Thông tin

TINH THẦN SINH THÁI CỦA PHẬT GIÁO

TRONG TRUYỆN VIỆT NAM SAU 1986 VIẾT VỀ LOÀI VẬT

 

BÙI THANH TRUYỀN

 


 

Là một tôn giáo lớn, lâu đời của nhân loại, tinh thần sinh thái của Phật giáo thể hiện rõ tính thời sự, cấp thiết trong thời đại môi trường sống có nhiều biến đổi, nhiều tổn thương hôm nay. Lòng từ ái, sự thượng tôn sinh mệnh loài vật; ý thức từ bỏ tham dục để sinh tạo môi trường, hóa sinh vạn vật; sự đốn ngộ sinh thái là những đặc điểm đậm Phật tính trong truyện viết về loài vật ở Việt Nam thời Đổi mới.

Sự tương giao giữa Phật giáo và Phê bình sinh thái

So với Nho giáo, tư duy Phật giáo và tư duy văn học gần nhau hơn vì Phật giáo thiên về trực cảm, tâm linh còn Nho giáo thiên về lí tính. Một trong những vai trò quan trọng của Phật giáo là “động viên sức mạnh siêu nhiên nhằm mục đích đem lại biến đổi hoặc đề phòng biến đổi cho con người và tình trạng tự nhiên”1. Từ trong bản chất, Phật giáo thể hiện tư tưởng đề cao sự thích nghi, an yên của con người trước mọi biến đổi của tự nhiên, xã hội. Phật giáo tiếp cận môi trường, thiên nhiên từ góc độ đạo đức học, triết học. Trong tinh thần Phật giáo đã hàm chứa tư tưởng sinh thái. Chủ trương Giới sát (cấm sát sinh) mà đạo Phật đề xuất đã thể hiện sự tôn trọng, thương yêu của con người dành cho vạn vật, cả hữu sinh lẫn vô sinh. Thuyết Duyên khởi luận của tôn giáo này cũng cho thấy mối quan hệ nhân quả của mọi sự vật hiện tượng trên thế giới, sự lệ thuộc lẫn nhau là quy luật cơ bản của tự nhiên. “Giữa con người với giới tự nhiên có sự tương nhập, cùng tác động lẫn nhau. Vòng sinh vật là một chỉnh thể không thể chia cắt được, tỉ lệ cân đối, động thái có trật tự; con người nương giới tự nhiên để sinh tồn, giới tự nhiên là “thân thể” vô cơ của con người”2.

Coi trọng và bảo vệ môi trường là tôn chỉ của các tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng. Trong Chương trình Môi trường của Liên Hiệp quốc, các tôn giáo được xem là các tổ chức phi chính phủ lớn nhất trên hành tinh và sẵn sàng hợp tác với các cộng đồng tôn giáo trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường sinh thái3. Bảo vệ môi trường là một nội dung thuộc triết lí sống của nhà Phật trong xã hội hiện đại. Đây là cơ sở quan trọng khiến cho Phật giáo và Phê bình sinh thái - một hướng nghiên cứu văn học mang tính liên ngành, xuất hiện tại Anh, Mỹ vào những năm cuối thế kỉ XX trong bối cảnh khủng hoảng trầm trọng của môi trường toàn cầu - tưởng như xa cách nhau nhưng lại xích gần nhau, giao cắt nhau bởi chung mục đích tìm hiểu về môi trường sống, về sự phát triển bền vững của con người, xã hội loài người, đều hướng đến tinh thần nhân văn, bình đẳng. Nghiên cứu văn học từ góc độ phê bình sinh thái hiện nay thường theo hai bình diện: sinh thái học tự nhiên và sinh thái học tinh thần. Bình diện thứ nhất thường chú ý mối quan hệ qua lại giữa con người với môi trường tự nhiên, qua đó gởi gắm thông điệp, cảnh báo về nguy cơ sinh thái. Ở bình diện thứ hai, người ta chú trọng đến mối quan hệ giữa tôn giáo và tinh thần với môi trường, biểu hiện ở ba địa hạt: trí tuệ bản địa, niềm tin tôn giáo và thức tỉnh tinh thần4.

Quan hệ tương hỗ giữa tôn giáo, văn học và môi trường đã được nói đến từ lâu. Tiếp cận văn học từ góc độ sinh thái Phật giáo là một vấn đề quen mà lạ. Quen, bởi tự nhiên, tôn giáo đã song hành với tiến trình kiến tạo con người, xã hội loài người. Lạ, bởi sinh quyển tự nhiên, xã hội với bao phẩm tính, quan hệ phức tạp, trong bối cảnh hiện nay, là mối quan tâm hàng đầu của các ngành khoa học, trong đó có khoa học văn chương, để góp phần giải bài toán về sự phát triển bền vững của nhân loại.

Vừa lên án sự tàn nhẫn, vô trách nhiệm của con người đối với sinh thái, truyện viết về loài vật ở Việt Nam từ thời điểm Đổi mới (1986) đến nay cũng đồng thời cảnh báo nguy cơ sinh thái, khẩn thiết kêu gọi, cổ vũ chúng ta biết sống vô sự, sống có trách nhiệm với tự nhiên, biết tự điều chỉnh nhận thức, hành xử của bản thân với môi trường để xứng với danh hiệu “Người ta - hoa đất”. Sự hồi đáp của nghệ thuật ngôn từ trước môi trường đậm nhãn quan Phật giáo là một tư tưởng quan trọng trong văn xuôi Việt Nam đương đại. Điều đó khiến mảng sáng tác này bộc lộ rõ tính hiện đại và truyền thống, dân tộc và nhân loại, thể hiện sự nhạy cảm, bản lĩnh, lương tâm và trách nhiệm công dân của nhà văn đối với thực trạng xã hội hôm nay trên tinh thần môi trường kêu gọi, văn chương đáp lời.

Biểu hiện của tinh thần sinh thái mang dấu ấn Phật giáo trong văn xuôi viết về loài vật khá đa dạng, phong phú cả về kiểu loại lẫn mức độ. Trong dung lượng hạn hẹp, bài viết chỉ tập trung làm rõ một vài phương diện cơ bản, ưu trội nhất: Lòng từ ái, sự thượng tôn sinh mệnh loài vật; Ý thức từ bỏ tham dục để sinh tạo môi trường, hóa sinh vạn vật; Sự đốn ngộ sinh thái. Đây cũng là một thử nghiệm về cách thức Nghiên cứu động vật (Animal Studies) - “một trong những khuynh hướng sôi động nhất trong nghiên cứu văn hóa đương đại”5.

Lòng từ ái, thượng tôn sinh mệnh loài vật

Phật giáo răn dạy con người phải có lòng từ bi với vạn vật. Đó là thái độ nhân từ, thương xót chúng sinh, biết thực hiện đạo đức hiếu sinh để bảo vệ sự sống của muôn loài trong tự nhiên và sự sống chính mình. Phật Thích Ca trước khi trở thành Đấng Giác Ngộ cũng đã luân chuyển, đầu thai qua nhiều kiếp số từ con người, thần linh đến loài vật, cỏ cây chỉ với mục đích thấu hiểu cuộc sống của muôn loài trong thế giới tự nhiên. Hạt nhân của lòng từ bi là “thái độ bình đẳng không phân biệt”6. Bất cứ sinh mệnh nào cũng đều có giá trị tồn tại bình đẳng. Sự sống còn của con người dựa vào sự hài hòa giữa các sinh mệnh khác và toàn thế giới. Để xứng với vinh dự gánh vác trách nhiệm đạo đức tôn trọng sinh mệnh, con người càng thấu triệt tư tưởng triết mĩ của Phật giáo: “Vật ngã nhất như” (mọi vật với ta như một), thực thi nguyên tắc sống “Ái vật hộ sinh” (yêu và bảo vệ sinh mạng của vạn vật). Chuyển từ quan niệm loài vật được nhìn thấy chủ yếu như là một nguồn tài nguyên cho con người sang cái nhìn đầy tính phản tư về vị trí chủ đạo của chúng đối với sự sống trên trái đất, trong đó có sự an hạnh của chính con người, truyện Việt Nam thời Đổi mới thể hiện rõ tính chất giải trung tâm của văn học hậu hiện đại. Loài vật từ chỗ bị nhìn, chịu sự phán quyết của chúng ta trở thành đối tượng mang cái nhìn với những đánh giá thấu đạt về con người. Trong Muối của rừng (Nguyễn Huy Thiệp), cái nhìn của bầy khỉ đã lột trần chân tướng nhân vật: “Nó biết mình là người thì thôi hỏng việc!”; “Nó biết người già thì dễ mủi lòng”. Ông Diểu từ một kẻ đạo mạo trở thành “tên ám sát”, “khả ố”, “lố bịch”, “khốn nạn”, thành “trò cười cho thiên hạ”… Chỉ có kẻ thợ săn trải đời là vô minh trước “thiên nhiên đầy rẫy bất ngờ".

Mại (Trở lại với người - Võ Diệu Thanh) mất niềm tin ở tha nhân, đã quay sang nuôi chó, bạn bầu cùng nghĩa khuyển. Nhân vật tìm đến với loài vật như truy tầm căn tính tốt đẹp của tự nhiên, nhờ tự nhiên cứu chữa vết thương lòng. Hạ bệ vị thế của con người, đề cao vai trò của những người bạn hai chân, bốn chân trung thành, truyện như một lời cảnh tỉnh về sự cạn kiệt của nhân tính, sự cô đơn của con người hôm nay. Chiếc vòng cổ màu xanh (Đặng Chương Ngạn) tạo ấn tượng mạnh cho người đọc bởi sự đồng cảm, tri ân loài chó. Nhìn vào những nhân vật như Kẹo, Bông, Vàng, Cúc, Khoang, Xồm, Vàm,… ta sẽ ít nhiều phản tỉnh, nhận ra phần thua kém, khuyết thiếu, chưa hoàn thiện của mình, từ đó điều chỉnh nhận thức, hành động để cùng với vạn vật hữu sinh sống trong thế giới ấm áp của tình yêu thương, bình đẳng. Rùa trong Ngồi khóc trên cây (Nguyễn Nhật Ánh) là một cô bé mồ côi, hiền lành, tốt bụng, giàu ước mơ, luôn thương quý thú rừng bất chấp cả sự an nguy của bản thân và được chúng tin yêu, bảo bọc. Tác phẩm đã hòa đồng thế giới con người và muông thú, ngợi ca sự hiền minh của tự nhiên. Trong xã hội ngày nay, khi không ít người mê mải chạy theo vật chất mà xem nhẹ hoặc quên đi những giá trị tinh thần thì cuộc sống của đám gia cầm, gia súc “thông thái” trong Chúc một ngày tốt lành của nhà văn xứ Quảng này là một lời cảnh tỉnh: đến những con vật bình thường còn biết trân trọng tình cảm gia đình thì những người gạt bỏ thứ tình cảm thiêng liêng ấy sẽ không bằng một chú heo con.

Loài vật tồn tại ngoài định kiến, ý chí chủ quan của con người. Chim chóc, muông thú, gia cầm có đời sống riêng của chúng, và chúng có giá trị, đứng ngang bằng với con người. Chúng ta yêu quý sinh mạng mình thì cũng biết rằng tự nhiên có sinh mệnh của nó. Đây là điểm gặp gỡ của nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn đương đại (Phiên chợ Giát - Nguyễn Minh Châu, Chó Bi đời lưu lạc - Ma Văn Kháng, Con thú lớn nhất, Muối của rừng, Trái tim hổ, Sói trả thù - Nguyễn Huy Thiệp, Bi kịch con khỉ - Bảo Ninh, Jô - Y Ban, Tâm hồn chó - Hòa Vang, SBC là săn bắt chuột - Hồ Anh Thái, Hóa kiếp - Tạ Duy Anh, Con hổ mun - Đặng Thư Cưu, Biển và chim bói cá - Bùi Ngọc Tấn, Con gấu - Khuất Quang Thụy, Cá sống - Nguyễn Ngọc Thuần, Chim phóng sinh - Nguyễn Hồ, Mổ heo, Người nói tiếng chim bồ câu - Mạc Can,…). Nhà văn có trách nhiệm lắng nghe, chia sẻ với số phận của muôn loài. Dường như trong nỗi đau của vạn vật cũng thấp thoáng nỗi đau của người cầm bút, chữ bật ra khi nỗi đau dồn nén đến tận cùng. Tác phẩm hướng con người đến gần hơn với loài vật trong cái nhìn chan hòa, để trân quý, để hiểu biết và thương yêu.

Khác với văn học giai đoạn trước, con người thường tự đề cao vị thế của mình trong công cuộc cải tạo thiên nhiên, xây dựng đất nước; giờ đây, họ thường đặt mình vào vị thế của sự vật “phi nhân loại” (nonhunman), người hóa chúng, dùng cái nhìn loài vật để tri nhận, đánh giá con người, xã hội loài người. Lối ứng xử “vật ngã đồng nhất” (sự vật và mình là một) thể hiện rõ chuyển biến trong suy niệm, tình cảm, thái độ, hành động đối với môi trường. Thủ pháp nhân hoá, thần kì hoá đem đến cho nhân vật những phẩm chất người với tư cách là đối trọng để tạo ra sự thức tỉnh ở người đọc. Bằng sự nhập thân hoàn hảo với những phát ngôn mang đậm tâm thế động vật, nhà văn đã phát hiện những chân dung khác của con người trong cái nhìn của loài vật, phi thiêng, hài hóa ảo tưởng về vị thế trung tâm, bá chủ của họ, từ đó gợi lên ước mơ được sống gần gũi, hòa đồng với tự nhiên. Trong Ó ma lai (Hoàng Văn Bổn), con người và muông thú, cỏ hoa giao cảm, hòa đồng. Sự hòa quyện giữa chất hiện thực và kì ảo là nhân tố quan trọng để người viết nêu lên một chủ đề tư tưởng lớn: tình yêu loài vật, ý thức trân quý, bảo vệ môi trường, sống thân thiện, chan hòa với thiên nhiên, muông thú: “Ông voi, ông cọp… đến loài rắn độc như rắn hổ, nọc nia, mái gầm, hổ ngựa… cũng vậy hết. Hễ mình tốt với nó, nó tốt với mình”. Bí mật giữa tôi và thằn lằn đen (Lý Lan) cũng tạo ấn tượng qua lối sống bình đẳng, cộng cư giữa muôn loài. Mọi sinh linh, dù bé nhỏ hay to lớn, đều có giá trị, ý nghĩa riêng của mình giữa sinh thái đa dạng. “Muôn loài đều sống hoặc trên không, hoặc trên cạn, hoặc dưới nước. Sống ở đâu cũng được, miễn là mình có một cái tài để sống”. Đó là “bí mật” riêng, cần tôn trọng, ghi nhận. Hiểu, thượng tôn và yêu thương các loài khác, những sinh vật hiển nhiên yếu hơn con người, là cách để chúng ta khẳng định sự ưu việt của mình. “Loài ưu việt nhất không phải là loài thẳng tay hủy diệt các loài khác một cách không cần thiết và không suy nghĩ, mà là loài thực sự hành động để giữ gìn các loài khác trong khi vẫn tiến tới trên con đường tiến hóa của mình, một loài thực sự trưởng thành và có ý thức trách nhiệm”7.

Việc đứng đầu chuỗi thức ăn khiến loài người quên đi mình cũng chỉ là một trong hàng triệu loài sinh vật đang chia sẻ Trái đất, và mỗi loài đều quan trọng như nhau trong hệ sinh thái, để rồi mặc sức bắt cùng, giết tận, không cần thương tiếc, không cần bảo vệ. Sự thương xót động vật trong truyện đương đại là một trạng thái đồng cảm tương liên người - thú. Hạn chế nỗi đau cho loài vật là một giá trị tiêu biểu của sự văn minh trong thời buổi toàn cầu hóa. Thái độ xem trọng quyền được sống của loài vật tỉ lệ thuận với sự phát triển về văn hóa, giáo dục của một quốc gia. Những sáng tác này cho thấy, con người không nhận thức tự nhiên như một khách thể mà tự xem mình là một phần tử của thế giới tự nhiên, con người với tự nhiên, vạn vật có sự gắn bó hòa đồng, tương thông tương cảm. Câu chữ đã ươm mầm thiện lương ở bạn đọc để họ nở những đóa hoa giác ngộ trên cánh đồng lòng (điền tâm), đoạn trừ ác tâm để gieo gặt thiện tâm, tích cực góp phần tạo nên một “trật tự thế giới mới” (A new world oder). Tư tưởng đề cao, xem thế giới phi nhân loại như bản thân con người xuất phát từ tư duy tổng hợp, nhất nguyên (vạn vật nhất thể) của Phật giáo. “Nếu chúng ta thấy được rằng chúng ta và các loài sinh vật khác đều có chung một bản thể thì đâu có sự chia cách hay phân biệt, chúng ta sẽ sống chung hòa bình với mọi loài và thiên nhiên”8.

Ý thức từ bỏ tham dục...

Theo triết thuyết nhà Phật, biết bảo vệ sự sống, không tàn hại muôn loài, đó là “chánh nghiệp”. Ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra, con người không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hàng ngày, biết thực tập yêu thương để bảo vệ sự sống của mọi loài. “Đem lại niềm vui cho tất cả mọi loài, đó là chánh nghiệp”9. Chủ trương cấm sát sinh của Phật giáo đồng nghĩa với việc triệt để bảo vệ quyền sống của cả người và vật. Bên cạnh đó, đạo  Phật cũng khuyến khích tín đồ thực hiện triết lí sống “thiểu dục, tri túc” (muốn ít, biết nhiều) giảm sức ép lên môi trường, tài nguyên, tiết chế tham, sân, si, tiết chế trong tiêu dùng và hưởng thụ để góp phần bảo vệ hệ sinh thái, gần gũi với thiên nhiên.

Không kể những đối tượng ăn chay trường, để sống bình thường, con người đã phải giết và ăn thịt các loài động vật khác. Sát giới để tồn sinh là một chuyện; còn giết chóc để thỏa lòng ích kỉ, chứng tỏ cái tôi “chủ nhân ông”, cái dục vọng quá lớn của mình trong Muối của rừng, Sói trả thù, Trái tim hổ (Nguyễn Huy Thiệp) là chuyện khác. Đó là sự tàn hại môi trường, tự hủy diệt mình và đồng loại. Cần phải phân biệt được hai phương diện này ta mới có cách đối xử đúng đắn với loài vật, mới chạm đến tinh thần, lối viết sinh thái của văn xuôi hôm nay. Trong Muối của rừng, mục đích rõ ràng khi đi săn của nhân vật là trải nghiệm cảm giác hưng phấn. Ông Diểu chủ động để được tận hưởng khoái cảm đó. Khi thất bại thảm hại trước sự tận tụy, thuỷ chung, đức hi sinh, lòng cao thượng, sức sống mãnh liệt của bầy khỉ, trần trụi quay về, nhân vật mới nhận thấy sự bé nhỏ, bất lực, hoài công của mình khi gây sự với tự nhiên. Hoàng Văn Nhân và cậu quý tử độc đinh trong Sói trả thù say săn bắn chỉ vì truyền thống, uy danh dòng họ. Những con người đó phải trực tiếp gánh hậu họa từ những hành động ích kỉ của mình đã gây ra cho tự nhiên.

Thời kinh tế thị trường, ước muốn thưởng thức tất cả mọi vật phẩm tồn tại trong thế giới hoang dã đã tạo nên cơn lốc cung - cầu, đẩy số phận của nhiều sinh vật vào con đường tuyệt chủng. Có những thứ ngày xưa chẳng ai đoái hoài đến, giờ trở thành đặc sản thượng hạng, bị tàn sát không thương tiếc. Bay cao thì mặc bay cao (Nguyễn Trí) đề cập đến nạn săn bắt chim làm mồi nhậu; chỉ một đêm, con người đã giết hàng vạn chim lành. Trong Những bầy mèo vô sinh (Mạc Can), người kể chuyện đã ngậm ngùi: “Thật là rất khổ cho con bồ câu. Khi biết rằng thịt của mình… người ta ăn được và khen ngon”. Chính lòng tham xé đáy và sự ham muốn vô độ, quái đản trong hành xử với loài vật vô hình trung đã biến cõi sống của con người thành một thế giới thù địch, ở đó chúng ta vừa là nạn nhân lại vừa là kẻ gây ra tội ác. Vi rút vô cảm trước muôn loài cũng gây hậu quả khôn lường, không thua gì các bệnh nan y, truyền nhiễm.

Phật giáo lý giải nhu cầu bảo vệ môi trường xuất phát từ quan niệm về nghiệp (karma) và báo ứng. Mô típ quả báo trong mảng truyện về loài vật là một minh chứng sinh động về mối liên hệ nhân quả trong vũ trụ quan Phật giáo với vòng tuần hoàn sinh thái (Con thú lớn nhất, Trái tim hổ, Sói trả thù - Nguyễn Huy Thiệp, Mùa đại bàng - Ngô Tự Lập, Ông Thiềm Thừ - Trần Kim Trắc, Trái tim con rắn - Nguyễn Đông Thức, Cuộc báo thù cuối cùng - Cao Duy Sơn, Động núi - Võ Diệu Thanh, Đồ tể - Nguyễn Trí, Đổi mặt - Nguyễn Vĩnh Nguyên, Đời cá Hô, Thần khẩu hại xác phàm - Trần Bảo Định,…). Động núi kể chuyện rắn báo oán khi chúng bị mất nơi cư trú, bị con người tận diệt. Đó là cách phản ứng của tự nhiên trước thái độ vô cảm, lòng tham không có điểm dừng của con người. Đổi mặt kể chuyện một người ăn thịt chó nhiều nên biến thành chó. “Qua ánh đèn cao áp ban đêm lập lòa, tôi thấy người mình đầy lông, tôi không nói được, tôi tru tréo và toàn thân đầy ứ bản năng dục tình. […] Tôi đã ở kiếp chó”. Ở Con thú lớn nhất, suốt đời tàn diệt thú rừng, lão thợ săn đã bị biến dạng thành một bản sao của thần chết: mặt sắt lại, mũi như mỏ chim, mắt đục và sâu hoắm, chiếu ra những tia lân tinh lạnh lẽo,… Kết cục, nhân vật dành cho chính lão viên đạn cuối cùng. Trong Trái tim hổ, những kẻ “săn đuổi bao điều phù du”, mê mải theo huyền thoại, hồn nhiên mắc lỗi với tự nhiên cũng phải trả giá bằng mạng sống của mình.

Tinh thần sinh thái trong truyện về loài vật đã hòa kết lòng từ ái của Phật giáo với quan niệm “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo” của dân tộc. Tính thời sự và nhân văn, hiện đại và truyền thống của chúng đã được minh định. Truyện giúp độc giả tự nhận thức, để từ chỗ ăn tàn, phá cùng, diệt tận sang trân quý chúng sinh, học theo hạnh từ để bảo vệ môi trường, đem lại cuộc sống an lạc cho mọi người và mọi loài, không mưu lợi, trục lợi bất lương trên sự đau khổ của vạn vật cùng loại và khác loại.

Những truyện này cho thấy, tự nhiên ngàn đời ẩn chứa những ám lực huyền bí, vừa quyến rũ vừa nghiệt ngã, sẵn sàng dâng hiến cũng sẵn sàng tiêu diệt. Linh thiêng hóa tự nhiên, đề cao sức mạnh huyền bí của tự nhiên là ẩn dụ của sự giải thiêng tinh thần “nhân loại trung tâm luận”. Dẫu đây là những thế giới giả định, khởi đi từ tưởng tượng, tâm cảm của nhà văn, nhưng chỉ cần bằng một thao tác quy chiếu đơn giản về thực tại, người đọc cũng có thể nhận ra, đó chính là viễn cảnh không xa của thế giới này. Điều đó giống những chia sẻ của nhà văn người Sec về cuốn tiểu thuyết Khi loài vật lên ngôi của ông: “Đây không phải là viễn tưởng, mà là hiện thực. Đây không phải là suy đoán về những gì trong tương lai, mà là tấm gương phản chiếu cái đang tồn tại và chúng ta đang sống chung với nó. Đây không phải truyện hoang đường, thứ mà tôi có thể cho không và còn tặng thêm bất cứ lúc nào, bao nhiêu tùy thích và cho bất cứ ai. Đây chính là hiện thực”10. Truyện viết về loài vật là minh chứng cho thấy sự chung tay của nhà văn Việt Nam vào khuynh hướng văn chương về thảm họa thế giới, về sự tàn lụi của nhân loại.

***

Truyện viết về loài vật đã tạo một dáng nét riêng trong đời sống văn học Việt Nam phong nhiêu, đa sắc thời Đổi mới. Thế giới phi nhân loại này là những sứ giả mang thông điệp môi trường đến với độc giả. Sự hòa kết giữa giáo lí Phật giáo và tư tưởng sinh thái ở đây là cách thức hiệu quả để hiểu biết, trân quý loài vật, giúp con người thanh lọc, phản tỉnh, để sống tốt hơn, không chỉ giữa người với người mà còn trong thái độ ứng xử với tự nhiên, muôn loài. Truyện cho thấy quyết tâm, nỗ lực, trách nhiệm của nhà văn vì đã không ngại ngần phơi mở những bất cận nhân tình, những khuyết tật tâm hồn, nhân tính trong hành xử với loài vật của con người. Để khẳng định vị thế của một loài thông thái và vì lợi ích của mình, rõ ràng con người không thể không tự điều chỉnh nhận thức, hành động đối với môi sinh. Vạch ra những quái trạng trước hiểm hoạ môi trường, mục đích của người viết không nằm ngoài chủ trương cổ vũ cho lối sống hợp với thiên nhiên, đánh thức khả năng giao hoà, giao cảm với muôn loài ở người đọc.

 Hòa kết tư tưởng sinh thái Phật giáo, truyện về loài vật đã góp phần kiến dựng một nguyên tắc mới trong tương tác văn hóa giữa con người và không gian sống, khiến mỗi cá nhân không thể vô tâm với môi trường, chúng sinh trong cả suy nghĩ và hành động.

 


1. Vũ Minh Chi, Nhân học văn hóa – Con người với thiên nhiên, xã hội và thế giới siêu nhiên, NXB Chính trị Quốc gia, HN, 2004, tr. 276.

2. Thích Nhuận Đạt, Đạo Phật và môi trường, NXB Tổng hợp TPHCM, 2010, tr. 9.

3. Xem: Đỗ Lan Hiền, Tôn giáo học sinh thái - Thực tiễn trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay, Lý luận chính trị, số 7, 2017.

4. Xem: Bùi Thanh Truyền (Chủ biên), Phê bình sinh thái với văn xuôi Nam Bộ. NXB Văn hóa – Văn nghệ, TPHCM, 2018, tr. 163-171.

5. Axel Goodbody, 13 Animal Studies : Kafka’s Animal Stories (13 nghiên cứu về động vật: Những câu chuyện về động vật của Kafka), “Handbook

of Ecocriticism and Cultural Ecology”, Hubert Zapf biên tập, Walter de Gruyter GmbH & Co KG xuất bản, 2016, tr. 252.

6. Đạt Lai Lạt Ma, Con đường đưa đến hạnh phúc, NXB Phương Đông, TPHCM, 2015, tr.58.

7. Nguyễn Hoàng Anh Thư (thực hiện), Nhà văn Việt có nhất thiết phải viết thứ văn gần gũi với người Việt?, Thanh niên Online, ngày 13/5/2017.

8. Thích Nhất Hạnh, Hướng đi của Đạo Bụt cho hòa bình và môi sinh, NXB Phương Đông, TPHCM, 2010, tr. 61.

9. Nhất Hạnh, Trái tim của Bụt, NXB Tôn giáo, HN, 2018, tr. 195.

10. Karel Capek, Khi loài vật lên ngôi, NXB Hội Nhà văn, HN, 2017, tr. 6. (Đăng Thư dịch).

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6115417