TỔ ĐÌNH HỒNG PHÚC HÒE NHAI -
SỰ TRUYỀN THỪA CỦA PHÁI THIỀN TÀO ĐỘNG
ĐĐ. THÍCH TÂM HOAN*
Trong suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo luôn đồng hành cùng Dân tộc Việt Nam. Ra đời cách đây hơn 26 Thế kỷ nhưng mạng mạch Phật Pháp vẫn âm thầm tuôn chảy cho dù biết bao biến đổi thăng trầm của xã hội. Nhiều vị Thiền sư đã trở thành Quốc sư như Thiền sư Pháp Thuận, Thiền sư Vạn Hạnh, Thiền sư Thủy Nguyệt, Thiền sư Tông Diễn… Với phương châm “tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên”, các Tông phái song song cùng tồn tại và phát triển phù hợp với căn cơ của chúng sinh ở từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Trong đó phải kể đến phái Thiền Tào Động đã có những đóng góp không nhỏ đối với nền Phật giáo nước nhà. Và vị Tổ khai sáng là Thiền sư Thủy Nguyệt vào nửa cuối Thế kỷ XVII.
Thiền sư Thủy Nguyệt sinh năm Đinh Sửu (1637-1704), quê ở Thanh Triều, Hưng Nhân, Thái Bình. Ngài là người bản chất thông minh, xuất thân trong gia đình Nho phong. Năm 18 tuổi với sở học uyên thâm về Nho giáo, ngài đã thi đậu rất nhiều khoa bảng. Tên tuổi của ngài được nêu trên bảng long hổ giữa chốn Nho lâm. Nhưng sớm nhận thức được lời Phật dạy: “Cuộc đời là vô thường, thân người là giả tạm” nên năm 20 tuổi ngài xuất gia đầu Phật với đại nguyện “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”. Bao năm tu học với thầy và tham vấn các bậc tôn túc trong nước, Ngài thấy sự tu học của mình chưa được viên mãn, cho nên vào giữa năm 1664 - khi 28 tuổi, ngài đã xin phép nghiệp sư sang Trung Quốc tầm học.
Trải qua thời gian gần một năm, lội suối trèo đèo biết bao vất vả nhọc nhằn, với tâm tha thiết cầu đạo, ngài đã được Bồ tát đưa đường chỉ lối gặp được bậc minh sư tại núi Phượng Hoàng, thuộc tỉnh Hồ Châu,Trung Quốc. Đó là Thiền sư Nhất Cú Trí Giáo - tổ đời thứ 35 của tông Tào Động. Thiền phái này do hai Thiền sư Động Sơn Lương Giới (807-869) và Tào Sơn Bản Tịch (840-901) sáng lập. Từ đó đến nay Thiền phái Tào Động được các Thiền sư truyền bá rộng khắp, không những ở Trung Quốc mà còn truyền sang Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam… Phương pháp Thiền này dễ tu học cho nên nó đã thâm nhập vào mọi tầng lớp dân chúng, giúp cho họ có được cuộc sống an vui hạnh phúc. Như vậy, chắc chắn Thiền Tào Động không phải là phương pháp khó thực hành. Điều quan trọng người tu phải xa lìa hai hạnh khổ-vui và bẻ gãy sự chấp có - chấp không, hành trì nghiêm mật, kết hợp giữa lý giải và thực hành, không được xao nhãng giải đãi mà phải dốc hết tâm lực vào việc hành trì thì mới tìm thấy con đường giải thoát giác ngộ.
Thấu hiểu được tâm cầu pháp của một vị Tăng từ Việt Nam sang, trải qua bao thử thách tổ Nhất Cú Trí Giáo đã hoan hỉ cho Thiền sư Thủy Nguyệt nhập chúng tu học. Bao năm trời ở chốn Tùng Lâm, ngày thì làm việc chúng tăng giao, đêm thì nghiên cứu kinh luật, tinh tiến không lúc nào trễ nải. Một hôm tổ Nhất Cú Trí Giáo gọi ngài vào Phương trượng hỏi: Con đã thấy tính chưa? Ngài im lặng, y pháp ra đỉnh lễ dâng lên thầy bài kệ nói về sở ngộ của mình:
“Sáng tròn thường ở giữa hư không
Bởi bị mây mê vọng khởi lồng
Một phen gió thổi mây tứ tán
Thế giới hà sa sáng chiếu thông.”
Tổ Nhất Cú Trí Giáo nghe qua bài kệ, biết đệ tử mình đã tỏ ngộ, thấy được bản lai diện mục vốn có, liền đưa tay điểm trên đầu ngài Thủy Nguyệt, cho hiệu là Thông Giác Đạo Nam Thiền sư đời thứ 36 và bài kệ để ngài về Việt Nam truyền bá tông Tào Động:
“Tịnh trí thông tông
Từ tính hải khoan
Giác đạo sinh quang
Chính tâm mật hạnh
Nhân đức di lương
Tuệ đăng phổ chiếu
Hoằng pháp vĩnh trường.”
Đến năm 1667 Thiền sư Thủy Nguyệt trở về Việt Nam để Hoằng dương tông Tào Động ở miền Bắc Việt Nam. Nhớ lời thầy dạy phải tinh tiến làm Phật sự, thuyết giảng truyền bá chính pháp, phổ độ chúng sinh, ngài đã đi nhiều nơi để hóa độ chúng sinh như Côn Sơn, Vọng Lão Yên Tử, Quỳnh Lâm, Đông Sơn, Hạ Long, Nhẫm Dương…Những nơi ngài giáng lâm tới, đồ chúng đến nghe pháp và quy y rất đông, trong số đó có Thiền sư Tông Diễn. Khi đó ngài đang trụ trì chùa Đông Sơn, nghe Thiền sư Thủy Nguyệt tu học từ Trung Quốc đắc đạo trở về ở chùa Vọng Lão núi Yên Tử, ngài liền tới đỉnh lễ cầu Pháp. Thiền sư Thủy Nguyệt hỏi: “Như khi ta đang nghỉ, đợi đến bao giờ có tin tức?” Sư đáp: “Đúng ngọ thấy bóng tròn, giờ dần mặt trời mọc”. Thiền sư Thủy Nguyệt hỏi: “bảo nhậm thì phải thế nào?” Ngài Tông Diễn bèn dâng kệ:
“Cần có muôn duyên có
Ưng không tất cả không
Có không hai chẳng lập
Ánh nhật hiện lên cao.”
Thiền sư Thủy Nguyệt bước xuống bảo: “Tào Động hợp quần thần, tiếp nối dòng của ta, nên cho ngươi pháp danh Tông Diễn hiệu Chân Dung”. Ngài nói kệ trao pháp:
“Tất cả pháp chẳng sinh
Tất cả pháp chẳng diệt
Phật Phật, Tổ Tổ truyền
Uẩn không sen đầu lưỡi.”
Từ khi thầy trao truyền chính pháp, với chí nguyện Hoằng hóa độ sinh, ngài luôn tùy thuận theo căn cơ trình độ và sự nhận thức của chúng sinh mà giáo hóa, chuyển mê khai ngộ đem lại cuộc sống an vui cho mọi người.
Thiền phái Tào Động được truyền vào miền Bắc Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVII khi tình hình xã hội phong kiến thời hậu Lê có nhiều biến động. Phật giáo không được coi trọng, vua chúa tìm mọi biện pháp để loại bỏ sự ảnh hưởng của Phật giáo ra khỏi những hoạt động của xã hội. Năm niên hiệu Vĩnh Trị (1678), Vua Lê Hy Tông thi hành chính sách hà khắc chống đối Phật giáo nên đã ra lệnh cho các quan trong khắp cả nước bất cứ nơi đâu, Tăng Ni dù già dù trẻ đều đuổi hết về rừng. Trong bối cảnh Phật giáo bị đàn áp như vậy, Thiền sư Tông Diễn rất đau lòng. Ngài đã quyết định xin phép thầy rời chốn sơn dã về Kinh thành Thăng Long, mong thức tỉnh nhà vua cứu đạo Phật thoát khỏi pháp nạn. Ngài đã dùng phương tiện để vén màn vô minh thức tỉnh vua Lê Hy Tông bằng cách dâng biểu nói rõ để vua nhận thức được đạo Phật không phải là thứ bỏ đi, mà đó chính là viên ngọc quý soi sáng khắp mười phương, phá dẹp mọi mây mờ u tối. Tăng Ni là những người giữ gìn mạng mạch Phật pháp, đem Phật pháp khai hóa dân chúng và cũng là phương pháp tốt giúp triều đình trị nước an dân.Với những lời pháp nhũ sắc bén, Thiền sư Tông Diễn đã chuyển hóa được vua Lê Hy Tông nhận ra việc làm sai trái của mình và thấy được giá trị sự ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống dân chúng.Vì thế vua đã ban chiếu chỉ thu hồi lệnh trước để Tăng Ni được trở về chùa mình, tùy duyên giáo hóa chúng sinh.
Qua sự cảm hóa của Thiền sư Tông Diễn, vua Lê Hy Tông đã thấm nhuần lời Phật dạy và thành tâm sám hối lỗi lầm của mình bằng cách cho tạc một pho tượng kép hình vua quỳ mọp để tượng Phật trên lưng tỏ lòng thành sám hối, quy phục một cách tuyệt đối. Việc làm này xuất phát từ trong tâm vua, chứ không hề gượng ép. Đây là pho tượng quý, hiện đang tôn thờ tại chùa Hòe Nhai, phố Hàng Than, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Bức tượng bày tỏ ý nguyện Vương quyền và đề cao giá trị của đạo Phật. Ngoài ý nghĩa sám hối, Bức tượng còn gửi thông điệp đến mọi người: muốn có cuộc sống tốt đẹp, an vui hạnh phúc thì người ta phải biết sửa đổi lỗi lầm, tu tâm dưỡng tính. (Bức tượng đã được đưa vào sách kỉ lục GUINNESS Việt Nam)
Sau khi đã giải được ách nạn cho Tăng Ni, Thiền sư Tông Diễn được đức vua ban cho chức Ngự Tiền chi Quân (ngồi trước vua) và áo gấm. Thiền sư từ chối chức tước, chỉ nhận áo gấm cho vua vui lòng. Theo tấm bia kí trong chùa có ghi: Bấy giờ bà quốc nhũ (mẹ vú của vua) quê ở Hòe Nhai, nói với đức vua phát tâm cúng dường để Thiền sư tu sửa chùa Hồng Phúc Hòe Nhai. Ngôi chùa được xây dựng từ thời Lý (1010) nhưng đã xuống cấp đổ nát. Thiền sư nhận lời khởi công tu sửa và không bao lâu thì được hoàn thành. Sau đó bà quốc nhũ đã mời Tổ Thủy Nguyệt và đệ tử là Thiền sư Tông Diễn về trụ trì để thường xuyên lui tới triều đình giảng đạo hướng dẫn cho vua chúa tu học. Cho nên khi còn sinh thời, cố đại lão Hòa thượng Kim Cương Tử cho rằng: Hòa thượng Thủy Nguyệt không chỉ khai nguyên chốn tổ Nhẫm Dương, trụ trì chùa Hạ Long, Hoằng dương Phật pháp và độ Tăng ở Côn Sơn, Quỳnh Lâm, Vọng Lão Yên Tử, Đông Sơn…, Hòa Thượng Thủy Nguyệt còn là Tổ khai sáng chùa Hồng Phúc Hòe Nhai. Hiện nay tại chùa còn lưu câu đối:
“Nhị Hà tịnh Thủy Nam Thiên Nguyệt
Tào Động Thiền phong Cổ Tự Hương”
“Sông Nhị Hà lưu mãi hình bóng Tổ Thủy Nguyệt như trăng sáng cõi trời Nam
Ngọn gió Thiền của phái Tào Động làm danh thơm cho ngôi Cổ Tự”
Để ghi nhận chốn Tổ thiêng liêng giữa đất kinh kì, ông Vũ Quốc Bằng có làm một bài thơ như sau:
“Cảnh chùa Hồng Phúc tại Thăng Long
Nguồn nước Tào Khê chảy thuận dòng
Biểu ngọc chỉ ra đường đạo lý
Lời vàng dẫn dụ khách mê mông
Báo thiên, khán lĩnh dù thay đổi
Thiền uyển tăng già vẫn sáng trong
Năm lá một hoa đời này nở
Đạo mầu vang dội khắp non sông.”
Tấm bia do Thiền sư Pháp Minh dựng năm 1932 ở chùa Hồng Phúc đã liệt kê hành trạng các vị Tổ sư của phái Thiền Tào Động từng trụ trì Tổ đình Hòe Nhai và những chốn Già Lam khác và được Triều đình sắc phong:
Tổ đời thứ 36 của phái Tào Động, tháp Linh Quang, được triều Lê cũ sắc phong Hòa thượng Thủy Nguyệt, pháp húy Thông Giác Đạo Nam Thiền sư, tặng phong Độ sinh đại thừa nhục thân Bồ tát.
Tổ đời thứ 37 phái Tào Động, tháp Diệu Quang, triều Lê cũ sắc phong Chân Dung Hòa thượng, pháp húy Tông Diễn được đặc biệt phong lên làm Tuệ Dung Hòa thượng, Đại Tuệ Thiền sư, Bảo thiền phụ quốc, tặng phong Đại thừa hóa thân Bồ tát.
Tổ đời thứ 38 phái Tào Động, tháp Viên Minh, triều Lê cũ sắc phong Tăng thống Tịnh Giác Hòa thượng, pháp húy Từ Sơn Hành Nhất Thiền sư, tặng phong Phổ Tế Hóa Sinh Bồ tát.
Tổ đời thứ 39 phái Tào Động, tháp Linh Nham, triều Lê cũ sắc phong Bản Lai Hòa thượng, Thiện Thuận Sa môn, pháp húy Tính Chúc Đạo Chu Thiền sư, tặng phong phổ Hóa độ sinh Đại Bồ tát.
Tổ đời thứ 40, phái Tào Động, tháp Thường Chiếu, triều Lê cũ sắc phong Viên Thông Tăng thống Lại Nguyên Hòa thượng, pháp húy Hải Điện Mật Đa Thiền sư.
Trụ trì đời thứ 40, phái Tào Động, tháp Thiệu Long, triều Lê cũ sắc phong Tăng chính Tướng sĩ lang, Tăng lục ti Tăng chính, hạ tuyển, Tự tại Hòa thượng, pháp húy Hải Tại Trí Thiếp Thiền sư, Lợi Sinh Bồ tát (Hiện nay tại nhà Tổ chùa Hòe Nhai vẫn còn lưu sắc phong của Thiền sư Hải Tại).
Sa môn Nhu Nhã, tháp Diên Quang, pháp húy Hải Hoằng Tịnh Đức Thiền sư.
Sa môn Thanh Từ, tháp Hương Lâm, pháp húy Khoan Nhân Phổ Tế Thiền sư.
Tổ đời thứ 41, phái Tào Động, tháp Tịnh Quang, triều Lê cũ sắc phong Tăng thống Đạo Nguyên Hòa thượng, Thanh Lãng Sa môn, pháp húy Khoan Dực Phổ Chiếu Thiền sư, Viên Minh Bồ tát.
Trụ trì đời thứ 41, phái Tào Động, tháp Phương Viên, Ma Ha Tăng Chính Thiện Căn Sa môn, pháp húy Khoan Giáo Nhu Hòa Thiền sư.
Sa môn Thanh Quang, tháp Từ Quang, pháp húy Khoan Thông Chính Trí Thiền sư.
Sa môn Thanh Nguyên, tháp Tịch Quang, pháp húy Giác Bản Minh Nam Thiền sư.
Tổ đời thứ 42, phái Tào Động, tháp Tịnh Diệu, được ân tứ đao điệp Sảo thông tăng cương, Thanh Đàm Sa môn, pháp húy Giác Đạo Tuân Minh Chính Hoằng Quang Thiền sư.
Trụ trì đời thứ 43, phái Tào Động, tháp Viên Thông, Sa môn Lục Hòa, pháp húy Giác Lâm Minh Liễu Thiền sư.
Trụ trì đời thứ 44, phái Tào Động, tháp Hoằng Uẩn, Sa môn Thanh Như Chiếu, pháp húy Đạo Sinh Quang Lịch Minh Đạt Thiền sư.
Tổ đời thứ 45 phái Tào Động, tháp Quỳnh Trân, Sa môn Hồng Phúc, pháp húy Quang Lư Thích Đường Đường, hiệu Như Như Thiền sư.
Tổ đời thứ 46 phái Tào Động, tháp Phúc Thành, Hòa Thái Sa môn, pháp húy Chính Bỉnh Thích Bình Bình Vô Tướng Thiền sư.
Trụ trì đời thứ 47, phái Tào Động, tháp Phúc Long, pháp húy Tâm Nghĩa Thích Nhân Từ Thiền sư.
Sau khi Thiền sư Tông Diễn cứu Phật giáo khỏi pháp nạn, phái Thiền Tào Động phát triển mạnh mẽ. Từ chốn Tổ đình Hòe Nhai, các vị Pháp Tử Pháp Tôn đã truyền bá tông phái Tào Động rộng khắp mọi nơi.
Đệ Tam Tổ Tịnh Giác, pháp húy Từ Sơn Hành Nhất Thiền sư, trụ trì chùa Quảng Nghiêm, núi Vạn Đức, xã Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Thiền sư Khoan Nhân về trụ trì tu sửa chùa Trấn Quốc phường Yên Phụ, Quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội.
Thiền sư Khoan Giai về trụ trì chùa Bà Đá, số 3, phố Nhà Thờ, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.
Thiền sư Khoan Dực là người khai sơn chùa Đại Quang, thôn Nghi An, xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Thiền sư Khoan Thông - Trụ trì chùa Sùng Phúc, Thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội.
Thiền sư Khoan Hồng - Trụ trì chùa Quảng Bá (Hoằng Ân Tự), phường Quảng An, quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội.
Thiền sư Khoan Hòa - Trụ trì chùa Hưng Long, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội.
Thiền sư Khoan Giáo - Trụ trì chùa Phổ Giác, phố Ngô Sĩ Liên, Thành phố Hà Nội.
Thiền sư Khoan Thiệu - Trụ trì chùa Lại Yên (Nhạ Phúc Tự), xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội.
Thiền sư Khoan Tích - Trụ trì chùa Ái Mộ, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội.
Thiền sư Thanh Đàm - Trụ trì chùa Bích Động, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Thiền sư Giác Trí, hiệu Thanh Lương – trụ trì chùa Tiêu Sơn, Xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, Tỉnh Bắc Ninh.
Thiền sư Quang Lư thích Đường Đường, hiệu Như Như là người khai sơn chùa Mễ Trì (Thiên Trúc Tự) phường Mễ Trì, Quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
Thiền sư Thích Tính Định, hiệu Tâm Châu là người khai sơn chùa Siển Pháp, phố Cát Linh, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội (ngôi chùa đã bị giặc Pháp tàn phá.)
Y cứ lời dạy của Tổ Nhất Cú Trí Giáo, ngọn đèn chính pháp của Tông môn tiếp tục được trao truyền. Đầu Thế kỉ 20, các Hòa thượng đã làm rạng danh Phật giáo chốn Kinh kì.
Hòa thượng Thích Mật Tràng - Trụ trì chùa Tảo Sách, đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội; sau đó về trụ trì chùa Châu Long, phố Châu Long, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội.
Hòa Thượng Thích Mật Phái - Trụ trì chùa Phụng Thánh, phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội.
Hòa thượng Thích Mật Thể - Trụ trì chùa Trung Oai (Linh Thông Tự) xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội.
Hòa thượng Thích Mật Chỉnh - Trụ trì chùa Tứ Liên, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội.
Hòa thượng Thích Mật Nghiêm - Trụ trì chùa Vạn Ngọc, đường Âu Cơ, phường Tứ Liên, Thành phố Hà Nội.
Hòa thượng Thích Mật Đắc - Trụ trì chùa Ngũ Xã, phố Ngũ Xã, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội.
Hòa thượng Thích Mật Huấn - Trụ trì chùa Liên Hoa, phố Khâm Thiên, thành phố Hà Nội.
Hòa thượng Thích Mật Trọng - Trụ trì chùa Ninh Hiệp (Pháp Vân Tự), xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội.
Đặc biệt chùa Quảng Bá là nơi ghi dấu ấn về hai vị Hòa thượng có đóng góp to lớn cho Tông môn nói riêng và Phật giáo nói chung. Năm 1950, Hòa thượng Mật Ứng là Đệ tử Hòa thượng Tâm Nhân kế thừa tông Tào Động đã tiếp tục trụ trì chùa Quảng Bá và năm 1951 được Tăng Ni cung thỉnh lên ngôi Thiền Gia, Pháp chủ Tăng Già Bắc Việt. Đến năm 1969, Hòa thượng Thích Đức Nhuận về trụ trì, mở trường dạy học cho Tăng Ni mở mang đạo pháp. Sau này khi về trụ trì chốn Tổ Hòe Nhai, ngài đã được suy tôn lên ngôi Đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981.
Để đánh dấu sự truyền thừa của phái Thiền Tào Động, tại nhà Tổ chùa Hòe Nhai hiện nay còn lưu giữ những đôi câu đối rất đặc biệt:
Danh trọng nho lâm long hổ bàng trung tiêu tính tự
Đạo thám Thích hải phượng Hoàng Sơn hạ tiếp nguyên lưu
(Tên tuổi các vị Tổ sư phái Tào Động được nêu trên bảng long hổ giữa chốn nho lâm
Biển trí tuệ của đức Thích Ca được tiếp nối dòng chảy từ núi Phượng Hoàng).
Phù quốc bảo Thiền nhất mệnh Cổn đẳng vinh Đế quyến
Liên Đăng tục diệm thiên thu y bát thiệu tông phong
(Tổ Tông Diễn giúp nước bảo vệ Thiền môn làm cho đất nước được hưng thịnh
Tông Phong phái Tào Động được truyền trì và thắp sáng mãi mãi).
Trong quá trình đi Hoằng pháp, nhiều vị Tổ đã không để lại dấu tích và sử liệu về các ngài cũng bị thất lạc nên chắc chắn tài liệu này vẫn chưa thật đầy đủ về hành trạng các vị Tổ sư của Tông môn.
Tiếp tục mồi đèn nối lửa ngọn đèn chánh pháp của Chư tổ để lại, vào thập niên 1980 của Thế kỉ 20, chốn Tổ đình Hòe Nhai là nơi đức Đệ nhất pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Hòa thượng Thích Đức Nhuận trụ trì.
Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận (1897-1993) Pháp hiệu Thanh Thiệu, Pháp danh Đức Huy, thế danh Phạm Đức Hạp. Ngài quê tại thôn Quần Phương, xã Hải Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định trong một gia đình nề nếp Nho phong. Từ nhỏ ngài đã theo thân phụ là một Danh y Đông dược đến chùa Đồng Đắc tỉnh Ninh Bình bốc thuốc chữa bệnh phong cho dân làng. Dần dần Ngài mến mộ cảnh yên tĩnh chốn Thiền môn. Năm 15 tuổi (Nhâm Tí - 1912), một thời điểm chuyển mình thoát tục, Ngài xin phép song thân xuất gia đầu Phật tu hành, Ngài đắc pháp với Hòa thượng Thích Thanh Nghĩa, trụ trì chùa Đồng Đắc, xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. (Hòa thượng Thích Thanh Nghĩa đã đắc pháp với Sư tổ Thích Tâm Nhân, thuộc dòng Tào Động, chùa Quảng Bá, Phường Quảng An, Quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội). Ngài là bậc xuất trần thượng sĩ, đức hạnh trong sáng, không những uyên thâm về Phật học mà còn quán triệt thông suốt cả Nho giáo và Lão giáo.
Với phương châm “Phật pháp bất ly thế gian pháp”, Đức Pháp chủ là người đã nối tiếp truyền thống phụng đạo yêu nước của các bậc Tổ sư tiền bối, không xa lánh cuộc đời trần tục mà trực tiếp nhập thế để cứu khổ độ sinh. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, ngài là người đề xướng công cuộc vận động thống nhất Phật giáo cả nước. Trong Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo, tháng 11 năm 1981, ngài được suy tôn lên ngôi vị Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhằm thực hiện sứ mệnh Hoằng pháp lợi sinh, phụng sự Đạo pháp Dân tộc và đáp ứng nguyện vọng chung của Tăng Ni, tín đồ Phật giáo, ngài đã đề nghị Đại hội và Chính phủ chấp thuận ba vấn đề: mở trường Phật học, người kế thừa, tín ngưỡng của tín đồ. Việc làm của ngài đã thay đổi diện mạo của Phật giáo Việt nam trong thời hiện đại. Cuộc đời tu hành sự nghiệp Hoằng pháp của Đức Pháp Chủ là tấm gương sáng cho Tăng Ni và Phật tử noi theo.
Hạnh nguyện hoằng pháp, độ sinh đã viên mãn, thuận theo lẽ vô thường, Đức pháp chủ thâu thần thị tịch ngày 11 tháng 11 năm Quý Dậu (1993). Đệ tử của tổ là Hòa thượng Thích Thanh Khánh kế tục sự nghiệp của thầy, trụ trị tổ đình Hồng Phúc Hòe Nhai.
Nhắc đến chùa Hòe Nhai cũng là nhắc đến địa danh Đông Bộ Đầu. Hiện chùa còn lưu giữ tấm bia do tiến sĩ Hà Tông Mục soạn nói đến cuộc kháng chiến đánh đuổi quân xâm lược Mông Cổ ra khỏi kinh thành Thăng Long ngày 29 tháng 1 năm 1258 của quân dân nhà Trần. Tấm bia này rất có giá trị về mặt lịch sử, nhờ nó mà các nhà sử học đã xác định được địa điểm của Đông Bộ Đầu. Đặc biệt ở phía bên trái của chùa có một cây tháp Ấn Quang do thành hội Phật giáo Hà Nội xây dựng để tượng niệm, ghi nhớ công đức xả thân hộ pháp của Hòa thượng Thích Quảng Đức ngày 11 tháng 6 năm 1963 đã phản đối Mỹ Diệm đàn áp dân lành ở miền Nam. Trên tháp có đề bài minh:
“Hộ trì chính pháp tự thiêu mình
Phản đối tà ma phá đạo lành
Vô úy nêu gương cho Phật tử
Đại hùng vang tiếng khắp hoàn dinh
Căm thù Mỹ Diệm chuyên tàn sát
Khích lệ đồng bào quyết đấu tranh
Bể khổ lấp bằng là đại nguyện
Từ bi bao quản ngại hy sinh.”
Quả thật tấm gương tu hành giác ngộ của các bậc Cao tăng thạc đức, chư liệt vị Tổ sư luôn là sự sách tấn, nhắc nhở hàng hậu học chúng ta phải tinh tiến tu hành, giữ gìn mạng mạch Phật pháp và Hoằng dương chính pháp giúp chúng sinh thoát khỏi mê lầm, đau khổ.
Qua đây chúng ta cũng nhận thấy thiền phái Tào Động không những thâm nhập vào mọi tầng lớp bình dân mà còn cảm hóa được cả dòng dõi vua chúa, thức tỉnh mở bày cho mọi người một lối sống chân thật an vui, hạnh phúc, xa lìa tâm chấp ngã và chấp pháp.
Có thể nói Chùa Hòe Nhai là một di tích lịch sử văn hóa có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Mỗi bước thăng trầm của ngôi chùa đều gắn liền với vận mệnh của Đất nước nói chung và lịch sử phát triển Phật giáo nói riêng. Trong giai đoạn hiện nay, Chùa Hòe Nhai cũng có những đóng góp không nhỏ đối với đời sống tinh thần, xã hội của Phật giáo Thủ đô.
* Trụ trì chùa Hòe Nhai - Tổ đình Hồng Phúc, Hà Nội.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết