TÌM HIỂU PHẠN BẠI QUA CÁCH TRÌ TỤNG Ở CHÙA LINH THỨU - ĐÀI LOAN
TÌM HIỂU PHẠN BẠI QUA CÁCH TRÌ TỤNG
Ở CHÙA LINH THỨU - ĐÀI LOAN
LÊ HẢI ĐĂNG
Phạn bại theo nghĩa rộng nhằm chỉ âm nhạc Phật giáo Trung Quốc có nguồn gốc Ấn Độ, còn theo nghĩa hẹp, bao gồm các lối tán, tụng, vịnh kinh... “Từ điển Nho Phật Đạo” viết: “Phạn bại – Âm nhạc Phật giáo, tức bài kệ tán, tụng tán, một loại âm nhạc có đầy đủ tính chất ngâm tụng, bắt nguồn từ Ấn Độ cổ đại, bao gồm cả hai bộ phận ca tán và vịnh kinh. Sau khi truyền vào Trung Quốc, vịnh kinh dần dần biến thành chuyển độc, chuyên lấy vịnh kinh làm chính. Ca tán còn gọi là xướng kinh hoặc xướng tán, nhưng vẫn gọi là Phạn bại”.
Theo truyền thuyết: “Trần Tư Vương Tào Trực thời Tào Ngụy du ngoạn Ngư Sơn nghe trong không trung có tiếng nhạc Ấn Độ… rồi bắt chước gọi tên là Phạn bại, từ đó biên soạn thành văn tự, chế tác ra âm thanh để truyền cho đời sau”. Tương truyền, những âm thanh xuất hiện trên không trung rơi xuống trần gian đó sau này trở thành nhạc khúc Phật giáo mà các tăng nhân chuyển hóa công năng thành Phạn bại với hai bộ phận Nội tu và Ngoại hoằng.
Đứng ở góc độ âm nhạc, Ấn Độ và Trung Quốc có sự khác biệt nhau một cách rõ rệt. Dù quá trình tiếp biến văn hóa Ấn Độ ở Trung Quốc diễn ra dai dẳng từ thời kỳ nhà Hán đến nhà Đường, nhưng âm nhạc Trung Quốc về cơ bản vẫn dựa trên nền tảng của điệu thức 5 âm 7 thanh, trong khi âm nhạc Ấn Độ có tới 22 âm, hiểu là trong một quãng 8 chia làm 5, 7 hoặc 22 âm. Sự xuất hiện những quãng âm nhỏ đan xen nhau giữa một quãng 8 khiến cho âm nhạc Ấn Độ biến hóa vi diệu nhằm tạo nên đặc trưng riêng.
Trong “Quan Thế Âm Bồ tát Phổ môn phẩm” viết: “Phạn âm là âm thanh thủy triều, hơn mọi âm thanh nơi thế gian này”. Đó là lời tán thán của người đời sau dành cho âm nhạc Phật giáo. Nói chung, Phạn bại là thứ thanh âm thanh tịnh dùng để tán thán công đức Phật, tuyên xướng Phật pháp, thâu nhiếp ba nghiệp thân khẩu ý. Phạn bại bắt nguồn từ Ấn Độ, nhưng sau khi du nhập Trung Quốc đã từng bước chuyển hóa, bản địa hóa theo văn hóa truyền thống nước này.
Phạn bại từ lâu đã trở thành một lối tán, tụng, ngâm vịnh... xuất hiện trong hoạt động nghi quỹ Phật giáo Trung Quốc. Tất nhiên, không phải nơi nào người ta cũng dùng chữ Phạn bại mà tùy từng lưu phái, truyền thống văn hóa địa phương hay tộc người, như lễ nhạc Phật giáo Triều Châu (nhóm Tịnh xá Sư Trúc Hiên, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh) có lối tụng Pháp âm, thực chất là Phạn bại.
Phạn bại kết hợp giữa ba yếu tố: âm nhạc, văn học và nghi thức. Theo “Truyện Cao Tăng” viết: “Tập quán Thiên Trúc gọi mọi hình thức ca vịnh pháp ngôn đều là Bại. Ở đây, người ta vịnh kinh bằng lối chuyển độc, ca tán gọi là Phạn bại.” Nghi quỹ là trật tự sinh hoạt chung của giới tăng nhân tu hành nhằm thể hiện kỷ luật, trong đó Phạn bại là thủ pháp tuyên xướng pháp nghĩa trong hoạt động nghi thức. Xét từ hoạt động thường nhật của Tăng đoàn Phật giáo, như làm việc, nghỉ ngơi, chuông sáng, khóa sáng, quá đường dùng chay, khóa tối, chuông chiều… có thể thấy Phạn bại xuyên suốt từ đầu chí cuối.
Theo “Đại trí độ luận” quyển 4, viết: Phạn bại có 5 đặc tính: “Thâm sâu như sấm, trong trẻo vang xa, nghe thấy sảng khoái, nhập tâm kính ái, ý nghĩa dễ hiểu, nghe không biết chán”. Đặc điểm ấy thể hiện thành tính chất âm thanh như du dương, thanh tịnh, trang nghiêm, điềm tĩnh, hòa nhã, bình ổn, an định... Đó đều là những tính từ chỉ tính chất âm nhạc của Phạn bại. Xét ở khía cạnh này, có thể thấy những đặc tính ấy tự thân không nằm bên trong Phạn bại mà ở cách thức thể hiện được ký thác trên năng lực hành vi của người trì tụng. Trong số đặc trưng trên, có những tính chất trở thành giá trị phổ biến trong hoạt động nghệ thuật, thậm chí là cảnh giới mà các nghệ sĩ thực thụ đạt tới, như bình ổn, điềm tĩnh, trang nghiêm, an định... Giống như tăng nhân đạt tới cảnh giới đại định, nghệ sĩ bậc thầy cũng có khả năng tạo nên tính chất âm thanh du dương, điềm tĩnh, thanh tịnh, trang nghiêm, hòa nhã… trong nhiều loại hình âm nhạc. Đối với từng thể loại âm nhạc, tính chất này lại tiếp tục chuyển hóa qua nhiều phong cách, phương diện khác nhau. Âm nhạc Phạn bại sau khi du nhập chùa Linh Thứu, Đài Loan tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi tập quán văn hóa địa phương. Cho dù tên gọi thể loại giữ nguyên hay thay đổi, nhưng đặc điểm âm nhạc đã bản địa hóa, xét về mặt âm nhạc.
Tham chiếu 3 CD “Linh Thứu sơn chế” mang ký hiệu số 1, “Morning & Evening Chanting”, “Văn hóa Linh Thứu Sơn” phát hành, trong đó:
CD 1 Khóa sáng có thời lượng 59’49, gồm các nội dung: Đại Phật đỉnh thủ Lăng nghiêm chú, Đại bi chú, Thập tiểu chú, Bát nhã Ba la mật tâm kinh, Ma ha Bát nhã Ba la mật đa, Kệ hồi hướng, Thích Ca Phật tán Phật kệ, Tứ sinh cửu hữu, Tam quy y, Nam mô Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ tát, Thiện nữ thiên chú, Vi Đà tán.
CD 2 (Đơn nhật vãn khóa), thời lượng 46’48, gồm: Phật thuyết kinh A Di Đà, A Di Đà Phật tán Phật kệ, Quán văn, Từ Vân sám chủ Tịnh thổ văn, Kệ Phổ Hiền cảnh chúng, Tam quy y, Nam mô Già Lam thánh chúng Bồ tát, Đại bi chú, Già Lam tán.
CD 3 (Song nhật vãn khóa), thời lượng 48’53 gồm: Đại sám hối văn, A Di Đà Phật tán Phật kệ, Quán văn, Kệ phát nguyện Đài Từ Bồ tát, Kệ Phổ Hiền cảnh chúng, Tam quy y, Nam mô Già Lam thánh chúng Bồ tát, Đại Bi chú, Già Lam tán.
Về âm nhạc, cả 3 CD đều có tính chất chung.
Trước hết, pháp khí sử dụng, gồm: linh, khánh, chuông, trống, mõ. Linh (chuông nhỏ) tấu trước, khánh dùng để ngắt câu, đoạn.
Đứng ở phương diện nhạc khí, các pháp khí trên đều thuộc bộ gõ, trống thuộc Họ màng rung; khánh, linh, chung thuộc Họ thân vang. Trong hoạt động Pháp sự nói chung, nhạc khí gõ được huy động tối đa xuất phát từ nhiều nguyên nhân: thứ nhất, chúng là những nhạc khí tối cổ đóng vai trò khí cụ trấn áp động vọng lẫn tà ma; thứ hai, trì tụng là hoạt động thanh nhạc, người trì không thể sử dụng nhạc cụ hơi. Nhạc cụ dây khó triển khai trong điều kiện vừa diễn xướng và diễn tấu. Tăng nhân trì trú đóng vai trò kép, vừa diễn xướng, vừa diễn tấu. Trong trường hợp này, lựa chọn nhạc khí hơi là không khả thi, nhạc khí dây khó thực hiện. Trong khi, nhạc khí gõ đóng vai trò giữ nhịp, có lợi thế đối với hoạt động tập thể, làm việc nhóm, đòi hỏi sự thống nhất về động tác, tốc độ, đường nét giai điệu… Vì thế, nhạc cụ gõ vừa đắc dụng về mặt tác nghiệp, vừa mang giá trị biểu trưng của nghi lễ.
Đó là xét về phương diện nhạc cụ, pháp khí hỗ trợ trì chú. Còn cách thức trì chú, một phương diện thuộc về diễn xướng, tăng chúng triển khai bằng hình thức tập thể, giống như hợp xướng, trong đó một nhóm xuất phát trước và một nhóm thừa tiếp. Hình thức này giống thể loại Canon trong âm nhạc Phức điệu. Canon có nghĩa là “bè đuổi”. Phạn bại sử dụng thủ pháp trên có lẽ xuất phát từ mục đích duy trì tính chất liên tục trong cách thức trì tụng. Ở Nhạc lễ Phật giáo Triều Châu, lối tụng này gọi là Pháp âm, các vị Kinh sư trì tụng nối tiếp nhau không ngừng nghỉ. Có điều, Phạn bại của tăng chúng chùa Linh Thứu có cách thức nối tiếp không đồng nhất trên một quãng âm, nên tự làm thành hai đường tuyến giai điệu, giống như âm nhạc phức điệu.
Về hình thái giai điệu, Phạn bại mặc dù triển khai trên thang 5 âm (cung, thương, giốc, chủy, vũ), thỉnh thoảng xuất hiện thêm âm biến chủy (âm thứ 6), nhưng chủ yếu có 3 âm: thương, giốc, chủy. Thang 5 âm hay 6 âm chỉ xuất hiện ở đầu và cuối bài tán với tính chất xướng tán. Ở hai giai đoạn (đầu và cuối), giai điệu triển khai ở tốc độ chậm, có phần tự do về nhịp cho phép tăng nhân huy động nhiều cao độ tham gia vào quá trình diễn xướng. Khi tốc độ gia tăng, 5 âm rút gọn lại còn 3 âm, đồng thời mối tương quan giữa các trường độ nối tiếp nhau cũng co ngắn lại một cách tương ứng. Vì thế, trong nhiều trường hợp, âm đầu câu (kệ) trở thành một âm hoa mỹ, hiểu là âm dùng để tô điểm. Ở trường hợp khác, như bài Kinh Lăng nghiêm Khóa sáng (Tảo khóa), một câu kệ có 8 chữ, 4 chữ đầu tương ứng với âm trên cao, 4 chữ sau di chuyển xuống 1 quãng 3 (thứ), trước khi đổ về chữ cuối cùng (chữ thứ 8) giai điệu nhích lên một quãng 2 rồi trở về âm gốc, tựu trung có 3 âm. Ba âm này lặp đi lặp lại theo xu hướng tăng dần tốc độ. Tất nhiên, tốc độ nhích lên dần dần, một thủ pháp chuyển âm cho người nghe cảm giác bình ổn, điềm tĩnh, khoan thai. Thủ pháp tăng dần tốc độ về cuối nhạc khúc phổ biến trong âm nhạc Ấn Độ. Sau khi truyền vào Trung Quốc, tập quán thẩm mỹ ấy vẫn tiếp tục duy trì, đặc biệt đối với các bài niệm trong nghi thức Nhiễu Phật. Trên nền nhạc đệm của các pháp khí, nét giai điệu của Phạn bại lặp đi lặp lại theo xu hướng nhanh dần, khi xuất hiện 3 tiếng chuông (khánh) báo hiệu sắp đến hồi kết.
Trong các loại hình nhạc lễ thường thấy hàng âm khá đơn giản, chúng có dạng lặp đi lặp lại trên một âm hình ổn định. Dù diễn xướng hay diễn tấu, sự xuất hiện các âm hình ổn định, lặp đi lặp lại cho thấy khả năng phối hợp nghi thức ở những loại hình nghệ thuật này. Nhằm thống nhất động tác, người sử dụng âm nhạc thông qua các âm hình tiết tấu ổn định, lặp đi lặp lại hoặc trì tục (duy trì trường độ dài liên tục) để người thực hành nghi lễ cảm nhận được chu kỳ âm thanh vốn là thứ hiệu lệnh vô hình giúp họ triển khai nghi thức. Nhiều loại hình âm nhạc, sau khi tách từ nhạc đàn ra khỏi nhạc hát, tính chất ấy vẫn bảo lưu, như cồng chiêng Tây Nguyên, phần hát Thủ tục trong Sắc bùa hay giọng lề lối ở hát Quan họ... Đứng ở góc độ âm nhạc, người ta không khỏi phàn nàn về tính chất đơn điệu của chúng, nhưng đứng ở góc độ nghi lễ, đây là sự cần thiết nhằm thống nhất mục đích và đối tượng trong hoạt động nghi lễ.
Phạn bại sinh ra không nhằm mục đích thưởng thức nghệ thuật, nhưng với giá trị âm nhạc, cũng như nghệ thuật tự thân lọt vào địa hạt thẩm mỹ trở thành một loại hình nghệ thuật độc đáo bảo lưu, gìn giữ trong không gian trang nghiêm của tự viện. Suốt chiều dài lịch sử nghệ thuật cho thấy, nhiều loại hình âm nhạc vốn không bắt nguồn từ mục đích tiêu khiển của nghệ thuật, nhưng lại vươn tới vẻ đẹp toàn hảo bởi phẩm tính kiền thành của người sáng tạo. Nhờ đó, chúng ta thừa hưởng gia tài âm nhạc vô cùng phong phú trong truyền thống âm nhạc Phật giáo.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 21 – THÁNG 7 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 20 – THÁNG 4 NĂM 2017 (PL. 2560)
Bình luận bài viết