TÌM HIỂU VỀ THIỀN (tiếp theo)
TÌM HIỂU VỀ THIỀN (tiếp theo)
TRẦN PHI HÙNG
Trong TỪ QUANG tập 1 chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về Thiền qua phần định nghĩa Thiền (Thiền là gì), với các giảng giải, định nghĩa của các bậc Tôn sư, Danh tăng trong và ngoài nước, các độc giả đã hiểu được ý căn bản của Thiền. Trước khi đi vào phần tìm hiểu lịch sử Thiền, chúng ta cũng nên có một số điểm khái quát về sự phát triển Thiền.
- Thiền là một phương pháp tu học đặc biệt của Phật giáo. Lịch sử phát triển của Thiền cũng đi cùng với sự phát triển của Phật giáo, và nguồn gốc của Phật giáo xuất phát từ Ấn Độ do đó chúng ta cũng sẽ tìm xem từ trước và trong thời Đức Phật ở Ấn Độ có các đạo giáo khác sử dụng phương pháp Thiền hay không?
- Đạo Phật là con đường giác ngộ mà con người phải tự chứng lấy, Đức Phật trong các lời giảng dạy luôn nêu cao ý nghĩa tự tu và chứng ngộ, chứng Niết-bàn bằng tự lực và trí tuệ trong nội tâm của mình. Phật dạy Tứ diệu đế, Mười hai nhân duyên, với giáo lý Khổ, Không, Vô ngã, Niết-bàn và cùng với phương pháp hành Thiền, một phương pháp luyện tâm quan trọng nhất để chứng quả cứu cánh Niết-bàn. Tuy nhiên, môn Thiền này cũng như các pháp môn khác lúc ở Ấn Độ, nhưng khi được Tổ Bồ-đề-đạt-ma đem truyền đến Trung Quốc thì mới thật sự phát triển rộng lớn và khai diễn như một đạo giác ngộ thể hiện trọn vẹn lý tánh của Phật pháp.
- Đức Phật ra đời khoảng năm 624 trước Tây lịch (TL), trong cùng khoảng thời gian ấy nền văn hóa Châu Âu cũng không có ghi nhận một phương pháp tu học nào tương tự như môn Thiền ở Ấn Độ. Socrate (thời thượng cổ 470-399 trước TL) thì hệ thống tư tưởng Châu Âu chỉ chú trọng đến nguồn gốc và cách nhận thức của con người. Cùng thời này ở Á Châu có những nhà tư tưởng triết học lớn như Lão Tử (khoảng 630 trước TL), Khổng Tử (551-479 trước TL). Vào thời Tổ Đạt-ma (528 sau TL) tức thế kỷ thứ 6 sau TL ở Tây Phương vào thời Trung Cổ (từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 14) khắp Âu Châu nằm dưới sự thống trị tư tưởng của Thiên Chúa giáo, trong đó có hai Hồng y nổi tiếng đó là Saint Augustin và Thomas d’Aquin, hai Hồng y này lấy lại tư tưởng của Platon (424-347 trước TL - là học trò của Socrate) và Aristote (384-322 trước TL – là học trò của Platon), và họ chỉ là những nhà triết lý, nhà tư tưởng của thời đấy.
LỊCH SỬ THIỀN
I. CÁC TƯ TƯỞNG, TÔN GIÁO Ở ẤN ĐỘ TRƯỚC THỜI ĐỨC PHẬT ĐẢN SINH.
Trước thời Đức Thế Tôn, văn hóa Ấn Độ cũng đã phát triển khá cao theo tư tưởng của dân tộc Aryan - Ấn Độ. Dân tộc này làm nên được bộ kinh điển đầu tiên, Kinh Rg Veda 40 quyển,tạo lập tư tưởng chính thời kỳ đầu của Bà-la-môn giáo khoảng 1500-1000 trước TL. Ở thời kỳ thứ hai tiếp theo của Bà-la-môn là thời đại Bràhmana khoảng 1000-800 năm trước TL. Thời kỳ thứ ba là Upanishad khoảng 800-600 năm trước TL.
Có thể tóm tắt tư tưởng Bà-la-môn giáo trong 3 thời kỳ trên như sau:
Thời kỳ thứ nhất, với kinh điển Rg Veda chỉ là những bài ca có tính cách thần thoại nói về vũ trụ và nhân sinh quan, nó làm căn bản cho sự phát triển của triết học Ấn Độ sau này.
Thời kỳ thứ hai Bràhmana, xã hội Ấn Độ chia làm bốn giai cấp: Giai cấp Bà-la-môn (Bràhmana) với các tăng lữ lo việc nghi lễ tôn giáo. Giai cấp Sát-đế-lợi (Ksatriya) giai cấp vua quan thống trị đất nước. Giai cấp Tỳ-xá (Vaisya) giai cấp bình dân, nông, công thương. Giai cấp Thủ-đà-la (Sùdra) giai cấp tiện nhân nô lệ.
Tư tưởng thời kỳ Bràhmana phát triển tuần tự theo ba giai đoạn: Lúc đầu đặc biệt cho sinh sản (Prajapati) làm chính yếu, Prajapati là Thần tối cao tạo ra vũ trụ trời đất, các thần thánh và con người. Giai đoạn tiếp theo là lấy Toàn ngã (Bràhma) thay thế Prajapati để chi phối điều khiển các vị thần hoạt động theo hai phương diện Danh (Nàma) và Sắc (Rùpa). Giai đoạn thứ ba là Bản ngã (Àtman) làm trung tâm cho linh hồn là bất diệt và khi lìa thể xác thì trở lại Toàn ngã (Bràhma).
Ở thời kỳ thứ ba Upanishad là khoảng thời gian trước lúc Đức Phật đản sinh (800-600 trước TL). Tư tưởng Bà-la-môn giáo lúc này chủ trương thuyết Toàn Ngã đồng nhất (Bràhma, Àtman Ailkyam) và lý tưởng giải thoát, ở lý tưởng này cho giải thoát phải tự tìm nơi mình qua việc tu dưỡng bản tính và tu dưỡng trí tuệ, sau đó phải tu trì để có trực quán trí theo phép tu Du-già (Yoga) như thế Chân ngã sẽ toàn hiện tức là giải thoát, chấm dứt luân hồi (Àtman trở thành Bràhman).
II. CÁC TƯ TƯỞNG, TÔN GIÁO VÀ TRIẾT HỌC Ở THỜI KỲ ĐỨC PHẬT XUẤT THẾ
Thời kỳ từ 600 năm trước TL trở về sau, thế lực Bà-la-môn giáo dần suy giảm và Ấn Độ xuất hiện nhiều tôn giáo, tư tưởng và triết học mới như: Phật giáo, Kỳ-na giáo, Lục sư ngoại đạo giáo và Lục đại học phái. Thời gian này Thiền học đã xuất hiện trong các tôn giáo.
Ở thời kỳ này ngoài Phật giáo ra, xin được tóm tắt tư tưởng các tôn giáo khác để tìm hiểu các liên quan đến việc tu thiền.
A. Kỳ-na Giáo (Jaina): Giáo tổ là Đại Hùng (Vardhamana) cho con người gồm có hai phần là lý trí tình cảm và vật chất (Java và Ajava). Vật chất gồm: Không (Akasa), Pháp (Dharma), Phi pháp (Adharma), Vật chất (Pudgala) và Thời gian (Kala). Hai yếu tố trên liên quan với nhau sinh ra phiền não, làm con người lẩn quẩn trong vòng luân hồi và giáo phái này chủ trương phương pháp tu hành khổ hạnh làm mục đích tối cao để giải thoát. Giáo phái này còn có tên là Thiền na và có tu tập Thiền.
B. Lục sư Ngoại đạo phái ( Sat-Tirthakarah): sáu phái này bộc phát cùng thời Đức Phật nhưng sau đó bị tiêu diệt. Đại cương lý thuyết của Lục sư ngoại đạo phái như sau:
1. Phái Phú-nan-đà Ca-diếp (Pùrana kàssápa): Chủ trương Thuyết ngẫu nhiên, cho mọi sự giàu nghèo, vui buồn, họa phúc, v.v… của con người đều là do ngẫu nhiên và không tin vào luật nhân quả.
2. Phái Mạt-già-lê Câu-xá-lợi (Makkhali Gosàla): phái này chủ trương tự nhiên, cho mọi sự họa phước, giàu nghèo, vui khổ của con ngưởi đều là do tự nhiên không do bởi một nguyên nhân nào.
3. Phái A-di-đa-thúy-xá Khâm-bà-la (Ajitakesa-Kambali) cho con người gồm bốn yếu tố: Đất, nước, gió, lửa mà thành. Đến khi chết thì Tứ đại hoàn Tứ đại không còn gì nên phái này không chủ trương đạo đức mà mục đích lấy khoái lạc cho nhục thể.
4. Phái Bà-phù-đà Ca-chiên-diên (Pakudha Katyàvana) cho các vật thể được tạo thành gồm 7 yếu tố là: Đất, nước, gió, lửa, vui, khổ, sinh mệnh. Bảy yếu tố này tồn tại vĩnh viễn và việc sinh tử chỉ là việc tụ hay tán của bảy yếu tố.
5. Phái Tán-nhạ-gia Tỳ-la-lê-tử (Anjaya Belatthiputta) thuộc phái ngụy biện, cho rằng chân lý có thể thay đổi, không cần tu đạo mà chỉ chuyên tu Thiền định.
6. Phái Ni-kiền-đà Nhã-đề-tử (Nigantha Nàpaputta) chủ trương khổ hạnh cho mọi việc sướng khổ, họa phúc đời này là do tiền kiếp, cần luyện thân khắc khổ và tu tập Thiền na để giải thoát.
C. Lục Đại Học Phái
1. Phái Phệ-đàn-đà (Vedanta): Cho Thượng đế (Brahma) tạo ra mọi vật. Trước tiên từ hư không sinh ra gió, gió sinh ra lửa, lửa sinh ra nước, nước sinh ra đất, tạo thành thế gian và con người. Nhưng con người có trí tuệ và hoạt động theo trí tuệ nên hành vi con người theo ý chí tự do và gây các tác nghiệp mà chịu khổ. Muốn giải thoát phải tu hành lâu ngày để dung hợp với Thượng đế.
2. Phái Di-man-tát (Mìmànsà): Lấy kinh điển Mìmànsà làm căn cứ, chủ trương theo thuyết “Âm thanh thường trụ” và cho giải thoát bằng cách hy sinh hiện tại để có sung sướng đời sau.
3. Phái Phệ-thế-sư-ca ( Vaisesika) lấy kinh Vaisesika 370 câu làm căn bản, cho vũ trụ được thành lập gồm 6 yếu tố: Thật, Đức, Nghiệp, Đại hữu tánh, Đồng dị tánh, Hòa hợp tánh. Cho con người được tạo thành bởi 8 yếu tố: Tự ngã, Ý, Ngũ căn (Nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân) và nghiệp lực. Phương pháp giải thoát là con người phải tu khổ hạnh để diệt trừ nghiệp lực chứng quả Niết-bàn.
4. Phái Tăng-khê-da (Sàmkhya): Dùng kinh điển Sàmkhya làm căn bản, cho có linh hồn và vật chất riêng rẻ. Khi linh hồn hòa hợp với vật chất tạo ra sinh vật và sinh vật hoạt động theo ba tính năng: Hỉ (Sattva), Ưu (Rajas) và Ám (Tamas).
5. Phái Ni-da-gia (Nyàya): Kinh phái này gồm 538 câu, cho đời là khổ và sinh ra đời là do nghiệp, nghiệp làm ra phiền não, phiền não là căn bản của vô tri, do vậy diệt được vô tri là giải thoát. Lý thuyết này gần tương tự như thuyết 12 nhân duyên của Phật giáo.
6. Phái Du-già (Yoga): Có kinh Du-già làm căn cứ. Phái này dùng pháp tu Thiền để giải thoát. Phương pháp tu chia làm 8 giai đoạn: Cấm chế (Yama), Khuyến chế (Niyama), Tọa pháp (Asana), Điều tức (Prànayama), Chế cảm (Pràtyàkara), Chấp trì (Dhàranà), Tĩnh lự (Dhyàna), Đẳng trì (Samàthi). Phải giữ năm điều giới cấm: Sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, tham lam. Trong cuộc sống khuyên làm 5 việc: Thanh tịnh, mãn định, khổ hạnh, học tập kinh điển, định thần. Trong phương pháp tu Tọa pháp (Asana) là để điều hòa thân thể, Điều tức là để chỉnh sửa hô hấp, Chế cảm là để thống trị ngũ căn, Chấp trì là để tập trung tư tưởng, Tĩnh lự để lóng gạn tâm thức, Đẳng trì là để tâm vắng lặng như không.
Nhìn qua lịch sử Thiền ở Ấn Độ trước và sau thời Đức Phật đản sinh, chúng ta thấy môn Thiền đã có xuất hiện ở Ấn Độ trước thời Đức Phật và rõ ràng hơn là ở thời kỳ thứ ba (Upanishad-800-600 trước TL). Lúc này Bà-la-môn giáo bắt đầu có lý tưởng giải thoát, bồi dưỡng bản tính, bồi dưỡng trí tuệ và tu tập theo pháp môn Du-già (Yoga) để tìm thấy chân ngã giải thoát khỏi luân hồi, trở về lại với Thượng đế (Bràhman).
III. LỊCH SỬ THIỀN TÔNG PHẬT GIÁO
Lịch sử khởi thủy của Đạo Thiền ở Ấn Độ được ghi lại như sau: Một hôm, tại núi Linh Thứu nơi Phật giảng kinh, Đức Thích-ca Mâu-ni lên tòa nói pháp. Lần này trước pháp hội, Phật không nói gì mà chỉ đưa lên một cành hoa do một cư sĩ mới dâng cúng, im lặng không nói một lời. Không ai hiểu ý Phật ra sao, chỉ trừ Tôn giả Ca-diếp lặng lẽ mỉm cười như ngầm thâm ngộ ý nghĩa bài dạy này của Đức Thế Tôn. Đức Phật bèn bảo ông Ca-diếp: “Ta có kho tàng con mắt của Chánh pháp, tâm huyền diệu của Niết-bàn, của pháp Vi diệu, Thực tướng vô tướng, nay đem trao lại cho Đại Ca-diếp. (Nguyên văn: “Ngã hữu chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, vi diệu pháp môn, thực tướng vô tướng kim phó chúc Ma-ha Ca-diếp”). Truyền thuyết này được gọi là: “Niêm hoa vi tiếu”. Nghĩa là Phật đưa lên cành hoa và Ca-diếp mỉm cười. Và Đạo Thiền lấy truyền thuyết này như cuộc trao tâm ấn đầu tiên của Tông phái Thiền từ Đức Phật cho Đại Ca-diếp như vị tổ kế tục của Thiền tông Phật giáo.
Tiếp tục theo dòng Thiền ở Ấn Độ được truyền thừa chánh tông đến 28 vị tổ của Thiền tông như sau:
1. Đức Thích-ca Mâu-ni: Sakyamuni
2. Tôn giả Ca-diếp: Mahakasyapa
3. A-nan-đà: Ananda
4. Thương-na-hòa-tu: Sanavasa
5. Ưu-ba-cúc-đa: Upagupta
6. Đề-ca-đa: Dhritaka
7. Di-giá-ca: Micchaka
8. Phật-đà-nan-đề: Buddhanandi
9. Phật-đà-mật-đa: Buddhamitra
10. Hiếp Tôn giả: Bhikshu Parsva
11. Phú-na-dạ-sa: Punyayasus
12. Mã Minh: Asvaghosha
13. Ca-tỳ-ma-la: Bhikshu Kapimala
14. Long Thọ: Nagarjuna
15. Ca-na-đề-bà: Kanadeva
16. La-hầu-la-đa: Arya Rahulata
17. Tăng-già-nan-đề: Samghanandi
18. Già-da-đa-xá: Samghayasas
19. Cưu-ma-la-đa: Kumarata
20. Xà-dạ-đa: Jayata
21. Bà-tu-bàn-đầu: Vasubandhu
22. Ma-noa-la: Manura
23. Hạc-lặc-na: Haklenayasa
24. Sư tử Tỷ-khưu: Bhikshu Simha
25. Bà-xá-tư-đa: Vasasita
26. Bất-như-mật-đa: Punyamitra
27. Bát-nhã-đa-la: Prajnatara
28. Bồ-đề-đạt-ma: Bodhidharma
Ngoài 28 vị Tổ truyền thừa chánh tông của đạo Thiền ở Ấn Độ, thì theo truyền thuyết lưu hành lúc ban đầu có ít nhất sáu vị cổ Phật ra đời trước Phật Thích-ca; mỗi vị cổ Phật ấy còn lưu lại một bài kệ phó pháp và được lưu giữ trong Thiền sử. Hiện nay, bộ Thiền sử cổ nhất là Truyền Đăng Lục có ghi chép rành rẽ 28 vị Tổ sư thiền cùng các bài kệ phó pháp (bài kệ truyền thừa), thí dụ hai trong sáu vị cổ Phật có bài kệ còn ghi lại như sau:
Bài kệ của cổ Phật đầu tiên là Tì-bà-thi nói kệ phó pháp:
Từ trong vô tướng người thọ sanh
Tự nơi huyễn sanh ra hình tượng
Người huyễn tâm thức bổn lai không
Tội phước đều không chẳng chỗ trụ
Bài kệ của vị cổ Phật thứ sáu là Phật Ca-diếp tiền bối trước Phật Thích-ca Mâu-ni như sau:
Tánh của chúng sanh thân thanh tịnh
Xưa đã không sanh nay chẳng diệt
Chỉ thân tâm này mới huyễn sanh
Trong huyễn hóa vẫn không tội phước
Khi Đức Thích-ca truyền chánh pháp cho Tôn giả Ca-diếp, Ngài đã nói kệ này:
Pháp vốn là pháp chẳng pháp
Chẳng pháp pháp cũng là pháp
Nay ta trao cái chẳng pháp
Pháp có bao giờ là pháp
Tổ thứ sáu Thiền tông là Đề-ca-đa nói kệ phó pháp:
Thông đạt bản thể tâm
Không pháp không chẳng pháp
Ngộ rồi như chưa ngộ
Không tâm cũng không pháp
Tổ thứ hai mười hai là Ma-noa-la nói kệ:
Tâm theo muôn cảnh chuyển
Chuyển đâu cũng chẳng mờ
Theo dòng nhận được tánh
Không vui cũng chẳng sầu
Và tổ thứ hai mươi tám Bồ-đề-đạt-ma cũng là vị sơ tổ của Thiền tông khi truyền sang Trung Quốc có bài kệ cho các môn đồ như sau:
Ta vốn qua trung thổ
Trao pháp cứu mê tình
Một hoa năm cánh trổ
Trái kết tự nhiên thành
Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Quốc vào năm 520 sau TL và ngài mở đầu cho Thiền tông ở Trung Quốc bằng bốn câu như sau:
Chẳng lập văn tự
Truyền riêng ngoài giáo
Trỏ thẳng tâm người
Thấy tánh thành Phật
Khi Tổ Đạt-ma chưa đến Trung Quốc thì các kinh sách về Thiền đã truyền đến Trung Quốc cũng nhiều. Thời Hậu Hán (từ năm 25 đến năm 250 cũng còn kêu là Đông Hán. Quang Võ, Trung Hưng truyền 12 đời, đến đời Hiến Đế bị Đổng Trác chuyên quyền. Thường đóng đô Lạc Dương) có ngài An Thế Cao thông suốt kinh luận Phật giáo lại giỏi về pháp Thiền ở Lạc Dương dịch kinh hơn trăm bộ, trong đó có các kinh nói về pháp môn Thiền như: Thiền Pháp Kinh, Thiền Định Phương Tiện Thứ Đệ Pháp Kinh, Thiền Hạnh Pháp Tưởng Kinh, Đại An Ban Thủ Ý Kinh, Đại Thập nhị môn Kinh, Tiểu Thập nhị môn Kinh. Đời Tam Quốc (từ năm 221 đến năm 264) có Khương Tăng Hội ở Dương Đô dịch Tọa Thiền Kinh.
Đời Tây Tấn (từ năm 265 đến 316) có Sa-môn Trúc Pháp Hộ dịch Hữu Pháp Quán Kinh, Tu Hành Đạo Địa kinh.
Đời Đông Tấn (từ năm 317 đến 419) có ngài Cưu-ma-la-thập dịch Thiền Bí Yếu Pháp Kinh, Tọa Thiền Tam muội Kinh, Thiền Pháp Yếu giải, Tư Duy Lược Yếu Pháp và còn nhiều dịch giả khác nữa
Điều này cho thấy trước lúc Tổ Bồ-đề-đạt-ma qua Trung Quốc, Thiền pháp Đạo Phật đã phổ biến rất nhiều. Tuy nhiên phần lớn đều tu tập pháp Thiền theo từng thứ lớp và không như pháp Thiền Tổ Đạt-ma là chỉ thẳng bản tâm, đốn ngộ thành Phật chẳng theo thứ cấp nào.
Tổ Đạt-ma là Sơ tổ Thiền tông ở Trung Quốc và truyền được sáu vị Thiền tổ gồm: Nhị tổ Huệ Khả, Tam tổ Tăng Xán, Tứ tổ Đạo Tín, Ngũ tổ Hoàng Nhẫn đến Lục tổ Huệ Năng thì phát triển rất hưng thịnh và có sinh ra Nam phái cùng Bắc phái.
Dưới Lục tổ Huệ Năng có nhiều đệ tử đắc pháp hóa độ khắp nơi, nhưng nổi bật nhất là Nam Nhạc Hoài Nhượng (677-744). Thanh Nguyên Hành Tư (?-740) và Hà Trạch Thần Hội (684-758), phái Nam Nhạc sau này sanh ra hai phái là Lâm Tế và Quy Ngưỡng, còn phái Thanh Nguyên thì sanh ra ba phái là Vân Môn, Pháp Nhãn, Tào Động. Riêng phái Hà Trạch Thần Hội dần tuyệt truyền sau gần 150 năm.
Năm tông phái sinh ra còn được gọi là “Ngũ gia” cùng với hai phái “Dương Kỳ và Hoàng Long tách ra từ Lâm Tế vào thời Bắc Tống gọi chung là Ngũ Gia Thất Tông (năm nhà bảy tông).
Thiền tông Phật giáo lưu truyền và phát triển ở Trung Quốc đời Tống (960-1279) trải qua 5-6 thế kỷ. Từ đời Tùy (589-619), đời Đường (620-906) là tới điểm cực thịnh và đã hình thành một số tông phái: Thiên Thai tông, Tam luận tông, Pháp tướng tông, Luật tông, Hoa Nghiêm tông, Mật tông, Tịnh độ tông, Thiền tông, Câu-xá tông, Thành Thật tông, Pháp Hoa tông, v.v… và truyền bá lan tràn qua các nước Nhật Bản, Việt Nam, Triều Tiên… Thiền tông Việt Nam cũng bắt đầu phát triển vào thời gian này mặc dù Phật giáo có thể đã đến Việt Nam ở những giai đoạn sớm hơn.
Từ sau đời Tống, Phật giáo ở Trung Quốc bắt đầu suy yếu dần, Thiền tông cũng theo đó suy vi và có những tông phái Thiền đã dần tàn lụi, không còn truyền thừa nữa. Các đời nhà Nguyên (1280-1367), nhà Minh (1368-1643), nhà Thanh (1644-1912) và Trung Hoa Dân quốc (1912 đến nay) Phật giáo Trung Quốc càng suy yếu nhiều. Hiện nay, Thiền tông Trung Quốc chính yếu chỉ còn hai tông phái Lâm Tế và Tào Động vẫn còn tiếp tục được lưu truyền.
Trong tủ sách Phật học TỪ QUANG kỳ tới, tiếp tục tìm hiểu về Thiền, chúng ta sẽ đến phần tìm hiểu về Thiền tông Phật giáo Việt Nam cũng như ở các nước Nhật Bản, Đại Hàn và các nước Đông Nam Á trước khi qua đến phần nội dung của các tông phái Thiền và nhiều vấn đề khác của Thiền.
Tài liệu tham khảo:
Thiền luận, Daisetz Teitaro Suzuki, Bản dịch của Trúc Thiên, NXB An Tiêm, 1970.
Phật Học Tinh Yếu, H.T Thích Thiền Tâm, NXB Tôn Giáo, 2008.
Các Tông Phái Đạo Phật, Đoàn Trung Còn, Phật học thơ xã xuất bản, 1970.
Thiền Tông Phật Giáo, Tuệ Chân biên dịch, NXB Tôn Giáo, 2008.
Phật Giáo Việt Nam, Mai Thọ Truyền, NXB Tôn Giáo, 2008.
Cội nguồn truyền thừa và Thiền Thất khai thị lục, Nguyệt Khuê – Lai Quả Thiền Sư, Dịch giả: H.T.Thích Duy Lực, NXB Tôn Giáo, 2008.
Thế giới của Nàng Phương Lan, Trần Tam Nguyên phóng tác Le Monde de Sophie của Jostein Gaarder, XB tại Paris, 2010.
Tin tức khác
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
- TỪ QUANG Tập 12 - Tháng 04 năm 2015 (P.L.2559)
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập II
Bình luận bài viết