THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG CỦA PHẬT GIÁO XỨ NGHỆ
(Qua khảo sát một số di tích Phật giáo Nghệ An tháng 5/2012)
TS. KIỀU THỊ VÂN ANH*
TS. NGUYỄN NGỌC QUỲNH*
Vốn giàu truyền thống lịch sử và đậm đà bản sắc dân tộc, Nghệ An không chỉ là vùng đất địa linh nhân kiệt với những anh hùng cách mạng và danh nhân văn hóa, mà còn là một vùng đất có truyền thống Phật giáo. Nhưng do biến cố của lịch sử, nơi đây đã đi qua bao thăng trầm với những mất mát về cả vật chất lẫn tinh thần, và Phật giáo địa phương này cũng nằm trong quy luật ấy. Chiến tranh đã làm rất nhiều chùa của Nghệ An bị hư hại thậm chí là biến mất, cộng thêm tác động phong hóa của thời gian khiến cho giá trị của Phật giáo bị mờ nhạt đi tại nơi này.
Sau bao năm với sự cố gắng của nhân dân và chính quyền địa phương, đúng dịp 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nghệ An mới hoàn tất các thủ tục cần thiết để thành lập Ban Trị sự, hòa mình vào hệ thống tổ chức Giáo hội cả nước. Ngày 23/9/2011, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An được thành lập vào trở thành đơn vị của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh thứ 58 trong cả nước. Với một Ban Trị sự còn non trẻ như vậy thì Phật giáo xứ Nghệ còn gặp nhiều khó khăn và thách thức trong sự nghiệp phát triển, đặc biệt là về kinh nghiệm quản lý.
Trong phạm vi của bài viết tham dự hội thảo: “Văn hóa Phật giáo xứ Nghệ: quá khứ, hiện tại và tương lai”, chúng tôi muốn nêu ra một số nét khái quát thực trạng, từ đó định hướng bước đi ban đầu trong tương lai của Phật giáo Nghệ An.
1. Phật giáo Nghệ An đồng hành cùng dân tộc
Phật giáo đã có mặt tại Nghệ An từ rất sớm. Căn cứ vào những di tích Phật giáo còn sót lại thì hiện nay ngôi chùa cổ nhất tại Nghệ An là chùa Đại Huệ, thuộc huyện Nam Đàn, đã được xây dựng từ năm 627 do vua Mai Hắc Đế chọn đất để xây([1]). Đến thời Lý và thời Trần, đạo Phật đã được phát triển sâu rộng trong đời sống nhân dân, mỗi làng đều có chùa để thờ Phật([2]). Đặc biệt, khi vua Trần Nhân Tông về đây chiêu mộ binh sĩ đánh đuổi quân Nguyên-Mông, nhiều ngôi chùa đã được vua ban chiếu xây dựng và khuyến khích nhân dân công đức lập chùa. Từ đó đến nay, tuy trải qua nhiều thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, nhưng Phật giáo vẫn luôn tồn tại trong lòng người dân xứ Nghệ, là một phần văn hóa đất này.
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, Phật giáo đi cùng cách mạng, tham gia vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Với tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian giác”, tăng ni, Phật tử xứ Nghệ không ngại khó khăn, nguy hiểm, đã cúng tiến tất cả tài sản, đất đai, ruộng vườn, hương hỏa cho chùa để tập trung mọi nguồn lực cho sự nghiệp chung của đất nước. Chùa chiền lúc ấy là nơi tập trung sinh hoạt quần chúng, là trường học, là nơi nuôi giấu cán bộ… Nhiều nơi thờ tự đã hạ giải để trở thành căn cứ cách mạng, mà chùa Ân Hậu là một ví dụ điển hình.
Sau năm 1954, đất nước chia cắt làm hai miền, chùa chiền ở Nghệ An trở thành trường mẫu giáo, là nơi sinh hoạt của cộng đồng dân cư, nơi làm việc của trụ sở chính quyền, trạm xá, nhà thương… Đất nước thống nhất thì cũng là lúc cơ sở thờ tự của Phật giáo Nghệ An cũng không còn; vắng bóng tăng ni. Ở Nghệ An khi đó chỉ có chùa Cần Linh tại thành phố Vinh vẫn còn tương đối nguyên vẹn, và là ngôi chùa duy nhất. Tuy nhiên, Phật giáo vẫn luôn tồn tại và phát triển trong lòng người dân nơi đây. Không còn nhiều chùa để tu tâm hướng Phật, nhưng người dân vẫn tìm đến với giáo lý nhà Phật bằng cách lập nên những đạo tràng riêng để hướng tâm mình về với Phật pháp. Vì vậy, theo tinh thần từ bi hỉ xả của đạo Phật, các tăng ni, Phật tử của chùa Cần Linh đã có nhiều chương trình làm từ thiện giúp người nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, thăm tặng quà các mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt. Những hành động “tốt đời, đẹp đạo” này cho thấy sức sống của Phật giáo vẫn trường tồn trong cuộc sống người dân Nghệ An.
2. Di tích và di vật Phật giáo tại Nghệ An hiện nay
2.1. Số lượng và hiện trạng chùa
Như đã nói, Nghệ An từng là một vùng đất có rất nhiều chùa. Tuy nhiên, trong những năm tháng chiến tranh, bom đạn của kẻ thù và những nhận thức sai lệch của một bộ phận người dân, nhiều đền chùa ở Nghệ An đã bị tàn phá, giờ trở thành phế tích. Có những ngôi chùa chỉ còn lại móng gạch, bị cỏ dại mọc trùm lên khiến người ta không còn nhận ra nơi đây từng tồn tại một cơ sở thờ tự. Theo những thống kê chưa đầy đủ của các ban ngành chính quyền địa phương, trước năm 1975, trên địa bàn Nghệ An có tới gần 500 ngôi chùa. Nhưng hiện nay, thời điểm năm 2012, trên đất Nghệ An chỉ còn dấu tích của hơn 50 ngôi chùa([3]), trong đó có trên 20 ngôi chùa được chính quyền cho phép hoạt động. Một số ngôi chùa tuy còn tồn tại, vẫn có người đi lễ chùa, thường thì do một Phật tử địa phương coi sóc, nhưng chưa được chính quyền cho phép hoạt động. Thực tế cho thấy, chùa ở Nghệ An chủ yếu là chùa làng, tức là trong lịch sử, Nghệ An không có những đại danh thắng Phật giáo như ở Bắc Bộ hay ở xứ Huế (Trung Trung Bộ).
Một số ngôi chùa ở Nghệ An, nhất là những chùa đã có sư trụ trì, được trùng tu và tân tạo trên nền di tích cũ trong thời gian gần đây. Trong đó có một vài cơ sở còn bảo lưu được những hạng mục kiến trúc Phật giáo và di vật Phật giáo có niên đại vào khoảng thế kỷ 18 và 19, như chùa Gám (Chí Linh tự) ở xã Xuân Thành, huyện Yên Thành. Do mới được trùng tu và tân tạo nên hiện trạng những di tích Phật giáo này là tương đi tốt. Tuy nhiên, một thực tế không phủ nhận được là, có khá nhiều ngôi chùa làng ở tỉnh Nghệ An hiện nay đã và đang xuống cấp tương đối nghiêm trọng. Do không được phép hoạt động, không có người coi sóc, nên nhiều hạng mục kiến trúc Phật giáo và di vật Phật giáo có giá trị trong các di tích này đang dần hư hỏng và dễ bị kẻ gian lấy trộm. Ví dụ như chùa Bảo Lâm, xã Hoa Thành, huyện Yên Thành đã bị mất một số tượng Phật cổ.
Do nhiều vấn đề của lịch sử để lại, một hiện tượng khá phổ biến và tiêu biểu của Nghệ An hiện nay là dồn tượng và di vật Phật giáo trong một ngôi chùa. Thậm chí tượng Phật bị dồn vào trong các ngôi đền, được thờ chung với thánh thần, mà trường hợp đền Hậu ở xã Bắc Thành, huyện Yên Thành là một ví dụ điển hình. Chùa Hậu thì nay không còn nữa, chỉ còn lại nền gạch cũ. Đền Hậu thì nằm cạnh chùa Hậu, vì vậy, tượng Phật đã bị dồn vào trong ngôi đền. Chính những hiện tượng này đã dẫn đến việc trong một ngôi chùa có nhiều tượng Phật giống nhau hoặc cách bài trí lộn xộn giữa tượng Phật và tượng thánh thần làm giảm tính mỹ thuật của cơ sở thờ tự.
Về di vật Phật giáo trong các ngôi chùa ở Nghệ An đáng lưu ý là các “họa tượng” được vẽ hay chạm khắc trên gỗ hoặc trên đá (chùa Bảo Lâm, xã Hoa Thành, huyện Yên Thành). Đối tượng được vẽ hay chạm khắc khá đa dạng, có thể là các vị Phật, các vị hộ pháp, các vị tổ, các vị hậu chùa… Các họa tượng trên bia đá phổ biến ở dạng thức mặt trước chạm khắc nhân vật Phật giáo, mặt sau là văn bia, thông thường là bia hậu (chùa Bảo Lâm, xã Hoa Thành, huyện Yên Thành).
2.2. Về kiến trúc và cách bài trí tượng thờ trong chùa
Về kiến trúc thì chùa Nghệ An hiện nay thường có ba dạng chính là kiểu chữ Đinh (dân gian thường gọi là kiểu chuôi vồ) và kiểu chữ Nhị (giống như chùa hình chữ Khẩu ở Huế). Đáng chú ý trong kiến trúc chùa Nghệ An là chùa kiểu chữ Nhị/chữ Khẩu, vì kiến trúc Phật giáo này không phổ biến ở Bắc Bộ, nhưng lại khá phổ biến ở vùng Trung Trung Bộ, tiêu biểu là nhiều ngôi chùa xứ Huế. Tuy nhiên có hai điểm khác biệt nổi bật cần chú ý như sau:
Thứ nhất, kiến trúc hình chữ Khẩu ở Huế thường có mặt trước là Tiền đường và Phật điện xây chung thành một tòa lớn, vào phía sau thì bên phải và bên trái có hai dãy làm nhà khách và tăng xá, quay mặt lại với nhau, sau cùng có một tòa nhà Hậu quay mặt về phía trước. Tất cả dãy dọc tòa ngang nối liền và khép kín thành một hình vuông, do vậy thường được gọi là hình chữ Khẩu (trong tiếng Hán). Vùng không gian ở giữa khu quần thể khá rộng rãi, thường được thiết kế thành nơi để chậu hoa, cây cảnh.
Chùa kiểu chữ Nhị/chữ Khẩu ở xứ Nghệ có 2 tòa chính, nối giữa 2 tòa chính là là 2 dãy nhà được gọi là Tả vu và Hữu vu, hoặc 2 nhà oản. Tòa trong thường làm theo kiểu chuôi vồ, tòa ngoài thường làm 3 gian, xây tường bít đốc. Do Tả vu và Hữu vu (hay hai nhà oản) nhiều chùa xứ Nghệ thường ngắn, nhỏ và hẹp nên vùng trống ở giữa cũng chật hẹp và hình chữ nhật, không đủ không gian để tạo thành một vườn cây cảnh, chậu hoa. Cũng có thể vì đặc tính này, nên mới gọi kiến trúc ở Nghệ An là kiến trúc hình chữ Nhị (trong tiếng Hán), vì tuy cũng khép kín nhưng vì chiều dài, chiều rộng của Tả vu và Hữu vu ngắn hơn và hẹp hơn rất nhiều so với 2 tòa chính, do vậy chiều dài của dãy dọc và tòa ngang không cân xứng với nhau nên không giống chữ Khẩu, mà giống chữ Nhị hơn.
Thứ hai, cách thờ tự trong những ngôi chùa theo kiến trúc hình chữ Khẩu ở Huế đều theo kiểu “tiền Phật, hậu Tổ” (bàn thờ Tổ ở bên sau Phật điện) và tất cả đối tượng thờ này đều được bài trí ở tòa phía trước. Còn ở các ngôi chùa chữ Nhị ở xứ Nghệ, đối tượng thờ phụng của Phật giáo thường bài trí ở tòa nhà phía sau và không theo quy cách “tiền Phật, hậu Tổ”.
2.3. Những điều cần lưu ý trong việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo chùa
Đối với việc trùng tu, bảo tồn và tôn tạo chùa, trước hết trách nhiệm thuộc về các Ban Quản lý, cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương cũng như người dân nơi có những di tích tôn giáo tọa lạc. Chùa là không gian văn hóa nên cần nhận thức đầy đủ để phát huy được giá trị văn hóa đích thực bằng cách đào tạo nguồn nhân lực thích hợp. Đồng thời cần tránh những sai phạm trong công tác tôn tạo trùng tu thường gặp với những kinh nghiệm đi trước. Ví dụ như:
Một số người dân, tăng ni chưa chủ động tham gia bảo vệ di sản tôn giáo, còn trông chờ vào ngân sách Nhà nước. Và ngược lại, một số ngôi chùa được đóng góp tu sửa do lòng hảo tâm của các tín đồ nhưng lại tu sửa không đúng quy trình, dẫn tới hiện tượng làm sai lệch, biến dạng và thậm chí mất hẳn yếu tố gốc, yếu tố cơ bản làm nên giá trị ngôi chùa.
Việc thiếu kiến thức văn hóa tôn giáo chuyên sâu, tu bổ tự phát theo yêu cầu bức thiết của đời sống tâm linh… dẫn tới việc một số ngôi chùa sau khi tu bổ là sản phẩm pha tạp từ kết cấu kiến trúc, dáng vẻ công trình đến những bức tượng, hoành phi, câu đối… Ngay cả cách bài trí nội thất cũng vậy, các đồ tế khí ở nhiều ngôi chùa mới tu bổ đều có những khiếm khuyết, sai lạc, không tuân theo những quy định truyền thống của Phật giáo.
Mặt khác, trong thời kỳ toàn cầu hóa, tăng ni có điều kiện đi học ở trong nước và ngoài nước, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, khi trở về trông coi di tích thì thường “hiện đại hóa” chùa chiền bằng những vật liệu hiện đại. Phật điện dùng thiêt bị chiếu sáng quá nhiều màu, nhiều ngôi chùa được xây mới sơn xanh sơn đỏ, lòe loẹt, mất đi tính linh thiêng vốn có của các chùa Phật.
Đối với hệ thống di vật tôn giáo vô cùng phong phú và đa dạng cần phải tiến hành phân loại, đánh giá để bảo tồn. Việc bảo quản các di vật đó là rất quan trọng, đặc biệt là tượng Phật, chuông chùa… những vật dụng luôn là đối tượng bị kẻ gian nhòm ngó. Cần thu thập, bảo quản những cổ vật ghi chép về lịch sử ngôi chùa, ghi chép những lần tu sửa chùa, ghi chép những người có công trong việc xây dựng chùa mà thường là các bia đá. Hiện nay, nhiều bia đá bị vứt chỏng trơ ở góc vườn, sân giếng, bị mưa nắng bào mòn khiến cho nội dung ghi trên bia bị mờ thậm chí mất hẳn.
Chính quyền địa phương cần giải quyết triệt để việc xâm lấn đất chùa của các hộ dân. Các cấp chính quyền cơ sở phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm không để tái diễn thêm các trường hợp khác; đồng thời cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức cộng đồng của người dân.
3. Những vấn đề về hoạt động Phật giáo tại Nghệ An hiện nay
3.1. Các đạo tràng Phật giáo đang hoằng pháp
Trong một thời gian khá dài trước năm 2000, Phật giáo Nghệ An gần như là một mảnh đất trống, nhưng cho đến nay, cả tỉnh đã có khoảng 40 đạo tràng với các sơn môn, pháp phái khác nhau([4]). Những năm gần đây, tăng sĩ của nhiều đạo tràng đến Nghệ An hoằng pháp, xin được xây chùa và nhận chùa, tiêu biểu gồm: nhóm Thiền phái Trúc Lâm của Hòa thượng Thích Thanh Từ mà đại diện là Thượng tọa Thích Thông Kiên, Thượng toạ Thích Chân Quang từ miền Nam ra hoằng truyền; nhóm Mật tông là sự hành đạo của các đệ tử của cố Hòa thượng Thích Viên Thành, tiêu biểu là Thượng tọa Thích Minh Hương; nhóm Tịnh Độ với sự hoằng pháp của Thượng tọa Thích Chơn Tính từ miền Nam ra,v.v…
Việc tăng sĩ của nhiều đạo tràng danh tiếng trên khắp cả nước đến hoằng pháp là một điều đáng mừng cho Phật giáo Nghệ An, nhưng từ đây cũng đặt ra một số vấn đề cần lưu tâm cả về phía công tác quản lý nhà nước lẫn về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam địa phương. Vì nếu không có một quy hoạch tổng thể và điều chỉnh thích hợp cả về phía chính quyền lẫn lẫn về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì rất có khả năng sẽ xảy ra sự xung đột nhất định giữa các đạo tràng đến hoằng pháp tại Nghệ An. Đặc biệt là mối quan hệ giữa Thiền phái Trúc Lâm với một số dòng phái Phật giáo khác trên địa bàn.
3.2. Vấn đề phục hồi sinh hoạt tôn giáo trong một số ngôi chùa
Thông qua các cuộc khảo sát có thể thấy một vấn đề nổi cộm của Phật giáo Nghệ An hiện nay là tuy nhiều nơi không còn chùa, không có sư nhưng Phật tử và nhân dân địa phương vẫn rất tích cực nhóm họp và sinh hoạt tôn giáo trong một gia đình Phật tử hay một cơ sở công cộng tạm thời nào đó. Từ đó có thể thấy được nhu cầu cháy bỏng về việc có cơ sở thờ tự để sinh hoạt Phật giáo của Phật tử và nhân dân nơi đây. Có nơi Phật tử và nhân dân, được sự đồng ý không chính thức của chính quyền địa phương (xã Kiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu là một ví dụ), đã viện ra những nguyên cớ phi quan phương như xin phép xây một ngôi nhà để cất chứa đồ pháp khí ngôi đền thờ Tứ Vị Hồng Nương nhưng rồi sau đó biến thành Phật điện của chùa Ốc Am; xin phép xây dựng ngôi nhà bảo vệ đền thờ Tứ Vị Hồng Nương để rồi sau đó biến nơi đây thành Nhà Tổ của chùa Ốc Am.
Trước khi chùa Phúc Lạc (thị xã Cửa Lò) được xây dựng, không có sư thuyết giảng, người dân nơi đây chủ yếu tập trung để xem băng hình hoặc chuyền tay nhau những băng đĩa hoằng pháp tại một đạo tràng. Sau đó, nhân dân trong vùng và những người con xứ Nghệ xa quê hương thành đạt đóng góp được gần 400 triệu để xây một ngôi chùa nhỏ (chùa Phúc Lạc) thì đạo tràng niệm Phật đã chuyển ra sinh hoạt tại chùa. Mùa nóng cũng như mùa lạnh, cứ 8 giờ tối hằng này, hàng chục Phật tử lại rủ nhau ra chùa tụng kinh. Những ngày xám hối, ngày rằm, lượng người có thể lên tới hàng trăm([5]).
3.3. Vấn đề bổ nhiệm trụ trì các chùa
Trong khoảng trên 20 ngôi chùa ở Nghệ An chính thức hoạt động của Nghệ An hiện nay, một bộ phận không nhỏ trong số đó chưa có sư trụ trì. Theo Đại đức Thích Minh Hải, một nhà sư mới được bổ nhiệm trụ trì chùa An Thái ở huyện Quỳnh Lưu, thì quy trình và cách thức bổ nhiệm trụ trì chùa Nghệ An hiện nay là khá phức tạp và rườm rà. Điều này một phần do chủ trương của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An, chỉ thu nhận những tăng sĩ từ Hà Tĩnh trở ra miền Bắc và những vị xuất gia tu Phật có nguồn gốc Nghệ An; một phần do những thủ tục hành chính có phần chặt chẽ từ phía chính quyền các cấp tỉnh Nghệ An.
Trong bối cảnh nêu trên, trước nhu cầu thực tế cháy bỏng, nên đã có nơi Phật tử và nhân dân tự động thỉnh sư về trụ trì chùa của địa phương mình. Chùa Yên Thái ở huyện Quỳnh Lưu là một ví dụ điển hình. Những năm gần đây, Phật tử và nhân dân trên địa phương này đã hai lần thỉnh sư về trụ trì chùa làng mình nhưng lần đầu không thành công vì vị này không tuân thủ pháp luật; lần thứ hai cũng nhiều khả năng không thành công vì vị này vốn gốc từ chùa Tường Vân, tỉnh Thừa Thiên - Huế chuyển ra nên không phù hợp với chủ trương chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tỉnh hội Phật giáo Nghệ An.
3.4. Một số vấn đề khác
Việc chính quyền và giới Phật giáo Nghệ An đã và đang xây dựng những ngôi chùa, những trung tâm Phật giáo lớn, chẳng hạn như chùa Tuệ Giác, Thiền viện Trúc Lâm Yên Thành trên Rú Gám,v.v… tạo ra những điểm nhấn quan trọng đánh dấu sự trở lại của Phật giáo xứ Nghệ, tạo ra những cơ sở tôn giáo nổi bật phục vụ nhu cầu phát triển du lịch tâm linh của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những thắng tích Phật giáo như đã dự kiến, giới Phật giáo Nghệ An cần đặc biệt lưu tâm đến việc phục dựng những ngôi chùa làng và những sinh hoạt Phật giáo của Phật tử và nhân dân địa phương ở những cơ sở thờ tự này. Bởi vì, việc phục dựng chùa làng và sinh hoạt Phật giáo ở chùa làng vừa phát huy văn hóa Phật giáo truyền thống vốn có, vừa góp phần quan trọng giúp Phật giáo xứ Nghệ phát triển một cách lành mạnh và chính tín. Đó mới là đường hướng phát triển lâu dài của Phật giáo ở địa phương này.
Do chưa có kinh nghiệm trong quan hệ giữa người trong giới Phật giáo với chính quyền địa phương, từ việc cư trú, tổ chức sinh hoạt cho đến xây dựng cơ sở, nên đã xuất hiện hàng loạt vấn đề liên quan đến pháp lý. Từ đó phát sinh ra mâu thuẫn, không tìm được tiếng nói chung… dẫn tới những việc đáng tiếc như công trình bị cưỡng chế, sư bị trục xuất ra khỏi chùa([6]).
Theo Đại đức Thích Thanh Thắng, với tính chất “trong họ ngoài làng” trong các mối quan hệ thân sơ, Phật giáo ở Nghệ An rất dễ bị một số nhóm lợi ích sắp đặt phân chia, tạo thành bè cánh, không biết nghĩ đến lợi ích chung cho đông đảo người dân đang mong mỏi được sống theo tinh thần Phật giáo. Nhiều lúc, chùa chiền là nơi cho một số vị sư giành giật để chiếm chỗ, dành cho người thân trọng họ hàng, hay cho đệ tử sau này. Hiện tượng tiêu cực, nhuốm màu tham lam này, có thể ví như cụm từ “ốc đảo tôn giáo” mà cư sĩ Minh Thạnh đã sử dụng([7]).
Nói tóm lại, Nghệ An là tỉnh đi sau với Ban Trị sự Phật giáo mới được thành lập, nên có những cơ hội và thách thức không nhỏ. Cơ hội là dựa trên những nhân tố mới, tránh được cái sai của Phật giáo những tỉnh đi trước, có thể “đi tắt đón đầu”, từ đó phát triển nhanh chóng, căn bản. Thách thức đặt ra là Ban Trị sự Phật giáo còn quá non trẻ nên chưa có kinh nghiệm giải quyết những vấn đề phát sinh mang tính địa phương. Tuy nhiên, với mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này, hy vọng Phật giáo Nghệ An sẽ nhanh chóng phát triển, giúp người dân nơi đây sống “tốt đời, đẹp đạo”.
* Viện Nghiên cứu Tôn giáo
* Viện Nghiên cứu Ấn Độ
[1] Khánh Ly, “Phật giáo Việt Nam vì sự phồn thịnh của quê hương”, Truyền hình Nghệ An (26/9/2011).
[2] Bảo Thiên, “Phật giáo Nghệ An chuyển mình, hòa vào hệ thống tổ chức Giáo hội”, www.giacngo.vn
[3] Khánh Ly, “Phật giáo Việt Nam vì sự phồn thịnh của quê hương”, Truyền hình Nghệ An (26/9/2011).
[4] Viên Thức, “Nghệ An – hòa nhịp đập Phật giáo, kết nối tâm linh”, www.phattuvietnam.com.
[5] Thích Thanh Thắng, “Phật giáo Nghệ An ‘Rằng thương nhau thì nhớ câu gừng cay muối mặn’”, www.phattuvietnam.com.
[6] Thích Thanh Thắng, “Phật giáo Nghệ An ‘Rằng thương nhau thì nhớ câu gừng cay muối mặn’”, www.phattuvietnam.com.
[7] Thích Thanh Thắng, “Phật giáo Nghệ An ‘Rằng thương nhau thì nhớ câu gừng cay muối mặn’”, www.phattuvietnam.com.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết