Thông tin

Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập I

TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX TẬP I

LỜI NÓI ĐẦU

Lịch sử nhân loại được viết nên bởi nhiều thế hệ nhân sinh. Mỗi tiền nhân với thân tứ đại của một con người rồi sẽ khuất chìm vào cát bụi, chỉ còn sự nghiệp, tiếng tốt để lại, chứng tích ấy được truyền tụng đến đời sau từ những sử liệu ghi chép, để khiến họ sống mãi trong tâm tưởng với thời gian.

Nên viết tiểu sử danh nhân đã khó, viết về các thiền sư lại càng khó hơn. Bởi lẽ làm sao chúng ta khẳng định được Thánh Gióng sau khi thắng giặc Ân, lên núi Sóc, rồi người đi về những đâu nữa?! Và dù là đồng ấu hay trung niên xuất gia, Thiền tông hay Tịnh độ, Thảo Đường hoặc Trúc Lâm v.v…, dù từ thị thành hay ruộng đồng, sơn lâm, hải giác, thiền sư đến rồi đi; chúng ta thấy biết rất ít về họ. Có vị như bóng nắng đông hàn, cơn mưa mùa hạ, ráng chiều mùa thu! Thoáng qua như ánh chớp Mật Khế, dài lâu như Giác Hạnh v.v… Tất cả đều như đủ để hoàn tất một sở nguỵện ban đầu, tự tại hành đạo tháng ngày khi còn trụ thế, rồi an nhiên lên đường như một lữ hành rong chơi qua tam giới.

Để làm những bài học cao quí, những tấm gương trong sáng lưu truyền cho hậu thế kính thờ, noi theo, chúng tôi đã cố gắng sưu tầm từ tro tàn quá khứ, những dư âm truyền tụng đó đây, hoặc những bút tích, sách vở có ghi lại đôi nét về công hạnh của chư vị Cao Tăng tiền bối có công với Đạo pháp và Dân tộc Việt Nam ở các giai đoạn vừa qua của lịch sử cận đại.

Chúng tôi tổng hợp chư vị Cao Tăng tiền bối hữu công của cả ba miền đất nước, không phân biệt Sơn môn, Pháp phái hay chính kiến nào, mà chung nhất đều là những người con Phật tiêu biểu trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, để lại cho Phật giáo và lịch sử nước nhà những công hạnh cao quý không thể bị phai nhòa theo năm tháng vô tình.

Từ trước đến nay cũng đã có nhiều công trình tương tự của các nhà làm sử Phật giáo, nhưng ở những góc độ khác hơn. Chúng tôi tự nhận thấy rằng sử liệu về cuộc đời của các bậc Cao đức cận đại cần được viết trung thực theo tinh thần sử học sao cho mang đậm tính phổ quát, công bằng về đạo nghiệp, giữa bối cảnh Phật giáo nước nhà trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Nhất là phải ít nhiều nhanh chóng ghi lại hành trạng của chư Tôn đức viên tịch chưa lâu, vẫn còn có nhiều nhân chứng hiểu biết cuộc đời các vị ấy, hoặc chưa bị năm tháng quá dày làm lãng quên, để chỉ còn trong cõi nhớ nên trở thành huyền thoại, điều mà nguyên tắc sử học gọi là thiếu cứ liệu xác đáng để quyết định tính trung thực của sự kiện lịch sử.

Khi lập nên đề án cho công trình này, chúng tôi cũng được rất nhiều ý kiến đóng góp động viên của các bậc Tôn đức, thức giả. Đó là nguồn hỗ trợ khuyến khích chúng tôi phải hoàn thành dự án đã đề ra. Dù rằng thật sự có rất nhiều khó khăn trong việc sưu tầm, có những tài liệu tiểu sử thiếu cả những nguyên tắc sử học cơ bản, cho đến thiếu logic trong ngày tháng năm mất với năm tu hay năm sinh… Và có những khi chúng tôi tìm đến địa điểm lịch sử lúc tiền bối còn sinh thời để tìm tư liệu, thì hầu như cả địa phương cũng không còn ai lưu trữ hay biết gì ngoài một mớ truyền thuyết đến thần thoại. Vì thế, để cho bộ sử hoàn toàn khách quan và đúng bản chất sử học, chúng tôi không đưa vào đây các giai thoại hoặc các cảm nhận, đánh giá, phẩm bình thuộc lĩnh vực chuyên đề khác của bất cứ ai.

Chúng tôi chỉ mới thực hiện phần I của chương trình sưu tầm sử liệu này, cũng là phần chính của công trình với mốc ấn định là thế kỷ XX (1900-đến nay-1993). Trong tập I phần I là những Cao Tăng tiền bối đã viên tịch trong khoảng thời gian này mà chúng tôi có được tư liệu. Còn lại các tiểu sử khác, chúng tôi tiếp tục sưu tầm và sẽ đưa vào tập II phần I. Đồng thời, hoàn chỉnh các tiểu sử của thế kỷ trước sắp xếp vào phần II.

Chương trình này được dự kiến tuần tự như sau:

Phần I : Danh Tăng thế kỷ XX tập I-II.

Phần II : Danh Tăng thế kỷ XIX (1 tập).

Phần III: Chư Ni tiền bối hữu công (1 tập).

Phần IV: Cư sĩ tiền bối hữu công (1 tập).

Việc sắp xếp danh mục cho quyển tiểu sử có nhiều ý kiến khác nhau trong ban thực hiện và các bậc Tôn đức. Cuối cùng, chúng tôi quyết định chọn cách sắp đặt theo biên niên sử, lấy năm mất làm cơ sở. Vị nào mất trước thì đặt trước, vị nào viên tịch sau thì để sau, dẫu vị viên tịch sau có công hạnh, tuổi đạo, tuổi đời lớn hơn vị mất trước. Vì rằng thời điểm viên tịch là thời điểm tổng kết quá trình cống hiến của đời người, dẩu đôi khi có vị cao niên hơn vẫn còn ở đời, lại là người tổng kết quá trình của vị đi trước nhỏ hơn mình nhưng đã sớm hoàn thành sự nghiệp của lần có mặt ấy.

Chúng tôi vô cùng biết ơn sự ủng hộ tinh thần, góp ý rất chân tình của chư Tôn đức gần xa, của các Tỉnh hội, Thành hội Phật giáo trong cả nước và của bạn bè thân hữu các nơi, hằng quan tâm đến công trình: hỗ trợ công tác sưu tầm, gửi cho chúng tôi các sử liệu có được và những đề nghị xác đáng liên quan. Chúng tôi cũng tán thán công đức to lớn của lực lượng cộng tác viên đã cùng chúng tôi hoàn thành sử liệu này và chân thành tri ân các bậc tác giả sử liệu Phật giáo tiền bối đã để lại tư liệu hiếm quí trong các tác phẩm, công trình mà chúng tôi có tham khảo.

Hàng hậu tấn chúng tôi dù tài trí thô thiển nhưng trước dòng lịch sử đang biến dịch, sợ không gì hữu ích cho đời sau, nên chúng tôi mạnh dạn suy tầm ghi chép những công hạnh của các Cao Đức Tôn Sư, vì thế có rất nhiều sơ suất, sai lầm. Rất mong được sự tha thứ từ những tấm lòng lượng cả bao dung của chư Tôn đức thức giả gần xa, cùng góp ý chỉ bày những thiếu sót tăng bổ cho lần tái bản được hoàn hảo hơn.

Ở quyển đầu, chúng tôi xin được giới thiệu 100 tiểu sử Cao Tăng thạc đức và phụ lục 04 tiểu sử cư sĩ có công đầu điển hình trong việc chấn hưng và phát triển Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XX. Công trình này không là riêng cá nhân chúng tôi viết được, nó hình thành từ sự đầu tư rất nhiều công sức, tâm huyết của ban thực hiện và của các cộng tác viên. Bản thảo sau nhiều lần tu chỉnh, chúng tôi trình qua các thành viên trong Ban cố vấn góp ý trước khi tổng kết, nghiệm thu để được phép ra mắt quí độc giả.

Mọi ý kiến đề nghị, bổ sung, chúng tôi mong được tiếp tục thâu nhận để hoàn bị hơn về sau và tiếp tục thực hiện phần còn lại như đã dự định khi hội đủ nhân duyên. Và một lần nữa, rất mong đón nhận thêm những thông tin, tư liệu tiểu sử còn sót mà chúng tôi chưa kịp sưu tầm, hiện đang còn lại trong các tự viện, địa phương hay dân gian.

Với nỗ lực sớm hoàn thành những gì đã đề ra như tâm nguyện, chúng tôi hy vọng góp phần vào nền văn hóa lịch sử Phật Giáo nước nhà. Và một lòng kính dâng lên chư tiền bối Phật môn bản sao hành trạng của quí Ngài, mong đáp đền ơn tri ngộ, nhiếp dẫn chúng hậu lai trên đường giải thoát. Ngưỡng mong thùy từ gia hộ của liệt vị tiền nhân có mặt trong bộ sử này và công đức tùy hỷ hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử dành lòng ưu ái đối với chúng tôi và với kho tàng văn hóa lịch sử Phật Giáo Việt Nam.

 

Thay mặt Ban thực hiện công trình.

Tỳ kheo THÍCH ĐỒNG BỔN

TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX TẬP I

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 29
    • Số lượt truy cập : 6704896