Thông tin

TỔ ĐÌNH BỬU THẠNH

TỔ ĐÌNH BỬU THẠNH

 

HỮU CHÍ

 

Cổng tam quan Tổ đình chùa Bửu Thạnh

 

Hơn hai trăm năm trước, vào năm 1801, chùa Bửu Thạnh được Tổ sư Tiên Hiền khai sơn trên một vùng đất rộng 4,5 ha thuộc bưng làng Long Trường, xã Long Vĩnh Hạ, huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định, nay thuộc phường Long Trường, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chùa thuộc hệ phái dòng Lâm Tế Chánh tông Gia phổ. Hòa thượng Thích Tiên Hiền đã trụ trì chùa Bửu Thạnh suốt 32 năm và viên tịch năm 1833. Truyền thừa kế tiếp là tổ Thiện Bửu, pháp hiệu Minh Thị, trụ trì 31 năm, viên tịch năm 1863. Tiếp tục tổ Minh Thị là Hòa thượng Như Đạo, pháp danh Phước Quang, trụ thế 82 tuổi, trụ trì được 59 năm. Hòa thượng cử thầy giáo Kiểu Thanh làm trụ trì được 8 năm, viên tịch năm 1912. Về sau, bổn đạo và Phật tử cúng dường ngôi chùa Bửu Thạnh cho Hòa thượng Huệ Định, lúc đó đang trụ trì chùa Phú Thạnh, ấp Tân Điền, xã Phú Hữu (Thủ Đức). Từ khi về đảm trách trụ trì chùa, Hòa thượng để tâm lo việc trùng hưng ngôi Tam bảo. Hòa thượng là bậc danh Nho và cũng là bậc lương y chuyên tâm lo Phật pháp, giúp ích cho bá tánh. Do đó, các làng lân cận đều mến mộ và đến thọ pháp ở chùa Bửu Thạnh. Trong thời gian khôi phục phát triển, Hòa thượng Huệ Định ngã bệnh thị tịch vào năm 1935, trụ trì được 23 năm. Kế tiếp là Thượng tọa Quảng Lạc, pháp hiệu Hồng Chiếu trụ trì. Thượng tọa là một người có tinh thần yêu nước cao đã tham gia kháng chiến chống Pháp và chùa Bửu Thạnh trở thành cơ sở hoạt động cách mạng.

Đầu tháng 12-1947, bộ đội Việt Minh mở mặt trận đánh Pháp trước chùa, Thượng tọa Quảng Lạc hy sinh cùng 33 liệt sĩ và được an táng trước sân chùa. Chùa Bửu Thạnh bị đốt phá san bằng.

Năm 1948, Sa di Thiện Tú tham gia dân quân kháng chiến chống Pháp bị giặc bắn chết. Thân mẫu của Thượng tọa Quảng Lạc là Tỳ kheo Ni thường trụ chùa Bửu Thạnh bị Pháp bắt nhốt tại Thủ Đức. Tháng 2 năm 1948, cụ bà về chùa Long Thiền (Biên Hòa) và viên tịch tại đây.

Năm 1955, Hòa thượng Thích Huệ Thành, em ruột cố Hòa thượng Thích Quảng Lạc đang lãnh đạo Phật giáo Lục Hòa Tăng Trung ương đã về xây dựng lại ngôi chùa. Vì nền ngôi chùa cũ nằm ngoài ấp chiến lược, nên chính quyền Đệ nhất Cộng hòa không cho phép tái thiết chùa trên nền đất chùa cũ. Ngôi chùa được xây trên nền đất hiện nay là do gia đình cụ bà Lê Thị Thanh (vợ của Huyện Nguyễn Văn Trân), đệ tử của Hòa thượng Huệ Thành, hiến cúng một cuộc đất có diện tích 6,5 ha ở bên trong ấp chiến lược.

Năm 1965, chùa lại bị giặc Mỹ đốt sạch hoàn toàn vì địch phát hiện chùa là cơ sở nuôi dưỡng kháng chiến.

Năm 1976, Hòa thượng Thích Huệ Thành - lúc này là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai, trụ trì chùa Long Thiền (Đồng Nai) về xây dựng mới chùa Bửu Thạnh cách nền chùa cũ khoảng 50 m. Diện tích cuộc đất 6,5 ha trước đây chỉ còn lại khoảng 2 ha do bị lấn chiếm và mở thêm đường giao thông trong thôn xóm. Hòa thượng Huệ Thành giao cho đệ tử là Thượng tọa Thích Huệ Cảnh làm trụ trì, còn Hòa thượng Huệ Thành giữ chức Viện chủ. Chùa Bửu Thạnh được đổi danh hiệu là Tổ đình Bửu Thạnh. Từ sau khi đảm trách trụ trì, Thượng tọa Thích Huệ Cảnh tiếp tục kế thừa sự nghiệp của các bậc tiền bối Tổ sư. Thượng tọa đã dốc tâm lo việc hoằng dương chánh pháp và xây dựng phát triển ngôi Tổ đình ngày càng khang trang, xứng đáng là một ngôi đại già lam.

 

Tổ đình Bửu Thạnh ở phường Long Trường Q9 ,TPHCM - Ảnh HC

 

Tổ đình Bửu Thạnh hiện hữu tọa lạc trên một gò đất cao. Xung quanh tổ đình có một bức tường rào bao bọc, mặt tiền tổ đình hướng về phía Bắc, nhìn ra hướng Hương lộ 33, nay là đường Nguyễn Duy Trinh. Xung quanh tổ đình trước kia  là những cánh đồng trồng lúa, rau và hoa màu, nay trên đà đô thị hóa, nơi đây đã trở nên sầm uất hơn.

 Hiện trong sân Tổ đình còn giữ 12 tảng đá xanh kê chân cột hình vuông có kích thước 40 x 40 cm là vết tích của ngôi chùa thuở sơ khai. Ngoài ra, trong tịnh địa phía sau tổ đình, đối diện với cổng hậu, nơi ngôi chùa Bửu Thạnh xưa tọa lạc vẫn còn 5 ngôi tháp cổ bằng đá ong của các đời trụ trì chùa trước kia.

Về việc thờ cúng, Tổ đình Bửu Thạnh thờ Phật Di Đà, Phật Thích Ca, Phật Di Lặc. Tổ đình còn thờ Thánh Mẫu, Quan Đế Thánh Quân, Ngũ Hành. Việc thờ cả Phật và Thánh trong tổ đình cho thấy vấn đề thờ cúng vừa mang nét Đạo giáo lại vừa có nét tín ngưỡng dân gian.

Ngày 10/08/2015, Đại đức Thích Huệ Nghiêm được bổ nhiệm đảm trách vai trò trụ trì Tổ đình Bửu Thạnh. Viện chủ là Hòa thượng Thích Huệ Cảnh.

Tổ đình Bửu Thạnh hiện ở số 62, đường số 6, khu phố Ông Nhiêu, phường Long Trường, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh.

Cách chợ Long Trường và Ủy ban nhân dân phường Long Trường khoảng 350 m, từ đường Nguyễn Duy Trinh khách hành hương đi theo đường số 6 gặp ngay cổng đầu tiên ghi chữ “TỔ ĐÌNH CHÙA BỬU THẠNH” - đi tiếp  200 mét, khách sẽ gặp cổng tam quan được trùng tu năm 1996. Mái lợp ngói ống loại thanh lưu ly; trên đường bờ nóc mái có đắp phù điêu Lưỡng long chầu chữ Phật. Dưới đắp phù điêu tứ linh, chính giữa phía trên cổng ghi: “TỔ ĐÌNH CHÙA BỬU THẠNH”. Ở cả 2 mặt trong và ngoài cổng đều có viết các câu đối bằng Hán tự có nội dung ca ngợi ngôi tổ đình. Cổng chánh được mở vào những dịp có đại lễ, ngày thường muốn vào tổ đình thường phải đi theo lối cổng hậu.

Qua khỏi cổng tam quan, bên trái và phía sau là sân tổ đình rợp bóng mát của hàng trăm cây sao có đường kính hơn 30 cm, cao hơn 10m. Chính giữa sân là Đài Quan Âm lộ thiên cao khoảng 1,8 mét.

Tổ đình Bửu Thạnh hiện nay có kiến trúc theo hình chữ “tam”  khá lớn, trông thật hoành tráng với diện tích hơn 500 m2 bao gồm:

- Chánh điện: Kích thước 22,5 x 17,5 m.

- Tổ đường: Kích thước 12 x 8 m.

- Nhà túc: Kích thước 12 x 10 m.

Ngoài ra, trong khuôn viên tổ đình còn có một số công trình khác như: nhà khách, nhà trù, trai đường và nơi ở của tăng chúng, Miếu thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, Ngôi bảo tháp cửu trùng thờ Ngọc Xá Lợi Phật.

Tổ đình Bửu Thạnh còn giữ được  bộ kinh Pháp hoa cổ xưa…

Hàng năm, Tổ đình Bửu Thạnh cúng lớn lễ Giỗ Tổ khai sơn vào 2 ngày 21 và 22 tháng 10 âm lịch. Tăng ni Phật tử các nơi đến tổ đình dự lễ rất đông, trung bình khoảng 300 - 400 người mỗi năm.

Ngoài 2 ngày trên đây, trong năm, chùa Bửu Thạnh còn cúng vào các ngày: Rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, rằm tháng Mười và Tết âm lịch (gọi là cúng Tam nguyên tứ quý).

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 81
    • Số lượt truy cập : 6127991