Thông tin

THUYẾT MINH VỀ THUẬT NGỮ

 

I. Các loại giới đàn

Giới đàn là một nghi lễ để truyền trao giới pháp cho các giới tử là những người xuất gia theo đạo Phật. Để thành tựu được một giới đàn, phải có đủ 3 yếu tố: Tam sư, thất chứng và giới tử.

a. Tam sư: Hòa thượng, Yết ma A xà lê, Giáo thọ A xà lê.

b. Thất chứng: là 7 vị tôn túc đồng chứng minh cho việc thọ giới.

c. Giới tử: là người xin thọ giới Sa di, Tỳ kheo được nhận giới pháp. Giới tử đắc giới phải đủ 3 yếu tố:

- Đàn tràng trang nghiêm.

- Giới sư thanh tịnh

- Giới tử chí thành.

Có 2 loại giới đàn là Tiểu giới đànĐại giới đàn.

1) Tiểu giới đàn 

Là đàn giới dành cho giới tử đã cạo tóc xuất gia được thọ giới pháp Sa di, là 10 giới căn bản của người tập sự dự vào dòng thánh sẽ làm vị Như lai sứ giả. Đối với Nam truyền Phật giáo, khi một giới tử được bổn sư cho phép cạo tóc, tức là được thọ giới Sa di, nên giới đàn này ở Nam truyền Phật giáo thì gọi là Đàn giới xuất gia.

Đối với Bắc truyền Phật giáo, sau khi cạo tóc rồi, giới tử cần phải trải qua thời gian tập sự hành đạo tối thiểu từ 1 đến 2 năm hoặc hơn nữa, đến khi nào vị bổn sư thấy rằng người xuất gia này có tư chất và quyết chí tu học, lúc ấy vị thầy mới cho phép giới tử được thọ giới Sa di tại một Đàn giới xuất gia của Bắc truyền Phật giáo.

Như vậy, Tiểu giới đàn có tên gọi chung cho Nam và Bắc truyền Phật giáo trong việc thọ giới pháp Sa di. Nay trong sách này, tác giả xin được gọi thống nhất là: Đàn giới xuất gia.

2) Đại giới đàn

Là đàn giới mở ra cho các giới tử được thọ cụ túc giới, tức giới pháp Tỳ kheo, gồm có 250 giới cho bên Tăng và 348 giới cho bên Ni. Ở Nam truyền Phật giáo, đàn giới cụ túc chỉ cho phép các giới tử Sa di đã đủ đạo hạnh được thọ giới pháp Tỳ kheo để tiến lên là bậc “nhân thiên chi đạo sư”, không có truyền giới cho bên Ni chúng. Đại giới đàn ở Bắc truyền Phật giáo lại có nghĩa khác, bao gồm cả bốn chúng được thọ giới như: giới Sa di, giới Tỳ kheo,  giới Bồ tát cho người xuất gia bên Tăng chúng;  giới Sa di ni, giới Thức xoa ma na, giới Tỳ kheo ni, giới Bồ tát cho người xuất gia bên Ni chúng. Đại giới đàn còn truyền trao thêm giới Bồ tát, giới Thập thiện cho hàng nam nữ cư sĩ Phật tử. Chính vì sự đa dạng rộng rãi ấy nên gọi là Đại giới đàn.

3) Đàn giới pháp

Theo cách thọ giới của Phật giáo miền Bắc, đàn thọ cụ túc giới thì gọi là  Đàn giới pháp. Trong khuôn khổ sách này chuyên biệt về giới đàn Tăng, nên từ ngữ đàn thọ Cụ túc giới, Tỳ kheo giới hay Đại giới đàn sẽ có ý nghĩa là Đàn giới pháp. Hán tạng gọi đàn giới pháp là “Tuyển Phật Trường”.

Từ ngữ Đàn giới pháp này sẽ dùng chung cho các hệ Nam truyền, Bắc truyền, Khất sĩ và cả ba miền đất nước Bắc Trung Nam.

4) Trường hương

Là cách gọi khác của khóa An cư kiết hạ hay Trường hạ hiện nay. Trường hương được dùng trong các khóa an cư xưa kia ở Trung va Nam bộ. Hiện nay danh từ này chỉ còn dùng tại các khóa hạ cổ truyền nơi các sơn môn, tổ đình.

Theo Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn giải thích: “Trường: là chỗ đất rộng; Hương: thơm. Trường hương cũng kêu là Nhập hạ, kết hạ, an cư. Ấy là một pháp hội, chư tu hành tựu nhau lại trong ba tháng mưa mùa hạ (16 tháng tư đến 15 tháng bảy) mà tham cứu về ba sở học: Giới, Định, Huệ về ba tạng: Kinh, Luật, Luận([1]).

Trường hương còn có nghĩa vùng, làng; là nơi tựu về của giới xuất gia để đồng tu, đồng học, đồng thi những khả năng ứng phú, vấn biện.

Trường hương hay Hạ cổ truyền thì lấy Bách Trượng thanh quy làm điều luật qui tắc. Trường hạ ngày nay thì lấy Yết ma chỉ nam làm điều luật qui tắc. Hai sách luật có những giới điều giống nhau, nhưng có những luật điều sinh hoạt hoàn toàn khác nhau.

5) Trường kỳ giới đàn

Thường ngày xưa thì cuối mỗi Trường hương thường có mở Trường kỳ, một kỳ được mở ra trong 3 ngày, là nơi sát hạch giới tử để họ được thọ giới bậc cao hơn, cũng là nơi để cung cử và suy tôn phẩm vị chức danh trong hàng tôn đức Phật giáo.

Theo Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn, thì Trường kỳ còn có nghĩa: “Trường: là chỗ đất rộng rãi, bằng phẳng, chỗ nhiều người tụ tập. Kỳ: cầu phước”. Theo chúng tôi, nghĩa này phải hiểu là “cầu giới”, “cầu phong phẩm vị” thì mới đủ nghĩa.

6) Chúc thọ giới đàn

Là một tên khác của Trường kỳ, có khác chăng là Trường kỳ này mở ra không nhằm lúc Trường hương. Chúc thọ giới đàn được mở ra trong một lễ hội đã định trước, mục đích là tổ chức trai đàn cầu an chúc thọ cho một vị nào đó, lễ này có cung thỉnh đầy đủ chư tôn đức giáo phẩm chứng minh chú nguyện, nhân đó khai giới đàn để thí giới cho các giới tử xuất gia và tại gia cần cầu giới pháp.

Ngoài ra, Chúc thọ giới đàn còn do hàng môn nhơn cầu thỉnh chư tôn đức đến để tụng kinh, bái sám, làm lễ chúc thọ và suy tôn một bậc trưởng lão nào đó lên ngôi vị Hòa thượng hay Chứng minh, sau đó là đàn thí giới pháp.

7) Phương trượng giới đàn

Là giới đàn nội bộ, thường thì do thầy bổn sư truyền cho đệ tử để tu học. Giới đàn này thường chỉ có 5 vị, một vị làm Hòa thượng, 2 vị làm A xà lê (Yết ma và Giáo thọ), 2 vị làm tôn chứng. Phương trượng giới đàn là cách gọi khác của một giới đàn ở nơi biên địa, không đủ Tam sư thất chứng, nhưng phải hội đủ Tam sư nhị chứng như trong Giới Đàn Tăng đã nói về mục này.

Phương trượng giới đàn còn được tổ chức trong các lễ giỗ kỵ, khi có đông chư tăng ni về tham dự và sẳn dịp đó tổ chức giới đàn trong đêm cho các đệ tử môn nhân của mình. Vì là Giới đàn nội bộ nên không có giới điệp xác nhận.

Theo luật, thì Phương trượng giới đàn chỉ cho những người thọ để có giới mà tu, không được hoạt động tôn giáo. Thường thì giới tử phải thọ lại từ một giới đàn chính thức do tăng đoàn hay giáo hội mở ra mới được cấp giới điệp.

Giới đàn phương trượng chỉ có giá trị với những người thọ để tu, hoặc những vị không đủ điều kiện thọ giới chính thức tại các đại giới đàn.

II. Giới sư

8) Đàn đầu giới sư

Là Truyền giới Hòa thượng, cũng gọi là Đắc giới Hòa thượng, Giới sư Hòa thượng, Giới Hòa thượng… là vị đứng đầu trong Tam sư thất chứng, có năng lực truyền giới thể cho giới tử nương thừa giới đức của Hòa thượng mà đắc giới.

Theo Luận Tứ Phần, Truyền giới Hòa thượng phải do vị Tỳ kheo từ 10 hạ trở lên đảm nhận. Nhưng theo giới Đại thừa thì từ tôn tượng đức Phật hoặc Bồ tát, cho đến phàm tăng có đầy đủ 5 đức đều được làm Giới sư Hòa thượng. 5 đức là:

1. Kiên trì tịnh giới

2. Đủ 10 tuổi hạ

3. Thông hiểu luật tạng

4. Thông đạt thiền tư

5. Trí huệ sâu xa

Ở Nhật Bản, Giới Hòa thượng còn gọi là Lâm đàn giới sư, Đăng đàn giới sư. Còn trong Giới Đại thừa viên đốn của tông Thiên Thai truyền tại Nhật Bản, có thể không cần có Tam sư thất chứng mà tôn trí tượng Phật Thích Ca làm Giới Hòa thượng và chỉ thỉnh một vị sư gọi là Truyền giới sư.([2])

Ở Việt Nam thì gọi là Đường đầu Hòa thượng, Đàn đầu Hòa thượng. Trong  sách này thống nhất gọi là Đàn đầu Hòa thượng.

9) Tuyên Luật sư

Thường thì trong các Đại giới đàn mới có phẩm vị này. Để đảm bảo rằng giới đàn sẽ được tổ chức đúng như luật như pháp, ban kiến đàn (ban tổ chức) sẽ cung thỉnh thêm mội vị chuyên về Luật tạng vào vị trí  gọi là Tuyên Luật sư. Vị trí này tương đương trong Tam sư, nhưng không thấy có chỗ ngồi trong giới đàn.

Tuyên Luật sư có nhiệm vụ Khai đạo giới tử, tức là một công việc huấn thị cho các giới tử trước khi sát hạch thọ giới. Tuyên Luật sư còn là vị ra đề thi tuyển trạch, là người có quyền xét duyệt các trường hợp được hay không được thọ giới.

Nói chung, vị trí của Tuyên Luật sư là giám luật, xem xét các giới tràng trong đại giới đàn có đúng như luật như pháp chưa. Vị Tuyên Luật sư còn thay thế cho Hòa thượng đàn đầu để truyền giới cho giới tử, khi vị Hòa thượng mỏi mệt hoặc vắng mặt.

Trong sách Giới Đàn Tăng không thấy nhắc đến chức vị này, vì không nằm trong Thập sư. Trong các Từ điển Phật học cũng không thấy có danh từ này. Chúng tôi nghĩ, đây là một chức vị một phần nằm trong Ban kiến đàn, một phần nằm trong Ban thập sư, có thể thay thế cho Hòa thượng đàn đầu truyền trao giới pháp cho giới tử.

10) Yết ma A xà lê

Còn gọi là Yết ma sư, là vị Xà lê y luật xướng ngôn tác pháp yết ma, để được sự nhất trí đồng thuận, đúng như pháp sự thành của Thập sư.

Yết ma vị, là phẩm vị thứ 2 trong Tam sư, đứng sau Hòa thượng vị, là ngôi vị không thể thiếu trong một đàn giới pháp.

Theo Giới Đàn Tăng, người nào trong ngôi vị Tam sư đều phải thanh tịnh và có ít nhất 10 tuổi hạ trở lên([3])

11) Giáo thọ A xà lê

Còn gọi là Giáo thọ sư, là vị Xà lê y pháp hướng dẫn giới tử tác bạch cầu giới trong giới đàn. Giáo thọ sư còn có nhiệm vụ thay Tăng kiểm tra tiêu chuẩn giới tử thọ giới, hướng dẫn giới tử ra chỗ mắt thấy tai không nghe trong giới tràng để vấn nạn bằng các câu hỏi theo luật định. Chỉ khi nào giới tử trả lời được các vấn nạn ấy, thì vị Giáo thọ mới dẫn giới tử vào đàn truyền giới để tác bạch cầu giới.

Một giới đàn có đông giới tử, thì có thể cung thỉnh 2 vị làm Yết ma sư và 2 vị làm Giáo thọ sư hoặc hơn thế nữa. Lúc ấy thì một Giáo thọ sư sẽ phụ trách vấn nạn, một Giáo thọ sư sẽ phụ trách bạch thỉnh.

12) Tôn chứng sư

Là 7 vị Tôn chứng sư. Giới Đàn Tăng quy định, các vị Tôn chứng sư phải có ít nhất là 5 tuổi hạ trở lên thì mới được làm tôn chứng trong ban Thập sư.

Nhiệm vụ của các vị Tôn chứng là tác pháp Yết ma đồng thuận (sự thành), lắng nghe lời bạch của vị Yết ma su, Giáo thọ sư, giới tử mà tác pháp sự thành cho giới tử được đắc giới.

13) Đàn chủ sư

Là chú Trưởng ban kiến đàn, tức là trưởng ban tổ chức giới đàn. Đàn chủ có nhiệm vụ cung thỉnh Thập sư, cấp phát giới điệp sau khi giới tử được thọ giới.

Đàn chủ còn có nhiệm vụ chu tất các khâu tổ chức gho giới tử và Thập sư được viên mãn. Vì thế nên công đức của Đàn chủ rất to lớn mà tất cả giới tử được thọ giới phải lễ tạ ghi nhớ. Ở trường hạ cổ (Trường hương), vị trí Chủ hương tức là Đàn chủ.

14) Chứng minh sư

Chức vị Chứng minh này không có trong luật định giới đàn. Nhưng do vị trí trưởng lão trong hàng giáo phẩm mà các vị không ở trong Thập sư truyền giới, nên được ban kiến đàn cung thỉnh làm Chứng minh vị, một chức vị mang tính chất biểu tượng danh dự cho giới đàn.

Các giới đàn ngày nay thì rất ít có Chứng minh vị, thường thấy chức vị này trong các Trường hương , Trường kỳ mà thôi.

III. Giới tử

15) Giới tử Sa di

Sa di là giới của người tập sự xuất gia. Sa di có 10 điều khoản và 24 oai nghi. Khi được thọ giới Sa di, tức là được dự vào dòng Thích tử, từ đây người Sa di đã được mang họ Thích trước pháp danh của mình, mặc dù chưa chính thức là một thành phần của Tăng già.

Sau khi thọ giới, vị Sa di được mặc pháp y gọi là Ca sa, Tàu dịch là Hoại sắc y, cũng gọi là Giải thoát phục. Y này không có những điều y ngang dọc, chỉ là một tấm Ca sa trơn gọi là Man y, tượng trưng cho sự trong sáng và còn phải học hỏi tu tập nhiều hơn nên chưa có ruộng phước (điều y).

16) Giới tử Tỳ kheo

Sau khi thọ giới, người Sa di phải gia hạnh tinh tấn rất nhiều để chuẩn bị cho việc đủ điều kiện “vượt vũ môn” đăng đàn thọ cụ túc giới. Tiếng Phạn gọi là Upasampàda, Tàu dịch là Cận viên. Upasampàda theo nghĩa thường dùng nhất, được hiểu là sự thành tựu trọn vẹn, cũng có khi được hiểu là bước lên chỗ cao.

Giới Tỳ kheo sở dĩ được gọi là cụ túc, vì nó thể hiện trọn vẹn mẫu mực đời sống của một Thánh giả A la hán.. Trong khi tất cả các loại giới khác của Thanh văn không được gọi là cụ túc, vì chúng chỉ mô phỏng một phần nhỏ đời sống cao thượng của A la hán([4])

Giới Tỳ kheo có tất cả 250 điều khoản, phải được thọ trước Thập sư và trải qua pháp tứ yết ma (1 lần bạch, 3 lần yết ma) mới đắc giới

17) Giới tử Bồ tát

Giới Bồ tát được gọi là Tâm giới, giới Tỳ kheo thì gọi là Tướng giới. Giới Tỳ kheo thì thọ trước Thập sư, còn giới Bồ tát thì thọ trước Phật, hay nói cách khác, đức Phật là Hòa thượng đàn đầu truyền giới.

Giới này không phân biệt tại gia hay xuất gia, mà chỉ cần phát tâm nguyện dõng mãnh thực hành lợi ích hữu tình như Bồ tát hạnh thì đều có thề thọ giới.

Giới Bồ tát có 10 điều căn bản và 48 điều phụ. Một lần thọ rồi thì không bao giờ mất, nếu không giữ được thì giới sẽ bị lu mờ, vì thế nên không có xả giới hay mất giới trong trọn đời sống của hành giả.

Giới Bồ tát là giới cộng thêm của người thọ giới Tỳ kheo theo Phật giáo Bắc truyền, còn Nam truyền Phật giáo thì không có giới này, vì thế không bắt buộc một vị Tỳ kheo phải thọ.

18) Giới điệp

Khi giới tử thọ giới xong, ban tổ chức giới đàn sẽ cấp cho giới tử một giới điệp, là bằng chứng ngày tháng ấy giới tử đã được thọ giới với Hòa thượng… và ban Thập sư. Giới điệp này do Đàn chủ giới đàn ấn chứng và cấp phát.

Giới điệp thì không có chữ ký của Thập sư, mà chỉ ấn triện hoặc thủ ấn của giới sư (con dấu riêng). Trong nhiều trường hợp, giới điệp chỉ có tên của Thập sư và  tên giới tử, không có ấn triện, ngoại trừ Đàn chủ ký cấp.

Giới điệp là chứng từ không thể thiếu trong cuộc đời của một vị Tỳ kheo. Trên cơ sở giới điệp thọ giới này, vị Tỳ kheo sẽ được để tính tuổi hạ và làm chứng minh thư tu sĩ (giấy chứng nhận tăng ni) cũng như các loại giấy tờ khác trong cuộc đời. Các loại giấy tờ khác khi mất thì có thể làm lại hoặc gia hạn, còn giới điệp chỉ được cấp một lần duy nhất, như giấy khai sinh, không có cấp lại, vì giới đàn xong thì ban kiến đàn cũng giải thể luôn (không thể trích lục như giấy khai sinh).



([1]) Phật học từ điển: tập III: Đoàn Trung Còn: tr. 1378 : Phật học tùng thơ xb : Sài Gòn: 1968

([2])  Theo Từ điển Phật học Huệ Quang: tập II: 1716: Thích Minh Cảnh chủ biên: NXB Tổng Hợp Tp. HCM: 2003

([3])  Theo Giới Đàn Tăng : HT. Thích Thiện Hòa: tr. 75: nxb Tôn Giáo: Tp. HCM: 2006.

([4]) Theo Luật Tỳ kheo : HT Thích Trí Thủ, tiết 2 : tr 104 : Sở VHTT Tp. Hồ Chí Minh xb 1991.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6794421