Duy Hưng đem tiền gạo đến tận nơi trao thẳng tới những gia đình bị nạn.

Năm 1941, ông được Hội cử lập trường Phổ Quang ở khu vực ngoại thành (nay là quận Thanh Xuân), dạy các Tăng Ni. Ông phụ trách hầu như toàn bộ các môn học, dạy chữ Hán, giảng kinh điển, chủ trì các khoá lễ.

Các học sinh lớp này, nhiều người về sau trở thành các Hoà thượng, Ni sư nổi tiếng vẫn nhớ về " Cụ Thiều Chửu". Tuy tuổi chưa hẳn là cao, lại chỉ là một cư sĩ ngoài Giáo hội ông vẫn được mọi người kính cẩn xưng hô là "Cụ".

Năm 1943, được sự hỗ trợ của Hội Phật giáo, ông mở một ngôi trường đặc biệt ở làng Mọc (nay thuộc quận Thanh Xuân) tiếp nhận 300 trẻ em nghèo đến học. Năm 1944 - 1945, thực dân Pháp trước áp lực của quân Nhật, thu thóc và bắt nông dân bỏ ruộng lúa trồng đay, gây nên nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử Việt nam. Nạn đói Ất Dậu, ông đã lao vào công việc cứu đói, hàng ngày phát chẩn cho đoàn người bất hạnh. Cũng thời gian này, ông cùng các Hoà thượng Tố Liên và Trí Hải trong Hội thành lập Tổng hội Cứu tế đặt trụ sở ở chùa Quán Sứ để góp phần giảm bớt phần nào nạn đói, nỗi khốn khổ khủng khiếp đang hoành hành. Đồng thời một Cô nhi viện cũng được thành lập đón nhận gần 200 em mồ côi vì cha mẹ tuyệt đại đa số đã qua đời sau nạn đói. Cách mạng Tháng Tám thành công, theo sách "Tiểu sử các danh tăng Việt Nam thế kỷ 20" tập 1 trang 944, phần phụ lục, cư sĩ Thiều Chửu - Nguyễn Hữu Kha có đoạn: "Năm 1945, tức khi cách mạng Tháng Tám thành công, Hồ Chủ Tịch đã mời ông ra làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nhưng ông từ chối, để tiếp tục việc giảng dạy cho các lớp Phật giáo, cùng cô nhi, để theo con đường tu trì lợi tha mà mình đã chọn!". Ông đã tham gia công việc chống giặc dốt, giặc đói do Chính phủ đề ra, duy trì lớp học có trên 30 em nghèo, xin Chính phủ cấp cho chỗ đất ở làng Phương Liệt đã bị thực dân Pháp chiếm làm bãi cỏ nuôi ngựa, huy động vốn để tậu trâu, sắm cày bừa rồi tiến hành việc trồng khoai, gieo mạ cấy lúa...

Công việc đang tiến hành thì cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông phải đưa lớp học độ 10 Tăng Ni và một trường chừng 20 trẻ em đi sơ tán. Trong suốt cuộc kháng chiến, do biến chuyển của trận địa, ông đã dẫn đoàn qua những chặng đường dài đầy gian khổ, từ Đan Thầm ở huyện Thanh Oai, chuyển sang Trung Lập ở huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông cũ, lên Yên Mỹ ở huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây, sau lại rẽ sang huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên, rồi vượt dãy Tam Đảo sang ấp Lý Nhân, xã Phi Đơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Cuộc di chuyển lắm lúc hết sức gian lao: vì ngoài các em nhỏ, còn có cả mẫu thân của Thiều Chửu đã trên 70 tuổi (cụ mất cuối năm 1949 vì tuổi già), cả đoàn ăn uống thiếu thốn, đau ốm không có thuốc. Hành trình vất vả như khi di chuyển từ Trung Lập, Phú Xuyên, Hà Đông lên Sơn Tây, phải dùng thuyền gỗ, ông cùng em gái phải dầm mình dưới sông kéo thuyền vượt trên 30 cái thác, mất sáu ngày mới tới nơi, toàn thân bị lột hết làn da mỏng. Gian khổ như vậy, đến nơi nào ông cũng giành thời gian viết bài gửi về nội thành bị tạm chiếm để đăng tin báo của Hội, hồi này đổi tên thành báo "Phương Tiện". Ông còn sáng tác và dạy một số bài hát có tính cách giáo dục cho các em nhi đồng địa phương.

Sư bà Đàm Ánh(3) từng là học sinh của lớp Tăng Ni di động này, cho biết: Để dành thời gian và đảm bảo sức khoẻ cho mọi người chuyên tâm học tập và lao động sản xuất, Thiều Chửu đảm nhận việc nấu cơm và chọn chỗ ngủ cho mình ở ngoài hiên để mọi người an giấc ở trong nhà. Ông vẫn ngày chỉ ăn một bữa, ban ngày bận việc, ban đêm thức đọc sách, dịch kinh, chỉ ngủ 2, 3 tiếng, đến giờ Dần (khoảng 4 giờ sáng) đã dậy, ngồi thiền trì chú, tập thể dục, uống trà, ít phút ngâm thơ. Cuộc sống giản dị và gương mẫu, tâm tình cởi mở và khiêm nhường khiến tập thể Tăng Ni và các em dưới quyền đều răm rắp tuân theo kỷ luật, thực hiện đúng kế hoạch từng ngày do ông đề xuất. Rất ít trường hợp sai phạm, nếu có, thì đối với em nhỏ, ông ôn tồn răn dạy rồi trao trách nhiệm cho một em lớn hơn hay một Tăng Ni khuyên răn, kèm cặp. Đối với Tăng Ni, ông bắt ngồi niệm Phật, sám hối, có trường hợp đối với việc vi phạm quá đáng, ông tự cho mình có lỗi và tuyệt thực, khiến người can phạm sợ hãi, thực sự hối hận và tạ tội. Với cá tính kiên nghị nhưng rất khoan hoà của ông, với kỷ luật gắt gao nhưng được sự tự nguyện tuân thủ nghiêm minh của tập thể do ông lãnh đạo, nên đến nơi nào ông cũng tranh thủ được sự giúp đỡ về mọi mặt của chính quyền, đoàn thể và nhân dân. Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, lớp học phải luôn luôn sơ tán nhiều nơi mà vẫn duy trì được như vậy, đủ thấy nghị lực phi thường, kết hợp với trình độ tổ chức khoa học tinh tế của ông. Hồi ở xã Phú Cường huyện Kim Anh, Phúc Yên, năm 1948, được huyện bộ Việt Minh đồng ý, ông đã mở lớp dạy bình dân cho người nghèo ở Cao Quang4, Phúc Yên, có lớp đến 100 người, đương thời vẫn duy trì lớp riêng cho trẻ em mồ côi, huy động hướng dẫn số em lớp trước chỉ dẫn giúp đỡ thêm cho các em lớp sau. Ông còn mở lớp huấn luyện bình dân học vụ cho các giáo viên, huy động Tăng Ni tới học và góp phần đáng kể vào việc thanh toán nạn mù chữ ở các thôn Ninh Bắc, Hương Gia (thuộc tổng Ninh Bắc) và hai thôn Cai Đen, Thái Cự (tên hai thôn này ghi trong thư của cư sĩ gửi Hồ Chủ Tịch, hiện chưa xác minh được cụ thể, vì không thấy ghi trong "Danh mục các xã Bắc kỳ" của Ngô Vi Liễn). Cũng ở huyện Kim Anh, ông đã cùng Tăng Ni trong đoàn vào Hội Phật giáo cứu quốc huyện và đã cùng Ban chấp hành huyện mở một lớp huấn luyện Tăng Ni, chương trình gồm ba phần chính: Giáo lý đạo Phật - Lịch sử nước nhà - Cuộc kháng chiến và nhiệm vụ trước mắt. Bận rộn vì việc bảo đảm sinh hoạt cho đoàn, cũng như về mọi công tác chính trị và xã hội do địa phương giao phó, ông vẫn dành thời gian dịch kinh, viết báo gửi về Hội Phật giáo đóng ở nội thành, vùng Pháp tạm chiếm đóng. Hoà thượng Tố Liên trong ban lãnh đạo Hội lúc đó muốn giúp lớp Tăng Ni và trẻ nghèo của ông đã cho người đem ra cho ông 6 lạng vàng. Ông kiên quyết chối từ, trả lại, bởi ông không muốn nhận bất cứ sự hỗ trợ nào về vật chất từ vùng tạm chiếm. Hưởng ứng chủ trương dồn mọi sức lực phục vụ tiền tuyến, ông đã giới thiệu nhiều học viên trong đoàn xung phong vào bộ đội. Và ông cũng là người tích cực tham gia mọi hoạt động của địa phương để thực hiện chính sách giảm tô. Sau đó ông gia nhập tập đoàn sản xuất địa phương, và được bầu vào ban chấp hành phụ lão.

Vụ mùa năm 1953, do cách tiến hành tổ chức hợp lý và do nhiệt tình lao động của Tăng Ni và trẻ em nghèo, cả lúa và rau đều thu hoạch khá, các em và học viên bắt đầu được "no cơm ấm áo", sức khoẻ và đời sống được cải thiện rõ rệt.

Thắng lợi đó có mặt trái của nó, đã gây nên sự ghen ghét của một số phần tử xấu thuộc giai cấp bóc lột, vẫn không ưa khi thấy ông đối xử tốt, cứu giúp người nghèo khi cần thiết, nhất là trước thái độ kiên quyết của ông chống lại chúng trong cuộc vận động trước đây. Do đó, khi đội cải cách ruộng đất về ấp, mới đầu ông những tưởng đội sẽ đầu tiên đến với ông, vì ông tự cho mình xứng đáng là cốt cán, bằng cuộc đời gắn bó với cách mạng, toàn tâm theo lời dạy của đức Phật, là gạt bỏ mọi lợi ích riêng, lúc nào cũng mong đem lại lợi ích cho người khác, nhất là người nghèo khổ. Không ngờ bọn địa chủ địa phương đã gian ngoan, khéo léo mua chuộc một số phần tử trong đội cải cách, chúng buộc cho ông nhiều tội: mê hoặc quần chúng bằng tôn giáo, từng làm quản lý ấp Tế sinh, có nhiều ruộng trao cho nông dân cày rẽ, như vậy là cũng thuộc thành phần bóc lột. Chúng còn dùng thủ đoạn mua chuộc hăm doạ, lôi kéo một số nông dân đứng về phía chúng, ủng hộ cách buộc tội của chúng. Cán bộ từ xa tới địa bàn, dễ bị lung lạc, nhất là thấy thực tế cuộc sống tương đối đầy đủ của trại do ông điều khiển nên dễ tin rằng ông dính líu tới giai cấp địa chủ, họ buộc ông nhiều tội: Quản lý ấp Tế sinh, cũng phát canh thu tô như địa chủ, bóc lột sức lao động của dân làng và các em nhỏ, biển thủ tiền quĩ chung của trại. Toàn là những thứ không có chứng cứ cụ thể, nhưng họ vẫn cứ buộc tội và không cho ông được điều trần. Trong bức thư đề "Kính gửi Hồ Chủ Tịch" ông cho biết, tối ngày 16 tháng 6 năm 1954, đội đã cho gọi ông vào "sỉa sói, mắng nhiếc liền 3, 4 giờ, vu cho đủ các tội ác, dùng những câu hỏi rất khinh bỉ, hà khắc". Trang cuối bức thư có đoạn: "Buồn thảm nhục nhã, sống cũng như chết, tôi toan tự tử ngay tối hôm 16, nhưng nghĩ đến Hồ Chủ Tịch sáng suốt như mặt trời, vả lại tôi không có tội thật, tự hỏi lương tâm không thấy hổ thẹn nên phải gượng sống để đợi ngày sáng tỏ". Tuy nói vậy, nhưng thư kết thúc bằng một câu nghe thật đau lòng: "Cái án Nhạc Phi phải chịu, ở đời phong kiến còn có lẽ, ai ngờ ngay chính bản thân tôi lại bị, tôi còn biết van vỉ làm sao được nữa".

Và qua ngày 15 tháng 6 năm Giáp Ngọ, là ngày giỗ thân phụ ông tức cụ Cử Cầu, vị nhân sĩ cách mạng nổi tiếng, hôm sau vào sáng sớm, ông đã đến bờ sông Cầu làm lễ Tam Bảo và Thiên Địa, rồi gieo mình xuống nước tự trẫm. Khi được tin có kẻ còn cho rằng ông bày đặt đồ lễ trên bờ đê để đánh lạc hướng dư luận, còn thật ra ông đã trốn vào nội thành. Nhưng ít ngày hôm sau, người ta đã thấy xác ông ở hạ lưu, mọi người đều thương tiếc và trân trọng làm lễ mai táng (hiện mộ ông đã được đưa lên nghĩa trang Thanh Tước, khối C3, số 170).

Đạo Phật lấy tự giác như giác tha làm đầu, nên các vị Bồ tát đạt tới tột đỉnh vẫn không chịu lên cõi Niết Bàn mà tự nguyện ở lại cõi trần giới để tế độ chúng sinh. Do đó một Phật tử chân chính không cho phép tự kết liễu đời mình. Một người như cư sĩ Thiều Chửu hiểu điều này hơn ai hết, nhưng cũng có trường hợp đặc biệt, dùng biện pháp trên nếu thấy cần để phục vụ lợi ích đại chúng, hợp với tôn chỉ Đại từ, Đại bi, Đại hùng của Phật Thích Ca. Đó là trường hợp tự thiêu của Hoà thượng Thích Quảng Đức năm 1963, để chống lại chính sách đàn áp Phật tử của Ngô Đình Diệm. Rất có thể hành động tự trẫm của cư sĩ Thiều Chửu là kết quả của sự suy nghĩ chính chắn, đối phó với một tình thế đặc biệt. Có người cho biết, khi xác định việc ông tự tử chứ không bỏ trốn vào thành, một số cán bộ trong đội cải cách ruộng đất đã tìm hiểu về cuộc sống thực sự của ông, nhất là sau khi đọc bức thư tuyệt mệnh của ông, đã nhận thấy hối tiếc về cách xử trí trước đó. Và họ đã điều chỉnh lại phương thức hoạt động, tránh được nhiều sai lầm nghiêm trọng, mà nhiều nơi khác phạm phải trong cải cách ruộng đất, được coi như một cuộc cách mạng "lở đất long trời".

Sự nghiệp hoằng pháp bằng văn tự

Cư sĩ Thiều Chửu từng phát biểu "Lúc mới tu ở chỗ tĩnh, sau phải tu ở chỗ động. Nếu chỉ là ở chỗ tĩnh lúc ra chỗ động thì chẳng làm trò gì được mà lại mất cả công tu. Tu ở cảnh động tức là độ sinh" (Con đường học Phật ở thế kỷ thứ XX, tr 57). Cuộc đời cư sĩ của ông gắn liền với hoạt động phục vụ đạo Phật nhưng đồng thời cũng "độ sinh" phục vụ xã hội, sống ngay tại chùa, quản lý nhà in, đồng thời viết báo Đuốc Tuệ, phụ trách lớp học Tăng Ni cùng các em mồ côi. Thực tế trên chứng tỏ ông đặc biệt chú ý đến việc "tu ở cảnh động" coi đó tức là "độ sinh". Nhưng không vì thế mà ông quên phần hoằng pháp bằng văn tự, cũng có thể cho là thuộc cảnh "tu ở cõi động", vì có tác dụng cụ thể đối với việc giáo hoá hướng dẫn người đọc tới một cuộc đời tốt đẹp hơn, biết theo đạo Phật để làm chủ được chính mình, bài trừ những thói hư tật xấu, sống vui hoà trong cộng đồng.

Suốt 30 năm cống hiến cho Phật pháp, tuy bận nhiều việc vì tổ chức quản lý, ông vẫn dành thì giờ phiên dịch và trước tác, và đã để lại một di sản văn hoá phong phú. Có điều đáng tiếc là hiện chưa có một danh sách đầy đủ về các ấn phẩm của ông. Nhà Thư mục học Trần Văn Giáp trong "Lược truyện các tác gia Việt Nam" không hiểu sao không ghi tên Thiều Chửu hay Nguyễn Hữu Kha. Điều này đáng ngạc nhiên vì Trần Văn Giáp từng có bản luận văn (tiếng Pháp) về lịch sử Phật giáo Việt Nam, và vẫn chú ý đến phong trào Phật giáo Việt Nam. Thư viện Quốc gia Hà Nội, ở hòm phiếu tên họ tác giả, có tên Thiều Chửu với độc nhất một phiếu ghi bản dịch "Phật học cương yếu" (không ghi tên tác giả nguyên tác).

Sách "Việt Nam Phật giáo sử luận" ghi được 9 đầu sách, sách "Tiểu sử danh Tăng Việt Nam" liệt kê được 16 đầu sách của Thiều Chửu, nhưng vẫn còn thiếu sót. Người viết bài này được đọc và kê thêm 3 tên sách, đều là sách dịch kinh Phật (Bát Nhã Bàn Cương kinh, Viên Giác kinh và Di Lặc kinh). Nhưng chắc chắn còn thiếu nhiều, nhất là không kể hết được những bài viết lẻ tẻ đăng trên báo Đuốc Tuệ.

Sơ bộ có thể giới thiệu tuần tự trên mấy địa hạt: Phiên dịch, chú giải tác phẩm, tự điển và trước tác.

A. Phần phiên dịch       

Có thể nói Cư sĩ Thiều Chửu đã dồn tâm trí vào việc phiên dịch những tư liệu về đạo Phật. Bên cạnh ít cuốn biên soạn về giáo lý, phần lớn là những bộ Kinh ghi lại lời Phật dạy, coi như nền tảng giáo lý của Thích Ca Mâu Ni.

Dựa trên "Việt Nam Phật giáo sử luận"(viết tắt là SL) của Nguyễn Lang, tập 3 (Paris, 1985) và "Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX" (viết tắt là DT) do Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 1995, có thể lập bản danh mục như sau (2 tài liệu trên không ghi năm xuất bản của bản dịch, nếu có là do người viết bài này thêm vào).

1. Vì sao tôi tin Phật giáo của Brongthon (SL - DT);

2. Kinh Lễ sáu phương (SL- DT);

3. Kinh Di giáo (SL- DT);

4. Kinh Di Đà (SL - DT);

5. Kinh Tứ thập nhị chương (SL- DT);

6. Lục Tổ đàn kinh (DT);

7. Khoá hư kinh (SL - DT);

Có thể bổ sung vào danh sách trên:

8. Kinh Kim Cương tức Kim Cương bát nhã ba la mật kinh (Hội Phật giáo Việt Nam, Đuốc Tuệ xuất bản không ghi năm);

9. Kinh Viên Giác (Đuốc Tuệ, Hà Nội, 1953);

10. Kinh Pháp Hoa (Đuốc Tuệ, Hà Nội, 1953).

Ngoài ra, trong phần đầu bản dịch Kinh Pháp Hoa nhan đề "Nhân duyên dịch Kinh" ông cho biết ".... từ năm tôi 26 tuổi là năm tôi bắt đầu dịch Kinh, tôi đã phát nguyện trước Tam Bảo, cầu Tam Bảo gia hộ cho tôi dịch được các bộ kinh mà thế gian thường trì tụng như Thuỷ sám, Địa tạng, Dược sư, Phổ môn, Kim Cương bát nhã v.v... đến thời kỳ sau chót thì dịch nốt bộ Pháp Hoa".

Như vậy có thể coi như những bộ Kinh kể trên cũng thuộc vào danh mục các bản dịch Kinh Phật của cư sĩ (thêm 4 bộ: Thuỷ sám, Địa tạng, Dược sư, Phổ môn).

Cũng nên ghi thêm, ở Thư viện Quốc gia Trung ương có lưu trữ cuốn "Phật học cương yếu"5 bản dịch của Thiều Chửu, ký hiệu V614/74.

Tóm lại, nếu thêm 4 bộ kinh ghi ở lời nói đầu bản dịch Kinh Pháp hoa, thêm một cuốn sách dịch về đại cương Phật giáo, phần phiên dịch của cư sĩ gồm 15 đầu sách và cuộc sưu tầm sau này có thể phát hiện được nhiều hơn nữa.

Riêng về dịch kinh, sơ bộ có mấy nhận xét như sau:

1. Những cuốn kinh được dịch nằm trong một số kinh căn bản của Phật giáo. Bản dịch nguyên văn kinh Phật, thường kèm theo cả lời giảng của các pháp sư Trung Quốc nổi tiếng (như trong bản dịch Kinh Kim Cương và Kinh Di Lặc, cả hai đều kèm lời giảng của Pháp sư Thái Hư. Kinh Viên Giác kèm lời giảng của Pháp sư Đế Nhân). Lời nói đầu sách của bản dịch Kinh Kim Cương "Vì nhân duyên gì mà tôi dịch Kinh Kim Cương" còn cho thấy sự thận trọng và công phu trong việc dịch, khi nêu ra ở chỗ nghi ngờ cần phải giải quyết, do những bản dịch khác nhau của bộ kinh này (6 bản dịch từ thời Diêu Tần thế kỷ thứ 4 đến đời Đường thế kỷ 7). Việc thận trọng, bảo đảm tính khoa học trong việc dịch thuật thật đáng biểu dương.

2. Ngoài khu vực dịch những bộ kinh Phật thường được trì tụng ở các chùa, vốn là kinh chữ Phạn dịch ra chữ Hán, cư sĩ Thiều Chửu còn dịch một tác phẩm Phật học của chính người Việt, tức cuốn Khoá hư lục nổi tiếng của Trần Thái Tông.

a. Sách này được cư sĩ dịch từ năm 1932 - 1933, như vậy là ở ngay thời kỳ đầu trong cuộc thâm nhập vào giáo lý của đạo thiền. Điều này chứng tỏ tinh thần dân tộc có tác động mạnh mẽ tới cuộc sống lý tưởng của ông.

b. Cũng do tinh thần dân tộc, lòng tự hào dân tộc mà ông đã đổi tên sách Khoá hư lục thành "Khoá hư kinh", vì như được trình bày ở phần "Thể lệ dịch sách", sách này phần trên nói rõ về thuyết diệt khổ, hai phần sau dạy đủ phép sám hối tu trì, thực là một bộ kinh "cứu khổ cho đời" nên "kêu là kinh Khoá hư, thì có lẽ hay hơn".

c. Nguyên bản kinh ghi là của Trần Thái Tông nhưng cư sĩ Thiều Chửu lại cho là của Trần Nhân Tông, đây là một vấn đề đặt ra cho các nhà nghiên cứu Lịch sử Văn học và Phật giáo. Trần Văn Giáp trong "Tìm hiểu kho sách Hán Nôm", tập 2, NXB Khoa học Xã hội, 1990 chỉ ghi "Vấn đề này khá phức tạp, cần nghiên cứu kỹ". Riêng Nguyễn Lang (Sđd) thì khẳng định: "Thực ra Khoá hư lục là của vua Thái Tông".

d. Nguyễn Lang trong sách "Việt Nam Phật giáo sử luận", tập 3 (Sđd) khi viết về Thiều Chửu đã nhận định rằng "Văn Khoá hư là văn biền ngẫu rất khó dịch, nhưng bản dịch của ông là bản dịch rất đặc sắc, đọc rất êm tai, nghĩa lý khá rõ ràng" và đã trích một đoạn của bài Phổ thuyết sắc thân (trang 176 - 177).

e. Kèm bản dịch có "Lời bàn góp" để làm rõ thêm nghĩa của nguyên tác, về chú thích những từ khó. Đáng chú ý là cách chú thích, đôi khi khác với nghĩa văn tự của chữ Hán...thí dụ: Từ "cảnh sách", Từ điển Phật học Hán Việt giảng: "Roi dùng để ngăn chặn cơn buồn ngủ của các sư Tăng khi ngồi thiền"(Phân viện nghiên cứu Phật học, xuất bản năm 1992). Bản dịch của Thiều Chửu, trong "Lời bàn góp"(Sđd, tr 101) giảng: "Cảnh" là rung động cho biết mà đề phòng, sách là gắng gỏi lên. Xem nguyên văn ở đầu quyển trung (Sđd, tr 97) có bài "kệ cảnh sách giờ dần"cho thấy 4 câu thơ có ý khuyên răn, vậy không hợp với ý nghĩa của từ này được ghi trong Từ điển Phật học Hán Việt. Bản dịch Khoá hư lục của Đào Duy Anh dịch "kệ cảnh sách" là "kệ răn chúng"(Sđd, tr 78).

B. Phần chú giải tác phẩm

Ngoài việc dịch thuật, Thiều Chửu còn dành công chú giải "Quan Âm Thị Kính truyện" một áng thơ Nôm theo thể lục bát được phổ biến khá rộng rãi, biểu dương đức tính nhẫn nhục, lòng nhân ái cao cả của phụ nữ, trong hoàn cảnh oan ức vẫn giữ vững lòng nhân ái và quyết tâm tu hành. Trước đây từng có cuốn diễn giải của Đinh Xuân Hợi do Tân Dân xuất bản năm 1929, chỉ không đứng về mặt văn tự, giải nghĩa những từ khó hiểu, và các điển tích. Thiều Chửu đã tiến thêm một bước: ngoài việc giải thích ngôn từ, còn có lời bàn sau mỗi đoạn dựa trên giáo lý đạo Thích Ca bao hàm trong đó. Như đoạn mở đầu đã giải thích từ "Phật" như sau: Phật là "giác ngộ" gồm 3 mặt: "Tự giác" tự mình thấy tâm mình nguyên vẫn sáng suốt thanh tịnh chỉ vì bị ba thứ độc hại là tham (tham lam), sân (giận dữ), si (mê) khiến tăm tối, nay phải quyết loại trừ mới gạt bỏ được mọi phiền não; thứ đến "giác tha" (giúp người khác cũng nhận hiểu được như mình); thứ ba là "giác hạnh viên mãn", sự hiểu biết và thực hành được hoàn hảo không chút thiếu sót. Ai được như vậy tức là Phật.

Có nhiều đoạn giải thích đi vào giáo lý uyên thâm của đạo Phật, người bình thường nếu suy ngẫm không sâu không thể hiểu nổi. Như ở đoạn 25 trong sách dẫn câu nói của đức Phật trong Kinh Kim Cương "Bố thí chẳng có gì bố thí, thế là bố thí. Ta nói Pháp 49 năm nay, ai bảo ta nói Pháp tức là bán ta"... sách giải thích thêm không - có, có - không, cái lẽ mầu nhiệm ấy... chỉ những bậc có căn khí Đại thừa mới có thể hiểu được ("Giải thích truyện Quan Âm Thị Kính", Ban xây dựng chùa Hương phát hành, 1993, trang 91). Chính Thiều Chửu ở lời cuối sách với đầu đề "Tiếng vọng" đã viết "Các bản khác tôi giải theo nghĩa thế gian, mà lần này theo nghĩa xuất thế gian" tức là đưa giáo lý nhà Phật hiểu theo nghĩa thâm thuý hơn, dành cho những ai đã có một trình độ hiểu biết tương đối sâu sắc về đạo thiền. Tác phẩm Quan Âm Thị Kính từng được công nhận là có giá trị cả về mặt hình thức lẫn nội dung, nay ngoài phần được chú giải tương đối kỹ về mặt từ ngữ điển tích, lại thêm phần giải thích về mặt ý nghĩa dựa trên đạo Phật. Đây có thể coi như một cống hiến quí giá của Thiều Chửu vào kho lưu trữ về sức sống của giáo lý Thích Ca Mâu Ni tại Việt Nam.

C. Phần biên soạn tự điển

Thiều Chửu còn được nhiều người biết đến với cuốn Hán Việt tự điển (năm 1999, NXB Văn hoá thông tin và NXB thành phố Hồ Chí Minh lại tái bản), xuất bản trước cách mạng Tháng 8 và được sử dụng khá rộng rãi không kém cuốn Hán Việt từ điển nổi tiếng của Đào Duy Anh. Ở cuốn này, các từ kép dĩ nhiên rất ít, vì là tự điển (giảng các chữ đơn) không phải là từ điển. Sách này có mấy ưu điểm so với từ điển Đào Duy Anh. Thứ nhất cách tra chữ thuận tiện hơn nhiều vì xếp theo bộ đếm nét chữ như tự điển Khang Hy và các từ điển thông dụng như Từ Nguyên, Từ Hải của Trung Quốc, thêm ở cuối sách bảng tra chữ theo mẫu tự ABC có kèm chữ Hán và ghi số trang trong sách (trong cách sắp xếp ở bảng tra này ít có chỗ cần sửa lại cho sát với trật tự thông dụng của bảng mẫu tự ABC chính qui). (Từ điển Hán Việt Đào Duy Anh tra chủ yếu theo sách học Hán Việt kèm theo mẫu tự ABC rất là tiện lợi cho những người đã có một trình độ hiểu biết nhất định về chữ Hán. Sách có kèm theo bảng tra chữ bằng cách đếm nét đặt ở cuối sách, nhưng có điều rất bất tiện là sách in thành 2 tập Thượng và Hạ, mỗi tập một bảng riêng, nhiều khi phải tra cả hai bảng mới thấy chữ định tìm kiếm). Ưu điểm thứ hai là số chữ đơn trong tự điển Thiều Chửu nhiều hơn từ điển Đào Duy Anh và giảng về nghĩa từng chữ cũng kỹ hơn, nhất là những chữ gắn lièn với giáo lý đạo Phật. Như sách có thêm từ "Thiền na", "Tăng già" đều không có trong Hán - Việt từ điển Đào Duy Anh. Hoặc cách giải nghĩa chữ "Pháp" theo đạo Phật, chỉ "mọi sự mọi vật ở thế gian đều là giả, đều do các vọng tâm vọng tạo ra ". Hán Việt tự điển như lời đầu sách cho biết: "được soạn thảo chủ yếu do yêu cầu của nhiều người đọc sách Phật và kinh Phật có đối chiếu chữ Hán và phiên âm tiếng Việt nay cần hiểu rõ hơn nghĩa chữ Hán". Và theo lời ông vì "tự nghĩ rằng Hán học ngày nay ngày một mất dần, chỉ nhờ có học Phật, nay mới duy trì được ít nhiều, nếu dùng cách nào và giúp được người đọc kinh biết được chữ, tức là cái nền tảng để xây đắp lại cái lâu đài Nho giáo nguy nga tráng lệ". Hán Việt tự điển của Thiều Chửu tuy không tránh khỏi nhiều thiếu sót (như bất cứ một từ điển nào khác) nhưng nó vẫn có một giá trị đặc biệt, được mọi người trong và ngoài giới Phật giáo công nhận. Tự điển Hán Việt tra theo bộ trước Cách mạng tháng Tám có cả cuốn "Nam Hoa tự điển" của Nguyễn Trần Mô cử nhân Hán học, nhưng được ưa chuộng và in lại nhiều lần thì chỉ có Hán - Việt từ điển của Đào Duy Anh và Hán - Việt tự điển của Thiều Chửu.

D. Phần trước thuật

Theo "Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX" và "Việt Nam Phật giáo sử luận", phần trước thuật của Thiều Chửu có những tác phẩm sau đây:

1. Sự tích Phật tổ diễn ca (1935) (DT-SL);

2. Nhòm qua cửa Phật (DT);

3. Cải tà qui chính (DT-SL);

4. Khoá tụng hành sau ngày (1935) (DT-SL);

5. Con đường học Phật ở thế kỷ XX (1952) (DT).

Ngoài ra chắc chắn còn nhiều bài trên báo Đuốc Tuệ mà chưa in riêng thành sách.

Tất cả những tài liệu trên, không được trông thấy trong Thư viện Quốc gia hay thư viện Phật giáo chùa Quán Sứ. Riêng cuốn "Con đường học Phật thế kỷ thứ XX" thấy còn giữ ở tủ sách tư nhân. Xin được giới thiệu sơ lược tác phẩm này, có thể coi như thâu tóm khá rõ nét tâm tư của Thiều Chửu đối với một giáo lý coi như đã trở thành lý tưởng của cả cuộc đời mình.

Theo lời ghi ở cuối sách thì việc in lần thứ nhất vào năm 1952, trang 78 có câu: "Đến nay tuổi đã 50, mới dám đem cái chú sớ (tức lời chú giải các sách kinh - VTS), chỗ nào phải, chỗ nào sai tự thấy rõ ràng. Như vậy sách đã được viết vào những năm 1950, 1951, sau Cách mạng tháng 8, hồi ông đang sống ở vùng tự do, hòa mình trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Do đó, ta không lấy làm lạ khi thấy ghi ngay ở đầu trang sách, được đóng khung và in trang trọng toàn hàng chữ hoa "Phải tận hiếu với nhân dân, nhân dân là cha mẹ bao kiếp, là chư Phật vị lai". Có thể coi đây là châm ngôn thể hiện đức "Đại từ đại bi" của đạo Phật gắn liền với lý tưởng cách mạng của thời đại mới.

Ngay những dòng đầu sách, tác giả cho biết nhiều học giả châu Âu đầu thế kỷ XIX cho rằng khoa học ngày một tiến bộ, các tôn giáo phần lớn dựa vào những điều thần bí sẽ không còn nữa. Vậy Phật giáo có nằm trong hiện tượng đó không? Tác giả trả lời bằng một câu lấp lửng: "không và cũng có". "Không" vì Phật giáo là khoa học, là tiến bộ, "có" vì Phật giáo ở hiện trạng ngày nay đã biến hẳn như thành một tôn giáo cũng dựa vào những điều thần bí.

Chương sau trình bày những ưu điểm của đạo Phật, và đối với thời đại đức Phật đã sống ở Ấn Độ là những phát minh về chân lý bình đẳng, bất cứ ai cũng có khả năng thành Phật. (Điều này có thể coi là cách mạng, trong xã hội phân chia đẳng cấp của ấn độ thời đó, thêm nữa là lý tưởng phục vụ dân sinh như lời đức Phật trong kinh Pháp hoa "Hết thảy các việc giúp ích cho loài người được hạnh phúc đều là việc Phật" (tr 29).

Sau đó sách đã nêu rõ những chỗ lệch lạc của cách tu hành trong đạo Phật hiện đại, chủ yếu ở mấy điều sau:

+ Phép tu Tịnh độ: quá nhấn mạnh việc niệm Phật, cầu mong khi chết được sang cõi Tây phương Cực lạc. Tác giả khẳng định không phản đối phép tu Tịnh Độ, cũng không phản đối việc niệm Phật, nhưng cho rằng nếu không chú ý đến việc tu đức, làm điều thiện giúp cho xã hội mà chỉ biết niệm Phật để khi chết được sang cõi Cực lạc thì sai lầm.

+ Phép tu Phật giáo chú trọng đọc chú, ấn quyết, lập đàn tràng "lưu tệ thành ra như thể phường chèo" khiến cho Phật giáo thuần tuý hoá một tôn giáo thần bí lạ lùng".

+ Phép tu thiền mà không chú ý đến định học, nhằm giữ tinh thần chuyên chú không tản mạn không chỉ khi ngồi thiền mà trong khi làm bất kỳ việc gì, phải cố gắng giữ tâm hồn tập trung tĩnh lặng, nhất là khi giúp ích cho xã hội, theo đúng tinh thần đạo Phật.

Ngoài phần tu hành và hướng dẫn tu hành, sách chú ý đặc biệt đến hàng ngũ tăng lữ, một bộ phận chủ yếu của "Tam bảo" ba thứ quí nhất " Phật, Pháp, Tăng". Tác giả đã dành nhiều trang sách phân tích những hiện tượng mà tác giả cho là "sai với chính pháp" gồm 8 phái (trang 30,31).

1. Phái "Sơn lâm" theo chủ nghĩa tiêu cực không muốn có sự cải tiến.

2. Phái "Trưởng lão" theo chủ nghĩa thượng nhàn toạ hưởng theo địa vị hiện có.

3. Phái "Hoà thượng" theo chủ nghĩa hư vinh.

4. Phái "Pháp sư" theo chủ nghĩa "lợi lưỡng" lợi dụng óc mê tín của quần chúng.

5. Phái "Vân thuỷ" (ngao du mây nước) theo chủ nghĩa sống nhờ.

6. Phái "Sơn môn" theo chủ nghĩa truyền tử nhược tôn như ở đời thường.

7. Phái "ứng phó" theo chủ nghĩa buôn bán (bày chuyện để kiếm tiền).

8. Phái "Thanh niên" theo chủ nghĩa táo bạo: Muốn sửa đổi cấp tốc, không có đường lối thích đáng.

Tám phái trên đã làm mất chân dung của đạo Phật vốn lấy tự giác, giác tha, bình đẳng bác ái, từ bi hỷ xả làm đầu. Sách đã đề ra phương châm giải quyết và tập trung ở chỗ cải tổ Tăng già coi như nền tảng của công cuộc chấn hưng Phật giáo.

Đầu tiên sách xác định ý nghĩa của "Tăng": chữ đủ phải là "Tăng già" dịch từ tiếng Phạn, dịch cho đúng nghĩa là "quần chúng vui hoà" và theo bộ luật Ma ha Tăng kỳ thì chưa đủ 4 người chưa được gọi là Tăng. Như vậy là quần chúng mà lại vui hoà mới gọi là Tăng được (tr 16, 17).

Để phục hồi tính thuần phác của đạo Phật, Tăng già phải phấn đấu bảo đảm 4 nguyên tắc sau đây:

1. Đoàn kết thành một khối trong toàn quốc, Tăng già cần có tổ chức hẳn hoi.

2. Tạo một nền kinh tế vững chắc, làm ruộng, làm vườn, làm công nghệ, giáo dục hay chữa bệnh, làm sao cho đủ để tự cung cấp cho mình, lại có thừa để giúp người.

3. Luôn học tập: Học để tu tỉnh sao cho hiểu rõ và thực hành được Phật pháp.

4. Hoằng hoá lấy quần chúng làm nền tảng "Hy sinh hết tài lực để góp vào công cuộc tạo đời sống cho nhân quần".

Bốn điều trên cần làm đồng bộ không bỏ sót điều nào. Việc đầu tiên là phải tổ chức có hệ thống, đoàn kết trong mục đích chung. Sau đó phải học tập, "Học tập" là chủ chốt, học tập tu tỉnh, tạo ra bằng sức mình một cuộc sống tự lập. Tăng già cần "góp tài, góp sức lại mà tu tập với nhau, không cần chùa chiền của dân, nếu dân nào còn tín ngưỡng thì lập ngay một Ban Thiện tín để họ trông nom lấy chùa của họ. Tăng già chỉ giúp đỡ các sự thờ phụng, sửa sang giáo hoá và tổ chức thành những nơi ấu trĩ viên, trại văn hoá hay thư viện mà thôi"(trang 41).

Đề nghị Tăng già trao lại chùa cho dân là một đề nghị hết sức táo bạo có nhiều điều cần bàn luận, nhưng chủ trương Tăng già tham gia hoạt động để không mang tiếng "không làm mà vẫn có ăn", nhất là tham gia vào các hoạt động xã hội văn hoá là một điều hợp lý, hợp với tinh thần "hoằng pháp độ sinh" của đạo Phật.

Sách "Con đường học Phật ở thế kỷ thứ XX" còn có nhiều phần giới thiệu những quan điểm cơ bản của Phật giáo, bằng cách so sánh "Ngoại đạo với giáo lý nhà Phật"(tr 49, 52), đối chiếu "Tiểu thừa" với "Đại thừa"(tr 55-69), hoặc luận bàn và "bản tâm của Phật tổ"(tr 55), con đường tự học (tr 79), nguyên tắc độ sinh (cứu giúp quần chúng) (tr 88) v.v...

Nhưng có thể nói phần chủ yếu của sách nhằm phục vụ công cuộc chấn hưng Phật giáo, kiểm điểm hiện trạng Phật giáo trong nước, những thiếu sót trầm trọng làm biến tướng đạo Phật chân chính, và vạch ra cách cứu chữa.

Sách đã được hoàn thành trong lúc tác giả phụ trách lớp giảng Phật học cho Tăng Ni và trường dạy trẻ mồ côi, bôn ba vừa chạy giặc mà vẫn bảo đảm sản xuất để tự nuôi sống trong chiến tranh chống Pháp. Nó có thể coi như đúc kết cả tâm tư tình cảm, chí hăng say thực hiện lý tưởng của tác giả.

Ở chương cuối cùng của cuốn sách, dưới đầu đề khá gợi cảm "Vọng lại" ông đã dè chừng những phản ứng có thể có được - nhất là trong phái Tăng già đông đảo, đối với những nhận xét nghiêm khắc của ông về hiện trạng Phật giáo, đối với đường hướng cải tổ có tính cách mạng của ông. Ông tin rằng khi mà những lời đau đớn trong quyển sách này đến tai các vị "Đại đức tăng già". Thì sẽ hình thành ba cách phản ứng, có thể nói của ba phái:

Phái thứ nhất của những người đồng tình. Phái thứ hai chỉ biết chép miệng thở dài coi như gặp thời "mạt pháp" đành nhắm mắt làm ngơ; Phái thứ ba có lẽ là số nhiều thì cau mày lớn tiếng mắng tác giả "ngậm máu phun người", "trên từ giới quan, dưới đến dân đều kính Phật trọng Tăng, cúng dâng kính lễ".

Ông đã "thưa lại" đối với phái thứ nhất nếu đồng tình, xin các Ngài hành động cụ thể để "ngôn hành nhất chí". Đối với phái bi quan tiêu cực, xin được nghĩ lại: Nếu Tăng già theo đúng Phật pháp thì mạt pháp sẽ là chính pháp. Đối với phái thứ ba trách mắng, ông đã có lời hết sức cảm động: "Chư vị vội ... trách mắng tôi, tôi tự biết tôi lỗi lắm rồi, tôi hằng lo sám hối trước rồi. Tôi cũng là một phần tử trong Phật giáo mà để Phật giáo suy thì còn trách ai? Nhưng một bàn tay sao che kín được mặt trời, cho nên tôi phải thiết tha yêu cầu các vị" (tr 10). Chương "Vọng lại" còn được mở đầu bằng mấy câu thơ dịch từ Kinh Thi chứng tỏ sức học uyên bác kiêm cả Nho lẫn Thích của học giả - cư sĩ:

Biết ta bảo ta lo âu

Chẳng biết ta bảo ta cầu chi đây

Trời xanh man mác ai hay

Lòng ta dằng dặc hơn trời xanh kia!

Người đọc tới đoạn kết của cuốn sách, không khỏi bồi hồi xúc động do tâm tư đau sót của tác giả thể hiện ở lời văn khẩn thiết chân tình. Tác phẩm "Con đường học Phật...." nhiều đoạn có thể coi như được viết bằng máu và nước mắt, những Phật tử có tâm huyết không thể không suy nghĩ, tìm cách cải tiến sự nghiệp hoằng dương giáo lý cứu thế độ sinh của đức Phật Thích Ca.

Từ tinh thần yêu nước đến chí hướng hăng say phục vụ Phật pháp

Theo sách "Tiểu sử các danh tăng Việt Nam thế kỷ XX" cư sĩ Thiều Chửu trước khi tự nguyện xa lánh cõi trần đã viết 4 bức tâm thư, ba bức gửi cho chính quyền trình bày nỗi lòng của mình và kiến nghị điều nên tránh để lợi nước ích dân, một bức thư gửi cho học trò dặn dò cố gắng học tập tu hành. Những tư liệu này hiện mới chỉ sưu tầm được một bức thư đề "Kính gửi Hồ Chủ Tịch" (do nhà giáo Nguyễn Hải Đạm, cháu gọi cư sĩ bằng chú ruột lưu trữ), thư dài 17 trang đánh máy, cuối thư ghi tên Nguyễn Hữu Kha, kể lại cuộc sống của mình và trường hợp bị qui tội oan ức lúc cuối đời, kèm những điều nhận xét về hiện tượng "tả khuynh" (từ dùng trong thư) của cán bộ trong cải cách ruộng đất. Riêng về phần kể lại cuộc đời mình, tác giả cho biết ngay từ năm 14 tuổi cha là cụ Cử Cầu bị thực dân Pháp bắt đi, ông chạy theo cha liền bị bọn mật thám xua đuổi, đánh đập. "Căm thù tủi nhục, thân hèn biết làm gì", đọc truyện ba vị anh hùng nước Ý thấy có lời nói của Gia Phu Nhi (tức Garibanđi - VTS) " Ý Đại Lợi là vợ, Ý Đại Lợi là con", ông đã nảy ra ý muốn theo lời nói đó, ông viết: "Từ đó tôi không hề nghĩ đến cái đời riêng của tôi nữa, người ta cho tôi tin đạo Phật mà không lập gia đình, có biết đâu uẩn khúc của tôi từ thuở còn thơ dại" (trang 2).

Năm 1949 trên đường chạy loạn cùng với ông, bà mẹ ông bị mất, ông đã có những lời thật đau xót: “Chao ôi! Thế là bố bị chết vì giặc, mẹ chết vì giặc, anh chết vì giặc (Anh là cán bộ bị giặc bắt, dụ hàng không được đã bắn chết), chị dâu, em dâu chết vì giặc. Mối thù không đội trời chung, mà tôi ốm yếu không ra tiền tuyến để giết giặc báo thù, đau khổ là dường nào” (trang 8-9). Cuối thư lại có câu "Về phần tôi, bố mẹ anh chị em chí thân, bảy người chết vì giặc Pháp và phong kiến, năm 1945 tôi đi phát chẩn hơn 100 em chết đói và sốt định kỳ, phục vụ mấy vạn đồng bào bị nạn đói, mà tôi không thực hiện được chí căm thù, xông ra tiền tuyến giết giặc để báo cái thù không đội trời chung, chịu sống loanh quanh ở hậu phương phụ trách một số các em, không làm tròn nhiệm vụ, để các em đói rét chết chóc, tội ấy dù chết vẫn chưa hết".

Những dòng trên cho thấy cuộc sống kiên nghị và cao quí của cư sĩ Thiều Chửu, xuất phát đầu tiên từ lòng yêu nước, kế tục truyền thống cách mạng của thân phụ là cụ Cử Cầu. Tinh thần yêu nước, được tăng cường do chí hăng say muốn chấn hưng đạo Phật và việc hoằng dương Phật pháp cũng không ngoài mục đích phục vụ nhân dân "Tận hiếu với nhân dân", "Vì nhân dân là chư Phật vị lai" như lời mào đề của cuốn "Con đường học Phật ở thế kỷ thứ XX".

Lòng yêu nước kết hợp với quyết tâm "Hoằng pháp lợi sinh" đã khiến cư sĩ Thiều Chửu có một cuộc đời kiên nghị và thanh cao hiếm thấy: Một nhà trí thức uyên bác chưa từng ngồi trên ghế nhà trường, hoàn toàn do công phu tự học, một nhà hoạt động xã hội không mệt mỏi cứu giúp đồng bào trong những cơn hoạn nạn hiểm nghèo bậc nhất (dân bị ngập lụt, bị nạn đói, trẻ em mồ côi), người có óc tổ chức, duy trì sự sinh sống và hoạt động có nền nếp của một cộng đồng phải luôn luôn di chuyển chạy giặc trong thời kỳ chiến tranh, người chỉ huy có sức thuyết phục tuyệt vời bằng cuộc sống gương mẫu, bằng tình thƱơng yêu khoan hồng chân thành, bận rộn trăm nghìn công việc ngoài đời, và vẫn dành thời gian học tập, tu dưỡng, dịch thuật, trước tác phục vụ lý tưởng của mình. Có thể coi cư sĩ Thiều Chửu là một hiện tượng khá đặc biệt trong giới trí thức ở thế kỷ này.

Sách "Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX" tập I, đã biểu dương ông: "một Phật tử xứng đáng tiêu biểu cho hàng cư sĩ trong đạo Phật có công lớn trong lịch sử chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc và hơn nữa xứng đáng là gương mẫu tiêu biểu cho sự trọng thị một cách khiêm ái từ hoà của người con Phật" (trang 947). Có lẽ cần phải thêm một ý: Là một Phật tử chân chính phát huy cao độ lý tưởng hoằng pháp độ sinh, ông cũng là một người yêu nước nồng nhiệt. Ở nơi ông, đã được kế tục và phát huy hai truyền thống tốt đẹp. Truyền thống gia đình, tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của thân phụ, cụ Cử Cầu, chiến sĩ Đông Kinh Nghĩa Thục. Truyền thống dân tộc, đạo Phật trên đất Việt, ngay từ khi mới du nhập và nhất là từ thời Lý, Trần luôn gắn liền với cuộc sống và quyền lợi nhân dân, và có sự đóng góp xứng đáng vào công cuộc phát triển đất nước. Chính tinh thần dân tộc quật cường kết hợp với giáo lý từ-bi-hỷ-xả của Thích Ca đã tạo sức mạnh cho cư sĩ Thiều Chửu sống trọn đời trong sáng và kiên nghị, phục vụ lý tưởng cao cả của mình.

Ghi chú của nhà xuất bản Lao Động: Khi chuẩn bị đưa bài viết về cư sĩ Thiều Chửu vào tập sách, được sự giới thiệu của nhà nghiên cứu Hán học Vũ Tuấn Sán, chúng tôi đến gặp Thượng toạ Thích Thanh Ninh - chùa Quán Sứ, Hà Nội. Thượng toạ trao đổi thêm với chúng tôi về cư sĩ Thiều Chửu và cung cấp một mục lục những ấn phẩm của Thiều Chửu từ năm 1930 đến năm 1945. Chúng tôi giới thiệu để bạn đọc tham khảo thêm về những trước tác của cư sĩ Thiều Chửu, mặc dầu theo Thượng toạ Thích Thanh Ninh, mục lục này còn có thể còn tiếp tục bổ sung (BT).

1. Cải tà qui chính (1940)

2. Giải thích truyện Quan Âm Thị Kính

3. Lục tổ Đàn kinh

4. Lịch sử Phật tổ

5. Thế nào là Phật và Phật pháp

6. Đạo đức phổ thông

7. Con đường học Phật ở thế kỷ thứ XX

8. Phật học cương yếu

9. Vì sao tôi tin Phật giáo. Tác giả B. Brongthon

10. Khoá lễ Phật Di Đà (48 phép niệm Phật)

11. Giảng nghĩa kinh Kim Cương

12. Từ nay học tăng đi về lối nào

13. Kinh Viên giác chú giải

14. Nhìn qua cửa Phật

15. Phật học giáo khoa thư

16. Phật thừa tông yếu luận

17. Tài liệu nghiên cứu Phật học

18. Nhân minh nhập chính lý luận

19. Duyên sinh

20. Hết thảy mọi pháp đều là pháp xuất thế gian

21. Duy thức nhập môn

22. Duy thức phương tiện âm

23. Nghiên cứu duy thức theo khoa học

24. Phật học vấn đáp

25. Khoá hư kinh

26. Kinh Dược sư giảng nghĩa (1941)

27. Tịnh độ sám nguyện

28. Kinh Di giáo

29. Tây Du ký

30. Trì giới Balamật (1941)

31. Lục độ giảng nghĩa Bát nhã Balamật (1941)

32. Sáu điều Phật dạy

33. Luân lý nhà Phật - Kinh lễ 6 phương (1934)

34. Biết lối qui y - những điều cần biết của người qui y (1930)

35. Mấy phép tu hành thiết yếu của người tu tại gia (1936)

36. Tăng huấn nhật ký (1938)

37. Khoá lễ giản dị (1936)

38. Niệm Phật yếu lý (1934)

39. Diễn âm kinh Kim Cương thọ mệnh (1933)

40. Khoá lễ phổ thông (1938)

41. Giảng nghĩa kinh Di Lặc thượng sinh (1945)

42. Chư pháp yếu nghĩa kinh (1937)

43. Phép tu tịnh độ nước Nhật Bản (1937)

 


(Bài đăng trong sách Những người lao động sáng tạo của thế kỷ của Hoàng Hưng, Nguyễn Thuỵ Kha, Nguyễn Trọng Tạo, Thanh Thảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, NXB Lao Động, 1999)

 

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 13
    • Số lượt truy cập : 6124752