Thông tin

TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN, MỘT BIỆN PHÁP BẢO TRỌNG CUỘC SỐNG

TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN,

MỘT BIỆN PHÁP BẢO TRỌNG CUỘC SỐNG

 

LƯƠNG THỊ THU (Pháp danh Ngọc Trực)
Lớp CHTXII Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM

 

Thực hành nghi lễ tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt
tại Hội thảo khoa học Phật giáo với tín ngưỡng thờ mẫu ở Việt Nam

Tín ngưỡng dân gian Việt Nam dựa trên niềm tin như một biện pháp bảo trọng cuộc sống, mong được yên lành; vừa như một yếu tố hỗ trợ thêm trong quá trình sản xuất; đồng thời như một phương thức để thực hành và giáo huấn đạo đức, luân lý, hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Cơ sở hình thành tín ngưỡng dân gian xét về mặt tâm lí đó chính là niềm tin.

Tín ngưỡng ra đời và tồn tại trong đời sống cộng đồng dân tộc Việt Nam qua truyền thừa. Xét về địa lý, người Việt tựu cư ở trung, hạ lưu các con sông như sông Thái Bình, Thu Bồn, Hương, Cửu Long, Đồng Nai. Xét về nghề nghiệp, theo địa lý sông, biển nhiều nên nông ngư nghiệp nuôi trồng, hải thủy sản là chính. Do đó “Tín” các vị thần liên quan đến đời sống nông nghiệp rất đa dạng. Mà hễ nói đến nông nghiệp là nói đến lễ hội mùa xuân. Chính lễ hội giải quyết tín ngưỡng, là một trong những cách thức con người thực hành niềm tin. Vậy tín ngưỡng dân gian có những đặc điểm gì, trước hết chúng ta đi qua từng khái niệm. Tín ngưỡng là niềm tin, sự ngưỡng mộ đối với một đối tượng siêu nhiên nào đó có ảnh hưởng chi phối đến đời sống sinh hoạt con người.

Tín ngưỡng dân gian là một loại hình sinh hoạt tinh thần, ra đời và phát triển cùng với con người từ thuở sơ khai. Hai khái niệm tín ngưỡng và tín ngưỡng dân gian (1) này gần như tương đồng. Tín ngưỡng dân gian còn gọi là tín ngưỡng truyền thống, là tín ngưỡng của các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, nó đều mang những đặc trưng của văn minh nông nghiệp. Hiện tượng tín ngưỡng dân gian đa thần có từ thời cổ xưa, bao gồm những tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, sùng bái thần linh, sùng bái con người, trong đó có những tập tục cúng tế, bói toán, lên đồng, xuất xứ từ những tín ngưỡng Saman giáo(2) cổ xưa. Một trong những nguồn gốc của tín ngưỡng dân gian là con người từ thời cổ xưa chưa giải thích được những hiện tượng tự nhiên và trong đời sống xã hội. Tín ngưỡng dân gian có sức mạnh dai dẳng. Tại Việt Nam, tín ngưỡng dân gian sâu đậm ở nhiều tầng lớp. Người dân tin vào phúc thần, các thánh, các mẫu. Tín ngưỡng này chưa được nâng lên thành đạo và thường bị lợi dụng xuyên tạc thành những trò mê tín dị đoan. Hai khái niệm tín ngưỡng tôn giáo và tín ngưỡng dân gian có thể tương đồng về mặt cấu trúc và chức năng. Tín ngưỡng dân gian ở trong tất cả các dân tộc chứ không phải chỉ ở trong một nhóm người riêng biệt nào. Tín ngưỡng dân gian có tính xuyên văn hóa rộng rãi và tính đa dạng cao. Trong rất nhiều hoàn cảnh, tín ngưỡng dân gian như là một phần hoạt động của con người chỉ được hiểu như là một việc liên quan đến nghi lễ (Patrick B. Mullen, 2005). Tín ngưỡng dân gian thường khoác lên mình những biểu hiện sau:

Thứ nhất là tôn trọng và gắn bó mật thiết với thiên nhiên. Từ đó, xuất hiện tín ngưỡng sùng bái thiên nhiên như trời, đất, mây, mưa, sấm, sét, núi, sông...

Thứ hai là hài hòa âm dương thể hiện trong đối tượng thờ cúng như: có trời phải có đất, có tiên phải có rồng... Điều này có thể nhận ra từ việc người phụ nữ đi lấy chồng, không theo họ của chồng như Nhật Bản, Trung Quốc. Nho giáo vào Việt Nam đã bất lực về việc này. Còn thể hiện qua hệ thống Tứ pháp của miền Bắc là nữ như Điện bà Pháp Vân ở chùa Dâu, tỉnh Bắc Ninh.

Thứ ba, đối tượng tín ngưỡng phần lớn là phụ nữ. Chúng ta dễ dàng nhận ra trong hệ thống Tứ pháp ở miền Bắc hoặc như Cửu thiên huyền nữ, bà chúa Liễu Hạnh...

Thứ tư là tôn phong đền đài các anh hùng liệt sĩ, các danh nhân văn hóa của dân tộc.

Có thể thấy lịch sử Phật giáo Việt Nam từ lúc Phật giáo Ấn Độ du nhập cho đến nay, Phật giáo Việt Nam tạo ra một đời sống tâm linh sâu sắc và hướng thiện, Phật giáo đồng hành với dân tộc trong quá trình dựng nước, góp phần phong phú cho kiến trúc và lễ hội, góp phần điều chỉnh các hành vi xã hội theo chuẩn mực đạo đức truyền thống, đáp ứng nhu cầu tôn giáo cho quảng đại quần chúng tín đồ. Tín ngưỡng xuất hiện trước tôn giáo nên khi Phật giáo vào nước ta tạo ra một đời sống tâm linh sâu sắc, từ nghiệp báo, luân hồi, giải thoát, vị tha, vô chấp, vô ngã, từ bi. Sự tiếp nhận giáo lý nhà Phật ban đầu của người Việt chẳng hạn “họa phúc” lúc bấy giờ người Việt hiểu theo hướng nhân quả. Muốn phúc thì phải tích thiện, họa lại hiểu là do nhân làm. Như vậy, suy nghĩ của người Việt chịu tác động của triết lý Phật giáo, nó thể hiện ra ngôn ngữ. Khi đề cập đến thiện ác, tích thiện, dù người chưa đi chùa vẫn có thể hiểu được: “Ở hiền gặp lành”, “Làm lành lánh dữ”, “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, “Gieo gió gặt bão”... Theo Phó giáo sư Trần Thị Hạnh ngôn ngữ là cái vỏ vật chất của tư duy: “Cơ bút sinh cơ tâm”. Người Việt có thể hiểu được giáo lý nhà Phật một cách thuận lợi, dễ dàng dù họ không biết gì về đạo Phật, có lẽ vì chữ Việt/ tiếng Việt đã đi vào tư duy của họ từ thuở bé. Người ta có thể lý giải tại sao tín đồ Phật giáo Việt Nam số lượng đông đảo có lẽ một trong những nguyên nhân là do ngôn ngữ tiếng Việt, họ đã có tư duy gần với đạo Phật. Một lý do nữa là do thiền sư, những vị cao tăng trong đạo Phật trở thành thân vương trong triều chính. Từ vai trò ảnh hưởng xã hội, đạo Phật đem lại sự phong phú đa dạng trong kiến trúc như chùa, đình, miếu, phủ... Đa dạng trong lễ hội. Đáng lý ra, di tích của ta rất dày. Thật ra hiện nay một số chỉ còn phế tích, đô thị hóa, xây nhà, làm chung cư, phục vụ du lịch đã san bằng nhiều di tích. Đó là về mặt vật chất nhưng cái còn lại bền vững là giáo lý nhà Phật góp phần điều chỉnh chuẩn mực đạo đức xã hội, góp phần điều chỉnh tư duy, hành động, ngôn ngữ.

Một mặt nữa mà chúng tôi đề cập là Phật giáo góp phần đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Việt Nam và một khi nó thể hiện sinh động bản sắc nguyên hợp nhiều thành tố, đồng thời phát huy trong môi trường sinh hoạt dân gian thì hiện tượng văn hóa Phật giáo lại có thể mang tính dân gian. Trước hết, chúng ta có thể nhận ra mối quan hệ này qua việc thờ cúng và lễ bái. Hình tượng thờ Thạch Quang Phật chính là do tục thờ đá của người Việt. Theo người Việt, có một bái vật là đá (3). Bởi đá thì có thạch khí và thạch linh. Khi Phật giáo vào Việt Nam thì kết hợp thờ đá, thờ thần đá với việc thờ Phật. Di tích Hoa Lư có rất nhiều trụ khắc kinh Phật, hang đá khắc tượng Phật. Điều này chứng tỏ, Phật rất thiêng và trong tâm lý người Việt Nam, khi nhìn một đám mây có hình dạng như hình Phật thì họ rất phấn khởi. Trong tiềm thức sâu xa, họ cho rằng điều đó là có Phật hộ trì con người cho mọi việc được hanh thông. Đó chính là sự kết hợp giữa thiên nhiên với cấp độ của Phật. Chúng ta lần giở những trang Sử Ký Toàn Thư có ghi chép lại thái độ của người Việt từ xưa, họ tin rằng con người mà có sự hỗ trợ của thần, độ chứng của Phật là thành công. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi cách sắp xếp, bài trí các tượng trong một ngôi chùa lại có sự kết hợp biểu tượng của niềm tin tín ngưỡng. Cách bài trí các thánh có thể là riêng, không phải tín ngưỡng nào cũng được tích hợp với Phật giáo.

Thứ đến, xét về mối tương hợp tinh thần từ bi của đạo Phật với đạo đức xã hội. Thời kỳ du nhập, ảnh hưởng bình đẳng của tư tưởng Phật giáo Đại thừa đó là tình yêu thương rộng lớn không phân biệt. Tương hợp với đạo đức làm người thương yêu, đùm bọc che chở xuất phát từ thời Bắc thuộc, nhân dân khổ cho nên ý chí chung là khát vọng giành độc lập. Tinh thần tương hợp bình đẳng của Phật giáo và truyền thống đoàn kết. Có thể thấy một hình ảnh Phật giáo kết hợp giữa di tích lịch sử và tâm lý dân gian như trường hợp mua đồ vàng mã (tất nhiên là mua tượng trưng) lễ các liệt sĩ ở Ngã ba Đồng Lộc, cũng là một cách thể hiện đồng cảm giữa các phụ nữ đang sống và các chị em đã hy sinh, vừa giải quyết suy nghĩ tâm linh vừa không tổn hại cho ai.

Mặt khác còn do sự kết hợp từ trong thần tích, huyền thoại, trong lịch sử mà hình thành một ngôi chùa đến nếp sinh hoạt của người dân, ví dụ truyền thuyết chùa Dâu, chùa Một Cột (Diên Hựu). Đặc biệt là sự kết hợp qua nghi lễ và giáo lý. Hiện nay, các nghi lễ dân gian được làm trong chùa rất phổ biến như lễ hằng thuận, các nhà sư trở thành chủ lễ, lễ làm trai (trai phạn, trai tăng). Lễ làm trai dung hợp cả nghi thức Phật giáo và nghi thức Lão giáo. Trên tế đàn, vị tam phủ (4), ở hai bên là tranh thập điện; ở giữa còn có tượng Thiên quan, tượng Thành hoàng, cùng tượng Di Đà. Trước hết, là lễ cầu Phật xin phổ độ, lễ tam phủ xin xá tội, lễ cầu vong để gọi hồn người chết về, lễ phá địa ngục để giải thoát cho vong hồn có tội, lễ giải oan, cắt đoạn để trừ mối oan ức của những hồn bất đắc kỳ tử, cùng lễ phóng sinh, phóng đăng để mua phúc quả (5).

Một số ngày lễ chính của đạo Phật cũng gắn với tín ngưỡng dân gian. Dược sư thất châu đầu năm kết hợp Lễ hội Kỳ an. Ở miền Bắc, lễ vật của người dân đi chùa không chỉ có lễ chay mà có cả lễ mặn, bởi trong chùa thờ cả thần thánh. Ở miền Nam, đa phần là lễ chay. Người dân kính trọng nhà tu hành, họ trân trọng đeo những chiếc vòng mà sư đã trì chú, thiêng ở trong lời chú nguyện, và trong họ đã có sức mạnh của niềm tin. Chính vì vậy, các nhà tu hành Phật giáo đã làm việc với thần thánh trong tâm thế của Phật giáo. Thiêng trong Kinh điển, Thượng tọa Thích Đồng Văn, trụ trì chùa Viên Giác, có nói rằng nếu một ai đó có nói đến việc đưa các bản kinh và thờ cúng hay pháp hội về Ngài Mục Liên hay kinh Vu lan báo hiếu, kinh Di Đà không phải là của Phật giáo thì hãy xét đến hiệu quả về việc giáo dục luân lý đạo đức. Lời dạy của các kinh và những tấm gương đền báo tứ trọng ân này có thiết thực trong việc thiết lập trật tự đạo đức gia đình, xã hội, quốc gia không? Có làm hại cho xã hội không? Bởi nếu chối từ niềm tin của tín chúng vào một chỗ dựa tinh thần sẽ dễ rơi vào tà giáo, mê tín dị đoan. Có bao giờ chúng ta tự giải đáp cho câu hỏi tại sao nhà sư trở thành người thực hành nghi lễ không? Bởi khi nào còn sự đe dọa về tinh thần, khi nào con người còn khát vọng thì vẫn còn niềm tin. Không chỉ riêng người Việt Nam còn tin vào thần thánh, gia tiên mà ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, vào tháng 4, tháng 10, chùa Hàn Quốc, Nhật Bản rất đông, bởi là tháng đi thi đại học, các bà mẹ vào chùa để cầu nguyện, họ viết những điều mình mong muốn vào một cái thẻ, sau khi cầu nguyện điều mình mong muốn, họ treo lên cây. Lúc này, chúng ta không thể nhận thức theo nghi lễ Phật giáo được mà đơn giản là đáp ứng tín ngưỡng của người dân: Con đi thi, mẹ đi lễ. Ở Việt Nam cũng vậy, tháng 9 cũng cầu nguyện thi đỗ. Khi mà nhu cầu người dân vẫn còn, nhà chùa buộc phải kết hợp nhu cầu đó trên tinh thần hướng đạo. Năm 1990, Đảng CSVN đã thừa nhận tôn giáo tồn tại rất lâu. Quan điểm 2 là vấn đề “Tín ngưỡng tôn giáo” còn là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Quan điểm 3 là đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ nhận thức này, Nhà nước cho ra đời một số pháp lệnh về tín ngưỡng và tôn giáo nhằm đáp ứng nhu cầu niềm tin của mọi tầng lớp nhân dân. Từ đó, chúng ta có thể khẳng định được vai trò nhập thế của Phật giáo trên tinh thần từ bi và trí tuệ.

Nói về tín ngưỡng, tức nói về niềm tin vào cái thiêng. Nghi lễ nhà Phật nếu thoát ly ra khỏi cái thiêng thì không còn mang màu sắc của tôn giáo nữa. Niềm tin tôn giáo là một hệ thống niềm tin hướng vào thế giới thiêng. Sự chuyển hóa thiêng qua phàm và từ phàm qua thiêng có một lằn ranh rất mỏng. Bất kỳ tôn giáo nào cũng phải giải quyết ba vấn đề lớn: cái chết, hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống... Phật giáo buộc phải giúp cho nhu cầu tâm linh của người dân. Và trên đường đi của Phật giáo không tránh khỏi những sự cuốn hút ảnh hưởng của Ấn giáo, Nho giáo, Đạo giáo. Cuối cùng thì Phật giáo giúp chúng ta cái nhìn về nhân sinh, vũ trụ rất hay nhưng không được quên những tôn giáo khác và những văn hóa tín ngưỡng bản địa. Đặc biệt, nghi lễ Phật giáo chuyển tải, quy phạm hóa những lời dạy của đức Phật. Nghi lễ không phải là sự bắt buộc mà là hướng đích xã hội. Sự bài trí các tôn tượng hoặc nghi lễ, lễ hội mang tính biểu tượng. Cần thiết chuyển tải giá trị luân lý đạo đức thông qua biểu tượng. Thượng tọa Tiến sĩ Thích Đồng Bổn trong công trình nghiên cứu “Phật giáo với tập tục tín ngưỡng trong đời sống văn hóa Nam Bộ” đã trình bày cụ thể sự tương tác giữa tập tục dân gian và Phật giáo qua một số tập tục tín ngưỡng dân gian tiêu biểu (6) và theo tác giả: “Ta có thể thấy rõ tư tưởng Phật giáo thấm sâu vào cuộc sống, quan niệm và tâm lý người Nam Bộ, trở thành một phần vốn có trong truyền thống, trong bản chất của họ. Đổi lại các nghi lễ cúng tế trong Phật giáo Bắc truyền cũng đã dần dần thâm nhập vào các tập tục dân gian theo tín ngưỡng bản địa ấy làm biến đổi từ mục đích đơn giản ban đầu để trở thành những tập tục có ý nghĩa(7). Và khi cộng đồng thực hành những tập tục, những nghi lễ đó bằng niềm tin thì nó có thể trở thành một trong những biện pháp bảo trọng trong cuộc sống hàng ngày vốn nhiều bất trắc như hiện nay.

 


(1) Thuật ngữ “dân gian” mới được thông dụng trong nghiên cứu học thuật ở Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám, năm 1945, thay thế cho thuật ngữ “bình dân”, “truyền khẩu”. Dân gian nghĩa đen là dân chúng, thuộc về nhân dân, gắn với môi trường folklore (folk: người dân, klore: tri thức, kiến thức). Không nên hiểu dân gian là đơn giản, dễ dãi, thiếu tính bác học. Trong nghiên cứu học thuật, tính dân gian nên được hiểu là tính folklore. Một hiện tượng văn hóa mang tính dân gian (tính folklore) là khi nó thể hiện sinh động bản sắc nguyên hợp nhiều thành tố, đồng thời phát huy tác dụng trong môi trường sinh hoạt folklore. (Từ điển Việt Nam văn hóa tín ngưỡng phong tục, 2005, tr. 1031-1032)

(2) Saman giáo được xem như một hình thức tôn giáo tập trung tín ngưỡng vào vô số các vị thần và linh hồn được tin là giao cảm với con người thông qua các pháp sư. Pháp sư là những người dàn xếp thực hiện các nghi lễ khác nhau, đôi khi đưa con người vào trạng thái thôi miên, để linh hồn của họ thoát khỏi thân xác để đi vào thế giới thần thánh và tâm linh. Các pháp sư có khả năng như vậy giữ vai trò là trung gian giữa con người và thần linh, thay mặt con người bày tỏ những ước muốn đến các bậc thần linh và truyền đạt ý chí của thần thánh đến với con người.

Giáo sư TSKH Phan Đăng Nhật trong bài viết Cơ chế tín ngưỡng Sa man (SHAMANISM) và cơ chế tìm mộ bằng phương pháp đặc biệt, có viết: Có người gọi là sa man giáo. Rành mạch hơn thì nên chỉ rõ đây là tín ngưỡng, chưa phải là tôn giáo, vì vậy, chúng tôi dùng thuật ngữ tín ngưỡng sa man, hoặc nói tắt là sa man.Thuật ngữ sa man có cội nguồn từ người Nga, tộc người tông gu dờ (tongouse). Có thể từ này bắt nguồn từ samana, tiếng Pali do ảnh hưởng của Ấn Độ đối với vùng Xibêri. Sa man trở thành một thuật ngữ quốc tế, người ta không dịch ra các ngôn ngữ quốc gia.

(3) Bái vật giáo là lòng tin của con người vào thuộc tính siêu nhiên của những vật chất như hòn đá, gốc cây, lá bùa, tượng, tranh… Bái vật giáo là hình thức tín ngưỡng thổi phồng, phóng đại những tính năng thực tế của đồ vật và gán cho những vật chất, đồ vật những khả năng siêu phàm. Việc tín đồ Phật giáo thờ Xá lợi, tượng Phật, La Hán, Bồ tát hoặc ở Phật giáo Việt Nam là chuyện Man nương đầu thai với nhà sư Ấn Độ sinh ra con giấu trong cây gỗ và sau này hình thành nên tứ pháp như Pháp Vân (mây), Pháp Điện (sét), Pháp Lôi (sấm), Pháp Vũ (mưa) hay việc đạo Công giáo thờ Thánh giá, tượng gỗ chúa Giêsu; ở Cao đài là việc thờ Thiên nhãn, còn ở đạo Hòa Hảo là việc thờ tấm Trần Dà là thể hiện rõ cộng đồng người ngày xưa ở đây đã có tín ngưỡng Bái vật giáo.

(4) Thiên phủ, địa phủ, thủy phủ

(5) Đào Duy Anh (1992), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb TP HCM, tr. 223.

(6)

Dân gian Phật giáo

Nhóm liên quan đến ông bà, tổ tiên                              

1. Lễ trung nguyên(rằm tháng 7) (< >)       Lễ Vu lan, Lễ Báo hiếu

2. Tục đốt vàng mã (>)            Tục hóa sớ, tiền vãng sanh

3. Nghi Học trò lễ (>)              Nghi dâng lục cúng

4. Nghi Thập khoa             (>)           Nghi trai đàn

5. Nghi Đàn trình              (>)           Nghi đàn trình

6. Tục cúng bông hoa        (>)           Tục cúng bông hoa

7. Nghi cúng ông bà          (>)           Nghi cầu siêu

8. Nghi khai Xá hạc           (>)           Nghi khai Xá hạc

Nhóm liên quan đến người chết

9. Lễ cúng cô hồn              (< >)       Lễ chẩn tế

10. Nghi Đề phan              (>)           Nghi Tây quy

11. Nghi cúng cơm             (>)           Nghi cúng vong

12. Nghi đám tang             (>)           Nghi dẫn lộ

13. Nghi vớt vong              (>)           Đàn thủy lục

14. Nghi vớt trùng              (>)           Đàn giải oan

Nhóm liên quan đến cá nhân và đời sống

15. Tục cúng sao giải hạn (>)           Lễ cầu an đầu năm

16. Tục cúng Sóc Vọng      (>)           Lễ Sám hối kỳ an

17. Tục bố thí                    (<)           Tục bố thí

18. Tục phóng sanh           (<)           Tục phóng sanh

19. Tục ăn chay                 (<)           Tục ăn chay

20. Nghi đám cưới             (>)           Lễ hằng thuận

21. Tục hái lộc                   (<)           Tục hái lộc

22. Tục cúng Tam tai         (>)           Tục cúng Tam tai

23. Tục xin Xăm                 (>)           Tục xin Xăm

24. Tục coi ngày tốt xấu     (>)           Tục coi ngày tốt xấu

Nhóm liên quan đến trời Phật thần thánh

25. Lễ khai quang điểm nhãn            (>)    Lễ An vị

26. Lễ Thượng nguyên rằm tháng Giêng (>)        Lễ Rằm tháng Giêng

27. Lễ Hạ nguyên rằm tháng Mười    (>)    Lễ Rằm tháng Mười

28. Lễ Rằm tháng Tư         (<)           Lễ Phật đản

29. Tết Trung thu               (>)           Lễ cúng trăng

30. Lễ cúng Giao thừa       (< >)       Lễ vía Di Lặc

(7) Thích Đồng Bổn, Những tập tục dân gian chịu ảnh hưởng Phật giáo Đại thừa, Luận văn Cao học, Viện KHXH tại TP.HCM, 1991.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 39
    • Số lượt truy cập : 6113992