Thông tin

TIẾP NỐI TINH THẦN CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO

CỦA HÒA THƯỢNG KHÁNH HÒA

 

THÍCH THIỆN HUY

 

Lan tỏa từ tinh thần chấn hưng, khuyến học mạnh mẽ của Hòa thượng Khánh Hòa, Phật học đường Tây Phương Bồng Đảo (PHĐTPBĐ) của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng dần dà hình thành và phát triển cho đến ngày nay.

Hòa thượng Khánh Hòa là người có vốn hiểu biết rộng về Nho học và Phật học, đi đến nhiều nơi, giao thiệp rộng rãi với các nhân sĩ, trí thức, cư sĩ Phật giáo, đặc biệt là sống gần gũi với quần chúng tín đồ, nên ngài có một sự hiểu biết sâu sắc về đời sống của nhân dân, nguyện vọng, ước mơ của họ, cùng tình hình xã hội của Nam kỳ trong những thập niên đầu thế kỷ XX. Do đó, khi tiến hành phong trào chấn hưng Phật giáo Hòa thượng Khánh Hòa đã xác lập các tiêu chí:

(a). Lập hội Phật giáo

(b). Thỉnh ba tạng Kinh điển dịch ra chữ quốc ngữ

(c). Lập trường Phật học để đào tạo Tăng tài

(d). Xuất bản tạp chí phổ biến giáo lý, kêu gọi Tăng đồ thức tỉnh chấn hưng quy củ Thiền môn.

Từ những chủ trương nâng cao tinh thần giáo dục, vì sự nghiệp giáo dục tăng tài, nên hòa thượng đã tích cực hoạt động không ngừng trong phong trào chấn hưng Phật giáo.

Trong Tự trần, Hòa thượng Khánh Hòa đã nói rằng: “Như muốn truyền bá tư tưởng thì các nhà học Phật nên hiệp tác với nhau, chung cùng tư phủ cắt nhà thư –xã thỉnh ba tạng kinh đồng tâm nghiên cứu, rồi diễn dịch ra chữ quốc ngữ, phổ thông trong thiên hạ khiến cho mỗi người xem đọc đều hiểu được pháp luật nhà đạo, ai làm trái thì chừa, ai làm phải thì theo. Kẻ giả đồ kia cải nghiệp thì Phật Pháp mới chuyển tăng hưng vượng.

Còn một bên thì lập trường Phật học, cho học sanh tân nghiệp luôn luôn. Học cho thông Ngũ giáo tam thừa, rồi ra trách nhậm trụ trì, cho kiêm toàn phước huệ, hầu diễn dương diệu pháp, thì mới trông mong Tăng giới được tinh tấn.

Giả sử muốn truyền bá tư tưởng Phật giáo, cứ như hai phương diện trên đây thì mới thấy hoàn toàn kết liễu, bằng như phúc hủy ngoài cái phạm vi ấy thì không bao giờ kiến hiệu nổi1.

Hoặc trong nhật ký, ngài tâm sự: “Vì nghĩ rằng: đạo Phật ở Nam kỳ ta hiện thời, trong thì Tăng đồ thất học, làm sai pháp luật, ngoài thì tín đồ không hiểu đạo, mê tín dị đoan, bây giờ mình hiệp nhau lập Thư viện thỉnh Tam Tạng Kinh, một mặt thì lo nghiên cứu và phiên dịch để xuất bản, hoặc tòng thơ hoặc tạp chí, để lưu thông trong thiên hạ khiến mọi người thông hiểu được cái giáo lý của đạo, mới mong trừ tuyệt những điều mê tín kia. Một mặt thì ra sức giáo hóa cho Tăng đồ có tư cách, phòng gánh vác Phật sự sau này, có học mới biết đường mà tu không thì họ cứ mượn chùa ra làm nhà riêng của mình, kẻ trước vậy, kẻ sau vậy, chắc đạo Phật phải tiêu ma, nên tính phải lập trường học để đào tạo nhân tài, ấy là cái trọng trách của người xuất gia vậy2.

Năm 1931 ngài đã cùng với quý Hòa thượng và một số cư sĩ tri thức đứng ra thành lập Nam kỳ Nghiên cứu Phật học hội, xuất bản tạp chí Từ bi âm, trụ sở tại chùa Linh Sơn ở Sài Gòn.

Năm 1934, ngài cùng với các Hòa thượng Huệ Quang, Khánh Anh, Pháp Hải cư sĩ Huỳnh Thái Cửu, Trần Văn Giác… thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học ở Trà Vinh, xuất bản tạp chí Duy tâm Phật học để phổ cập tri thức đến với số đông quần chúng, nâng cao sự hiểu biết tránh những điều mê mị trong dân chúng.

Từ Phật học đường Lưỡng Xuyên đến Phật học đường Tây Phương Bồng Đảo

Lan tỏa từ tinh thần chấn hưng, khuyến học mạnh mẽ đó, Phật học đường Tây Phương Bồng Đảo (PHĐTPBĐ) của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng dần dà hình thành và phát triển cho đến ngày nay.

Hòa thượng Thiện Phước cho biết: “Trong ba môn Văn, Tư, Tu, thuộc về trí tuệ môn có nghe pháp thì trí thông tuệ sáng, có tư duy chín chắn thì việc hành đạo đúng chánh pháp, có tu tập thiền tụng, niệm Phật mới thể hiện được hạnh lành, thực tiễn phổ hóa quần sanh. Người Thích tử phải thực hiện tu tập đầy đủ ba môn Văn, Tư, Tu, vì chính đó dẫn đến chứng nhập vô trụ xứ Niết Bàn...” đã động viên hàng Tăng Ni trong tông môn vượt qua mọi khó khổ để tu học, hành đạo.

PHĐTPBĐ được đức Tôn sư sáng lập vào ngày mùng 08 tháng tư năm Nhâm Dần (1962) tại tổ đình Linh Sơn3. Ngài rước các giáo sư thuộc đệ tử của đức Pháp Chủ Khánh Anh, chư Tôn đại đức Giáo thọ sư tăng ni thuộc Giáo hội Tăng già Nam Việt, Giáo hội Tăng già Khất sĩ, cũng như chư tăng, ni trong tông môn cộng tác giảng dạy. Phật học đường đã tụ hội trên 300 tăng ni sinh tùng học.

PHĐTPBĐ, nơi hàng Giáo phẩm tăng ni Tổ đình Linh Sơn cũng như trong tông môn ngày nay xuất thân từ đó và trưởng thành trên bước chân hoằng pháp lợi sanh.

Nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi nghe tại Tổ đình Linh Sơn, nơi bổn tự của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, có khai sơn một ngôi Phật học đường để đào tạo tăng ni. Nhưng đó là một sự thật, trên vùng núi hoang vu hùng vĩ cũng lắm thiêng liêng và huyền bí của núi rừng Việt Nam, nơi đây có Trường Trung Cao Phật học để đào tạo tăng ni kế thừa chánh pháp.

Trường Phật học có tên là PHĐTPBĐ, gần 200 tăng ni sinh theo học Lớp Sơ Trung cấp, Cao đẳng Phật học.

Ban Giám đốc của Phật học đường gồm:

1- Đức Tôn sư thượng Thiện hạ Phước

2- Ni sư Trưởng Thích Nữ Huệ Giác

3- Đại đức Thích Huệ Tâm (Tổ đình Linh Sơn)

4- Đại đức Thích Huệ Thông (Tổ đình Linh Sơn)

5- Đại đức Thích Thiện Duyên (Tịnh xá Phổ Đà)

6- Đại đức Thích Thiện Thông (Kỹ sư, Tổ đình Linh Sơn)

Ban Giám hiệu gồm có các vị:

1- Đại đức Thích Thiện Thông

2- Đại đức Thích Liên Phương (Đệ tử đức Pháp chủ Khánh Anh)

3- Đại đức Thích Nhất Phương (Đệ tử Hòa thượng Nhất Hạnh)

Ban Giảng huấn gồm có các vị:

1- Đức Thầy Ni sư Huệ Giác

2- Đại đức Thích Thiện Thông

3- Đại đức Thích Huệ Trí

4- Đại đức Thích Liên Phương

5- Đại đức Thích Giác Nguyên

6- Đại đức Thích Phước Điện

7- Đại đức Thích Nhất Phương

8- Sư cô Thích Nữ Như Quang (chùa Vạn Hạnh, Đệ tử Hòa thượng Thích Trí Tịnh)

Về tôn chỉ pháp môn niệm Phật do Đức Thầy phụ trách.

Về Phật học, được các giáo sư chọn dạy theo chương trình của Phật học viện Huệ Nghiêm, do Đại đức Thích Liên Phương, Đại đức Phước Điện (huynh đệ với Thầy Như Lý – Liên Phương – Đệ tử đức Pháp chủ Khánh Anh), Đại đức Nhất Phương. Về Khất sĩ do Đại đức Giác Nguyên phụ trách.

Về sinh ngữ gồm Pháp văn, Anh văn, Hán văn, do các Đại đức Thiện Thông, Huệ Trí, Nhất Phương phụ trách.

Về Luật học, do sư Giác Nguyên và sư cô Như Quang phụ trách.

Cơ sở Phật học đường Tây Phương Bồng Đảo

PHĐTPBĐ được khởi công xây dựng ngày rằm tháng mười năm Nhâm Dần 1962, trên một triền đồi nhỏ của núi Dinh, cách chân núi 800m, ném về hướng Đông Nam, mặt tiền cơ sở quay về hướng Đông. Trường nằm ven theo chiều dài một dòng suối nhỏ, róc rách âm thầm xuôi dòng quanh năm, như không có một trở ngại nào ngăn cách. Khoảng cách giữa trường và chánh điện của Tổ đình chừng 300m đường chim bay, 500m đường bộ ở một triền đồi khác, cảnh trí trông có vẻ gần gũi, nhưng với tâm tư người thế tục thì rất xa xăm diệu vợi, bởi ở hai triền đồi như hai quả núi cách nhau bằng một thung lũng thâm huyền, man mác với khu rừng đại thọ vạn niên.

Tăng Ni sinh từ Phật học đường muốn sang lễ bái tại chánh điện phải chuẩn bị chu đáo đầy đủ hành trang như một cuộc hành hương từ Đông sang Tây. Cũng ví như sự tu học ở đây phải tốt nghiệp trên đường tu tuệ, rồi mới nói đến việc quả vị tu chứng, để bước sang giai đoạn gần Phật, khoảng cách trang nghiêm giữa Trường Phật học và Tổ đình Linh Sơn hòa hợp với tâm tư người tu sĩ Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng là như thế.

Những công lao gian khổ đầu tiên với nhà trường phải nói là đức Tôn Sư và Đức Thầy đã trải qua những gian nan đầy thử thách trên đường hoằng pháp lợi sinh, tiếp Tăng độ chúng trước đó 8 năm, để khai sơn bản địa Non Bồng và giờ đây mới có cơ sở cho các Thượng tọa Giác Hải, Thiện Thông, cùng chư Đại đức tăng ni ngày đêm đập đá, vác đá, gánh đất để bồi đắp nền cơ sở Phật học nằm bên vùng núi non huyền bí, nhưng thật quang minh xán lạn. Cùng với sự đóng góp không nhỏ của các Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng như sư Thiện Chơn, sư Giác Châu, sư Giác Quang, sư Thiện Thành, sư Thiện Đức, sư Huệ Hải, Huệ Minh, sư Thiện Chí, sư Giác Thông… làm việc trong những khâu xẻ gỗ, thợ hồ, thợ mộc, trang hoàng tô điểm. Sự hài hòa giữa các hệ phái Bắc Tông và Khất Sĩ của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng được nổi bật nhất từ giai đoạn này. Tuy là gian lao khó nhọc, nhưng các vị đều rất dũng mãnh tinh tiến, để có một cơ sở Phật học đường uy nghiêm tráng lệ.

PHĐTPBĐ được khánh thành vào ngày mùng tám tháng tư năm Nhâm Dần, Phật lịch 2508, dương lịch 1962, với sự hiện diện đông đủ của các Giáo đoàn Du Tăng Khất sĩ Non Bồng, Đại diện Trung ương Phật giáo Tịnh Độ tông Việt Nam, Giáo đoàn Du Tăng Khất sĩ Sơn Lâm, Giáo đoàn Tăng già Khất Sĩ Việt Nam, Giáo đoàn đức Thầy Từ Huệ, Giáo đoàn Đại sư Huệ Nhựt, các vị Thượng tọa, Đại đức Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Tăng già Nam Việt, chư Tăng Ni chùa Vạn Đức, Vạn Hạnh, Thủ Đức, các vị đệ tử của đức Pháp chủ Thích Khánh Anh, cùng với chư tăng ni, Phật tử Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, có chừng 400 vị tham dự.

Đức Tôn sư thượng Thiện hạ Phước4 chứng minh chủ trì cắt băng khánh thành, đồng thời khai giảng cho năm học khóa 1962-1963.

PHĐTPBĐ là cơ sở Phật học đào tạo tăng ni Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng kế thừa Tông môn hoằng pháp độ sinh, đào tạo đoàn người góp phần xiển dương chánh pháp, hiển chánh phá tà, giúp cho những người tà kiến trở về với chánh pháp, tu học giới định tuệ, phục hồi nền giáo lý chính chân của Thích Ca Mâu Ni. Liên tông Tịnh độ Non Bồng chủ trương bài trừ những hủ tục đốt vàng mã, xem tướng, bói khoa, xủ quẻ, xin xăm, tinh luyện bùa ngải, sử dụng phép tắc thần thông theo chiều hướng ngoại đạo.

Nội dung chương trình học tập, tu học

a. Pháp môn Niệm Phật Giáo lý Tịnh Độ và Pháp giáo Tịnh Độ Non Bồng.

b. Phật học gồm các chương trình: Phật học phổ thông, Nhị khóa hiệp giải, Bản đồ tu Phật, Phật học tinh hoa, Pháp Hoa giảng lục, Kinh Phổ Hiền, Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Kinh Di Giáo, Kinh Thập Thiện, Kinh Lời Vàng, Kinh Bách Dụ.

c. Luật học, Tăng đồ nhà Phật, Luật Khất Sĩ, Luật Tứ Phần và Thiền môn Trường Hàng Luật

d. Sinh ngữ gồm Pháp văn, Hán văn, Anh văn.

Toàn thể tăng ni theo học gần 200 vị, chia làm 3 lớp:

- Lớp dành cho tăng ni có trình độ đã học hết chương trình cấp I phổ thông.

- Lớp dành cho tăng ni có trình độ đã học hết chương trình cấp II phổ thông.

- Lớp dành cho tăng ni học hàm thụ, gồm có các tăng ni ở trình độ học phổ thông cấp II và cấp III. Những tăng ni này không tham dự học tại trường.

Là những tăng ni trước khi có trình độ văn hóa ngoại điển, đồng thời được thụ huấn trực tiếp với đức Tôn sư và đức Thầy Huệ Giác, cùng các vị Thiện tri thức từ những năm 1958 đến năm 1962 về Phật học và Giáo lý cơ bản Tịnh Độ tông, nên khi khai giảng Phật học đường Tây Phương Bồng Đảo, họ được tham dự kỳ thi tốt nghiệp theo chương trình Sơ Trung Phật học, kết quả, các sư trong Giáo đoàn II Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng được tốt nghiệp, có khoảng 40 vị tham dự thi, trong đó sư Từ Pháp và sư Giác Quang đồng tốt nghiệp hạng nhất…

Ngày nay, các sư trong các đoàn Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng, chính là những vị tiền hiền có công với Phật học đường và xuất thân từ tiền thân của PHĐTPBĐ, như các sư Huệ Hải, sư Thiện Đức, sư Thiện Thành, sư Thiện Hồng, sư Giác Khánh, sư Giác Thông, sư Thiện Thọ, sư Giác Quang và các Sư cô Diệu Hòa, Diệu Hiền, Diệu Hạnh, Diệu Tín, Diệu Thông đã trưởng thành và làm nên sự nghiệp Đạo Pháp, mỗi người một hạnh lành, một trú xứ để hoằng pháp lợi sinh, phụng sự cho Giáo hội, Tông phong và tăng ni, Phật tử.

Các sư trở thành những đoàn người tiên phong của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, phát huy chánh pháp của Đức Phật và Tịnh Độ Non Bồng, thay mặt đức Tôn sư và Đức Thầy Huệ Giác để đem đạo Phật vào cuộc đời mà giáo hóa, làm cho Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng được rạng ngời khắp nơi trên đất nước.

Chính những cư sĩ này cũng là thành phần ưu tú có trình độ văn hóa đạo - đời, sẵn sàng trung thành với giềng mối Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, như cụ Huỳnh Hoài Lạc (Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Nhật báo Chuông Mai), cụ Bùi Đức Thọ (Kỹ sư), cụ Mã Sấm (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Ba, Biên Hòa), cụ Huỳnh Công Trang (Nhân sĩ trí thức), ông Nguyễn Duy Điều (Nhân sĩ tri thức) …

Những cư sĩ được đào tạo bởi Liên Tông Tịnh Độ Non Bông hôm nay, cũng là những người con trung hiếu, sẵn sàng hiến thân cho Đạo pháp và Tông môn, không ngại những trở lực để bảo vệ chánh pháp và Tông môn như: cư sĩ Hồng Thanh, Phúc Trung, Đại Nhẫn, Thiện Thanh, Hữu Từ, Thiện Phước, Thiện Chánh, Phước Triền, Phúc Sinh, Chánh Niệm, Minh Lý, Tâm Hảo …

Về nữ cư sĩ có gia đình bà Hữu Từ, Liễu Quang, Liễu Thanh, Liễu Toàn, Diệu Phước, Pháp Đoan, Diệu Quang, Diệu Ngọc, Ngọc Chánh, Diệu Từ, Kim Hưng, Như Liên, Diệu Tuyết, gia đình Phúc Trung, gia đình Phật tử Huỳnh Thị Ngọc…

Năm 1968, thành lập cơ sở Trường Trung Tiểu học Lâm Tỳ Ni tại Quan Âm tu viện, để giúp tăng ni ít chữ và các cháu Cô nhi viện Phước Lộc Thọ, do Đức Thầy Huệ Giác, Sư cụ Thiện Thông, Sư cụ Huệ Trí, Sư Giác Quang, Thầy Huệ Nhẫn, quý Ni cô Diệu Nhứt, Diệu Thọ, Diệu Hồng, Kim Sơn phụ trách.

Về ngành Phật học, sau đó được chia thành nhiều lớp, mỗi lớp đặt tại giảng đường của một chùa. Năm 1969, một lớp Phật học chuyên giảng về Giáo lý pháp môn niệm Phật, được khai mở tại Quan Âm Tu Viện, thời gian khóa học là 3 năm, về sinh ngữ do Sư cụ Thiện Thông phụ trách Pháp văn, Sư cụ Huệ Trí phụ trách Hán văn.

Năm 1970, khai giảng thêm một lớp Phật học tại Long Sơn Cổ Tự (Tân Ba, Tân Uyên) dạy về Giáo lý Tịnh Độ, Kinh Luật do Ni sư Huệ Giác, Thầy Huệ Tâm, sư Giác Quang, sư Thiện Giác phụ trách.

Năm 1971, mở thêm lớp Giáo lý pháp môn niệm Phật tại Tịnh xá Thắng Liên Hoa (Hiệp Hòa, Biên Hòa) cho Ni giới cũng do Ni sư Huệ Giác phụ trách, Sư cụ Huệ Trí phụ trách về môn Hán Văn.

***

Năm 1973, đức Tôn sư mở thêm lớp Phật học giáo lý phổ thông và pháp môn niệm Phật tại trú xứ Nhứt Nguyên Bửu Tự5 (Vĩnh Phú, Lái Thiêu). Nơi đây cũng là trú xứ niệm Phật của Tịnh Độ Non Bồng tại miền Đông. Hàng năm, khai giảng khóa niệm Phật “Bá nhựt trì danh”6, tập trung hàng vạn lượt tăng, ni, Phật tử, tín đồ hướng về tụng niệm, kinh hành niệm Phật. Hiện nay đã tổ chức được 52 khóa.

Sau biến cố chiến tranh năm 1965, PHĐTPBĐ giới thiệu một số tăng ni sinh vào Phật học viện Huệ Nghiêm, như thầy Thiện Ngộ, Thiện Từ; Ni cô Diệu Minh, Diệu Hạnh, Thanh Quang vào Phật học viện Từ Nghiêm, Sài Gòn.

PHĐTPBĐ hoạt động được đến tháng 10 năm 1981 thì phải giải thể cùng với tất cả cơ sở Phật học của các hệ phái khác để đứng vào hàng ngũ Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đi theo chiều hướng mới, theo chương trình Phật học trong tương lai dưới sự lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

***

PHĐTPBĐ đã thành công trong Phật sự đào tạo tăng ni tài đức. Suốt quá trình 21 năm hoạt động, đã đào tạo cho tăng ni trở thành những hàng Giáo phẩm đạo hạnh, xứng đáng là cơ sở hoằng pháp lợi sanh, là những đóa sen đang nở rộ nơi pháp giới Hoa Tạng.

Ngày nay, các hàng Giáo phẩm tăng ni xuất thân từ Phật học đường được du hóa khắp nơi trong nước, với danh hiệu GIÁO ĐOÀN DU TĂNG KHẤT SĨ NON BỒNG, có vị vẫn còn trung thành với bước chân Du Tăng hành đạo, số đông chư tăng ni trở thành Viện chủ, trụ trì khắp Trung, Nam phần Việt Nam. Ngoài ra, còn có những tăng ni có chí hướng, mang ý thức mới đang tham gia làm việc trong các Tỉnh hội, Thành hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng như trong các trường Cao cấp Phật học, Cơ bản Phật học của Giáo hội.

 


1. Nguyệt san Pháp âm trang 17

2. Nhật ký hành trình cổ động của Hòa thượng Khánh Hòa tr. 43.

3. Tổ đình Linh Sơn Tự lúc bấy giờ thuộc khu hậu cần của quân Giải phóng, nên hằng tháng Tổ đình ủng hộ lương thực cho bộ đội, phân công người đi mua lương thực, thuốc men, nấu cơm ủng hộ bộ đội Giải phóng, cho mượn cơ sở chùa để anh em cách mạng học tập. Từ năm 1962 – 1965, Tổ đình Linh Sơn cũng là nơi chốt bàn đạp đường dây liên khu 5 Biệt động Thành, công tác hoạt động Thành Đoàn...những vị từng có mối liên hệ chặt chẽ tại Tổ đình Linh Sơn hiện nay vẫn còn sống như Hòa thượng Thích Hưng Từ, cô Năm Khéo, cô Ba Xuyến, chú Năm Bê, chú Bảy Hô...

Trong bản báo cáo của Phật giáo huyện Châu Thành tại buổi lễ ra mắt Ban Đại diện năm 1983 đã nói rõ : “... Ở núi Dinh tại chùa Linh Sơn, Nhà sư Thích Thiện Phước nay vẫn còn sống, đã tổ chức nuôi dưỡng tăng ni chúng trên 600 vị, một số trẻ mồ côi, đồng thời ngấm ngầm tổ chức lực lượng hậu cần đắc lực cho kháng chiến, như giao liên, cứu thương anh em giải phóng và những công tác quan trọng khác...”

Với những lẽ trên, trong khoảng các năm 1963, 1964 Tổ đình Linh Sơn luôn bị bom đạn ô píc bắn phá dữ dội. Tất cả những cơ sở chính của chùa, như Chánh Điện, cơ sở Phật học đường, Cô nhi viện, Trại tu dưỡng, Am, Thất, Điện... đều bị thiêu hủy 100% trong một trận càn quét của máy bay phản lực F5 vào lúc 10 giờ 30 ngày 30 tháng 7 năm Ất Tỵ (1965).

Chiến tranh không từ nan với một ngôi cổ tự và trên 600 tăng ni của Tôn Sư, có 30 tăng ni và Phật tử, Cô nhi bị thương tích nặng (những nhân chứng đó ngày nay vẫn còn sống), 12 Tu sĩ và Cô nhi bị thiệt mạng (di tích đau thương còn lưu lại tại các ngôi mộ trước chùa Tây Thiên, Cầu Rạch Ván, xã Hội Bài, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

4. Quá trình lập thân hành đạo, bản ý của đức Tôn sư muốn giữ cho chính mình một hạnh lành tịch tịnh, đầu đà, ẩn dật chốn Tòng lâm không phô trương. Nhưng vì hàng giáo phẩm tăng ni, Phật tử thỉnh cầu ngài đem những thân chứng có được để giáo hóa chúng sinh vào năm Canh Tý 1960, nên ngài dùng phương tiện thiện xảo truyền bá giáo lý Phật qua pháp môn Tịnh Độ niệm Phật. Từ đó (1961) các Tự, Viện, Tịnh xá của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng được các môn đệ xây dựng lên nền Phật Pháp khắp miền Trung, miền Nam. Thời bấy giờ, có những nơi được giao hiến chùa, kể cả các chùa am thuộc hệ phái khác cũng giao cho môn đệ của Tôn sư quản lý để hoằng pháp …

5. Nhất Nguyên Bửu Tự tọa lạc tại Thị xã.Thuận An, tỉnh Bình Dương đã tổ chức thành công khóa niệm Phật 100 ngày đêm lần thứ 55

6. Khóa tu “BáNhựt TrìDanh Cầu Sanh Tịnh Độ” xuất phát từ Phật học viện Lưỡng Xuyên, do Đức Pháp ChủThích Khánh Anh sáng lập khai khóa lễđầu tiên dành cho chư Tăng sinh tu hành. Tuy nhiên đến năm 1947, chư Tăng thi hành nghĩa vụquân sựkháng chiến chống Tây, khóa tu tạm ngưng (Sách Tiến trình chứng nghiệm trong thực tại, tác giả Người Mây Trắng - 2005, trang 97). Đến năm 1960, Hòa thượng Thích Hành Trụ tổchức khóa tu tại chùa Chánh Giác, đường Phan Văn Trị, Gia Định cho đến khi Hòa thượng về hành đạo tại chùa Đông Hưng, ThủThiêm. Cũng trong năm 1960, vào ngày mùng 8 tháng 8 âl, đức Tôn sư Thiện Phước - Nhựt Ý, Tông trưởng Liên tông Tịnh Độ Non Bồng, trụ trì Tổ đình Linh Sơn núi Bồng Lai, Bà Rịa tổ chức khóa tu đầu tiên. Đến ngày 17/11 âl lễ vía Phật A Di Đà mãn khóa. Khóa tu “Bá Nhựt Trì Danh Cầu Sanh Tịnh Độ” thực hiện cho đến năm 1964 tạm ngưng do chiến tranh Việt Mỹ tàn phá núi non chùa chiền. Ngày mùng 8 tháng 8 năm Ất Tỵ (1965) Đức Tôn Sư Thiện Phước - Nhựt Ý khai khóa niệm Phật tại Nhứt Nguyên Bửu Tự, xã Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương cho đến nay là 50 khóa. Sau khi Đức Tôn sư viên tịch, Ni Trưởng Thích Nữ Huệ Giác nối thừa tiếp tục tổ chức khai khóa tu hằng năm.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 9
    • Số lượt truy cập : 6126767