TÌM HIỂU TRIẾT LÝ XUẤT THẾ
CỦA CÁC VỊ XUẤT TRẦN THƯỢNG SĨ THỜI KỲ ĐẠI VIỆT
THÍCH THÔNG THỨC, (ĐỖ NGÂY)*
Trải mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam, Phật giáo chỉ hưng thịnh trong những thời đại có những vị “xuất trần thượng sĩ”, mà trong đó Phật giáo thời Lý - Trần có những vị thiền sư kiệt xuất như: Vạn Hạnh, Định Không, Khuông Việt, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ… là minh chứng rõ nét cho nhận định trên. Đó là thời đại mà những vị thiền sư, bằng sự nỗ lực tu hành đã đạt đến giác ngộ, để lại cho hậu thế những giá trị tâm linh mà ngày nay, giới Phật giáo đánh giá cao, học tập và noi theo tinh thần xuất thế của họ.
Về xuất thế, nghĩa là “vượt ngoài thế tục, ra khỏi cõi đời bụi trần”[1]. Từ điển Phật học Hán Việt định nghĩa xuất thế là “chỉ bậc trí đức kiêm bị, sau khi đã làm xong mọi công việc, đến ẩn dật tu dưỡng các chùa chiền”[2]. Trong khi đó, theo học giả Lý Việt Dũng dịch trong tác phẩm Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục: “Xuất thế là ban đầu để chỉ Phật Như Lai xuất hiện tại thế gian, sau dùng để chỉ tăng nhân đắc đạo trụ trì tự viện”[3]. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ trình bày xuất thế theo nghĩa chỉ bậc trí đức kiêm bị, vượt ngoài thế tục, ra khỏi cõi đời bụi trần mà không đề cập đến nghĩa Như Lai xuất hiện tại thế gian.
Qua những định nghĩa trên, có thể hiểu người xuất thế là thẩm định một cách thấu đáo trực giác kiến tánh, biểu hiện qua thái độ sống xa lìa ngã tướng, chấp ngã và ngũ dục… để khai mở Chân tâm, đẩy lùi tất cả chướng ngại (giáo điều, vô minh, tham - sân - si) của Tâm, chuyển hóa chúng trở thành trí vô phân biệt (chấp có - chấp không), trở thành con người thực chứng cho chính mình. Đấy là kết quả tu hành của các vị thiền sư sau khi giác ngộ. Nhằm đạt được mục đích này, về cơ bản, cần thành tựu trên ba phương diện.
Thứ nhất: hành giả, dù ở đời hay đạo, cần giảm thiểu những ràng buộc tầm thường của thế gian như gia đình, quyến thuộc… để chuyên tâm học tập và hành trì đạo giải thoát thông qua ba nguyên tắc cơ bản (giới - định - tuệ). Việc hành trì giới giúp hành giả tránh khỏi những ham muốn đời thường để dần không bị ràng buộc bởi ngũ dục (tài - sắc - danh - thực - thùy) như người ở thế tục. “Chỉn xá tua rèn: Chớ nên tuyệt học. Lay thức chớ chấp chằng chằng; Nén niềm vọng mựa còn xóc xóc. Công danh mảnh đắm, ấy toàn là đứa ngây thơ; Phúc tuệ gôm no, chỉn mới khá nên người thực cốc. Dựng cầu đò, dồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu; Săn hỷ xả, nhuyễn từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc. Rèn lòng làm bụt, chỉn xá tua một sức dồi mài; Đãi cát kén vàng, còn lại phải nhiều phen lựa lọc. Xem kinh đọc lụa. Làm cho bằng thửa thấy thửa hay; Trọng bụt tu thân, dùng mựa lỗi một tơ một tóc…”[4].
Bằng sự chuyên tâm hành trì, đời sống tâm linh của hành giả bắt đầu có bước chuyển mới, đó là trải nghiệm chuyển hóa tâm thức cơ bản để vững chãi tiến vào con đường giải thoát. Đây là điều kiện tiên quyết dành cho những bước chân ban đầu của hành giả.
Thứ hai:Từviệchoàn thành điều kiện cơ bản nêu trên, hành giả vượt thoát khỏi phiền não và hệ lụy thế gian: “con đường ra khỏi thế gian. Chỉ cho việc xa lìa con đường cõi mê hữu vi; tức chỉ cho đạo Bồ đề là con đường chân chính vô lậu, diệt trừ phiền não, dẫn đến Niết bàn”[5]. Đến đây, hành giả không còn bị phiền não chi phối, bằng thiền định, thân được thư thái, tâm được tịch tĩnh (định),“… phép bụt trọng thay; Rèn mới hay. Vô minh hết bồ đề them sang; Phiền não rồi đạo đức say. Xem phỏng lòng kinh, lời bụt thốt dễ cho thấy dấu; Học hỏi cơ tổ, xá thiền không khôn chút biết nây”[6]. Như Điều Ngự Trần Nhân Tông trong buổi “Đại Tham” tại chùa Sùng Khánh bằng bài kệ sau:
Thân như hơi thở qua buồng phổi
Kiếp tựa mây luồn đỉnh núi xa
Chim quyên kêu rã bao ngày tháng
Đâu phải mùa xuân dễ luống qua?[7].
Bài kệ trên là trình bài sự thể nghiệm nỗ lực tham thiền, nhằm để tâm thức chuyển hóa không còn tham - sân - si và phiền não để thực chứng về tâm hân hoan, hỷ lạc, thanh thản. Tóm lại, khi hành giả đã vượt ra khỏi nhà lửa phiền não thì tham - sân - si cũng tan biến. Thay vào đó, hành giả sẽ thể hiện được chất liệu Từ - Bi - Hỷ - Xả, giải thoát cho tự thân và lợi lạc cho quần sanh.
Thứ ba là: Khi hành giả thực chứng hai vấn đề trên thì trí tuệ phát khởi, nhận chân các khổ ở thế gian là do tập nghiệp (ngũ dục) và phiền não, là thể nghiệm được tri kiến bình đẳng tánh Phật. Qua đó, thấu rõ lý duyên khởi, vô thường, thực chứng vô ngã, vô trụ trên lộ trình giải thoát và giác ngộ, tự tại trong sanh tử luân hồi, nghĩa là vượt thoát ra khỏi thế tục. Điều này được thể hiện qua những ngày cuối đời của vua Trần Thái Tông: “Đến khi thượng hoàng không khỏe, Thánh Tông hầu bệnh, nhân thế hỏi:
Chân không và ngoan không, giống hay là khác?
Vua trả lời: Hư không thì một thôi. Chỉ vì tâm có mê ngộ, nên có sự khác nhau giữa chân và ngoan, ví như buồng nhà, mở thì sáng, đóng thì tối, sáng tối không giống nhau, nhưng buồng nhà là một.
Hôm sau, quốc sư Đại Đăng vào thăm, hỏi: Bệ hạ ốm à?
Vua đáp: Bốn đại thì ốm, chứ cái đó xưa nay sinh tử vẫn không liên quan, thì lặng chìm trong bệnh được ư?.
Trải qua mấy ngày, vua im lặng không nói, đuổi tả hữu ra, đem việc nước di chúc lại cho Thánh Tông xong. Thánh Tông muốn sai hai quốc sư Phù Vân và Đại Đăng đến giảng pháp xuất thế gian, vua nghiêm giọng nói: Đến đây rồi, bớt một mảy tơ, như trên thịt khoét vết thương, thêm một mảy tơ, như trong mắt dính bụi. Ba đời các đức Phật bốn mắt nhìn nhau, các tổ sư, lui thân có phận, dù Phù Vân bàn huyền, Đại Đăng nói diệu, đều là lời thừa, có ích gì với cái ấy. Nói xong, vua lặng lẽ thị tịch”[8].
Có thể thấy Vua Trần Thái Tông hoàn toàn ung dung tự tại thuận theo quy luật sinh diệt. Khi đã ngộ được tự tính thanh tịnh rồi, tỏ ngộ được Bản - lai - diện - mục của chính mình, đến đi tự tại, không còn bị sanh diệt chi phối.
Một thể nghiệm khác qua Tuệ Trung Thượng Sỹ: “… Ngài vào cung hầu bạn với vua. Thái Hậu đãi tiệc thịnh soạn. Ngài thấy thịt cứ gắp ăn. Thái Hậu lấy làm lạ hỏi: “Anh bàn chuyện Thiền mà ăn thịt thì thành Phật sao được?”. Thượng Sĩ cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh. Anh chả cần làm Phật, Phật cũng chả cần làm anh. Há chẳng nghe bậc cổ đức nói: “Văn Thù là Văn Thù, Giải Thoát là Giải Thoát đó sao?”[9].
Cứu cánh của người tu Phật là giác ngộ, là thành Phật. Thế nhưng, với Thượng sĩ, Phật là Phật, ông là ông, hai người không liên quan, ông cũng không cần làm Phật. Đây là một nghịch lý với kẻ sơ cơ nhưng với bậc đại trí, đó mới là chỗ chí đạo. Trong Thiền tông, ta vẫn thường nghe nói: “ Gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, dửng dưng với bờ sinh tử, rong chơi chốn lục đạo, tứ sinh”[10] hay: “Một ông tăng hỏi ngài Vân Môn: Phật là gì?. Sư đáp: Que cứt khô”[11] cũng là biểu hiện của tư tưởng này. Đó là thể tính bất động, thường hằng nằm ngoài trạng thái tư duy lý luận của nhận thức, vượt ra ngoài thế giới nhị nguyên, không mê không ngộ; không Phật không chúng sinh... mà những bậc thầy thường dùng để khai ngộ cho trò. Người được như thế, chỉ có thể là bậc xuất thế dùng tuệ giác nhìn thấy vạn pháp hư giả, nghĩa là từ bỏ sở hữu của Ta để ra khỏi tam giới, liễu ngộ bản tánh chân thật từ đó thể nhập được tánh pháp giới. Trong Thiền uyển tập anh tờ 39a2 - b6 đã viết về: “Cư sĩ Thông Sư (? - 1228) Ốc hương, An La, người Ốc hương, họ Đặng.
…có kẻ hỏi: Thế nào là người xuất thế?
Sư đáp: “Há không thấy người xưa nói: chỉ xem ngũ uẩn đều không, tứ đại vô ngã, chân tâm không tướng, không đi không lại, khi sinh tính không đến, khi chết tính không đi, tròn đầy vắng lặng, tâm cảnh như một. Chỉ cần trực nhận tức khắc như thế thì không còn bị ba đời ràng buộc. Đó là bậc xuất thế, dứt khoát không được có chút gì nhắm tới nữa”[12]. Như vậy, người xuất thế là nội tâm thực chứng thông suốt sự tương quan giữa tâm linh và sự vật hiện tượng trong ba đời (quá khứ - hiện tại - tương lai) vốn hằng hữu trong tâm thức của mỗi con người, thì con người khi vượt thoát ra khỏi thế giới hiện tượng chấp ngã và không còn bị quy định của Tam độc (Tham - Sân - Si) thông qua con đường thực chứng của con đường giải thoát giác ngộ.
Thể nhập Phật tính là vượt thoát khỏi sự tương quan giữa có và không; tồn tại và không tồn tại, nghĩa là không còn trạng thái nhị nguyên, mà hiện hữu trong diệu dụng của Chân Như. Trở về nội tại là điều kiện tiên quyết của người giác ngộ. Bởi điều kiện giác ngộ không phải dùng đến từ ngôn ngữ hay để biện luận mà ở trong thường nghiệm tâm năng. Quan niệm của La Định Hương (? - 1050) như sau:
“Chân tông vốn là huyễn
[Đạo] vốn không có xứ sở,
Xứ sở của nó chính là cái Chân tông
[Nếu nói rằng]chân tông cũng là huyễn,
[Thì coi] cái “Hữu” là huyễn và càng tỏ rõ cái “Không” là Không[13].
Để thể nhập vào Chân Như, trước hết phải thực nghiệm “Giới - Định - Tuệ” để khai mở Chân tâm, đi vào đời để giáo hóa con người hướng thiện. Nghĩa là “đôi chân cắm sâu vào dòng nước vô lượng, bơi lội tự tại giữa rừng phiền não dục vọng mà vững tâm hướng về bờ giác. Người tu hành thì chiến thắng phiền não và dục vọng, như đôi chân hồng dẫm đạp giữa muôn trùm phiền não”. Từ đó, phiền não là bồ đề. Khi đã thể nhập Chân như thì dìu dắt mọi người đến giải thoát. Do đó, các vị ấy không xa lánh phiền não để tìm giác ngộ hư vô tịch tĩnh cho riêng mình.
Một khi đã giác ngộ tự tâm, kiến tánh thành Phật thì thể nhập tùy duyên, tùy thời mà thực hiện hạnh hóa độ quần sanh. Khi thể nhập được tinh thần giải thoát thì phong thái về cách sống rất tự nhiên, thích ứng với hoàn cảnh xã hội mình đang sống, chấp nhận hiện tại với tinh thần không chấp ngã, quay trở về nương tựa thực tại của chính mình, tìm ra được trí tuệ vốn có của mình. Đấy là thực chứng về tinh thần tự độ của Phật giáo.
Tóm lại, Phật giáo không chỉ dừng lại ở sự giải thoát và lợi ích cho bản thân mình. Bởi vì, người xuất gia hay tại gia trước tiên phải phát tâm Bồ tát hạnh là Thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sinh, tức là điều đầu tiên phải tha thiết tinh tấn với mục đích là thành Phật nhận chân được Phật tính của mình, thì sau đó thực hiện nhiệm vụ là chuyển hóa con người đi đến thăng hoa trong đời sống tâm linh và lợi lạc. Người chứng nghiệm con đường giải thoát là thể nhập được tinh thần vô trụ, vô ngã, vô úy và triết lý về xuất thế và nhập thế. Từ thể nhập này, đã sản sinh ra những con người tài đức vẹn toàn, hết lòng phụng sự cho dân tộc mà không màng đến quyền lợi cá nhân. Chính từ những con người như vậy đã tác động đến đời sống quần chúng và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
* NCS. Viện Nghiên cứu Tôn giáo
[1] Thích Quảng Độ (dịch). (2000)Phật Quang Đại Từ Điển, Nxb. Hội văn hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc. Tr, 7302.
[2] Phân Viện nghiên cứu Phật học, (2004) Từ Điển Phật học Hán Việt. Nxb. Khoa học xã hội, tr. 559.
[3] Lý Việt Dũng (2003), (dịch giải).Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục. Nxb. Cà Mau. Tr, 646.
[4] Lê Mạnh Thát (2004), Toàn tập Trần Thái Tông, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Tr. 410.
[5] Thích Quảng Độ (dịch) (2000). Phật Quang đại từ điển. Nxb. Hội văn hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc.Tr, 7303.
[6] Lê Mạnh Thát (2004), Toàn tập Trần Thái Tông. Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Tr. 409.
[7] Nguyễn Lang(1992) (tái bản).Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I. Nxb Văn học. Tr. 350 – 356 .
[8] Lê Mạnh Thát (2004), Toàn tập Trần Thái Tông. Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Tr, 157 – 158.
[9] Lý Việt Dũng (2003), (dịch giải).Tuệ Trung Thượng sĩ, Ngữ lục. Nxb. Cà Mau. Tr, 507.
[10] Trần Tuấn Mẫn (1995), (dịch và chú giải),Vô môn quan. Viện Nghiên cứu Phật Việt Nam, ấn hình. Tr,19.
[11] Trần Tuấn Mẫn (1995), (dịch và chú giải), Vô môn quan. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, ấn hình. Tr,72.
[12] Lê Mạnh Thát (2002). Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập III. Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Tr. 640.
[13] Viện Triết học (2002). Lịch sử tư tưởng Việt, Văn tuyển tập I, (Tư tưởng Việt Nam từ đầu công nguyên đến cuối thời Lý), Nxb. Chính trị quốc gia. Tr. 183.
Bình luận bài viết