Thông tin

TQ14 - ĐẠO PHẬT NHƯ MỘT KINH NGHIỆM SỐNG (TT)

ĐẠO PHẬT NHƯ MỘT KINH NGHIỆM SỐNG (Tiếp theo)

 MAI THỌ TRUYỀN

 

Kinh nghiệm đêm hôm ấy đã cho tôi hai bài học. Thứ nhất là sức mạnh của thói quen do sự chuyên tâm trì tụng tạo thành, sức mạnh ấy bén nhọn như một mũi dùi soi thủng màn vô minh trong âm thầm và bất thức. Thứ hai là sự huân tập và trưởng thành của mọi chủng tử thiện cũng như ác: Nếu mỗi đêm tôi không siêng tụng bài kệ vãng sanh, hoặc tụng mà không định tâm tìm hiểu nghĩa sâu thì ánh sáng kia chắc chắn không đến với tôi.

Từ đây, tôi càng thâm tín hiệu năng của việc trì tụng kinh chú và cái lẽ cần phải luôn luôn sống vì Đạo, trong Đạo, không lúc nào rời.

Với nếp sống mới, cố đi vào nội giới, bớt chạy ra ngoài, tôi cảm thấy cái nhìn của tôi đối với vạn sự vạn vật có phần thay đổi và hai chữ Chánh Kiến trong Bát Chánh Đạo đột nhiên có một nghĩa mới. không phải thấy hiểu chơn chánh mà là "sửa" cái "thấy" của mình cho đúng đắn. Nhưng vì có thấy là có đánh giá, nói có, nói không, nói xấu, nói tốt, nói hư, nói thật... cho nên cái "thấy" một khi bị điều chỉnh thì cái "đánh giá" sự vật cũng bị điều chỉnh luôn.

Một đêm tọa thiền vào năm 1951, lúc vạn duyên gần như bặt mất, thân xác tiêu tan mà một ý niệm cũng chẳng còn, tôi không khỏi ngạc nhiên nhận ra rằng tôi, con người của tôi teo lại chỉ còn một cái "biết", biết có một hơi thở đang lên xuống xì xịt như chiếc ống bể của thợ rèn. Giá như cái xì xịt đó bặt nữa thì còn gì? Chắc chắn chỉ còn có cái "biết" trơ trọi. Cái "biết" mà mất nữa thì còn gì? Có lẽ không còn gì cả! Xác thịt không phải là tôi, tình cảm không phải là tôi, tính toan lo nghĩ cũng không phải là tôi, vậy quả đúng là "vô ngã" không có "thằng tôi" như Phật đã dạy. Và "tôi  thật" có lẽ là cái "biết" kia, bởi vì riêng có nó là tồn tại khi tất cả các yếu tố khác kết thành cái "ngã" đã tiêu tan.

Sự khám phá này xác nhận trong tâm trí tôi công hiệu của thanh tịnh và minh chứng luôn cái lẽ có Tịnh là có Định, rồi nhờ Định mà phát Huệ. Tôi càng thâm tín rằng lời nói của Phật là lời nói của kinh nghiệm. Và vì thâm tín mà tôi đâm ra say mê, bất luận đi, đứng, nằm, ngồi, lòng tôi lúc nào cũng vương vấn ít nhiều với Đạo. Những câu kinh hay, những bài kệ thấm, lộn đi trở lại mãi trong đầu óc tôi, lắm lúc tôi hóa ra gần như người khùng, hoặc miệng lẩm nhẩm, hoặc ngồi thừ người ra đến vài mươi phút mà bất động.

Cái khùng ấy đã lần lượt đưa tôi đến những cử chỉ bên ngoài, hay những ý nghĩ bên trong mà nếu có ai thấy biết được, ắt không khỏi buồn cười.

Bụi hồng Đà Lạt tôi trồng trước cửa vừa có được vài mụt. Tôi mừng quá biết nó đã chịu đất rồi, không chết. Sớm chiều tôi càng chăm nom nó thêm, và theo dõi sức phát triển của mỗi mụt. Chúng to dần để rồi, một sáng nọ, tôi bắt gặp chúng tự xé tét ở đầu và cho thò ra một tượt non xanh xanh, hồng hồng. Hai hôm sau, mỗi tượt đã ra dài, mập mạp, nõn nà, mềm mại như những đứa bé sổ sữa, khả ái thế nào! Ngồi ngắm cây hồng, tôi tự hỏi: Cái gì trong thân cây nhô lên thành mụt? Cái gì xé tét da cây để lấy chỗ cho tượt non xuất đầu lộ diện? Hay chính tượt non ấy? Nhưng nó yếu đuối mềm mại quá mà, làm sao soi thủng lớp vỏ cây vừa dày vừa cứng kia? Thật là bí mật, thật là huyền diệu sức sống trong cây! Ẩn trong lòng mạch nhựa tôi thấy nó lưu chuyển khắp bụi hồng, từ cái rễ con lên đến ngọn, sau khi phóng ra tứ phía, trong cành, trong lá và về sau trong nụ trong hoa. Tất cả những cành, lá, hoa sai biệt này đều do có một cái độc nhất bên trong sanh ra và nuôi dưỡng. Tôi đã học được ở sự vật bài học linh động "Vạn thù quy nhất bổn" hay "Nhất bổn tán vạn thù".

Sáng mồng một Tết, hai đứa cháu bé gái vừa được quà mỗi đứa một con búp bê. Chúng reo mừng quấn quýt, đứa nào cũng ôm sát vào ngực mà ru, không cho ai rờ đến. Nhưng một chặp sau, con em đặt búp bê đồ chơi của nó trên mặt một chiếc bàn con thấp, sửa chân, sửa tay cho ngồi ngay thẳng, rồi đứng xa ra nhìn, bỗng nó la lên, "Á em cũng có đỏ đỏ như má", tay vừa chỉ vết son ở môi ở má của búp bê. Con bé đã cho tôi một bài học về chữ "xả": Không buông tha việc đời, cứ ôm mãi nó vào mình đến nước nó với mình là một, thì làm sao thấy đâu đỏ đâu đen. Không thấy cho nên đỏ cũng lấy mà đen cũng không tha. Và tôi chợt hiểu tại sao trên bước đường đầu, nhà tu hành cần phải xa lìa thế sự.

Một chiếc xe ngựa thoáng qua. Từ trong lề, đôi ba chú nhỏ phóng ra tay vịn vè, chân chạy theo vó ngựa. Bác đánh xe la thấy không hiệu quả, bác đành ra roi cho ngựa sải. Các chú nỗ lực hơn lên, nhưng không đầy một phút, đành buông xe đứng lại hổn hển: "Mệt quá!". Ai bắt các chú phải mệt? Giá các chú đừng chơi ngông, hoặc có lỡ chơi rồi mà biết sớm buông xe, thì nay đâu có bài toán "mệt quá!" phải giải quyết? Trong xã hội mấy ai học được bài học hễ đã lỡ nắm thì phải biết sớm buông và dừng lại, đừng cố chạy theo chiếc xe danh lợi để rồi than mệt. Tôi hiểu câu "Chỉ ác là như vậy".

Quý vị có bao giờ ghim đứng một cây kim cúc trên mặt bàn không? Nếu không xin hãy làm xem: nó đứng, nhưng coi chừng, một khẽ đụng đủ làm cho nó ngã. Đầu to, chân nhỏ, nó ở trong một tư thế quân bình không vững. Ở đời, tôi nhận thấy có một số ít người sống trong cảnh đầu tượng, chân cheo ấy, dầu rằng bề ngoài, họ y như chúng ta không khác. Bao nhiêu sức sống của họ dồn lên trên cho trí huệ, cho đạo đức, đầu óc họ như chiếc bong bóng đầy khinh khí chực bay lên những tầng trời siêu việt. Trên mặt đất thế gian cùng những gì của thế gian, hai chân họ chỉ đụng phớt qua như mũi kim găm phớt trên mặt bàn, và vì vậy họ cũng dễ ngã, với nghĩa là họ không tha thiết với mặt bàn trần thế và chỗ đúng của họ. Phải chăng đây là biểu hiện của mức độ tu hành gọi là "thoát tục"?

Cầm quả chuối xiêm chín muồi, ruột đầy vỏ mỏng, bất giác tôi liên tưởng đến những triết gia, những tu sĩ, trong đầy đặn bao nhiêu, ngoài khô đét bấy nhiêu. Thật rõ tinh thần và vật chất bất dung, hễ cái này thạnh thì cái kia phải suy và bậc thánh nhân đỏ da thắm thịt do cỗ bàn thịnh soạn tài bồi, thắp đuốc tìm nhất định không có trong lịch sử. Lại nữa, tôi tự hỏi, cái ngọt của chuối chín từ đâu lại, há không phải từ cái chát của chuối non, cũng như mùi thơm của hoa huệ là từ mùi thối của phân mà biến thành? Tôi lại chợt hiểu thêm cái lý Tất cả là Một, thiện đó mà ác cũng đó, khéo xoay chiều thì ác thành thiện, và luôn dịp cũng hiểu luôn thuyết "chuyển bát thức thành tứ trí". Chỉ chuyển thôi, không có việc đem cái này thay cho cái kia. Phàm biết mà Thánh cũng biết, nhưng cái biết của Phàm vì sai nên gọi là thức, đến khi lên Thánh cái biết ấy lên theo mà trở thành đúng, nên gọi là trí. Chỉ có thế thôi!

Xông pha trong gió bụi nhưng cố giữ mình như người đi mưa choàng áo tơi, ngoài ướt trong khô, tôi lắm phen trực ngộ được cái thâm thúy của câu "bất biến tùy duyên, tùy duyên bất biến" và cũng nhận ra cái nghĩa chơn xác của câu "Tửu bất túy nhơn, duy nhơn tự túy". Rượu không làm mình say, chỉ mình tự say thì làm sao còn oán trời trách người mà chẳng quy tội về cho mình?

Tất cả đã do mình, phước như họa, thì cầu khẩn với ai để tránh hung được kiết? Vì nghĩ thế mà tôi hoài nghi cái thật chất của những lễ cầu an cầu siêu.

Sách Luận Ngữ chép: Khổng Tử bệnh, lo ngại các học trò xin phép làm lễ "cầu an" cho Ngài. Khổng Tử đáp: "Không cần! Ta đã kỳ đảo cho ta lâu rồi". Đúng như vậy! Đã lâu rồi, đức Khổng đã sống trong cái nếp "khắc kỷ, phục lễ, chánh tâm, tu thân" là thuật cầu an cao cả nhất, hiệu lực nhất, thì nay còn cầu gì nữa, và cầu với ai chớ?! Tôi tự nghĩ, tôi có thể, theo đường lối Phật giáo, thực hiện cái thuật kỳ đảo hay cầu an của đức Khổng.

Ngài khắc kỷ thì tôi "hàng phục tự tâm".

Ngài phục lễ thì tôi "quy y Tam bảo".

Ngài Chánh tâm thì tôi "hành Bát chánh đạo".

Ngài tu thân thì tôi "trì ngũ giới".

Nếu được như vậy những gì phải tới là cứ tới, bận lòng làm chi, cầu khẩn làm gì, khi tự biết rằng mình đã làm tất cả những điều cần làm cho cái bình an của thân tâm.

Còn cầu siêu? Nếu trọn đời tôi không "nguyện vãng sanh Tịnh độ" mà lại "nguyện vĩnh trú Ta bà", không làm lành, chẳng niệm Phật thì sự liệu lý vào giờ chót của thân nhơn tôi, dầu có tươm tất với năm thầy mười sãi, vẫn không đem đến cho vong linh tôi một hiệu quả nào.

Tôi quả quyết tin rằng, không ai cầu an, cầu siêu cho tôi bằng tôi. Tôi phải thi hành câu tự độ của Phật dạy, mà không "cầu tha gia bị" là mong người đắp điếm cho mình. Không, tôi không chịu ỷ lại vào một ai, vào một sức mạnh nào ngoài những nỗ lực của tôi, tôi không muốn mãi sống kiếp con tằm nằm trong kén, mà tôi quyết làm bướm tự lắp cách tung bay trong cảnh rộng thênh của trời cao gió mát.

Hy vọng này, quyết tâm này hòa với những kinh nghiệm mà một ít đã trình bày, đã đưa tôi đến một nhận xét tổng quát: Phật giáo, trước hết là một thuật sống, quy định trên ba nguyên tắc căn bản:

Nguyên tắc thứ nhất là khéo chọn bạn

"Gần mực thời đen, gần đèn thời sáng", mấy ai không biết câu ngạn ngữ thông thường ấy, nhưng lúc thiếu thời, tôi nào đã thận trọng trong việc chọn bạn. Vì vậy mà tôi đã gần những "tổn hữu ác đảng", rồi do đó mà tiêm nhiễm những thói xấu, tật hư, hao tổn sự nghiệp, thanh danh, lắm khi còn sa ngã vào hố sâu tội lỗi. Nhưng chọn ai bây giờ? Chọn những người quen sống trong tình hòa thuận, không giận, không tham, xa chốn phồn hoa mà gần nơi an tĩnh, lòng trong như nước suối, trí rảnh tựa chim ngàn. Tiêu biểu cao nhất cho hạng người đáng gần này là những bậc chơn tu, thạc đức mà đoàn thể có tên là Tăng già. Tôi tin rằng gần được những vị tu sĩ chơn chánh này, tâm hồn tôi phải cảm theo mà trong sạch, thói tranh chấp của tôi chạm tới tánh hiếu hòa của các ngài phải tiêu tan, cuộc đời giải thoát của các ngài làm cho tôi thức tỉnh mà lần hồi cởi mở những xiềng xích gông cùm do thành kiến xã hội, tập quán thế tình và quan niệm si mê của tôi tự rèn đúc để trói buộc thân tâm tôi.

Tôi hiểu nghĩa quy y Tăng là như vậy.

Nguyên tắc thứ hai là sống hợp với Luật thiên nhiên

Luật thiên nhiên là những công lệ của Lương Khải Siêu, là chân lý của nhà triết học, là Dharma hay Pháp của người học Phật.

Không biết mình là một củ hành, ngoài bao bẹ "ngũ uẩn" còn trung tâm là cái trống "không", lại cho mình là thật có, nhất cử nhất động đưa cái "Ta" ra, như thế là sống nghịch với công lệ "vô ngã", tự mình chuốc lấy những nhọc nhằn đau khổ vì cái "Ta" ảo tưởng.

Ngã đã chấp thì pháp cũng chấp luôn: Tất cả là có, vạn vật là miên viễn, danh lợi là trường tồn, cho nên không ngại mà dấn thân vào vòng "phú quý trường trung dị bạch đầu". Lầm chấp như thế là tại dốt cái luật "Vô thường".

Ai cũng sợ hưởng những quả không hay, nhưng ít người biết tránh gây những nhân không tốt, ấy cũng vì còn mê muội về cái luật "nghiệp báo" nghiêm minh.

Với tôi, quy y Pháp tạm hiểu như thế cũng được rồi.

Nguyên tắc thứ ba là trở về với Ánh sáng

Tôi đã nhận những lỗi lầm trong chỗ kết giao, trong đường xử thế, đương nhiên tôi phải nhận luôn là tôi đã sống trong mê muội, trong đui mù. Vậy điều cần thiết bây giờ đối với tôi, là tức tốc xoay lưng với tối tăm và quay về với ánh sáng, để nhờ đó mà thấy đâu là hạnh phúc chơn thật, đâu là đau khổ trá hình, đâu là giải thoát tự tại, đâu là giam cầm hệ lụy.

Quay về an trú trong ánh sáng của tự Tâm, đó là quy y Phật.

Một chiếc tắc xi chạy trước trụ sở Quốc hội. Một khách ngoại quốc kêu lại, bảo chở đến khách sạn Majestic. Đến nơi, ngó đồng hồ thấy ghi 50 đồng, khách móc tiền trả thầm khen giá rẻ vì xe đã chạy vòng vo tam quốc khá lâu. Chiều lại nhàn rỗi, khách tản bộ. Đến công trường Lam Sơn, khách dừng bước, ngó trước ngó sau, thầm nghĩ: "Đúng rồi, hồi sớm mai mình ở đây, và từ đây về Majestic có bao xa đâu, sao xe lại chạy lâu như vậy? Chắc anh ấy không thuộc đường!". Đây là câu chuyện có thật.

Tôi vừa đưa quý vị đi chơi một vòng, khởi điểm từ Tam quy để rồi trở lại Tam quy. Xin quý vị tha lỗi đã làm mất nhiều thời giờ quý báu của quý vị, huống chi tôi không có cái tâm của bác tài tắc xi, và nếu phải nói sự thật, tôi xin thưa rằng tôi đã phí gần mười ba năm mới đi từ cái Tam quy trước đến cái Tam quy sau.

Trước là một Tam quy theo lệ, một Tam quy chết cứng. Sau là một Tam quy sống động thoát ngoài khuôn sáo, một Tam quy trong kinh nghiệm mà tôi có lần giải thích như sau.

Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng phải là ba lời thệ nguyện lớn của người nhập môn cầu Đạo, hay để nói theo quan niệm của tôi, của người muốn chết với đời sống cũ, để sanh sang một đời sống mới. Vì vậy tiếp theo lời thệ nguyện ấy, phải có một cuộc đại cách mạng xảy ra trong thân tâm, tức là trong tư tưởng, lời nói, việc làm.

Nếu sau lễ Quy y, trong vòng năm bảy tháng mà những bạn tiểu nhân rượu tối, trà trưa còn đến gõ cửa, nên biết rằng trong nhà mình chưa có người quân tử tiết tháo, và như thế thì mình chưa thật Quy y Tăng. Hoặc đứng trước một cái lợi, dầu chánh hay bất chánh, mà lòng mình còn bồng bột, trước một cái chết mà lòng mình còn đau khổ theo thường tình, hoặc muốn tránh cái quả bất thiện mà lại cố tình gieo cái nhân quá ác... thì nên biết rằng mình chưa thật Quy y Pháp. Lại hoặc xúc sự mê muội, như thấy sắc động lòng, thấy tiền chóa mắt, lấy buồn làm vui, lấy khổ làm sướng, như thế thì cũng chưa thật Quy y Phật.

Nhưng từ nguyên tắc đến thực hành, con đường không phải gần và không khó khăn, do đây mà Đức Từ Phụ bày vẽ cho kẻ tục người thanh những giới điều mà ai cũng biết hoặc nghe nói đến. Đó là bức rào kiên cố để giữ người quyết tâm qua cầu sanh tử không lọt xuống lạch "ái hà thiên xích lãng" đó là mũi tên chỉ đường đúng đắn cho những ai muốn lìa "khổ hải vạn trùng ba".

Kinh điển Hán văn bảo rằng đức Phật vì "một đại sự nhơn duyên" mà xuất thế và đại sự ấy là sanh tử.

Từ sanh tới tử là một đời người, hay nói đúng hơn, là một giai đoạn trong đời sống bất diệt vô biên của loài người cũng như của toàn thể chúng sanh. Vậy vì vấn đề sự sống mà đức Phật ra đời, và sự sống vô cùng quan trọng.

Sự sống bàng bạc khắp vũ trụ không bờ không bến. Sự sống cũng là Pháp, là Chân lý. Sự sống đã ở khắp cùng và bất diệt thì Pháp cũng ở khắp cùng và bất diệt, và tiếng Pháp vì vậy mà không đâu và không lúc nào là không có: "Pháp âm bất tuyệt" như người xưa đã nói. Tiếng dế ngâm, cưỡng hót là tiếng Pháp, tiếng thảo mộc khai hoa nứt tược là tiếng Pháp. Sóng bổ gió gào, thông reo suối chảy, đồng là tiếng Pháp, thậm chí một hòn sỏi rơi vào vực thẳm không một tiếng vang cũng là tiếng Pháp. Cái nghẹn ngào của một góa phụ, cái thừ người của đứa bé mất cha cũng toàn là tiếng Pháp. Có những tiếng trong cảnh động, có những tiếng trong cảnh tịnh. Ai nghe được tiếng của cõi lòng xa xôi, "cái tiếng của vắng lặng", người ấy đã nghe tiếng Pháp.

Phật linh là nhờ có Pháp, cho nên Phật pháp gắn liền với nhau. Góp lại mà nói, Phật pháp là một thuật sống thần diệu và Phật đạo là con đường êm đẹp nhất cho thế nhân.

Trích tạp chí Từ Quang

số 178 + 179 tháng 6,7/1967

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 14
    • Số lượt truy cập : 6704925