Thông tin

TÌM LẠI DẤU TÍCH CHÙA QUỐC ÂN KHẢI TƯỜNG

 

VIÊN THÔNG - NGUYỄN THIỆN ĐỨC

 

143 năm (1802-1945) trong vai trò lãnh đạo đất nước, Hoàng triều Nguyễn để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực, trong đó có Phật giáo. Các vị Hoàng đế nhà Nguyễn đã sắc tứ cho nhiều chùa, khắp mọi miền Tổ quốc, và đặc biệt đã ngự chế một số ngôi quốc tự mà hầu như tập trung ở kinh đô Huế, một ngôi ở Ngũ hành sơn, miền Nam duy nhất có ngôi chùa Quốc Ân Khải Tường là ở Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh).

Theo Đại Nam thực lục chính biên (Đệ nhị kỷ - Quyển LXXXIII – Thực lục về Thánh tổ Nhân hoàng đế), thấy viết rõ về việc dựng chùa Khải Tường như sau:

“Trước đây, vua bảo bộ Lễ: “Cố cung chỗ sinh Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta tại xã Dương Xuân, từ khi trải qua binh biến mất cả di chỉ. Sau khi cả nước đã yên, tìm hỏi không ra mỗi khi nghĩ đến thương cảm không nguôi! Nhân đó nghĩ đến chỗ sinh ta ở nhà cũ của Tống Quốc công phu nhân tại ngoại thành Gia Định, vậy sai quan địa phương tìm hỏi xem.”

Đến đây (tháng 9 năm Nhâm Thìn – 1832) quan thành Gia Định tìm hỏi được di chỉ ở lân Tân Lộc, vẽ địa đồ dâng lên.

Vua dụ rằng: “Lân Tân Lộc ở phía hữu thành Gia Định, khi trước, hoàng thái hậu ta đi theo Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta vào Nam, từng đóng lại ở nơi ấy. Thực là hợp với điềm tốt: “Cầu vồng trôi ở bến hoa” nghĩ đến đất quý phát phúc càng nên giữ mãi dấu tích, để khuyến khích sau này. Vậy nên xây dựng ngôi chùa ở ngay chỗ đất ấy, gọi là chùa Khải Tường để ghi sự tốt lành to tát chứng tỏ nơi phát phúc lâu dài”.

Vua bèn sai lấy của kho 300 lạng bạc, giao quan địa phương, theo cách thức đã định của bộ Công, gọi thợ xây dựng. Lại sai mộ các sư đến ở, hạn là 20 người. Các lễ tiết hằng năm, có ruộng tự điền được đặt để sung cấp. (Phàm tiết Thánh thọ, tiết Vạn thọ và các lễ: ngày Trừ tịch trống cây nêu, tết Nguyên đán, tết Đoan dương, tiết Tam nguyên, ngày sóc, ngày vọng đều dâng cúng đồ chay và hương nến)”.

Cũng theo Đại Nam thực lục, thì sau khi dẹp xong “loạn” Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng đã cho tu sửa lại chùa Khải Tường vào cuối năm 1835, và khi vua băng hà, vua Thiệu Trị đã cho tụng kinh ở chùa này và chùa Giác Hoàng ở Kinh đô trong 7 ngày đêm.

Từ đó, chúng ta có thể rút ra một số thông tin sau về chùa Khải Tường qua chính sử của Triều Nguyễn,

1, Là một ngôi quốc tự tại thành Gia Định, được dựng lên từ chủ ý của Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế, tài lực và nhân lực của Triều đình,

2, Được xây dựng vào năm Minh Mệnh thứ 13 (1832),

3, Ở vị trí lân Tân Lộc, phía hữu thành Gia Định.

4, Chùa này có một vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống các quốc tự trong triều Nguyễn.

Qua đó, ta có thể biết chùa Khải Tường không thể có niên đại trước năm 1832 và những tượng thờ - đặc biệt là tượng “Ông Phật Lớn” không thể có vào thời Gia Long như nhiều sách đã viết.

Điều này phù hợp bởi:

- Trong các tác phẩm lớn khi viết về thành Gia Định có viết đến nhiều chùa nổi tiếng (Từ Ân, Kim Chương, Mai Khâu,…) ở đó đều không viết về chùa Khải Tường vì các thời điểm tác phẩm được phổ biến và hoặc tác giả mất trước khi chùa Khải Tường được ngự chế.

• Gia Định Thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, ông mất năm 1925.

• Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định, ông mất năm 1813

• Đại Nam thực lục tiền biên

- Quốc Sử Quán Triều Nguyễn soạn từ năm Minh Mạng thứ 2 (1821) và khắc in năm Thiệu Trị thứ 4 (1844).

- Kỷ thứ 1 – Thực Lục về Thế Tổ Cao Hoàng Đế – Quốc Sử Quán Triều Nguyễn được soạn từ năm Minh Mạng thứ 2 (1821) và khắc in năm Thiệu Trị thứ 7 (1847).

- Còn các tác phẩm lớn viết sau năm Minh Mạng thứ 12 thì có viết đến chùa Khải Tường.

• Đại Nam thực lục chính biên

- Kỷ thứ 2 – Thực Lục về Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế – Quốc Sử Quán Triều Nguyễn - được soạn từ năm Thiệu Trị nguyên niên (1841).

- Kỷ thứ 3 – Thực Lục về Hiến Tổ Chương Hoàng Đế – Quốc Sử Quán Triều Nguyễn - được khắc in xong dưới triều Tự Đức năm 1879.

• Đại Nam nhất thống chí – Quốc Sử Quán Triều Nguyễn - soạn từ năm Tự Đức thứ 18 (1865) đến Tự Đức thứ 35 (1882) bản thảo hoàn thành.

• Đại Nam liệt truyện – Quốc Sử Quán Triều Nguyễn - soạn từ Thiệu Trị nguyên niên (1841) đến Tự Đức thứ 5 (1852) truyền chỉ khắc in.

Sau đây, là một số ý kiến về vị trí của chùa Khải Tường:

Từ Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư Trần Văn Giàu chủ biên, hình 24 trang 184, hình 25 trang 229, trang 166 và trang 211 cho chúng ta nhận xét về vị trí chùa Khải Tường như sau:

1, Nếu ở vị trí Bảo tàng Chứng tích chiến tranh hay Trường Lê Quý Đôn thì nơi đó:

- Nằm rất gần hào của thành Gia Định. Như vậy, nhà của Tống Quốc công phu nhân (mẹ vợ vua) lại có nhà nằm sát hào thành là một điều vô lý. Mặt khác, thành Gia Định (thành Quy) được xây dựng từ năm 1790 và đã có xây dựng Thái Miếu, Hoàng cung, Hậu điện,… mà hoàng tử Đảm được sinh năm 1791, ở ngoài thành, gần hào thành – nơi dễ xảy ra chiến đấu, chẳng lẽ một người khôn khéo như vua Gia Long lại để vợ và con mình ở nơi “đầu sóng ngọn gió” là điều thứ hai vô lý.

- Bên phải, phía sau ngoại thành Gia Định. Điều này không đúng với vị trí trong Đại Nam thực lục đã xác nhận. (Lúc đầu vua Minh Mệnh không nhớ rõ nên nói là ngoại thành Gia Định nhưng sau khi quan địa phương xác định được di chỉ vua đã khẳng định như đoạn trích dẫn bên trên là phía hữu thành Gia Định).

2, Nếu ở vị trí Chợ Đủi thì:

- Chợ Đủi không thuộc lân Tân Lộc như Đại Nam thực lục đã viết,

- Sau khi dẹp xong loạn Lê Văn Khôi, tàn quân phiến loạn hơn một ngàn người bị xử trảm chôn chung trong một ngôi mộ gọi là Mã ngụy – vị trí ở gần Chợ Đủi. Không thể nào, vua Minh Mệnh lại đem chôn kẻ thù – “ nghịch tặc” với mình ở gần nơi phúc địa thiêng liêng mà mình được sinh ra.

Như vậy, chùa Khải Tường có thể phía hữu trong thành Gia Định (thành Quy).

Trong sách Tỉnh thành xưa ở Việt Nam (NXB Hải Phòng và TT Văn hóa Đông Tây – nhiều tác giả, Lưu Đình Tuân dịch 2003) trang 111, bài “Hình ảnh xưa của Sài Gòn”, ông Louis Malleret cho biết “…con đường mà sau này chúng ta đặt tên là Catinat, trên đó có một ngôi chùa”. Ở trang 107 của sách này có in ảnh của ngôi chùa đó và chú thích là “pagoda et cases annamites, dans la rue Catinat, à Saigon, en 1864”- Một ngôi chùa Việt Nam trên đường Catinat ở Sài Gòn năm 1864. Ở trang 113, “trên đường đi về Sài Gòn, phía sau bãi sau này xây Trường Chasseloup Laubat, người ta thấy chùa Khải Tường”. Và cũng sách này ở “Nhà thờ Sài Gòn” có đoạn: “Trước khi có Nhà Thờ (Nhà thờ Sài Gòn – NTĐ), Đức Cha Lefèbre rời bỏ Xem – chieu (Xóm Chiếu? – LĐT) về thành phố trong một căn nhà rất đẹp của một viên quan An Nam bỏ đi khi người Pháp tới – ngôi nhà này sau trở thành một ngôi nhà thờ nhỏ của Tòa Giám mục ở số 180 phố Richaud. Cha Lefèbre được chính quyền Pháp cho một ngôi chùa cũ để làm nhà thờ đầu tiên của thành phố. Nhà thờ và nhà của Cha phụ trách phải được xây gần phố mang tên Nhà thờ…”

- Trong Địa chí Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, trang 198 viết: “Năm Kỷ Tỵ (1809) … Tổng trấn Nguyễn Văn Nhơn, Trịnh Hoài Đức khâm mạng xây cất tòa Vọng cung ở trước sân trong thành… Hai bên tả hữu xây hai lầu bát giác treo trống chuông, kế theo đó dựng Hành cung… Sau hành cung làm công thự Tổng trấn, phía hữu làm công thự Hiệp tổng trấn, phía tả làm công thự Phó tổng trấn. “Đối chiếu với hình đã dẫn trong sách này ở trang 184, ta có thể xác định công thự Hiệp tổng trấn nằm khoảng từ phố Hàn Thuyên đến Nguyễn Du ngày nay. Sau này, phá thành Quy xây thành Phụng thì khu vực này tuy nằm ngoài thành (Phụng) nhưng những tòa nhà đó vẫn được giữ lại vị trí cũ làm công thự vì thành mới chỉ có các lỵ sở mà thôi.

- Kết hợp sách Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh với Đại Nam nhất thống chí, chúng ta có thể biết được ngôi chùa ở vị trí Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ngày nay là chùa Sắc Tứ Từ Ân. Vì khi người Pháp chiếm thành Gia Định (thành Phụng) thì cả chùa Khải Tường và Từ Ân đều ở bên “hữu” ngoài thành (thành Phụng), tuy nhiên, nếu lấy thành Phụng làm mốc để so sánh thì theo trục đông – tây hay bắc -nam thì chùa Khải Tường đều ở trước chùa Từ Ân nên có cách gọi chùa Khải Tường là chùa Trước và chùa Từ Ân là chùa Sau.

Sau khi bị phá hủy dưới gót giày xâm lược và lòng hiểm ác của bè lũ Việt gian, chùa Khải Tường còn lại hai di vật là: Tượng “Ông Phật lớn” – hiện đang được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh và tấm biển “Quốc Ân Khải Tường Tự” hiện được gìn giữ tại chùa Từ Ân ở 23 đường Tân Hóa, Phường 14, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ những thông tin trên, chúng ta có kết luận như sau:

1, Chùa Khải Tường được ngự chế từ năm 1832 trên nền nhà cũ của Tống Quốc Công phu nhân vì vua Minh Mạng được sinh ra ở đó, nên việc Ngài được sinh ra ở hậu liêu của Chùa này là không hợp lý.

2, Chùa Khải Tường ở vị trí phía hữu (lấy trục chính của Hoàng cung là trục chính – NTĐ)  bên trong chứ không ở bên ngoài thành Gia Định (thành Quy). Cho rằng chùa này ở vị trí của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh hiện nay hay một nơi nào khác ngoài thành Quy là điều không hợp lý.

Và những tìm hiểu của mình, chúng tôi xin đưa ra một giả thuyết: Phải chăng chùa Khải Tường ngày xưa của thành Gia Định ở vị trí Nhà thờ Đức Bà ngày nay?

Chùa Khải Tường là một bài học sâu sắc về độc lập, tự chủ, bởi lẻ khi độc lập tự chủ của đất nước không còn thì tất cả giá trị văn hóa vật thể hay tâm linh của dân tộc sẽ bị tàn phá thê thảm dưới gót giày quân xâm lược. Chúng – quân xâm lược và bè lũ tay sai - sẽ thay vào những nơi thiêng liêng của ta bằng những tượng đài tâm linh của chúng bất chấp thủ đoạn và máu để phô trương sự thống trị.

Xuất từ những tìm hiểu, tình yêu và lòng tự hào về đất nước nói chung “Thành Gia Định” - Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, tôi xin bày tỏ ba ý kiến của cá nhân mình xin kính gửi lên Đảng Ủy , Ủy ban Nhân dân, các Ban Ngành Đoàn thể, các chức sắc Tôn giáo và toàn thể Nhân dân Thành phố:

1, Nên đưa vị trí chùa Khải Tường vào dạng tồn nghi đang nghiên cứu chứ không để một cách khẳng định ở vị trí của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh như hiện nay trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng: sách, báo, truyền thông,…

2, Nên mang tấm bảng đề “Quốc Ân Khải Tường Tự” từ chùa Từ Ân về Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh trưng bày chung với pho tượng Ông Phật lớn của chùa Khải Tường. Phục chế một tấm bảng khác để lại chùa Từ Ân nếu nhận thấy thật sự cần thiết. Và trưng bày hai hiện vật này ở gian chính của Bảo tàng chứ không xếp chung với gian trưng bày đồ sơn thiếp thời Nguyễn vì những ý nghĩa lịch sử dân tộc và lịch sử tâm linh của hiện vật như đã trình bày.

3, Nên dựng lại một ngôi chùa mang tên “Quốc Ân Khải Tường” ở một phần khuôn viên của Thảo Cầm Viên khi nơi này di dời về vị trí mới, kết hợp với Bảo tang Lịch sử, Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương sẽ thành một biểu tượng văn hóa truyền thống – tâm linh của Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh ở trung tâm Thành phố cho người dân Thành phố và bạn bè quốc tế hiểu thêm về một phần lịch sử bi hùng của một thành phố từng được các học giả Phương Tây đánh giá là đứng đầu Đông Nam Á ở thế kỷ XIX. Và tất nhiên, đó là niềm tự hào của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và của Việt Nam nói chung.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 22
    • Số lượt truy cập : 6116251