Thông tin

TÌM HIỂU PHẬT GIÁO NGHỆ AN TRONG LỊCH SỬ

 

PGS.TS NGUYỄN CÔNG KHANH*

 

1. Đôi nét về Phật giáo Việt Nam trong lịch sử

Phật giáo du nhập vào Giao Châu từ rất sớm: những năm đầu Công nguyên, và nhanh chóng được đông đảo quần chúng nhân dân thời đó đón nhận. Phật giáo được coi như là một đối trọng với Nho giáo và âm mưu đồng hóa về văn hóa của chính quyền đô hộ phương Bác. Đặc điểm chung của thời kỳ này là Phật giáo phát triển rộng khắp, vừa ảnh hưởng trực tiếp của Phật giáo Ấn Độ vừa tiếp thu những ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ hơn. Ảnh hưởng của Phật giáo từ Trung Quốc được ghi nhận bởi hai dòng Thiền Tì ni đà lưu chi và Vô Ngôn Thông. Phật giáo vào Giao Châu từ rất sớm. Có rất nhiều ý kiến nhất trí là tôn giáo này vào Giao Châu bằng cả con đường biển từ phương Nam và bằng đường bộ từ phương Bắc. Khi vào xứ ta, Phật giáo lại biến dạng cho phù hợp với phong tục tập quán địa phương hoặc do chế biến của các sư tăng Trung Quốc hoặc các sư tăng Ấn Độ từ lâu sống ở Trung Quốc. Đạo Phật khá phát triển ở Giao Châu. Ở đời Hán có ba trung tâm Phật giáo thì Luy Lâu (Giao Châu) là một trong số đó và có thể có sớm hơn hai trung tâm Bành Thành và Lạc Dương ở Trung Quốc.

Phật giáo có thể du nhập và phát triển nhanh chóng ở Giao Châu vì, bản thân đạo Phật dễ dàng chung sống với phong tục tập quán địa phương tự mình uốn theo phong tục tập quán chấp nhận tư tưởng, tín ngưỡng sẵn có như: Thuyết nhân quả, nghiệp báo, Luân hồi. Một số tư tưởng Phật giáo, Phật tử có đóng góp cho phong trào chống Hán, Đường

Nhiều nhà sư được mời sang Trung Quốc để giảng kinh cho vua Đường. Các danh sư người Việt như Vân Kỳ, Mộc xoa đề bà, Trí Hạnh, Đại Thắng Đăng … giỏi chữ Phạn đã sang Ấn Độ. Cuối thời Bắc thuộc, trên đất An Nam đô hội phủ mọc nhiều chùa chiền. Mỗi chùa trở thành một trang viện cho các hào chủ. Phật giáo góp phần tạo thành một tầng lớp tri thức bản địa. Phật giáo đã nhập thế giúp các hào trưởng, cự tộc lãnh đạo nhân dân, khiến cho lịch sử phát triển Phật giáo Việt Nam thời kì này gắn vớí cuộc đấu tranh giành tự chủ thắng lợi.

Đến thời quốc gia Đại Việt được thành lập vào TK X, các nhà sư vừa học Nho giáo, vừa học Phật giáo. Phật giáo giúp các vua cai trị, nhất là trong công việc đối ngoại. Thời Lý Trần, chủ yếu các nhà sư làm công tác ngoại giao. Vai trò của các nhà sư thời Ngô, Tiền Lê, Lý, Trần rất lớn: Sư Ngô Chân Lưu là quân sư cho Ngô Quyền, sư Vạn Hạnh giúp Lê Đại Hành, Lý Công Uẩn. Nhà Lý Trần dựa hẳn vào Phật để cai trị. Nhà Lý coi Phật giáo là quốc giáo, nhà Trần coi Phật như tôn giáo Nho như trị đạo. Nhà Lý gắn liền với vai trò của các vị sư như Viên Thông, Đạo Hạnh, Minh Không, Giác Hải ... Nhiều vị là quốc sư, có thế lực kinh tế, chính trị lớn. Đạo Phật thịnh hành là một trong những điều kiện cho việc ra đời văn minh Đại Việt TK XI - XVI. Ở thời Trần, mặc dầu Phật giáo còn giữ vị trí chính trị quan trọng song các nhà sư không còn làm chính trị nữa, lui về với cư trú của mình là chùa chiền, nhường chỗ cho Nho gia đang lên.

Đến thời Lê (cả nhà Mạc nữa) đối với nhà nước thì Nho là quốc giáo, còn trong dân gian Phật vẫn phát triển rất nhanh. Phật giáo có lại vị trí nhất định của mình vào thời Lê Trung Hưng, Lê - Trịnh. Nguyên do là do chiến tranh loạn lạc, mọi người kể cả thống trị và bị trị đều đi tìm liều thuốc an thần ở Phật giáo. Thời Trịnh Nguyễn, Phật giáo cũng được chú ý:  nhiều chùa chiền được xây dựng, trung tu. Nhà Nguyễn về sau dù không ủng hộ Phật giáo, dùng Nho làm quốc giáo, song Phật giáo vẫn tồn tại trong thực tế.

Trong quá trình tiếp xúc và thu nhận đạo Phật trực tiếp từ Ấn Độ và qua con đường Trung Quốc, giáo lý đạo Phật ở  Việt Nam chủ yếu mang đậm màu sắc của Thiền tông Đại Thừa Trung Quốc. Cao hơn, ở thời Lý Trần, một số vua còn dùng Phật giáo làm cơ sở cho ý thức hệ của mình (Phái Trúc Lâm). Mặt tích cực của đạo Phật đáp ứng với mong mỏi tình thương, lòng bác ái của người dân xứ này. Ngôi chùa từ lâu gắn bó hữu cơ với cảnh sắc  dân tộc "Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt".

Trong văn học dân gian: Phật (Bụt) được nhắc nhiều trong truyện cổ tích. Về mặt ngôn ngữ: chữ Bụt bắt nguồn từ chữ Budda, Boudd, còn chữ chùa là từ chữ Stupa của tiếng Phạn (sanxcrit) là tháp chùa. Đôi khi hình tượng Phật giáo chỉ là cái vỏ bên ngoài, còn tín ngưỡng dân gian là nội dung chủ yếu. Tồn  tại một dòng Phật giáo dân gian mà có người coi như là một sự hoà đồng giữa Phật giáo Ấn Độ với văn hoá Việt Nam truyền thống. Sự cộng sinh ấy cho phép dạng Phật giáo dân gian tồn có mặt lâu dài mà không bị mất đi như một số Thiền phái khác.

Ảnh hưởng Phật giáo khá rõ nét với văn học nói riêng và văn hóa Đại Việt nói chung. Ở thời Lý, số đông thi sĩ là nhà sư. Họ sáng tác theo tinh thần Phật giáo. Thời Trần, văn học Nho giáo dần dần lấn lướt văn học Phật giáo. Từ khi xảy ra khủng hoảng xã hội, ý thức hệ Nho giáo suy giảm thì ảnh hưởng Phật giáo với văn học trở lại. Các tác phẩm văn học lớn thế kỷ XVIII thể hiện rõ điều đó. Đặc biệt với Truyện Kiều của Nguyễn Du, tư tưởng Phật giáo gắn bó như máu thịt.

Qua gần 20 thế kỷ, tư tưởng, văn hoá, đạo đức Phật giáo đã trở thành bộ phận quan trọng trong tư tưởng, văn hoá, đạo đức, hành vi ứng xử của người Việt[1].

Thời kỳ 1920 - 1980: Từ đầu thời kì này có phong trào chấn hưng Phật giáo. Thực dân Pháp và chính quyền Sài Gòn thường dựa vào Công giáo để dựng chính quyền cai trị, chèn ép Phật giáo. Do đó, ở miền Nam có nhiều phong trào Phật giáo phản kháng, tạo ra nét riêng nhất định giữa Phật giáo hai miền. Ở miền Bắc, tổ chức Phật giáo khá thuần nhất.

Từ 1980 đến nay: Đất nước thống nhất, năm 1981, các hệ phái Phật giáo trong nước mở đại hội thống nhất các hệ phái thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội ở cấp Trung ương gồm Hội đồng chứng minh và Hội đồng trị sự. Cấp tỉnh có Ban trị sự, cơ sở có Ban đại diện. Phương châm hoạt động: “Đạo pháp - Dân tộc - CNXH”.

2. Vài nét về Phật giáo Nghệ An trong lịch sử:

Tiếp nối dòng chảy 2000 năm ấy, Phật giáo đã sớm được hưng phát tại đất Nghệ An. Trong số các di tích làng xã có chùa để thờ Phật, có di tích Tháp Nhạn.

Di tích Tháp Nhạn ở xã Hồng Long, huyện Nam Đàn phát hiện vào năm 1985, được coi là một trong những cơ sở Phật giáo hình thành sớm ở Nghệ An. Tháp Nhạn thuộc vào thời kỳ phát triển thứ 2 (thế kỷ VII - IX) của Phật giáo Việt Nam. Tháp Nhạn thuộc dòng Thiền Tì ni đa lưu chi. Dòng Thiền này gồm có các thế hệ truyền thừa như: Pháp Hiền, Huệ Nghiêm, Thông Biện, Định Không v.v... Trong đời Pháp Hiền, sư đã nhận được 5 hòm xá lị và điệp sắc của vua Tùy phân phối cho các chùa ở 5 vùng đất. Cùng với các đất: Phong (Phú Thọ), Trường (Ninh Bình), Ái (Thanh Hóa) và Luy Lâu, đất Hoan (Nghệ An và Hà Tĩnh) cũng nhận được vinh dự đó.

Theo các nhà khảo cổ[2], tại di tích Tháp Nhạn tìm được viên gạch vuông có chữ “Trinh Quán lục niên”[3], có nghĩa là gạch được làm vào thời Đường, niên hiệu Trinh Quán năm thứ 6 (năm 632). Từ đó có thể xác định, di tích Tháp Nhạn được xây dựng vào đầu thế kỷ VII. Tháp được xây toàn bằng gạch, mặt bằng gần hình vuông (9,6m x 9m). Giữa lòng tháp có bệ gạch, dưới bệ gạch có những mảnh thân cây chôn đứng, trong có đặt hộp xá lị (hộp gồm có 2 lớp: lớp ngoài bằng đồng, lớp trong bằng vàng, hai viên xá lị tròn, tro và mảnh hạt gạo cháy)[4].

Việc phát hiện và khai quật Tháp Nhạn cho thấy sự kết hợp các yếu tố văn hóa Việt - Ấn - Hoa trong nghệ thuật Phật giáo đương thời nói chung, của người dân Nghệ An nói riêng. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các yếu tố: yếu tố Trung Quốc (vật liệu và hoa văn trang trí), yếu tố Ấn Độ (hộp xá lị đặt giữa thân cây chôn đứng) và truyền thống mai táng người chết trong quan tài bằng thân cây khoét rỗng của người Việt từ thời Văn hóa Đông Sơn. Như vậy, cơ tầng văn hóa Việt - Ấn đã đóng góp vai trò lớn vào cuộc đấu tranh của người Việt chống đồng hóa của phương Bắc trong 1.000 năm Bắc thuộc.

Tháp Nhạn nằm ở cực nam Giao Châu, nơi mà thư tịch cổ ghi đã nhận được sự phân phối xá lị của sư Pháp Hiền xây dựng trong khoảng thế kỷ VII. Với quy mô to lớn, xây cất công phu, trang trí khá đẹp, Tháp Nhạn là một chứng tích về sự phát triển rộng khắp của Phật giáo ở Việt Nam. Như vậy, chùa tháp ở Việt Nam lúc này đã trải hầu khắp Giao Châu. Dấu vết các chùa tháp thời kỳ này đã bắt đầu được phát hiện và nghiên cứu. Cùng với sự lớn mạnh về lực lượng sư tăng và tín đồ, Phật giáo Việt Nam cũng trưởng thành về trình độ và ý thức, có uy tín và vai trò xã hội, thực sự tham gia vào cuộc vận động giải phóng dân tộc, cùng toàn thể nhân dân đấu tranh giành lại nền độc lập cho dân tộc ở đầu thế kỷ X, tạo điều kiện cho Phật giáo Việt Nam phát triển trong những thế kỷ sau.

Thời vua Mai Hắc Đế, năm 627 đã chọn đất xây nên ngôi chùa Đại Tuệ trên núi Đại Huệ (Nam Đàn) nổi tiếng là vùng đất thiêng từ rất lâu đời. Sách Nghệ An cổ lục chép rằng về vùng đất này “thời cổ có một ngôi sao sa xuống đỉnh núi, sắc sao sáng loá, hình như sao chổi, sao hoá đá, đá ấy rất thiêng”. Thực tế, sau lưng Chùa là đỉnh động Thăng Thiên (tương truyền đây là nơi người hạ giới lên trời và nơi người trời xuống hạ giới). Phía tây Chùa khoảng 100m có một tảng đá lớn độ 2m3, khi gõ vào thì âm thanh phát ra như tiếng mõ, nên gọi là đá Mõ, phía Đông chếch Bắc có một tảng đá tương tự nhưng gõ vào lại nghe như tiếng chuông đồng gọi là đá Chuông. Ở phía trước Chùa có một tảng đá lớn gọi là Thạch Ngai vì trông giống chiếc ngai vàng

Từ khi đất nước giành được quyền tự chủ, trên nền tảng của một nền kinh tế phát triển, diện mạo văn hóa ở Nghệ An trong các thế kỷ này cũng có đôi nét khởi sắc. Dưới triều Lý, nhiều công trình kiến trúc tôn giáo (đặc biệt là Phật giáo) được xây dựng với quy mô to lớn nhưng chủ yếu tập trung ở Thăng Long, Kinh Bắc. Nghệ An là vùng đất biên viễn, là địa bàn thường xảy ra chiến sự với Chiêm Thành, Chân Lạp nên điều kiện xây dựng các công trình kiến trúc rất khó khăn, và trên thực tế về phương diện này, triều đình Lý - Trần ít quan tâm. Mặc dù không nhiều nhưng trên đất Nghệ An thời Lý - Trần cũng đã xuất hiện một số công trình kiến trúc Phật giáo. Các vua, thân vương... về Nghệ An chiêu mộ binh sỹ đánh đuổi quân xâm lược, nhiều ngôi chùa đã được Nhà nước quân chủ cho xây dựng và khuyến khích nhân dân công đức lập chùa. Theo Đại Việt sử ký toàn thư,  năm Quý Sửu (1073), “Thái sư Lý Đạo Thành lấy chức Tả gián nghị đại phu ra coi châu Nghệ An. Đạo Thành làm viện Địa tạng ở trong miếu Vương thánh châu ấy, ở giữa viện đặt tượng Phật và vị hiệu của [Lý] Thánh tôn, sớm hôm thờ phụng”[5]. Ở làng Bụt Đà (Phật Kệ, Đà Sơn, Đô Lương), xưa kia dưới chân núi Đà có chùa Bụt Đà, trên đỉnh núi lại có am, viện để thờ Phật. Theo sử thần Ngô Sĩ Liên, các công trình trên là do Thái sư Lý Đạo Thành lập ra để thờ Lý Thánh Tông trong thời gian ông làm Tri châu ở Nghệ An[6].

Theo Thiền uyển tập anh, chùa Quốc Thanh, núi Bí Linh phủ Nghệ An từng là nơi tu  của sư Tĩnh Giới đời Lý Cao Tông.

Dưới thời Lý, ở Nghệ An cũng xuất hiện những thiền sư có trình độ Phật học khá cao, thí dụ như Thiền sư Y Sơn. Về ông, Sách Thiền uyển tập anh viết: “Thiền sư Y Sơn tu ở chùa Đại Từ, trường Đại Thông, huyện Long Phúc. Sư họ Nguyễn, người ở Cẩm Hương, phủ Nghệ An. Sư hình dung tuấn tú, nói năng hoạt bát. Lúc bé, sư học Nho thông kinh sử, chọn bạn giao du đều được tiến ích, nhất là kinh điển Phật giáo sư lại càng chú ý nghiên cứu. Năm 30, tuổi sư xuất gia theo học một vị trưởng lão trong làng, rồi đến thụ nghiệp Viên Thông Quốc sư ở Kinh đô, được Quốc sư truyền tâm ấn. Sau khi đắc đạo, sư đi hành hóa và tế độ chúng sinh. Những của thập phương quyến cúng, sư đều đem dùng hết vào việc thờ Phật. Sư từng soạn bài văn phổ khuyến, có câu:

“Điếu danh thị lợi, gia như thủy thượng phù âu

Thực phúc chủng duyên, tận thị hung trung hoài bảo”.

Tạm dịch:

Ham lợi mua danh chẳng khác bọt trôi trên mặt nước

Cấy phúc, gieo duyên, mới là của báu trong lòng....

Về già, sư đến trụ trì ở chùa Nam Vô ở làng Yên Lãng... Ngày 18 tháng 3 năm Quý Dậu, niên hiệu Kiến Gia năm thứ 3 (1213), sư viên tịch[7].

Ngoài ra, trên núi Hùng Sơn, xã Nghĩa Liệt, huyện Hưng Nguyên có ngôi chùa Yên Quốc cũng được xây dựng trước thế kỷ XV. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết, Nguyễn Biểu đã tử tiết tại chùa này[8]. Vị sư trụ trì chùa Yên Quốc có bài thơ cầu siêu cho Nguyễn Biểu như sau:

“Chói chói một vừng tuệ nhật

Đùn đùn mấy đóa từ vân

Tam giới soi hòa trên dưới

Thập phương trải khắp xa gần

Giải thoát lần lần nghiệp chướng

Quang khai chốn chốn mê tân

Trần quốc xảy vừa mạt tạo     

Sứ Hoa bỗng có trung thần

Vàng đúc lòng son một tấm

Sắt rèn tiết cứng mười phân

Trần kiếp vì đâu oan khổ

Phương hồn đến nỗi trầm luân

Tế độ dặn nhờ từ phiệt

Chân linh ngõ được phúc thần”[9]

Sang thế kỷ XV, Hồ Quý Ly đã trùng tu xây lại khang trang để thờ Phật bà Đại Tuệ. Tương truyền trong một đêm ngủ say, nhà vua mơ thấy Bà chỉ vẽ cho cách xây thành Đại Huệ làm căn cứ chống giặc Minh mà trước đó ông xây mãi không thành.

Từ thời Lê sơ, ở Nghệ An có những ngôi chùa được dựng mới hoặc trùng tu.  Theo Trùng tu Quang Phúc tự bi thì chùa Quang Phúc, xã Lộc Điền (Hưng Nguyên) ở nơi đệ nhất danh lam, có núi Nghĩa Sơn, Hồng Sơn, sông Lam bao bọc. Chùa được trùng tu (tu tạo thượng điện, tiền đường, tô tượng...) vào năm 1599. Theo Trùng tu Long Khánh tự bi ký thì chùa Long Khánh (làng Phúc Hậu, Hưng Nguyên) khi trùng tu, đã “tạc tượng Phật bằng đá, sư tử đá...”. Chùa Phổ Am (xã Vạn Lộc, Nghi Lộc), trong lần trùng tu hoàn thành năm 1710 đã “tu tạo thượng điện, thiêu hương gác chuông. Lại đúc pho tượng lớn bằng đồng và tác 5 pho tượng gỗ...”.

Năm 1742, chùa Diệc (Diệc cổ Tùng lâm) được dựng lên tại Vinh. Hai tiếng "Chùa Diệc" trở thành niềm yêu mến của người dân thành phố Vinh từ lâu rồi - ngôi chùa lớn nhất ở Vinh và là một trong những ngôi chùa lớn nhất ở Nghệ Tĩnh. Người sáng lập ra ngôi chùa mượn ý trong kinh Phật để đặt tên: diệc bộ diệc xu có nghĩa là cùng bước theo cùng chạy theo (các bậc tu hành đắc đạo để lên cõi Niết Bàn). Dân gian quanh vùng lại giải thích một cách khác đầy mầu sắc huyền bí và tôn nghiêm. Dân gian cho rằng, do cứu đàn diệc do trời phái xuống mà đêm đêm luôn thấy đàn diệc bay lên từ đó, bèn xây chùa gọi là chùa Diệc.

Thuở ban đầu, chùa chỉ là một ngôi nhà gianh nhỏ, tường vách sơ sài, bao quanh bởi khu vườn rậm rạp. Năm này qua năm khác, chim muông kéo nhau về rất đông và khách thập phương về lễ bái tấp nập. Nhân dân trong vùng hưởng ứng sư trụ trì bàn nhau góp công đức, xây dựng chùa khang trang. Những năm tiếp theo, chùa được tu bổ dần.

Chùa tọa trên một khu đất rộng chừng ba ha. Thượng điện dài 13,60 m rộng 8,61 m. Hạ điện dài 10,6 m rộng 8 m. Tam quan với lầu gác chuông đường bệ. Trước tam quan là một cái hồ rộng càng tăng thêm vẻ trang nghiêm và u tịch của nhà Phật. Trong chùa có mười bảy pho tượng mà gương mặt dồn lên nỗi suy tư nhân thế. Phía trong uy nghi và trầm mặc những bức đại tự lưỡng long triều nguyệt, câu đối sơn son thiếp vàng, tòa sen và hương án lung linh ánh nến.

Thiền môn quang phổ độ

Vĩnh thủy viễn trường lưu.

(Cửa Thiền rạng sáng sự tế độ

Nước sông Vĩnh (Vinh) chảy từ xa chảy về vĩnh viễn)

Nhân tâm cầu hòa lạc

Phật pháp thượng tín trung.

(Lòng người cầu mong sự hòa mục

Phép Phật ưa chuộng điều tín trung)

Đặc biệt có hai bia đá lớn, cao 2 m rộng 1 m với những hình chạm khắc tinh vi... Tuy ở cạnh đường thiên lý, nhưng bước vào chùa, du khách bỗng có cảm giác êm ả, thanh tịnh. Lũy cây bao bọc. Vườn tược sầm uất, thơm hương hoa trái, ríu rít chim muông cạnh hồ sen thanh khiết. Ngày nay, ngôi chùa vốn là một trong những địa chỉ văn hóa có giá trị lớn về kiến trúc và lịch sử này hiện nay chỉ còn là phế tích.

Đến năm 1789, Hoàng đế Quang Trung trên đường thần tốc ra Thăng Long đại phá quân Thanh đã chọn vùng đất thuộc khu vực chùa Đại Tuệ làm nơi đóng quân, luyện binh và dâng hương lễ Phật. Sư trụ trì chùa Đại Tuệ thời đó còn giúp Quang Trung tìm ra con đường ngắn nhất ra thành Thăng Long.

Trong các thế kỷ XVII, XIX, Phật giáo đã có độ loang rộng, thấm sâu trong cộng đồng cư dân làng xã Nghệ An, sinh hoạt Phật giáo xứ Nghệ rất phát triển với sự hình thành của nhiều ngôi chùa làng. Trong thế kỷ XIX, trải qua nhiều biến cố thiên tai, nhiều di tích lịch sử bị tàn phá. Riêng trong trận bão lụt năm 1846 đã khiến cho 722 đình chùa ở Nghệ An bị đổ nát. Những trận lụt và hỏa hoạn sau đó đã tàn phá rất nhiều kiến trúc chùa, quán, đình miếu.

Cho đến cuối đời Tự Đức, theo ghi chép của Đại Nam nhất thống chí, Nghệ An, bên cạnh các ngôi chùa đã được kể trên như Chùa Bụt Đà (xã Phật Kệ, Đô Lương) được trùng tu tôn tạo trong các thế kỷ tiếp theo và đến thời Nguyễn vẫn còn một phần kiến trúc cổ, Chùa Đại Tuệ (ở núi Đại Huệ, Nam Đàn); Chùa Yên Quốc (đã được xây dựng từ thế kỷ XIII, đã đề cập ở trên), đến thời Nguyễn, chùa Yên Quốc vẫn còn kiến trúc cổ; còn có những ngôi chùa nổi tiếng sau:

- Chùa Hương Lâm, ở xã Nộn Hồ, huyện Nam Đường (Nam Đàn), phong cảnh đẹp, thơ mộng.

- Chùa Linh Vân, ở xã Yên Trường, huyện Chân Lộc (Nghi Lộc), tương truyền do Cao Biền xây từ đời Đường, phía trước trông ra bến sông, bên cạnh có giếng đá, phong cảnh đáng yêu.

- Chùa Lữ Sơn, ở xã Xuân Áng, huyện Chân Lộc (Nghi Lộc), cũng là một thắng cảnh…

Cho đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, dù trải qua nhiều biến đổi thăng trầm nhưng Phật giáo vẫn luôn tồn tại trong lòng người dân xứ Nghệ.

Ngay từ những ngày đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhiều chùa được sử dụng là nơi tập hợp quần chúng, mở trường dạy học, luyện binh luyện tài tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Với tinh thần Phật pháp bất ly thế gian giác, tăng ni, Phật tử đã hòa cùng với phong trào yêu nước, cách mạng, không ngại khó khăn, đã hiến cúng tất cả tài sản đất đai, ruộng vườn, hương hỏa của chùa để tập trung mọi nguồn lực cho sự nghiệp chung của đất nước.

Xuyên suốt thời gian sau đó, do điều kiện chiến tranh, nhiều tăng ni của tỉnh Nghệ An đã theo tiếng gọi non sông, nhiều chùa chiền trở thành nơi nuôi giấu cán bộ, nhiều cơ sở thờ tự được hạ giải để tập trung cơ sở vật chất ủng hộ phong trào toàn quốc kháng chiến. Khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, đất nước tạm thời chia cắt hai miền, chùa chiền ở Nghệ An đã trở thành những trường học giảng dạy cho trẻ thơ, rồi trở thành nơi sinh hoạt của cộng đồng dân cư, nơi làm việc của trụ sở chính quyền, bệnh xá nhà thương.

Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sau này, các tăng ni Phật tử đã trực tiếp tham gia cách mạng, nhiều chùa chiền trở thành nơi nuôi dấu cán bộ, nhiều cơ sở thờ tự được hạ giải để tập trung cơ sở vật chất ủng hộ phong trào kháng chiến… như chùa Ân Hậu và nhiều chùa khác nữa. Tất cả những hy sinh đó đã góp phần vào sự thắng lợi trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Chiến tranh kết thúc cũng là lúc các cơ sở thờ tự của Phật giáo tại Nghệ An cũng không còn, tiếng chuông, tiếng mõ, hình dáng của tăng ni, Phật tử cũng vắng bóng. Tuy nhiên, trong những năm tháng chiến tranh, bom đạn kẻ thù  cộng với những nhận thức lệch lạc của một bộ phận người dân, nhiều đền chùa ở Nghệ An đã bị tàn phá, giờ  trở thành phế tích. Riêng chùa Cần Linh tại thành phố Vinh còn lại tương đối nguyên vẹn, và là ngôi chùa duy nhất tại Nghệ An có sư trụ trì, dù đơn độc, nhưng tiếng chuông tiếng mõ lời kinh tiếng kệ vẫn được giữ gìn, vang vọng gần xa. Sư đã cùng chính quyền địa phương tham gia nhiều phong trào yêu nước, lợi lạc quần sinh, minh xương Chánh Pháp. Trong quá trình phát triển Phật giáo Đàng Trong (Từ Quảng Bình ra Thanh Hoá), Chùa Cần Linh là điểm dừng chân của Chư tôn đức Trung ương giáo hội trong mỗi chuyến hành hương Phật sự và là cầu nối đạo pháp với Phật giáo các tỉnh Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Kế tiếp truyền thống “tốt đời đẹp đạo” do Ni trưởng Thích Diệu Niệm xây dựng nên, Chùa Cần Linh hôm nay do Ni cô Thích nữ Diệu Nhẫn làm trụ trì đã giữ vững và phát huy được điều đó, trở thành điểm đến tâm linh của người dân xứ Nghệ nói chung, người dân thành phố Vinh nói riêng. Ngôi chùa đã được xây dựng, trùng tu, tôn tạo khang trang và to đẹp hơn. Bên cạnh đó, các tăng ni Phật tử của chùa còn có nhiều chương trình làm từ thiện giúp người nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, thăm tặng quà các mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt với tinh thần từ bi hỷ xả của Đạo Phật.

Ngôi chùa Diệc (Diệc cổ Tùng lâm) tuy chỉ còn là phế tích nhưng hầu như gắn liền với bao biến thiên lịch sử, với bao nhiêu sự kiện trọng đại của Thành phố Vinh. Thời kỳ Cần Vương, vườn cây sầm uất sau chùa là điểm hẹn gặp gỡ của một số nhà Văn thân bàn tính lập mưu đánh Pháp. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, chùa là nơi liên lạc bí mật của Phan Bội Châu cùng với các đồng chí của mình. Tháng 3/1926, Hội Phục Việt đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại chùa Diệc đòi xóa án Phan Bội Châu và truy điệu Phan Chu Trinh. Chùa Diệc là nơi thầm lặng giấu các chiến sĩ cộng sản trong phong trào 30 - 31. Vị sư trụ trì chùa cảm nhận được sự chuyển biến đúng hướng của thời cuộc, đã lặng lẽ cầu kinh niệm phật và theo dõi mọi biến động xảy ra hằng ngày. Vị sư ấy có một cuốn sổ riêng, ghi tên những người đã ngã xuống ở Vinh trong phong trào do Đảng lãnh đạo.

Năm 1926, thầy giáo Lê Thước ở trường Quốc học Vinh (đối diện chùa Diệc) đã phát hiện được văn bản gốc Văn chiêu hồn (tức Văn tế thập loại chúng sinh) của Nguyễn Du đã từng lưu lạc hàng trăm năm mà chưa hề ai nhắc đến tại chùa Diệc. Như một sự tình cờ, Văn chiêu hồn được lưu giữ ở chùa Diệc, cách quê Nguyễn Du chừng 15 km, một ngôi chùa mà huyền thoại như đã sắp xếp để cất giấu tác phẩm đầy nhân ái này. Chùa Diệc càng được người ta nhắc đến như một địa điểm thiêng liêng kết hợp nhuần nhuyễn giữa Đạo và Đời.

3. Các ngôi chùa Phật Nghệ An đang được hồi sinh

Theo số liệu thống kê, trước đây trên địa bàn Nghệ An có tới gần 500 ngôi chùa nhưng đến nay Nghệ An chỉ còn dấu tích của hơn 50 ngôi chùa. Trong đó, gần 30 ngôi chùa được đã UBND tỉnh ra quyết định trùng tu phục hồi. Song, cùng với sức sống bền bỉ của con người xứ Nghệ, Phật giáo trên đất Nghệ An vẫn tồn tại, phát triển trong lòng nhân dân. Không có nhiều nơi chốn để tu tâm hướng Phật nhưng người dân vẫn tìm đến với giáo lý nhà Phật, bằng cách tự thành lập nên những đạo tràng riêng, để hướng tâm mình về với Phật pháp, chỉ là những ngôi nhà nhỏ, hay một chốn chân tu đơn sơ nơi quê nghèo nhưng họ xem đó là bến đậu bình yên của tâm hồn mình giữa cuộc sống đời thường nhiều toan lo. 

Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất của 9 tổ chức hệ phái Phật giáo. Ni trưởng trụ trì chùa Cần Linh là Thích Diệu Niệm đã được suy cử tham gia Uỷ viên hội đồng trị sự khoá I. Sư Thích Diệu Niệm với Đạo Tâm sáng ngời đã trở thành tấm gương soi của tăng ni Phật tử 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh thời đó.

Có thể nói, những năm gần đây Phật giáo đã và đang phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, có ảnh hưởng thiết thực đối với đời sống tâm linh của người dân Việt Nam nói chung, nhân dân xứ Nghệ nói riêng. Bởi tín ngưỡng đạo Phật đã đi sâu vào tâm thức của người dân Việt Nam. hướng tâm hồn các tăng ni Phật tử đến với những việc làm tốt đẹp, ích đời, lợi đạo. Dù đời sống người dân xứ Nghệ còn nhiều  khó khăn nhưng các tăng ni Phật tử vẫn luôn sát cánh, có những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

 Mặc dù hiện nay, trên đất Nghệ An, nhiều ngôi chùa đã trở thành phế tích và chỉ có thể phục dựng được một số ngôi chuà nhất định song trong tín ngưỡng của người dân xứ Nghệ, đức Phật vẫn tồn tại và giáo lý nhà Phật vẫn được xiển dương như chùa Cần Linh, chùa Ân Hậu (Thành phố Vinh), Chùa Đại Tuệ (Nam Đàn), Chùa Lô Sơn ở Cửa Lò, Chùa Viên Quang, Đức Sơn, Vĩnh Phúc … Đặc biệt, ngôi chùa Đại Tuệ nằm trên dãy núi Đại Huệ đã được phê duyệt trùng tu rất quy mô với 4 hạng mục chính: Chùa trình, chùa hạ, chùa trung và chùa thượng. Công trình mang nét kiến trúc văn hóa truyền thống, hài hòa với không gian thanh tịnh và có giá trị hết sức thiết thực cho nhu cầu tín ngưỡng tâm linh và tu học Phật pháp của tăng ni Phật tử Nghệ An và cả nước. Rồi, chùa Gám ở Yên Thành nữa.

Cùng với các tăng ni Phật tử xứ Nghệ, thời gian qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực có sức lan toả trong tâm thức người dân địa phương. Như tổ chức long trọng các đại lễ cầu siêu cho hương hồn các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại nghiã trang liệt sỹ Việt - Lào huyện Anh Sơn. Lễ cầu siêu như một sự tri ân sâu sắc, là nén tâm nhang mà thế hệ hôm nay đã gửi đến các anh, chị - những người đã ngã xuống cho nền độc lập dân tộc.

 Có thể nói, với những bài học mang đậm chất nhân văn trong giáo lý nhà Phật ngay từ buổi đầu đã đồng điệu cùng trái tim nhân hậu của con người Việt Nam, đồng điệu cùng những tâm hồn giàu thương xót và chia sẻ. Đức Phật đã dạy rằng: “cứu nhất nhân đắc kỳ vạn phúc”, (cứu một người phúc đẳng hà sa)... Đó chính là vẻ đẹp luôn được đức Phật răn dạy để hướng tâm hồn con người đến những giá trị đích thực của Chân - Thiện - Mỹ. Điều đó giải thích vì sao Phật giáo đang ngày càng có vị trí hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Việt nói chung, nhân dân xứ Nghệ nói riêng.

Chính vì vai trò to lớn đó của Phật giáo, trong đời sống tâm linh mà điều quan trọng và thật sự cần thiết lúc này là sau khi có Ban trị sự Phật giáo được bầu ra trong Đại hội Đại hội Phật giáo tỉnh Nghệ An lần thứ nhất nhiệm kỳ (2011- 2016) để quản lý, kiện toàn bộ máy Phật pháp, đã có những chương trình hành động cụ thể hướng các tăng ni Phật tử ở Nghệ An vào những hoạt động có tổ chức, có ý nghĩa, đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước quê hương. Nhận thức được vị trí quan trọng của Phật giáo Nghệ An trong quá trình hình thành và phát triển Phật giáo nước nhà, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng và chính quyền, cũng như các hoạt động thiết thực như Hội thảo của chúng ta hôm nay, Phật giáo Nghệ An sẽ tiếp tục phát triển.

Với phương châm hoạt động: Đạo pháp - dân tộc - CNXH của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, dưới dự chỉ đạo của Ban trị sự Phật giáo Nghệ An, các tăng ni Phật tử xứ Nghệ sẽ góp phần tích cực cùng với đảng bộ, chính quyền mặt trận và các tầng lớp nhân dân xây dựng tỉnh Nghệ An ngày một văn minh giàu đẹp, ổn định và bền vững, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phật giáo Nghệ An đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng dân tộc hướng tới một tương lai tươi sáng với nhiều hoạt động ích đời lợi đạo, vì sự phồn thịnh của quê hương.


Chùa Cần Linh là ngôi chùa duy nhất tại Nghệ An có sư trụ trì từ lâu nay

 

Chùa Diệc - trung tâm văn hoá - tín ngưỡng của thành Vinh nhiều giai đoạn trước đây

 

Chùa Đại Tuệ tọa lạc trên núi Đại Huệ, huyện Nam Đàn

 

Chùa Bà Bụt ở Nghệ An



* Đại học Vinh

[1] Bài báo chưa bàn đến Phật giáo ở vùng lãnh thổ phía Nam (Champa, Phù Nam) thời cổ trung đại.

[2]Hà Văn Tấn (chủ biên): Khảo cổ học Việt Nam, tập III. Nxb KHXH, Hà Nội, 2002, tr.13.

[3] Trinh Quán: niên hiệu của vua Đường Thái Tông (Lý Thế Dân). Ông lên ngôi năm 627 và đặt niên hiệu là Trinh Quán năm thứ nhất. Nhà Đường kéo dài từ 608 đến 917.

[4] Hà Văn Tấn (chủ biên) sđd, tr.29-30.

[5] Ngô Sĩ Liên và sử thần triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, sđd, tr. 237.

[6] Ngô Sĩ Liên và sử thần triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, sđd, tr. 237.

[7] Thiền uyển tập anh, Quyển hạ, Bản dịch đánh máy lưu tại Viện Sử học, tr. 130.

[8] Về vị trí của đền Yên Quốc, còn có ý kiến khác. Ông Trần Minh Siêu (Hội Sử học Nghệ An) thì cho rằng: đền Yên Quốc thờ Nguyễn Biểu nằm dưới chân núi Phượng Hoàng, là một nhánh ở về phía bắc của núi Hùng Sơn. Đền Yên Quốc hiện nay tọa lạc trên đất xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên (tức là trên đất xã Nghĩa Liệt xưa).

[9] Thơ văn Lý - Trần, tập III, NXB KHXH, Hà Nội 1978, tr. 515 - 516.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 112
    • Số lượt truy cập : 6369986