Thông tin

THƠ CA LÀM TRONG THỜI GIAN KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP

 

THIỀU CHỬU 

 

1. Qua các nơi tản cư

Vô đề

Phen này cắt tóc đi tu,

Tụng kinh Độc lập, ở chùa Duy Tân.

Đêm ngày luống những ân cần,

Cầu cho ích quốc lợi dân mới là.

Cầu cho nước Việt Nam ta,

Khắp Trung Nam Bắc một nhà vui chung.

Toàn dân kháng chiến thành công,

Tự do Hạnh phúc vô cùng vô song.

(Năm 1947)

 

Cảm tác 2

Như ghét như thương,

Nửa mừng nửa tủi.

Khuyên ai ai biếng quay đầu,

Miên man xa cách trần khách bấy nhiêu lâu.

Bốn phương vô minh che tối,

Biết cùng ai lo tỏ đạo cao sâu.

Trằn trọc suốt năm canh toan tính,

Gươm trí tuệ mài mau !

(Năm 1949)

 

Ghi chú : Sau năm 1947, giặc Pháp kêu gọi người đi tản cư trở về vùng tạm chiếm, một số người không chịu được gian khổ đã lần lượt bỏ về. Nghe nói trong số Tăng Ni huyện Đông Anh tản cư lên Thái Nguyên có một Ni cô ngoài 50 tuổi xin hoàn tục về lấy chồng, Thiều Chửu cảm tác làm bài thơ trên.

 

Lá thư tâm huyết

Phí bao nước mắt mồ hôi,

Cây Bồ sắp sửa nảy chồi đâm hoa.

Thương ai nghiệp chướng tối loà,

Đường quang chẳng bước rẽ ra lối tà.

Gớm thay ngũ dục quân ma,

Làm cho tịnh khách hoá ra tục trần.

Tuỳ duyên lý đã tối tăm,

An bần lạc đạo chẳng tuân lời thầy.

Tự thân chịu đủ đoạ đày,

Lại cho quần chúng càng ngày càng xa.

Chẳng suy Phật tức tâm ta,

Làm theo chính nghĩa tức là chân tu.

Lợi sinh gây vững cơ đồ,

Tức là hoằng pháp quy mô đường hoàng.

Bên mê bên ngộ rõ ràng,

Kêu ai chẳng tỉnh nghĩ càng thêm đau.

Những nhớ cùng thương dạ chẳng ngơi,

Nhớ ai, ai nhớ, nhớ thương ai.

Bao năm hợp tác chung chung một,

Cùng nước, chia tay, tẻ tẽ hai.

Vui cảnh tự do trời sán lạn,

Thương người lạc lối đất chông gai.

Yêu nhau gắng sức cùng nhau nhỉ,

Tu tỉnh làm sao xứng cái đời.

 

Ghi chú: Năm 1948, trong đoàn có một sư Tăng về vùng địch tạm chiếm, Thiều Chửu tức cảnh làm bài thơ này nhắn nhủ mọi người. Bài này đăng lại trong bán nguyệt san Phương Tiện số 49 - 50 ra ngày 1 và 15 tháng 9 năm Tân Mão (1951)

 

Thuận gió giương buồm

Trong nửa năm trời

Lưu lạc quê người

Ốm đau đói khát

Luôn luôn vui cười

Vui cùng Pháp tướng1

Cười với Duy thức2

Suốt nghĩa huyền diệu

Mới rõ tiêu tức (tin tức)

Từ nay trở đi

Thuận gió giương buồm

Trong bể Pháp tướng

Tha hồ thênh thang

(Năm 1948)

 

Ghi chú : Bài này chúng tôi sưu tầm được trong cuốn sổ (chép tay 13 tác phẩm của Thiều Chửu) hiện do Thượng toạ Thích Thanh Đạt, chùa Quán Sứ, Hà Nội giữ. Bài thơ được ghi ở cuối tác phẩm Nghiên cứu duy thức theo khoa học cùng với bài thơ chữ Hán Vô đề.

Đọc bài thơ chúng ta có thể thấy mặc dù trong hoàn cảnh kháng chiến gian khổ nhưng Thiều Chửu vẫn giành thời gian cho việc trước tác. Ông hết sức phấn khởi khi hoàn thành tác phẩm cuối cùng là Nghiên cứu duy thức theo khoa học trong bộ Duy thức pháp tướng tông.

 

Nhắn nhủ người tu

Hỡi ai cùng họ Thích Ca ta,

Mau tới Tùng lâm thụ giáo mà

Bể Khổ đua bơi thuyền Bát nhã

Rừng Thiền thi hái đoá Liên hoa

Bánh xe Chính pháp tan Tam giới

Ngọn đuốc Từ quang tỏ Lục hoà

Độ tận chúng sinh thành quả Phật

Xứng thân cắt tóc, mặc cà sa.

(Năm 1949)

 

Tặng học trò

Là Ni Sư thích Đàm Ánh

(nhân sinh nhật thứ 19)

Này Đàm Ánh tuổi con mười chín

Bút khuyên con phải nhịn phải nhường

Số ngày giời Phật chứng thương

Nữa mai sáng láng biết đường lập thân

Biết nghĩa cả đền ân tử tế

Ngoài 45 phong thể dần dần

Những nay nhiều lúc giận thân

Cho nên con cũng nhiều lần vô tâm

Nghĩa là tu phải chăm từng tý

Theo luật chung bố thí đừng quên

Lúc nào cũng có bề trên

Kính nhường ân ái bốn bên cho hoà

Con biết chữ xuất gia đầu Phật

Phải ghi lòng tuế nhật kiên tâm

Nữa mai phúc quả trùng lâm

Một năm gây dựng mấy năm tiếng đồn

Này đây tiên bút dạy con.

 

 Khuyên tu

Ai ơi giữ chí cho bền,

Dù ai thay hướng đổi nền mặc ai

Dù ai nói ngược nói xuôi

Ta nay vẫn vững như cây giữa rừng

Tuồng gì những thói lăng nhăng

Dưng dưng để mối bất bằng về sau

Chân như đạo Phật rất mầu

Tâm chung chữ Hiếu, niệm đầu chữ Nhân

Hiếu là độ được đấng thân

Nhân là vượt khỏi trầm luân mọi loài.

(Năm 1949)

 

Mới hay cửa Phật

Bốn phương kéo tới mây mù

Trông về Lạc quốc biết đâu là chừng

Nỗi thương biết nói sao cùng

Lấy ai tri kỷ đãi lòng sau xưa

Mênh mang bể khổ không bờ

Lấy ai chèo lái bây giờ hỡi ai

Sông mê mù tít mịt khơi

Cậy ai tế độ cho người trầm luân

Hỏi ai, ai những phân vân

Ngẩn ngơ đường giác, lần khân cảnh trần

Nực cười hai chữ kê cân

Khiến ai luống những ăn năn đời đời

Quí thay cái trí thiện tài

Ngũ tam tham để muôn đời soi chung

Hỏi ai có biết thẹn thùng

Hỏi ai, ai có ngượng ngùng chăng ai

Có thời ta quyết một lời

Thi đua Phật Pháp lợi người lợi ta

Sẵn thanh gươm tuệ vung ra

Lục căn thanh tịnh, tứ ma tan tành

Mới hay cửa Phật thênh thênh.

(Năm 1949)

 

Khóc thầy giáo Tán

Thầy Tán ơi, thầy Tán ơi !

Trăm năm thôi thế, thế thì thôi

Nóc chùa Tế Độ mờ hương khói

Vườn trại Cù Vân vắng bóng người

Nhớ cảnh Hương Phong hồn lẩn thẩn

Trông vời Bắc Cạn lệ tuôn rơi

Lấy ai nối lại lời non nước

Thôi thế thì thôi, thầy Tán ơi!

 

Ghi chú: Ông Nguyễn Quý Tán là thầy giáo chuyên trách dạy học cho các trẻ em trong đoàn Tế Sinh của Thiều Chửu thời gian 1945- 1946 (ở chùa Tế Độ, Thanh Xuân, Hà Nội) và 1947- 49 (tại Hương Phong, Phúc Yên và Cù Vân, Thái Nguyên). Về sau, ông Tán tham gia công tác kháng chiến trong một cơ quan nhà nước. Khi được tin ông Tán chết vì trúng bom giặc (tin này không đúng sự thực), Thiều Chửu xúc cảm làm bài thơ trên.

 

Trước khi ăn cơm

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần

Tháng mười cho chí tháng năm

Nắng mưa trải mấy mươi lần xông pha

Kém công tự giác giác tha

Càng ăn càng nợ người ta đời đời

(Năm 1950)

 

Nhớ ơn Phật tổ

Thấy cảnh trần ai đáng hãi hùng,

Luân hồi ức kiếp gỡ bao xong?

Hy sinh thân thế tìm chân lý,

Tế độ quần mê tới đại đồng.

Chư Tăng ơi! Nhớ ơn Phật Tổ vô cùng!

Nghĩ sao cho thỏa tấm lòng xuất gia.

Đời người tựa giấc Nam Kha,

Tu thân độ thế đời ta vô cùng.

(Năm 1950)

 

Mừng các vị sư Tăng về học

Chẳng nề mưa nắng ngại đường xa,

Bốn tỉnh Tăng Ni họp một nhà.

Gắng sức xây cao nền Chính pháp,

Ra công cải tạo cõi Sa bà.

Mong toàn sứ mệnh người tu tiến,

Cho xứng công hành bực giác tha.

Mai mốt nhân gian thành Lạc quốc,

Xứng thân cắt tóc mặc cà sa.

 

Ghi chú : Cuối năm 1948 được phép của Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Phúc Yên, Thiều Chửu mở Lớp nghiên cứu Phật học Trần Nhân Tông. Mến mộ đức hạnh và sự uyên thâm giáo lý đạo Phật của Thiều Chửu, mặc dù đường xá gian nan đã có hàng chục Tăng Ni từ 4 tỉnh về học. Ngày khai giảng lớp học, Thiều Chửu xúc cảm đọc bài thơ này. (khoá thứ nhất bế mạc ngày 30.01.1949)

 

Họa bài quyết tu

Ai xích ai gông, rước lấy tù

Khuyếch nhiên vô thánh, nói chi tu

Tính hằng thanh tịnh, đâu còn độc

Thề vốn thưởng minh, chẳng phải u

Mõ biết tuỳ duyên, sao lại đục

Chuông không phát chấp, cái gì bu

Không gian năng bạch, thời gian diệt

Xuân cũng danh ngôn, xá kể chi !

(Năm 1949)

 

Phật ca

Thân Phật như ngọc lưu ly

Mặt Phật tròn sáng khác chi trăng rằm

Phật hằng tế độ trầm luân

Yêu thương hết thảy là tâm Phật Đà

Bảo cho ta biết rằng ta

Thảy đều như Phật, ai mà khác ai

Chỉ vì mê sắc tham tài

Gây nên tội ác như loài thực dân

Làm cho sai lạc chân tâm

Làm cho nhân loại muôn phần đau thương

Vậy nên Phật phải toan lường

Hy sinh thân thế, tính phương chu toàn.

(Năm 1947)

 
Trước bàn thờ Tổ quốc

Trước bàn thờ Tổ quốc

Chúng con xin tâm nguyện

 

Tổ quốc có giàu mạnh

Chúng con mới được yên.

(Năm 1948)

 

Ăn và sống

Ăn để mà sống

Sống cho đàng hoàng

Tự tay làm lấy

Ăn không bẽ bàng.

(Năm 1948)

 

Thơ gửi các Tăng già trong vùng địch tạm chiếm.

Năm 1951 - 1952, nghe tin một số Tăng già trong nội thành Hà Nội vì mục đích kiếm tiền của dân mà bày trò đàn tràng cúng vái, đồng bóng. Cho rằng như vậy kết quả chỉ làm cho nhân dân bị mê hoặc và bị bóc lột, nhụt chí kháng chiến, có lợi cho giặc Pháp, Thiều Chửu liền nhờ gửi cho họ một tập tài liệu giáo dục Tăng già của Hội Phật giáo cứu quốc biên soạn; kèm theo một bài thơ như sau:

 

Nhớ Tổ Bách Trượng xưa,

Thật thanh thản lao động.

Một ngày chẳng làm chi,

Một ngày cam trống bụng.

Chúng ta hạng người nào,

Mà không biết tự trọng.

Cũng lên nhung lụa mềm,

Cũng chè xuân thuốc cống.

Cũng xuống ngựa lên xe,

Cũng tiền rương thóc đống.

Ngũ dục thả cửa chơi,

Ngũ cái tha hồ hóng.

Hỏi ở nguồn đâu ra?

Đục vào lưng quần chúng.

Học chưa quá i tờ,

Đạo hoàn toàn ngô ngọng.

Hạt gạo lớn dường non,

Đâu phải là ủng cúng.

Cứ theo lẽ chân thường,

Ai cũng do quyền sống.

Có làm thì có ăn,

Biếng lười tất mất giống.

Đừng tưởng lầm người xưa,

Người ta còn mơ mộng.

Mà tìm cách thôi miên,

Mà tính bề lợi dụng.

Hết cầu cúng đàn tràng,

Lại bùa bèn đồng bóng.

Thả săn sắt đòng đong,

Bắt cá rô cá bống.

Bòn rút hết hầu bao,

Để tự cung tự phụng !

Dân vì đó suy tàn,

Nước vì đó lủng củng.

Làm mồi cho thực dân,

Dễ bóp cổ bưng họng.

Hỡi đệ tử Thích Ca,

Đường tu nhằm cho đúng.

Trông gương Phật Tổ ta,

Như bể trời lồng lộng.

Lục Tổ là tri lương,

Tứ Nhiếp là tầu súng (?).

Hy sinh vô tận cùng,

Phục vụ cho đại chúng.

Phúc Trí đều như nhau,

Viên thành công tu chứng.

 

 

2. Tình cảm riêng

Thiều Chửu dẫn đoàn trẻ Tế sinh tản cư ở Phúc Yên. Mẹ, em gái và gia đình người em trai ông tản cư ở Yên mỹ, Sơn Tây. Mẹ già 72 tuổi đau ốm luôn; em dâu ốm chết, để lại một đàn con thơ. Ông thường lo nghĩ về mẹ và gia đình người em trai. Về sau, mẹ bị gãy chân và em gái ông chết bởi đạn giặc trong một trận càn ở Sơn Tây.

 

Nhớ nhà

Đồi Yên Mỹ quê nhà thổn thức

Mượn bút nghiên tả thực tấm lòng

Mẹ già khuya sớm trông mong

Em thơ nhà túng, lâm chung cảnh sầu

Con nhẹ bước dãi dầu mưa nắng

Miếng tân toan1 quyết chẳng nhường ai

Tủi thân kém đức thua tài

Giang sơn còn đó, gươm mài đã lâu !

(Năm 1947)

 

Nhớ mẹ

 Tản Viên khuất nẻo xa xa,

Từ thân ta đó là nhà phải không?

Ngọt bùi chưa chút đền công,

Bấy lâu nay những nặng lòng vì con.

Một lời hứa hẹn nước non,

Nước non sóng gió con còn xông pha.

Khẩn cầu đức Phật Thích Ca,

Độ cho Mẹ được càng già càng dai.

Lẽ thường bĩ cực thái lai,

Nước non yên lặng cho vui cảnh già.

Hôm mai hai mẹ con ta,

Dâng hương thanh tịnh dâng hoa chân thường.

Từ bi cập bến cùng sang,

Cùng vui cảnh Phật thênh thang tháng ngày.

Mới biết lúc này !

(Năm 1948)

 

Nhớ cố hương

Bạch vân một áng xa xa,

Biết cùng ai tỏ cho qua cơn sầu.

Thung Huyên xa cách đã lâu,

Cậy ai khuya sớm trông hầu vào ra.

Mảng tin từ mẫu băng hà,

Ruột vò từng khúc lệ sa đôi dòng.

Trêu người chi bấy hoá công,

Làm cho đau khổ mấy trùng được sao.

Tủi thay hổ phận thơ đào,

Ơn sâu nghĩa nặng kiếp nào cho nguôi.

Thần hôn nay đã thiếu rồi,

Ngọt bùi dâng kính nay thời cũng không.

Chí thành con dốc một lòng,

Theo thầy học đạo cố công tu thành.

Mai ngày đạo quả viên thành,

Cả nhà chung hưởng một cành liên huê1.

Mới được đề huề!

(Năm 1949)

 

Ăn cơm gốc cây

Hôm nao dưới gốc cây này

Cùng ai cơm nắm tính xoay cuộc đời

Chia tay đi khắp phương trời

Biệt vô âm tín ngậm ngùi lòng thương

Một đàn cháu bé dở dang,

Cậy ai dạy dỗ cưu mang qua ngày.

Hôm nay dưới gốc cây này,

Một mình ăn nắm đắng cay mùi đời.

Tâm thành như đuốc sáng ngời,

Tình sương như giục lòng người xa xôi.

Về thôi ! nghiệp đã định rồi,

Em dâu chào bác, thở hơi cuối cùng.

Thương cháu giọt lệ ròng ròng,

Thương mẹ nghìn nỗi đau lòng vì con.

Thương em tê tái lòng son,

Mẹ già, con bé lo tròn làm sao?

Bốn phương dồn dập ba đào,

Non sông tan nát đồng bào xót xa.

Xung phong ai cũng phải ra,

Dân là dân nước, nước là nước dân

Hy sinh trông tấm gương gần,

Nhà là cái vật chi cần phải lo2.

Long lanh mặt nước Tây Hồ!

(Năm 1951)

 

Khuyên em trai

Ba chín, cái tuổi xông pha

Năm con thơ dại, mẹ già bẩy hai

Anh em kẻ Bắc người Tây

Giữa cơn binh lửa đứt dây sắt cầm

Lão trời thật khéo chơi khăm

Thử xem cái chí, cái tâm nhường nào

Em bắt tay vào !

Xưa nay những đấng anh hào,

Thuyền nan sóng cả cắm sào thung dung

Một mình trời biển mênh mông

Sóng cả mặc sóng, lòng không sờn lòng

Em hãy soi chung!

Khuyên em càng cố gắng công

Như vàng càng dọt càng nung càng già

Sẵn thanh gươm tuệ tay ta

Vung lên một nhát, tà ma tan tành

Bấy giờ mình lại nhủ mình

Trước không phấn đấu, sao thành công đây

Không may, may khéo là may!

(Năm 1949)

 

Ghi chú: Thiều Chửu có một người em ruột tên là Nguyễn Xuân Nghiêm sinh năm 1910, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 làm Phó Chủ tịch Uỷ ban xã, cuối 1946 được cử làm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Huyện Đông Anh; về sau, vì bận bịu việc gia đình nên bỏ về nhà trông nom mẹ và vợ con ở nơi tản cư. Thiều Chửu khuyên em nên trở lại hoạt động cách mạng. Ông Nghiêm hi sinh năm 1950 tại Bắc Cạn.  Được truy phong liệt sĩ năm 1999.

 

Quán kỳ âm thanh

Tử sinh kinh cụ trải bao lần,

Càng tỏ uy thần đức Quán Âm

Vẩy nước Dương Chi trừ khổ nạn,

Giương buồm Bát Nhã độ mê tân.

Viên thành mười bốn phương vô uý,

Diệu dụng băm hai cái ứng thân.

Lòng mẹ thương con còn có hạn,

Kể sao cho xiết những hồng ân.

(Phương Tiện số 48, năm 1951)

 

Sám hối

Rành rành Tổ dạy đã lâu mà,

Tu phải luôn luôn thấy lỗi ta.

Chẳng ghét chẳng yêu lòng phẳng lặng,

Không nhân không ngã đức bao la.

Trên cầu Phật pháp lên đường giác,

Dưới hoá đàn mê thoát lối tà.

Một tấm từ bi nhường biển cả,

Chân như là thế phải chăng a?

(Phương Tiện số 63-64, năm 1952)

 

Tự tâm

Yêu thì cho vọt ghét cho ăn,

Tục đế còn khôn huống nữa chân.

Hạt gạo nhường non đều vĩnh kiếp,

Đồng tiền tựa bổ nợ bao thân.

Ngày ăn bữa Ngọ tiêu lòng dục,

Tối ngủ bên cây rũ bụi trần.

Quân tử yêu nhau mời nước lã,

Phải chăng soi tỏ diệu thường tâm.

(Phương Tiện số 63-64, năm 1952)

Câu đối Thiều Chửu làm năm 1949

Kết bè Từ lòng Nhân nổi khắp

Phá bến Mê đuốc Tuệ soi chung.

 

3. Một số bài ca (hát theo điệu nhạc Phật ca)

 

Chân tu

Người chân tu,

Có công phu,

Có chí thú,

Thêm gian lao,

Càng phong phú,

Lòng thực tu,

Đã chuyên tinh,

Chân như kia,

Dần theo gió mà tường minh.

(Năm 1946)

 

Lấp biển trầm luân

Từ một thân suy ra muôn giống muôn loài

Quanh co trong bấy luân hồi kia thôi

Như nay đã mất thân rồi, thì thôi

Muôn kiếp nghìn đời trầm luân

Cái biển trầm luân, trầm luân,

Ta đào, ta cuốc cuốc, ta san san,

San mặt biển, cho thành sân.

Giang tay dẫn bước chân

Vui chân ta về,

Ai ơi quyết chí ta ăn thề

Ăn thề, dù đau ốm, dù nguy

Tâm tâm niệm Phật, cùng đi sang ngàn

Đất vàng cây báu, gác sang miếng ngon

Áo đẹp, tâm tuỳ tâm, ta ưa dùng, ai ơi

Tu hành thì nhớ chính chi, nhờ giồng ngay

Quả Bồ đề mênh mang bể khổ trong bè

Sẵn lái ta chèo đi còn sợ nỗi chi!

(Năm 1949)

 

Thương thay nhân loại

Thương thay nhân loại bao ứng khốc

Loại nào ai tu thì quyết tu đi,

Xung phong vô hồi, tiến thân cho đời,

Băng muôn kiếp tăng kỳ xá chi đường tu

Tinh tiến, lòng không lưu luyến

Người tu mau cầu hạnh phúc cho thế gian

Về sau kia dày công tu đức tài năng

Sung túc Cực lạc xây nền vững muôn đời

Tâm nhất tâm, chúng con thề tu đến nơi

Trong trần ai lo dọn hết chông gai

Đâu có xa,

Tính chân thường chân tính ta,

Gương Thích Ca vằng vặc chiếu gương Nga.

(Năm 1948)

Ca ngợi cụ Hồ

Người sáng suốt, quyết tâm vì dân hiến thân

Cho dưới trời bừng tiếng Nam dân

Làm thế giới biết dân Việt Nam đấu tranh

Tranh đấu cho đời, đời sống quang vinh

Dân nước Nam đòi độc lập

Tranh đấu ba kỳ độc lập,

Sông núi Nam Bộ là xương máu ta

Nam Bắc Trung là một nhà

Trung Bắc Nam là một nhà

Cương quyết bảo toàn non nước Việt Nam.

Vượt mây sang Pháp Lang1

Ngoại giao cho quốc dân

Vì tương lai nhân dân quyết giành tự do

Người vì nước hiến thân, toàn dân ghi khắc ân

Người về đây dân chúng hoan hô.

 

Ghi chú: Bài này Thiều Chửu viết năm 1946, sau ngày Hồ Chủ Tịch sang Pháp ký Hiệp định sơ bộ về nước. Ông đã dạy cho trẻ Tế sinh tại chùa Cao Phong, Phúc Yên (1947 - 1948).

 

4. Những bài hát sáng tác cho nhà trẻ

 

Đu cao

Đu cao, đu cao, đu bổng lên.

Đu giữ cho chắc, cho bền.

Muốn lên mây với gió (hờ),

Muốn lên cây với chim.

Có ai muốn thích đu tiên,

Nhường để cho lên một lần.

(hát lại từ đầu)

(Năm 1950)

 

Nu na nu nống

Ngồi sòng (song) song duỗi đôi chân ngà,

Đếm cho đều, cho đúng đừng sai.

Chân ai bị đếm cuối bài,

Tình tang tang tính tình,

Bé coi như què.

(Ai rơi đúng chữ què thì phải đứng dậy nhảy lò cò vòng quanh)

(Năm 1950)

 

Dung giăng dung dẻ

Dung giăng dung dẻ,

Dắt trẻ ra đây,

Đông đủ một bầy,

Vui chơi sung sướng,

Theo đàn bướm lượn,

Trên bãi cỏ xanh,

Hoa quả sai cành,

Ta hái mang về.

(hết chữ về thì giả vờ đưa tay ra phía trước như hái quả)

(Năm 1950)

 

 Cầm tay cho chắc

Đưa chân cho đều,

Bước chân cho đều,

Cầm tay cho chắc,

Nắm tay cho chắc.

Tiếng hát lên cao,

Mất hết xôn xao2

Một đàn trẻ ca hát,

Dắt nhau nhảy vòng.

(Năm 1949)

 

Đưa tay ra cho xem

Anh em ta ca múa,

Xoè chân xoè tay tinh tươm,

Anh em ta ca, ta múa,

Trước lúc ta đi ra đường,

Nào dơ tay ra cho xem,

Nào đưa tay ra cho xem,

Lay, lay lay, lay lay,

Quay một vòng đứng nghiêm,

thật ngay !

(Năm 1950)

 

Giã bánh dầy

Nào đều tay, ta nhấc cối ra,

Mau giã mau bánh thơm biếu bà.

Nào đều tay, ta nhấc cối ra.

Mau giã mau bánh nóng bà xơi

Bí bốp, bí bộp.

Bí bốp, bí bộp

Thi nhanh nhanh, tốt tốt,

nhiều nhiều.

Bí bốp bí bộp

Ca vui lên chúng ta thi nào.

(Năm 1950)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 25
    • Số lượt truy cập : 6561335