Thông tin

TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ TIÊN Ở VIỆT NAM

TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ TIÊN Ở VIỆT NAM

 

TẠ VĂN TRƯỜNG

 

 

Thờ cúng tổ tiên có một vị trí quan trọng trong đời sống gia đình và xã hội Việt Nam. Đây là cách thể hiện lòng biết ơn và sự tri ân với những người đã khuất. Theo quan niệm, những người đã khuất thường xuyên can dự vào cuộc sống hiện tại, họ hướng dẫn, chỉ đạo, che chở cho chúng ta, bảo vệ chúng ta… Cho đến nay, hiện tượng thờ cúng tổ tiên còn tồn tại ở nhiều quốc gia, dân tộc. Tuy vậy, vị trí và vai trò của nó trong đời sống tinh thần của con người ở mỗi nơi mỗi khác. Ở một số quốc gia, thờ cúng tổ tiên có vai trò mờ nhạt trong đời sống tinh thần cộng đồng, nhất là những quốc gia và dân tộc đưa một tôn giáo thành độc tôn, nhất thần. Nhưng ở những quốc gia đa, phiếm thần thì thờ cúng tổ tiên có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của mỗi cá nhân, cộng đồng, xã hội. Ở Việt Nam, hầu hết mọi người đều thờ cúng tổ tiên kể cả những tín đồ của một số tôn giáo. Mọi người quan niệm tín ngưỡng này vừa như là một phong tục truyền thống, vừa như một đạo lý làm người, lại vừa như một hình thức sinh hoạt tâm linh.

1. Đối tượng của thờ cúng tổ tiên

Ở Việt Nam, đối tượng của thờ cúng tổ tiên được thể hiện ở 3 cấp: gia đình, làng xã, đất nước.

Ở cấp độ gia đình, người Việt Nam thờ cúng ông bà, cha mẹ,… là những người cùng huyết thống đã chết. Đã là người Việt Nam, dù sang hèn, giàu nghèo khác nhau ai cũng thờ cúng cha mẹ, ông bà, tổ tiên của mình. Đây không chỉ là vấn đề tín ngưỡng mà còn là vấn đề đạo lý, phản ánh lòng biết ơn của con cháu đối với công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Nơi thờ cúng là ở gia đình và nhà thờ họ.

Ở cấp độ làng xã, người Việt còn thờ cúng những người có công với làng xã và được tôn vinh là Thành hoàng và nơi thờ cúng ở đình làng.

Ở cấp độ Nhà nước, người Việt thờ cúng những người có công đối với đất nước, như các Vua Hùng, Thánh Gióng, Trần Hưng Đạo, Hồ Chủ tịch…

Ở Việt Nam có 3 cộng đồng vốn từ xa xưa đã có quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, đó là: gia đình, làng xã và quốc gia. Vì vậy, tổ tiên gia đình, làng xã và đất nước không tách rời nhau. Từ thực tế đó, chúng ta có thể hiểu tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một hiện tượng tâm lý xã hội thể hiện sự biết ơn của người còn sống đối với người đã chết có công lao với cá nhân, gia đình, dòng tộc, làng xã, đất nước, thể hiện niềm tin rằng, tổ tiên tuy đã chết nhưng linh hồn vẫn tồn tại ở một thế giới khác và linh hồn tổ tiên có khả năng tác động tới đời sống, số phận của con cháu thông qua các nghi lễ thờ cúng.

2. Sự hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam

2.1. Về nhận thức

Trong nhận thức dân gian, người Việt quan niệm rằng, con người có 2 phần: phần xác và phần hồn. Hai phần này vừa gắn bó, vừa tách biệt, chúng gắn bó với nhau. Khi con người còn sống, hồn nhập vào xác điều khiển hành vi của con người. Khi con người chết, phần hồn rời khỏi xác, thể xác của họ hòa vào cát bụi, phần hồn vần tồn tại và chuyển sang sống ở một thế giới khác (cõi âm). Ở Cõi Âm (được mô phỏng từ Cõi Dương) mọi linh hồn đều có các nhu cầu như cuộc sống nơi trần thế.

2.2. Sự kính trọng, biết ơn

Nỗi lo sợ bị trừng phạt của con người không phải là yếu tố duy nhất và chủ yếu dẫn đến sự hình thành và phát triển tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Nếu chỉ vì sợ hãi mà con người phải thờ cúng thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã không thể tồn tại lâu bền và đầy giá trị nhân văn như vậy. Yếu tố tâm lý có vai trò quyết định trong việc duy trì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt là sự tôn kính, biết ơn đối với các thế hệ trước, là tình yêu và lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ.

2.3. Sự sợ hãi

Trong cuộc sống con người còn gặp nhiều khó khăn, rủi ro, bất hạnh, sa cơ, lỡ vận, bệnh tật hiểm nghèo… luôn đe doạ sự bình an của con người. Con người còn thiếu tự tin vào chính bản thân khi phải đối mặt giải quyết với các vấn đề trên trong cuộc sống của chính bản thân họ. Họ luôn mong muốn có sự giúp đỡ của các thế lực khác nhau, trong đó họ cần đến sức mạnh của ông bà tổ tiên ở “thế giới bên kia” che chở, nâng đỡ. Từ quan niệm dân gian về linh hồn, người ta cho rằng, nếu không cúng tế linh hồn ông bà tổ tiên đầy đủ thì những linh hồn này trở thành ma đói và sẽ mang lại rủi ro, quấy nhiễu cuộc sống của những người đang sống. Trong cuộc sống của mỗi con người, càng về già, cái chết luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với mỗi người, con người không muốn nó diễn ra, ngay cả khi họ có cuộc sống nơi dương thế luôn gặp khó khăn và trắc trở, nhưng họ lại luôn phải đối mặt với nó. Thực hiện các lễ nghi thờ cúng tổ tiên trong không gian thiêng đó, mỗi người được trải nghiệm và cũng như một lần được chuẩn bị tâm thế chấp nhận cái chết một cách thanh thản, bình tĩnh và nhẹ nhàng hơn.

2.4. Ảnh hưởng của một số tư tưởng tôn giáo đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam

- Ảnh hưởng của tư tưởng Khổng giáo (Khổng giáo do Khổng Tử sáng lập): Tư tưởng của đạo Khổng là đề cao chữ hiếu và coi đó là nền tảng của đạo làm người. Theo Khổng Tử, sự sống của mỗi con người không phải do tạo hóa sinh ra, càng không phải do bản thân tự tạo, mà nhờ cha mẹ. Sự sống của mỗi người gắn liền với sự sống của cha mẹ, sự sống của cha mẹ lại gắn liền với sự sống của ông bà và cứ như vậy thế hệ sau là sự kế tiếp của thế hệ trước. Vì thế, con người phải biết ơn không chỉ với cha mẹ mà cả đối với thế hệ tổ tiên trước đó.

 - Ảnh hưởng của tư tưởng Đạo giáo: Nếu như Khổng giáo đặt nền tảng lý luận về giá trị đạo đức, về trật tự kỷ cương xã hội cho tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, thì Đạo giáo góp phần củng cố niềm tin vào sự tồn tại và năng lực siêu nhiên của linh hồn những người đã chết thông qua một số nghi lễ thờ cúng như: gọi hồn, bùa chú, ma chay, tang lễ, mồ mả và đốt vàng mã.

- Ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo:

Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến sự giữ gìn và phát triển tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam, trước hết là quan niệm của Phật giáo về cái chết, về kiếp luân hồi và nghiệp báo,… Phật giáo đề cập rất nhiều đến thờ cúng tổ tiên theo cả hai nghĩa rộng và hẹp. Thờ cúng tổ tiên trong Phật giáo theo nghĩa rộng chính là thờ Phật. Phật thường được dân gian hiểu một cách nôm na là người sáng lập ra Phật giáo, là Buddha, mọi người gọi là ông Bụt, ông Phật hay đôi khi là “Phật tổ”. Hay những người đứng đầu, người sáng lập ra các tông phái Phật giáo và người kế thừa, những vị sư sáng lập chùa được các hậu duệ của họ gọi là “Sư tổ”. Các tự viện nơi họ được khai sáng thì gọi là “Tổ đình”. Theo nghĩa hẹp, cũng có nghĩa là thờ cúng ông bà, cha mẹ, những người có cùng huyết thống với mình. Chính vì vậy, chúng ta thấy rằng giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có những điểm tương đồng trong ý tưởng giáo dục, trong văn hóa tín ngưỡng và trong nghi lễ thờ cúng. Đây chính là cơ sở cho sự hội nhập giữa đạo Phật với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam.

Những tư tưởng cơ bản của Phật giáo có ảnh hưởng lớn lao đến sự phát triển của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, nhưng không vì thế mà nó là sự sao chép y nguyên tư tưởng của Phật giáo. Người Việt Nam quan niệm rằng, cha mẹ và tổ tiên luôn lo lắng và quan tâm cho con cái ngay cả khi họ đã chết. Người sống chăm lo đến linh hồn người chết, vong hồn người chết cũng quan tâm đến cuộc sống của người đang sống.

3. Nghi thức thờ cúng tổ tiên

Việc bài trí bàn thờ gia tiên thường không giống nhau, điều này phụ thuộc vào quan niệm tâm linh và cả điều kiện kinh tế của gia đình. Nhìn chung, bàn thờ gia tiên nào cũng có một số đồ thờ chủ yếu sau: bài vị, bát hương, đĩa đèn, bình hoa, chén rượu, mâm đựng hoa quả… Các gia đình bình dân, đồ thờ thường được làm bằng gỗ hoặc sành sứ, còn các gia đình giàu có thế nào cũng có đồ thờ tự bằng đồng. Bàn thờ gia tiên của ngành trưởng phức tạp hơn ngành thứ, của chi trưởng phức tạp hơn chi thứ, gia đình con thứ, con út chỉ thờ vọng nên bài trí bàn thờ cũng đơn giản hơn con trưởng.

 Việc thờ cúng tổ tiên tại gia đình thường được tiến hành quanh năm, xuất phát từ quan niệm dù đã khuất nhưng linh hồn họ vẫn luôn ở bên cạnh con cháu. Không chỉ cúng lễ trong các dịp quan trọng như tang ma, giỗ chạp, cưới xin…, không chỉ trong những ngày lễ tiết như Tết Nguyên đán, Thanh minh, Hàn thực, Đoan ngọ…, các ngày Sóc (ngày mồng một), Vọng (ngày rằm) theo chu kỳ tuần trăng, mà các vị tổ tiên còn được con cháu kính cáo mọi chuyện vui buồn: sinh nở, ốm đau, thi cử, đỗ đạt, kiện cáo, bất hòa, dựng vợ gả chồng… Con cháu còn kính mời các vị về hưởng thụ hoa trái đầu mùa, lễ tạ tổ tiên khi có phúc, có lộc. Có thể nói trong tâm thức những người sống tổ tiên là bất tử. Người Việt dâng hương, làm lễ cúng tổ tiên để báo cáo và để cầu tổ tiên phù hộ, hay để tạ ơn khi công việc thành công. Bản chất việc thờ cúng tổ tiên của người Việt là từ niềm tin người sống cũng như người chết đều có sự liên hệ mật thiết và hỗ trợ nhau. Con cháu thì thăm hỏi, khấn cáo tiền nhân. Tổ tiên thì che chở, dẫn dắt hậu thế nên việc cúng giỗ là thực hiện mối giao lưu giữa cõi dương và cõi âm.

Thay lời kết

Là một loại hình tín ngưỡng dân gian từ lâu đã thấm đượm và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của mọi người dân Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có sức sống lâu bền. Tín ngưỡng này không chỉ chứa đựng những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của dân tộc mà còn thể hiện quan niệm của người Việt về thế giới, về nhân sinh. Do vậy, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có ảnh hưởng tích cực tới đời sống của mỗi cá nhân, cộng đồng và xã hội. Sự ảnh hưởng này được thể hiện thông qua hệ thống giá trị của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được chuyển tải vào hoạt động giáo dục nhân cách con người Việt cũng như trong việc thoả mãn nhu cầu tâm linh của mỗi cá nhân.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 17
    • Số lượt truy cập : 6130247