TÌM HIỂU DI TÍCH LỊCH SỬ CHÙA SẮC TỨ TAM BẢO - RẠCH GIÁ
TÌM HIỂU DI TÍCH LỊCH SỬ
CHÙA SẮC TỨ TAM BẢO - RẠCH GIÁ
TN. HUỆ PHÁT
Chùa Sắc tứ Tam Bảo hiện cư ngụ tại số 03 đường sư Thiện Ân, Phường Vĩnh Lạc, Tp. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Chùa Sắc tứ Tam Bảo - Rạch Giá có vai trò quan trọng trong tiến trình hình thành và phát triển Phật giáo Kiên Giang. Chùa từng là trụ sở của hội Phật Học Kiêm Tế, hội Phật Học Nam Việt - Kiên Giang. Từ năm 1982 đến nay, chùa là Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kiên Giang. Trải qua các thời kỳ, với bề dày lịch sử, chùa Sắc tứ Tam Bảo đã để lại dấu ấn sâu đậm. Nơi đây, được xem là lá cờ đầu cho các hoạt động Phật sự Phật giáo ở Kiên Giang. Vì vậy, khi nhắc đến những ngôi chùa tiêu biểu nhất của Phật giáo tỉnh Kiên Giang, không ai không biết đến chùa Tam Bảo - Rạch Giá.
Chùa Tam Bảo - một ngôi chùa Phật thiêng liêng cổ kính, lâu đời tại Rạch Giá. Quá trình hình thành ngôi chùa cổ này là một sự tích gắn liền với dòng chảy lịch sử vùng đất Kiên Giang. Chùa Tam Bảo được thành lập vào cuối thế kỷ XVIII, một Phật tử tại Rạch Giá - bà Dương Thị Oán đã đứng ra xây dựng một ngôi chùa bằng cây lá đơn sơ đặt tên là Tam Bảo. Nguyễn Ánh từng có thời gian nhờ sự giúp đỡ của Bà Hoặng ở chùa Tam Bảo nên khi lên ngôi Vua ban bản hiệu Sắc tứ cho chùa Tam Bảo. Nhà văn Nam Sơn trong quyển Hồi ký tập 1: từ U Minh đến Cần Thơ kể lại: “Bà Dương Thị Oán nhờ buôn bán lúa gạo tại địa phương đã cho Nguyễn Ánh, khi đang trốn chạy Tây Sơn, những cuộn tơ tằm quý giá để làm quai chèo không đứt khi vượt biển thay cho loại quai chèo thắt bằng gai, bằng bố dễ đứt và có thể từ công ơn này mà về sau vua Gia Long đã ban Sắc tứ cho chùa Tam Bảo”[1]. Đến năm 1913, Hòa thượng Trí Thiền (Nguyễn Văn Đồng) được Phật tử địa phương thỉnh về trụ trì chùa Tam Bảo. Hai năm sau (1915), Hòa thượng cho đại trùng tu lại ngôi chùa. Đến năm 1917, công trình đại trùng tu hoàn thành, với lối kiến trúc cơ bản còn được lưu lại đến nay.
Vào năm 1936, Hòa thượng Trí Thiền cùng nhà sư Thiện Chiếu thành lập hội Phật Học Kiêm Tế và tạp chí Tiến Hóa là cơ quan ngôn luận của Hội. Chùa Tam Bảo được sử dụng làm trụ sở và cũng là tòa soạn của tạp chí Tiến Hóa. Hội đã chủ trương tổ chức các hoạt động xã hội như: mở phòng thuốc miễn phí, thành lập cô nhi viện, cứu trợ đồng bào hạn hán, lũ lụt, lớp học bình dân... Trong giai đoạn 1939 - 1941 chùa cũng là trạm liên lạc của Xứ ủy Nam Kỳ - địa điểm họp bí mật của Đảng; nơi chế tạo lựu đạn bởi nhà sư Thiện Ân (Trần Văn Thâu); nơi cất giấu vũ khí, in truyền đơn chuẩn bị cho cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa. Tuy nhiên, do bị chỉ điểm hoạt động cách mạng của chùa bị bại lộ. HT. Trí Thiền, sư Thiện Ân và nhiều đồng chí khác bị bắt. Chùa Tam Bảo bị đóng cửa. Mãi cho đến sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 mới được mở cửa trở lại.
Mặc dù gặp nhiều biến động nhưng sức sống chùa Tam Bảo vẫn luôn duy trì một cách mãnh liệt và còn là cái nôi của Phật giáo tỉnh Kiên Giang. Đến năm 1956, khi hai vị Thượng tọa Thích Huyền Vi và Thích Thanh Từ về chùa Tam Bảo mở lớp Phật học Phổ thông, vận động quý Phật tử thành lập chi hội - Hội Phật Nam Việt tỉnh Kiên Giang, chùa được chọn làm trụ sở của Hội. Từ ngôi chùa Tam Bảo này đã kết nối với các tự viện trong tỉnh, nêu cao tinh thần học Phật, phục hưng chánh pháp, đào tạo tăng tài, chấn chỉnh giáo lý khiến cho không khí học Phật phát triển rầm rộ trở lại. Nơi đây đã từng tiếp đón nhiều dấu chân của Chư tôn thạc đức, trong đó có HT. Thích Bổn Châu. Để đáp lời kiền thỉnh của Phật tử, Giáo hội Tăng già Nam Việt cử Ngài xuống trông coi ngôi Tam Bảo tự từ năm 1962.
Có thể nói, sau HT. Trí Thiền thì HT. Bổn Châu là người có nhiều đóng góp tích cực và tiếp tục giữ gìn nêu cao vị thế chùa Tam Bảo trong lòng Giáo hội Phật giáo tỉnh Kiên Giang. HT. Bổn Châu cùng với HT. Danh Nhưỡng đi tiên phong trong việc vận động thành lập Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Kiên Giang. Trong ba kỳ Đại hội Đại biểu Phật giáo nhiệm kỳ I, nhiệm kỳ II, nhiệm kỳ III. Tất cả các nhiệm kỳ nêu trên đều chọn chùa Tam Bảo làm nơi diễn ra Hội nghị. Với vai trò là Văn phòng của Ban Trị sự, nên tất cả những cuộc hội họp dẫn đến những quyết định quan trọng trong những nhiệm kỳ đầu tiên đều diễn ra tại chùa Tam Bảo. Với vị thế là trung tâm Phật giáo tỉnh nhà, cộng với cơ sở vật chất đầy đủ, khang trang nên chùa Tam Bảo - Rạch Giá thường xuyên được chọn làm nơi diễn ra các sự kiện quan trọng trong Phật giáo. Các khóa An cư Kiết hạ tập trung, các Giới đàn thọ giới, Bố tát trong giai đoạn đầu của Phật giáo tỉnh Kiên Giang đều tổ chức tại đây. Hằng năm, lễ đài Phật đản của Ban Trị sự tỉnh cũng đặt tại chùa Tam Bảo. Bên cạnh nhiều lễ hội văn hóa khác của Phật giáo tỉnh, chùa Tam Bảo cũng thường đứng ra đăng cai tổ chức. Có thể nói, chùa Sắc tứ Tam Bảo - Rạch Giá đã đóng góp rất lớn vào tiến trình phát triển Phật giáo Kiên Giang và đồng hành với dân tộc, trong phong trào đấu tranh giải phóng đất nước, giữ gìn trật tự xã hội, hộ quốc an dân. Chính vì vậy, năm 1988 chùa Sắc tứ Tam Bảo - Rạch Giá được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.
Sau khi HT. Bổn Châu viên tịch, TT. Thích Thiện Chơn trụ trì từ năm 1995 đến năm 2007. TT. Thiện Chơn đã cho trùng tu Chánh điện (1997), Hậu tổ (1998), Tây Lang (1999), xây cất dãy xá cho chư tăng An cư kiết hạ và Đông lang (2001). Thượng tọa cũng là Chánh văn phòng Tỉnh hội. Năm 2010 Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh cho đại trùng tu chùa Tam Bảo lần nữa. Chùa Tam Bảo từ lúc hình thành đến nay đã hơn 120 năm, qua 05 đời trụ trì với bao thăng trầm biến đổi của Phật giáo, của thời cuộc. Nhưng ánh sáng Tam Bảo vẫn tỏa rạng làm giềng mối cho Phật giáo tỉnh Kiên Giang.
Ngày nay, mặc dù chùa Tam Bảo nhiều đời trụ trì đã thay đổi tiếp nối quản lý nhưng chùa vẫn giữ vững vị thế của mình. Với vị trí là Văn phòng của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, vào ngày 25 dương lịch hàng tháng Thường trực Ban Trị sự đều trở về chùa Tam Bảo hội họp giải quyết các vấn đề Tăng sự, và bàn thảo các kế hoạch hoạt động của Giáo hội trong thời gian tới để triển khai đến Ban Trị sự cấp huyện và chư Tăng ni trong toàn Tỉnh biết. Nhờ thế mà Phật giáo Kiên Giang đạt được nhiều thành tựu về công tác tổ chức, công tác Tăng sự trong thời gian qua.
An cư Kiết hạ: Chùa Tam Bảo cũng là trung tâm thường xuyên được chọn làm điểm An cư Kiết hạ tập trung của Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh. Tính đến năm 2016 “Trải qua 35 năm Phật giáo tỉnh Kiên Giang tổ chức được 27 khóa An cư Kiết hạ cho Tăng ni tu học thúc liễm thân tâm trau dồi Giới Định Tuệ theo luật Phật chế. Cấp sổ chứng nhận An cư trên 400 Tăng ni”[2]. Trong 27 khóa đó thì chùa Tam Bảo tổ chức khoảng 20 khóa, nhất là trong khoảng thời gian từ năm 2004 trở về trước (trừ năm 1997 và 2013) thì các mùa An cư đều tổ chức tại chùa Tam Bảo. Hiện nay, để thay đổi không gian tu học, nhiều cơ sở tự viện xây dựng khang trang đủ điều kiện cho chư Tăng ni nội trú trong 03 tháng nên các khóa An cư được tổ chức luân phiên giữa các đạo tràng. Về Tăng có các điểm như chùa Tam Bảo (Rạch Giá), chùa Giác Lâm, chùa Phổ Minh, chùa Phật Quang, chùa Phật Đà. Về trường hạ Ni có chùa Tam Bảo (Hà Tiên), chùa Bửu Sơn, chùa Kiên Tân. Với lợi thế về địa lý, cơ sở vật chất nên chùa Tam Bảo vẫn được xem là điểm An cư lý tưởng cho chư Tăng tu học.
Giới đàn - Bố tát: Bên cạnh việc tổ chức An cư, chùa Tam Bảo cũng là nơi tổ chức nhiều Đại giới đàn nhất cho giới tử. Theo Báo cáo tổng kết 35 năm thành tựu công tác Phật sự. “Ban Trị sự tỉnh đã tổ chức 13 kỳ Đại giới đàn, có trên 1300 giới tử trong và ngoài tỉnh đủ điều kiện thọ giới tu học. Cấp giấy chứng nhận Tăng ni cho gần 500 Tăng ni”. Trong tổng số 13 kỳ Đại giới đàn thì chùa Tam Bảo tổ chức 10 kỳ. Điều đó cũng đã nói lên được vai trò quan trọng của chùa Tam Bảo trong công tác truyền đăng tục diệm. Theo quy định của Ban Trị sự, hiện nay mỗi tháng chư Tăng ni phải tập trung Bố tát một lần. Về phía chư Tăng, hai đạo tràng thường luân phiên tổ chức là chùa Phật Quang và chùa Tam Bảo. Việc tụng Giới không những giúp chư Tăng ni thanh lọc tự thân mà còn tạo nên tinh thần đoàn kết hòa hợp trong Tăng đoàn. Nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo và hướng dẫn Tăng ni, Phật tử sinh hoạt tu học theo đúng Hiến chương GHPGVN, Pháp luật Nhà nước, nâng cao trình độ Phật pháp và nắm bắt những thông tin cập nhật theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Giáo hội. “Từ năm 1998 đến nay, hàng năm thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đều mở khóa Bồi dưỡng trụ trì, hầu hết Chư tôn đức Tăng ni trụ trì trong toàn tỉnh đều tham dự đầy đủ”[3]. Các khóa Bồi dưỡng trụ trì thường tổ chức trong mùa Hạ. Do đó, chùa Tam Bảo vẫn là địa điểm tổ chức nhiều nhất trong khóa Bồi dưỡng trụ trì.
Văn hóa - Lễ hội: Chùa Tam Bảo có những đóng góp tích cực cho các hoạt động Văn hóa - Lễ hội của Phật giáo tỉnh Kiên Giang. Cụ thể, Lễ đài Phật đản của Ban Trị sự thường được đặt ở chùa Tam Bảo làm lễ đài chính của Phật giáo tỉnh Kiên Giang. Đây là đại lễ nhằm tôn vinh sự ra đời của đức Phật và được chọn làm ngày lễ Văn hóa tôn giáo của Liên hiệp quốc. “Đặc biệt, tại chùa Tam Bảo còn có một thư viện Phật giáo tập hợp trên 1.000 đầu sách Phật giáo các loại để đọc giả trong và ngoài tỉnh tham khảo”[4]. Vào mùa tháng 07 hàng năm chùa đều có tổ chức Đại lễ Trai đàn Chẩn tế cầu siêu. Lễ Cầu siêu cho người bị tai nạn giao thông và lễ hiệp kỵ Chư tôn đức hữu công trong Phật giáo. Việc làm này thể hiện lòng tri ân của Tăng ni Phật giáo Kiên Giang đối với các bậc tiền bối hữu công đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc!
Về hướng dẫn Phật tử tu học: Hiện nay toàn tỉnh có 65 đạo tràng sinh hoạt tu học thường xuyên theo nhiều pháp môn khác nhau như: Đạo tràng Bát quan trai, Đạo tràng Niệm Phật, Đạo tràng tu thiền, Đạo tràng Pháp Hoa... với số lượng tham gia khoảng 8.000 Phật tử. Trong đó, chùa Tam Bảo - một trong những đạo tràng lớn của tỉnh. Chùa đã tổ chức nhiều chương trình tu học cho Phật tử cụ thể là khóa tu Bát quan trai tổ chức hàng tuần vào ngày chủ Nhật, thu hút gần 100 Phật tử tham dự. Đặc biệt, tại chùa Tam Bảo còn có khóa tu Tổ sư thiền do TT. Thích Minh Hiền (Thượng tọa là đệ tử Hòa thượng Thích Duy Lực) trụ trì chùa Phật Đà Tp. Hồ Chí Minh trực tiếp hướng dẫn. Mỗi tối chùa đều có thời khóa Nhật tụng cho Phật tử trong địa bàn Rạch Giá về tụng kinh, bái sám. Với các khóa tu thường xuyên như vậy, tạo điều kiện cho Phật tử tới lui tu học, gắn kết giữa chư Tăng và Phật tử trong các công tác Phật sự ở chùa.
Hoạt động Từ thiện Xã hội: Vào những năm 1939-1940 chùa Tam Bảo được HT. Trí Thiền cùng với các đồng chí sư Thiện Chiếu, sư Pháp Linh đã phát triển các hoạt động từ thiện như mở cô nhi viện, phòng thuốc Nam miễn phí, mở lớp học bình dân... mang lại an vui, lợi lạc cho chúng sinh, góp phần giảm thiểu những khó khăn trong đời sống, giảm thiểu nỗi khổ niềm đau. Những việc làm này của chùa Tam Bảo vừa có giá trị đối với đời sống vật chất lẫn tinh thần. Vào những năm đầu giải phóng, đất nước ta nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng gặp nhiều khó khăn về thuốc men trị bệnh. Năm 1980 chùa Tam Bảo đã mở phòng thuốc Nam miễn phí, xem mạch, hốt thuốc trị bệnh cho nhân dân. Phòng thuốc lấy tên một vị Thiền sư lương y nổi tiếng của Việt Nam - Tuệ Tĩnh đường. Hiện nay Tuệ Tĩnh đường chùa Tam Bảo vẫn là một địa chỉ từ thiện. Mỗi năm khám và chữa bệnh miễn phí cho hàng ngàn người bệnh nhân nghèo. Về hoạt động khám chữa bệnh thầy Thiện Hữu quản chúng chùa Tam Bảo cho biết: Hàng ngày phòng thuốc Nam hoạt động vào buổi sáng, trung bình khám và chữa bệnh cho hàng chục bệnh nhân, nhiều bệnh nhân ở các huyện vùng xa cũng tới khám. Mỗi năm chùa Tam Bảo còn hưởng ứng lời vận động của Ban từ thiện Phật giáo tỉnh và các hoạt động xã hội đóng nhiều tài vật để cứu trợ đồng bào tỉnh Kiên Giang. Chùa cũng vận động đồng bào Phật tử, các mạnh thường quân tổ chức nhiều chuyến đi thiện nguyện, phát quà từ thiện, thăm khám phát thuốc miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn. Việc làm của chùa Tam Bảo thể hiện tinh thần tương thân tương ái, đồng hành với dân tộc, xây dựng quê hương đất nước.
Tóm lại, chùa Tam Bảo từ khi thành lập đến nay hơn 200 năm trải qua bao biến đổi thăng trầm theo lịch sử nhưng vẫn giữ được vị trí quan trọng của mình trong tiến trình hình thành và phát triển Phật giáo tỉnh Kiên Giang. Kể từ khi HT. Trí Thiền về trụ trì năm 1913, chùa Tam Bảo trở thành trung tâm hoạt động Phật sự Phật giáo ở Kiên Giang. Chùa là trụ sở hội Phật Học Kiêm Tế, hội Phật Học Nam Việt, là Văn phòng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Kiên Giang. Dù trải qua từng thời kỳ thăng trầm biến đổi nhưng chùa Tam Bảo vẫn thể hiện giá trị lịch sử của mình trong tiến trình phát triển Phật giáo ở Kiên Giang và luôn đồng hành với dân tộc trong các hoạt động xã hội. Có thể nói lịch sử chùa Tam Bảo đã đóng phần nòng cốt, chủ đạo trong lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo tỉnh Kiên Giang.
[1] Thích Giác Phước chủ biên (2002), Lược sử những ngôi chùa ở Kiên Giang, Nxb Tp.HCM, tr. 20.
[2] GHPGVN tỉnh Kiên Giang (2016), Báo cáo Thành tựu Phật sự 35 năm của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang, Trích trong Kỷ yếu kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN (07/11/1981 – 07/11/2016), Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kiên Giang ấn hành, tr. 35.
[3] Ban thông tin truyền thông Phật giáo tỉnh Kiên Giang (2017), Văn kiện Đại hội Đại biểu Phật giáo Kiên Giang nhiệm kỳ IX (2017 -2022), Ban Trị sự GHPG tỉnh Kiên Giang ấn hành, tr. 10.
[4] Ban thông tin truyền thông Phật giáo tỉnh Kiên Giang (2017), Văn kiện Đại hội Đại biểu Phật giáo Kiên Giang nhiệm kỳ IX (2017 -2022), Ban trị sự GHPG tỉnh Kiên Giang ấn hành, tr. 119.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
Bình luận bài viết