Thông tin

TỔ ĐÌNH PHỤNG SƠN - CHÙA GÒ

TỔ ĐÌNH PHỤNG SƠN - CHÙA GÒ

 

HỮU CHÍ

 

Cổng tam quan Tổ đình Phụng Sơn. Ảnh HC

 

Chùa Phụng Sơn, tên chữ là Phụng Sơn Tự, còn có tên là chùa Gò, tọa lạc ở số 1408, đường 3 Tháng 2, phường 2, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh. Chùa Phụng Sơn được thiền sư Liễu Thông (1735-1840), pháp hiệu Chơn Giác, thế danh Huỳnh Đậu, người Thanh Hóa, thuộc phái thiền Lâm Tế đời thứ 37, tạo lập vào đầu thế kỷ XIX, dưới triều vua Gia Long trên nền của một ngôi chùa Chân Lạp cổ đã bị hoang phế.

  Tương truyền, trên đường đi vân du từ miền Trung vào phủ Gia Định, Thiền sư Liễu Thông dừng chân trên một gò đất cao, cảm thấy cảnh trí nơi đây thanh tịnh, thích hợp cho việc tu hành, nên dựng một thảo am tại đây, và được người dân quanh vùng gọi bằng một cái tên dân dã là chùa Gò vì chùa nằm trên một gò đất cao bao quanh là một bàu sen. Một hôm, có một con chim phụng đến đậu trên cây ngô đồng trước am cất tiếng gáy, thiền sư cho đó là điềm lành, nên đặt tên chùa là Phụng Sơn Tự, có nghĩa chùa trên núi có chim phụng.

Năm 1904, am lá được xây cất lại. Và kể từ đó cho đến nay, chùa có hai lần trùng tu lớn, đó là vào thời Hòa thượng Huệ Minh trụ trì (1904 -1915) và vào năm 1960. Năm 1963, Hòa thượng Thích Phước Quang cho xây lại cổng tam quan, do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng vẽ kiểu. Tuy được trùng tu lại vài lần, nhưng chùa vẫn theo kiến trúc cổ với bộ khung gỗ và mái ngói âm dương.

 

Kiến trúc Tổ đình Phụng Sơn. Ảnh HC

 

Chùa Phụng Sơn xây theo kiểu chữ "quốc" (chữ Hán), dài trên 40 m, rộng gần 20 m, có hàng hiên chạy quanh bốn phía. Bên trong chùa chia ra hai khu rõ rệt, phía trước là chính điện, cách một sân lộ thiên, phía sau là nhà giảng. Hai bên sân lộ thiên có Đông lang và Tây lang, nối liền hai nơi. Sân lộ thiên có hòn non bộ, tượng Quan Âm và cây cảnh. Nhờ có khoảng sân này nên chùa được thoáng đãng, sáng sủa. Nơi chính điện, các cột đều làm bằng gỗ tốt, lâu ngày đã trở nên đen bóng. Chùa thờ kiểu "tiền Phật, hậu Tổ". Điện Phật có nhiều tượng Phật xưa bằng gỗ, thiếp vàng chạm trổ mỹ thuật. Tổng cộng chùa có khoảng 40 pho tượng thờ. Nhiều tượng thờ do nhóm thợ từ Sa Đéc, do hòa thượng Huệ Minh mời đến chùa để tạo tác vào những năm đầu. Có nhiều pho tượng quý như bộ Di Đà Tam Tôn, bộ Ngũ Hiền thượng kỳ thú, pho tượng Phật A Di Đà bằng đá trắng. Đặc biệt là pho tượng Phật bằng đá trắng được dát bằng 200 miếng vàng lá được tìm thấy trong khi tiến hành đào kinh Cây Gõ gần đó vào năm 1911. Tượng Tiêu Diện bằng gốm sứ, tượng gỗ Tổ sư Đạt Ma, được Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm Sài Gòn 300 năm mượn trưng bày triển lãm. Ở đây còn có bộ tượng thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, tượng gỗ, chạm khắc sinh động. Sau lưng bàn thờ Phật là bàn thờ Tổ. Ở đây có một tượng Phật Thích Ca do Nhật Bản tạc theo phong cách nghệ thuật ghép từng mảnh gỗ tạo thành tượng rỗng ruột, với những đường nét chạm trổ rất tinh tế. Mái chùa lợp ngói âm dương và sà thấp xuống hai bên hàng hiên rộng làm cho không khí trong chùa thông thoáng, mát mẻ. Bộ giàn trò của chùa cao ráo, toàn danh mộc, lâu năm lên nước đen bóng. Ngoài tượng chư Phật, Bồ tát, chùa có các tượng gỗ chân dung hai vị Hòa thượng Huệ Minh, Huệ Thành, là các vị đã từng trụ trì chùa…

Bên phải hông chánh điện có thờ một bạch tượng và có tấm bia ghi:

TIỂU SỬ BÀU CHUÔNG VÀ BẠCH TƯỢNG

Tiểu sử chùa có ghi lại rằng:

Đời vua Gia Long triều Nguyễn (1802 -1820) người Khmer ra đi bỏ lại chùa hoang, còn tượng Phật và chuông được chất lên bạch tượng đi hướng Tây Bắc thì bị sụp chân làm đổ tượng và rớt chuông xuống bàu (ao quanh chùa), sau đó mọi người đem pho tượng Phật bằng đồng vào thờ trong chùa đến ngày hôm nay, riêng chuông mặc dầu khổ công tìm kiếm vẫn chưa gặp và từ đó vào những giờ lành ngày kiết mỗi tháng quanh vùng thường nghe tiếng chuông từ dưới bàu ấy vang lên mà không thấy. Bàu Chuông do người dân đặt tên từ đó.

Khi người dân xây lấn chiếm đất, chất thải xuống Bàu Chuông làm ô uế và mọi người không còn nghe tiếng chuông nữa.

Tổ đình Phụng Sơn – Mậu Tý 2008

Tỳ kheo THÍCH TRÍ ĐỊNH

 

Bia ghi sự tích Bàu Chuông và Bạch Tượng. Ảnh HC

 

Năm 1909, nhà sư Huệ Minh đã đem giống mai, có nguồn gốc từ chùa Cây Mai về trồng ở chùa Gò. Khoảng năm 1909-1910, quân Pháp do nhu cầu xây cất căn cứ quân sự nên chùa Cây Mai phải bị tháo dỡ và dời vào vùng Bà Hom. Địa điểm chùa Cây Mai trước đây nằm ở góc đường Hồng Bàng - Nguyễn Thị Nhỏ thuộc phường 16, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, nơi gò Mai vẫn còn một doanh trại của quân đội, và trên gò chỉ còn một miếu thờ bên một cội mai già cỗi.

 Sau này, hậu duệ của nhà sư Huyền Vi Tử nhân lúc ghé thăm chùa đã xướng bài thơ rằng:

Bạch mai

Mỗi lượt đông tàn vẫn ghé qua

Chùa xưa lặng ngắm cội mai già

Ba trăm năm lẻ còn vươn bóng

Nhị độ xuân thu mãi kết hoa

Sắc trắng ninh tâm người chí thiện

Hương thầm rắc mộng buổi trăng tà

Đời người chín chục âu là mấy

Có chút thanh nhàn để hát ca?

Tháng Giêng năm 2003

Thái Thanh Nguyên

 

Cây bạch mai trồng năm 1909 cao ngang mái chùa, thân một người ôm. Ảnh HC

 

Chùa Phụng Sơn là một trong những ngôi chùa cổ, còn in đậm nét sự có mặt của tín ngưỡng dân gian, như bên hành lang chánh điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, một trong những vị nữ thần được tôn kính và thờ tự phổ biến ở miền Nam. Dấu vết của quá trình sinh sống và cộng cư của nhiều dân tộc tại vùng đất này còn được thể hiện qua hình ảnh ngôi miếu nhỏ thờ Ông Tà (Neak Tà) trong khuôn viên chùa, bên những ngôi tháp Tổ. Đó là dạng tín ngưỡng, là một nét văn hóa phổ biến của cư dân Khmer. Là một trong những ngôi chùa cổ còn lưu lại đậm nét về địa thế, kiến trúc, nghệ thuật tạc tượng, cách bài trí và thờ cúng... chùa Phụng Sơn đã góp phần mang lại một giá trị văn hóa - nghệ thuật phong phú, đa dạng trong dòng phát triển của văn hóa Phật giáo tại Nam Bộ.

Khu đất của chùa là một di tích khảo cổ học. Tài liệu của Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết vào các năm 1988 và 1991, các nhà khảo cổ học đã tìm được những mặt người bằng đất nung, đồ gốm... thuộc văn hóa Óc Eo, cách đây gần 15 thế kỷ. Ở đây cũng đã tìm thấy một tượng Phật bằng đồng theo phong cách Thái Lan. Tương truyền tượng Phật do Thái Lan tạo là tượng mà chùa Khmer khi dời đi đã rơi xuống bàu sen bên hông chùa khi con Bạch tượng bị sụp chân. Tượng này bằng đồng, với hình dáng một tượng Phật nữ, đứng thon thả, hai tay chấp trước ngực như kiểu chào nhà Phật chứ không phải đang thiền. Trang phục là chiếc váy bó sát thân, hơi rộng và xòe ra ở phần tà. Các hoa văn trên y phục giống hoa văn ở cung đình Thái Lan. Chân và tay của tượng Phật rất thanh, y như một vũ nữ. Trên đầu là một sư miện có tháp nhọn. Tượng cao khoảng trên 1m, đây là một tượng Phật cổ quý hiếm. Những kết quả này cho thấy rằng cách nay gần 15 thế kỷ, chùa Phụng Sơn chính là địa điểm của một ngôi đền thờ Bà La Môn giáo của người Phù Nam, thuộc nền văn hóa Óc Eo.       

Vào thời kỳ đất đai chưa bị đô thị hóa, cả khu vực chùa tọa lạc rất vắng vẻ, chung quanh gò còn có bàu sen rộng và hào nước bao bọc. Trước đây, khi còn bàu sen, diện tích đất chùa được 2 mẫu 6 sào 65 mét vuông. Nay khuôn viên chùa đã bị lấn chiếm, hào nước bị rác rưởi lấp cạn và bàu sen bị lấp đất và các căn nhà mọc lên quanh bờ. Vì vậy, diện tích chùa chỉ còn lại 1 mẫu 6 sào (1). Một số cổ thụ cao khoảng 20m trong khuôn viên sân chùa vẫn được  gìn giữ.

Không gian chùa đã mất đi vẻ đẹp thiên nhiên và không khí tĩnh lặng cần có của một tự viện có bề dày lịch sử. Chùa Phụng Sơn là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng còn lại của Nam Bộ, với đầy đủ sắc thái đặc thù từ kiến trúc, ngoại cảnh cho đến lịch sử, nghệ thuật. Chùa Phụng sơn còn là một trung tâm tu học. Trong những năm sau 1963, chùa là nơi các tăng sĩ đến học tập kinh điển, và là nơi tiến hành đại hội của Giáo hội Lục Hòa Tăng. Trong những năm 1963, 1965, 1966 chùa là nơi khai mở trường Hương, trường Kỳ lớn thu hút chư tăng khắp nơi về dự.

Từ ngày thành lập đến nay, chùa Phụng Sơn. đã trải qua các đời trụ trì, khai sơn do Tổ sư  Hòa thượng Thích Liễu Thông – Chơn Giác, kế tiếp là Hòa thượng Thích Hải Linh – Quảng Từ, Hòa thượng Thích Thanh Sơn – Đạt Bích, Hòa thượng Thích Thiện Định – Thanh Mãn, Hòa thượng Thích Huệ Minh – Trừng Đăng, Hòa thượng Thích Huệ Thành – Trừng Thông, Hòa thượng Thích Phước Quang – Tâm Diệp, Thượng tọa Thích Nguyên Đức – Minh Phát (2). Từ năm 1996 đến nay là Hòa thượng Thích Trí Định – Nguyên Tu.

Trong giai đoạn thầy Phước Quang trụ trì, thầy có gặp một vài nỗi khó khăn thử thách: thời hạn đại tang vừa mãn thì nhà trù sụp đổ vào năm 1958. Việc tu bổ chưa xong thì một nguy cơ khác ập đến, tưởng như chùa không còn tồn tại do Nha Kiều lộ Bộ Công chánh thời Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa, thiết kế bản đồ dự án xây dựng đường 48 phóng đúng ngay chùa, và chùa được lệnh tháo dỡ.  Thầy Phước Quang đã mang đơn đi khiếu nại các cơ quan thẩm quyền. Sau cùng thì được Viện Khảo cổ can thiệp với Bộ Công chánh đề nghị sửa đổi thiết kế. Đến ngày 13 tháng 3 năm 1958, có lệnh đình chỉ dỡ chùa! Và chùa Phụng Sơn được Viện Khảo cổ trợ cấp một trăm ngàn đồng (100.000$) để sửa lại chánh điện, đồng thời chùa Phụng Sơn được liệt vào hàng di tích thắng cảnh của thành phố Sài Gòn.

Hòa thượng Trí Định cho biết thêm: Từ năm 2015, Tổ đình Phụng Sơn được Ủy ban nhân dân Thành phố chấp thuận cho đại trùng tu gồm Chánh điện, Hậu tổ, Trai đường trong suốt thời gian 3 năm với kính phí của chùa và của bá tánh thập phương cúng dường. Ngoài ra, có 3 pho tượng gỗ Quan Công, Châu Xương, Quan Bình có giá trị thời gian, do một người Hoa nhượng lại chùa vào năm 2000 và được thờ ở miếu “Quan Thánh Cung”, ở bên hông trái chánh điện, mới xây cất xong vào năm 2017, với đôi liễn bằng Hán tự:

TRÍ KHÍ QUAN CÔNG KIÊN TRUNG TRỰC

ĐỊNH NHỨT TÔN THỜ VỊ THÁNH CÔNG

Trải qua nhiều lần trùng tu, chùa Phụng Sơn được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa, loại di tích kiến trúc nghệ thuật theo Quyết định số 1288/VHQĐ ngày 16 tháng 11 năm 1988 của Bộ Văn hóa. Bên cạnh đó, chùa Phụng Sơn còn là di chỉ khảo cổ học có tầm cỡ.


(1) Số liệu do Hòa thượng Trí Định cung cấp 

(2) Theo Hòa thượng Thích Trí Định trụ trì chùa cho biết: Trước khi qua đời, Hòa thượng Thích Phước Quang có di chúc cho Thượng tọa Thích Nguyên Đức kế thừa, nhưng Thượng tọa không có về chùa và viên tịch lúc Hòa thượng còn sống, nên sau đó Hòa thượng Thích Phước Quang di chúc lại cho Thượng tọa Trí Định kế thừa.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 56
    • Số lượt truy cập : 6127158