Thông tin

TQ14 - BIẾT DÙNG LÀ ĐƯỢC

BIẾT DÙNG LÀ ĐƯỢC

CHÁNH TRÍ


Vì Đời - Đạo trái nhau cho nên có những cái Đời chuộng mà Đạo ruồng, lại có những cái Đạo quý mà Đời rẻ. Tuy ruồng bỏ, nhưng có khi Đạo cũng dùng, như cái “ta” chẳng hạn.

Phật dạy: Trong tất cả những sai lầm của chúng sanh, to lớn và nguy hại nhất là cái tin tưởng lầm về sự hiện hữu của cái “ta”. Kinh điển chữ Hán gọi đó là ngã chấp.

To lớn vì ngã chấp gồm tất cả những sai lầm khác. Thật vậy, con người nhìn xem,
giải thích, đánh giá sự vật, mỗi mỗi đều tùy theo quan niệm, thành kiến của mình, tức là tùy theo sự sai sử của ngã chấp. Mỗi chúng ta nhìn đời, hiểu đạo, nói tóm là “kiến giải” theo đường lối riêng biệt của mình. “Bá nhơn bá bụng”, hóa ra tranh luận, cố chấp, bất dung, rồi đi đến nổi nóng, mắng chửi, ẩu đả, đâm chém. Vì hậu quả dài dòng và làm nhân cho nhiều nghiệp bất thiện như thế, lầm tưởng có ta quả là một tai hại nguy hiểm vô cùng.

Đến đây, câu kết luận của Phật pháp không nói ai cũng thấy: Phải diệt ngã, phải phá chấp. Nôm na: Phải giết chết cái ta hay ít ra phải quên mất cái ta, tức là quên mình vậy.

Mấy ai làm được điều này?

Dầu có hiểu có nhận lý “vô ngã”, cái cố tật ngã chấp, chất chứa lâu đời lâu kiếp ở mỗi người, đã quá kiên cố sâu dày như tường đồng vách sắt, không phải sức phàm phu đã phá được đâu. Nhưng Phật pháp đa phương, trong trận chiến trường kỳ với cái ta, đánh cửa này không thủng thì Phật pháp tấn công mặt khác.

Mặt khác ở đây là mặt ích kỷ vụ lợi của con người và cuộc tấn công đề cập thật ra không phải một cuộc giáp chiến thiệt mặt mà là một sự dẫn dụ, như dùng mồi ngon dụ cá cho mắc câu...

Kinh Pháp cú dạy:

“Ai ai cũng sợ dao, ai ai cũng sợ chết: Vậy nên lấy lòng mình suy lòng người: Chớ giết, chớ bảo giết. Ai ai cũng sợ dao, ai ai cũng thích sống: Vậy nên lấy lòng mình suy lòng người: Chớ giết, chớ bảo giết”.

Lấy lòng mình suy lòng người là đặt cái ta của mình vào địa vị cái ta của người khác. Mình không muốn ai hại mình thì đừng làm hại kẻ khác vì kẻ ấy cũng không muốn bị hại như mình.

Thế thì cái “ta” bị lên án kia có chỗ dùng và cần phải được dùng trong hoàn cảnh của tối đại đa số còn sống say chết ngủ, nghĩa là còn kẹt trong vòng vọng chấp.

Không muốn chết là thích sống. Đã thích sống thì ta người đều sung sướng thấy đời sống được bảo vệ, thấy có sự yểm trợ sự sống của mình. Vậy đừng chạm đến sự sống của muôn loài chưa đủ, phải giúp cho muôn loài sanh sống đầy đủ, an toàn, đúng như ý mình mong muốn cho mình.

Tuy còn nghĩ đến ta, nhưng cái tự tư này chấp nhận được, dùng được, vì sau nó có cái nghĩ đến người khác, loài khác đi theo cái ta ở đây có thể ví như cây thước để dò lòng đo lường những ý nghĩ, lời nói, việc làm của mình, mỗi khi mình có một thái độ với người khác, loài khác.

Câu “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhơn”, nếu thêm câu “Kỷ sở hiếu dục, cầu thi ư nhơn”, thì chúng ta sẽ có toàn bộ đạo lý của Phật giáo. Phần trước là tiêu cực, phần thêm vào là tích cực.

Để kết luận: Cái ta là cái không nên mê chấp, nhưng tạm thời, biết dùng như Phật dạy thì không hại mà còn có ích.

Trích tạp chí Từ Quang số 203-204
tháng7-8 năm 1969

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 70
    • Số lượt truy cập : 6346014