Thông tin

TQ14 - ĐỘC ĐÁO KIẾN TRÚC CÁC NGÔI CHÙA CỔ TIÊU BIỂU

ĐỘC ĐÁO KIẾN TRÚC CÁC NGÔI CHÙA CỔ TIÊU BIỂU

Ở VÙNG ĐẤT VIỆT YÊN, BẮC GIANG

TẠ VĂN TRƯỜNG

Việt Yên là một huyện thuộc vùng trung du của tỉnh Bắc Giang, giữa lưu vực của sông Cầu và sông Thương. Vùng đất này thuận lợi về giao thông thủy bộ, là khu đệm giữa hai trung tâm lớn Bắc Giang và Bắc Ninh. Phật giáo vào Việt Yên từ thời Lý, dấu vết còn để lại cho đến ngày nay là con rồng đá thời Lý hiện đang đặt trước cửa chùa My Điền (Thánh Minh tự). Phật giáo Việt Yên thuộc dòng Đại thừa, gần như mỗi thôn làng của huyện Việt Yên đều có một ngôi chùa để dân làng thờ Phật. Bên cạnh chùa Bổ Đà nổi tiếng – một sơn môn của vùng Kinh Bắc xưa, còn có nhiều ngôi chùa làng cổ ít người biết đến như: Chùa Khả Lý (Vĩnh Hưng tự), chùa My Điền (Thánh Minh tự), chùa Vân (Diên Phúc tự), chùa Thổ Hà (Đoan Minh tự), chùa Vân Cốc (Sùng Nghiêm tự), chùa Quang Biểu (An Thổ tự), chùa Sen Hồ (Vĩnh Phúc tự), chùa Hoàng Mai (Minh Linh tự), chùa Ninh Khánh (Vĩnh Nghiêm tự), chùa Phúc Tằng (Sùng Quang tự), Chùa Nội Ninh (Linh Sơn tự),... và nhiều ngôi chùa cổ khác trong huyện đã tạo nên những công trình kiến trúc, điêu khắc có giá trị lịch sử, văn hóa mà ít nơi nào có được.

1. Chùa Bổ Đà

 

Chùa Bổ Đà thuộc địa phận thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn. Chùa được xây dựng từ thế kỷ XI (Nhà Lý) nhưng qua nhiều cuộc chiến tranh ngôi chùa đã bị tàn phá ít nhiều. Phải đến thời vua Lê Dụ Tông (1705-1729) niên hiệu Bảo Thái, chùa Bổ Đà mới được dựng lại và có kiến trúc như ngày nay. Chùa Bổ Đà là một trong những di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh Bắc
Giang nói chung và Việt Yên nói riêng. Chùa là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Kiến trúc chùa có sự độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc nội thông ngoại bế tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng. Toàn bộ chùa chính có diện tích khoảng 51.784m2 được phân ra làm ba khu rõ rệt. Khu vườn: 31.000m2, khu nội tự chùa 13.000m2 và khu vườn tháp rộng: 7.784m2. Với hệ thống kiến trúc 18 tòa ngang dãy dọc và gần một trăm gian liên hoàn, bố cục kiến trúc hài hòa được xây dựng bằng các vật liệu: gạch nung, ngói, tiểu sành, tường bao được làm bằng đất rất độc đáo. Đặc biệt, chốn tổ Bổ Đà hiện còn một vườn tháp cổ, nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của hơn 1.400 vị tăng ni, với gần 100 ngôi tháp, hiếm thấy nơi nào khác trên đất nước ta. Hiện trong chùa Bồ Đà vẫn còn lưu giữ mộc bản kinh Phật cổ được khắc trên gỗ thị như Lăng nghiêm chính mạch, Yết ma hội bản, Nam hải ký quy v.v... Bộ kinh được xếp trên 8 giá, mỗi giá có 4 tập sách kinh gồm 240 tấm ván gỗ hợp thành, tất cả có khoảng 2.000 tấm. Trải qua gần 300 năm, bộ kinh hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Đặc biệt là những tấm gỗ thị dùng để khắc kinh đều rất bền, đẹp. Kinh được khắc nổi bằng chữ Hán, nét chữ tinh xảo, đến nay vẫn còn rất sắc, rõ nét. Chùa được công nhận Di tích lịch sử nghệ thuật, theo QĐ số 138/QĐ-BVH, Ngày 31/01/1992.

2. Chùa My Điền (Thánh Minh tự)

Chùa My Điền thuộc thôn Hoàng Mai, xã Hoàng Ninh. Chùa nằm ở trung tâm làng, 3 mặt chùa giáp khu dân cư thôn My Điền, phía trước hướng Nam giáp với đình My Điền tạo ra kiểu kiến trúc “tiền Thần, hậu Phật”. Qua hiện vật rồng đá xanh có thể nhận định, chùa Thánh Minh đã có từ thời Lý - Trần: Hình rồng thắt 7 túi, đầu có mào lửa, tạo tư thế đang ngậm ngọc, thân nhẵn, không tạo vây, hình thon thả, vuốt nhỏ gọn chầu về phía sau. Chùa có bình đồ kiến trúc theo kiểu hình chữ “đinh”, gồm tòa Tiền đường nối với tòa Thượng điện bằng dải ống muống và phía sau chùa là nhà Tổ 3 gian. Tòa Tiền đường gồm 5 gian, với 6 vì mái. Liên kết giữa các vì mái theo kiểu vì kèo cánh báng. Cả 6 vì kèo đều được làm bằng gỗ bạch đàn bào trơn, trang trí hoa văn là những đường chỉ gờ chạy suốt. Tường bao được xây bằng gạch chỉ, phủ vữa, mái lợp ngói ta. Tòa Thượng điện gồm 3 gian, 4 vì mái liên kết theo kiểu con chồng trụ giá chiêng và kiểu cốn mê. Toàn bộ hệ thống khung chịu lực của chùa làm bằng gỗ lim và gỗ bạch đàn chắc chắn. Nghệ thuật chạm khắc trên kiến trúc gỗ của chùa Thánh Minh chủ yếu được thể hiện trên bộ khung chịu lực làm bằng gỗ chắc khỏe, tại các cấu kiện kiến trúc gỗ này, các nghệ nhân chủ yếu tạo thành những đường gờ chạy quanh, soi gờ, kẻ chỉ, bào trơn, đóng bén. Trên các mảng trang trí ở các đấu kê và các vì kèo, con rường tạo thành những thể khối to, mập, với những đường họa tiết hoa văn trang trí đường diềm chạy bo quanh, thể hiện sự kế thừa của phong cách nghệ thuật tạo dựng thời Lê Trung Hưng (khoảng thế kỷ XVIII). Chùa Thánh Minh được UBND tỉnh Bắc Giang đã công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa theo Quyết định số 86/QĐ-CT, ngày 30/01/2004.

3. Chùa Khả Lý (Vĩnh Hưng tự)

Chùa Khả Lý (Vĩnh Hưng tự) nằm ở thôn Khả Lý Thượng, xã Quảng Minh. Chùa được xây dựng từ thời Lê, quay mặt về hướng Nam. Chùa còn một cây hương được tạo vào niên hiệu Chính Hòa tam niên. Diện tích chùa hiện nay là 1.385m2 gồm các phần: sân phía trước cổng, tam quan, sân chùa, tiền đường, hậu cung, nhà mẫu. Đi từ ngoài vào qua tam quan, sân chùa và đến tòa Tiền đường, 5 gian, 2 trái, 2 dĩ, đầu hồi bít đốc, kết cấu vì kèo kiểu chồng rường kẻ truyền, trên đỉnh nóc có ba chữ Vĩnh Hưng tự. Bờ nóc và bờ dải là những hàng gạch xây giật cấp, mái lợp ngói mũi, hai bên – tả hữu của tòa tiền đường có đặt hai pho tượng khuyến thiện và trừng ác với kích thước khá lớn. Thượng điện được làm 4 gian dọc nối liền với tiền đường, kết cấu vì kèo kiểu chồng rường giá chiêng, kèo kìm. Gắn kết với chùa Khả Lý Thượng là chùa Khả Lý Hạ, cả 2 ngôi chùa đóng một vai trò quan trọng kết nối đời sống tâm linh của người dân 2 làng nói riêng và trong vùng nói chung.

4. Chùa Hoàng Mai (Minh Linh tự)

 Đây là di tích cổ, theo bản ngọc phả của làng và nhân dân cho biết, ngôi chùa này ban đầu do Đỗ Danh Cần xây lên cho làng thờ cúng và cầu đảo, sau khi nằm mộng thấy thần khuyên bảo. Đó cũng là nơi công chúa Thiều Dương về thăm cầu đảo thấy ứng nghiệm và chính công chúa và vua cha là Lê Thánh Tông đã cho dân làng Hoàng Mai tiền để xây dựng, mở rộng ngôi chùa linh thiêng này. Chùa cũng là nơi Đặng tướng công đến cầu cúng và ứng nghiệm được âm phù sau đánh thắng giặc Mạc. Tiếc rằng ngôi chùa quý giá này bị phá năm 1947. Năm 1990 nhân dân Hoàng Mai đã tiến hành tu dựng ngôi chùa này làm nơi thờ Phật cho mọi người. Căn cứ vào di tích, di vật còn lại cho thấy Minh Linh tự xưa có quy mô to lớn và cổ kính. Đây là di tích lịch sử văn hóa quý, gắn liền với lịch sử xây dựng và phát triển của làng Hoàng Mai. Chùa Minh Linh được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật theo QĐ số 74/QĐ-BVH, Ngày 2/2/1993.

5. Chùa Vân (Diên Phúc tự)

 

Chùa nằm ở giữa làng Vân, xã Vân Hà, quay mặt về hướng Tây. Theo các văn bia hiện còn và theo Sự tích từ tự làng Vân thì chùa Vân có từ thế kỷ XIV, nhưng phải đến đầu thế kỷ XVI, dưới chiều vua Lê Thần Tông, chùa mới được xây dựng khang trang to lớn như ngày nay. Tam quan chùa cao hơn 7m, rộng 11m, có 3 cửa cuốn vòm. Cửa Phật chính gỗ lim bóng loáng. Tả, hữu 2 bên là cửa pháp, cửa tăng. Qua tam quan là một sân gạch lát rộng. Trước tiền đường, tam bảo có 4 dãy bia. Tiền đường 7 gian dài 20m, rộng 10m, với kiến trúc con chồng đấu kê. Kết cấu vì theo kiểu thượng tứ hạ ngũ, với 4 hàng chân cột, mỗi hàng 8 chiếc cao gần 5m. Tòa hậu đường cao hơn thượng điện, 5 hàng chân, kèo cổ ngỗng, làm nhà tổ thờ các vị sư trụ trì ở chùa này. Hệ thống tượng Phật, cùng nhiều hoành phi câu đối, y môn, đại tự sơn thếp rực rỡ. Trong chùa còn có 2 pho tượng đá, 3 rùa đá và 102 tấm bia đá trong đó có một tấm ở thế kỷ XVII (1651) khắc hai chữ Việt Nam. Tất cả đều là những tác phẩm điêu khắc tuyệt vời của các nghệ nhân cổ thế kỷ XVII. Ngày 9/1/1990 chùa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật theo QĐ số 34/QĐ-BVH, Ngày 9/01/1990.

6. Chùa Thổ Hà (Đoan Minh tự)

Chùa được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc với quy mô lớn. Phía trước là tam quan, nối với gác chuông và con đường lát gạch thẳng vào tòa tam bảo. Qua dãy hành lang tới động tiên. Đây là một kiến trúc đẹp, mô tả hình ảnh từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành và quá trình tu hành đắc đạo của vị Phật ngự ở đây. Qua sân gạch là tới nhà tổ, nơi thờ các vị sư tổ trụ trì ở chùa. Ngoài hệ thống tượng Phật hoàn mỹ được bảo vệ chu đáo, chùa Đoan Minh còn có một tấm bia đá ghi chép về ngày khởi dựng và tu tạo ngôi chùa. Chùa được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật, theo QĐ số 226/QĐ-BVH, Ngày 5/02/1994.

7. Chùa Vân Cốc (Sùng Nghiêm Tự)

Chùa thuộc thôn Vân Cốc, xã Vân Trung, nhân dân gọi là chùa Bài Cả. Chùa nằm ở giữa làng, từ ngoài vào ta nhìn thấy Tam quan được làm 3 gian, 2 tầng 4 mái; qua tam quan là khoảng sân nhỏ, tòa Tiền đường được làm 7 gian, 2 chái, đầu hồi bít đốc, kết cấu vì kèo kiểu chồng diên quá giang kẻ truyền; qua Tiền đường là Tam bảo được làm 3 gian, 2 trái, gồm có 5 lớp tượng, 2 bên là 40 bức tượng long bài được chạm dẹt, đây là bộ tượng hiếm thấy ở các chùa; phía ngoài 2 bên thượng điện là 2 dãy hành lang, mỗi bên có 9 vị La hán ở các tư thế khác nhau; phía sau Tam bảo là nhà gác chuông gồm 5 gian; bên trái là nhà Mẫu 3 gian, dưới nữa là nhà tổ và nhà sách, mỗi tòa 3 gian, sau cùng là nhà ở của sư trụ trì chùa và các công trình phụ khác. Năm 1989, chùa Bài Cả được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

8. Chùa Quang Biểu (An Thổ tự)

Chùa nằm ở trung tâm làng Quang Biểu, thuộc xã Quang Châu. Đây là một công trình kiến trúc tiêu biểu của nhân dân Quang Biểu. Theo “Quán quận công bia” khắc vào triều vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 7 (năm 1711) hiện còn lưu giữ ở chùa cho biết chùa được xây dựng trước đó vài năm với quy mô lớn, ngoảnh hướng Tây. Toàn bộ khuôn viên chùa có mặt bằng hình gần vuông. Bình đồ kiến trúc gồm tam quan, tòa tam bảo và nhà tổ tạo nên khối kiến trúc tiền đinh hậu nhất truyền thống. Từ tam quan qua vườn chùa đến thẳng tòa tam bảo gồm tiền đường và Phật điện kết cấu theo lối chữ “đinh”. Tiền đường 7 gian, tường xây bít đốc. Kết cấu chịu lực đều bằng các cột gỗ lim chắc khỏe kê vững chãi trên các chân tảng đá xanh. Trong chùa còn lưu giữ hệ thống tượng Phật phong phú gồm gần 40 pho được chia ban bệ rõ ràng. Căn cứ vào dòng lạc khoản đề trên các bức y môn, đại tự này cho biết đây là những công trình chạm khắc có giá trị nghệ thuật cao được tạo tác hầu hết vào năm Giáp Thìn (1904), niên hiệu Thành Thái. Phía sau chùa là dãy nhà tổ 7 gian. Bên trong còn lưu giữ nhiều hiện vật, tài liệu Hán Nôm quý. Đặc biệt là 3 tấm bia đá và một sập đá thời Lê có liên quan đến thân thế sự nghiệp của Quán quận công Nguyễn Thế Nho và phu nhân là những người công đức lớn cho việc xây dựng chùa.

9. Chùa Phúc Tằng (Sùng Quang tự)

Chùa là một công trình kiến trúc cổ kính tọa lạc trên một khu đất giữa làng ở thôn Phúc Tằng, xã Tăng Tiến. Đây là ngôi cổ tự được nhân dân địa phương xây dựng với quy mô bề thế mang tính chuẩn mực của nghệ thuật kiến trúc chùa tháp theo tông phái Đại thừa ở miền Bắc Việt Nam. Tương truyền chùa được xây dựng từ thời Lý, năm Canh Ngọ (1630). Chúa Thanh Vương Trịnh Tráng đứng đầu hưng công trùng tu chùa cổ khang trang đẹp đẽ với quy mô lớn. Các thời Lê, Nguyễn, chùa được trùng tu tôn tạo nhiều lần, đến nay công trình kiến trúc chùa Phúc Tằng hiện còn lại tòa tiền đường, tam bảo. Tòa tiền đường gồm 5 gian, 2 trái, phía trước là cửa bức bàn chấn song. Hệ thống chịu lực bằng gỗ lim với 8 hàng chân cột, kết cấu kiến trúc theo lối chồng diêm, trụ giá chiêng, tiền kẻ hậu bẩy. Các cấu kiện được tạo bằng gỗ tứ thiết chắc khỏe, bào trơn, đóng bén, soi gờ, kẽ chỉ. Trên các con chồng ở vì nóc, vì nách đều chạm nổi hình hoa văn lá cúc lật, vân xoắn vân mây. Giữa các vì được liên kết với nhau bởi hệ thống xà thượng, xà trung và hạ cùng hệ thống hoành, rui mè. Trong tòa tiền đường dựng một tấm bia đặt trên mình con rồng bằng đá. Bia có niên hiệu: Hoàng triều Đức long tam niên. Chùa là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống và tín ngưỡng của Tăng Tiến từ xưa đến nay.

10. Chùa Xuân Lạn (Phả Quang tự)

Đây là ngôi chùa cổ được xây dựng vào thời Lê, thuộc làng Xuân Lạn, xã Hương Mai. Chùa gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung được gắn kết với nhau theo bố cục chữ “đinh”. Tiếc rằng chùa đã bị Thực dân Pháp phá hủy hoàn toàn. Năm 1999, chùa được xây dựng lại trên nền đất mới theo kiến trúc cổ. Ngôi chùa hiện nay gồm tòa tiền đường 3 gian và 2 chái và một hậu cung 2 gian. Kết cấu kiến trúc của chùa theo kiểu kèo kìm, quá giang.

11. Chùa Hữu Nghi (Cổ Linh tự)

Chùa thuộc thôn Hữu Nghi, xã Ninh Sơn. Chùa được xây dựng liền kề với đình làng, ngoảnh hướng Nam. Tương truyền, chùa được xây dựng vào thời Lê thế kỷ XVII, có quy mô to lớn. Trải qua năm tháng chiến tranh tàn phá, chùa đã qua nhiều lần trùng tu tôn tạo. Chùa hiện nay được tạo bởi 5 gian tiền đường và 3 gian hậu Phật. Mặt bằng kiến trúc theo kiểu chữ “đinh”. Hệ thống khung chịu lực là gỗ tứ thiết kết cấu lối kẻ chuyền trụ giá chiêng bào trơn đóng bén. Hai bên tả hữu đặt tượng Đức Ông và Thánh Tăng tạc bằng chất liệu gỗ. Nối với tòa tiền đường là 2 gian Phật điện, đây là trung tâm thờ Phật của chùa. Tất cả tượng đều được tạc bằng gỗ, ngoài phủ sơn thếp rất đẹp, mỗi người một dáng vẻ rất độc đáo. Ngoài hệ thống tượng Phật có giá trị, hiện chùa còn lưu giữ 7 tấm bia đá có các niên hiệu: Chính Hòa tam niên (1682), Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711), Thiệu Trị thứ 3 (1842), Thiệu Trị thứ 6 (1845), Tự Đức thứ 6 (1853), Tự Đức thứ 8 (1855), Thành Thái thứ 15 (1903). Đây là nguồn tư liệu Hán Nôm có giá trị giúp ta hiểu được lịch sử ngôi chùa, phong tục tập quán của làng.

12. Chùa Thạch Long

Chùa nằm ở phía Đông Nam làng Hạ Lát, xã Tiên Sơn, là một ngôi chùa cổ thời Lê nằm ở mom đất ăn vào giữa hồ Thạch Long được xây dựng ở mảnh đất miệng rồng theo truyền thuyết về mẫu sinh ra Thạch Linh thần tướng. Tên chùa được gọi theo dải đất nơi chùa tọa lạc. Chùa có bố cục chữ “đinh” gồm 5 gian tiền đường, ba gian tam bảo. Kết cấu chùa theo lối kẻ chuyền giá chiêng không chạm khắc cầu kỳ. Trong khu vực nội tự của chùa có hai ngôi tháp cổ nấp trong bóng lá – đó là tháp của hai vị sư tổ. Hệ thống tượng Phật khá đẹp và có giá trị nghệ thuật cao. Năm 1995 – 1996, chùa đã được nhân dân tu sửa, tôn tạo lại. Bên cạnh đó, Chùa Vân Sơn nằm ở sườn núi phía sau chùa Thạch Long, cách đình Hạ Lát không xa. Đây cũng là một ngôi chùa cổ thời Lê thế kỷ XVIII. Chùa có 5 gian tiền đường và 4 gian tam bảo.

13. Lương Minh tự và chùa Trùng

Cả hai ngôi chùa đều thuộc thôn Đông Long, xã Quảng Minh. Lưỡng Minh tự được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng, tu sửa vào thời Nguyễn. Chùa gồm 3 gian tiền đường, 3 gian Phật điện tạo thành bố cục chữ đinh, xây bình đầu bít đốc. Hệ thống tượng Phật cổ khá hoàn chỉnh. Đến trước năm 1999, chùa chỉ còn Tam bảo. Năm 1999, chính quyền và nhân dân tiến hành tại tu lại chùa. Chùa Trùng được xây vào khoảng cuối thế kỷ XVIII. Tiền đường gồm 3 gian, 2 trái, hai gian Phật điện tạo bố cục chữ “đinh”. Các vì mái kết cấu thượng con chồng, trụ đấu kê, bốn hàng chân cột. Do điều kiện chiến tranh nên chùa đổ nát rất nhiều. Sau này, chùa đã được nhân dân địa phương xây lại.

14. Chùa Sen Hồ

Chùa Sen Hồ tọa lạc trên một khu bằng phẳng ở rìa làng, mặt nhìn ra hướng Tây. Chùa có quy mô khá đồ sộ gồm có: tòa tiền đường, thượng điện, nhà tổ, nhà mẫu. Thông qua các hiện vật có trong chùa, qua kết cấu kiến trúc, đã cho thấy niên đại xây dựng của chùa là vào cuối thế kỷ XVIII. Chùa có kết cấu kiến trúc được làm theo kiểu tiền kẻ, hậu bẩy, kê đấu chồng rường. Các vì được giằng néo với nhau bởi các xà để tạo thành bộ khung vững chắc. Trong chùa hệ thống tượng Phật được sơn son thếp lộng lẫy và tương đối hoàn chỉnh.

15. Chùa Nội Ninh (Linh Sơn tự)

Linh Sơn tự hay còn gọi là chùa Suối, thuộc thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn, là sản phẩm điêu khắc kiến trúc đầu thế kỷ XVIII (năm Tân Tỵ triều vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa thứ 22-1701) và được trùng tu lớn vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Thông thường, các công trình kiến trúc truyền thống bài trí theo lối nhất dọc. Song ở đây, các công trình lại được bài trí sắp đặt theo hàng ngang chải rộng theo sườn núi Kẻ, nhìn về hướng Tây Nam. Đi từ Tam quan vào bên trái là 3 gian tạo soạn, bên phải là nhà tổ, tiếp đến là tòa Tam bảo. Đây là điểm khác biệt trong cách bố trí các hạng mục công trình trong cùng một di tích. Hiện chùa có tòa tiền đường 7 gian, 2 chái, đầu hồi bít đốc, thượng điện xây 3 gian dọc, kết cấu vì kèo kiểu chồng rường kẻ truyền. Trong chùa hiện giữ được 3 bức hoành phi, 4 đôi câu đối, 2 bia đá. Trên hệ thống con chồng, xà đùi, kẻ hiên được chạm nổi hình rồng, mây cụm, hoa văn lá lật, long hóa... mang phong cách của nghệ thuật chạm khắc cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX. Chùa Nội Ninh được UBND tỉnh Bắc Giang ra Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa (Quyết định số 2163/QĐ-UBND ngày 19 tháng 12 năm 2008).

16. Chùa Trung Đồng

Chùa nằm tại làng Trung Đồng, xã Vân Trung, ngoảnh mặt hướng Đông Nam. Cổng chùa dựng theo lối Tam quan gác chuông chồng diêm 8 mái. Chùa có bố cục hình chữ “đinh”. Tiền đường 5 gian xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi, 2 bên hồi tạo cánh phong đơn, 3 gian giữa mở cửa bức bàn. Kết cấu chịu lực bên trong tạo bởi 6 vì, mỗi vì 4 hàng chân cột chắc khỏe. Phật điện được tạo bởi 3 gian, tòa tam bảo được trang hoàng lộng lẫy bằng các họa tiết chạm khắc trên kết cấu gỗ. Trong chùa có 1 quả chuông đồng lớn và 2 bia đá có nội dung thờ hậu Phật.

17. Chùa Đức Liễn (Sùng Ân tự)

Sùng Ân tự thuộc thôn Đức Liễn, xã Hồng Thái, là một công trình kiến trúc đẹp, là ngôi cổ tự quy mô lớn, văn bia lưu lại bên trái tòa tiền đường cho biết ngôi chùa được tu sửa vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII) có bình đồ kiến trúc hình chữ đinh với bộ khung được làm bằng gỗ lim chắc khoẻ. Hiện chùa Sùng Ân còn bảo lưu được hệ thống tượng Phật cổ có giá trị thẩm mĩ cao, đặc biệt là pho tượng A Di Đà, tác phẩm nghệ thuật điêu luyện, là một trong những pho tượng cổ, có kích thước vào loại lớn của tỉnh Bắc Giang. Phía hồi sau thượng điện còn trường tồn một cây thị hàng trăm năm tuổi. Hiện nay, ngôi cổ tự mới được trùng tu, tu bổ thêm 12 gian nhà mẫu, nhà tổ hình chữ Nhị; chùa một cột bằng đá xanh được tạo tác công phu; vườn tháp và khuôn viên chùa được quy hoạch lại khang trang, có cảnh sắc đẹp.

Bên cạnh những ngôi chùa cổ kể trên còn một số ngôi chùa cổ khác có kiến trúc nghệ thuật độc đáo ở vùng đất Việt Yên đã được Nhà nước xếp hạng mà trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi chưa có dịp đề cập như: Chùa Chàng (xã Việt Tiến), chùa Trúc Tay (xã Vân Trung), chùa Thượng (xã Thượng Lan), chùa Bảo Mai (xã Ninh Sơn).

Việt Yên là một huyện có nhiều di tích, trong đó nhiều ngôi chùa cổ đã được Nhà nước xếp hạng. Nhìn chung, các ngôi chùa trong huyện phong phú về số lượng, có quy mô lớn, vừa và nhỏ. Bên cạnh nhiều chùa cổ kính kể trên, còn có một số ngôi chùa khác được trùng tu, xây mới quy mô lớn thời gian gần đây như: Chùa Ích Minh (xã Hương Mai), chùa Phúc Lâm (xã Hoàng Ninh),v.v... Phác họa qua một số ngôi chùa về kiến trúc và mỹ thuật trang trí ở trên, có thể thấy các chùa ở Việt Yên gắn bó rất mật thiết với trình độ và phong cách kiến trúc, điêu khắc của dân tộc ta trong các thời kỳ lịch sử, gắn bó với đời sống làng xã qua các triều đại. Ở đó thể hiện tinh hoa, óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của các nghệ nhân và thợ lành nghề Việt Yên từ đời này qua đời khác. Vẻ đẹp kiến trúc và mỹ thuật điêu khắc ở các ngôi chùa Việt Yên đã tạo nên những giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc là một trong những nét độc đáo của văn hóa Việt Nam. Trách nhiệm của mỗi chúng ta là phải giữ gìn những công trình kiến trúc đó, càng giữ nguyên trạng càng tốt, nhất là khi trùng tu tôn tạo. Kiến trúc và điêu khắc ở mỗi ngôi chùa ở Việt Yên được bảo tồn và giữ nguyên trạng càng tôn thêm vẻ đẹp cổ kính đầy bản sắc của các ngôi chùa Việt Yên, Bắc Giang nói riêng và Việt Nam nói chung.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 13
    • Số lượt truy cập : 6704916