Thông tin

TQ13 - ỨNG DỤNG LÝ VÔ NGÃ VÀO CUỘC SỐNG

ỨNG DỤNG LÝ VÔ NGÃ VÀO CUỘC SỐNG

THANH TIỂN

 

Dưới sự tác động của các yếu tố xã hội, “cái tôi” trong bản thân chúng con, cứ phát triển dần theo thời gian. Cái tôi đó thể hiện ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực, chúng con cảm thấy hãnh diện về những gì mình đã đạt được trong học tập, công tác... dẫn đến sự kiêu mạn trong lời nói, suy nghĩ. Về mặt tiêu cực, bản thân tự ti với những gì mình chưa đạt được nên dễ bị tự ái khi ai đó chạm đến những khuyết điểm, những thất bại của mình. Như vậy, “cái tôi” ở cả hai khía cạnh tích cực hay tiêu cực, đều mang tính bất thiện, cần được trừ diệt.

Khi đến với đạo, chúng con mới biết “cái tôi” đó chính là “cái ngã” mà đạo Phật chủ trương thực hành thuyết “vô ngã”. Tuy nhiên, những chấp ngã thâm căn cố đế đó không dễ gì được trừ sạch trong một sớm một chiều, mà đó là sự tỉnh thức nhận biết để tiêu diệt chúng tức thời hoặc chuyển hóa dần từ thô đến tế, để đi đến chỗ không.

Hiểu được ngũ uẩn là vô thường, giả hợp, chúng con giảm bớt sự dính mắc vào “cái ngã” trước những lời khen chê, những điều thị phi. Những lời khen chê trước sự thành công hay thất bại cũng chỉ là giả danh.

Ngoài giờ làm việc chuyên môn, bản thân không thấy mình đóng vai trò của một người quản lý, sống hòa đồng cùng tập thể, cùng phụ giúp mọi người kể cả những công việc khuân vác, lau chùi... Vì luôn tâm niệm việc phước đức dù nhỏ cũng cố gắng làm, bản thân quên đi “cái ngã” của một người quản lý, nhưng dính vào “cái ngã” của người đang làm phước, làm thiện, cầu phước báu. Khi đó cái ngã thô được thay thế bởi cái ngã vi tế khác.

Với lòng khát khao cầu đạo, chúng con lại rơi vào “chấp ngã” và “chấp pháp”, chấp quả vị tu chứng và sở đắc của người đang trên con đường tu học Phật.

Sống giữa đời thường nơi chốn đô thị phồn hoa, bản thân thấy “mình tu, người không tu”. Trong thời gian rảnh rỗi ở cơ quan, bản thân thường tranh thủ tìm tòi, tham khảo các bài viết về đạo trên internet, ít tham gia vào những chuyện phiếm của các đồng nghiệp. Những vấn đề mà mọi người thường hay bàn luận là chuyện hay, dở của người khác, khá hơn là chuyện phim ảnh, ăn uống... Họ tự hào là mình biết nhiều thông tin, sành điệu trong ăn uống, thời trang... sẵn sàng bỏ thời gian đi từ đầu đến cuối Thành phố, chỉ để thưởng thức một món ăn nào đó trong một phút giây ngẫu hứng. Bản thân chúng con cho đó là việc làm vô bổ, chuyện ăn uống chỉ là nhu cầu thứ yếu nhằm phục vụ cho thân tứ đại giả danh này thôi, mà cần hướng đến phát triển đời sống tâm linh. Ngay lúc đó, bản thân mới thật hiểu câu nói “thấy mình tu, người không tu” và cũng nhận ra cái “chấp ngã” mình đang tu, “chấp pháp” mình đang học. Trước khi đến với đạo, bản thân cũng như họ, dành nhiều thời gian cho việc mua sắm, vui chơi giải trí... vào những thú vui của người đời thường. Cho nên họ là những người chưa được nếm Pháp lạc, hương vị giải thoát xuất thế gian và cảm thấy mình có phần may mắn hơn họ. Như trong kinh thường nói, một trong những điều khó của con người ta là được nghe và hiểu Phật pháp.

Đến khi nghiên cứu Kinh Kim Cang, chúng con không khỏi giật mình trước trạng thái xả ly, không còn dính mắc ngay cả Phật quả. Nếu như hàng Nhị thừa phá chấp ngã, chỉ còn chấp pháp thì hàng Bồ tát không còn trụ vào ngã, vào pháp. Tuy nhiên, sự tu học có lúc tăng lúc giảm, lúc lên lúc xuống, nên hàng sơ cơ chúng con cần lấy quả vị tu chứng làm mục tiêu và lý tưởng để nhắc nhở bản thân trong những lúc trượt dốc trên con đường tu học. Đây là “Thứ mong muốn rất cần cho người tu hành; nếu không mong muốn thiết tha, mãnh liệt thì khó mà đi đến đích giải thoát được”[1]. Đối với chúng con, điều cần thiết hiện nay là thực hành chánh niệm, tỉnh thức nhận diện mọi sanh khởi nơi tâm để diệt trừ và chuyển hóa. Muốn hàng phục được tâm thì trước hết cần có sức định để nhận biết vọng tâm, muốn thực hành “vô ngã” thì trước hết phải nhận biết được “cái ngã” đang tồn tại khi chúng vừa xuất hiện.

Tư tưởng “Ly tướng Vô trụ” trong Kinh Kim Cang là chiếc chìa khóa mở cửa “Tánh Không” của hệ Bát Nhã. Bản thân chúng con, người đang trên đường đi tìm kho báu, mặc dù chưa đến được kho báu, nhưng chợt nhận ra rằng kho báu đầy vàng bạc kia phải chăng cũng chỉ là giả danh. Niềm vui thật sự ẩn mình trong những chuỗi ngày vất vả, khó nhọc để lần mò, tìm dấu vết, tìm phương cách đến gần kho báu. Tất cả gợi cho bản thân nhớ lại thuở bé thơ mong chờ ngày Tết đến. Lúc đó thời gian cứ được đếm lui từ một tháng, nửa tháng, mười ngày... một ngày, giao thừa và cuối cùng Tết cũng đã đến. Khi lớn lên, bản thân mới nhận ra niềm vui Tết thật sự là những ngày chuẩn bị đón Tết, được mẹ may cho áo mới, được sơn phết, trang hoàng nhà cửa, được nghe những câu chuyện mẹ kể đêm khuya bên nồi bánh chưng... Cũng vậy, hành giả tu học Phật thật sự nhận được niềm an vui trong những lần vượt qua thử thách để chiến thắng chính mình trên con đường tu sửa nhằm hoàn thiện mình hơn.


 [1]HT. Thích Thiện Hoa, Phật học Phổ thông, quyển 1, Nxb. Tôn Giáo, 2008, tr. 461.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 23
    • Số lượt truy cập : 6792217