TQ14 - CẦU PHẬT Ở ĐÂU?
CẦU PHẬT Ở ĐÂU?
VĂN QUANG THÙY(*)
Mơ màng ở trong giấc mộng, đời người chỉ là một khối chịu quen những sự khổ: Ốm khổ, chết khổ, ly biệt mà thương nhớ nhau khổ, thù oán mà chạm trán nhau khổ, cầu không được như nguyện khổ, ngũ ấm nồng nàn khổ (kinh Niết Bàn). Buông rộng tầm con mắt ta thử ra tận biển mà trông, sóng vỗ bao la, triều đưa lai láng, không đáy không bờ, nghìn trùng muôn trùng xa xa mù mịt, toàn thị là một màu nước cả Phật bảo những nước ở biển đó là bởi những nước mắt của người đời bị khổ về mọi sự bất như ý chứa chất lại mà thành ra. Ôi! Gọi là bể khổ cũng phải, đáng kính sợ thay!
Chúng ta nếu ai cũng nhận thấy thế cả, vậy có cần nên phấn đấu với thời gian mà cầu cái đạo giải thoát cho mình rồi giải thoát lẫn cho người không? Âm dương không thể trắc lượng được, thần đạo quá ư u u minh minh, phân tâm tục cốt không thể tu luyện được, tiên đạo quá ư huyền diệu bí ẩn. Muốn cầu được đạo chân chính, đạo độc tôn, độ cả cho thế gian và xuất thế gian, trên từ thiên tử dưới đến thứ dân, ai cũng cầu được, vẫn có cái tính cách bác ái bình đẳng, tôi thiết tưởng không chi bằng đạo Phật! “Có lên gò lên đống, mới biết núi Thái Sơn là cao, có vượt qua sông Hoài sông Hán mới biết biển Đông là rộng”. Tôi xin nói tiếp: “Có hiểu qua đạo Thần đạo tiên thì cũng mới biết đạo Phật là cao là sâu hơn, rõ rệt như mặt trời vậy, nhất thiết chúng sinh gì cũng có thể cầu mà thành được”.
Thế thì Cầu Phật ở đâu? Trả lời câu hỏi này, thưa có 3 phương diện vẫn phải liên lạc trực tiếp mà đi tay ba với nhau:
Một là cầu Phật ở chùa; hai là cầu Phật ở kinh điển; ba là cầu Phật ở Tâm
1. Vì sao cầu Phật ở chùa?
Hẳn giáo hữu ta ai cũng biết Phật tổ Thích Ca Mâu Ni ngài giáng sinh ở Ấn Độ, nhưng sau khi ngài tịch, đạo đã truyền khắp nơi. Từ thời Lý - Trần, hầu như các làng ở Việt Nam đều có xây chùa đắp tượng thờ Phật. Phật đã không tại thế nữa, lẽ tất nhiên là ta phải cầu Phật bằng di tượng Phật, mà thờ di tượng phải ở chùa là nơi tịch mịch thanh tịnh, xa cách trần ô tục uế, không phải nhà riêng thiện tiện thờ được. Bởi thế, ta phải cầu Phật ở chùa, cũng như ta sùng bái tổ tiên, phải lễ vào thần chủ hay bài vị ở nơi từ đường chỉnh đốn. Và đã là tôn giáo phải có tu viện, nếu không tới tu viện thì sao gọi là tín đồ được.
Lối cầu ở chùa, bên xuất gia là các vị tăng ni, sớm hôm phải sạch cỏ đỏ đèn, tu trì tụng niệm, chúng tôi không dám nói, còn bên tại gia là thiện nam, tín nữ như chúng ta đây thì còn bận rộn về công việc gia đình, công việc xã hội, có đi chùa thì vào những ngày tuần, ngày Đản và các ngày Trai. Các ngày Tuần: Sóc là ngày mồng một, Vọng là 14, 15. Hối là ngày 30, tháng thiếu thì ngày 29. Các ngày này đều tính theo âm lịch.
Các ngày Đản: Tháng 2 ngày 19 đản ngài Quán Thế Âm Bồ tát, tháng 4 ngày mồng 8 (nay thống nhất là ngày 15) đản đức Phật tổ Thích Ca. Tháng 11 ngày 17 đản đức Phật A Di Đà. Các ngày Trai: Lục trai là 6 ngày 8, 14, 15, 23, 29, 30. Thập trai là 10 ngày: 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 39, 30.
Trước chiếc hương án là nơi thập phương vào làm lễ Phật, ta lễ 5 lễ, hay 9 lễ, chứ không 4 lễ, 10 lễ như các thần khác, 5 lễ là ta tưởng niệm tới ngũ phương chư Phật, 9 lễ là ta tưởng niệm tới cửu thiên chư Phật. Theo sách Thi hỗ chép: 5 lễ gọi là Ngũ cát bái là lúc lễ phải ung dung mà hạ hai tay xuống, 9 lễ gọi là Cửu túc bái là lúc lễ phải thẳng mình kính sắc mặt, hai tay hơi hạ thôi. Cầu thế là thuộc về hình thức, thiên hình thức quá mà thành ra mê tín, dẫu trán mỏi da rạn cũng chưa kết quả. Song đó là bước đầu, ta phải cần qua bước đó là lễ chùa rồi, bấy giờ ta mới xem đến kinh điển.
2. Vì sao cầu Phật ở kinh điển?
Kinh điển là lời vàng tiếng ngọc của Phật tổ bình sinh nói ra, hoặc là dạy các đệ tử, hoặc là thuyết pháp cho chín bộ Thiên, Long v.v... nghe. Phật đã về Niết bàn, ông Ca Diếp (Mahukasyapa) sai ông Ưu Ba Ly (Upali) ông Ai Nan đà (Ananda), đọc lại mà chép thành kinh điển Tam tạng, ở Ấn Độ viết bằng chữ Phạn, đạo đã vào Trung Quốc mới dịch ra chữ Nho.
Về Bắc tông hay Bắc truyền là phái theo Đại thừa có hai vị sư triều Đông Tấn là sư Đạo An và sư Huệ Viễn xướng xuất về sự phiên dịch, kinh Đại thừa đại khái có những bộ: Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Bát Nhã, Tịnh Độ, Mật giáo, Kim Cương, Chúng dịch, Đại Niết bàn, Nhập Phật cảnh giới, Kim Quang minh, Anh vũ chứng giải, Bảo Tráng, Nguyệt tạng phận, Nhật tạng phận và Hiền hộ phận v.v..
Về Nam tông là phái theo Tiểu thừa sau một hồi bị trở lực, vẫn học bằng truyền khẩu, tới đời vua Vô Úy ở Srilanca (Tích lan) mới chép vào lá bối; nước Tàu đời Đông Tấn sư cụ Pháp Hiển mới dịch ra chữ Bat y và chữ Nho. Kinh Tiểu thừa đại khái có những bộ: Ba la đề mộc xoa, Kiển đà ha lị ba la, Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng Nhất A Hàm và tiểu tụng v.v. Các cụ Nho gia Tàu cho đạo Phật là tịch diệt không có thiết thực với đời, nay tra cứu trong các kinh điển thì thấy rất thiết thực với nhân gian, chính là nhân gian Phật giáo, có gì là chán đời là tiêu cực. Nói cho đúng, ngoài Tâm lý học, Phật học lại đủ các khoa học, ngay như khoa Hình luật, khoa Luân lý, khoa Cách trí, khoa Thiên văn địa lý, đều gồm đủ mà tinh tường cả.
Học về khoa Hình luật thì có thuyết thiên đường địa ngục và các bộ luật: Bồ tát luật, Tỷ
khiêu luật, Tỷ khiêu ni luật, Thức soa luật, Sa di luật, Sa di ni luật, Ưu bà tắc luật và Ưu bà di luật. Như thế, Phật học chẳng phải hộ vệ việc trị an cho chính phủ là gì! Học về khoa Luân lý, kinh Địa Tạng, kinh Vu lan bồn nói về sự báo hiếu cha mẹ, bài phát nguyện nói về đền ơn trời đất, quốc vương, sư hữu, tín thí, và báo đức Nhật nguyệt, thủy thổ, phụ mẫu tứ sự (ẩm thực, y phục, ngọa cụ, y dược). Lại kinh Thiện Sinh, kinh Thi ca la việt nói về cha con, thầy trò, vợ chồng, họ hàng, chủ tớ, và thiện tín với nhà tu, đối đãi với nhau. Như thế, Phật học chẳng phải âm hợp với lối học xử thế của Khổng học là gì.
Học về Cách trí, khoa Ngũ minh là năm điều phải biết cho rõ. 1 – Thanh minh, học cho tinh về văn tự từ - ngữ để phô diễn đạo lý. 2 – Y phương minh học cho tinh nghề làm thuốc và khám chữa bệnh. 3 – Nhân minh học cho tính nguyên nhân sự tà sự chính. 4 – Công xảo minh, học cho tinh công nghệ kỹ xảo. 5 – Nội minh phải học tinh nghĩa lý trong 5 thừa. Như thế, Phật học chẳng phải tiếp cận với lối học thực tế là gì?
Học về thiên văn, địa lý, nào thuyết Tam thiên thế giới, nào thuyết Ngũ đại bộ châu, nào thuyết Địa thủy, Phong hỏa, Thiên tượng, Địa tượng, khám phá hết sự bí ẩn của tạo hóa. Không những một người Á châu ta phải kính phục, mà cả người Âu, người Mỹ họ đã dịch nhiều kinh điển của Phật, họ vẫn phải chịu, mà tôn đức Phật tổ là một bậc cao quý về triết học.
Cầu ở kinh điển phải có hai điều cốt yếu: Điều thứ nhất là tin ở kinh điển (kinh chính của Phật), trông thấy kinh điển cũng như đối diện với Phật. Điều thứ hai là phải hiểu nghĩa kinh, nếu không hiểu thì chỉ là giấy trắng mực đen còn có ích gì. Như trên, tôi lược cử mấy bộ, chứ còn thiên kinh vạn quyển chúng ta chưa được bậc sinh nhi tri, học sao khắp được, dù có khắp cũng không nhớ xiết được. Đức Phật chính đã thấu chốn thức lượng, chật hẹp của chúng sinh, đã biết rõ cái học mơ màng vào đằng miệng ra đằng tai của chúng sinh, nên ngài BảnTĩnh thiền sư có dẫn lại lời Phật nói: “Nhược dục cầu Phật tức tâm thị Phật” nếu muốn cầu Phật, thì tâm chính là Phật đó.
Hữu trúc phi can tiết
Tam tinh yểm nguyệt cung
Nhất nhân tại nhật hạ
Phất dữ chúng nhân đồng
Đó tán tự ra thì là 4 chữ “tức tâm thị Phật” người Trung Hoa tán dương thành bốn câu thơ, họ thường đề ở các chùa, có ý nhắc luôn cho người đi chùa cần phải cầu Phật ở Tâm.
3 – Vì sao cầu Phật ở tâm?
Học phải có hành, kinh ta đã học, ta phải đem tâm ta thực hành, là ta chính tín đó. Tâm là một vị chúa tể của ngũ quan, “tâm chủ tư” chỉ có việc nghĩ sự hay sự phải để sai khiến. Nếu phản đi, nghĩa là lại bị ngữ quan là tai, mắt miệng, mũi và chân tay nó tự mê mết mọi sự trái đạo như tai nghe, thấy tiếng dâm, mắt trông sắc tà, miệng nói điều càn, mũi ngửi mùi bậy, chân tay cử chỉ bằng cách quái gở bất tịnh, thế là nghịch cảnh, cái tâm lại bị soi khiến, bị làm nô lệ cho cái hình, rõ người mà khác chi loài cầm loài thú. Vậy mới biết hay đi chùa, hay tụng kinh, mà không tiềm tĩnh thu lại phóng tâm thì cũng là lầm.
Xem như những câu tục ngữ:
1. Câu “Khẩu Phật tâm xà”, ý bảo miệng thì niệm Phật tâm thì nghĩ làm những sự độc ác như nọc rắn nọc rết.
2. Câu “Miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”, ý bảo miệng thì Nam mô, tâm thì nghĩ mọi mưu thần chước quỷ để hãm hại người, khác chi là chứa đầy những dao găm trong bụng.
3. Câu “Nam mô một bồ lấy bốn, người ta đã khốn lại còn Nam mô”, ý bảo ngoài miệng thì Nam mô thơ thớ đãi người, mà bề trong dụng tâm đã khoét sâu đến cốt tủy người ta, thế mà miệng vẫn còn Nam mô mãi.
Ba câu tục ngữ này không phải là ác cảm với Phật giáo mà công kích cả toàn thể tín đồ đâu, chính là công kích về cá nhân, công kích người đã đi chùa đã đọc kinh mà miệng khác tâm khác. Sách Mạnh Tử nói rằng: “Đạo vấn không ở đâu khác, cốt phải thu lại phóng tâm mà thôi”. Sách Đại học nói muốn được tu, tề, trị, bình, trước hết tâm phải chính đã. Sách Trang Tử nói tâm có định, thì thiên quang mới phát hiện ra. Cái học hi thánh hi hiền cũng thế, phương chi chúng ta hi Phật mà cầu ở tâm sao được!
Tâm có hai thứ, một là vọng tâm sinh ra phiền não tâm, tức là chúng sinh tâm; hai là chân tâm phát ra Bồ đề tâm, tức là Phật tâm. Lấy chúng sinh tâm mà cầu Phật tâm phải phát 3 thứ tâm của ta, kinh gọi là “Phát tam chúng tâm”.
1 – Phát chi thành tâm, tâm phải trai thành kính cẩn, không được giả dối, ngạo mạn.
2 – Phát thâm tâm, tâm phải nghĩ sâu sắc, kín đáo, tới nơi tới chốn, không có nông nổi lờ vờ.
3 – Phát hồi hướng phát nguyện tâm, tâm phải hồi hướng lại, nguyện bỏ bốn ác nghiệp sát, đạo, dâm, vọng, trừ ác tính, dục, khuể, si bố, nguyện làm mọi việc thiện quả, theo đúng như trong kinh đã dạy.
Chùa ta đã hay đi lại lễ bái, kinh ta đã được nghe các cụ cao tăng diễn giảng và ta cũng đôi khi tụng đọc, tâm ta cũng đã chính định. Cứ thế mà tiến lên mãi nhờ Phật tiếp phúc tiếp duyên, con đường cầu Phật sẽ khang trang bằng phẳng mà đưa chúng ta tới chốn tới nơi vậy. Ta muốn hơn lên, nghĩa là còn thì giờ nhàn rỗi, cũng nên biết thêm về các tông các phái. Đã là một tín đồ nhà Phật, đã đi cầu Phật mà không đi qua mấy con đường lớn ở Trung Quốc là 5 phái, 13 tông để thưởng thức phong cảnh, tưởng cũng chưa được là một Phật tử du lãm hoàn toàn. 5 phái là Vân Môn, Pháp Nhãn, Tào Động, Lâm Tế và Quy Ngưỡng. Do ở phái Đại thừa phân ra, trong 5 phái này lưu truyền sang ta chỉ có hai phái Tào Động và Lâm Tế.
13 tông là Tam Luận tông, Thành Thực tông, có từ đời Diêu Tần, Phật Tâm tông, Nhiếp Luận tông, Thiên Thai tông, có từ đời Trần, Niết Bàn tông, Địa Luận tông có từ đời Đường, Tịnh Độ tông, Pháp Hoa tông, Câu Xá tông, Luật tông, Hoa Nghiêm tông và Chân Ngôn tông, có từ đời Lương.
... 13 tông là lược theo ở trong bộ Trung Quốc Phật học tiểu sử của ông Trần Bân Hòa chép, ông có nói rõ hai tông Thành Thực và Câu Xá là cốt để khảo cứu, chứ thực ra bây giờ không ai tu về môn đó, nên có thể gọi tóm là Y học tông.
Phàm làm việc đời muốn dễ ta phải đủ nghị lực mà kiên nhẫn chịu khó, phải có thứ tự, có thủy có chung, bằng bạo động mà liệp đẳng ngay, không những trở ngại cho sự tiến đạt, mà đôi khi lại gặp phải sự không hay nữa. “Dục tốc bất đạt” muốn chóng thì không làm xong, thánh nhân đã kinh nghiệm mà dạy ta, không phải các ngài lừa dối gì ta. Kìa thử ngẫm xem, đắp quả núi cao chin tầng, trước hết phải góp từ một sọt đất; đi con đường xa nghìn dặm trước hết phải bàn từ một bước chân. Sách Lão Tử đã nói: Việc làm khó khăn chăng? Ừ ta làm dần từ việc dễ trước; việc làm to lớn chăng? ừ ta làm dần từ việc nhỏ trước”. Người đi học phải qua từ trường sơ đẳng, trường trung đẳng, rồi mới vào trường cao đẳng. Ấy, ta cầu Phật cũng thế.
Đã gọi là cầu Phật, chúng ta nếu cứ bảo Phật ở tâm, ta cầu ở tâm thôi. Thưa không được. Bảo cầu Phật ở kinh điển, ta cầu ở kinh điển thôi! Thưa cũng không được. Bảo Phật ở chùa ta cầu ở chùa thôi! Thưa lại cũng không được. Quả quyết tôi dám bảo không được, là suy như người xưa thì biết; ông Trịnh Sùng đời Hán, tu tâm cực kỳ trong sạch, không chút vật lụy chướng ngại, ông thường tự khoe rằng: “Tâm ta như nước vậy” thế mà có thành Phật đâu, chung quy chỉ là một ông Trịnh Sùng; Tiến sĩ Tô Đông Pha đời Tống, nghiền xem kinh điển không đâu là chẳng quán triệt, những chân ngôn diệu nghĩa tinh hiểu hơn các sư đương thời nhiều, thế mà không ngộ được Phật tính, chung quy chỉ là một thầy Tô Đông Pha; bỏ ngôi triều Lý đi tu, vua Huệ Tông cầu Phật ở chùa Chân Giáo, thế mà căn trần vẫn bị vướng víu, chung quy cũng chỉ là một vua Huệ Tông hay một vị sư già. Cho nên Phật mà ta muốn cầu bằng được, trước hết ta đi chùa chiêm ngưỡng di tượng chư Phật, ta xem đến kinh điển, nhận những chốn thuần túy để giữ gìn tu dưỡng cho sáng cái tâm của ta. Tâm đã sáng thì thấy được tính, tính đã thấy thì Phật quả sẽ thành.
Chúng ta cần biết, được làm kiếp người là khó, gặp được cơ hội cũng khó, nhiệt tâm về đạo lại càng khó. Nay bà con ta sẵn có đạo tâm, gặp được phong trào Phật giáo chấn hưng, ta cũng nên chân thành cầu Phật. Xưa, ngài Vô Tận Ý Bồ tát có hỏi Phật Quan Thế Âm rằng: “Sao Phật lại chơi khắp cõi Sa bà? Sao Phật lại vì chúng sinh mà thuyết pháp đủ mọi phương tiện?”.
Phật ngài đáp: “Xuống cõi Sa bà ta vì thương chúng sinh, ta hiện đủ mọi hình tướng để hóa độ cho chúng sinh. Nếu chúng sinh nào khẩn khoản cầu đến ta, cần phải bằng tướng quân thân, hay Sa môn thân, hay đồng nam đồng nữ thân, tức ngay lúc đó ta sẽ hiện ngay làm những thân đó mà ta thuyết pháp cứu độ cho”. Và Phật lại thường nói: “Ta là người đã thành Phật, chúng sinh là người sẽ thành Phật mà chưa thành” đó thôi.
Thế là đạo Phật có cầu là có được!
Ta nên biết cách ta cầu!
Nam mô A Di Đà Phật
* Nguyễn Đại Đồng sưu tầm
Tin tức khác
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
- TỪ QUANG Tập 12 - Tháng 04 năm 2015 (P.L.2559)
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập II
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập I
- Trình tự của cư sĩ học Phật - Chánh Trí Mai Thọ Truyền
Bình luận bài viết