Thông tin

THÔNG TIN

 

Tin ảnh: TRÍ BÁ - TRÍ TÂM - NHUẬN KIÊN

 

ẢNH HƯỞNG PHẬT GIÁO TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn

 

Sáng 18/7/2020 (nhằm ngày 28/5 Canh Tý), tại Chùa Phật học Xá Lợi, Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, Trưởng Ban Phật học Chùa PH Xá Lợi, đã có buổi nói chuyện về đề tài “Ảnh hưởng Phật giáo Trung Quốc đối với Phật giáo Việt Nam”.

Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, khởi thủy du nhập của Phật giáo vào Việt Nam là từ Ấn Độ, qua các đoàn thuyền buôn mà người Ấn đã đem vào nước ta những sinh hoạt và giáo lý Phật giáo.

Trên đất Giao Chỉ vốn đã hình thành một nền tín ngưỡng bản địa. Đối với người dân nơi nàỵ , Ông Trời là một đấng ở trên cao, thấu hiểu mọi việc, biết rõ người tốt kẻ xấu, từ đó mà phù giúp người hiền, trừng phạt kẻ ác. Quan niệm này khiến cư dân Giao Chỉ dễ tiếp nhận thuyết nhân quả, nghiệp báo của nhà Phật.

Trong giai đoạn này, người Giao Chỉ không hề là những tín đồ trung kiên của Khổng, Lão giáo, nên sự thâm nhập của Phật giáo không gặp phải sự cản trở có ý thức.

Cuối thế kỷ thứ hai, học giả Trung Quốc thời Đông Hán là Mâu Dung từ Quảng Tây đến Giao Chỉ cư trú. Tại đây ông viết Lý hoặc luận để hiển dương Phật giáo. Từ đó về sau, tăng nhân Trung Quốc không ngừng đến Việt Nam để truyền bá Phật giáo.

Vào thời kỳ này, sự thâm nhập của Phật giáo đã ở vào một giai đoạn mới. Đã hình thành tăng đoàn, công việc hành đạo từ đó mà cũng đi vào tổ chức, các tăng sĩ bắt đầu dịch kinh, sáng tác, chùa chiền cũng đã được xây cất. Ở thế kỷ này, sự hành đạo cũng gặp một ít trở ngại từ phía những người ủng hộ Khổng, Lão. Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn cản được ảnh hưởng của Phật giáo vì nó đã thâm nhập vào dân gian.

Đến đời thái thú Sĩ Nhiếp thì Hán học phát triển rất mạnh, nhưng chính điều này lại đóng vai trò lớn trong việc truyền bá tư tưởng, văn hóa Phật giáo. Việc ra đời của Lý hoặc luận, hay kinh Tứ thập nhị chương, những tác phẩm Phật học viết bằng Hán tự, là minh chứng cho điều này.

Từ thế kỷ thứ ba, Phật giáo tại Giao Châu vẫn tiếp tục tự phát triển mạnh mẽ, với sự xuất hiện của Tăng Hội và tư tưởng thiền của ông.

Sự thâm nhập của Phật giáo phương Bắc còn được thể hiện ở việc các thiền sư lớn, những người sáng lập ra những thiền phái có vị trí lớn trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, đều ít nhiều có liên hệ và tiếp thu Phật giáo Trung Hoa.

Năm 820, thiền sư Vô Ngôn Thông từ nội địa Trung Hoa xuống Giao Châu và sáng lập thiền phái này. Sau này, vào thế kỷ 11, Thảo Đường vốn cũng là một thiền sư Trung Hoa đang hành đạo tại Chiêm Thành, bị quân chinh phạt của vua Lý Thái Tông bắt đem về Thăng Long. Sự uyên thâm Phật pháp của người này sau đó được nhận ra, được nhà vua đưa về trụ trì tại chùa Khai Quốc, và lập ra một thiền phái lớn của Phật giáo Việt Nam, thiền phái Thảo Đường.

Sự du nhập của Phật giáo vào Việt Nam đã cơ bản hoàn tất trước thế kỷ thứ 10, khi mà một mặt có sự du nhập trực tiếp từ Ấn Độ cộng với sự ảnh hưởng của Phật giáo Đại thừa từ phương Bắc sau đó, mặt khác là sự sản sinh, hình thành nền thiền học Việt Nam với những thiền phái đầu tiên nhưng lại rất lớn mạnh. Từ đây đã tạo một tiền đề vững vàng cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam về sau, mà đỉnh điểm là giai đoạn thế kỷ 10-14.

 

LỄ HÚY KỴ LẦN THỨ 23 CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN HÀO

 

 

Sáng ngày 04-8-2020 (nhằm ngày 15 tháng 6 năm Canh Tý), Chùa Phật học Xá Lợi đã long trọng tổ chức lễ húy kỵ lần thứ 23, tưởng niệm ngày cố Hòa thượng Thích Thiện Hào viên tịch. Năm nay, do tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp nên chỉ có chư Tăng nội tự và một ít Phật tử các đạo tràng của Chùa Phật học Xá Lợi tham dự. Tất cả đều tuân thủ quy định về phòng dịch của ngành y tế như rửa tay bằng cồn, mang khẩu trang,... Chư tôn đức và Phật tử cùng đảnh lễ và tưởng niệm người thầy nguyên Viện chủ của mình.

Tại buổi lễ, chư Tôn đức Tăng đã dâng hương tưởng niệm và đảnh lễ giác linh cố Hòa thượng và cùng toàn thể đại chúng nhất tâm cầu nguyện cho giác linh Hòa thượng cao đăng cõi Phật.

Được biết năm Giáp Tý 1984, theo sự thỉnh cầu của Ban Quản trị và Phật tử chùa Xá Lợi; Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh đã bổ nhiệm Ngài làm Viện chủ chùa Xá Lợi - quận 3, cho đến ngày viên tịch. Ngài xả báo thân và an tường thị tịch vào lúc 9 giờ sáng ngày 20 tháng 7 năm 1997 (nhằm ngày 16 tháng 6 năm Đinh Sửu) tại chùa Xá Lợi, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

 

LỄ VÍA BỒ TÁT QUAN THẾ ÂM THÀNH ĐẠO

 

 

Nhân kỷ niệm ngày vía Đức Quan Thế Âm thành đạo (19-6 Canh Tý), sáng 08-8-2020, Phật tử đại diện các đạo tràng đã vân tập về Chùa Phật học Xá Lợi để tham dự lễ vía. Năm nay, do tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp nên chỉ có chư Tăng nội tự và một ít Phật tử các đạo tràng của Chùa Phật học Xá Lợi tham dự. Tất cả đều tuân thủ quy định về phòng dịch của ngành y tế như rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, mang khẩu trang,...

Chư Tăng và Phật tử đứng trước tôn tượng Đức Quán Thế Âm thành kính lễ bái và trì tụng chú Đại Bi và niệm danh hiệu của Ngài trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh và thiêng liêng.

Do chùa có 2 tượng Quán Thế Âm nên Ban Quản trị tổ chức đi kinh hành qua 2 tượng. Chư tăng dẫn đầu đoàn kinh hành, vừa đi, chư Tăng và Phật tử cùng niệm chú Đại bi.

Với 12 hạnh nguyện đại từ đại bi - ban vui và cứu khổ, Ngài là chỗ nương tựa của vô lượng chúng sinh gặp cơn khổ nạn. Đức hạnh của Ngài thật không thể dùng lời nào để tán thán. Chúng ta chỉ có thể một lòng thành kính phủ phục trước tâm lợi tha quảng đại của Ngài và nguyện học theo hạnh Ngài để mở rộng lòng thương của mình.

 

Phật tử tham dự đứng cách nhau 1,5m và mang khẩu trang theo quy định phòng bệnh

 

BAN PHẬT HỌC CÚNG DƯỜNG TRƯỜNG HẠ
TẠI CHÙA PHẬT HỌC XÁ LỢI (NĂM PHẬT LỊCH 2564)

Sáng 16-8-2020 (nhằm ngày 27-6 năm Canh Tý), Ban Phật học Chùa Phật học Xá Lợi cùng đại diện các đạo tràng đã tổ chức cúng dường chư Tăng nhân mùa an cư kiết hạ.

Tất cả chư Tăng và Phật tử đều thực hiện nghiêm túc quy định về phòng dịch Covid-19 của ngành y tế như rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, mang khẩu trang,...

Mùa an cư năm nay, Chùa Phật học Xá Lợi đã tiếp đón 31 vị Tăng về tu tập. Cư sĩ Minh Ngọc thay mặt Ban Phật học và các Phật tử đã tác bạch với các chư Tăng:

Năm nay, do dịch bệnh Covid tràn lan, nguy cơ bùng phát khắp nơi trên thế giới, nhưng cũng không thể là chướng duyên ngăn ngại Chùa Phật học Xá Lợi an cư kiết hạ vốn là truyền thống tốt đẹp từ thời Phật ngàn xưa để lại… Ban Phật học cùng các Phật tử gần xa có nhân duyên lớn, phước báo nhiều, nên giờ này mới được quỳ trước Trai đường diện kiến đoàn thể Tăng già oai nghiêm thanh tịnh, dâng lên lời tác bạch và lòng thành kính cúng dường các tịnh tài, tịnh vật”.

Thượng tọa Thích Đồng Bổn, Trụ trì Chùa Phật học Xá Lợi, đã ban pháp từ, tán thán công đức của Ban Phật học và các đạo tràng khác đã về đây chung tay xây dựng, tu học, bòn phước tại chùa Xá Lợi, đồng thời chấp nhận tấm lòng của các Phật tử Ban Phật học và các đạo tràng đã cúng dường.

 

Chư Tăng đang an cư kiết hạ tại chùa Phật học Xá Lợi

Cư sĩ Minh Ngọc tác bạch với chư Tăng

Từ trái qua: Cư sĩ Trí Tâm, Chúc Trọng và Minh Ngọc đại diện Ban Phật học Chùa PH Xá Lợi
cúng dường chư Tăng

 

LỄ HÚY KỴ CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH VĨNH TẤN

 

 

Sáng ngày 15/9/2020 (28/7 năm Canh Tý), Ban Trụ trì Chùa Phật học Xá Lợi đã tổ chức lễ húy kỵ cố Hòa thượng Thích Vĩnh Tấn, là sư phụ và ân sư của HT Viện chủ chùa Phật học Xá Lợi Thích Hiển Tu.

Tham dự có Ban Trụ trì, chư tôn đức cùng môn đồ pháp quyến và các cư sĩ Ban Phật học, Phật tử các đạo tràng của chùa Phật học Xá Lợi. Đại diện môn đồ pháp quyến đã cung thỉnh chư tôn đức có thời kinh trợ tiến cầu nguyện cho Giác linh Hòa thượng.

Tiếp đó, toàn thể chư tôn đức đã dâng hương tưởng niệm và đảnh lễ cố HT Thích Vĩnh Tấn, cầu nguyện Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 25
    • Số lượt truy cập : 6061078