Thông tin

TIỂU SỬ ĐỨC ĐẾ THÍCH

TIỂU SỬ ĐỨC ĐẾ THÍCH

THÍCH ĐỒNG BỔN sưu tầm(1)

 

Đức Vua LICCHAVI đến hầu Phật rồi ngồi bạch hỏi:

- Bạch Phật! Đức Đế Thích là một vị Hoàng Đế của Chư Thiên mà Phật được thấy chăng?

- Này MAHALI! Như Lai đã thấy.

- Bạch Phật! Đã thấy hình xác thật chăng? Vì Đế Thích là chúa Chư Thiên rất khó thấy được.

- Này MAHALI! Đức Đế Thích và pháp làm cho thành Đế Thích, Như Lai cũng biết. Này MAHALI! Đức Đế Thích chúa của Chư Thiên, thuở còn là người, danh là MAGHAMANABA, nên gọi là “MAGHAVA”. Này MAHALI! Đế Thích chúa của Chư Thiên được bố thí trong kiếp trước nên được gọi là “PURINDADO”. Tiền kiếp được làm người bố thí bằng cách tôn kính, nên được gọi là “SAKKO”, có tạo chỗ ngụ để thí nên gọi là “VASAVO”. Đức Đế Thích chúa của Chư Thiên nghĩ đến nhân quả một lần thì thấu đến ngàn chuyện nên gọi là “SAHASSAKKHO”, Đức Đế Thích là chúa của Chư Thiên có vợ là Nàng SUJATA mới gọi là SUJAMPATI. Đức Đế Thích lớn hơn Chư Thiên trên cõi Đao Lợi Cung nên gọi là “DEVANAMINADO”. Đức Đế Thích khi ở cõi người đã cố gắng tạo 7 nhân lành mới được là Vua Đế Thích.

BẢY NHÂN LÀNH ĐÓ LÀ:

1. Được phụng sự Mẹ Cha đến trọn đời.

2. Tôn kính bậc trưởng thượng trong họ đến trọn đời.

3. Là người nói lời du dương đến trọn đời.

4. Là người không thốt lời chửi mắng đến trọn đời.

5. Sửa trị việc nhà không keo kiết, sẵn lòng bố thí, có tâm thích trong sự tế bần, cấp cô, dưỡng lão đến trọn đời.

6. Là người chỉ thốt những lời ngay thật đến trọn đời.

7. Là người không oán giận đến trọn đời (đè nén Sân hận mau lẹ).

Này MAHALI! Đó là 7 nhân của Đức Đế Thích, thuở còn là người MAGHAMANABA.

Đức Vua LICCHAVI mong được nghe chuyện Đức Đế Thích cho rộng thêm nên bạch hỏi:

- Bạch Phật! Đức Đế Thích thực hành thế nào?

Này MAHALI! Đại Vương hãy cố lắng nghe: “Trong thời quá khứ có một lãnh thổ thuộc MAGADHA, có một thanh niên danh là MAGHAMANABA tại ACALGAMA. Khi đi làm công việc thì chân quét bụi nơi chỗ mình đứng, làm cho đáng vui thích rồi mới đứng. Có người đến xô MAGHAMANABA cũng không giận, đi làm nơi khác cho đáng vui thích rồi đứng. Có kẻ xô ra khỏi rồi giành đứng tại nơi đó nữa. MAGHAMANABA cũng không buồn, đi đến nơi khác cũng quét bụi rồi đứng vẫn bị người đến xô ra, giành đứng như vậy nữa. MAGHAMANABA mới nghĩ rằng: Các người ấy được vui rồi, ta nên tính làm phước để hưởng hạnh phúc. Sáng sớm y cầm lấy cuốc đi làm sân, (bằng sân đập lúa) cho đáng vui thích, kẻ khác cũng đến giành đứng tại nơi đó nữa, vừa đến mùa lạnh MAGHAMANABA đốt lửa cho những kẻ ấy, đến mùa nóng thì thí nước, MAGHAMANABA mới nghĩ nữa rằng: Lệ thường chỗ đáng vui thích là làm cho phần đông vừa lòng, vậy từ đây mình nên đắp đường cho bằng phẳng, rồi ra khỏi nhà, đắp đường, đốn cây, bứng gốc nào nên bứng, xong, đem liệng bỏ. Khi ấy có người đi đến gặp bèn hỏi rằng: Ngươi làm để làm gì?

- Bạn tôi! Ta làm đường lên trời của ta.

- Như thế tôi cũng làm bạn với ông.

- Ờ, đúng rồi, bạn ôi! Cõi trời hằng là nơi ưa thích vừa lòng của quần chúng. Lần lần có đến tất cả 33 bạn đồng chí như vậy đồng nhau cầm cuốc đi làm đường cho bằng phẳng xa được 2 do tuần.

Khi ông Lý trưởng thấy những người làm như thế bèn nghĩ rằng: Họ làm những việc không đáng làm nếu họ đem cá, thịt hay rượu đến ăn uống thì mình có thể chung sức với họ. Nghĩ xong, y bèn cho gọi những kẻ ấy đến hỏi rằng: Các ngươi làm việc gì đấy?

- Thưa, chúng tôi đắp đường đi lên trời.

- Lệ thường, người tại gia không nên làm như vậy, nên tìm thịt, cá rồi ăn uống với rượu, xong làm công việc khác mới nên (những người kia phủ nhận lời ông Lý trưởng). Dù ông thêm lời cũng vô ích. Ông Lý trưởng phát sân, bèn nghĩ rằng: Ta sẽ làm hại bọn này mới được, rồi đến tâu với Đức Vua rằng: “Tâu lệnh Hoàng Thượng! Tôi thấy kẻ cướp rủ nhau từng bọn”, Đức Vua phán rằng: “Ngươi đi bắt bọn cướp ấy đem nạp cho trẫm”. Ông Lý trưởng liền tuân lệnh Vua: Bắt bọn MAGHAMANABA đem nạp.

Đức Vua chưa được quan sát, phán rằng: Hãy cho voi giẫm đạp chúng đi.

Khi ấy, MAGHAMANABA khuyên các thanh niên rằng: “Bạn ôi! Trừ phi lòng bác ái ra thì chúng ta chẳng có chi để nương tựa được. Các bạn không nên oán giận ai, hãy niệm và rãi tâm bác ái đến nhà Vua, đến ông Lý trưởng, đến voi sẽ giẫm đạp đến chính mình ta nữa”.

Các thanh niên đều hành theo. Khi ấy, voi không dám vào gần, do thế lực của pháp Bác ái.

Đức Vua nghe chuyện ấy mới phán rằng: “Voi thấy nhiều người nên không dám giẫm. Các ngươi hãy lấy chiếu đệm đậy trùm chúng lại, rồi sẽ cho voi giẫm”. Khi đã đậy trùm chúng rồi, voi đã không dám lại gần mà còn tránh xa hơn.

Đức Vua được nghe như vậy nghĩ rằng chắc có cảnh ngộ và tình trạng gì lâm phải trong bọn này, rồi Ngài cho đòi vào, mà phán hỏi: Các ngươi có điều chi muốn tâu với trẫm chăng? Trẫm có nghe rằng bọn ngươi là kẻ cướp trãi đường đi trong rừng phải chăng?

- Tâu, ai tâu với lệnh Hoàng Thượng như vậy?

- Người Lý trưởng tâu với trẫm.

- Chúng tôi chẳng phải là kẻ cướp, chúng tôi đang làm đường lên trời cho chúng tôi. Song, ông Lý trưởng dạy chúng tôi làm những pháp ác. Khi chúng tôi không tuân theo thì y muốn hại chúng tôi, nên oán giận rồi đặt chuyện để đổ tội cho người ta như thế.

Được nghe qua lời tâu biện bạch của các thanh niên ấy, nhà Vua hoan hỷ nên phán rằng: “Loài thú mà còn biết việc phải của các ngươi, phương chi, ta là người mà không bằng thú hay sao, xin các ngươi hãy xá lỗi cho ta”. Phán rồi, Đức Vua cho vợ chồng ông Lý trưởng và cả gia đình làm nô lệ của các thanh niên đó.

Đức Vua cũng thí voi trắng để làm vật vận tải. Hơn nữa, Ngài ra lệnh ban thưởng cả làng xóm đó cho nhóm MAGHAMANABA dùng theo sở thích.

Nhóm MAGHAMANABA phát tâm hoan hỷ rằng: Họ đã thấy rõ quả phúc trong kiếp này, rồi họ sắp đặt để tiến hành công việc của mình bằng cách làm phước thêm bội phần.

Tạo Phước xá để giải lao cho đại chúng, tại nơi ngã tư đường. Rồi họ gọi thợ mộc đến khởi công lập ra Phước xá, nhưng không thừa nhận phụ nữ công tác vào việc tạo Phước xá, vì không có ai vừa lòng hàng phụ nữ.

Trong nhà MAGHAMANABA có 4 phụ nữ đều là vợ y, 4 nàng này là: SUDHAMMA, SUDANTA, SUCITRA và SUJATA. Trong 4 nàng, nàng SUDHAMMA có tình riêng với thợ mộc xin cho được làm lớn trong Phước xá ấy. Thợ mộc đồng ý, rồi đem cây phơi khô đẻo thành hình đầu rắn, xong, khắc chữ Phước xá này tên là: “SUDHAMMA” dành sẵn.

Khi thợ tạo xong, đến ngày treo hiệu thợ nói rằng: “Ôi! Tôi quên vật cần thiết rồi”. Các vị thanh niên bèn hỏi:

- Quên cái chi?

- Bảng hiệu Phước xá.

- Này thợ, chúng tôi xin anh làm dùm gấp gấp.

- Bây giờ không thể làm kịp, chúng ta sẽ đi tìm hiệu đã làm sẵn.

- Bây giờ ta phải làm thế nào?

- Nếu có bảng hiệu mà họ làm sẵn để bán thì nên tìm mua.

Khi các thanh niên đi tìm thì gặp bảng hiệu tại nhà hàng SUDHAMMA rồi xin mua với bất cứ giá nào, mà cũng không được.

Nàng SUDHAMMA đáp rằng: “Nếu các ông cho tôi hùn phước trong Phước xá, thì tôi sẵn lòng biếu”.

- Chúng tôi không thừa nhận phụ nữ hùn phước.

Khi ấy, thợ mộc thưa rằng: “Các ông nói thế nào? Ngoài Trời Phạm Thiên ra, thì không nơi nào là vắng phụ nữ, xin các ông thừa nhận bảng hiệu này đi, thì công việc của chúng ta mới hoàn thành được”.

Các thanh niên ấy đều tán thành, rồi dùng bảng hiệu đem về gắn vào Phước xá cho thành tựu. Rồi chia Phước xá ra làm 3 phần.

1. Phần dành cho dưỡng lão viện.

2. Phần dành cho kẻ nghèo đói.

3. Phần dành cho bệnh nhân ở.

Tất cả 33 người đó đặt 33 bộ ván ngựa và cho thợ mộc biết rằng: Khi có người đến ngồi trên ván ngựa của ai rồi; người chủ ván ngựa ấy phải làm tròn nhiệm vụ trông nom cho họ đầy đủ vật cần thiết. Chung quanh Phước xá có trồng cây mát mẻ, có chỗ ngồi nghỉ mát cho khách ngoạn thưởng.

Những kẻ nào đến Phước xá cũng thấy bảng hiệu “Phước xá SUDHAMMA” làm cho danh hiệu của 33 thanh niên không rõ rệt. Nàng SUDANTA nghĩ rằng: “Họ không cho bọn ta hùn phước. Phần nàng SUDHAMMA được làm phước bằng cách làm bảng hiệu vì nàng sáng trí, vậy ta nên làm thế nào?”.

Nàng lại nghĩ: Những khách du lãm vào đến Phước xá cần có nước uống, nước tắm, thế thì ta cho người đào hồ sen”. Còn nàng SUCITARA nghĩ rằng: “Những du khách đến Phước xá được uống nước và tắm. Khi đi, họ thích dùng hoa để trang sức, vậy ta nên trồng hoa”. Rồi nàng cho người lập vườn hoa đủ loại tại chung quanh Phước xá.

Phần nàng SUJATA thì tính rằng: Ta là con gái nhà cậu của MAGHAMANABA và cũng là vợ của y nữa. MAGHAMANABA làm cũng như ta làm, ta làm cũng như MAGHAMANABA làm.

Rồi nàng chả làm việc gì cả, chỉ ở nhà lo điểm trang thôi. Về MAGHAMANABA, Ông còn thực hành 7 pháp nữa là:

1. Phụng sự mẹ cha.

2. Từ tốn các bậc trưởng thượng trong họ.

3. Nói lời ngay thật.

4. Không thốt lời bất nhã.

5. Không nói lời chia rẽ.

6. Hằng bài trừ sự keo kiết.

7. Đè nén lòng oán hận.


Ban thờ Vua Đế Thích - Tượng đá cổ khoảng 500 tuổi

(Chùa Tây Trúc - Thủy Nguyên, Hải Phòng)

Vì thế, mới có lời ca tụng rằng: “Chư Thiên cõi Đao Lợi Cung là hạng phụng sự mẹ cha, từ tốn đối với bậc trưởng thượng trong họ, nói lời du dương, không thốt lời chia rẽ, hằng lau chùi sự bủn xỉn, nói lời ngay thật, đè nén tâm oán giận là bậc Thiện trí thức”. Sau khi lâm chung, nhóm MAGHAMANABA được sanh làm Vua trên cõi Đao Lợi Thiên Cung, những bạn của MAGHAMANABA cũng được lên trời cùng nhau, anh thợ mộc được là vị trời VISSUKAMMADEVAPUTTA.

Trong thuở ấy, các A Tu La tại Đao Lợi Thiên Cung đồng nhau dự bị, vì biết rằng sẽ có Chư Thiên mới sanh lên. Vua SAKKA (Đế Thích) ra lệnh không cho vị nào trong nhóm uống rượu. A Tu La đều uống say mê. Vua Đế Thích ra chỉ thị bắt A Tu La liệng xuống biển. Khi ấy các cung điện A Tu La phát sanh phía dưới núi Tu Di Sơn, do phước báo của họ. Đồng thời, khi ấy kinh đô Trời được gọi là Đao Lợi Cung, rộng dài muôn do tuần cũng phát sanh. Khoảng đường vào và ra cửa kinh đô bên hướng đông tây 1 do tuần, khoảng vào ra bên hướng nam và bắc cũng 1 do tuần. Kinh đô đó có 1.000 cửa, chung quanh trang hoàng bằng vườn cây hoa và ao sen. Giữa kinh đô có điện chính hiệu VEJAYANTA cao 700 do tuần, bằng 7 báu, có cột cờ cao 300 do tuần, sanh lên nơi trung tâm kinh đô. Do sự tạo được Phước xá, có cả lá cờ hiệu bằng ngọc ma ni, tại cột cờ xây bằng 7 báu; Chính điện cao 1.000 do tuần bằng 7 báu đều phát sanh do sự thí Phước xá. Có loại cây hình dạng như cây dù to, có lớp có từng, gọi là cây PARICHATTAKA chu vi được 300 do tuần do phước trồng cây. Có bảo tọa màu vàng bằng đá (PANDUKAMBALASILA) dài 60 do tuần, ngang 50 do tuần, dày 15 do tuần phát sanh tại gốc cây PARICHATTAKA do phước báo tạo ván ngựa.

(Còn tiếp)


(1)Theo quyển Tiểu sử Đức Đế Thích, không rõ tác giả, không rõ bản in

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 14)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 338
    • Số lượt truy cập : 7079768