THƯỢNG TỌA THÍCH MINH PHÁT (1956 – 1996)
Thượng tọa Thích Minh Phát, pháp danh Nguyên Đức, thế danh Lê Nhựt Nguyên, sinh ngày 20 tháng 06 năm Bính Thân 1956 tại Chợ Lớn (nay là quận 10, thành phố Hồ Chí Minh), thân phụ là cụ ông Lê Thành An, mẫu thân là cụ bà Trương Thị Ba, song thân đều đã từ trần. Thượng tọa là người thứ tư trong gia đình, có bảy anh chị em.
Được sinh ra trong một gia đình nhân hậu, nhiều đời kính tin Tam bảo và sẵn túc duyên, nên khi vừa biết ăn uống là Thượng tọa đã ăn chay; lại gia đình may mắn ở gần chùa nên Thượng tọa thường theo mẹ sang chùa lạy Phật. Nhờ đó mà hạt giống Bồ đề ngày càng phát triển.
Năm Giáp Thìn 1964, Thượng tọa được song thân cho xuất gia học đạo với Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Viện chủ Tổ đình Ấn Quang – Giám đốc Phật học đường Nam Việt. Kể từ đó, hôm sớm kệ kinh siêng năng hành đạo, Thượng tọa cùng sư huynh Minh Thành giữ chức thị giả hầu cận Hòa thượng Bổn sư; Nhờ gần gũi chư vị cao Tăng tôn đức nên chủng trí vô sư nhiều đời huân tập nhân đây mà tăng trưởng.
Năm Tân Hợi 1971, Thượng tọa được thọ giới Sa di lúc 15 tuổi với Hòa thượng Thích Trí Thủ tại giới đàn ở Tu viện Quảng Đức (Thủ Đức).
Năm Ất Mão 1975, với hạnh nguyện sâu dầy, oai nghi đĩnh đạc, đáng làm pháp khí Đại thừa, Thượng tọa được Hòa thượng Bổn sư cho thọ giới Tỳ kheo và Bồ tát tại giới đàn chùa Pháp Giới (Cầu Tre – Tân Bình) do Hòa thượng Thích Hành Trụ làm Đường đầu Hòa thượng.
Năm Bính Thìn 1976, khi Hội đồng Quản trị Tổ đình Ấn Quang và các cơ sở trực thuộc được thành lập, Thượng tọa được cử giữ chức phó Tổng quản sự, kiêm chức tri khố Tổ đình Ấn Quang, chăm lo công việc ăn ở cho đại chúng một cách chu toàn.
Năm Đinh Tỵ 1977 , vâng lệnh Hòa thượng Bổn sư và theo sự tha thiết thỉnh cầu của Phật tử chùa Viên Giác, Thượng tọa kiêm nhận chức trụ trì chùa Viên Giác, quận Tân Bình; đây cũng là nơi thế độ chúng đệ tử Ưu Bà Tắc xuất gia của Thượng tọa.
Năm Mậu Ngọ 1978, sau khi Hòa thượng Bổn sư viên tịch, Thượng tọa được cử làm chức Phó giám đốc Đại Tòng Lâm Phật giáo ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Cùng năm này, Thượng tọa xây dựng chùa Viên Dung ở xã Linh Đông, huyện Thủ Đức trên phần đất do Phật tử Diệu Hạnh dâng cúng, là nơi tiếp nhận chúng đệ tử Ưu Bà Di xuất gia.
Năm Nhâm Thân 1992, theo lời thỉnh cầu của Hòa thượng Phước Quang – trụ trì chùa Phụng Sơn. Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh bổ nhiệm Thượng tọa kiêm nhiệm trụ trì chùa Phụng Sơn (chùa Gò) ở quận 11, thành phố Hồ Chí Minh.
Năm Quý Dậu 1993, sau Đại hội Phật giáo toàn quốc kỳ III, rồi Đại hội Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IV, Thượng tọa được mời làm Ủy viên Ban Từ thiện Xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy viên Tiểu ban Từ thiện Xã hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh và Ủy viên Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo quận 10.
Năm Quý Dậu 1993, Hòa thượng Minh Hạnh, Tổng quản sự Tổ đình Ấn Quang viên tịch. Là một trong bốn vị lãnh đạo của Tổ đình Ấn Quang, Thượng tọa đã đảm nhận chức phó Ban quản trị kiêm trị sự, điều hành mọi sinh hoạt của Tổ đình.
Bằng giới đức trang nghiêm thanh tịnh, bậc mô phạm chốn tòng lâm, nơi quy hướng cho Tăng Ni, Phật tử, trong những thập niên 1975 – 1995, Thượng tọa đã từng đảm nhận các chức vụ Phó ban Kiến Đàn, Dẫn Thỉnh sư trong các Đại giới đàn để truyền trao giới pháp cho các giới tử. Qua đó từng hàng lớp giới tử đạo thể trang nghiêm trở thành người hữu ích cho đạo pháp và cho xã hội.
Trong sự nghiệp kế thừa đạo mạch, tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức, Thượng tọa đã thế độ cho hơn một trăm Tăng Ni xuất gia tu học và hàng ngàn Phật tử quy y Tam bảo, thực hiện hạnh nguyện lợi tha, tu tâm hành thiện, đẹp đạo tốt đời. Ngoài trọng trách vận động tài chánh, ẩm thực cho trường Cơ bản Phật học Đại Tòng Lâm, Ni viện Thiện Hòa, Thượng tọa còn nỗ lực yểm trợ cho các trường Cơ bản Phật học các tỉnh, thành tại một số đại phương, góp phần đào tạo Tăng Ni tài đức cho Giáo hội và cho các Tỉnh hội, Thành hội Phật giáo trong cả nước.
Bằng công đức trang nghiêm Tam bảo là trang nghiêm tịnh độ của chư Phật, Thượng tọa đã kế thừa sự nghiệp của Hòa thượng Bổn sư, nỗ lực vận động tài chánh trùng tu Tổ đình Ấn Quang (quận 10), chùa Long Triều (Bình Chánh), kiến thiết Đại Tòng Lâm Phật giáo (Bà Rịa-Vũng Tàu), chùa Huệ Nghiêm (Phú Lâm), chùa Dược Sư (Bình Thạnh), chùa Viên Giác (Tân Bình), chùa Phụng Sơn (quận 11) và chùa Khánh Đức (Sông Bé), làm trang nghiêm đạo tràng xứng đáng là cơ sở sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và Phật tử. Ngoài ra Thượng tọa còn ủng hộ công tác trùng tu, xây dựng một số lớn cơ sở tự viện tại các tỉnh, thành trên địa bàn cả nước.
Nêu cao tinh thần vô ngã vị tha, từ bi cứu khổ của đạo Phật, Thượng tọa đã thể hiện tinh thần ưu thời mẫn thế, hạnh nguyện từ bi vô hạn, qua các mặt công tác từ thiện xã hội trên khắp mọi miền đất nước; nơi nào có thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn, bệnh tật, đói khát là nơi đó có hình ảnh và tài vật cứu trợ của Thượng tọa. Có thể nói Ngài là biểu hiện của tình thương, là sự vui sống của người đau khổ, trong ý nghĩ và hạnh nguyện của một vị Bồ tát hiện thân.
Qua phúc đức trang nghiêm, túc duyên thù thắng, hạnh nguyện kỳ diệu, năng lực phi thường, Thượng tọa còn là Y chỉ sư của số đông Ni giới trị ngộ. Ngôn từ thanh nhã, cử chỉ nhẹ nhàng, tâm hồn thuần hậu, Thượng tọa đã làm tất cả người diện kiến đều được an lạc, thỏa mãn mong cầu và phước lành thêm lớn từ diệu lực thù thắng bất khả tư nghì của Phật đạo.
Ngoài ra, Thượng tọa còn dành một số thời gian để biên soạn những tác phẩm, gồm có :
- Đời sống Đức Điều Ngự.
- Xuân Vô Năng Thắng.
- Giai thoại nhà Thiền.
- Các Nghi thức tụng niệm và chúc tán.
- Khoa cúng Tổ Kiều Đàm Di Mẫu.
- Tu chỉnh Giới Đàn Ni.
- Các tập thi phú v.v...
Với tinh thần hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sanh, hơn nửa cuộc đời phụng sự đạo pháp và nhân sinh. Thượng tọa đã được Giáo hội, Thành hội Phật giáo, Ủy ban Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc thành phố và quận 10 tặng bằng Tuyên dương công đức, các bằng khen và giấy khen.
Từ cuối năm Giáp Tuất 1994, sức khỏe Thượng tọa kém dần theo chứng bệnh nan y, nhưng Người vẫn tỉnh giác chánh niệm an nhiên tự tại, sinh hoạt bình thường với ý niệm sinh tử nhàn nhi dĩ.
Sau một cơn bệnh tái phát, Thượng tọa đã xả báo an tường, thu thần thị tịch vào lúc 6 giờ 49 phút ngày 21 tháng 3 năm Bính Tý (nhằm ngày 8 tháng 5 năm 1996), trụ thế 41 năm, Hạ lạp trải qua 21 mùa An cư kiết Hạ.
Thượng tọa đã quảy gót về Tây vĩnh viễn, bỏ lại các pháp hữu vi giả tạm, trên đường phụng sự nhân sanh còn nhiều hạnh nguyện chưa tròn. Công đức của người đã cống hiến cho đạo pháp và nhân sinh sẽ còn được lưu mãi trong tâm tư những người con Phật và trong pháp giới viên dung vô ngại, qua những kiếp lai sinh cho đến khi chứng quả Bồ đề.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết