Thông tin

TQ14 - ĐẠO ĐỨC CỦA PHẬT GIÁO VỚI ĐẠO LÀM NGƯỜI

ĐẠO ĐỨC CỦA PHẬT GIÁO

VỚI ĐẠO LÀM NGƯỜI

PGS.TS HOÀNG THỊ THƠ

Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

 

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ. Đạo đức của tôn giáo, xét từ ý nghĩa của hình thái ý thức xã hội, cũng chính là sự tích lũy của nhân loại, mà các tôn giáo với lập trường khác nhau đều phản ánh lại một cách tương đối hệ thống qua các phạm trù của riêng của mỗi tôn giáo nhất định. Từ mối quan hệ như vậy, giữa đạo đức tôn giáo và đạo đức xã hội luôn vừa có điểm chung vừa có khác biệt, và ở mỗi con người đều có hai tư cách (kép) vừa là công dân xã hội vừa là tín đồ tôn giáo. Không có đạo đức ngoài con người, ngoài xã hội, cho nên sự bóc tách hay phân định giữa đạo đức tôn giáo với đạo đức xã hội chỉ mang tính tương đối. “Giá trị lớn nhất của tôn giáo là những giá trị thuộc về đạo đức và văn hóa”(1).

Đạo đức luôn mang tính lịch sử cụ thể, nó ra đời, tồn tại và phát triển do nhu cầu nhất định của con người trong các quan hệ với xã hội và với thế giới tự nhiên của họ. Khi tồn tại xã hội thay đổi, các quan hệ xã hội thay đổi thì đạo đức cũng thay đổi theo với những quy tắc đạo đức, chuẩn mực hành vi có khi được đánh giá lại, xác định lại. Song mục tiêu chung của mọi hệ thống đạo đức là đều nhằm hoàn thiện nhân phẩm của con người và vươn tới xây dựng điển hình chân - thiện - mỹ lý tưởng, đạo đức Phật giáo cũng không ngoài quy luật chung đó.

Đạo đức Phật giáo là sự kết tinh đặc sắc tư tưởng, văn hóa Ấn Độ cổ song đến nay đã trở thành một điển hình đạo đức phương Đông trong toàn giá trị đạo đức của nhân loại. Trong đó có nhiều nội dung giáo dục đạo làm người tích cực đối với xã hội hiện đại hôm nay.


Khi lập thuyết, khoảng thế kỷ thứ VI-V TCN, đức Thích Ca Mâu Ni (Sakhyamuni) đã đề xướng một cuộc cách mạng về tín ngưỡng, tôn giáo, phản kháng lại uy quyền thần thánh của Bà la môn giáo và khẳng định tất cả mọi người đều bình đẳng với nhau về nỗi khổ nên đều bình đẳng về khả năng giải thoát. Thích Ca Mâu Ni nhận ra rằng cánh cửa giải thoát của Bà la môn giáo không phải mở cho tất cả mọi người, mà chỉ dành riêng cho đẳng cấp Bà la môn, tự nhận là thần thánh và có quyền thực hiện các lễ nghi tôn giáo và tín ngưỡng trong xã hội. Các đẳng cấp thấp kém trong xã hội không thể có cơ hội lựa chọn tôn giáo cho mình, nhất là phụ nữ và các đẳng cấp nô lệ (thủ đà la: Sudra; chiên đà la: Canđàla) không được phép tự do hưởng bất kỳ dịch vụ tôn giáo nào. Thích Ca Mâu Ni đã khởi xướng một con đường tôn giáo bình đẳng mới, gọi là Phật giáo và được gọi là Phật. Theo đó, tất cả mọi người, mọi chúng sinh đều bình đẳng như nhau về khổ và do vậy cũng hoàn toàn bình đẳng trên con đường tới giải thoát.

Song về mặt đạo đức, đức Phật đã tiếp thu một cách có lựa chọn những giá trị đạo đức truyền thống. Đặc biệt, tuy chống lại tư tưởng bất bình đẳng tín ngưỡng và tôn giáo của Bà la môn giáo, nhưng đức Phật đã không phủ nhận sạch trơn những chuẩn mực đạo đức truyền thống mà Bà la môn
giáo đã tích hợp được. Ngược lại, Người luôn khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của một vị Bà la môn (Brahama-bhuta) và chỉ gạt bỏ đi lớp vỏ thần thánh của nó. Người từng nói: “Ai chiến thắng được sự ràng buộc, sự quy định của thế giới trần tục đều được gọi là Bà la môn, tên gọi đó không phải do xuất thân hay dòng dõi quy định...”(2). Đức Phật khẳng định địa vị cao quý đó hoàn toàn không phải do xuất thân, giòng tộc quy định, mà là do những phẩm hạnh cao quý đạt được nhờ tu dưỡng đạo đức và trí tuệ. Đức Phật phản đối sự độc quyền tôn giáo của đẳng cấp Bà la môn, nhất là sự truyền thừa đẳng cấp theo giòng tộc với ý nghĩa thần thánh hóa. Nhưng đức Phật không những không phủ định, mà còn đề cao con đường và cách thức tu dưỡng đạo đức của Bà la môn giáo cũng như nhiều phẩm hạnh cơ bản của một người Bà la môn. Như vậy, khái niệm cũ đã mang nội hàm mới và đã đáp ứng kịp thời nhu cầu bình đẳng, tự do về tâm linh, văn hóa của xã hội Ấn Độ lúc đó.

Đạo đức Phật giáo là kết quả kế thừa và phát triển có chọn lọc các khái niệm, phạm trù đạo đức cũng như các phương pháp tu tập của Ấn Độ cổ. Và đạo làm người của Phật giáo là con người nội tâm có tính tự giác cao độ. Đặc biệt nữa là, với tư cách một tôn giáo xây dựng trên niềm tin "giải thoát con người khỏi nỗi khổ trầm luân", nhưng Phật giáo lại là một tôn giáo có khuynh hướng vô thần. Phật giáo chủ trương khổ là do chính con người tạo ra nghiệp (karma) và bị quy định vào đó. Do vậy, giải thoát là sự nghiệp của chính mỗi người bằng việc tích lũy các nghiệp thiện và dứt bỏ hết các nghiệp ác[1] chứ không nhờ vào sự ban cho của bất kỳ đấng thần linh nào. Như vậy ở Phật giáo, mục tiêu thực hiện giải thoát cũng chính là thực hiện tu dưỡng đạo làm người.

Ngoài những phạm trù đạo đức trong Bát Chánh Đạo, như một hệ thống lý luận về đạo đức (đạo đức học), Phật giáo còn có nhiều phạm trù và thuật ngữ về đạo đức rất độc đáo:

“Thiện” (akusa) là một phạm trù trung tâm của đạo đức nói chung - đối cặp của nó là bất thiện (akusala). Đây là phạm trù cơ bản nhất của đạo đức học mà bất cứ hệ thống đạo đức nào cũng coi trọng như là đích chuẩn. Tuy nhiên nội hàm của phạm trù này ở đạo đức Phật giáo không hoàn toàn giống các hệ thống đạo đức khác. Phật giáo quan niệm rằng thiện, ác, chính, tà không phải là vốn có, cũng không phải do thần thánh hay siêu nhân nào tạo ra hay quy định, mà nguồn gốc sâu xa là ở chính mỗi người. Phật giáo cho rằng do không hiểu biết, tức vô minh (avidya), mà nhầm tưởng có một cái Tôi (Ngã) đích thực, từ đó mà có chấp hữu ngã (atman), rồi nảy sinh dục vọng (kama) tham, sân, si và tạo ra hành vi (thân, khẩu, ý) dần tích thành nghiệp (karma) thiện hoặc ác, chính hoặc tà v,v... Giải thoát có nghĩa là vượt bỏ được vô minh về hữu ngã, tại đó sẽ tìm được Phật tính (tức tính người) vốn có. Khi đã giải thoát thì đồng thời không còn chấp thiện hay ác, chính hay tà và đạo đức trở thành tự tại tính, tự nhiên tính của con người.

“Nghiệp báo – nhân quả” là phạm trù trình bày quan niệm của Phật giáo về nguồn gốc tự thân của Khổ và nguyên tắc tự phán xét độc đáo của Phật giáo. Phật giáo kế thừa có chọn lọc thuyết Nghiệp báo luân hồi từ truyền thống đạo lý của Ấn Độ cổ, song phát huy theo hướng vô thần là “tự làm tự chịu”, hạnh phúc hay khổ đau cũng do duyên sinh, làm thiện hưởng quả thiện, làm ác lãnh quả ác báo. Sự phán xét đạo đức của luật Nghiệp báo - nhân quả không phải của đấng thiêng liêng nào, mà tự tại; đau khổ hay hạnh phúc là hậu quả do chính nghiệp thiện hay ác mình đã làm. Đây là điểm làm cho đạo đức của Phật giáo độc đáo hơn so với các tôn giáo hữu thần, vì nó phát huy tối đa tính tự giác, tự tại của cá nhân, tuy rằng bí ẩn qua các kiếp... Sự phán xét của luật nghiệp báo - nhân quả răn con người phải dè chừng với từng hành động (thân, khẩu, ý) của bản thân.

“Tâm”, “Tàm quý” là khái niệm của Phật giáo cho rằng mọi điều thiện ác, khổ đau, nghiệp chướng hay hạnh phúc đều do Tâm (Citta) tạo ra. Thân, khẩu và ý là những hành vi góp phần tạo nên nghiệp, nhưng tâm (ý) là tác nhân sâu xa nhất. Phật giáo cho rằng nếu hành bởi thân và khẩu nhưng vô ý thì vẫn không tạo nên nghiệp. Khi làm chủ được tâm thì sẽ làm chủ được hành động và lời nói và sẽ tránh không tạo nghiệp. Tàm quý là quan niệm đạo đức đặc biệt của Phật giáo còn được ghi lại trong kinh Angulimala thuộc Trung Bộ kinh II. Tàm quý là đức tính biết hổ thẹn, biết phục thiện với những sai lầm của bản thân. Đây là một phạm trù độc đáo góp phần làm rõ hơn tiêu chuẩn phân biệt thiện – ác, đúng – sai bởi vai trò của Tâm (ý), vì nó đòi hỏi tính tự phê phán, tự phản tỉnh ở trình độ rất cao của đạo đức. Trong cuộc sống cũng như trong quá trình tu dưỡng để trở nên hoàn thiện, không ai tránh được hết sai lầm; ngược lại, hầu hết mọi người đều chỉ có thể trưởng thành và thực sự trưởng thành khi vượt qua được sai lầm, biết sám hối, biết phục thiện. “Có hổ thẹn (tàm quý) là có thiện pháp, không hổ thẹn thì không khác chi cầm thú” (Kinh Di Giáo). 

“Giới” còn gọi là Giới luật, thực chất là sự cụ thể hóa quan niệm “thiện” của Phật giáo thành các chuẩn mực đạo đức. Giới được hiểu chung là các quy phạm đạo đức, điều cấm, điều răn được tiêu chuẩn hóa khá tỉ mỉ, quy định rõ cho nhiều loại, nhiều đẳng cấp tín đồ. Phật giáo Ấn Độ có hai từ để chỉ Giới: Pratimoksa và Silà, có hàm nghĩa là giữ giới nhiều thì giải thoát nhiều, giữ giới ít thì giải thoát ít; và nghĩa là luân lý, đạo đức, cách cư xử, tư cách đạo đức theo tinh thần làm lành, lánh ác, từ bi, hỷ xả... Qua lịch sử phát triển Phật giáo, Giới được chia thành nhiều mức lớp cho nhiều đối tượng nhiều trình độ khác nhau trong quá trình tu dưỡng và mỗi địa phương, mỗi môn phái Phật giáo cũng có thể tùy hoàn cảnh cụ thể để tăng giảm số lượng hay các chi tiết của giới.

Phổ biến nhất, gần gũi nhất với đạo làm người trong cuộc sống xã hội và cũng căn bản nhất của tu sĩ Phật giáo là Ngũ giới (năm giới luật cơ bản): Không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Ngày nay giới “không uống rượu” được phát triển rộng thành “không dùng chất kích thích” để phù hợp hơn với biến tướng của các chất gây ảo giác mới, nguy hiểm hơn rượu.

Chi tiết hơn của Ngũ giới là Thập thiện giới còn gọi là Thập thiện nghiệp. Thập thiện pháp hay gọi tắt là Thập thiện, gồm:  Tránh ba nghiệp bất thiện của thân như không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm; tránh bốn nghiệp ác của khẩu như không nói dối, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời độc ác, không nói thêu dệt; và tránh ba nghiệp ác của ý như không tham dục, không sân, không si. Thập thiện giúp cho mỗi người có thể tự giác kiểm soát hành vi (thân, khẩu, ý) để không tạo nghiệp ác, bất thiện, không đúng đắn...

Dành cho cuộc sống tập thể hay cộng đồng của giới xuất gia và có thể mở rộng cho cả giới tại gia thì có Giới Lục hòa, còn gọi là Lục hòa kính pháp gồm sáu pháp hòa hợp và kính trọng lẫn nhau trong một cộng đồng: Thân hòa đồng trụ (chung sống), khẩu hòa vô tránh (lời nói ôn hoà), ý hòa đồng duyệt (thông cảm, chia sẻ với mọi cảnh ngộ), giới hòa đồng tu (cùng nhau giữ giới luật trong tu dưỡng), kiến hòa đồng giải (cùng nhau học hỏi tiến bộ), lợi hòa đồng quân (quyền lợi chia đều cùng hưởng).

Tinh thần đạo đức của Phật giáo còn được thể hiện thành nhiều khung mẫu đạo đức cụ thể hơn cho những đối tượng tu hành với mục đích nhất định. Chẳng hạn, để hỗ trợ cho quá trình tu dưỡng đạo đức tự giác cho Phật tử là nguyên tắc Tứ Chính cần trong tự giác tu dưỡng, gồm: Tự mình cần phải đoạn trừ những điều ác (bất thiện) đã sinh; tự mình không cho sinh khởi những điều ác (bất thiện) chưa sinh; những điều thiện đã sinh tự mình cần phải tiếp tục duy trì và phát triển; những điều thiện chưa sinh tự mình cần phải làm cho sinh khởi.

Tứ Vô lượng tâm, còn gọi là Tứ Phạm trú, gồm bốn tâm thiện (đạo làm người) có sức cảm hóa và lan tỏa rất lớn: Tâm Từ (Metta), tâm Bi (Karuna), tâm Hỉ (Mudita), tâm Xả (Upeksa) Các thuật ngữ Từ (Metta), tâm Bi (Karuna), tâm Hỉ (Mudita), tâm Xả (Upeksa)(3). Tứ vô lượng tâm có quyền năng không giới hạn vừa cho mình (tự tha) vừa cho người (giác tha) để đối trị với ba cố tật (Tham, Sân, Si) khi còn chấp hữu ngã; và đối trị với 7 cố tật khó sửa và dễ nảy sinh trong tâm mỗi người là: Tham dục, Sân hận, Mê muội, Tà kiến, Nghi ngờ, Kiêu mạn, Keo kiệt.

Lục độ, còn gọi là Lục ba la mật  hay Pháp môn tu Bồ tát thừa, gồm: - Bố thí (dana) tức là đem phúc lợi, tình thương ban phát cho người thiếu thốn thua thiệt. Bố thí được chia làm nhiều loại: tài thí, pháp thí, vô uý (không sợ hãi) thí, tịnh thí, bất tịnh thí... trong đó pháp thí có giá trị đạo đức cao nhất, lâu bền nhất. Bố thí là hành động thiện dễ dàng thực hiện nhất; Trì giới (silà) là thực hiện đúng đắn giới luật, làm chủ hành vi tâm, thân, ngữ; Nhẫn nhục (ksanti) là đức kiên nhẫn, nhẫn nại, không nổi giận, chịu đựng mọi hoàn cảnh khó khăn; Tinh tấn là chuyên cần, không ngừng nghỉ tu tập thiện pháp; Thiền định (dhyana) là tu luyện về nội tâm, như kiềm chế tâm, làm chủ phiền não, li xả dục vọng v,v...

Các chuẩn mực đạo đức làm người của tín đồ Phật giáo tại gia nói chung thì có Tứ pháp, Lục phương lễ, Tứ ân, Thập đức (dành cho nhà vua):

Tứ pháp là lời khuyên dành cho người thế tục trong việc mưu sinh làm sao có được nghề nghiệp trong sạch, bền vững, mà nay ta thường nói là đạo đức nghề nghiệp. Tứ pháp đó gồm: Một là phương tiện đầy đủ, tức là có nghề nghiệp chính đáng; Hai là bảo vệ giữ gìn đầy đủ, tức là không để mất mát, thất thoát thành quả và sức lao động; Ba là thiện tri thức, tức là có hiểu biết đúng đắn về các việc thiện và tránh các việc bất thiện trong làm ăn. Chẳng hạn như kết giao làm ăn với người tốt, tránh phóng đãng, rượu chè, cờ bạc, cô đào nhà thổ; Bốn là chính mệnh đầy đủ, tức là biết làm chủ cuộc sống, làm chủ kỹ năng nghề nghiệp, không lãng phí, không bủn xỉn, biết làm phúc và cúng dường, biết chăm nom cuộc sống cho quyến thuộc, biết tích lũy cho đời nay và chuẩn bị cho đời sau...

Lục phương lễ là một bài luân lý mà đức Phật dạy cho con của Thiện Sinh về phép tắc đối xử giữa người với người: Phương Đông là cha mẹ, phương Nam là anh em, phương Tây là vợ con, phương Bắc là bạn, phía dưới là nô bộc, phía trên là vị thầy tôn giáo. Các quan hệ phải có hai chiều cân đối, cùng tôn trọng nhau, vừa có nghĩa vụ vừa có quyền lợi, không thể thiên lệch phiến diện.

Tứ ân/ơn là bốn điều nhắc nhở người Phật tử đã được hưởng ân thì phải có nghĩa vụ trả những ân lớn: Ân cha mẹ; ân  chúng sinh;  ân quốc gia; ân Tam bảo. Tứ ân là các chuẩn mực đạo đức Phật giáo được bổ sung thêm về sau của Phật giáo Đại  thừa và còn một vài thành phần trong đó chưa thống nhất, song điều đó cho thấy trong quá trình hội nhập vào các văn hóa bản địa, giảm bớt giới hạn “xuất gia” “xuất thế”, “lánh đời” của Phật giáo nguyên thủy để tiếp biến thành công ở nhiều nơi mà Phật giáo du nhập. 

Thập đức là mười đức tính mà nhà vua, nhà lãnh đạo tối cao của đất nước cần phải có:  Liêm thứ khoan dung; Tiếp thu sự can gián của quần thần; Thường ban ân huệ và chia sẻ cùng dân; Thu đúng luật lệ; Không tham vợ con người khác; Không uống rượu; Không ham thú vui ca múa; Không thiên vị, xử đúng pháp luật; Không tranh chấp với quần thần; Thân thể khỏe mạnh (Trường A-hàm, Du hành kinh). Qua đây có thể thấy tư tưởng về phẩm chất của người lãnh đạo từ thời đại của đức Phật, thế kỷ thứ VI TCN, quả là tiến bộ. Nhiều nội dung trong Thập đức này đến nay vẫn có giá trị nếu được tiếp thu và thực hành thành đạo làm người của một nhà lãnh đạo.

Đặc biệt, Phật giáo có quan điểm đạo đức đối với môi trường có tính vượt trước rất tiến bộ. Phật giáo là một tôn giáo cổ, nó có cách ứng xử đặc thù của một tôn giáo đối với môi trường, hoàn toàn ngược với thái độ của một số tôn giáo hữu thần và đối lập với tinh thần chạy theo lợi nhuận của nền kinh tế công nghiệp và kinh tế tiêu dùng đối với môi trường tự nhiên. Theo cách nhìn của Phật giáo, sự đối xử của công nghiệp và tiêu dùng hiện đại đối với môi trường là chỉ chạy theo lợi nhuận và thỏa mãn không ngừng nhu cầu hưởng thụ mà Phật giáo cho rằng đó chính là khuyến khích tham, sân, si và khi bị chi phối bởi chúng nên sẽ gây nghiệp báo nặng nề. Những khủng hoảng môi trường, kiệt quệ về môi sinh cùng những mất cân bằng sinh thái chỉ có thể điều chỉnh bằng chính sự tu tâm để chiến thắng “tam độc” đó.

Phật giáo còn là một trong những tôn giáo sớm đưa tiêu chuẩn làm người gắn liền với phẩm chất biết thân thiện với môi trường. Phật giáo đã đặt ra một số quy định về thái độ ứng xử đối với tự nhiên theo nghĩa rộng. Có thể nói, tuy thuật ngữ “môi trường” hay “đạo đức môi trường” không có trong giáo lý nhà Phật, nhưng các giải pháp ứng xử của Phật giáo đối với tự nhiên rất phù hợp với quan niệm đạo đức môi trường hiện đại như trong Tuyên bố Seoul về Đạo đức môi trường 1997. Do vậy, có thể nói Phật giáo không đi trước về thuật ngữ “đạo đức môi trường” nhưng đã đi trước về nội dung đạo đức môi trường, và hôm nay chúng ta có thể tham khảo và tiếp thu từ đó những gợi ý tích cực.

Thời đức Phật, việc giết nhiều con vật trong các nghi lễ tế thần của Bà la môn giáo đã phát triển tới mức cực đoan, dã man và lãng phí. Bản thân đức Phật trên quan điểm từ bi và bình đẳng giữa mọi sinh linh đã phản đối việt giết súc vật để làm lễ tế hay ăn thịt, và Người đã nêu quan niệm mới về giới “bất hại/ bất sát” (Ahimsha) đối với mọi sinh linh. Người coi “Ahimsha” là một trong những tiêu chuẩn hoàn thiện của một con người thông thái, một người đã làm chủ được bản thân trên con đường tới Niết Bàn. Xem Dharmapada, kệ 225: “The wise who hurt no living being, and who keep their body under self-control, they go to the immortal Nirvana, where onece gone they sorrow no more”. Đức Phật lập luận rằng: “Tất cả mọi sinh linh đều run sợ trước nguy hiểm và cái chết, và yêu quý sự sống của mình. Khi người ta hiểu được điều này thì sẽ không giết hại hoặc gây ra sự chết chóc đối với sinh linh khác”. Dharmapada,  kệ 29: “All beings  tremble before danger, all fear death. When a man considers this, he does not kill or cause to kill”.

Theo nguyên tắc Trung đạo để đối xử với tự nhiên, Phật giáo cho rằng đạo làm người là biết sống dựa vào tự nhiên, nhờ tự nhiên để thỏa mãn các nhu cầu tối thiểu như thức ăn, thức uống, thức mặc và ở... nhưng không phải để thỏa mãn sự tham lam. Phật đã sớm giáo dục tinh thần cộng sinh (living in symbiosis with) theo nguyên tắc trung đạo khi khuyên các gia chủ nên học làm giàu giống như con ong lấy phấn hoa làm mật, không nên tham lam. Đó là biết sống cộng sinh với tự nhiên (Xem Sigalovada Sutra...).

Đạo đức làm người của Phật giáo có điểm mạnh riêng ở chỗ tuy là một tôn giáo song lại dựa trên nền tảng triết lý Duyên khởi, Vô ngã nên mang tính vô thần. Quan niệm Nhân quả - nghiệp báo của Phật giáo có yếu tố tâm linh huyền bí, tuy không kiểm chứng được hết bằng khoa học hiện đại, song cũng không thể phủ định các yếu tố hợp lý của thuyết này, và trên phương diện đạo đức làm người, quan niệm này vẫn phát huy tính tự giác, tính hướng nội cao hơn hẳn so với các tôn giáo hữu thần, và cả đạo đức vô thần giản đơn khác. Khả năng tự phán xét không đổ lỗi cho số mệnh cho thần thánh của triết lý nhân quả - nghiệp báo có ý nghĩa tự giác tu dưỡng đạo làm người rất thuyết phục. Sự phán xét của luật nhân quả cho đến nay vẫn có giá trị răn con người phải dè chừng với từng hành động (thân, khẩu, ý) của bản thân.

Tinh thần đạo đức Trung Đạo, hướng nội, tự giác này được bảo tồn và phát triển liên tục từ Phật giáo nguyên thủy qua các giai đoạn, tới nay. Từ phương diện đạo đức làm người, đạo đức của Phật giáo đã lấy con người và giải phóng con người khỏi khổ làm trung tâm, và nó đã bén rễ thuận lợi, một cách hòa bình ở nhiều nước trong khu vực châu Á, hoà đồng với hầu hết các đạo đức và tôn giáo bản địa trong khu vực. Nhìn một cách tổng thể, đạo đức làm người của Phật giáo là một hệ đạo đức tôn giáo nhưng nổi trội là có khuynh hướng vô thần, thiên về thế giới nội tâm và phát huy được phẩm chất người một cách độc đáo.

 Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2015

(Xin tham khảo thêm Hoàng Thơ, Vấn đề con người trong Đạo Phật. Triết học số 6 (118), tháng 2-2000, tr. 41-44).


1. Trần Văn Trình (2003) “Đạo đức Phật giáo và ảnh hưởng của nó đến đạo đức con người Việt Nam”, Luận án tiến sĩ triết học.

2. Xem: The Heart of Buddhist Meditation. A handbook of Mental Traning Based on the Buddhas Way of Mindfulness, translated from the Pali and Sanskrit by Nyanaponika Thera, Samuel Weiser, New York, 1979, tr. 395-396.

3. Còn được ghi trong Digha Nikaya, hay trong Trường Bộ Kinh của Phật giáo. Xin tham khảo thêm Digha Nikaya: The Long Discourses (2010). John T.  Bullitt soạn dịch  <http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/dn/index.html.>.

Danh mục sách tham khảo

1.   G. Bandze Ladze.  Đạo đức học. Tập 2. Nxb. Giáo dục, HN. 1985.

2.   P. V. Bapat (General editor, 1909). 2500 Years of Buddhism. Ministry of information and Broadcasting Government of India. Delhi..

3.   Vũ Trong Can (1944). Tinh thần Phật giáo. Nxb. Công lực, Tonkin.

4.   Thích Minh Châu (1998), Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.

5.   Collected famous quotes from Albert Einstein. http://rescomp,stanford,edu/~ cheshire/ Einstein quotes.htm.

6.   Digha Nikaya: The Long Discourses (2010). John T. Bullitt soạn dịch  <http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/dn/index.html.>

7.   Nguyễn Đăng Duy (1999), Phật giáo với văn hóa Việt Nam, Nxb Hà Nội.

8.   Francois Jullien (2000), Xác lập cơ sở cho đạo đức, Hoàng Ngọc Hiến dịch và giới thiệu, Nxb Đà Nẵng.

9.   Nguyễn Hùng Hậu (2002), Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

10. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2000), Giáo trình đạo đức học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

11. Maha Thong Kham Medhivongs (1970). Tìm hiểu Phật giáo Việt Nam  nguyên thủy. Nhà in Phạm Ngũ Lão. SG.

12. Thích Thánh Nghiêm (1991). Phật giáo chính tín. Phân viện Nghiên cứu Phật học. HN.

13. Phật học cương yếu (Phật lịch 2505). Bản dịch của Thiều Chửu. Hội Việt Nam Phật giáo. Nxb. Đuốc Tuệ.

14. Kimura Taiken (1971). Nguyên thuỷ Phật giáo  tư tưởng luận. Bản dịch của Thích Quảng Độ. Nxb. Khuông Việt. SG.

15. The Heart of Buddhist Meditation. A handbook of Mental Traning Based on the Buddhas Way of Mindfulness (1979), translated from the Pali and Sanskrit by Nyanaponika Thera, Samuel Weiser, New York.

16. Hoàng Thơ (2000), “Vấn đề con người trong Đạo Phật”. Triết học số 6/2000.

17. Nguyễn Tài Thư (chủ biên 1989). Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nxb. KHXH, HN..

18. Thích Ấn Thuận (1992). Phật giáo khái luận. Nxb. Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp Hà Nội.

19. Nguyễn Đăng Thục (1991). Lịch sử triết học phương Đông. Tập 3. Nxb. TP. Hồ Chí Minh.

20. Trần Văn Trình (2003) “Đạo đức Phật giáo và ảnh hưởng của nó đến đạo đức con người Việt Nam”, Luận án tiến sĩ triết học.

21. Kim Cương Tử. Thích Thanh Nhã và Phạm Kế (1994). Chùa Trấn Quốc - Cảnh đẹp hồ Tây. Nxb. Lao động, Hà Nội.

22. Nguyễn Hữu Vui (chủ biên, 1991). Lịch sử triết học. Tập 1. Nxb. Tư tưởng văn hóa. Hà Nội.

23. A.K. Wander (1991). Indian Philosophy. Motilal Banarsidass Publishers. PVT., LMT., Delhi.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 9
    • Số lượt truy cập : 6059392