Thông tin

THIỀU CHỬU - MỘT TÂM HỒN

TU NHÂN THẾ, TU NHÂN GIAN

 

TS. PHẠM TOÀN
Trung tâm Công nghệ Giáo dục

 

Trước hết xin có vài lời thưa, người viết bài này không phải là một học giả, hơn bảy chục tuổi đầu vẫn chỉ tình nguyện là chú học trò, chắp chi nhặt nhạnh trí khôn con người, và vẫn luôn luôn ngơ ngác trước biết bao nhiêu biến cố không tự mình giải thích nổi.

Kẻ học trò này xin có vài suy nghĩ về tâm hồn tu nhân thế, tu nhân gian của Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha.

***

Trong đời tu hành của Thiều Chửu, thấy có đặc điểm này: sự gần gũi, gắn bó với Nhân thế.

Từ nhỏ, cha hoạt động cách mạng nên bị tù đày, Thiều Chửu phải dấn thân vào đời để sống, đó đã đành.

Kế đó, việc đi sâu vào học thuật, trước hết đi vào giáo lý đạo Phật của Thiều Chửu là điều nhằm tự mình cởi trói cho sự thiếu hiểu biết của mình. Việc học không mang tính tư biện, mà học nhằm tự lý giải đến cùng kiệt sự vật.

Ngay như việc làm Tự điển Hán Việt cũng thế: Thiều Chửu làm sách đó chỉ vì "thí dụ như chữ "pháp" nghĩa là "phép", như phép tắc, phép luật, lễ phép, v.v...; nhưng khi dùng trong sách nhà Phật thì hết thảy mọi vật đều là "Pháp", là pháp trần đối với ý căn; thì nghĩa chữ "pháp" khó biết chừng nào?" (Lời nói đầu "Tự điển Hán Việt").

Sự nuôi dưỡng ý tưởng và truyền bá quan điểm Phật giáo nhân gian lại là bằng chứng nữa. Trên trang bìa "Con đường học Phật ở thế kỷ thứ XX" hiều Chửu ghi rõ "Học để thực hành - Thực hành cho Phật giáo nhân gian - Học để tu tỉnh - Tu tỉnh cho thực chứng được Phật pháp" Thiều Chửu nhấn mạnh nhắc nhở "Phải tận hiếu với nhân dân - Nhân dân là cha mẹ bao kiếp là chư Phật vị lai."

Quan điểm Phật giáo nhân gian của Thiều Chửu cực kỳ mới mẻ: "Phật pháp xuất hiện trên thế gian này chỉ là để giác ngộ cho thế gian" - "Hết thảy các việc giúp ích cho loài người được sung sướng đều là việc Phật" - "... nguyện cho chúng sinh thành một đại chúng cùng sống với nhau một cách hoà bình, hợp lý hoá, không còn một trở lực gì" - "Phật pháp có đầy đủ chân lý bất diệt, tức là xây nền tảng ở chỗ phá tan giai cấp, triệt để bình đẳng, bỏ cả tài sản tư hữu, tình cảm riêng tư"....

***

Ta từng thấy một tư tưởng như thế xuất hiện vào những thời điểm bừng bừng khí thế cách mạng bộc lộ sức mạnh của quần chúng.

Nhà thơ Holderlin nước Đức xưa khi về già sống trong tình trạng tâm thần phân lập đã có câu nói về tôn giáo vừa là thơ vừa là triết học rất hay và rất không điên tí nào, như thế này:

“Trong tầm tay với

mà khó nắm biết bao

ấy là Chúa”

Như sử sách ghi lại, ngay từ khi còn là sinh viên, cặp bạn thân Heghel và Holderlin đều từng mơ tưởng đến một thứ "tôn giáo của nhân dân" giành cho thời đại của Tự do (viết bằng chữ T hoa). Tư tưởng đó của hai vị được tóm trong lời này:

“Tôn giáo một thần cho lý trí và trái tim,

Tôn giáo đa thần cho tưởng tượng và nghệ thuật.”

Những ý tưởng về tôn giáo như thế không dễ gì xuất hiện. Nó vừa có tính chất nung ủ lại vừa đột ngột. Đó là ý tưởng từng nung nấu trong nhóm bạn thân đầy tài năng và đầy trách nhiệm Heghel, Schelling, Holderlin, những người đã có "Thầy" chung trong nước mình là Goethe, bỗng lại mới có người "thầy"quốc tế của mình là Đại Cách mạng Pháp năm 1789. Tư tưởng tôn giáo nung ủ đó phải đột ngột vụt hiện ra một khi có ngòi nổ kích thích là cuộc các mạng long trời lở đất đích thực kia. Thực ra câu chuyện còn có nguyên nhân sâu kín khác nữa. Những người trí thức Đức thời đó đều thấy được nỗi nhục phải sống trong một xứ sở kém cỏi các lân bang châu Âu. Đại Cách mạng Pháp 1789 thêm một cái tát công khai khiến nỗi ô nhục càng thêm ô nhục. Cái tư tưởng tôn giáo "mới" hoàn toàn không mang tính chất tôn giáo, mà mang tinh thần Tự Do.

Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha là một người được sống trong cái hừng hực Cách mạng tương tự như thế. Trước đó, Thiều Chửu cũng từng sống trong nỗi ô nhục nô lệ, mất nước. Sau đó, Thiều Chửu đã được cuộc Cách mạng của chính nước mình ra tay tế độ.

Người Việt Nam nào từng sống năm 1945 ở nước Việt Nam thân yêu này hẳn phải thấy Cách mạng tháng Tấm năm 1945 có cái gì đó phảng phất Đại Cách mạng Pháp năm 1789. Tòa Bastille hiện ra thành Trại Bảo An Binh Hà Nội, thành Phủ Khâm Sai Hà Nội, thành đường Catinat Sài Gòn, thành Toà Khâm cố đô Huế ... Một cuộc "xuống đường" ngay cả cho những tâm hồn thơ ngơ ngác chợt thấy hiển hiện năm cánh (sao vàng) xoè trên năm cửa ô.

Không khí cách mạng có sức hấp dẫn rất mạnh đến những tâm hồn tu nhân thế, tu nhân gian.

Cách mạng tháng Mười Nga bùng nổ vẫy gọi cả những người bờ bên kia Đại Tây Dương tới để làm chứng nhân và viết lại thành sử thi Mười ngày rung chuyển thế giới. Những ngày chống phát xít ở Tây Ban Nha từng lôi cuốn biết bao người như tôn giáo lôi cuốn tông đồ. André Malraux từng là người quyên góp tiền mua máy bay, rồi tự mình lập hành dinh, những nhà thơ cách mạng quốc tế đã quản lý những chiếc máy bay rơi rụng dần cho tới chiếc cuối cùng đưa về Bảo tàng Matxcơva.

Có điều này ít người chú ý: trong số những nhà trí thức với tâm hồn tu nhân thế, tu nhân gian, có không ít người về sau dã tuyệt vọng vì đã quá gần nhân thế. Cái nhân thế trong vắt mà đục ngầu vị ngọt phù sa. Cái nhân thế rạng rỡ mà ngầu ngầu lửa đỏ dựng xây và huỷ diệt. Cái nhân thế khác xa điều họ từng tưởng tượng về nhân thế. Những điều học chỉ có thể tưởng tượng trắng đen rành mạch về nhân thế.

Thiều Chửu ở Việt Nam đã trải qua những giờ khắc thơ mộng, nhiệt thành, và đắng cay như vậy.

Đời Ngài đầy đủ đức tính cao đẹp. Ngài chỉ có một nhược điểm là quá lãng mạn, quá trong trắng, quá thơ mộng. Một người như thế, không gì có thể đáp ứng nổi. Người như thế thuộc loại người không bao giờ thoả mãn. Tận cùng con đường người như thế chỉ là sự Tuyệt vọng.

Không chỉ là nhược điểm, có thể đó là một khuyết điểm. "Nhân vô thập toàn!" Ngài đã tự trầm mình. Khoa Tâm lý học xếp hành vi tự vẫn vào loại bạo hành. Hành vi đó chỉ có thể được thông cảm nếu hiểu rõ đó cũng chỉ là điều không tưởng cuối cùng của một tâm hồn thơ (thơ ca và thơ dại). Còn nhân thế thì hiếm khi nào biết trả nợ (hoặc trả cả ơn). Nhân thế chỉ biết nhận hoặc vay thôi!

Hà Nội, đêm đầu tháng 5 năm 2002

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 11
    • Số lượt truy cập : 6920259