Thông tin

TÔI HỌC PHẬT: CƠM HƯƠNG TÍCH

TÔI HỌC PHẬT: CƠM HƯƠNG TÍCH

 

ĐỖ HỒNG NGỌC

 

 

Thành Tỳ-da-ly rực rỡ ánh đèn dưới kia khiến Phật thấy đã đến lúc phải thay đổi cách tiếp cận. Làm sao mà các vị A La Hán, các vị Bồ tát đạo cao đức trọng lại có thể tiếp cận được với các bậc vương tôn công tử, với các quan chức, các nhà buôn, các cô nàng kỹ nữ nhan sắc kiêu kỳ ở các thanh lâu trà đình tửu điếm dưới kia? Làm sao mà các vị A La Hán, các vị Bồ tát đạo cao đức trọng lại có thể vào tận các ổ mại dâm, động ma túy dưới kia để thuyết giảng lời Phật? Ai đây sẵn lòng xâm nhập vào chốn ô trược mà đủ năng lực giúp đỡ, hỗ trợ người khác vượt qua, không chỉ với những lời khuyên suông, lý thuyết trên mây, cao ngạo và xa cách, mà từ những thực tế của cuộc sống vì Phật đạo không xa cách thế gian, Phật đạo ở ngay trong lòng thế gian. Làm sao cho những cánh sen xanh biếc mọc lên từ chốn bùn nhơ?

Phật muốn giới thiệu một phương pháp tiếp cận mới, tiếp cận dựa vào cộng đồng (community-based approach) qua một “mô hình” Bồ tát mới: “Bồ tát tại gia”, qua hình tượng một nhân vật kiệt xuất Duy Ma Cật ở ngay trong thành Tỳ Da Ly này vậy.

Đối tượng đích (target population) lần này ở Tỳ Da Ly là năm trăm con nhà trưởng giả, trẻ tuổi, vương tôn công tử, đại gia, doanh nhân, trí thức... do Bảo Tích dẫn đầu:

“Bạch Thế Tôn! Năm trăm chàng con nhà trưởng giả đây, thảy đều đã phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ đề, nay muốn nghe việc được quốc độ thanh tịnh của Phật. Xin đức Thế Tôn giảng thuyết các hạnh Tịnh độ của chư Bồ tát”. Bảo Tích thưa.

Phật dạy: “Lành thay, Bảo Tích! Ông đã vì chư Bồ tát hỏi Như Lai về hạnh Tịnh độ. Hãy lắng nghe, lắng nghe! Hãy suy nghĩ cho kỹ. Ta sẽ vì ông mà giảng thuyết”.

“Các loài chúng sinh là cõi Phật của Bồ-tát. Tại sao vậy? Bồ tát tùy theo chỗ giáo hóa chúng sinh mà giữ lấy cõi Phật. Tùy theo chỗ điều phục chúng sinh mà giữ lấy cõi Phật. Tùy các chúng sinh muốn dùng cõi nước nào để vào trí huệ Phật mà giữ lấy cõi Phật. Tùy các chúng sinh muốn dùng cõi nước nào để phát khởi căn Bồ tát mà giữ lấy cõi Phật...’’.

“Bảo Tích! Bồ tát tùy lòng ngay thẳng (trực tâm) mà khởi làm. Tùy chỗ khởi làm mà được lòng sâu vững (thâm tâm). Tùy lòng sâu vững mà tâm ý được điều phục. Tùy chỗ điều phục tâm ý mà làm được theo đúng như thuyết dạy. Tùy chỗ làm theo đúng như thuyết dạy mà có thể hồi hướng. Tùy chỗ hồi hướng mà có sức phương tiện. Tùy sức phương tiện mà giúp cho chúng sinh được thành tựu. Tùy chỗ thành tựu cho chúng sinh mà được cõi Phật thanh tịnh. Bảo Tích! Cho nên, nếu Bồ tát muốn được cõi nước thanh tịnh hãy làm cho tâm thanh tịnh. Tùy tâm thanh tịnh, ắt cõi Phật thanh tịnh”.

Buổi “trao đổi” rất sôi nổi sau đó tại căn nhà trống trơn của Duy Ma Cật với Văn Thù và các vị Bồ tát, A La Hán về nhiều vấn đề cao xa đã đến hồi... đói bụng.

Lúc ấy, Xá Lợi Phất nghĩ: “Sắp đến giờ thọ thực rồi. Các vị Bồ-tát này sẽ ăn thức gì đây?”.

“Các vị Bồ-tát này” dĩ nhiên đó là Bảo Tích và năm trăm vị vương tôn công tử, thiếu gia con nhà viên ngoại, là những Bồ tát tại gia tương lai, đối tượng đích của buổi huấn luyện đặc biệt buổi hôm nay.

Lần nào cũng vậy, cứ đến lúc mọi người đang bay bổng trên chín từng mây với những lý luận cao vời thì Xá-lợi-phất lại kéo ngay xuống mặt đất! Một lần ông đặt câu hỏi hỏi: “Các vị Bồ tát này rồi sẽ ngồi ở đâu?”. Một câu hỏi tưởng chẳng ăn nhập gì vào chuyện lớn đang bàn luận, thế nhưng, đó là một câu hỏi vô cùng quan trọng nhằm để xác định vai trò, vị trí của các Bồ-tát tại gia tương lai này. “Ngồi đâu?” nói lên nhiệm vụ chính của họ. Họ sẽ trở thành các Pháp sư, là “thầy giảng pháp” để giải thoát chúng sinh, để tạo cõi Phật thanh tịnh nơi cõi Ta bà đầy ô trược. Muốn vậy, họ phải “vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai” cái đã, rồi mới xứng đáng “ngồi tòa Như Lai”! Và Duy Ma Cật đã mang về những “tòa sư tử” nghiêm chỉnh, cao vời để họ… hì hục trèo lên!

Bây giờ, giữa lúc mọi người đang sôi nổi hào hứng bàn những chuyện “trên trời” nào Hữu lậu với Vô lậu, nào Hữu vi với Vô vi, nào Động nào Niệm, nào Sinh tử nào Niết bàn… thì Xá Lợi Phất, vị đệ tử trí tuệ bậc nhất của Phật, một lần nữa lại đưa mọi người về “mặt đất”: “Sắp đến giờ ăn rồi. Các vị Bồ tát này sẽ ăn thức gì đây?”.

Ăn không phải là chuyện hệ trọng số một sao? Phật tới giờ ăn mà còn phải khoác y, ôm bình bát vào thành khất thực, mang về đạo tràng ăn uống xong xuôi đâu đó rồi mới rửa chân lên ngồi… nhập định trước khi thuyết giảng Kim Cang đó sao?

Thực ra, câu hỏi của Xá Lợi Phất “các vị Bồ tát này sẽ ăn thức gì đây” mang một ý nghĩa khác: các vị Bồ tát tại gia tương lai này sẽ được nuôi dưỡng bằng “thức ăn” gì đây để có thể trưởng thưởng tâm Bồ đề mà thực hiện tốt các hoạt động của một vị Bồ tát chân chánh nhằm “thành tựu chúng sanh”. Nếu không được nuôi dưỡng đúng đắn, sau lúc hào hứng bồng bột ban đầu, sẽ rơi rụng dần rất đáng tiếc!

Duy-ma-cật lên tiếng: “Xin đợi cho giây lát, tôi sẽ khiến quý vị được thứ thức ăn chưa từng có”.

Thứ thức ăn chưa từng có ư? Với các vị vương tôn công tử, thiếu gia, con nhà trưởng giả  này thì cao lương mỹ vị có gì là lạ, tổ yến hồng sâm, nem công chả phượng có gì là lạ.

Họ háo hức chờ đợi Duy Ma Cật mang lại thứ thức ăn “chưa từng có” là gì đây!

Thì ra… Duy Ma Cật mang đến một mùi hương! Một mùi hương thơm. Thứ “thức ăn” xin được từ cõi Chúng Hương của Phật Hương Tích!

Cõi Chúng Hương? Đó là một nơi mọi thứ đều làm bằng hương thơm, từ lầu gác, đất bằng, hoa viên, thức ăn nước uống… thứ nào cũng thơm lừng…!

Có điều xa lắm, và không dễ đến!

Duy Ma Cật liền nhập vào Tam muội, dùng sức thần thông
khiến cho đại chúng nhìn thấy về hướng trên, cách đây nhiều cõi Phật liên tiếp nhau như số cát của bốn mươi hai con sông Hằng, có một cõi nước tên là Chúng Hương, hiện có đức Phật hiệu là Hương Tích ngự tại đó. Nước ấy có mùi thơm bậc nhất đối với các mùi thơm của người ta và chư thiên ở các thế giới chư Phật mười phương. Khắp cõi ấy, mùi thơm tạo ra lầu gác. Người ta đi trên đất bằng mùi thơm. Các cảnh hoa viên và vườn tược đều bằng mùi thơm. Từ nơi thức ăn, mùi thơm bay tỏa ra khắp vô lượng thế giới mười phương. Lúc ấy, Phật Hương Tích với chư Bồ tát vừa ngồi lại với nhau sắp thọ thực. Đại chúng đều nhìn thấy như vậy.

Duy Ma Cật quay sang hỏi các vị Bồ tát có mặt: “Các nhân giả! Vị nào có thể đến chỗ đang dùng cơm của đức Phật ấy?”. Ai nấy đều lặng thinh.

Duy Ma Cật nói: “Đại chúng các vị ở đây, không có chi phải thẹn!”

Văn Thù nhắc nhẹ: “Như Phật có dạy: Đừng khinh người chưa học”.

Đừng khinh người chưa học. Đó là bài học đầu tiên mà Văn Thù và Duy Ma Cật vừa sắm vai (role playing) để truyền đạt. Ấy là lòng Khiêm tốn, sự Tôn trọng, sự Không phân biệt.

Phật dạy có bốn loại thức ăn để nuôi dưỡng thân và tâm. Đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực, thức thực. Đoàn thực, thức ăn nuôi thân được nói trước tiên. Không có thân sao có tâm. Không có sắc sao có thọ tưởng hành thức? Tứ đại ngũ uẩn quan trọng quá chứ! Nó là một “bảo tháp” để tâm quay về nương tựa! Một tâm hồn minh mẫn trong một thân thể tráng kiện. Còn xúc thực, tư niệm thực… ngày nay mới thật đáng ngại. Sách báo, phim ảnh, truyền hình, công nghệ thông tin ngày càng phát triển càng mang đến những nguy cơ cao về đời sống tinh thần của con người. Dĩ nhiên, không phải lỗi tại sự tiến bộ của khoa học.

Trở lại với thứ thức ăn chưa từng có: Một mùi hương! Một thứ hương thơm đủ để nuôi cả thân và tâm bất tận. Đó chính là Giới đức. Thứ hương thơm có thể bay cao, bay xa, bay ngược chiều gió! Thứ hương thơm đó thực sự cần thiết cho các vị Bồ tát tại gia tương lai bấy giờ!

Hương thơm giới đức không thể có trong một ngày một bữa. Phải được huân tập lâu ngày chầy tháng. Hương thơm phải tích chứa từ từ mới đầy dần lên, mới sung mãn, tràn trề.

Cho nên Phật Hương Tích xuất hiện. Các vị Phật thật dễ thương. Lúc nào cũng sẵn sàng xuất hiện khi có ai đó cần đến! Đức Phật Hương Tích lấy cái bát ở cõi Chúng Hương, đơm đầy cơm thơm, trao cho vị hóa Bồ tát mang về cho Duy Ma Cật làm “Phật sự”. Phải đích thân Phật Hương Tích san sẻ món “cơm thơm” đó trao cho vị hóa Bồ tát. Một pháp thí.

“Hương thơm’’ phải được hun đúc. Phải được rèn tập. Phải nhẫn nhục, tinh tấn, phải thiền định. Một hành giả sống trong chánh định thì sẽ có chánh kiến, chánh tư duy, từ đó dẫn tới chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. Bát chánh đạo là một vòng tròn ngũ phần Pháp thân: Giới hương, Định hương, Huệ hương, Giải thoát hương và Giải thoát tri kiến hương.

Mùi thơm của chút cơm được san sẻ từ cõi Chúng Hương đã bay khắp thành Tỳ Da Ly và cõi thế giới tam thiên đại thiên. Lúc ấy, mọi người ở thành Tỳ Da Ly, nghe mùi thơm ấy, lấy làm khoái lạc thân thể và tâm ý, thảy đều khen là việc chưa từng có. Có vị trưởng giả chủ tên là Nguyệt Cái, dẫn theo tám mươi bốn ngàn người cùng đến, vào nhà Duy Ma Cật. Các vị thần đất đai, thần hư không cùng các vị thiên tiên cõi Dục giới và Sắc giới, nghe mùi thơm ấy, cũng đều hiện đến, vào nhà Duy Ma Cật… Hương thơm, một thứ Pháp Hỉ, đến từ thực hành Giới Định Huệ, thực hành thiền định nên đã mang đến an lạc cho tất cả mọi người: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”.

DuyMa Cật mời: “Các nhân giả, hãy dùng món cơm cam lộ của Như Lai, do lòng đại bi hun đúc mà thành”. Thứ “thức ăn chưa từng có” đó không sợ thiếu, luôn đủ cho tất cả mọi người, vì đó là một thứ “vô tận hương” đến từ bên trong của mỗi chúng sanh!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 19
    • Số lượt truy cập : 6116456