Thông tin

TỔ ĐÌNH THIÊN THAI VÀ HÒA THƯỢNG HUỆ ĐĂNG (1873-1953)

TỔ ĐÌNH THIÊN THAI

VÀ HÒA THƯỢNG HUỆ ĐĂNG (1873-1953)

 

HỮU CHÍ

 

Di ảnh Hòa thượng Thanh Kế - Huệ Đăng

 

Tổ đình Thiên Thai, tên chữ là Thiên Thai cổ tự, nằm ở phía Bắc chân núi Dinh Cố, có hình dáng như một chiếc nón khổng lồ úp trên cánh đồng Tam An của hai xã Tam Phước và An Nhứt, thuộc ấp 3, xã  An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Người có công lao khai phá, xây dựng Tổ đình Thiên Thai là Hòa thượng Huệ Đăng, tên thật là Lê Quang Hòa, sinh năm 1873 trong một gia đình nhà Nho ở làng An Dõng, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Năm lên 7,  Ngài được vào học trường huyện. Nhờ bản chất thông minh, Ngài luôn chiếm ưu hạng. Thời gian sau, Ngài được chuyển lên trường tỉnh. Những tưởng mai sau danh chiếm bảng vàng, làm rạng tông môn. Ngờ đâu ngày 22 tháng 5 năm Ất Dậu (1885) kinh đô Huế thất thủ. Vua Hàm Nghi phải xuất bôn và xuống chiếu Cần Vương. Vừa lúc đó có kỳ thi Hương tại trường thi Bình Định, các sĩ tử cùng nhau bãi thi, phá trường, hô hào tham gia phong trào Cần Vương, chống Pháp cứu nước. Nhiều nhà ái quốc nổi lên chống Pháp như Phan Đình Phùng, Mai Xuân Thưởng. Ngài cũng xếp bút nghiên, gia nhập hàng ngũ nghĩa quân Bình Định của Mai Xuân Thưởng, Bùi Điều ở quê nhà lúc mới 17 tuổi. Năm 1887, lực lương nghĩa quân Cần Vương bị Pháp đàn áp, các thủ lãnh lần lượt hy sinh. Năm 1895, sau khi cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng thất bại, Ngài cùng một số nghĩa quân lánh nạn vào vùng Bà Rịa, tạm khoác áo thầy đồ che mắt quân địch để chờ cơ hội và tìm đồng chí. Ngài đã đi khắp các tỉnh miền Đông rồi xuống tới Gò Công. Đi đến đâu, Ngài cũng đều thất vọng vì bấy giờ người Pháp đã đặt xong nền cai trị với bộ máy đàn áp và tay sai khắp nơi. Do phong trào Cần Vương không có ảnh hưởng gì ở miền Nam, chán nản, Ngài lại quay về Bà Rịa, tạm ẩn mình nơi nhà người bạn cũ ở vùng Tam Phước.

Ngài cảm thấy công cuộc tham gia cứu nước bằng lực đã thất bại, chỉ còn cách tu hành để cứu đời và xa lánh được cuộc sống vô thường và đầy phiền não của kiếp người. Năm 1900, một hôm đang dạo bước lên đồi Chân Tiên, lòng bâng khuâng vì thời cuộc, bỗng từ xa vọng lại tiếng chuông chùa trầm buồn giữa núi rừng thanh vắng làm cho Ngài chợt thức tỉnh. Sáng hôm sau, Ngài tìm đến chùa Long Hòa ở phía Tây Nam núi Chân Tiên, ấp An Thạnh, xã An Ngãi, nơi phát xuất tiếng chuông và gặp Sư tổ Hải Hội - Chánh Niệm. Qua phong thái và tâm tình của Ngài, Tổ trụ trì đoán đây là người lương đống cho Phật pháp trong tương lai nên dùng lời cảnh tỉnh khuyên Ngài xuất gia hành đạo. Nghe tổ giáo huấn, Ngài tự nghĩ rằng: “Cứu quốc không xong, thôi đành cứu đời vậy”. Từ đó, Ngài xin xuất gia học đạo. Tổ Hải Hội – Chánh Niệm truyền quy giới và ban cho Ngài pháp hiệu Thiện Thức. Ngài tu học tinh tấn, mau chóng am hiểu được các việc trong thiền lâm, được Thầy Tổ mến yêu, huynh đệ kính vì.

Năm 1901, Ngài được Bổn sư gửi đi tham học với Tổ Trí Hải ở chùa Thiên Thai Sơn Thạch tại Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Sau ba năm tu học tinh tấn, thông suốt các kinh, luật, luận, Ngài trở về chùa Long Hòa. Thấy đạo phong và trí huệ Ngài xứng đáng là người gìn giữ mối đạo tương lai, Tổ Hải Hội truyền trao Cụ Túc giới và ban pháp danh Thanh Kế, pháp hiệu Huệ Đăng. Năm đó, Ngài 30 tuổi (1903), và được cử trú trì chùa Kiên Linh ở Bà Rịa một năm, sau đó đổi về trú trì chùa Phước Linh ở xã Tam Phước cùng tỉnh Bà Rịa năm 1904 và cũng trong năm này Ngài được nhập chúng tu học với hạ lạp đầu tiên tại chùa Giác Viên do Tổ Hoàng Ân làm chủ hương.

Năm  Ất Tỵ (1905), Tổ Hải Hội viên tịch ở chùa Long Hòa. Ngài về cư tang và lo xây dựng bảo tháp. Thời gian này, Ngài vào núi Dinh Cố khai phá thạch động làm nơi tĩnh tu. Ngài ở lại đây hai năm tĩnh tu thiền định, tụng kinh Pháp Hoa. Danh đức của Ngài vang khắp, thiện tín bốn phương sùng kính ngày càng đông, đồ chúng theo Ngài tu học càng nhiều. Ở cửa hang, Ngài viết câu đối chữ Hán:

      Tá Thạch vi tường, thục thức lão Tăng cùng đáo đề;

      Dĩ phong tác phiến, thùy tri đại đạo lạc vô cương.

Dịch nghĩa:

      Mượn đá làm tường, ai biết sư già nghèo hết mức;

      Lấy gió thay quạt, nào hay đạo lớn thú vô cùng.

Năm Ngài 35 tuổi (1908), chùa Châu Viên ở Bà Rịa khai trường Kỳ, chư sơn mời Ngài lãnh chức Yết Ma, đồng thời làm Pháp sư trong giới đàn đó.

Năm 1913, chư sơn trong tỉnh thỉnh Ngài tổ chức giới đàn tại chùa Phước Linh. Tại giới đàn này, Ngài được suy tôn làm Đường đầu Hòa thượng.

Năm Ngài 42 tuổi (1915), Ngài được thỉnh đến trú trì chùa Bà Lang Lệ ở Cái Tàu Thượng (Sa Đéc) do Phật tử cúng. Về đây, việc truyền bá Phật pháp có cơ hội phát triển. Rất đông chư sơn các nơi đến học và quảng đại tín đồ đến quy y thọ giới. Từ đó, Pháp hạnh của Ngài được lan truyền trong các sơn môn, nên trong các trai đàn đại lễ, các chùa đều thỉnh Ngài làm Pháp sư hay Chứng minh. Ngài không từ chối dù phải đi xa đến tận Cà Mau…

Sau một thời gian vân du hoằng hóa ở các tỉnh Nam Bộ, Ngài cùng một đệ tử về ẩn tu ở hang Mai trên núi Dinh, sống khắc khổ để ẩn tu thiền định. Ngài bị quan tri phủ sở tại nghi ngờ tổ chức chống Pháp nên buộc phải rời hang Mai và trở lại thạch động Thiên Thai. Thạch động nhỏ hẹp, không phải là chốn già lam, nên Ngài nghĩ đến việc xây dựng chùa Thiên Thai ở chân núi Dinh Cố để tiếp tăng độ chúng, truyền bá chánh pháp. Đến năm 1920, Ngài cho khởi công xây dựng chùa Thiên Thai cách hang hơn một trăm mét.

Sau khi hoàn thành chùa Thiên Thai, Ngài đứng ra trùng tu Tổ đình Long Hòa  (thời gian 1924-1929), ngôi chùa được tạo dựng trong khoảng thời gian những năm 30 của thế kỷ XVIII ở ấp An Thạnh, cùng xã An Ngãi, huyện Long Điền với chùa Thiên Thai, vì chùa bị hư mục sau 200 năm xây dựng. Cho đến nay, chùa Long Hòa vẫn giữ được nguyên vẹn nét công trình sau thời gian trùng tu gần trăm năm nhờ không bị tàn phá trong hai cuộc chiến tranh vừa qua mà một số chùa khác nằm trong khu vực gặp phải.

Thiên Bửu Tháp được xây dựng cách chùa Thiên Thai khoảng 100m từ năm 1933.

Năm 1935, hưởng ứng phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam, cùng chiều hướng Hòa thượng  Khánh Hòa lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học năm 1934,  Hoà thượng Huệ Đăng cho thành lập "Thiên Thai Thiền Giáo Tông Liên Hữu Hội", thường được gọi tắt là "Thiên Thai Thiền Giáo Tông" trụ sở đặt tại chùa Thiên Thai. Hội này xuất bản tạp chí "Bát nhã Âm" để hoằng truyền Phật pháp, tòa soạn đặt tại Tháp Thiên Bửu. Hòa thượng cũng mở trường gia giáo tại chùa Long Hòa để đào tạo tăng tài. Hội phát triển mạnh, Tăng Ni và thiện nam đến cầu pháp và quy y thọ giới ngày càng đông. Hội cũng mở đại giới đàn ở chùa Long Hòa và các chùa khác trong hội để độ Tăng Ni.

Năm 1935 - 1937, đệ tử của Hòa thượng Huệ Đăng là Tỳ kheo Minh Tịnh đi qua Ấn Độ và Tây Tạng viếng lễ các Thánh tích của đức Phật Thích Ca và tham học Phật pháp. Sau khi trở về, ngày 2-7-1937, Tỳ kheo Minh Tịnh dâng lên Hòa thượng ngọc Xá lợi của Phật Thích Ca, Hòa thượng cho thỉnh về thờ ở Tháp Thiên Bửu, và cho đổi tên lại là "Thiên Bửu Tự Tháp".

Năm 1941, Hòa thượng về Bình Định thăm quê nhà. Vì quá ngưỡng mộ danh đức của Hòa thượng, quan huyện Bình Khê và một số đông nhân sĩ trong huyện đến thọ giáo và thỉnh cầu Ngài ở lại hoằng quá tại quê nhà. Ngài chọn núi Ông Đốc ở xã Bình Tường, huyện Phú Phong, lập nên ngôi chùa Thiên Tôn.

Năm 1943, sơn môn trong Nam cử người ra rước Ngài trở lại chùa Thiên Thai. Bấy giờ, sức khỏe Ngài giảm sút nhiều. Ngài luôn khuyên bảo đồ chúng lo tinh tấn tu hành, cố gắng giữ gìn chánh pháp, một lòng một dạ với sự nghiệp lợi sanh. Ngài sắp xếp ngôi thứ trong Tổ đình Thiên Thai và nhiệm vụ truyền pháp độ sanh trong môn đệ.

Qua năm sau (1944), Ngài lại trở về chùa Thiên Tôn – Bình Định và đến ngày 11 tháng 7 năm Quý Tỵ (1953), Ngài ngồi kiết già, hướng mặt về Tây, niệm Phật và viên tịch. Bảo tháp Ngài được xây dựng trên núi Ông Đốc cạnh chùa. Công hạnh và đạo nghiệp rực rỡ của Ngài còn thể hiện qua trước tác nhiều thơ văn Nôm.

Các kinh điển được Ngài diễn Nôm thường tụng còn lưu truyền rộng rãi cho đến ngày nay:

- Kinh Vu lan nghĩa

- Kinh Di Đà nghĩa

- Bài Bát nhã Tâm kinh nghĩa

- Tịnh độ chánh tông

- Bài sám Thảo Lư

Trong thời gian chiến tranh chống Pháp (1945- 1954), chùa Thiên Thai và Thiên Bửu Tự Tháp bị hủy hoại. Sau Hiệp định Genève (1954), Hòa thượng Minh Tâm và Hòa thượng Minh Nguyệt cùng môn đồ trong tông môn trùng tu lại chùa Thiên Thai, hoàn thành vào năm 1959. Trong dịp lễ này, đại giới đàn cũng được mở ở Tổ đình Thiên Thai.

Từ năm 1960, chiến tranh chống Mỹ ở miền Nam lan rộng; năm 1965, khu Dinh Cố và Tổ đình Thiên Thai bị bất an, Yết ma Pháp Bửu và Hòa thượng Vĩnh Vô cùng Đại đức Thiện Tài chuyên chở được tượng Phật và khí tài quan trọng về chùa Long Hòa. Sau đó, chùa Thiên Thai và Tháp Thiên Bửu bị bom đạn tàn phá.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (năm 1972) an ninh vãn hồi, Ban Bảo tự Tổ đình Thiên Thai cử Hòa thượng Pháp Dõng và Pháp Bửu, cùng cư sĩ Thiện Quới lo việc trùng tu Tổ đình Thiên Thai.

Hòa thượng Minh Nguyệt là Trưởng tử của Tổ Thiên Thai sau mười mấy năm bị giam ở Côn Đảo trở về Lộc Ninh, năm 1975 Hòa thượng về chùa Thiên Thai, Hòa thượng Pháp Bửu bàn giao tài sản, sổ sách, ruộng đất, cả y áo của tổ Thiên Thai và ngọc Xá lợi Phật. Hòa thượng Minh Nguyệt tổ chức lễ rước Xá lợi Phật từ chùa Long Hòa về Tổ đình Thiên Thai (năm 1976).

Từ tháng 10 năm 1976, Hòa thượng Minh Nguyệt và Hòa thượng Thiện Hào cử Thượng tọa Hiệp Khánh về giữ chức quản tự ở Tổ đình Thiên Thai, Thượng tọa Hiệp Khánh cùng Ban Bảo tự Tổ đình Thiên Thai tiếp tục xây dựng thêm chùa Thiên Thai: Hoàn thành chánh điện, nhà giảng, cổng tam quan và cổng phụ bằng đá xanh, tu sửa tháp vọng của Tổ Thiên Thai và các tháp ở chùa (Hòa thượng Pháp Trí, Pháp Võ, Minh Thành...).

Năm 1985, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tịch ở Thành phố Hồ Chí Minh, kim quan được đưa về nhập tháp ở Tổ đình Thiên Thai. Ngày 21 tháng 10 năm 1990, Hòa thượng Thiện Hào cùng Thượng tọa Hiệp Khánh và môn đồ trong sơn môn bắt đầu xây dựng lại chùa Thiện Bửu Tháp (cách chùa Thiên Thai khoảng 100m). Chánh điện xây theo mẫu kiến trúc cũ. Giảng đường Huệ Đăng được hoàn thành ngày 18-3-1992. Từ đó, chùa Thiện Bửu Tháp được dùng làm trường An cư Kiết hạ của Tăng huyện Long Đất hàng năm. Từ đó đến năm 1997, Hòa thượng Thiện Hào tiếp tục xây dựng thêm các cơ sở khác ở chùa Thiện Bửu Tháp. Năm 1997, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Phó Pháp chủ Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam, viên tịch ở chùa Xá Lợi (TP. Hồ Chí Minh), kim quan được đưa về nhập tháp ở Tổ đình Thiên Thai.

Lễ hội lớn nhất ở Tổ đình Thiên Thai nhằm ngày 1 tháng 7 Âm lịch, ngày giỗ tổ Hòa thượng Huệ Đăng, nhiều Tăng Ni, Phật tử ở khắp các tỉnh thành Nam Bộ về dự.

Tổ đình Thiên Thai hiện nay toạ lạc trên diện tích rộng 6 ha,
chia làm 2 khu vực gồm chùa Thiên Thai, Thiên Bửu Tháp. Đáng chú ý, việc xây dựng chùa bằng đá xanh kết hợp với các nguyên liệu cổ truyền như mật mía, vôi, tạo nên sự bền chắc của kiến trúc.

 

Mặt tiền Tổ đình Thiên Thai hiện nay         

 

Chùa Thiên Thai gồm: chính điện, bát quái đài, thạch động, vườn tháp… Nội thất chánh điện có 4 gian, phía trước thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, Bồ tát đản sanh, Phật Di Lặc, phía Tây là điện thờ Quan Âm Chuẩn Đề 18 tay, phía Đông là điện thờ Phật Quan Âm Bồ tát, phía Nam thờ các Hòa thượng Huệ Đăng, Pháp Long, Pháp Trị, Pháp Võng, Minh Nguyệt và Thiện Hào. Thiên Bửu Tháp gồm: tượng Phật Bà Quan Âm, Thiên Bửu Tháp, Giảng đường Huệ Đăng, Khu hồ bán nguyệt.

 Bên trong Tổ đình Thiên Thai có các hoành phi:

- TAM ĐỨC NGHIÊM THÂN

Ba điều đức giúp nghiêm khắc với chính mình

(Chính trực, Cương, Nhu)

- NGŨ TRA PHẤT THỂ

 Năm lần kiểm tra phủi bụi toàn thân (Mỗi ngày tự răn mình)

- HOẰNG DƯƠNG CHÁNH PHÁP

Chánh pháp giương cao

- PHẬT NHẬT TĂNG HUY

Đạo Phật càng ngày tỏa sáng

- QUỐC THÁI DÂN AN

Nước mạnh dân yên

- PHONG ĐIỀU VŨ THUẬN

  Gió hòa mưa thuận

- HẢI CHÚNG AN HÒA

Chúng sinh bốn biển an hòa

- SƠN MÔN TRẤN TĨNH

Cửa chùa yên tĩnh

- PHẬT PHÁP ĐỒNG LƯƠNG

Rường cột Phật pháp

Và các cặp liễn:

- Tá thạch vi tường, thục thức lão tăng cùng đáo để;

Dĩ phong tác phiến, thùy tri đại đạo lạc vô cùng.

- Mượn đá làm tường, ai biết sư già nghèo hết mức;

Lấy gió thay quạt, nào hay đạo lớn thú vô cùng.

- Từ phong phiến động tam thiên giới;

Diệu pháp tuyên văn thập nhị thời.

- Gió lành quạt động cõi tam thiện;

Diệu pháp truyền nghe thập nhị giờ.

- Căn thâm bất phạ phong dao động;

Thụ chính hà sầu nguyệt ảnh tà.

- Gốc vững sợ gì cơn gió động;

Cây ngay nào ngại ánh trăng tà.

- Tuệ nhật trùng quang minh tổ ấn;

Đăng đài tục diễm tứ đông phong.

- Pháp tuệ lại soi ngời ấn tổ;

Đăng đài tiếp lửa sáng thiền tông.

- Pháp dĩ chí hòa sinh đại đạo;

Sư vi tối thượng phát huyền cơ.

Pháp lấy chí hòa sinh đại đạo;

Sư làm tối thượng khởi huyền cơ.

- Giảng vô biệt pháp, chính kỳ tâm, thành là ở ý, tâm ý tề chi dĩ nhất;

Đường hữu thường quy, trí dĩ viên, nghĩa dĩ phương, viên phương các thông kỳ trung.

- Giảng không có pháp nào khác, chính là ở tâm, thành là ý, tâm, ý đều là một;

Gia có gia quy, chí ở tròn, nghĩa là ở vuông, vuông, tròn mỗi thứ đều thông.

- Phục Phật lực tác Phật sự, tín thụ phụng thành, đồng lạc chuyển luân phúc địa;

Chấn pháp lôi minh pháp cổ, kiến văn tùy hỷ, cộng nhập Ba Mật môn.

- Phục quy lực Phật, làm việc Phật, tin nhận thừa hành cùng vui chuyển luân thành phúc;

Vang tiếng sấm pháp, gióng trống pháp, nghe nhìn đều vui mà vào nhà cửa Ba la mật.

- Phật chỉ u huyền như vân quải sơn đầu hành đáo sơn đầu vân hựu viễn;

Thiền cơ hạo đãng, tự nguyệt lâm thủy điện bát khai thủy điện nguyệt hoàn thâm.

- Phật chỉ nhiệm màu giáng như mây trên đầu núi, lên tới đầu núi mây lại cách xa hơn;

Thiền cơ rộng lớn tựa trăng trên mặt nước, khua tan mặt nước trăng càng sâu.

- Độ vô số khổ hải cúng sinh, pháp vũ tường vân phổ tam thiên thế giới;

Họa bất tận tiên gia thắng cảnh, kỳ tú thủy vi đệ nhất Thiên Thai.

- Cứu độ vô số chúng sinh bể khổ, mưa pháp mây lành khắp ba nghìn thế giới;

Phổ không hết cảnh quan tiên giới, non xanh nước biết làm đệ nhất Thiên Thai.

- Cốt nhục cửu huyền thường hoài niệm;

Tiên linh thất tổ vọng tâm ân.

- Cốt nhục cửu huyền thường tưởng niệm;

Tiên linh bảy tổ nhớ ơn sâu.

Ngoài ra có một văn bia viết bằng Hán - Nôm ở nhà Giảng đường:

Phiên âm:

TRẦN THÁI TÔNG NGỰ CHẾ

KHÓA HƯ LỤC BÁT HẬU VĂN

Phù! Ngữ mặc động tịnh giai thị Phật pháp, hữu quyền, hữu thực, hữu chiếu, hữu dụng dư giai phương tiện độ nhân. Cố ngã Phật Thế Tôn dục lệnh nhất thiết chúng sinh khai thị ngộ nhập tốc thành chính giác, nhi chúng sinh mê muội bất tri bất giác, thăng trầm lục đạo như nghị tuần hoàn hà kỳ đắc thoát, nhi thuyết lập phương tiện dụ dẫn đa môn, nhân thủ lưu hạ pháp yếu dĩ bổ hậu lai, cố cổ đức vân: “Vị thử thường lưu phạn, lân nga bất điểm đăng”. Hựu vân: “Mê chi tắc sinh tử thủy, ngộ chi tắc luân hối tức hĩ!”.

Thích Thiện Hào biên soạn

 

Dịch nghĩa:

LỜI BẠT SÁCH KHÓA HƯ LỤC

DO TRẦN THÁI TÔNG NGỰ CHẾ

Ôi giữ yên lặng, động hay tĩnh đều là Phật pháp có quyền, có thực, có chiếu rọi, có dư dùng, đều là phương tiện để cứu độ. Cho nên Phật Thế Tôn ta muốn tất cả chúng sinh mở rộng sự giác ngộ để nhanh chóng thành chánh giác, nhưng chúng sinh mê muội không hay, không biết, vẫn chìm nổi trong lục đạo như kiến bò loanh quanh, không biết lúc nào mới thoát ra được, nên lập ra phương tiện dẫn dắt nhiều lối, nhân đó để lại mấy điều yếu pháp để dạy đời sau. Cho nên cổ ngạn có câu: “Vì chuột lưu cơm nguội, thương kiến chẳng (châm) đèn”. Lại có câu: “Mê muội mở đầu vòng sinh tử, ngộ ra thì luân hồi chấm dứt vậy?”.

Thích Thiện Hào biên soạn 

Tổ đình Thiên Thai  là khu di tích có giá trị lịch sử, văn hóa, tôn giáo. Nơi đây là chốn tổ của Thiền Giáo Tông Việt Nam trên vùng đất phương Nam, đồng thời là trung tâm của Phật giáo miền Đông Nam Bộ. Tổ đình là cơ sở của “Hội Liên hữu Thiên Thai Thiền Giáo Tông”. Hội đã góp phần quan trọng trong việc mở rộng, phát triển Phật pháp tới các tỉnh Nam Bộ.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6058007