Thông tin

TÔNG PHONG VĨNH NGHIÊM

 

TRẦN ĐÌNH SƠN

 


Chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang

 

Thiền môn đất Bắc xưa nay vẫn truyền tụng rằng:

“Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm,

Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa thành.”

Câu ca dao cho chúng ta thấy được vị trí đặc biệt quan trọng của Vĩnh Nghiêm, một trong ba trung tâm Phật giáo lớn nhất của nước ta vào thời Lý-Trần: Yên Tử, Quỳnh Lâm, Vĩnh Nghiêm.

Chùa Vĩnh Nghiêm được xây từ thời vua Lý Thái Tổ (1010-1026), hiện tọa lạc tại thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Đức Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) đã tôn tạo Vĩnh Nghiêm trở thành đại tòng lâm để đào tạo tăng tài và làm cơ sở điều hành giáo hội Trúc Lâm Yên Tử. Ngài chỉ định đại sư Pháp Loa làm trú trì Vĩnh Nghiêm.

Tôn giả Pháp Loa (1284-1330) kế thừa y bát nhận lời phó chúc của Phật hoàng tận lực phát triển Phật giáo khắp đất nước. Ngài vận động khắc bản in Đại tạng kinh, kiến tạo nhiều chùa tháp, đúc chuông, tạo tượng, độ tăng. Suốt hai mươi sáu năm ở ngôi vị lãnh đạo giáo hội, Ngài đã thành tựu nhiều Phật sự hi hữu và được tôn xưng làm vị Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm.

Tôn giả Huyền Quang (1254-1334), xuất thân là một nho sĩ thành đạt, ra làm quan hơn hai mươi năm, rất được Thượng hoàng Nhân Tông và vua Anh Tông tín cẩn. Theo Tổ gia thực lục, ông có nhân duyên hầu vua Anh Tông đến thăm chùa Vĩnh Nghiêm nghe thuyết pháp, sau đó phát tâm xuất gia cầu đạo. Nhờ có văn tài cùng với sở học uyên bác nên Huyền Quang được Phật hoàng chọn làm tùy tùng du hóa và chỉ định biên soạn kinh sách, Ngài tán thán: “Phàm kinh sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn, hiệu khảo rồi thì không thể thêm hay bớt một chữ nào nữa!”.

Tôn giả Huyền Quang kế thừa tổ vị lúc đã cao tuổi nên ngài xin lui về trú trì chùa Tư Phúc ở Côn Sơn để thuận duyên hành trì tu niệm. Ngài viên tịch năm Giáp tuất (1334), vua Trần Anh Tông ban hiệu “Trúc Lâm đệ tam đại tự pháp Huyền Quang tôn giả”.

Sau giai đoạn cực thịnh dưới thời Trần (1225-1400) từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19, Thiền phái Trúc Lâm suy yếu dần, tông phong chỉ được duy trì trong phạm vi vài sơn môn ở đất Bắc như Long Động, Quỳnh Lâm, Liên Tông (tức Liên Phái), Vĩnh Nghiêm.

Đến đầu thế kỷ 20, may mắn thay Tổ đình Vĩnh Nghiêm lại xuất hiện một bậc long tượng làm cho “Tổ ấn trùng quang” để chấn hưng Phật giáo.

Thiền sư Thích Thanh Hanh (1840-1937), xuất thân trong dòng họ Bùi ở làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, theo truyền thống học Nho tin Phật. Túc duyên sớm phát, năm mười tuổi Ngài quyết chí xin song thân cho xuất gia cầu đạo với Tổ sư Tâm Viên, chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang. Đến năm hai mươi tuổi, Ngài đăng đàn thọ giới cụ túc và an trú tại tổ đình tu học suốt mười năm. Năm ba mươi tuổi, Ngài được cử vào giảng dạy Phật pháp tại các chùa Phượng Ban, Hoàng Kim, Phúc Chỉnh, tỉnh Ninh Bình. Năm sáu mươi tuổi, Ngài được sơn môn Vĩnh Nghiêm cung thỉnh về trú trì chùa tổ. Tại đây, Ngài nỗ lực chấn chỉnh, phát triển tông phong, giáo hóa đồ chúng. Hàng năm, Vĩnh Nghiêm trở thành trường hạ quy tập đông đảo chư tăng về an cư tu học. Ngài cùng đệ tử thường lui tới trường Viễn Đông Bác Cổ xin tìm tòi sao chép kinh điển, tác phẩm Phật học của tiền nhân rồi về khắc bản in lại để bảo tồn, phổ biến. Tuy tuổi cao sức yếu, nhưng Ngài lại càng nỗ lực và thường sách tấn học chúng: “Phàm người học Phật cần phải tùy địa vị, tùy lực lượng của mình mà hàng ngày phải làm hết mọi việc lợi ích cho người đời, không được lười biếng hoang toàng và ngồi rỗi ăn không, có khi lại cho là phận mình được hưởng thụ mà phận người kia phải cung cấp”1. Từ năm 1930, phong trào chấn hưng Phật giáo lan rộng khắp ba miền đất nước. Ở miền Bắc, Hội Phật giáo Bắc kỳ được chính thức công bố thành lập vào ngày 23 tháng 12 năm 1934 và làm lễ suy tôn Hòa thượng Thích Thanh Hanh (Tổ Vĩnh Nghiêm) vào ngôi vị Thiền gia Pháp chủ. Diễn văn viết: “Sư tổ nhận ngôi Pháp chủ, chứng lễ suy tôn cho chư tăng có chỗ cậy trông, để đồng hội có nơi nương tựa, mang chính pháp thu về một mối, mở từ tâm khắp cả thập phương, rừng thiền cây cả bóng cao, chồi Hồng Lạc càng thêm tươi tốt…”.

 


Thiền sư Thích Thanh Hanh

 

Lúc này, tuổi thọ của Tổ Vĩnh Nghiêm đã được chín mươi tư xuân thu, nhưng vì tương lai của đạo pháp, lân mẫn ước nguyện chấn hưng Phật giáo của tứ chúng nên Ngài phát đại nguyện chấp nhận lời cầu thỉnh. Chính nhờ vào uy lực của Tổ mà sóng yên bể lặng, tăng tục đoàn kết một lòng “bỏ hết mọi hiềm khích của tông nọ phái kia, tuân theo pháp lục hòa của Phật dạy để một lòng lo việc chấn hưng Phật giáo”.

Nắm giữ mạng mạch của đạo pháp, Tổ thường thống thiết dạy đồ chúng thân cận rằng: “Mắt ta thấy nhiều chùa từ tượng Phật đến đồ thờ phụng nếu không có mạng nhện chăng ngang dọc thì cũng bẩn thỉu lạnh lùng, thế mà những đền miếu thì lại cực kỳ trang nghiêm mỹ lệ ở giữa các chùa đó, các vị tăng, ni chủ sự chẳng mấy khi giảng kinh thuyết pháp cho thập phương đàn tín, phần nhiều chỉ được nghe những truyện Tam tòa, tứ phủ với ông Hoàng bà Chúa. Lại còn một truyện rất quái gở nữa: Số là các vị sư ông đã thụ 250 giới, tức là ở mình đã có 250 vị giới thần. Các vị sư bà đã thụ 500 giới cũng đã có tới 500 vị giới thần ở mình, mà đua nhau đi trình đồng, trình bóng để làm ghế làm đệm, thử hỏi những khi vua, mẫu, cô cậu về giá ngự tất phải đuổi các vị giới thần đi nơi khác, hay là các ngài chen chúc nhau để giá ngự chung? Có thế mà thôi đâu, lại còn đi tụng kinh thuê, cúng đám mướn, nào chạy đàn phá ngục, nào vẽ bùa bắt ma, hoàn toàn chỉ vì lợi lộc mà làm những việc mê tín dị đoan để cho người đời phỉ báng lây đến Phật pháp, làm mê hoặc dân chúng. Ta thấ y bọn người giả danh tu hành ấy nếu không sớm bài trừ thì dần dần sẽ làm hại cho Phật pháp không phải là nhỏ. Vì họ đã lấy mê tín làm chính tín, trước ít sau nhiều, tập mãi thành quen có một ngày kia người ta bỏ mất hẳn chân tướng của Phật pháp đi, chỉ còn nhận những điều mê tín dị đoan là Phật pháp mà thôi. Số người tu hành mê tín ấy có thể gọi họ là hạng người trực tiếp phá hoại Phật pháp, xóa nhòa đức hạnh của giới tăng, ni; bài trừ đi tức là giác ngộ cho họ và cứu vớt tội lỗi cho họ vậy”2.

Ngày mồng tám tháng Chạp năm Bính Tý (11/1/1936), Tổ sư mãn nguyện Ta-bà trở về Tịnh cảnh, trải qua chín mươi sáu xuân thu ở quốc độ Việt Nam hành đại nguyện “trên cầu Phật quả, dưới độ chúng sinh”, vượt qua biết bao chướng duyên trong thời “Pháp nhược ma cường”.

Kính bạch đức Tổ sư, hơn tám mươi năm sau chúng con nhờ gặp thắng duyên được tới tham bái chốn tổ, đảnh lễ tôn tượng và bảo tháp của Ngài, được đọc hành trạng và di giáo của Ngài, chúng con khẩn nguyện xin Ngài hãy sớm quay lại đất nước Việt Nam; đem hùng lực, bi nguyện của bậc Thánh tăng Bồ-tát mà dẹp trừ quân ma, sùng hưng chánh pháp khiến cho tông môn rạng rỡ, tổ ấn trùng quang, tiếp nối đại nguyện của Trúc Lâm tam tổ.

 


1. Hội Việt Nam Phật giáo, Tiểu sử chư Tổ, Nhà in Đuốc Tuệ, Hà Nội, 1949, tr. 19.

2. Sđd, tr. 19-21

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 47
    • Số lượt truy cập : 6113534