TÌM HIỂU ĐẶC ĐIỂM CỦA PHÁP PHÁI LIỄU QUÁN Ở ĐÀNG TRONG
TÌM HIỂU ĐẶC ĐIỂM CỦA PHÁP PHÁI LIỄU QUÁN
Ở ĐÀNG TRONG
TRÍ MINH
Thiền sư Liễu Quán
Lược thuật tình hình Phật giáo Đàng Trong
Năm 1558 Nguyễn Hoàng được vua Lê Anh Tông cho vào trấn thủ Thuận Hóa. Vốn gốc nhà Nho, Nguyễn Hoàng vẫn làm tròn bổn phận của bề tôi đối với nhà Lê. Từ năm 1569 đến năm 1593 ông ra chầu vua Lê đến hai lần. Thời gian ở lại kinh thành ông thấy Trịnh Tùng là kẻ chuyên quyền đố kỵ. Năm 1600, ông tìm kế thoát thân về lại Thuận Hóa, lập một cõi riêng ngỏ hầu thoát khỏi sự khống chế của họ Trịnh. Từ đây hình thành hai thế lực chống đối nhau. Nước ta bị chia cắt, phía Bắc gọi là Đàng Ngoài do vua Lê - chúa Trịnh cai quản; phía Nam gọi là Đàng Trong do chúa Nguyễn cát cứ.
Đất Thuận Quảng bấy giờ dân đã đông, đạo Phật cũng đã có mặt ít nhiều cùng với một số đạo khác như đạo Hồi, Bà la môn và tín ngưỡng dân gian bản địa. Nguyễn Hoàng dùng Nho giáo để thực thực hiện hoài bão của mình và tìm thấy ở Phật giáo một giáo thuyết thích hợp làm chỗ dựa tinh thần cho cư dân, góp phần ổn định cuộc sống nên đã hỗ trợ, xiển dương để thu phục nhân tâm.
Năm 1600, ông cho xây chùa Thiên Mụ ở địa thế tốt với huyền thoại là được Bà Trời tiên đoán là sẽ có một chân Chúa đền đây xây chùa để giữ linh khí, cho bền long mạch. Năm 1607, ông dựng chùa Bảo Châu ở Trà Kiệu (Quảng Nam). Năm1609, dựng chùa Kinh Thiên ở phường ThuậnTrạch (Quảng Bình). Đại lễ Phật đản được ông tổ chức vào năm 1603 tại chùa Sùng Hóa gây được tiếng vang lớn trong vùng, các nước láng giềng và tạo sự cảm phục của thần dân.
Từ việc làm có tính chất chính trị của chúa Tiên, bước đầu đã đem lại sự vui lành trong dân chúng và tăng thêm uy thế của nhà cầm quyền, các chúa Nguyễn kế tục phát huy và thấm dần hương đạo rồi thành Phật tử, hộ pháp hữu hiệu. Với chủ trương cư Nho mộ Thích của các chúa Nguyễn cùng chủ trương đem đạo vào đời của chư tăng, Phật giáo đã lan truyền cùng bước phát triển của xứ Đàng Trong.
Sự ra đời của pháp phái Liễu Quán
Chúa Nguyễn Phúc Chú kế vị, thiền phái Lâm Tế được hồi phục. Đầu thế kỷ XVIII, một thiền sư người Việt đã Việt hóa dòng Lâm Tế, đó là Thiền sư Liễu Quán.
Quá trình tu học
Thiền sư Liễu Quán, người họ Lê, sinh năm 1670, tại Phú Yên. Năm 12 tuổi, xuất gia học đạo với Thiền sư Tế Viên, sau ra Phú xuân học với Giác Phong Lão Tổ ở chùa Bảo Quốc. Sau 11 năm theo thầy, vừa được xuống tóc thì nghe tin cha bệnh nặng nên về quê phụng dưỡng. Nhà nghèo, sư phải đi kiếm củi bán đổi tiền gạo để nuôi cha. Bốn năm sau cha mất, sư lại ra Phú Xuân cầu đạo. Năm 1695, Thiền sư Thạch Liêm tổ chức Đại Giới đàn tại Phú Xuân, sư xin thọ sa di với đạo hiệu là Liễu Quán húy Thiệt Diệu. Năm 1702, sư cầu pháp với thiền sư Tử Dung tại chùa Ấn Tôn (Từ Đàm). Thiền sư cho quán công án với câu: "Vạn pháp về một, một về chỗ nào" Sư tự mình thiền quán để tìm câu trả lời. Trải 8, 9 năm trời, một hôm sư bừng ngộ, tìm được lời giải đáp đem trình thầy. Sau một số lần đối đáp, sư được Tổ bằng lòng và truyền tâm ấn. Ngài là tổ khai sinh pháp phái Liễu Quán với bài kệ:
Thiết tế đại đạo
Tánh hải thanh trừng
Tâm nguyện quảng nhuận
Đức bổn từ phong.
Khai sơn hành đạo
Chùa Thiền Tông trên núi ban đầu là một am nhỏ do thiền sư Liễu Quán lập nên năm 1772, chúa Nguyễn Phúc Chu cho trùng tu và sư trù trì. Nghe danh đức hạnh và công phu thiền định của sư, chúa Nguyễn Phúc Khoát nhiều lần mời sư vào phủ nhưng đều bị từ chối. Khi muốn gặp, chúa phải đích thân đến tận chùa trên núi.
Từ năm Quý Sửu 1733, Giáp Dần 1734, Ất Mão 1735, sư chủ tọa 4 giới đàn lớn. Đến dự có nhiều thành phần: vương hầu, quan lại, tăng sĩ, cư sĩ. Năm 1740, sư chủ tọa giới đàn Long Hoa. Năm 1742 sư trở về chùa Viên Thông tổ chức giới đàn. Dù tuổi cao sư vẫn làm Hòa thượng đường đầu. Trên đường hành đạo, bước chân nhà sư không biết mỏi. Tổ vân du từ Phú Xuân vào Phú Yên và ngược lại để hóa độ.
Tổ Liểu Quán có tới 4.000 đệ tử thụ giáo kể cả xuất gia và tại gia. Trong số xuất gia có 49 vị đắt pháp nổi tiếng. Tổ có nhiều đạo tràng do các đệ tử đảm trách như Thiền Tông, Viên Thông (Thuận Hóa), chùa Hội Tông, Cổ Lâm, Bảo Tịnh (Phú Yên).
Vào cuối thu năm 1742, Tổ lâm bệnh. Dù bệnh không nặng nhưng đến tháng 10 sư họp đệ tử cho biết sẽ ra đi. Sáng ngày 21 tháng11 âm lịch, sư viết lời từ biệt sau đây:
Hơn bảy mươi năm trong thế giới
Không không sắc sắc thảy dung thông
Ngày nay nguyện mãn về quê cũ
Nào phải bôn ba hỏi tổ tông.
Nhà sư ngồi dùng trà, dặn dò đệ tử mấy lời sau cùng. Khi biết đến giờ Mùi, sư chào mọi người rồi tịch theo tư thế kiết già. Chúa Nguyễn Phúc Khoát ban thụy hiệu cho sư là: "Chánh Giác Viên Ngộ Hòa thượng". Tháp của Tổ được dựng cạnh chùa Thiền Tông trên núi Thiên Thai, Huế.
Tổ Liễu Quán khai sinh Tổ đình Thiền tông, nhà sư đã Việt hóa thiền phái Lâm Tế thành pháp phái Liễu Quán mang màu sắc dân tộc. Pháp phái Liễu Quán bám rễ bền chặt, phát triển khắp xứ Đàng Trong và tiếp nối cho đến tận hôm nay.
Mấy nét khác biệt của pháp phái Liễu Quán
Riêng pháp phái Liễu Quán có mấy nét khác biệt:
- Thiền sư Liễu Quán kế tục dòng Lâm Tế đã Việt hóa dòng thiền này, biểu hiện như: kiến trúc chùa chiền, lễ nhạc, tán lễ không còn dấu ấn của Trung Quốc mà mang màu sắc Việt nên dễ hòa hợp với người bản xứ.
- Đào tạo được một số đệ tử đủ tài đức để làm chủ nhiều đạo tràng hoằng dương chánh pháp
Tranh thủ được sự ủng hộ của nhà cầm quyền nhưng không bị ảnh hưởng khi thay ngôi, đổi vị và tránh được sự gièm pha về an ninh, chính trị.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 18 – THÁNG 10 NĂM 2016 (PL. 2560)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 17 – THÁNG 7 NĂM 2016 (PL. 2560)
- TỪ QUANG TẬP 16 – THÁNG 4 NĂM 2016 (PL. 2560)
- TỪ QUANG XUÂN BÍNH THÂN (TẬP 15) – THÁNG 1 NĂM 2016 (PL. 2559)
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
Bình luận bài viết