Thông tin

TINH THẦN HÒA HỢP THIÊN NHIÊN

TRONG KIẾN TRÚC CHÙA PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

TRƯƠNG HỮU DỤNG
(THÍCH NGỘ TRÍ DŨNG)

 


 

Hình ảnh các ngôi chùa hòa mình cùng với những hàng cây, ao sen tĩnh lặng dường như đã trở thành một mảnh ghép quan trọng trong bức tranh làng quê Việt Nam. Dù ở bất cứ thời kì nào trong lịch sử dân tộc, chúng ta vẫn thấy yếu tố tự nhiên không thể tách rời khỏi kiến trúc chùa Phật giáo. Tại sao thiên nhiên lại gắn kết với các ngôi chùa Phật giáo nhiều đến thế? Phải chăng sự hiện hữu của thiên nhiên trong kiến trúc các ngôi chùa chính là một minh chứng rõ nét nhất cho tinh thần hòa hợp, trân quý thiên nhiên theo như lời dạy của Đức Phật?

Thiên nhiên và Phật giáo

Nhìn lại lịch sử Phật giáo, chúng ta thấy hầu như tất cả cột mốc quan trọng của cuộc đời Đức Phật đều gắn liền với thiên nhiên. Từ sự kiện Phật đản sanh, thành đạo, chuyển pháp luân, hay nhập diệt đều gắn với bối cảnh thiên nhiên. Đức Phật đản sanh tại vườn Lumbini (Lâm TỳNi) gắn với hình ảnh hoàng hậu Maya vịn tay vào cây Vô Ưu trong bối cảnh vườn cây xanh mát; sự kiện Đức Phật thành đạo sau 49 ngày đêm dưới cội cây Bodhi (Bồđề), bên bờ sông Naranjana (Ni Liên Thiền) hay sự kiện Đức Phật nhập Niết-bàn dưới bóng mát cây Sala.

Không những thế, thiên nhiên còn xuất hiện rất nhiều trong kinh điển Phật giáo, những lời dạy của Đức Phật sử dụng các hình tượng thiên nhiên làm ẩn dụ để diễn tả giáo lý uyên thâm mà Ngài đã chứng ngộ. Khi nhìn vào thiên nhiên, nếu chúng ta biết quán chiếu chúng theo những lời Phật dạy thì sẽ nhận thấy được rất nhiều bài học giá trị.

“Như ong đến với hoa,

Không hại sắc và hương,

Che chở hoa lấy nhụy,

Bậc Thánh đi vào làng”1

Do vậy, thiên nhiên đã trở nên rất đỗi gần gũi với Phật giáo hơn bao giờ hết. Phật giáo luôn khuyến khích con người trân trọng, bảo vệ thiên nhiên. Bởi Đức Phật đã nhận thức được vai trò quan trọng của thiên nhiên đối với sự tồn tại của loài người trên thế gian này. Tinh thần ấy được đề cập xuyên suốt giáo lý cũng như cuộc đời Ngài. Dù là trong bất cứ bối cảnh, hành động nào, Đức Phật đều luôn quán nghĩ, trân trọng thiên nhiên.

"Này các Tỷ-kheo, Ta ăn đã xong, thỏa mãn, đầy đủ, đã chấm dứt buổi ăn, tự cảm thỏa thích, vừa ý, và còn lại đồ ăn tàn thực này của Ta đáng được quăng bỏ. Nếu các Ngươi muốn, hãy ăn đi. Nếu các Ngươi không muốn ăn, Ta sẽ quăng đồ ăn ấy tại chỗ không có cỏ xanh, hay Ta sẽ bỏ xuống chỗ nước không có chúng sanh trong ấy"2.

Đặc biệt, trong kiến trúc chùa-ngôi nhà tâm linh của Phật giáo, thiên nhiên đã trở thành một yếu tố quan trọng, không những đóng vai trò trang trí mà còn với vai trò truyền tải thông điệp Phật pháp. Thiên nhiên không thể thiếu trong kiến trúc chùa dù ở bất kì phạm vi không gian hay thời gian nào. Và con người Việt Nam với sự sáng tạo và tâm hồn nghệ thuật của mình đã mang thiên nhiên vào những ngôi chùa theo một cách rất riêng. Nhìn chung, yếu tố thiên nhiên được ứng dụng vào trong kiến trúc chùa Phật giáo của người Việt ở hai phương diện chính làcảnh quan và tạo hình, trang trí.

Cảnh quan chùa hòa quyện với thiên nhiên

Từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam cho đến hiện tại, chúng ta thấy rằng chùa là một quần thể bao gồm nhiều thành phần kiến trúc như: Cổng Tam quan, Tháp Phật, khu điện thờ Phật, nhà Tổ, Tăng xá, nhà khách, trai đường, tháp mộ, v.v… Các thành phần này không phải nằm rời rạc mà thường được liên kết bằng cách nhà hành lang đan xen với các yếu tố thiên nhiên hay mô phỏng thiên nhiên như: Cây xanh, vườn hoa, hồ nước, thủy đình, cầu đá, núi non. Kiến trúc chùa luôn tồn tại trong sự tương quan với thiên nhiên, nhờ có thiên nhiên điểm tô mà hình ảnh những ngôi chùa của người Việt đã hiện lên thật đẹp.

Điển hình như những ngôi cổ tự: chùa Phổ Minh, Nam Định; chùa Thiên Mụ, Thừa Thiên Huế; chùa Giác Lâm, TP. HCM. Cho đến các ngôi chùa mới được xây dựng sau này như chùa Tam Chúc, Hà Nam; chùa Thanh Tâm, TP. HCM. Dù là bất cứ vùng miền nào của đất nước thì các thành phần kiến trúc luôn gắn liền với thiên nhiên, các chùa luôn tận dụng triệt để quỹ đất để bố trí yếu tố thiên nhiên, không chỉ với chức năng trang trí, mà còn giúp cải thiện điều kiện khí hậu, tạo ra môi trường tu tập, sinh hoạt tâm linh, thư giãn tốt nhất cho mọi người. Các khoảng sân trong kiến trúc chùa là nơi trồng nhiều cây xanh, vườn hoa kết hợp với ao nước, hòn non bộ, nhằm tạo ra khoảng không gian cho thiên nhiên. "Cha Việt Nam luôn lấy tinh thần gần gi, ha quyện với thiên nhiên nên có chùa ở sân trước bố trhòn non bộ (chùa Diên Hựu, chùa Ấn Quang), có chùa ở sân trước bố trhồ sen (chùa Phổ Minh, chùa Từ Hiếu), hoặc hồ nước lớn (chùa Keo, Thái Bình)”3

Con người Việt Nam rất tinh tế trong việc lựa chọn các loại cây phù hợp để bố trí ở những vị trí khác nhau trong cảnh quan kiến trúc chùa. Ở vòng ngoài của quần thể kiến trúc chùa thường là những loại cây đại thụ như cây đa, cây bồ đề, cao vượt các mái nhà. Tạo những mảng lá xanh phủ lên kiến trúc, làm cho kiến trúc trở nên sinh động, đồng thời tạo ra những khoảng không gian tươi mát phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt ngoài trời của các ngôi chùa. Còn ở vòng trong là những vườn hoa với nhiều cây cảnh quanh năm thay nhau nở hoa như cây huệ, hoa sen, hoa súng tỏa hương thơm ngát.

Sự chuyển tải thiên nhiên vào trang trí kiến trúc chùa

Trong các hình tượng thiên nhiên, quan trọng và được sử dụng nhiều nhất trong kiến trúc chùa Phật giáo của người Việt vẫn là hoa sen, và cây (lá) bồ đề. Vì hai hình tượng này gắn liền với sự giác ngộ của Đức Phật, và có thể truyền đạt được giáo lý Phật pháp đến với tất cả mọi người một cách mạch lạc, rõ ràng nhất.

Hoa sen vốn là loại hoa có các đặc tính vượt trội, loài hoa này sinh trưởng trong bùn lầy mà không hôi tanh sẽ là một ẩn dụ lý tưởng cho sự kiện Đức Phật xuất phát điểm là một người đời bình thường sống trong cảnh dục lạc, nhiễm ô, nhưng rồi sau đó Ngài bằng chính sức mình mà tu tập, vươn lên trở thành bậc thánh tối thượng. Bên cạnh đó, hoa sen có đặc tính hoa và quả kết cùng một lúc chỉ cho ý nghĩa nhân quả đồng thời trong Phật giáo, gieo nhân nào sẽ chịu quả tương ứng, để nhắc nhở mọi người luôn luôn lánh ác làm lành. Khi nhìn thấy hoa sen, cũng là một lời nhắc nhở đối với tất cả mọi người quán chiếu về những đức hạnh, phẩm chất cao quý được Đức Phật chỉ dạy để giải thoát khỏi những khổ đau, uế nhiễm trong đời sống.

Chính vì vậy mà trong các công trình kiến trúc Phật giáo, thường xuất hiện hình hoa sen để trang trí trên các trụ cột, tháp, tường. Thậm chí, phía dưới các tượng Phật, Bồ tát còn được trang trí, chạm khắc hình hoa sen. Một số kiến trúc tháp trong chùa còn được thiết kế, xây dựng mô phỏng theo hình tượng hoa sen để biểu hiện những giá trị cao quý trong Phật giáo, cụ thể tạo hình pháp Cửu phẩm liên hoa trong kiến trúc chùa Phật giáo của người Việt.

Ngoài ra, cây hay lá bồ đề được xem là biểu tượng thiêng liêng, cao quýcủa Phật giáo, bởi sự liên quan mật thiết đến quá trình chứng đắc của Thái tử Siddhartha (Tất Đạt Đa). Sau 49 ngày đêm miên mật tu tập thiền định, cuối cùng Thái tử đã thành tựu quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác. Trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dưới cội cây Tất-bát-la (Pippala), khi ấy vốn chỉ làmột loại cây bình thường. Sau sự kiện này, loài cây ấy mới được biết đến với tên gọi mới là cây bồ đề (Bodhi). Biểu trưng cho sự tỉnh thức, thấu triệt vạn pháp, giác ngộ tuyệt đối.

Có lẽ vì vậy mà mỗi khi chúng ta nhìn thấy hình ảnh cây bồ đề đều cảm thấy linh thiêng, xúc động. Sự hiện hữu của cây bồ đề như một lời nhắc nhở chúng ta về nỗ lực tu tập, giác ngộ của bậc đạo sư vĩ đại, để làm động lực cho mọi người tiến tu, giải thoát khỏi những khổ đau. Cây bồ đề đã hiển nhiên trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các sáng tác trang trí kiến trúc ngôi nhà tâm linh của Phật pháp. Hình ảnh đôi rồng chầu lá đềtrong trang trí cửa chùa Phổ Minh, Nam Định, đã trở thành nét đặc trưng cho kiến trúc Phật giáo thời Trần. Chánh điện chùa Vạn Đức, TP. HCM, sửdụng phông nền phía sau tượng Phật Bổn sư là cội bồ đề, hay một số chùa cách điệu các ô cửa sổ theo hình lá bồ đề.

Tạm kết

Chùa Phật giáo Việt Nam từ lâu đã là một quần thể dựa trên sự tổng hòa của các thành phần kiến trúc với môi trường tự nhiên, kiến trúc chùa phản ánh tình yêu thiên nhiên sâu sắc của Phật giáo. Thiên nhiên không chỉ hiện lên một cách trực quan, sinh động bằng việc bố trí các loài cây, vườn hoa, hay ao hồ trong tổng thể bố cục ngôi chùa mà còn được con người Việt Nam khéo léo chuyển tải, cách điệu vào trong trang trí kiến trúc một cách sáng tạo, nghệ thuật như một thông điệp ý nghĩa, giúp truyền bá giáo pháp, mang Chánh pháp đến gần với mọi người hơn. Thiên nhiên luôn dõi theo bước đường Đức Phật từ khi Ngài còn là một con người bình thường đến khi trở thành đấng giác ngộ tối thượng và nhập diệt. Bản thân thiên nhiên đã hàm chứa những phẩm chất, đức hạnh cao quý mà con người cần học hỏi và tu tập trên tiến trình diệt trừ khổ đau, hướng đến Niết bàn, an vui. Do vậy, thiên nhiên đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho nghệ thuật kiến trúc chùa Phật giáo và thiên nhiên luôn cần được con người trân trọng, bảo vệ.

 


1. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Pháp Cú (49), phẩm Hoa.

2. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ, Kinh Thừa Tự Pháp (3).

3. Võ Văn Tường, “Kiến trúc ngôi chùa Việt Nam ngày nay”, www.vncgarden.com.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1) Trương Hữu Dụng (2020), Tổ chức không gian kiến trúc chùa Việt theo Phật giáo Bắc tông tại TP. HCM trong thời khội nhập. TP. HCM: ĐH. Văn Lang.

2) Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long (2013), Chùa Vit Nam, Hà Nội: Nhà xuất bản Thế giới.

3) Chu Quang Trứ (2001), Sáng giá chùa xưa Mỹ thuật Phật giáo, Hà Nội: Nhà xuất bản Mỹ thuật.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 10
    • Số lượt truy cập : 6112045